Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 17 tháng 5 năm 2021

    Hamas thất bại trong việc chia rẽ Hiệp định hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

    Trong vòng một tuần sau khi Hamas tiến hành một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào dân thường Israel và quân đội Israel đã đáp trả, theo “Thỏa thuận Abraham” Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã ký các hiệp định hòa bình và bình thường hóa với Israel, không một quốc gia Ả Rập nào rút khỏi các hiệp định này, Vision Times cho hay.

    “Thỏa thuận Abraham” còn được gọi là “Thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất”, gọi tắt là “Thỏa thuận Hòa bình Israel- Ả Rập”.

    Theo trang tin Breitbart ngày 16/5, tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Trump đã tiếp các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain trên bãi cỏ Tòa Bạch Ốc và tổ chức lễ ký kết. Sudan và Morocco sau đó cũng tham gia, tiếp đến là quốc gia Hồi giáo Kosovo, sau khi đạt được thỏa thuận mới với Serbia.

    Bất chấp những nỗ lực của người Palestine nhằm kích động tình cảm chống Israel trong toàn khu vực và trên thế giới, các thỏa thuận này vẫn được duy trì.

    Theo báo cáo, vào ngày 15/5, UAE đã cảnh báo chế độ khủng bố Hamas rằng họ đã không duy trì được sự hòa bình ở Dải Gaza, do đó gây nguy hiểm cho dự án cơ sở hạ tầng chung đã được lên kế hoạch, điều này cho thấy rằng Liên minh mới giữa các quốc gia Ả Rập và Israel đang được củng cố.

    Tờ Times of Israel đưa tin, một quan chức UAE không muốn nêu tên từng nói với tờ Nhật báo Kinh doanh Toàn cầu của Israel rằng: “Chúng tôi vẫn chuẩn bị và sẵn sàng hợp tác các dự án dân sự với Chính quyền Palestine, dưới sự quản lý của Liên hợp quốc [ở Gaza], nhưng điều kiện cần của chúng tôi là sự hòa bình”; “Nếu Hamas không hứa sẽ đạt được hòa bình hoàn toàn, thì cư dân của Dải Gaza sẽ phải sống trong đau khổ. Các nhà lãnh đạo của Hamas phải hiểu rằng các chính sách của họ trên hết đang làm tổn thương người dân ở Gaza”.

    Tương tự, Chính quyền Palestine đã phàn nàn vào ngày 15 rằng mặc dù một số nhà lãnh đạo phương Tây đã liên hệ để giúp đỡ, bao gồm cả Tổng thống Hoa Kỳ Biden, nhưng không có nhà lãnh đạo Ả Rập nào liên lạc với họ trong chiến tranh, điều này cho thấy rằng họ đã trở thành một phần của sự thù địch, và giới lãnh đạo Palestine đang bị cô lập hơn so với Israel. Kể từ khi Hamas xua đuổi họ trong một cuộc đảo chính năm 2007, Chính quyền Palestine giờ chỉ còn kiểm soát Bờ Tây.

    Bất chấp những lo ngại được bày tỏ về tình hình căng thẳng ở Dải Gaza, các quốc gia vẫn ký thỏa thuận với Israel và đã không đảo ngược hướng đi, bất chấp bạo lực. Nhiều người nhận ra rằng chính lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan do Iran hỗ trợ là mối đe dọa chung đối với các quốc gia khác.

    Những người chỉ trích Tổng thống Trump cho rằng bạo lực gần đây chứng tỏ nỗ lực hòa bình Trung Đông của ông đã thất bại hoặc khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, các quốc gia Ả Rập đã đạt được hòa bình với Israel vẫn duy trì quan hệ của họ. Thực tế này cho thấy rằng bất chấp những nỗ lực của Hamas nhằm phá hoại Thỏa thuận Abraham, Thỏa thuận Abraham vẫn được duy trì.

    Cựu Ngoại trưởng Mỹ lên án chính quyền Biden vì những gì đang xảy ra ở Gaza


    Theo Newsmax, liên quan đến sự hung hăng của Hamas, theo cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, các cuộc tấn công gia tăng nhằm vào Israel là kết quả trực tiếp từ chính sách sai lầm của chính quyền ông Biden.

    Ông Pompeo phát biểu vào ngày 16/5 rằng: “Bây giờ những kẻ khủng bố Hamas bắn vào Israel, tôi không thể tin rằng chính quyền Biden lại quay trở lại chính sách thất bại tương tự mà họ đã có trong tám năm đối với Iran và Trung Đông”.

    Cựu Ngoại trưởng chỉ ra nguồn tài trợ đến từ Cộng hòa Hồi giáo Iran trong việc hỗ trợ “các lực lượng ủy nhiệm Iran” trong nỗ lực tấn công quốc gia Israel. Ông nói: “Người Iran đã nói rõ rằng họ có ý định diệt chủng. Họ muốn xóa sổ Israel khỏi bề mặt của hành tinh, và họ sử dụng các lực lượng ủy nhiệm – những người như Thánh chiến Hồi giáo Palestine và Hamas”.

    Chính quyền Biden đã quyết định tiếp tục viện trợ kinh tế đến các khu vực ở Palestine do các nhóm khủng bố này kiểm soát, chỉ vài tháng sau khi cựu Tổng thống Donald Trump ký nhiều thỏa thuận hòa bình trong khu vực.

    Ông Pompeo nói: “Điều này khiến Hoa Kỳ rơi vào tình thế rất khó xử khi sử dụng nguồn lực đóng thuế của Hoa Kỳ để hỗ trợ các tổ chức đang khủng bố Israel”; “Đó là lý do tại sao Tổng thống [Donald] Trump và đội ngũ của chúng tôi đã làm đúng. Chúng tôi đã không cấp cho người Palestine bất kỳ khoản tiền nào đến từ Hoa Kỳ. Chúng tôi gây áp lực thực sự lên chế độ ở Iran”.

    Miến Điện : Đụng độ dữ dội giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy ở Mindat

    Một cuộc biểu tình ngày 16/05/2021 tại Hpakant để ủng hộ thành phố Mindat, bang Chin Miến Điện nơi lực lượng vũ trang địa phương bị quân chính phủ tấ công. AFP - HANDOUT

    Tại thành phố Mindat, thuộc bang Chin, tây bắc Miến Điện, cách biên giới Ấn Độ 100km, hôm qua 15/05/2021 quân đội đã mở cuộc tấn công nhắm vào lực lượng nổi dậy địa phương có vũ trang.

    Reuters nhận định đây là một trong những vụ đụng độ dữ đội nhất kể từ khi quân đội đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Tập đoàn quân sự đã ban hành thiết quân luật tại Mindat có hơn 40.000 dân từ hôm thứ Năm 13/05 và bắt đầu tăng cường các cuộc tấn công quân sự nhắm vào lực lượng mà họ gọi là “khủng bố có vũ trang”.

    Các chiến binh của lực lượng nổi dậy có tên gọi “Chinland Defense Force”cuối cùng đã phải rút khỏi thành phố Mindat. Một người dân nói với Reuters là hiện vẫn còn khoảng 20.000 người mắc kẹt trong thành phố, đa phần là trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ. Tất cả đàn ông, kể cả thanh thiếu niên tham gia hoạt động chống quân đội, đều phải trốn chạy để bảo toàn tính mạng.

    Bác sĩ Sasa, một nhà đấu tranh hoạt động bí mật thuộc chính phủ không chính thức của Miến Điện cho biết có 5 thường dân thiệt mạng trong 2 ngày qua vì đạn pháo của quân đội.

    Trong một thông cáo, đại sứ Mỹ tại Miến Điện kêu gọi tập đoàn quân sự Miến Điện ngưng sử dụng bạo lực nhắm vào dân thường và nhận định việc quân đội sử dụng vũ khí chiến tranh để chống dân thường cho thấy Tatmadaw sẵn sàng làm mọi việc để duy trì quyền lực.

    Khi được hỏi, phát ngôn viên của tập đoàn quân sự Tatmadaw vẫn chưa bình luận về chiến dịch tấn công ở Mindat.

    Các chiến binh của lực lượng dân quân chống chính quyền đã rút lui khỏi thị trấn Mindat ở Myanmar, sau khi bị quân đội tấn công. Nhóm cho biết rút quân vì e ngại dẫn đến thương vong dân sự; còn quân đội nói “những kẻ vô lương tâm” đã giết chết một số binh sĩ. Nhóm dân quân này, Lực lượng Phòng vệ Chinland, là bên mới nhất gia nhập liên minh chiến đấu chống chính phủ đảo chính.

    Bài học từ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc

    Đã hơn một năm kể từ khi Trung Quốc đối mặt đợt bùng dịch covid-19 nghiêm trọng, nên sự phục hồi kinh tế của họ giúp ta hình dung trước tình hình đối với phần còn lại của thế giới. Có ba xu hướng nổi bật. Dữ liệu tháng 4 được công bố hôm nay sẽ làm chúng sáng tỏ.

    Thứ nhất, tăng trưởng vẫn đặc biệt mạnh so với một năm trước, thời điểm mọi người không muốn mạo hiểm, dù có mất đà trong vài tháng qua. Đến nay ngân hàng trung ương đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Thứ hai, cuộc phục hồi này cân bằng hơn. Năm ngoái, Trung Quốc tăng trưởng nhờ động lực là sản xuất nhà máy; nhưng năm nay mọi người đang đổ đến các cửa hàng và nhà hàng (cầu tăng). Cuối cùng, giá sản xuất tăng cao do tắc nghẽn nguồn cung, nhưng giá tiêu dùng tăng nhẹ hơn, và tăng trưởng hạ nhiệt có thể giảm bớt áp lực lạm phát. Nói chung, nó giống như quay về trạng thái bình thường: chẳng phải suy thoái cũng không phải quá nóng vì kích thích. Các nước khác kỳ vọng một điều tương tự.

    Tòa Tối cao Mỹ sắp có nhiều phán quyết quan trọng


    Đã tới mùa năng suất của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Với kỳ nghỉ hè sắp đến, các thẩm phán phải ra 33 trong số 57 phán quyết còn lại của kỳ này — bắt đầu từ hôm nay.

    Có hai vụ đã nằm trên bàn của tòa từ tháng 11. California v Texas là một thách thức hiến pháp đối với Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Vừa túi tiền. Mặc dù còn lâu mới tới lượt vụ này, nhưng việc các thẩm phán trì hoãn cho thấy bộ luật có thể gặp rắc rối. Trường hợp thứ hai, Fulton v Philadelphia, đặt ra câu hỏi liệu “việc thực hiện tự do tôn giáo” có buộc thành phố phải tiếp tục ký hợp đồng với một trại chăm sóc trẻ em Công giáo từ chối các cặp đồng tính hay không.

    Các quyền cơ bản khác đều đang nằm cân bằng. Vụ Mahanoy v BL liên quan đến giới hạn quyền tự do ngôn luận của học sinh trên internet. Brnovich v Ủy ban Quốc gia Dân chủ là một vụ về quyền bầu cử vốn sẽ định hình các cuộc chiến pháp lý về hạn chế bầu cử mới ở các bang như Florida, Georgia và Texas. Quyết định của tòa luôn quan trọng. Nhưng một số phán quyết sắp tới có thể đặc biệt quan trọng hơn.

    New York mở lại tàu điện ngầm 24/24h


    Dịch vụ tàu điện ngầm 24 giờ của New York giúp nó mang danh thành phố không ngủ. Nhưng năm ngoái là lần đầu tiên trong lịch sử các chuyến tàu phải ngừng chạy vào ban đêm. Hôm nay nó sẽ mở lại hoàn toàn, một tin vui cho những người làm công việc thiết yếu và những người sống về đêm, đồng thời là một lời động viên rất cần thiết. Hầu hết các hạn chế covid-19 sẽ được dỡ bỏ hoặc giảm nhẹ kể từ ngày 19 tháng 5. Hiện các nhà hàng và cả các tiệm giặt khô đều đang đón khách trở lại. Vở Hamilton của Broadway, mở cửa trở lại từ tháng 9, lại một lần nữa hết vé.

    Dù vậy còn lâu mới thấy lại New York của ngày xưa. Tổ chức The Partnership for New York City đã khảo sát các nhà tuyển dụng lớn và phát hiện ra chỉ 10% nhân viên văn phòng Manhattan đã quay lại văn phòng; trong khi giới chủ dự đoán 56% người lao động sẽ làm việc từ xa trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai. Hiện một số công ty đang cân nhắc rời khỏi thành phố. Năm ngoái, cứ mười người trong ngành khách sạn thì có tới bảy người mất việc. Và du khách vẫn chưa trở lại, còn người dân tránh đi tàu điện ngầm vì sợ cả tội phạm lẫn covid.

    Giá cổ phiếu của Berkshire Hathaway đạt mức kỷ lục

    Có gì liên quan giữa Warren Buffett, một nhà đầu tư đáng kính và, Psy, một ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc? Vào ngày 4 tháng 5, sàn giao dịch Nasdaq đã buộc phải loại bỏ cổ phiếu loại A của Berkshire Hathaway, tập đoàn do ông Buffet đứng đầu, khỏi bộ dữ liệu của họ, khi giá cổ phiếu đạt mức 429.496,7295 USD. (Giao dịch thực tế vẫn tiến hành ở những nơi khác.) Đây là con số lớn nhất mà 32 chữ số nhị phân (tức bit) có thể biểu thị trong phần mềm của Nasdaq. Điều này làm ta nhớ đến Psy, người có video “Gangnam Style” phá vỡ kỷ lục 2.147.483.647 lượt xem (giá trị 31 bit lớn nhất) trên YouTube hồi năm 2014 và buộc công ty phải điều chỉnh phần mềm.

    Các kỹ sư phần mềm đang cố gắng dự đoán con số lớn nhất có thể cần đến trong hệ thống của họ. Tuy nhiên, cũng giống như các trò chơi điện tử ngày xưa bị hỏng khi người chơi đạt điểm cao không ngờ, Psy và Berkshire đã tạo ra những điều không tưởng. Bản cập nhật mới cho hệ thống của Nasdaq sẽ trình làng từ hôm nay: nếu muốn phá kỷ lục tiếp theo, giá cổ phiếu của Berkshire Hathaway sẽ phải vượt mức 1,8 triệu tỷ đô la.

    Mỹ: CDC khuyến nghị tiếp tục đeo khẩu trang tại các trường học


    Reute

    Các trường học ở Hoa Kỳ nên tiếp tục việc đeo khẩu trang trong năm học 2020 - 2021 vì tất cả học sinh sẽ chưa được tiêm chủng đầy đủ, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết hôm 15/5.

    Trong hướng dẫn mới nhất, CDC nói rằng tất cả các trường từ cấp mẫu giáo đến lớp 12 "nên tiến hành các chiến lược phòng ngừa và nên ưu tiên sử dụng đúng cách và toàn diện các loại khẩu trang và giãn cách xã hội”.

    Khuyến nghị được đưa ra sau khi cơ quan này hôm thứ Năm tuần trước nói rằng những người được tiêm chủng đầy đủ không cần phải đeo khẩu trang ở ngoài trời và có thể không phải đeo trong nhà ở hầu hết các nơi.

    CDC nói rằng mọi người nên đeo khẩu trang mọi lúc tại tất cả các trường học và trên xe buýt chở học sinh, đồng thời duy trì khoảng cách hơn 1,8 mét giữa giáo viên và học sinh.

    Đầu tháng này, các cơ quan quản lý Hoa Kỳ đã cho phép sử dụng vaccine COVID-19 của và BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

    Israel không kích, 33 người Palestine thiệt mạng; rocket tiếp tục phóng đi từ Gaza

    Các cuộc không kích của Israel hôm 16/5 đã làm 33 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 8 trẻ em, theo các quan chức y tế ở Dải Gaza. Sớm cùng ngày, các chiến binh đã phóng một loạt rocket vào Israel.

    Trong bối cảnh đợt bùng phát bạo lực nghiêm trọng nhất giữa người Palestine và Israel trong nhiều năm không có dấu hiệu sẽ chấm dứt, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 16/5 dự kiến sẽ nhóm họp.

    Kể từ khi giao tranh bùng ra hôm 10/5, số người chết ở Dải Gaza tăng lên 181 người, trong đó có 47 trẻ em. Bên phía Israel, 10 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em.

    Các quan chức y tế Palestine cho biết, các cuộc tấn công trước lúc rạng sáng nhằm vào các ngôi nhà ở trung tâm thành phố Gaza. Một phát ngôn viên của quân đội Israel cho biết sẽ xem xét các tin tức này.

    Những ngày gần đây, Hoa Kỳ đã có một loạt các nỗ lực ngoại giao nhằm cố gắng dập tắt bạo lực, nhưng có ít dấu hiệu thành công.

    Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 15/5 đã nhắc nhở tất cả các bên rằng “bất kỳ việc nhắm mục tiêu bừa bãi nào nhằm vào các cơ sở dân sự và truyền thông đều vi phạm luật pháp quốc tế và cần phải tránh bằng mọi giá”, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết trong một tuyên bố.

    Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden, Hady Amr, đã đến Israel thứ Sáu tuần trước để hội đàm. Ông Biden đã nói chuyện với cả Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào cuối ngày thứ Bảy, Nhà Trắng cho biết.


    Mỹ sẵn sàng giúp đỡ nếu Israel, Palestine mưu tìm lệnh ngừng bắn
     
    Hoa Kỳ hôm 16/5 cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc biết rằng Washington đã nói rõ với Israel cũng như người Palestine rằng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ "nếu các bên mưu tìm một lệnh ngừng bắn" nhằm chấm dứt bạo lực ngày càng tồi tệ giữa Israel và các chiến binh Palestine ở Gaza.

    "Hoa Kỳ đã nỗ lực không mệt mỏi thông qua các kênh ngoại giao nhằm cố gắng chấm dứt cuộc xung đột này", Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói với hội đồng gồm 15 thành viên. "Bởi vì chúng tôi tin rằng người Israel và người Palestine đều có quyền được sống trong an toàn và an ninh”.

    Trong khi Hội đồng Bảo an tổ chức cuộc họp công khai đầu tiên - sau hai cuộc họp kín vào tuần trước - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết rằng Israel đang tiến hành chiến dịch "toàn lực" tại Dải Gaza, vốn nằm dưới sự quản lý của Hamas.

    Washington - một đồng minh thân thiết của Israel - đã bị cô lập tại Liên Hợp Quốc vì phản đối tuyên bố công khai của Hội đồng Bảo an về vụ bạo lực tồi tệ nhất giữa Israel và Palestine trong nhiều năm do lo ngại nó có thể gây hại cho chiến dịch ngoại giao ở hậu trường.

    Trung Quốc hôm 16/5 cho biết sẽ thúc đẩy Hội đồng một lần nữa nhằm đạt sự đồng thuận về một tuyên bố.

    Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết Liên Hợp Quốc đang "tích cực kêu gọi tất cả các bên hướng tới một lệnh ngừng bắn ngay lập tức" và kêu gọi họ "cho phép tăng cường các nỗ lực hòa giải để đạt được thành công”.

    Các nỗ lực đình chiến của Ai Cập, Qatar và Liên Hợp Quốc cho đến nay không có dấu hiệu tiến triển.

    Hoa Kỳ đã cử một đặc phái viên đến khu vực và Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm thứ Bảy.

    Ấn Độ tung ra thuốc Covid mới sau khi được phê duyệt khẩn cấp


    Ấn Độ đã bắt đầu phân phối một loại thuốc mới được phát triển nội địa để trị các triệu chứng của Covid-19.

    Các nhà chức trách đã phê duyệt 2-DG và loại thuốc này sẽ được sử dụng đầu tiên tại các bệnh viện trên khắp thủ đô Delhi.

    Theo một tuyên bố của chính phủ, thuốc "sẽ mang lại lợi ích to lớn cho những người đang chịu khổ" vì Covid-19.

    Tuy nhiên, giới phê bình cảnh báo rằng không có đủ dữ liệu để hỗ trợ cho việc phê duyệt khẩn cấp loại thuốc này như một phương pháp điều trị Covid.

    Loại thuốc - 2-deoxy-D-glucose hoặc 2-DG - đã được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) hợp tác với công ty dược phẩm Dr Reddy's.

    "Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy phân tử này giúp các bệnh nhân nằm viện phục hồi nhanh hơn và giảm sự phụ thuộc vào thở oxy bổ sung", chính phủ cho biết trong một thông cáo.

    Nhưng các chuyên gia y tế cho biết việc thiếu dữ liệu công khai về đặc tính của thuốc trong các thử nghiệm trên người đặt ra câu hỏi về hiệu quả của nó.

    Họ cũng chỉ ra rằng D2 ban đầu được phát triển và thử nghiệm để điều trị ung thư nhưng vẫn chưa được phê duyệt ngay cả sau khi được sử dụng trong thời gian dài.

    Hiện tại không có cách chữa Covid-19 và thuốc được sử dụng nhằm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh hiện đang thiếu hụt trầm trọng ở Ấn Độ, nơi đang hứng chịu làn sóng thứ hai tàn khốc này.

    Với hơn 24 triệu ca nhiễm và 270.000 ca tử vong, Ấn Độ hiện là tâm chấn của đại dịch toàn cầu.

    Làn sóng dịch bệnh chết người thứ hai đã tàn phá nhiều vùng rộng lớn của đất nước Ấn Độ, với số ca tử vong tăng đáng chú ý trong những tuần gần đây. Rất nhiều bệnh viện đã hết giường nằm, cạn nguồn cung oxy và các biện pháp điều trị cơ bản. Nhiều lò hỏa thiêu cũng hết sạch chỗ.

    Công tác tiêm chủng của nước này cũng gần như không đạt được bước tiến triển cần thiết để xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện tại.

    Thông cáo của chính phủ cho biết loại thuốc trên sẽ được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ đối với các ca nhiễm từ trung bình đến nặng.

    Thông cáo cũng chỉ ra rằng, nhờ vào thành phần đơn giản của thuốc, "nó có thể dễ dàng sản xuất và cho ra số lượng lớn ở nhiều nước", làm dấy lên hy vọng rằng thuốc này cuối cùng có thể được sử dụng rộng rãi và giảm bớt tình trạng khẩn hiện tại của Covid.

    "Một số lượng lớn bệnh nhân đang phải đối mặt với tình trạng phụ thuộc vào thở oxy trầm trọng và cần nhập viện. Thuốc được kỳ vọng sẽ cứu mạng sống quý giá nhờ vào cơ chế hoạt động của thuốc trong các tế bào bị nhiễm bệnh. Điều này cũng làm giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân Covid-19", thông cáo ghi.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào