Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 27 tháng 5 năm 2021

    Trung Quốc: Chính trị hóa nguồn gốc COVID-19 cản trở các cuộc điều tra
     

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 27 tháng 5 năm 2021

    Đại sứ quán Trung Quốc ở Hoa Kỳ nói rằng việc chính trị hóa nguồn gốc của COVID-19 sẽ cản trở các cuộc điều tra thêm và làm suy yếu các nỗ lực kiềm chế đại dịch trên toàn cầu.

    Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh xem xét thông tin tình báo về nơi virus xuất hiện.

    Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói trong tuyên bố trên website tối 26/5 rằng "một số thế lực chính trị đã chú tâm thao túng chính trị và đổ lỗi”.

    Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chuẩn bị bắt đầu giai đoạn nghiên cứu thứ hai về nguồn gốc của COVID-19, Trung Quốc hứng chịu áp lực cung cấp thêm sự tiếp cận cho các nhà điều tra trong bối cảnh có các cáo buộc rằng SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về virus Corona ở thành phố Vũ Hán.

    Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận trách nhiệm của phòng thí nghiệm, và nói rằng Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác đang cố gắng đánh lạc hướng về những thất bại của chính các nước này trong việc ngăn chặn COVID-19.

    Ông Biden hôm 26/5 nói rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ chia rẽ về việc liệu COVID-19 “xuất hiện từ việc con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm”.

    Đại sứ quán Trung Quốc cho biết ủng hộ "một nghiên cứu toàn diện về tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên phát hiện trên toàn thế giới và một cuộc điều tra kỹ càng về một số căn cứ bí mật và phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới”.

    Trung - Mỹ thảo luận cấp cao đầu tiên về thương mại dưới thời Biden


    AFP dẫn nguồn tin bộ Thương Mại Trung Quốc hôm nay 27/05/2021 cho biết, Bắc Kinh và Washington có cuộc thảo luận từ xa về thương mại song phương. Đây là cuộc đối thoại cấp cao về thương mại Trung-Mỹ đầu tiên sau nhiệm kỳ của Donald Trump, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục căng thẳng.

    Theo thông cáo của bộ Thương Mại Trung Quốc, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và bà Katherine Tai, đại diện Thương Mại Mỹ đã có cuộc « trao đổi xây dựng » trên tình thần « bình đẳng và tôn trọng nhau » về hồ sơ thương mại giữa hai nước.

    Văn phòng đại diện Thương Mại Mỹ cũng ra thông cáo cho biết hai bên đã thảo luận về « các nguyên tắc chủ đạo và các vấn đề quan tâm trong chính sách thương mại », đồng thời đánh giá cuộc trao đổi « chân thành và thực dụng ».

    Dưới thời Donald Trump, các tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã được đẩy lênh thành một cuộc chiến thương mại thực sự với các đòn trả đũa thuế quan ăn miếng trả miếng. Tháng Giêng năm 2020, hai bên đã ký được một thỏa thuận thương mại, vẫn được gọi là « thỏa thuận giai đoạn 1 », hy vọng hạ nhiệt căng thẳng với các điều khoản liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Văn bản này cũng dự trù các bên cần gặp nhau 6 tháng một lần.

    Chính quyền Joe Biden hồi tháng 4 vừa qua thông báo rà soát lại việc thực hiện cam kết của Bắc Kinh trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký. Theo văn kiện trên, Trung Quốc hứa tăng ít nhất 200 tỷ đô la mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong năm 2020-2021. Còn phía Mỹ phải duy trì mức thuế 25% trên các mặt hàng và linh kiện công nghiệp của Trung Quốc trong tổng giá trị 250 tỷ đô la.

    Chính quyền Biden vẫn muốn duy trì các loại thuế mà Donald Trump đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Trước cuộc thảo luận với quan chức Trung Quốc, trả lời phỏng vấn Reuters, đại diện Thương Mại Mỹ Katherine Tai khẳng định Hoa Kỳ vẫn luôn đối mặt với « thách thức rất lớn » trong quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc.

    Trong một bối cảnh khác, theo AFP, Thượng Viện Mỹ, trong tuần này có thể sẽ thông qua một kế hoạch nhằm thúc đẩy sản xuất chi tiết bán dẫn tại Hoa Kỳ với mục đích lâu dài là để hỗ trợ công nghiệp Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

    Chi phí vốn ở Mỹ tăng

    Khi phong tỏa được dỡ bỏ, người tiêu dùng đang vung tiền — và họ không phải là những người duy nhất. Ở Mỹ, chi phí vốn (capex) của các công ty đang tăng với tốc độ hàng năm là 15%. Liệu đây chỉ là phản xạ khi nền kinh tế mở cửa hay là một phần của xu hướng dài hạn?

    Phân tích của The Economist về S&P 500, chỉ số thị trường chứng khoán chính của Mỹ, cho thấy mức độ chi tiêu không đồng đều. Các công ty công nghệ, ăn nên làm ra nhờ nhu cầu trong đại dịch, dự kiến tăng tỷ lệ đầu tư lên 30 – 40% trong năm nay so với năm 2019. Các công ty tập trung vào khai thác chi tiêu tùy nghi của người tiêu dùng cũng đang mạnh dạn đầu tư. Trong khi đó, các công ty ở những ngành như năng lượng và hàng không đang chi ít hơn, đại dịch đã khiến một số phải thắt lưng buộc bụng.

    Cả hộ gia đình và doanh nghiệp đều đã tích lũy tiền, và đại dịch đã khiến cả hai phải suy nghĩ sáng tạo, nhằm tìm ra những cách mới để chi tiêu. Bùng nổ có thể kéo dài lâu.

    Tổng thống Pháp Macron thăm châu Phi


    Hôm nay Emmanuel Macron hạ cánh xuống Kigali, thủ đô Rwanda, cho chuyến công du mang nặng tính biểu tượng đến hai nước châu Phi. Hồi tháng 3, một báo cáo chính thức được viết theo yêu cầu của Tổng thống Pháp đã kết luận Pháp chịu trách nhiệm “nặng nề và nghiêm trọng” vì đã không làm nhiều hơn nữa để ngăn nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Tuy nhiên, báo cáo không kết luận Pháp đồng lõa trong cuộc tàn sát.

    Mặc dù ông Macron sẽ bị chỉ trích vì can dự với chế độ độc tài của Rwanda, nhưng ông kỳ vọng chuyến đi sẽ giúp bình thường hóa quan hệ. Ông sẽ có bài phát biểu tại Đài tưởng niệm Diệt chủng Kigali, và ông có thể nói về trách nhiệm của nước Pháp trong sự kiện này.

    Ngày mai, ông Macron có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nam Phi, nơi ông sẽ thảo luận về đại dịch cũng như việc phân phối và sản xuất vắc-xin với tổng thống Cyril Ramaphosa. Nhìn chung, các chuyến đi này thể hiện nỗ lực xây dựng quan hệ với các nước nói tiếng Anh, vào thời điểm vai trò của Pháp ở châu Phi vẫn gây tranh cãi, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

    Châu Âu thảo luận về cải cách chính sách trợ cấp nông nghiệp

    Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP), chương trình trợ cấp nông nghiệp của EU, là một vấn đề nan giải. Có bằng chứng cho thấy nó tài trợ tham nhũng, tiếp tay gian lận và làm giàu cho những nông dân cho thuê đất chứ không trực tiếp sản xuất. Nhưng sau hai ngày đàm phán tại Brussels (kết thúc hôm nay) một thỏa thuận về một gói 387 tỷ euro (472 tỷ USD) dự định chi từ 2021 đến 2027 (lùi lại hai năm) có thể sớm được hoàn tất.

    Cải cách vấp phải phản đối. Mặc dù có bao gồm tiền hỗ trợ để bảo vệ các hệ sinh thái, nhưng các nhà hoạt động khí hậu vẫn gọi đây là “quảng cáo xanh” vì thiếu các mục tiêu vững chắc. Một số chính trị gia không sẵn sàng đặt ra yêu cầu buộc nông dân phải “năng động” để được hưởng các khoản thanh toán. Các chuyên gia ước tính 30-40% số người Ba Lan có thể bị mất trợ cấp nếu nó trở nên không bắt buộc. Quá khứ cho thấy khó đạt được đồng thuận. Các chính trị gia không muốn làm mất lòng nông dân. Những cải cách khó có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để.

    Dominic Cummings đăng đàn chỉ trích chính phủ Anh


    Những người mong chờ Dominic Cummings, cựu cố vấn trưởng của thủ tướng Anh, ra quốc hội để thẳng thừng chỉ trích cách chính phủ xử lý covid-19 đã không thất vọng. Hôm qua ông chỉ trích Boris Johnson, nói thủ tướng lẩn quẩn giữa các chính sách “như một chiếc xe đẩy hàng đập từ bên này sang bên kia của hàng lang [siêu thị]”. Ông cũng có những lời lẽ gay gắt về giới làm khoa học, các công chức và hệ thống chính trị Anh, rằng các chính trị gia đã ngủ quên khi khủng hoảng xảy ra, dẫn đến hàng chục nghìn cái chết không đáng có. Nhắc lại một câu nói từ Thế chiến I, ông nói “vấn đề trong cuộc khủng hoảng này là sư tử lại do lừa lãnh đạo”.

    Vẫn chưa rõ liệu phiên điều trần của ông, kéo dài hơn bảy giờ, có gây khó cho sếp cũ của ông hay không. Có rất nhiều quan điểm về ông Cummings, là một kẻ nhảm nhí, là kẻ chủ mưu Brexit thiên tài theo kiểu Machiavelli, hay là một gã hề ích kỷ, người đã vi phạm các quy tắc phong tỏa. Những người khác sẽ có mặt để phản biện ông. Nhưng chỉ cần một phần tư là sự thật thì người Anh cũng nên lắng nghe.

    Quan tâm lớn của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam giữa đợt dịch mới

    TheLEADERTình trạng sẵn có của vắc xin hiện đang là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh tại Việt Nam.

    Theo khảo sát mới nhất từ Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham), hơn 90% thành viên cho biết đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

    Cụ thể, hơn 70% người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ đang hạn chế các chuyến công tác tại Việt Nam. Khoảng 90% hội viên của AmCham đã hủy bỏ lịch trình công tác hoặc các chuyến đi cá nhân vì lý do hơn 30 tỉnh thành, thành phố ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong đợt bùng phát lần này.

    Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham, cho biết sự bùng phát dịch bệnh đang gây ra lo lắng và hoang mang cho mọi ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Những thách thức lớn nhất nằm ở việc thiếu vắc xin để bảo vệ các thành viên cũng như những yêu cầu về điều kiện, thủ tục giấy tờ gây khó khăn trong việc đưa những nhân sự quan trọng của họ về Việt Nam.

    Theo đó, Chính phủ nên giữ ưu tiên hàng đầu là sức khỏe và sự an toàn của người dân Việt Nam. Đồng thời, cần ghi nhận tầm quan trọng của việc đưa chuyên gia người nước ngoài và các doanh nhân cần thiết cho việc tạo điều kiện đầu tư mới, vận hành hiệu quả hay xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng.

    Kết quả khảo sát cho thấy 81% hội viên AmCham sẽ đưa thêm người đến Việt Nam nếu thời gian cách ly bắt buộc được giảm từ 21 ngày xuống còn 7 ngày.

    “Dịch bệnh sẽ còn tiếp tục gây gián đoạn và việc buộc mọi người ở trong nhà vài tuần có thể là một ý tưởng tốt cho hiện tại. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cũng cần thực sự cân nhắc một hệ thống hồ sơ nhằm tạo điều kiện cho khách quốc tế đến Việt Nam”.

    “Vắc xin đã được chứng minh an toàn và hiệu quả. AmCham khuyến khích các cơ quan ban hành những thủ tục nhập cảnh nhẹ nhàng hơn đối với hành khách là các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài, và thậm chí cả khách du lịch đã được tiêm vắc xin đầy đủ”, ông Sitkoff khuyến nghị.

    Theo kết quả khảo sát, các thành viên của AmCham liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhiều người được tiêm vắc xin hơn nữa. Thực tế cho thấy 88% lượng người phản hồi nói rằng công ty của họ sẽ trả thêm tiền để được nhận vắc xin chất lượng cao tại đây.

    Giám đốc điều hành của AmCham đề xuất tập trung các nguồn lực tài chính từ các công ty nếu chính phủ có thể nhanh chóng đảm bảo tình trạng sẵn sàng của vắc xin cho các công ty thành viên.

    Vị này cho biết tình trạng sẵn sàng của vắc xin hiện đang là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các hội viên của AmCham và cho đến khi có thêm nhiều người được nhận các mũi tiêm, sẽ còn xuất hiện thêm những đợt bùng phát và gián đoạn do vi rút gây ra.

    Amazon đồng ý chi 8,45 tỷ USD để mua Metro-Goldwyn-Mayer (MGM)



    Amazon đồng ý chi 8,45 tỷ USD để mua Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), một studio Hollywood. Đây là thương vụ mua lại lớn thứ hai từ trước đến nay của Amazon, và sẽ cho phép họ tiếp cận khoảng 4.000 bộ phim, gồm loạt phim James Bond và 17.000 chương trình truyền hình. Danh mục phim cũ của MGM sẽ rất có ích cho dịch vụ phát trực tuyến của Amazon, Prime Video, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các hãng khác như Netflix và Disney+.

    Dân Philippines không muốn tiêm vaccine COVID-19 của Trung Quốc


    Các nỗ lực được cho là chậm trễ, với nguồn cung thất thường của Philippines cho chiến dịch tiêm phòng vaccine hiện đang phải đối mặt với hai vấn đề mới nổi: hầu hết người dân Philippines không muốn tiêm vaccine, đặc biệt là vaccine của Trung Quốc.

    Vào ngày 17/5, một trung tâm tiêm chủng ở thành phố Parañaque, Metro Manila, đã bị các thành viên của công chúng vây kín khi có tin đồn về việc tiêm vaccine của Pfizer. Các báo cáo truyền thông cho thấy hàng dài người đang tập trung tại trung tâm, thậm chí có cả những người không hẹn trước bất chấp các lệnh giãn cách xã hội.

    Trong khi đó, các trung tâm tiêm chủng cung cấp các mũi tiêm do công ty Sinovac của Trung Quốc thực hiện có rất ít người tham gia, nhiều người có hẹn nhưng không tới, dẫn đến lượng vaccine dư thừa vào cuối mỗi ngày.

    Tiến sĩ Anthony Leachon, cựu cố vấn cấp cao của lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của Philippines, cho biết: “Tôi nghĩ đó là minh chứng cho việc các công ty dược phẩm của Mỹ sản xuất các loại thuốc chất lượng đã được chứng minh về hiệu quả và độ an toàn. Sản phẩm của họ là kết quả của quá trình nghiên cứu và phát triển xuất sắc”.

    Theo ABS-CBN News, Philippines có 5.5 triệu mũi tiêm Sinovac, 2.5 triệu liều AstraZeneca và 193 ngàn mũi Pfizer.

    Các quan chức trước đó đã ước tính đất nước 110 triệu dân, cần phải tiêm phòng ít nhất 70 triệu liều để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, ABS-CBN News cho biết mục tiêu đã được điều chỉnh trong tháng này xuống còn 58 triệu.

    Chương trình tiêm chủng của đất nước bắt đầu vào ngày 1/3. Theo số liệu do ABS-CBN news tổng hợp, tính đến ngày 24/5, chỉ có 986,929 người Philippines đã được chủng ngừa.

    Phản ứng về những gì đã xảy ra ở Parañaque, Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 18/5 cho biết người dân không còn được lựa chọn vaccine nữa. “Cho dù bạn là một triệu phú hay một kẻ khốn cùng, bạn sẽ nhận được những gì được chính phủ trao cho bạn. Bạn không thể lựa chọn”, ông nói trên truyền hình.

    Theo quy định hiện hành, chính quyền địa phương quản lý vaccine đang ưu tiên nhân viên y tế, người mắc bệnh nền, người già, cảnh sát. Những người đủ điều kiện có thể đăng ký và đặt lịch hẹn bằng cách sử dụng một ứng dụng hoặc bằng cách điền vào biểu mẫu giấy. Trước khi có sự can thiệp của ông Duterte, người nộp đơn có thể chọn loại vaccine bằng cách lựa chọn ngày tiêm trùng khớp với ngày tiêm loại vaccine đó.

    Bây giờ mọi người sẽ không được cho biết nhãn hiệu vaccine nào đang được sử dụng cho đến khi họ đến trung tâm, lúc đó họ vẫn có thể từ chối nhưng sẽ cần phải đặt lịch lại.

    Người phát ngôn của Tổng thống, Harry Roque cho biết hôm thứ Ba (25/5) rằng trong khi các nhân viên y tế được phép lựa chọn loại vaccine mà họ nhận được, thì những người cao tuổi và những người mắc bệnh đi kèm sẽ phải “xếp hàng lại từ đầu nếu từ chối tiêm vaccine được chỉ định nhằm duy trì tính công bằng”.

    Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 24/5 đã ủng hộ quyết định của ông Duterte. Bà Rabindra Abeyasinghe, đại diện của WHO tại Philippines, gọi đây là “một bước đi đúng hướng vì điều này sẽ giúp quản lý ngăn ngừa đại dịch bùng phát và cũng sẽ khuyến khích mọi người chấp nhận các loại vaccine đang được triển khai”.

    Các quan chức khác nói rằng tất cả các loại vaccine đều có hiệu quả và điều quan trọng nhất là được chủng ngừa càng nhanh càng tốt. Nhưng một số nhà quan sát cho biết chính sách này có thể phản tác dụng vì hai lý do.

    Đầu tiên, hàng nghìn người Philippines trở về từ nước ngoài có thể sẽ không thể quay lại nước đó khi vaccine Trung Quốc có thể không được chấp nhận trong hộ chiếu vaccine.

    Thượng nghị sĩ Christopher “Bong” Go cho biết vào ngày 25/5 tại thượng viện rằng, “một số công nhân Philippines ở nước ngoài do dự tiêm chủng vì một số quốc gia yêu cầu một nhãn hiệu cụ thể, mặc dù vaccine Trung Quốc đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Nhiều công nhân hiện không thể xuất ngoại vì vaccine họ tiêm bị kỳ thị và nước sở tại chỉ chấp nhận vaccine của phương Tây. Họ đang bị phân biệt đối xử”. Ông nói rằng, “nếu có thể, chúng ta nên phân bổ một loại vaccine phù hợp với họ và có thể chấp nhận được ở các quốc gia mà họ đến”.

    Vấn đề thứ hai là hầu hết người dân Philippines không muốn được tiêm chủng. Vào ngày 20/5, nhóm khảo sát Social Weather Stations tiết lộ rằng, chỉ có 32% người Philippines trưởng thành sẵn sàng tiêm vaccine.

    Hai tháng trước đó, một cuộc thăm dò của Pulse Asia cho thấy 61% người được hỏi sẽ từ chối việc tiêm phòng. Tổ chức phi chính phủ OCTA Research Group cho biết vào ngày 25/5 rằng, sự chần chừ về vaccine khiến họ nghi ngờ khả năng Philippines sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay.

    Mỹ : TT Joe Biden cho tình báo 90 ngày để báo cáo lại về nguồn gốc virus corona

    Ngày 26/05/2021, tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ phải « nỗ lực gấp bội » để tìm ra nguồn gốc đại dịch Covid-19. Giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán (Trung Quốc), dù đã bị phần lớn các chuyên gia gạt sang một bên, những tuần qua đã trở lại trong các tranh luận tại Mỹ. Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng tố cáo Washington phổ biến « thuyết âm mưu » về nguồn gốc đại dịch.

    Thông tín viên RFI, Eric de Salve tại San Francisco cho biết thêm thông tin :

    « Nhiều tuần qua, ông Joe Biden đã yêu cầu tình báo Mỹ trả lời câu hỏi đang đặt ra cho toàn thế giới : Đâu là nguồn gốc của virus corona ? Covid-19 có phải đã được truyền từ động vật sang người hay nó bắt nguồn từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm tại Trung Quốc ?

    Trong báo cáo đầu tiên, các cơ quan tình báo Mỹ đã không thể kết luận được vấn đề. Không thỏa mãn, ông Joe Biden kêu gọi tình báo Mỹ « cố gắng gấp bội » và cho họ thời hạn 90 ngày phải cung cấp cho ông bản báo cáo thứ 2. Nhiệm vụ chính thức là để « chúng ta tiếp cận kết luận cuối cùng » về hai kịch bản trên, được Nhà Trắng đánh giá là có khả năng xảy ra.

    Động thái này khẳng định sự thay đổi cách tiếp cận của chính quyền Biden. Nhà Trắng từ giờ coi thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là khả tín, giống như quan điểm của chính quyền Donald Trump trước đây.

    Trong một thông cáo, tổng thống Biden còn chỉ trực tiếp Bắc Kinh : Hoa Kỳ tiếp tục làm việc với các đối tác trên thế giới gây sức ép với Trung Quốc để nước này tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế, đầy đủ, minh bạch và dựa trên cơ sở các bằng chứng… »

    Bắc Kinh tố Mỹ phổ biến thuyết âm mưu

    Vài giờ trước khi phát đi thông cáo của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã lên tiếng tố cáo Washington phổ biến thuyến âm mưu về nguồn gốc đại dịch.

    Trung Quốc vẫn luôn phản bác kịch liệt thuyết cho rằng virus corona đã bị thoát ra từ các phòng thí nghiệm của họ. Chính quyền Donald Trump đã chỉ đích danh là Viện virus học Vũ Hán. Tuần này, một bài viết trên nhật báo Wall Street Journal đã khuấy lại những tranh luận ở Mỹ về nguồn gốc đại dịch.

    Sau 4 tuần làm việc tại Vũ Hán hồi đầu năm 2021, các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Trung Quốc hồi tháng 3 đã đưa ra một nghiên cứu chung đánh giá khả năng tai nạn phòng thí nghiệm có « xác suất cực thấp ».

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào