Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam : Covid-19 dự trù tình huống 30.000 ca nhiễm, tìm đường tự chủ vac-xin

    Việt Nam tổ chức bầu cử Quốc Hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp ngày 23/05/2021 trong lúc đối phó với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội, Việt Nam. AP - Hau Dinh

    Việt Nam đang chống chọi đợt dịch Covid-19 thứ 4, bùng phát từ ngày 17/04/2021 trên diện rộng từ bốn nguồn khác nhau. Mức độ nguy hiểm của các biến thể virus từ Anh và Ấn Độ, được phát hiện ở Việt Nam, buộc chính phủ thúc đẩy chương trình tiêm chủng. Không chỉ đàm phán để mua vac-xin, Hà Nội còn đề xuất sản xuất vac-xin cho các tập đoàn quốc tế.

    Dịch lây từ khu cách ly

    Chỉ riêng đợt dịch thứ 4 đã có 2.036 ca nhiễm tính đến hết ngày 23/05, cao gấp 2,5 lần so với đợt dịch đầu năm. Điểm đặc biệt là đợt dịch này có bốn nguồn lây nhiễm cùng lúc, theo trang Nhân Dân điện tử ngày 10/05.

    Nguồn thứ nhất là thành phố Đà Nẵng gồm ca bệnh từ khu cách ly tập trung rồi về tỉnh Hà Nam, từ một quán bar và một cơ sở thẩm mỹ lan ra nhiều tỉnh. Nguồn thứ hai từ tỉnh Yên Bái, qua các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc lan xuống Vĩnh Phúc và một số tỉnh khác. Nguồn thứ ba từ Hải Dương nhờ phát hiện ca bệnh liên quan đến lịch sử dịch tễ ở Lào về. Nguồn thứ tư là từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 lan ra rất nhiều tỉnh và sang Bệnh viện K.

    Nhìn chung, nguồn gốc lây nhiễm chính là từ các khu cách ly, theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 14/05 :

    “Có lẽ nguồn lây là từ những khu cách ly và từ những người vượt biên trái phép - không chính xác hẳn. Tại vì hai chủng này là mới sau này, chứ không phải là âm ỉ từ trước đến giờ. Đó là chủng của Anh và chủng của Ấn, phát hiện song song ở những vùng khác nhau, trong khi trước đây Việt Nam đâu có hai chủng đó, thì chắc chắn là mới lọt vô đây. Nó đi theo đường lén về hoặc chính là những chuyến bay Việt Nam đưa chuyên gia hoặc người Việt Nam từ nước ngoài về và họ vô trong khu cách ly. Chỉ có hai nguồn đó ! Nội tại Việt Nam từ trước đến giờ chưa có hai chủng này”.

    Bộ Y Tế Việt Nam quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung người tiếp xúc gần với ca dương tính Covid-19 cũng như người nhập cảnh Việt Nam lên thành 21 ngày kể từ ngày 05/05. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần phải xem xét lại cách quản lý trong khu cách ly và ý thức của người tham gia :

    “Một người trong khu cách ly mà cách ly không tốt thì sẽ bị lây trong khu cách ly. Bởi vì trong khu cách ly, nếu không gắn camera, không kêu người ta tuân thủ việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thì chắc chắn là, ví dụ trong khu cách ly có 30 người mà trong đó có một người bệnh thì sẽ lây hết cho những người xung quanh. Dù đủ 14 hay 21 ngày, nhưng trong ngày thứ 13 hoặc những ngày khác mà họ bị lây thì đâu biết được, xét nghiệm chưa ra, nhưng ra tới ngoài rồi mới phát bệnh. Đó là một trong những cách mà virus từ khu cách ly thoát ra ngoài.

    Và đặc biệt là Việt Nam đã khuyên là từ khu cách ly ra thì phải ở trong nhà, khai báo tại địa phương cho đủ thêm 2 tuần nữa. Nhưng rõ ràng một số người bị lây, ngay cả những người khách nước ngoài, khi trở về sau khi cách ly, họ không tuân thủ điểm đó. Họ đi khắp nơi, tham gia các cuộc tụ họp đông người nên mới lây ra”.

    Covid-19 đã khiến ba người tử vong trong đợt dịch thứ 4. Điều đặc biệt là một số bệnh viện, nơi bị virus tấn công như trong đợt 2 ở Đà Nẵng, chưa ghi nhận ca tử vong nào (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai). Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích :

    “Trường hợp của Đà Nẵng trong đợt dịch thứ hai là do virus tấn công vào bệnh viện lâu mà không biết, tấn công khoa bệnh nặng và tấn công vào vài khoa bệnh nặng của những bệnh viện khác của khu vực Đà Nẵng nên mới tạo một gánh nặng rất lớn.

    Còn hiện nay, điều may mắn thứ nhất là mình bắt đầu phát hiện ra những ca lọt ra cộng đồng. Và sau trường hợp Đà Nẵng lần trước, tất cả các bệnh viện đều có phòng thủ, sau đó có Bạch Mai, cũng phòng thủ ngay từ đầu. Và nguyên tắc của Việt Nam là không cho virus tấn công khu ngoại trú (khu khám ngoài), không cho tấn công khu nội trú, không cho tấn công khoa bệnh nặng. Cho nên đợt này, ở một vài bệnh viện cũng có nhưng nằm ở khúc thân nhân bệnh nhân và khu bệnh nhẹ, còn hiện nay, tấn công đúng khoa hồi sức của khoa bệnh nặng thì chưa có”.

    Lập phương án đối phó tình huống 30.000 ca nhiễm cùng lúc

    Covid-19, đặc biệt với hai chủng mới, hoành hành ở các nước láng giềng Việt Nam, từ Thái Lan đến Cam Bốt, xa hơn là Ấn Độ… Vậy đâu là hướng ngăn ngừa và phòng chống ở Việt Nam để tránh lây nhiễm cộng đồng ?

    “Thật ra chủng Anh hay chủng Ấn, thế nào chúng cũng lây sang các nước khác thôi, như Việt Nam cũng là một trong những nước các chủng này tới. Vấn đề chính hiện nay là mình muốn chặn nó trước, điều này phụ thuộc vào năng lực truy vết và năng lực xét nghiệm. Nếu chủng lây nhanh thì mình phải làm nhanh hơn nó, phải mở rộng hơn nó. Nếu chủng lây nhanh thì mình phải làm khai báo y tế thật tốt. Và bản thân những người dân chưa phải là nguy cơ thì cũng phải tuân thủ “5K” (gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) thì lúc đó mới khống chế được dịch”.

    Ngoài vấn đề quản lý trong các khu cách ly, đợt dịch thứ 4 cũng đặt ra câu hỏi về ý thức của một bộ phận người dân, phần nào được thấy qua kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 30/04 đến 02/05. Và về lâu dài, có thể tiếp tục đóng cửa chống dịch như hiện nay ? Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định :

    “Cái tính của người Việt Nam là vậy, khi nào nghe thấy bệnh thì bắt đầu tuân thủ, khi mà lâu lâu không thấy bệnh thì họ lại lơi ra. Nhưng hiện nay bắt đầu tuân thủ trở lại và người ta cũng hiểu khá nhiều về “5K”. Nhưng lẽ đương nhiên, sẽ có một nhóm, một số thành phần không tuân thủ, thì lúc đó mình phải ép thôi.

    Cái chính hiện nay là không thể nào bắt người ta như vậy hoài đâu, chỉ có vac-xin mới giải quyết được vấn đề. Ví dụ, Việt Nam có nguyên tắc “5K”, để có thể dỡ bỏ được một vài “K” trong “5K” đó thì chỉ có vac-xin làm được, chứ còn nếu mình cứ như vậy hoài thì hết đợt này lại tới đợt khác, không làm sao khác được”.

    Năm 2020, khi dịch bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, chính phủ thẳng thắn xác định là hệ thống y tế còn yếu, khó có khả năng chống dịch nếu để dịch bùng phát. Liệu có phải lo đến khả năng này không vì tốc độ lây nhiễm đợt dịch này cao hơn tất cả những lần trước, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn, đặc biệt là ở tỉnh Bắc Giang ?

    “Theo tôi, việc chống dịch phải có sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân. Việt Nam có được điểm đó. Thực ra đợt dịch này Việt Nam đã chuẩn bị trước đó. Có nghĩa là nếu trong trường hợp xấu nhất, có 30.000 người cùng lúc mắc bệnh, thì Việt Nam đã mở các nơi điều trị tới huyện rồi. Mình rải đều ra, chứ không tập trung như một số nước khác, làm sao để đừng tạo gánh nặng cho khối điều trị đặc biệt, khối điều trị bệnh nặng.

    Thứ hai là Việt Nam chuẩn bị mở rộng xét nghiệm. Lúc trước chỉ làm PCR thì tới đây có thể làm xét nghiệm nhanh để khoanh vùng sớm hơn. Việt Nam cũng đang làm những xét nghiệm định kì. Ví dụ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và những bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh trong vòng hôm qua (13/05) và hôm nay (14/05) đã xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế và toàn bộ bệnh nhân trong bệnh viện kể cả thân nhân bệnh nhân, lúc đó mới có khả năng đánh giá virus tồn tại trong cộng đồng như thế nào để truy vết nhanh hơn. Đó là những cách mà Việt Nam sẽ phải làm”.

    “Vac-xin về tới đâu, tiêm hết tới đó” : Thế mạnh của tiêm chủng mở rộng

    Việt Nam là một trong những nước không bị cuốn vào chiến lược ngoại giao vac-xin của Trung Quốc. Bộ Y Tế đàm phán với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất để đa dạng hóa nguồn cung vac-xin. Tổng cộng có khoảng 110 triệu liều (trên tổng số 170 triệu liều đặt mua) được cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021-đầu 2022 : 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

    Ngày 24/02, Việt Nam được giao 117.600 liều vac-xin đầu tiên từ nhà cung cấp AstraZeneca. Trong khuôn khổ chương trình COVAX, Việt Nam đã nhận được hai đợt giao hàng : 811.200 liều AstraZeneca vào ngày 01/04 và 1,682 triệu liều vào ngày 16/05. Về khả năng tiêm chủng của Việt Nam, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết :

    “Việt Nam, nếu có vac-xin là chích nhanh lắm. Việt Nam có thể chích một ngày hơn 90.000 liều tại vì hệ thống tiêm chủng mở rộng của Việt Nam mạnh từ trước đến giờ, rải khắp các vùng, thậm chí tới xã, tới ấp, xuống tới tận vùng sâu vùng xa. Cho nên vấn đề ở chỗ là có vac-xin hay không thôi. Còn có là chích được ngay. Ví dụ đợt vừa rồi về đến Việt Nam là đã chích hết. Sắp tới về thêm khoảng 1,6 triệu liều nữa và nghe nói là sẽ về thêm 4-5 triệu liều. Cứ có là sẽ chích hết vì hệ thống tiêm chủng của Việt Nam mạnh lắm !”

    Tìm đường tự chủ về vac-xin

    Việt Nam kêu gọi các quốc gia “miễn trừ bản quyền” với vac-xin Covid-19. Trong một cuộc họp với đại diện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, bộ Y Tế Việt Nam đã đề xuất phía WHO tạo điều kiện đàm phán để một doanh nghiệp trong nước được chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin ARNm (Pfizer/BioNTech và Moderna). Theo quan điểm của Hà Nội, thông qua người phát ngôn bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng hôm 13/05, chỉ khi “các loại vac-xin sớm có thể phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới” thì mới “mở ra cơ hội khống chế lây lan dịch bệnh nguy hiểm này”.

    Ngoài việc tìm hướng sản xuất, Việt Nam còn “tự chủ động nguồn vac-xin” với ba loại vac-xin ứng viên đang được thử nghiệm : Nano Covax của Công ty cổ phần Công nhệ sinh học dược Nanogen kết hợp với Học viện Quân Y (bộ Quốc Phòng), Covivac của Viện Vac-xin và Sinh phẩm - IVAC (thuộc bộ Y Tế, sẽ thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 07/2021) và Vabiotech của Công ty TNHH một thành viên Vac-xin và Sinh phẩm số 1 (thuộc bộ Y Tế).

    Trong ba loại này, vac-xin Nano Covax bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C, bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 10.000 người tại Việt Nam và ở một số nước như Philippines, Bangladesh… từ giữa tháng Năm, dự kiến hoàn tất “trong tháng 8 hoặc tháng 9”. Vac-xin đầu tiên “made in Vietnam” có thể được sử dụng vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, theo thứ trưởng bộ Y Tế, giáo sư Trần Văn Thuấn, “trong trường hợp bệnh dịch lan tràn và thiếu vac-xin, bộ Y Tế có thể xem xét cho đánh giá giữa kỳ để cấp phép trong tình trạng khẩn cấp”.

    Ông Đỗ Minh Sĩ, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nanogen, khẳng định với báo Sydney Morning Herald rằng công ty (trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh) có khả năng sản xuất 120 triệu liễu mỗi năm. Tuy nhiên, hai chuyên gia, Nguyễn Thu Anh chuyên về các bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Đại học Sydney) và Rogier van Doorn, nhà vi sinh vật học người Hà Lan đứng đầu một đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford ở Hà Nội, đều đặt câu hỏi về khả năng sản xuất trên quy mô lớn của Việt Nam, về nguồn tài chính, cũng như công tác kiểm soát chất lượng.

    https://www.rfi.fr/vi/

    Không có nhận xét nào