Việt Nam: Covid-19 lây lan mạnh trở lại, ca tử vong đầu tiên trong hơn 8 tháng. RFI
Việt Nam nhận thêm gần 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca. BBC News
Hình minh hoạ. Cửa hàng đóng cửa ở Hà Nội do dịch bệnh COVID-19 ngày 10/5/2021
AFP
Không phải “Bao giờ hết dịch?” nữa, câu hỏi lớn nhất của tất cả mọi người bây giờ là “Bao giờ xã hội hoạt động trở lại gần như trước?”
Giờ tôi đóng vai Chính phủ Việt Nam, xin trả lời câu hỏi của quý vị như sau:
-Bao giờ an toàn thì hoạt động trở lại.
Quý vị hỏi tiếp:
-Bao giờ thì an toàn? Như thế nào là an toàn?
Tôi đáp:
-Khi virus không còn lưu hành đủ nhiều và mạnh để lây lan và để gây bệnh. Khi
số người được tiêm vaccine đủ nhiều để tạo thành miễn dịch cộng đồng (vì tiêm
rồi thì nếu bệnh cũng sẽ nhẹ hơn).
Quý vị thấy đấy, với điều kiện kinh tế của Việt Nam, việc tiêm vaccine không thể so sánh với các cường quốc. Vaccine Việt Nam lựa chọn là vaccine AstraZeneca. Đây là loại vaccine gây nhiều tranh cãi kể từ khi nó được triển khai vào đầu năm nay, do một số người đã bị biến chứng đông máu sau khi tiêm, mà sau đó Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đã phải công nhận là “tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine”. Việt Nam không đủ tiền cũng không đủ nhân lực để mua các loại vaccine tốt nhất và nhanh chóng tiêm chủng để đạt được ít nhất 70% số người. Do vậy, Việt Nam phải tập trung vào biện pháp thứ nhất, là làm mọi cách để chống lây lan.
Vì thế, các chuyên gia y tế lão làng trong ngành dịch tễ ở Việt Nam đề xuất nguyên tắc siết chặt các điểm nóng vốn tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm chéo, dễ bùng phát COVID như bệnh viện, cơ sở y tế, Khu công nghiệp, ký túc xá, các cơ sở dịch vụ tập trung đông người trong không gian kín như massage, karaoke, gym, bar, pub, vũ trường…. Quan trọng nhất: không phải chờ đến khi “bung, toang” thì mới dựng hàng rào cô lập, mà phải luôn xem đó là những điểm nguy hiểm nhất để ngay khi dịch dường như im ắng thì vẫn phải đề phòng cao nhất và dồn sức giữ sạch.
Thế nhưng từ nhiều tháng nay, vẫn luôn có khoảng cách lớn giữa các mệnh lệnh khẩn thiết từ phía các lãnh đạo Chính phủ, ngành y tế và thực tế thực hiện. Ví dụ các hãng hàng không đều yêu cầu hành khách khai báo y tế trước khi vào phòng chờ, nhưng đợt nghỉ 30/4-1/5 vừa qua, hầu như khách khai xong thì để đó chứ không nhân viên nào kịp đọc để kiểm tra sàng lọc. Khách đi từ vùng dịch về địa phương chẳng phải khai báo y tế gì. Ở các quán ăn, vẫn thấy người bán dùng tay trần, không đeo bao tay khi chuẩn bị thức ăn cho khách. Trong các công sở, tư sở, người ta vẫn ngồi ăn uống chung bất chấp lệnh cấm.
Sự cực đoan trong chống dịch có thể thấy rất rõ ở người dân và một số lãnh đạo địa phương: khi dịch bùng thì mặc dù mới chỉ vài ca cũng đã ngay lập tức đóng cửa, nhiều người dân la ó đòi phong tỏa, trên trang nhất các báo chỉ toàn thông tin về ca nhiễm, lịch trình, tàu xe ngừng chạy, dịch vụ đóng cửa… Nhưng dịch chỉ vừa ngơi ngơi thì ngay lập tức ăn nhậu, chơi bời, bar sàn… điên cuồng, mặc dù nguy cơ vẫn hiện diện như cũ và số người được chích vaccine vẫn gần như chưa đáng kể.
Lẽ ra, khi đã đủ thời gian để hiểu rõ hơn về bản chất virus này cũng như đã xác định việc chống dịch không thể kết thúc trong vòng một vài năm thì các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam trước nhất cần lập ra bộ tiêu chí an toàn, để các doanh nghiệp, dịch vụ, trường học… chỉ cần căn theo đó thực hiện. Bộ tiêu chí an toàn có thể thay đổi thường xuyên để phù hợp thực tế kiến thức về virus và diễn biến tiêm vaccine, nhưng nó phải là bắt buộc và thường xuyên.
Như vậy sẽ tránh được các mệnh lệnh cực đoan đang khiến cho xã hội ngưng trệ một cách không cần thiết, và đẩy hàng loạt doanh nghiệp, tiểu thương vào tình trạng ngắc ngoải như hơn một năm nay.
Ví dụ, các mệnh lệnh phong
tỏa địa phương ngay khi số ca bệnh còn rất ít ỏi và khu trú, mệnh lệnh ngừng
chạy tàu xe đến các địa phương có dịch, mệnh lệnh đóng cửa bãi biển, công viên,
mệnh lệnh các cơ sở ăn uống chỉ được phục vụ không quá 30 khách trong cùng thời
điểm…
Với đặc điểm dễ chết ngay khi gặp nhiệt độ cao và môi trường thông thoáng, các
công viên, bãi biển, nhà thi đấu thể thao ngoài trời, bãi trống… càng cần được
mở cửa cho người dân giải trí, tập luyện.
Tương tự, các nhà hàng lớn có sức chứa hàng trăm, thậm chí cả ngàn người chỉ cần bảo đảm yêu cầu giãn cách và sát khuẩn, thì tại sao phải đóng cửa?
Trong khi đó, các quán nhỏ hẹp ngày thường cũng chỉ ngồi được vài chục khách đã lèn chặt thì vẫn được buôn bán. Khách ngồi ăn san sát, không bảo đảm bất cứ yêu cầu giãn cách nào.
Nhà hàng quán sá vừa được cho mở cửa lại, rón rén gọi nhân viên về, chất thức ăn vào tủ lạnh, chưa được vài hôm đã đùng một phát đóng cửa trở lại. Doanh nghiệp sống trong hồi hộp phập phồng, on/off liên tục, không theo quy tắc gì, trong khi mặt bằng và lương nhân sự vẫn phải trả, thuế và bảo hiểm vẫn phải đóng, không đau tim mới lạ.
On/off liên tục thì cái công tắc cũng hỏng chứ nói gì người! Thóc trong bồ cũng gần cạn kiệt, không còn đâu để đổ ra xay mãi.
Không dồn sức cho dự phòng mà khi dịch bùng thì chạy theo dập khiến chi phí cho truy vết, thiệt hại do bị ngăn sông cấm chợ, phong tỏa cách ly là rất kinh khủng. Đợt phong tỏa Hải Dương vào cuối tháng 2/2021 chỉ trong ít ngày đã lên đến 300-400 tỷ đồng do đơn hàng xuất khẩu nông sản phải hủy.
Đến giai đoạn này, chiến lược
chống dịch cần thay đổi, không thể “chống dịch như chống giặc ”được nữa. Giặc
thì có thể tiêu diệt, cả nước có thể bóp mồm bóp miệng trong một thời
gian cho tiền tuyến, nhưng con virus đã xâm nhập vào loài người thì không thể
tiêu diệt, và do đó con người không thể bóp mồm bóp miệng được mãi.
Ví dụ như đại dịch HIV thôi, cách đây hơn chục năm còn được gọi là đại dịch
toàn cầu, cái chết không thể tránh khỏi với bất cứ ai mắc bệnh. Thế mà bây giờ
nó chỉ còn là một căn bệnh mãn tính. Sẽ không bao giờ có thể tiêu diệt hoàn
toàn virus này, nhưng với ứng xử đúng thì nó hạn chế gây chết người và lây lan
mạnh.
COVID cũng vậy thôi! Hiểu đúng về virus và ứng xử đúng cách với nó thì đến thời điểm này, mặc dù con số người nhiễm COVID mới đã lên đến ba con số mỗi ngày ở Việt Nam, chúng ta vẫn có thể mạnh dạn nói “Ở đâu, thời điểm nào cũng là an toàn”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/when-will-vn-return-to-normalcy-05152021205711.html
Việt Nam: Covid-19 lây lan mạnh trở lại, ca tử vong đầu tiên trong hơn 8 tháng
RFI
Trọng Nghĩa
16/5/2021
Là nước hiếm hoi có gần 100 triệu dân nhưng đã thành công trong việc kềm hãm dịch Covid-19 từ hơn một năm qua, Việt Nam trong những ngày gần đây đang chứng kiến dịch bệnh lây lan mạnh trở lại, với gần 1000 ca nhiễm mới phát hiện trong vòng một tuần lễ nay, và nhất là một ca tử vong đầu tiên ghi nhận vào hôm qua, 15/05/2021, sau hơn 8 tháng không bị một người chết vì Covid-19 nào.
Theo giới chức y tế Việt Nam, trường hợp tử vong mới nhất vì Covid-19 là một nữ bệnh nhân 89 cư ngụ tại Bắc Ninh, trong người có rất nhiều bệnh nền. Đây là ca tử vong thứ 36 tại Việt Nam, ca đầu tiên kể từ ngày 03/09/2020 khi nữ bệnh nhân 83 tuổi qua đời vì dịch bệnh tại Đà Nẵng.
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vào lúc này lại càng đáng ngại hơn khi theo các nguồn tin báo chí trong nước, hiện có đến gần 50 ca bệnh nặng, trong đó có hơn một chục ca bị liệt vào diện rất nặng.
Các trường hợp nguy kịch đã gia tăng đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu lây lan mạnh trở lại trong cộng đồng.
Theo trang thông tin của bộ Y Tế Việt Nam, riêng trong ngày hôm nay, 16/05, tính đến 12 giờ, giờ Hà Nội) đã có thêm 133 ca nhiễm mới được xác nhận qua xét nghiệm, nâng tổng số ca nhiễm tại Việt Nam vượt mức 4000 trường hợp.
Riêng hôm qua, 15/05, số trường hợp nhiễm mới đạt mức 169 người, được cho là mức cao kỷ lục ghi nhận trong một ngày ở Việt Nam.
Một ổ dịch lớn mới được ghi nhận là tỉnh Bắc Giang ở miền Bắc, được giới chức Y Tế Việt Nam mô tả là có tốc độ lây lan chóng mặt.
Nhìn chung, trong một tuần lễ qua, số ca nhiễm mới được phát hiện xấp xỉ con số 1000, một đà tăng đáng ngại trong trường hợp của Việt Nam.
Việt Nam nhận thêm gần 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca
BBC News
16/5/2021
Mục tiêu của COVAX là phân phối 2 tỉ liều trước cuối năm 2021, trong đó 50% dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
1,682 triệu liều vaccine AstraZeneca về tới Việt Nam trong chương trình COVAX của WHO phân phối.
Lô vaccine được chờ đợi bấy lâu nay trong bối cảnh Việt Nam đã lên lịch triển khai tiêm đợt ba trong lúc dịch bùng phát tại cộng đồng tại nhiều tỉnh thành từ cuối tháng Tư.
"Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực với hơn 3 triệu ca tử vong, chúng ta cần chủ động "phòng bệnh hơn chữa bệnh," GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khẳng định.
"Do đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới".
Đây là lô vaccine AstraZeneca thứ 2 của Covax phân phối cho Việt Nam. Đợt 1 gồm 811.200 liều, lô thứ nhất chuyển tới Việt Nam 1/4.
Cơ chế COVAX là gì, được phân phối ra sao?
Đến ngày 15/5, cả nước đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 hai đợt với 977.032 liều. Được biết 22.512 người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, theo Bộ Y tế Việt Nam.
Những đối tượng được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 cùng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau bao gồm cả các nhà sản xuất, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước…
22.512 người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, theo Bộ Y tế Việt Nam.
Tổng số vaccine Việt Nam đã mua, đăng ký là khoảng 170 triệu liều, trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều.
110 triệu liều này gồm 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.
Vào tuần trước Việt Nam cho biết trong khi ngoài nguồn cung cấp vaccine nhập khẩu, Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vaccine ở trong nước.
"Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để có thể chủ động nguồn cung, an ninh y tế, ứng phó khi đại dịch xảy ra trong tương lai," Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói với các phóng viên.
"Đồng thời, để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin miễn trừ bản quyền đối với vaccine COVID-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới," bà Hằng nói thêm.
Về lộ trình vaccine, mục tiêu của COVAX là phân phối 2 tỉ liều trước cuối năm 2021, trong đó 50% dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Mọi quốc gia (bất kể mức phát triển) đều có thể tiếp cận vaccine COVID-19 của COVAX.
Mục tiêu cuối cùng là các quốc gia tham gia COVAX được tiêm chủng ít nhất 20% dân số, bắt đầu từ đội ngũ y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.
Vào ngày 14/5 đại diện Bộ Y tế vừa phát đi thông tin cảnh báo có lừa đảo tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong khi thời điểm hiện nay "chưa có vaccine tiêm dịch vụ".
Cảnh báo này được đưa ra sau một thông báo đang lan truyền trên mạng của một doanh nghiệp, thông báo doanh nghiệp tổ chức tiêm vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga chi phí tiêm là 1.5 triệu VND/người, thời gian tiêm là ngày 12 và 13/5.
Đại diện Bộ Y tế cho biết Việt Nam chưa nhập khẩu được vaccine của Nga và đề nghị người dân cảnh giác trước những "chiêu trò tương tự".
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga vào ngày 11/5 thông báo viện trợ không hoàn lại 200 triệu yên (1.8 triệu USD) dây chuyền bảo quản lạnh vaccine khi điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Không có nhận xét nào