Header Ads

  • Breaking News

    Quá trình nhận thức về nhà nước pháp quyền tại Việt Nam từ 1991 đến nay (Phần 2)


    Thang văn Phúc và Nguyễn Thị Doan

    Hết

    Nhà nước pháp quyền là một lĩnh vực mà khoa học chính trị và pháp lý đã được quan tâm nghiên cứu từ lâu và đã được ghi nhận lần đầu tiên ở nhà nước Việt Nam trong Hiến pháp 1992 phiên bản 2001. 

    Cương lĩnh 1991 mới xác định chuyển từ nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước có tính pháp quyền. Tuy nhiên, vào thời kỳ đó, nhận thức về nhà nước pháp quyền còn sơ khai, đơn giản, còn hiểu nhà nước pháp quyền là một kiểu hay hình thức nhà nước; nhà nước pháp quyền đồng nghĩa với pháp trị (tuân thủ pháp luật); nhà nước pháp quyền là nhà nước có nhiều luật (càng nhiều luật càng tốt); nhà nước pháp quyền là một nhà nước hiện thực với một bộ máy nhà nước cụ thể…

    Sau thời gian dài nghiên cứu và nhận thức lý luận từ 1991 của các nhà khoa học và lãnh đạo, quản lý nhà nước, ngày nay, Việt Nam đã hiểu những giá trị căn bản của nhà nước pháp quyền như sau:

    Nhà nước pháp quyền không phải là là một hình thức nhà nước và cũng không phải là một nhà nước hiện thực hay bộ máy nhà nước. Nó là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước gắn liền, đặt trong tương quan với pháp luật, sự thượng tôn pháp luật với một tập hợp những yếu tố, nguyên tắc.

    Nhà nước pháp quyền là hiện tượng có tính phổ quát. Tuy nhiên, không có mô hình nhà nước pháp quyền chung cho mọi quốc gia. Tất cả các nhà nước được xây dựng, tổ chức theo hướng nhà nước pháp quyền hoặc được gọi là nhà nước pháp quyền ở đâu trên thế giới cũng đều có những nét riêng, không hoàn toàn giống nhau.

    Nhà nước pháp quyền cũng không vì mục tiêu ban hành nhiều luật và cũng không chỉ yêu cầu tuân thủ pháp luật. Vượt qua nguyên tắc “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu về tính chính đáng và hợp hiến của nhà nước và pháp luật.

    Có những cách tiếp cận khác nhau đi đến những khái quát không giống nhau về bản chất của nhà nước pháp quyền như:

    + Nhà nước pháp quyền là nhà nước trong đó, quan hệ giữa nhà nước và công dân là quan hệ bình đẳng qua lại về quyền và nghĩa vụ pháp lý

    + Nhà nước pháp quyền là nhà nước nhân quyền

    + Nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ.

    + Nhà nước pháp quyền là nhà nước quyền lực bị hạn chế và giám sát.

    + Nhà nước pháp quyền là Nhà nước pháp trị.

    + Nhà nước pháp quyền là nhà nước hợp hiến

    Tuy nhiên, trên sở sở những yêu cầu hay đặc trưng phổ biến về nhà nước pháp quyền, xem xét dưới bối cảnh của chế độ chính trị Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam đã đi đến những nhận thức khá thống nhất về đặc trưng của chế độ “nhà nước pháp quyền XHCN” ở Việt Nam như sau:

    – Nhà nước pháp quyền Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam;

    – Nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ và bảo đảm thực thi dân chủ;

    – Quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo đảm thực hiện;

    – Quyền lực nhà nước bị giới hạn và kiểm soát;

    – Sự ngự trị của pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội;

    – Nhà nước gắn bó mật thiết với xã hội dân sự (nay được gọi là xã hội công dân);

    – Nhà nước thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế.

    Một số vấn đề lý luận về nhà nước pháp quyền ở Việt Nam tiếp tục làm sáng tỏ:

    1.Về đặc trưng đặc thù của nhà nước pháp quyền XHCN là do Đảng cộng sản lãnh đạo. Ở đây, có một vấn đề khác lớn nhất trong đặc trưng của trật tự nhà nước pháp quyền Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản, mà điều này còn được ghi nhận trong hiến pháp. Dưới ánh sáng của nhà nước pháp quyền và khoa học pháp lý, vấn đề này còn tiếp tục tranh luận  như sau:

    Một là, do các quy định của Hiến pháp cần được cụ thể bằng luật để  thực hiện. Vì vậy, thực hiện điều 4 Hiến pháp 2013 hiện nay cần được cụ thể hoá bằng một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (không phải là luật về các đảng phái chính trị ở các quốc gia phương Tây). Làm việc này là cần thiết để (i) tạo quy trình và nền tảng pháp lý vững chắc cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo pháp luật (như điều 4 đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật ..); (ii) tạo cơ sở pháp lý cho tính hợp hiến của sự lãnh đạo và cũng là để ngăn ngừa nguy cơ độc đoán, bao biện làm thay của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội.

    Hai là, có một luật về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để chuyển  các đường lối chính sách, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam thành pháp luật bởi lẽ trong nhà nước pháp quyền mọi mối quan hệ được quy định bằng công cụ pháp luật có tính cưỡng chế chung. Theo tinh thần nhà nước pháp quyền, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ bắt buộc với Đảng viên còn pháp luật thì bắt buộc với mọi thành viên trong xã hội.

    Đây chính là vấn đề đã được đặt ra, song ý kiến, quan điểm còn khác nhau nhiều, mà nguyên nhân của nó là còn chưa có sự thống nhất nhận thức về bản chất giá trị của nhà nước pháp quyền.

    2. Trong vấn đề dân chủ và quyền con người, hiện nay còn một khoảng cách giữa nhận thức và thực tế trong quan niệm về dân chủ và quyền con người ở Việt Nam. Việt Nam thiếu những lý giải thuyết phục cho việc bảo đảm thực thi dân chủ và nhân quyền của Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong thực tế. Ở đây Dân chủ vừa là thể chế nhà nước, vừa là phương pháp dân chủ; vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển. Mặc dù khái niệm “Dân chủ” như cách hiểu ở trên đã được xác định trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, song vẫn còn khoảng cách giữa nhận thức và thực tế.

    3. Về quan hệ Nhà nước với các tổ chức xã hội: Trong quan hệ này, vai trò của các tổ chức xã hội đối với nhà nước là hợp tác với Nhà nước. Vai trò này khác với các tổ chức xã hội ở nhiều nước, nơi các tổ chức của xã hội dân sự được coi là đối trọng với nhà nước để bảo đảm sự cân bằng trong việc sử dụng quyền lực nhà nước so với yêu cầu của người dân. 

    Theo Nghị quyết số 04-NQ/W ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì đòi phát triển “xã hội dân sự” là biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. 

    Tuy nhiên, nếu để các tổ chức xã hội trong quan hệ với Nhà nước pháp quyền chỉ “hợp tác” như thực tế hiện nay thì không mấy tác dụng, không có khả năng ảnh hưởng hoặc tạo sức ép cần thiết lớn đối với Nhà nước để thúc đẩy tính pháp quyền trong hoạt động của nó. 

    Vấn đề có tính nguyên tắc là Nhà nước pháp quyền mà không nằm trong ảnh hưởng, giám sát của xã hội thông qua các tổ chức xã hội của công dân thì không thể tốt được. Các tổ chức xã hội của công dân chính là người đại diện của họ, thay mặt họ thực hiện một phần quyền lực nhân dân.

    Trước đòi hỏi của yêu cầu về ổn định chính trị, khoa học pháp lý cùng với khoa học chính trị hiện nay cần xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện các tổ chức xã hội Việt Nam về khả năng tổ chức và hoạt động của nó, xác định được các tiêu chí của tổ chức xã hội Việt Nam hiện đại, sao cho phù hợp với các yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

    4. Cuối cùng là vấn đề bảo hiến. Nhận thức của đa số hiện nay là “tài phán Hiến pháp là vương miện của nhà nước pháp quyền”. Đây là công cụ hữu hiệu nhất hiện nay để bảo vệ Hiến pháp – một đảm bảo của nhà nước pháp quyền. Về vấn đề này Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhận hai lần trong nghị quyết Đại hội X và XI.  Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 vẫn chưa được hiến định. Theo tinh thần của chủ quyền nhân dân và nhà nước pháp quyền, Nhà nước đang nợ nhân dân một thiết chế/ cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

    (Bài viết này là một phần bài tham luận tại Hội thảo “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong điều kiện mới”, Hà Nội, Ngày 24/10/2020. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ biên tập). 

    https://usvietnam.uoregon.edu/qua-trinh-nhan-thuc-ve-nha-nuoc-phap-quyen-tai-viet-nam-tu-1991-den-nay-phan-2/

    Không có nhận xét nào