Header Ads

  • Breaking News

    Lý Quang Diệu: Tại sao Đặng Tiểu Bình quyết định tấn công Việt Nam?

    Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

    Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú từ nguồn tiếng Trung trên mạng Nhân dân (Trung Quốc) ngày 7/6/2011李光耀:邓小平决策对越自卫反击战内情.

    Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc nghĩ sao nói vậy. Người Trung Quốc không bao giờ che giấu quan điểm của mình, nói như đinh đóng cột [nguyên văn: nói một câu là một câu].

    Trong Chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc đã ra tuyên bố rằng một khi Mỹ áp sát sông Áp Lục thì Trung Quốc không thể ngồi xem bỏ qua. Ngược lại, người Mỹ đã phớt lờ [tuyên bố đó]. Trên chính sách ngoại giao, người Trung Quốc nghĩ thế nào thì phát biểu thế ấy. Viên phiên dịch nói, Đặng Tiểu Bình không có điều gì cần bổ sung về phía Đảng Cộng sản. Thực ra, điều Đặng Tiểu Bình nói bằng tiếng Trung là ông đã “không còn hứng thú nhắc lại”.

    Ông cho biết có hai nguyên nhân khiến Trung Quốc một lần nữa phải nói rõ chính sách Hoa kiều: Thứ nhất, các hành động chống Trung Quốc của Việt Nam; thứ hai, dựa trên những cân nhắc nội bộ của Trung Quốc, điều này có liên quan đến tác hại còn lại của Bè lũ Bốn Tên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

    [Hồi đó] Thân nhân của Hoa kiều ở lại đại lục bị hành hạ rất thê thảm, số trường hợp bị hãm hại hoặc giam cầm nhiều không kể xiết. Đặng Tiểu Bình muốn tái xác lập lập trường của Trung Quốc đối với Hoa kiều ở ngoài nước, tuyên bố rằng Trung Quốc tán thành và khuyến khích họ chấp nhận quyền công dân của quốc gia họ cư trú, và kêu gọi những Hoa kiều muốn giữ quốc tịch Trung Quốc hãy tuân thủ luật pháp của quốc gia họ cư trú, đồng thời nói rõ quan điểm Trung Quốc không công nhận hai quốc tịch.

    Về vấn đề Campuchia, ông đảm bảo với tôi rằng cách giải quyết của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc Liên Xô và Việt Nam ký hiệp ước hợp tác hữu nghị với nhau. Cho dù Việt Nam yêu cầu Liên Xô liên kết đe dọa Trung Quốc thì Trung Quốc cũng không sợ hãi, huống chi Liên Xô cũng chẳng dám trắng trợn gây sự với Trung Quốc. Ông nghiêm nét mặt nói rằng nếu Việt Nam xâm phạm Campuchia thì Trung Quốc tất sẽ trừng phạt Việt Nam. Trung Quốc ắt phải bắt họ trả giá cho điều đó. Rốt cuộc Liên Xô cũng sẽ thấy rằng giúp Việt Nam là một gánh nặng không chịu nổi.

    Trong số các nhà lãnh đạo tôi từng gặp, Đặng Tiểu Bình là người để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Mặc dù chỉ cao 5 thước Anh, nhưng ông ấy là người tài xuất chúng. Tuy đã 74 tuổi nhưng khi đối mặt với thực tế khó chịu, ông luôn sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình. Hai năm sau, Trung Quốc lần lượt thực hiện những thu xếp khác với các Đảng Cộng sản ở Malaysia và Thái Lan, và quả nhiên từ đó trở đi đã chấm dứt các buổi phát thanh.

    Trong bữa ăn tối, tôi mời ông cứ tự nhiên hút thuốc lá. Ông chỉ vào bà vợ và nói rằng bác sĩ yêu cầu bà ấy bắt ông cai thuốc. Và ông đang cố gắng bớt hút thuốc, cả tối hôm ấy ông không hút thuốc và cũng không dùng ống nhổ. Qua đọc báo, ông biết rằng tôi dị ứng với thuốc lá.

    Trước khi Đặng Tiểu Bình rời Singapore, tôi lại đến biệt thự Phủ Tổng thống gặp ông và nói chuyện trong suốt 20 phút. Ông rất vui khi được thăm lại nơi ông từng xa cách đã 58 năm. Thay đổi của Singapore quả thật là quá lớn, ông chúc mừng tôi. Ông nói, ông luôn mong rằng trước khi đi gặp cụ Marx sẽ có dịp đến thăm Singapore và Mỹ. Ông từng có duyên nợ với Singapore từ khi đảo quốc này còn là thuộc địa. Ông muốn thăm Singapore vì sau Thế chiến I, ông sang Marseille học tập và làm việc, trên đường có ghé qua Singapore. Ông muốn thăm Mỹ, vì Trung Quốc và Mỹ phải đối thoại với nhau. Mãi cho đến khi Việt Nam xâm chiếm Campuchia, tôi mới hiểu tại sao ông lại háo hức muốn đi Mỹ đến thế.

    Trên đường ra sân bay, tôi không úp mở hỏi thẳng Đặng Tiểu Bình rằng ông định làm gì trong trường hợp Việt Nam thực sự tấn công Campuchia. Liệu ông có bỏ mặc để cho Thái Lan tự chống đỡ một cách yếu ớt và bất lực, liệu ông có lạnh nhạt nhìn họ chịu đựng đủ mọi đe nẹt dọa dẫm rồi sau đó xích lại gần Liên Xô hay không? Ông mím môi, nheo mắt lẩm bẩm: “Điều đó phải xem họ [Việt Nam?] đi bước ấy bao xa.” Tôi nói rằng Thủ tướng Thái Lan đã công khai và toàn tâm toàn ý đón tiếp ông ở Bangkok; ông phải có hành động [đáp lại] mới được. Tướng Kriangsak Chomanan [đương kim Thủ tướng Thái Lan] sẽ còn phải dựa vào Trung Quốc để duy trì sự cân bằng quyền lực nào đó. Xem ra Đặng Tiểu Bình có vẻ rất bối rối, và ông ta lại lẩm bẩm: “Chuyện ấy phải xem họ làm đến bước nào.”

    Vài tuần sau, có người đưa tôi xem một bài báo viết về Singapore đăng trên tờ “Nhân dân Nhật báo” của Bắc Kinh. [Có thể thấy Trung Quốc] đã thay đổi đường lối đưa tin, [truyền thông của họ] tới tấp mô tả Singapore là một thành phố-vườn hoa, họ nói rằng việc trồng cây, xây nhà chung cư và làm du lịch ở đây đều đáng được khảo sát, nghiên cứu. Chúng ta [Singapore] không còn là con “chó săn của đế quốc Mỹ” nữa. Đến năm thứ hai, cũng tức là tháng 10 năm 1979 thì cảm nhận của Trung Quốc về Singapore lại thay đổi nhiều hơn nữa. Vào thời đó, Đặng Tiểu Bình nói trong một bài phát biểu: “Tôi đã đến Singapore để khảo sát cách họ sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Singapore hưởng lợi từ các nhà máy do người nước ngoài thành lập. Thứ nhất, khoản thuế 35% đánh vào lợi nhuận ròng do các công ty nước ngoài nộp thuộc về sở hữu của nhà nước; thứ hai, thu nhập từ lao động thuộc về người lao động; thứ ba, đầu tư nước ngoài thúc đẩy ngành dịch vụ. Tất cả đều là thu nhập (của quốc gia)”. Singapore mà Đặng Tiểu Bình nhìn thấy năm 1978 đã cung cấp một tiêu chuẩn tham khảo cho những thành tựu cơ bản nhất mà người Trung Quốc đang phấn đấu giành lấy.

    Cuối tháng 1 năm 1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ và cùng Tổng thống Carter lập lại quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ trong tình hình Mỹ không hứa từ bỏ Đài Loan. Đặng muốn được đảm bảo rằng khi Trung Quốc có hành động tấn công và “trừng phạt” Việt Nam thì Mỹ sẽ không đứng cùng mặt trận với Liên Xô. Đây chính là nguyên nhân tại sao Đặng Tiểu Bình nóng lòng muốn đi thăm Mỹ.

    Thời gian ấy tôi đang nghỉ ngơi và chơi gôn tại nhà khách Phủ Tổng đốc Fanling, Hong Kong. Tại đây tôi đã gặp David Bonavia, một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc từng làm việc ở báo “The Times”. Ông này cho rằng lời cảnh báo của Đặng Tiểu Bình chẳng qua chỉ là lời đe dọa trống rỗng, bởi lẽ hải quân Liên Xô đã tiến vào Biển Đông. Tôi nói là tôi mới gặp Đặng Tiểu Bình cách đây ba tháng, ông ấy tuyệt đối là người ăn nói thận trọng. Hai ngày sau, cũng tức là ngày 16 tháng 2 năm 1979, quân đội Trung Quốc tấn công vào biên giới Bắc bộ Việt Nam.

    http://nghiencuuquocte.org/2021/05/05/ly-quang-dieu-tai-sao-dang-tieu-binh-quyet-dinh-tan-cong-viet-nam/#more-39938

    Không có nhận xét nào