Header Ads

  • Breaking News

    Lang Linh - Hành trình đi tìm cội nguồn: bản thể dân tộc Việt

     

    Tìm về cội nguồn chưa bao giờ là một điều dễ dàng, đã có rất nhiều người từng bước trên con đường đó, cùng vì một tinh thần dân tộc, mong muốn tìm hiểu những thông tin để từ đó chúng ta biết mình là ai, mình từ đâu tới, nhưng dường như có những lúc con đường về cội nguồn trở nên xa thẳm, gập ghềnh. Nhưng dù xa thế nào chúng ta cũng phải đi, đây là con đường tìm kiếm về bản thể của chính mình, của chính dân tộc mình, để từ đó giải tỏa những mối nghi hoặc, ngờ vực về nguồn gốc dân tộc, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực đang bủa vây dân tộc Việt với tâm lý mặc cảm tự ti về nguồn gốc, là nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp gây ra nhiều vấn đề trong xã hội người Việt ngày nay.

    Chúng tôi cũng đã, và đang bước trên con đường đó, trải qua đủ cung bậc cảm xúc, đối mặt và xử lý rất nhiều thông tin và quan điểm về nguồn gốc, vì vậy chúng tôi hoàn toàn hiểu con đường đó là khó khăn như thế nào, tuy nhiên, chắc chắn không phải là không thể, vấn đề chỉ là cách chúng ta lựa chọn con đường thật sự phù hợp. Qua một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, chúng tôi cũng đã tìm được một con đường phù hợp, tìm được những thông tin quan trọng, có đủ cơ sở để có thể đưa ra những kết luận một cách cơ bản về nguồn gốc dân tộc mình. Về cơ bản, chúng ta có thể kết luận rằng người Việt không có nguồn gốc từ người Hán, cũng không phải có nguồn gốc từ sự hòa huyết giữa một số dân tộc nào đó, mà có một tiến trình phát triển liên tục từ người cổ rời khỏi châu Phi lên thành người Việt, những quan điểm, giả thuyết dù là tiêu cực hay tích cực trong thời gian trước đây, đều không hoàn toàn thể hiện chính xác nguồn gốc của người Việt.

    Việc tìm hiểu về nguồn gốc tới nay cũng đã cơ bản hoàn thiện, chúng tôi đã tiến hành nhiều bài viết quan trọng để khảo cứu tiến trình phát triển và hình thành người Việt, bài viết này chúng tôi sẽ thực hiện như một bài tổng quan, lướt qua những vấn đề quan trọng nhất về nguồn gốc của dân tộc Việt, để bạn đọc có cái nhìn cơ bản nhất về những quan điểm trong quá khứ và những vấn đề về nguồn gốc dân tộc mình, hòng mong muốn góp phần giải tỏa những giả thuyết đã từng có sức ảnh hưởng lớn trong tâm thức của người Việt.

    I. Nguồn gốc dân tộc: những giả thuyết đã có, sự kiêu ngạo và sự tự ti:

    Lịch sử của người Việt trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, trắc trở, hiếm có dân tộc nào trên thế giới có một lịch sử phủ đầy bởi những cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc trước những thế lực xâm lược từ bên ngoài như người Việt, và cũng không có dân tộc nào trên thế giới từng trải qua giai đoạn bị đô hộ và chiếm đóng lên tới 1000 năm bởi giặc ngoại xâm mà vẫn giữ được tiếng nói, văn hóa của dân tộc mình, dù trải qua lịch sử chông gai như vậy, nhưng người Việt vẫn tồn tại, vẫn là một dân tộc độc lập, một quốc gia độc lập. Tuy hào hùng là vậy, nhưng qua dòng lịch sử đầy biến động đó, lịch sử của người Việt trở nên rối bù, khó xác định chính xác về nguồn gốc dân tộc, cũng như tạo nên những tư tưởng và tâm lý tiêu cực trong người Việt về nguồn gốc dân tộc. Các quan điểm về nguồn gốc dân tộc ảnh hưởng đặc biệt mạnh trong khoảng vài trăm năm gần đây, kể từ thời nhà Nguyễn, tới thời Pháp thuộc, ngay cả tới nay, là thời kỳ độc lập. Có nhiều giả thuyết đã được đưa ra với những ảnh hưởng ở những thái cực đối lập nhau, có sự ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực.

    Có những nhận định chúng ta có thể thấy chúng có một phần sự tích cực, nhưng sự tích cực này có phần thái quá, thiếu cơ sở về thực tiễn.

    – Giả thuyết của học giả Kim Định, ông cho rằng người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng di cư xuống vùng Hoa Bắc, sau đó người Hoa Hạ chiếm những di sản của người Việt trong vùng này, khiến người Việt phải di cư về phía Nam.

    – Một số nhà nghiên cứu như nhóm “Tủ sách Việt Thường” thì cho rằng các triều đại Hoa Hạ là Hạ, Thương, Chu là các triều đại của người Việt, người Hoa Hạ chiếm các triều đại này của người Việt, thay đổi lịch sử để biến các triều đại này của mình.

    Hệ thống giả thuyết này còn đề xuất những quan điểm như chữ của người Hán là chữ do người Việt tạo nên, các di sản như Đông y, châm cứu… là do người Việt tạo nên, người Hán chiếm những di sản này và biến thành của mình. Các quan điểm này có điểm tích cực là giúp người Việt vượt qua tâm lý mặc cảm, tự ti và thua kém người Hoa Hạ, nhưng đồng thời nó lại khiến họ trở nên kiêu ngạo, nhận định không chính xác về nguồn gốc dân tộc mình.

    Lại có những nhận định khiến người Việt cảm thấy xấu hổ và tự ti, như giả thuyết về bàn chân Giao Chỉ, giả thuyết này có nguồn gốc từ sách sử Trung Hoa, các sách sử như Dư Địa Chí của Cố Dã Vương (đời nhà Lương), hay sách Thông Điển của Đỗ Hữu (đời nhà Đường), các sách này giải nghĩa về từ Giao Chỉ, cho rằng từ Giao Chỉ có nghĩa là bàn chân vẹo vào, là một đặc điểm hình thể của người Việt cổ. Giả thuyết này tiếp tục được người Pháp sử dụng, tuyên truyền để tấn công vào tinh thần dân tộc của người Việt. Cách nhìn nhận của người Việt chúng ta có thể cảm nhận được rất rõ qua cách ghi chép của Phan Bội Châu, một nhà cách mạng yêu nước trong thời Pháp thuộc.

    Phan Bội Châu chép trong sách Việt Nam quốc sử khảo: “Tổng hợp mấy chứng cứ trên, nhân chủng ta ngày nay có thể chắc chắn là nhân chủng người Hán. Ôi, giống rợ khắc trán, ngón chân giao nhau, nhất biến mà trở thành giống Hoa áo mũ tú nhã, tuy là cái bất hạnh của cổ nhân ta, thế nhưng lại là cái may cho hậu nhân ta vậy.”

    Từ đó chúng ta thấy rằng người Việt vừa tự tin thái quá, lại vừa tự ti, vì những giả thuyết chưa chính xác về nguồn gốc dân tộc ở trên.

    Các giả thuyết cả tích cực và tiêu cực ở trên nói chung đều thể hiện một tâm lý chịu ảnh hưởng khá mạnh bởi các quan điểm có nguồn gốc từ lịch sử Trung Hoa. Người Trung Hoa luôn cho rằng mình là văn minh trên tất thẩy, và cũng đồng thời cho rằng người Việt là giống người man di, kém cỏi, không có văn minh, thậm chí lịch sử của họ còn có những dòng ghi chép có tính hạ nhục người Việt. Chúng ta không khó khăn gì để thấy được những ghi chép như vậy trong sách sử Trung Hoa về người Việt.

    Trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, phần Nam Việt Úy Đà liệt truyện, khi chép về bức thư tạ tội của Triệu Đà: “Vả lại phương Nam đất thấp, ẩm, dân man di ở vào giữa. Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”; ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là “vương”.” [1]

    Hậu Hán Thư, Nhâm Duyên truyện chép: “Tục người Cửu Chân, lất săn bắn làm nghiệp chính, không biết dùng trâu cày, dân phải mua thóc gạo từ Giao Chỉ, thường thiếu thốn khốn khổ. Diên bèn bảo cho đúc lấy các đồ nông khí, dạy cho khai khẩn. Vì vậy, đồng ruộng hằng năm đều được mở mang rộng rãi thêm, trăm họ sung túc. Lại thêm dân cư Lạc Việt không có lễ pháp giá thú, ai nấy đều chỉ theo ý dâm thích của mình, không có vợ đích nhất định, không biết đến tình cha con, đạo vợ chồng.” [2]

    Cách ghi chép về người Việt của lịch sử Trung Hoa là nguyên nhân chính yếu khiến người Việt trở nên tự ti, với một mặc cảm cho rằng dân tộc mình là một dân tộc không có văn minh, dị chủng, có nguồn gốc từ người Trung Hoa, phải nhờ người Trung Hoa mới có văn minh, điều này gián tiếp tạo ra những giả thuyết không chính xác về nguồn gốc như các triều đại Hạ-Thương-Chu là do người Việt tạo dựng nên.

    Trong giai đoạn Pháp thuộc, người Pháp cũng đã sử dụng những thủ thuật tuyên truyền để tấn công vào tinh thần dân tộc của người Việt, họ sử dụng các phương tiện như lịch sử, khảo cổ để diễn giải với mục tiêu chính trị, nhằm tác động tới người Việt, với hệ tư tưởng cho rằng tất cả mọi đặc điểm văn hóa của người Việt đều có thể có nguồn gốc từ bên ngoài, không có gì là người Việt không mượn của bên ngoài, kể từ văn hóa, ngôn ngữ tới cách ăn mặc. Tư tưởng này vẫn còn những ảnh hưởng không nhỏ trong thời đại ngày nay, khi nhiều người Việt vẫn cố gắng tìm và diễn giải các đặc trưng văn hóa của dân tộc mình với tư tưởng cho rằng người Việt mượn của người nước ngoài, không phải là Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây thì cũng là Chăm, Thái, các dân tộc thiểu số. Những tư tưởng tương tự xuất hiện phổ biến trên các diễn đàn trên không gian mạng.

    Bên cạnh những giả thuyết về nguồn gốc của người Việt mà chúng tôi đã đề cập tới ở trên, còn một hệ thống quan điểm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề nhận định về nguồn gốc của người Việt, đó là giả thuyết về nguồn gốc bản địa của người Việt. Giả thuyết này được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam chủ trương, như Giáo sư Hà Văn Tấn [3], tác giả Trịnh Sinh [4], quan điểm này còn được hỗ trợ bởi công trình nghiên cứu di truyền của Vinmec [5].

    Giả thuyết này gây ra nhiều vấn đề về nguồn gốc dân tộc, trong đó những vấn đề chính yếu, đó là tạo nên tư tưởng cho rằng mọi di sản của người Việt chỉ phát triển tại miền Bắc Việt Nam, các văn hóa tại Việt Nam là Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn có nguồn gốc từ các văn hóa săn bắn hái lượm trong miền Bắc Việt Nam, điều này cũng có nghĩa việc cho rằng các văn hóa từ Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn là các văn hóa nguyên thủy, kém phát triển, không có văn minh, không có nhà nước, phải nhờ tới người Hán mới có văn minh.

    Cùng với quan điểm trên, thì giả thuyết này còn tạo ra sự phủ nhận gần như tuyệt đối sự liên hệ giữa người Việt và người Bách Việt, cho rằng người Việt không liên quan gì tới người Bách Việt, phát triển hoàn toàn độc lập với họ, chỉ có nguồn gốc từ Âu Việt và Lạc Việt trong hàng trăm nhóm Việt. Đây là những vấn đề có sự ảnh hưởng rộng lớn, tác động tiêu cực tới việc nhìn nhận về nguồn gốc dân tộc. Giả thuyết này liệu có cơ sở khoa học hay không, điều này sẽ được chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn ở phần sau đây.

    II. Người Việt có nguồn gốc Đông Nam Á, có nguồn gốc Dương Tử, và có nguồn gốc tộc Việt:

    Các nghiên cứu di truyền đã cho chúng ta thấy cơ bản tiến trình di cư và phát triển của người Việt, sự hình thành người Việt và cộng đồng tộc Việt.

    Người Việt và người Đông Á được xác định qua di truyền học có nguồn gốc từ người cổ rời khỏi châu Phi, tới vùng Đông Nam Á vào hai đợt vào 60.000 năm và 30.000 năm trước ngày nay. [6][7]

     


    Bản đồ thiên di rời khỏi châu Phi theo dấu chân những người mẹ (màu vàng) và những người cha (màu xanh).

    Cư dân cổ rời khỏi châu Phi sinh sống tại vùng Đông Nam Á lục địa, tại vùng này họ đã xây dựng nên nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, với các giai đoạn phát triển như sau:

    Hòa Bình sớm hay tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 BC [trước Công Nguyên]), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 BC).

    Hòa Bình giữa hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 BC), Làng Vành (16.470 ± 80 BC).

    Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn – 1541/I).

    Văn hóa Hòa Bình là văn hóa có đặc trưng đá cuội được ghè đẽo và đục lỗ. Đặc trưng văn hóa Hòa Bình phân bố khắp Việt Nam, Lào, Thái Lan và xuất hiện tại cả vùng phía nam Đông Á, bao gồm cả vùng đồng bằng sông Châu như hình minh họa phía dưới. Bên cạnh đó là những đặc điểm từng vùng như mộ táng với tư thế nằm co, mộ có nắp. [8]

     

    Bản đồ phân bố của văn hóa Hòa Bình. [Chú dẫn bản đồ: 1. Đường gạch chéo: khu vực văn hóa Hoabinhian được nói trong bài [6]; 2. Các chấm tròn: các khu vực có đá đục lỗ; Các chấm vuông: các khu vực có táng với tư thế nằm co; 3. Vòng tròn màu đỏ: khu vực tiềm năng có người cao; vòng tròn màu xanh: khu vực tiềm năng có mộ có nắp.] [8]

    Thời điểm 33.000 năm tới 20.000 năm cách ngày nay đã diễn ra đợt băng hà lớn cuối cùng, khiến mực nước biển xuống thấp ở mức 120 đến 130 mét đã làm lộ ra một vùng đồng bằng rộng lớn tại vịnh Bắc Bộ và cả vùng thềm lục địa phía Nam Việt Nam (được gọi là thềm Sundaland) [9]. Đây là nơi sinh sống thuận lợi cho người cổ rời khỏi châu Phi, bên cạnh các cư dân sinh sống trên núi của văn hóa Hòa Bình, thì có một lượng nhất định người cổ đã sinh sống tại vùng đồng bằng vịnh Bắc Bộ, kiến tạo đời sống của mình tại đây. Nghiên cứu di truyền của lúa đã chứng minh lúa được thuần hóa tại vùng xung quanh hạ lưu sông Châu tới miền Bắc Việt Nam. [10]

     


    Bản đồ minh họa thềm lục địa lộ ra khi mực nước biển xuống thấp cực đại. [11]

    Tới thời điểm 12000 năm trước, thì nước biển bắt đầu dâng trở lại [9], dần dần khiến cư dân cổ Đông Nam Á mất đất sinh sống, khiến họ phải di cư lên phía Bắc để tìm vùng đất mới. Các nghiên cứu di truyền cũng đã chứng minh cuộc di cư này của người cổ Đông Nam Á lên phía Bắc, họ di cư tới vùng trung lưu và hạ lưu Dương Tử và còn đi xa hơn thế về phía bắc Đông Á tại vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.

    Nghiên cứu của J.Y. Chu và cộng sự năm 1998 đã đưa ra kết luận người Đông Á có nguồn gốc từ người Đông Nam Á di cư lên. Nhóm dân cư này có nguồn gốc từ châu Phi đã đi đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á từ nhiều năm trước. [12]

    Tổ chức bộ gen người Hugo với công trình “Mapping human genetic diversity in Asia” đăng trên tạp chí Science năm 2009, nghiên cứu kiểu biến thiên hình thái gen trên 73 sắc dân châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á, đã xác định người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á. [13]

    Kết quả nghiên cứu di truyền của Hua Zhong và cộng sự năm 2010, cũng cho thấy người Đông Á có nguồn gốc chính là từ Đông Nam Á.[14]

    Nghiên cứu của Chuan Chao Wang và cộng sự năm 2013 [15] đã phát hiện một dòng di cư rất lớn từ Đông Nam Á vào thời điểm 12.000 năm trước lên vùng Động Đình, Dương Tử, dòng di cư này cũng đã đi lên cả vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.

     

    Bản đồ thiên di của những người cha cho thấy dòng di cư lên phía Bắc vào thời điểm hơn 10.000 năm trước ngày nay của người cổ Đông Nam Á. [16]

    Các cư dân cổ có nguồn gốc Đông Nam Á tại đây đã xây dựng nên các văn hóa lớn trong thời Đá mới, trong đó bao gồm các văn hoá Cao Miếu (Gaomiao, 5000 – 3500 BC), Hà Mẫu Độ (Hemudu, 5000 – 4500 BC), Mã Gia Banh (Majiabang, 5000 – 3000 BC), Lăng Gia Than (Lingjiatan, 3800 – 3500 BC) tại vùng Động Đình, Dương Tử với nông nghiệp lúa nước [17], và các văn hóa Hồng Sơn (Hongshan, 4700 – 2900 BC), Đại Vấn Khẩu (Dawenkou, 4300 BC – 2400 BC), Ngưỡng Thiều (Yangshao, 5000 BC – 3000 BC) tại vùng Bắc Đông Á với nông nghiệp trồng cả lúa và kê [18].

     

    Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển của các văn hóa cổ Đông Á của người cổ Đông Nam Á, người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á. (Dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012) trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age.)

    Tại các văn hóa phía Bắc Đông Á, thì cư dân cổ gốc Đông Nam Á đã hòa hợp với người cổ Bắc Á với dấu tích tại hang Devil’s Gate, chuyển hóa thành chủng da vàng. Thành phần gen của người Việt và người Dai thuộc hai hệ ngữ Nam Á và Tai-Kadai đã thể hiện rất rõ sự hòa hợp này. [19]

    Gen người Việt và người Dai ngày nay có tỉ lệ: 60% gen Dương Tử, 30% gen Bắc Á (Devil’s Gate), và 10% gen Hòa Bình cổ. [19]

    Tới thời điểm 5300 năm trước ngày nay, thì cư dân tại vùng bắc Đông Á di cư về vùng Động Đình, Dương Tử để hình thành tộc Việt, xây dựng nên các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, trong gen của người Việt có 30% gen của người Bắc Á với dấu tích tại hang Devil’s Gate, cùng với đó là 60% gen tại vùng Dương Tử thể hiện rõ cuộc di cư này. [19] Tới thời điểm đó thì cư dân tộc Việt chỉ ở tại vùng Dương Tử, chưa di cư về phía Nam.

    Vào thời điểm văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, cư dân cổ Đông Á bắt đầu hình thành ý thức dân tộc Việt, với biểu tượng Việt được hình thành từ hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu.

    Tên Việt của cộng đồng Việt có nguồn gốc từ hình ảnh chiếc rìu của văn hóa Đại Vấn Khẩu và Lương Chử, sau đó được cư dân văn hóa Thạch Gia Hà kế thừa, phát triển thành hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu, đội mũ lông chim (số 15, hình dưới) trên bình gốm trong ngôi mộ của một thủ lĩnh văn hóa Thạch Gia Hà (hình ảnh này sau đó đã được kế thừa trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, rất phổ biến hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu tương tự văn hóa Thạch Gia Hà). Chữ Việt được phát triển lên từ hình ảnh đó. Ý nghĩa biểu tượng người cầm rìu ngọc là vượt lên trên (người khác), giống với ý nghĩa chữ Việt (vượt) ngày nay chúng ta đang dùng. Tên “Việt” theo nghĩa thông thường là tộc những người sử dụng rìu lễ khí và biểu thị quyền lực, nghĩa bóng là vượt qua.

     

    Biểu tượng Việt và chữ Việt theo thời gian. 1-2: Biểu tượng Việt (rìu ngọc) ở văn hóa Đại Vấn Khẩu [20]. 3-6: biểu tượng ngôi sao 8 cánh, rìu ngọc, hình chữ nhật có đường chéo, hình mũi tên trên bình gồm của văn hóa Lương Chử [21]. 7-10: chữ Việt (nghĩa là cái rìu, búa) ở dạng giáp cốt văn, kim văn, triện văn, khải thư [22]. 11-14: chữ Việt (vượt qua, nước Việt…) ở dạng kim văn (11-12), triện văn, khải thư [23]. 15: Bình gốm có khắc biểu tượng thủ lĩnh cầm rìu [24]. 16: Hình người cầm rìu trên trống đồng Miếu Môn [25]. [26]

    Tới thời điểm hơn 4000 năm trước ngày nay, đã xảy ra nạn hạn hán ở vùng Dương Tử [27], khiến cho nền văn minh tại đây sụp đổ, các cư dân tộc Việt sau đó đã di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á [28][29]. Trong đó nhóm chính đã trở về Việt Nam, định cư tại vùng Phú Thọ, xây dựng nên văn hóa Phùng Nguyên. Nhiều nghiên cứu đã thể hiện cuộc di cư này của cư dân tộc Việt.

    Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 đã thể hiện người Việt có nguồn gốc chủ yếu là những người di cư từ Nam Đông Á về Việt Nam cách đây từ 2.700 – 4.000 năm trước [28].

    Nghiên cứu gen của Hugh McColl và các cộng sự năm 2018 [29] (hình 9) cũng có quan điểm tương đồng với nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam hợp tác với các chuyên gia Pháp, Đức. Cả hai nghiên cứu di truyền trên đều dựa trên các bộ gen cổ và các bộ gen hiện đại.

    Mô hình di cư ở Đông Nam Á thời tiền sử được xây dựng nên gồm 2 lớp từ châu Phi tới  Đông Nam Á vào khoảng 30.000-60.000 năm trước và từ Đông Á di cư ngược về cách đây 2.700 – 4.000 năm. [29]

     

    Các tuyến di cư chính giữa Nam Đông Á và Đông Nam Á thời cổ đại. [29]

    Văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc chính từ cư dân vùng Dương Tử thuộc chủng Nam Mongoloid di cư về [28][29]. Theo các nghiên cứu di truyền và ngôn ngữ thì văn hóa Phùng Nguyên có thành phần chủ yếu là cư dân nói tiếng Nam Á [30]. Từ văn hóa Phùng Nguyên người Việt tiếp tục phát triển tới văn hóa Đông Sơn, đây là hai văn hóa có chung một chủ nhân là cư dân Nam Á có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, [28][29] với thành phần chủ yếu là cư dân tại vùng trung lưu Dương Tử tại hồ Động Đình.

     

    Mô hình nhân chủng học dựa trên 16 phép đo hình thái xương sọ cho thấy cư dân văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn là người Nam Á. [30]

    Từ các nghiên cứu trên, chúng ta đã xác định được cơ bản về nguồn gốc của người Việt và các văn hóa từ Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn. Người Việt có nguồn gốc từ tộc Việt, tộc Việt có nguồn gốc từ cư dân Đông Á cổ, cư dân Đông Á cổ có nguồn gốc từ Đông Nam Á, tiến trình phát triển như vậy cho chúng ta một hình dung rất rõ ràng về vị trí và nguồn gốc của dân tộc mình trong vùng Đông Á, chúng cũng trực tiếp phủ nhận các quan điểm cho rằng người Việt có nguồn gốc từ người Trung Hoa, người Việt không liên quan gì tới người Bách Việt, hay người Việt có nguồn gốc bản địa.

    III. Người Việt và người Bách Việt: có thể phủ nhận sự liên hệ?

    Chúng ta có thể phủ nhận sự liên hệ giữa người Việt và người Bách Việt hay không? Câu trả lời dựa trên các bằng chứng khoa học là hoàn toàn không thể, có rất nhiều bằng chứng chứng minh sự liên hệ và gắn bó chặt chẽ trong một cộng đồng chung của người Việt và người Bách Việt, ở đây chúng tôi sẽ dẫn ra những bằng chứng khoa học di truyền và khảo cổ, là những bằng chứng rõ rệt nhất chứng minh sự liên hệ.

    1. Các bằng chứng di truyền:

    Công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt như Việt (Kinh), Tày, Nùng, Mường, Thái, Dai, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc. [28]

     

    Admixture của công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) cho thấy sự gần gũi trong hệ gen của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt như Việt, Mường, Tày, Thái, Nùng… [28]

    Nghiên cứu gen của Zhang và cộng sự et al. 2019 [31] cho thấy người Việt (Kinh) có di truyền gần gũi với người Choang ở Quảng Tây, người Hán Quảng Đông và người Miêu tại vùng Quý Châu. Đây là các nhóm dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, sự gần gũi di truyền chứng tỏ sự tương tác và hòa huyết thường xuyên của cư dân tộc Việt tại các vùng.

     


    Nghiên cứu của Zhang và cộng sự et al. 2019 cho thấy gen người Việt (Kinh) gần với người Miêu Quý Châu, người Choang và người Hán Quảng Đông. [31]

    Các cư dân thuộc cộng đồng tộc Việt cùng sinh sống trong một cộng đồng chung, có sự liên hệ và hòa huyết với nhau liên tục, nên các nghiên cứu di truyền gen hiện đại cho chúng ta thấy được các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt có gen rất gần gũi với nhau. Nếu không có sự liên hệ, giao lưu và hòa huyết trong một cộng đồng chung trong thời gian lâu dài, thì chắc chắn gen của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt ngày nay sẽ không gần nhau như vậy, mà có sự khác biệt đáng kể.

    2. Các bằng chứng khảo cổ:

    Cổ vật các vùng tộc Việt thể hiện rất rõ sự liên hệ và gắn bó của cư dân các vùng. Các cổ vật đều có chung một phong cách, khác biệt đáng kể với hệ thống cổ vật của vùng Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, cũng như khác biệt hoàn toàn với hệ thống cổ vật của văn hóa Hoa Hạ.

    Các cổ vật các vùng tộc Việt thể hiện ảnh hưởng rất rõ của văn hóa Đông Sơn, các loại hình cổ vật Đông Sơn đều được các vùng tộc Việt khác đúc và sử dụng, tương đồng về hầu hết các loại hình cổ vật.

    a. Trống đồng:

    Trống đồng là vật biểu tượng quan trọng nhất cho văn hóa của cộng đồng tộc Việt, trống có chức năng đại diện quyền lực và có chức năng thờ Trời. [32][33]

    Trống đồng Việt Nam (Sông Đà), Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. [Nguồn: 1. Bảo tàng Guimet, Pháp, dẫn; 2. Bảo tàng khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn; 3. Bảo tàng tỉnh Vân Nam, dẫn; Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn]

    b. Thạp đồng:

     

    Thạp đồng các vùng tộc Việt: Việt Nam, Quảng Đông, Vân Nam, Quảng Tây, lưu vực sông Dương Tử. [Nguồn: 1. Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn; 2. Bảo tàng tỉnh Quảng Đông, dẫn.; 3. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, dẫn; 4. Trình Năng Chung, 2015, tr. 325, Mối Quan Hệ Văn Hoá Đông Sơn Và Các Văn Hoá Kim Khí Ở Miền Nam Trung Quốc; 5. Bảo tàng Văn minh Trường Giang, Trung Quốc, dẫn]

    c. Rìu đồng:

     


    Rìu lưỡi hài tại các vùng: Việt Nam, Hồ Nam, Quảng Đông. [Nguồn: 1. Martin Doustar, 2014, Art of Bronze Age in Southeast Asia; 2. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn; 3. Nguồn: Bảo tàng Nanshan, Thâm Quyến, dẫn]

    Rìu cân xòe tại các vùng tộc Việt: Việt Nam, Chiết Giang, Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Bắc, Hồ Nam. [Nguồn: 1. Art Gallery of New South Wales, dẫn; 2. Bảo tàng thành phố Ninh Ba, Chiết Giang, dẫn; 3. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, dẫn; 4. Bảo tàng Nanshan, dẫn; 5. Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, dẫn; 6. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, China Institute, dẫn.]

    d. Chuông đồng:

     


    Chuông tai dê tại các vùng: Quảng Đông, Việt Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam. [Nguồn: 1. Bảo tàng Nanshan, dẫn; 2. Báo Đảng Cộng Sản, dẫn; 3. Bảo tàng tỉnh Quý Châu, được dẫn lại trong nghiên cứu của bảo tàng Quảng Tây [dẫn]; 4. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn; 5. Bảo tàng Ngọc Khê, Vân Nam; 6. Bảo tàng thành phố Trường Sa, Hồ Nam.]

    e. Dao găm đồng:

     


    Dao găm tại các vùng: Việt Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam. [Nguồn: 1. Kiều Quang Chẩn, 2018, Vang vọng từ trống Đông Sơn; 2. Bảo tàng Nanshan, dẫn; 3. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn ; 4. Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn; 5. Bảo tàng thành phố Côn Minh, Vân Nam, dẫn]

    3. Kết luận:

    Chỉ cần qua các bằng chứng di truyền và khảo cổ, chúng ta đã thấy được sự liên hệ và gắn bó rất chặt chẽ của người Việt và người Bách Việt, vì vậy không thể tách rời và phủ nhận sự liên hệ giữa người Việt và người Bách Việt nếu không có đủ bằng chứng và cơ sở.

    IV. Những dân tộc anh em và vấn đề hệ ngữ trong vùng nam Đông Á:

    1. Dân tộc Việt có những ai là anh em?

    Vậy dân tộc Việt có những ai là anh em? Từ các nghiên cứu di truyền ở trên, chúng ta thấy được hai cuộc di cư lớn của cộng đồng tộc Việt về vùng Đông Nam Á, cũng từ đó chúng ta thấy được những dân tộc nào là anh em của người Việt.

    Gần với người Việt nhất, cả về di truyền, ngôn ngữ, văn hóa, tách từ cùng một gốc khá muộn trong lịch sử, đó chính là người Mường. Các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai tại Việt Nam như Tày, Thái, Nùng là các dân tộc tiếp theo gần với người Việt nhất, tuy khác hệ ngữ, nhưng di truyền của người Việt, người Mường và người Tai-Kadai rất gần nhau.

    Admixture của công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) cho thấy sự gần gũi trong hệ gen của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt như Việt, Mường, Tày, Thái, Nùng… [28]

    Không chỉ cư dân hệ ngữ Tai-Kadai ở Việt Nam, mà các cư dân hệ ngữ Tai-Kadai trong vùng nam Đông Á như Dai, Choang, Bố Y… cũng gần gen với người Việt và các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt. [28][31]

    Quan sát admixture ở trên, chúng ta sẽ thấy được những người anh em tiếp theo của người Việt, là người Hán trong vùng Hoa Nam (Han_SC) [28]. Người Hán trong vùng Hoa Nam về cơ bản là người Việt đã bị đồng hóa về mặt văn hóa, tuy nhiên về mặt di truyền, thì người Hán Hoa Nam hiện tại vẫn rất gần với người Việt và các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.

    Người Việt có nguồn gốc từ người Nam Á, có lõi ngôn ngữ Nam Á, nhưng di truyền của người Việt lại không gần với các dân tộc thuộc hệ ngữ này trong vùng Đông Nam Á, tại sao lại như vậy? Đó là bởi người Việt hệ ngữ Nam Á trong vùng nam Đông Á và các cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai cùng sinh sống và hòa huyết trong cộng đồng chung, nên di truyền đã có sự thống nhất và thay đổi cơ bản, mặc dù người Việt vẫn giữ được cốt lõi ngôn ngữ là Nam Á, nhưng di truyền lại không gần với các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á khác trong vùng Đông Nam Á (Cambodia, Khơ Mú trong admixture trên).

    Cuộc di cư của tộc Việt diễn ra khoảng 4000 năm trước [28][29] từ vùng Dương Tử về vùng Đông Nam Á đã tạo nên các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á trong vùng Đông Nam Á ngày nay.

    Bản đồ phân bố các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á tại vùng Đông Nam Á lục địa và Ấn Độ. [34]

    Các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Đảo là anh em ruột thịt của hệ ngữ Tai-Kadai, cư dân tiền hệ ngữ Nam Đảo ngày nay từng sinh sống chung một cộng đồng với người Việt Nam Á, tuy nhiên họ đã tách khỏi cộng đồng tộc Việt trong khoảng 5000-4000 năm trước, di cư sang Đài Loan và xuống vùng Đa Đảo [35][36], có sự hòa huyết ở các mức độ khác nhau với người Australoid da đen tại các vùng đảo mà họ di cư tới, vì vậy khoảng cách của người Việt và người Nam Đảo là khá xa, mặc dù vẫn có nhiều đặc điểm của văn hóa Đông Sơn ảnh hưởng ở một số dân tộc Nam Đảo, cũng như nét văn hóa tương đồng có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ. Sự liên hệ của người Việt và người Nam Đảo giai đoạn sau này chủ yếu bởi ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn tới vùng Đông Nam Á hải đảo.

    Từ các phân tích ở trên, chúng ta có thể nhận diện các dân tộc anh em của người Việt như sau:

    – Gần nhất là người Mường.
    – Tiếp theo là các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai ở miền Bắc Việt Nam và nam Đông Á, người Hán Hoa Nam.
    – Kế tiếp là các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á trong vùng Đông Nam Á.
    – Xa nhất về mặt huyết thống là cư dân thuộc hệ ngữ Nam Đảo.

    2. Tại sao người Việt không tìm thấy anh em cùng hệ ngữ trong vùng nam Đông Á?

    Có một câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc và chất vấn, đó là “Tại sao người Việt không tìm thấy anh em cùng hệ ngữ trong vùng nam Đông Á?”, trong khi người Tai-Kadai, Hmong-Mien đều tìm thấy anh em của mình trong vùng nam Đông Á? Câu hỏi này cũng khiến người Việt cho rằng mình không liên hệ gì với người Bách Việt, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể tìm được những sự lý giải hợp lý thông qua địa bàn phân bố chính của cư dân các hệ ngữ.

    Người Việt thuộc hệ ngữ Nam Á gắn liền với nền văn hóa lúa nước, với từ vựng lúa nước là của hệ ngữ Nam Á [37], họ sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng, các cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Tai-Kadai thường sinh sống ở vùng cao, chính đặc điểm cư trú này là nguyên nhân quyết định tới việc tại sao trong vùng nam Đông Á không còn cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á như người Việt, hay nói cách khác là những người anh em gần gũi về ngôn ngữ nhất với người Việt. Việc sinh sống chủ yếu tại vùng đồng bằng khiến người Việt Nam Á dễ bị đồng hóa hơn, vì đồng bằng cũng thường là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi văn hóa của tầng lớp cai trị, cũng là nơi mà người gốc Hoa Hạ thường tập trung sinh sống, chính vì vậy mà người Việt Nam Á tại các vùng đồng bằng thường dễ bị đồng hóa hơn so với người Tai-Kadai, Hmong-Mien sinh sống ở vùng cao. Người Tai-Kadai hiện tại vẫn còn hiện diện nhiều ở trong vùng phía nam Đông Á, chủ yếu là ở các vùng cao như Quảng Tây, Quý Châu, họ sinh sống ở vùng cao nên khả năng bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và dân tộc tính là tốt hơn.

    Qua phân tích về địa bàn sinh sống và khả năng bị đồng hóa, chúng ta đã thấy được rằng người Việt không có “anh em” cùng hệ ngữ trong vùng nam Đông Á có nguyên nhân từ địa bàn sinh sống của cư dân hệ ngữ Nam Á chủ yếu ở vùng đồng bằng nên đa phần đều đã bị đồng hóa thành người Hán, người Tai-Kadai sinh sống ở vùng cao nên thường không bị đồng hóa, chính vì vậy, không thể kết luận rằng người Việt không thuộc cộng đồng Bách Việt, hoặc Bách Việt chỉ bao gồm cư dân hệ ngữ Tai-Kadai. Cư dân hệ ngữ Nam Á chiếm một vai trò quan trọng hơn trong cộng đồng tộc Việt.

    V. Cội nguồn của dân tộc Việt:

    1. Cội nguồn dân tộc là văn hóa Tiên Rồng:

    Nguồn gốc dân tộc như chúng tôi đã phác họa cơ bản ở phần trên, thì người Việt có nguồn gốc chính từ vùng Dương Tử, có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, văn hóa của cộng đồng tộc Việt có cốt lõi chính là văn hóa thờ vật Tổ, có nguồn gốc từ rất xa xưa trong các văn hóa Đông Á cổ.

    Vật Tổ của người Việt trong thời kỳ này là Rồng và chim Tiên, chi tiết này đã được huyền sử Hồng Bàng ghi lại:

    “Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất”

    [Lĩnh Nam chích quái, bản dịch Lê Hữu Mục].

    Và trong thực tế khảo cổ học, thì tại văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng Động Đình, trung tâm của người Việt trong huyền sử cũng đã tìm thấy các miếng ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và ngọc Rồng.

     


    Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]

    Văn hóa này tiếp tục được người Việt kế thừa và duy trì trong thời văn hóa Đông Sơn, với việc văn hóa Việt thời kỳ sử dụng với tần suất rất dày hình ảnh chim Tiên, hay chim Lạc với hình dáng thân dài, mỏ dài, chúng xuất hiện trên hầu hết các trống đồng được tìm thấy, nhiều trống trên bề mặt chỉ có duy nhất hình ảnh chim Tiên. Điều này có thể có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, khi trong huyền sử Hồng Bàng người Việt là hậu duệ của Mẹ Âu Cơ cùng 50 người con đi về miền Bắc Việt Nam, ý thức của người Việt có thể thiên về “mẫu tính” hơn.

     

    Chim Tiên (Phượng Hoàng) thời văn hóa Đông Sơn được chuyển đổi theo dáng thân dài, mỏ dài, tuy vậy cái mào vẫn rất đặc trưng. [Nguồn: Hoa văn Việt Nam, Nguyễn Du Chi]

     


    Bản khắc mặt trống đồng Ngọc Lũ, một trong số các trống đồng Đông Sơn lớn và đẹp nhất, có thể thấy chim Tiên được thể hiện trên trống đồng với mật độ khá dày, nắm ở vòng ngoài cùng của mặt trống.

     


    Rất nhiều trống Đông Sơn chỉ có duy nhất hình ảnh chim Tiên bay quanh mặt trời. Các trống đồng Đông Sơn muộn cũng được trang trí hình ảnh chim Tiên với tần xuất khá dày. [25]

     


    Trống Phú Phương I, thuộc trống Đông Sơn giai đoạn muộn, có xuất hiện của tượng cóc cũng như các hoa văn đã có sự biến đổi khá mạnh, nhưng chim Tiên vẫn xuất hiện với hình dáng gần như nguyên vẹn từ thời Đông Sơn. [25]

    Rồng và chim Tiên là các hình tượng dựa trên thiên văn học, không có thực, nên hình tượng Rồng và chim có sự biến đổi theo thời gian. Tới thời kỳ đồ đồng, thì chim Tiên biến đổi theo hướng thân dài, mỏ dài, còn Rồng biến đổi theo hướng đa hình dáng, có hình tượng thể hiện rõ đặc trưng của rồng, nhưng cũng có hình tượng có phần giống với cá sấu.

    Rồng ít xuất hiện trên các mặt trống đồng, nhưng cũng được thể hiện trên rất nhiều cổ vật thời văn hóa Đông Sơn, thường là trên các rìu đồng với hình tượng Rồng kép. Các loại hình này đều là Rồng, không phải là giao long hay cá sấu như đã được nhiều nhà nghiên cứu nhận định.

     


    Rồng được thể hiện trong các đồ đồng Đông Sơn. [Nguồn: Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước]

     


    Một loại hình Rồng cũng tương đồng với Rồng Đông Sơn của nhà Thương. [Nguồn: dẫn]

    Cả Rồng và chim Tiên cũng được thể hiện trên mặt trống đồng Đông Sơn. Motif này thể hiện hình ảnh rồng, chim Tiên chầu thái cực, motif này có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, sau đó thời Đông Sơn đã kế thừa hình ảnh này, có sự cách điệu và đa dạng.

    Hình tượng Rồng và chim Tiên được thể hiện trên trống đồng Phú Xuyên. [25]

    Motif chim Tiên chầu Thái cực được thể hiện sớm nhất tại văn hóa Hà Mẫu Độ trong vùng Chiết Giang, tiền thân của văn hóa Lương Chử, sau đó hình tượng này tiếp tục được kế thừa trong văn hóa Việt, với hình ảnh “lưỡng long chầu thái cực”.

    Hình ảnh đôi chim Tiên chầu thái cực được thể hiện trên cổ vật gỗ của văn hóa Hà Mẫu Độ. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, dẫn]

    Bên cạnh trống đồng, rìu đồng, thì hình tượng chim Tiên (chim Phượng) và Rồng còn được thể hiện trên các cổ vật khác cũng được sử dụng trong dịp tế lễ như chiếc mũi giáo đồng phía dưới. Hình tượng chim Tiên trên trống đồng đã được cách điệu, trên chiếc mũi giáo chim Tiên lại thêm một lần được cách điệu, thể hiện hình dáng của chim Tiên có thể được thể hiện theo nhiều cách thức khác nhau.

    Hình tượng chim Tiên và Rồng kép được thể hiện trên chiếc mũi giáo đồng Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi Thierry Ollivier, dẫn]

    Chim Tiên (Phượng Hoàng) Đông Á trong giai đoạn cuối thời đồ đồng có sự biến chuyển sang hình ảnh thân dài, chân dài, mỏ dài, Rồng cũng có sự biến đổi tương ứng trong cả văn hóa Việt và văn hóa Hoa Hạ.

     


    Rồng trên cổ vật thời nhà Chu và chim Tiên (Phượng Hoàng) trên tranh cổ của mộ Sở tại Trường Sa tương ứng với sự hay đổi hình tượng của Rồng và chim Tiên trong văn hóa Việt. [Nguồn: bảo tàng Trung Quốc, dẫn; bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn]

    Văn hóa thờ vật Tổ ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong tâm thức của người Việt trong thời kỳ đồ đồng, thể hiện trên các nghi thức tâm linh như xăm mình hình rồng và đội mũ lông chim, có ý nghĩa nhắc nhở người Việt về cội nguồn của dân tộc mình, các hoạt động nghi lễ được thực hiện bên cạnh thờ Trời còn là hoạt động thờ cúng Tổ Tiên của dân tộc là Tiên – Rồng, hay Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân. Bên cạnh đó thì văn hóa thờ cúng gia tiên cũng là một phần quan trọng của văn hóa Việt, mà sau đó vẫn tiếp tục được kế thừa và giữ gìn bởi người Việt, hoạt động này quan trọng tới mức trở thành một tín ngưỡng của dân tộc.

    Các hình tượng thuyền được khắc họa trên các trống đồng đều là hình tượng thuyền Rồng, phía mui thuyền được thể hiện hình ảnh chim Tiên bay vào đầu thuyền Rồng, đây là một hình ảnh có ý nghĩa rất quan trọng về mặt văn hóa, biểu hiện cho nền văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng của tộc Việt.

     


    Hình ảnh thuyền Rồng được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn. [25]

    Văn hóa này còn để lại dấu ấn đậm nét cho tới ngày nay, với phong tục đua thuyền Rồng còn được khắp các dân tộc và quốc gia trong vùng Đông Á và Đông Nam Á thực hành, như một phần của nền văn hóa vật Tổ có nguồn gốc từ thời xa xưa khi các cư dân tại nam Đông Á và Việt Nam đang còn trong một cộng đồng chung.

    Lễ hội đua thuyền Rồng tại Việt Nam còn được lưu giữ ở nhiều nơi, nhưng nơi tổ chức nhiều nhất là tỉnh Thanh Hóa. Tại Trung Quốc, thì hội đua thuyền Rồng cũng được nhiều địa phương tổ chức, trong đó lớn và nổi tiếng nhất là tại các địa phương Hồ Bắc, Hồ Nam xung quanh vùng hồ Động Đình, đây là trung tâm của tộc Việt, đặc biệt là người Nam Á, bên cạnh đó người Miêu tại vùng Quý Châu, một trong các hậu duệ của tộc Việt, cũng còn giữ được tục đua thuyền Rồng.

    Lễ hội đua thuyền Rồng được tổ chức tại xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. [Nguồn: trang tin Tĩnh Gia, dẫn]

    Lễ hội đua thuyền Rồng còn được tổ chức rộng khắp các quốc gia Đông Á như Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Phillipines, Campuchia… Đây cũng là các quốc gia có nguồn gốc và chịu sự ảnh hưởng nhất định của nền văn hóa Đông Á cổ xưa trong các giai đoạn khác nhau nên vẫn giữ phong tục đua thuyền Rồng, một trong các đặc trưng của văn hoá Đông Á cổ.

     


    Lễ hội đua thuyền Rồng được tổ chức trong vùng Đông Á và Đông Nam Á: 1. Lễ hội Yueyang, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc; 2. Lễ hội đua thuyền Rồng của người Miêu tại tỉnh Quý Châu; 3. Lễ hội Naha được tổ chức tại Okinawa, Nhật Bản; 4. Lễ hội Bon Om Touk của người Campuchia; 5. Lễ hội đua thuyền Rồng tại Thái Lan; 6. Lễ hội Tuen Ng tại Hồng Kông [Nguồn: 1, 2, 3, 4, 5, 6.]

    Văn hóa thờ vật Tổ hay văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng còn thể hiện sự ảnh hưởng rõ nét qua những truyền thuyết về nguồn gốc của các tộc người có nguồn gốc từ tộc Việt. Người Mường cũng có truyền thuyết về con Rồng cháu Tiên giống như người Việt, tuy có khác ở một số chi tiết. Theo truyền thuyết người Mường, họ vốn là hậu duệ của công chúa Ngu Cơ (Hươu Sao) và hoàng tử Long Vương (Cá Chép), kết quả đã sinh ra 100 người con, trong đó có 50 nam và 50 nữ. Người Thái cũng có truyền thuyết tương đồng về mặt ý thức văn hóa lưỡng hợp, người Thái cho rằng khởi nguyên dân tộc Thái là sự kết hợp của chim én – loài chim biểu tượng của linh hồn đẳm pú (đàn ông, phía cha) và thuồng luồng, loài rắn lớn sống dưới nước và có thể lên cạn, biểu tượng của đẳm nái (đàn bà, phía mẹ). [37] Các truyền thuyết này đều thể hiện rất rõ ý thức về nguồn cội Rồng – Tiên của dân tộc, cùng một ý niệm về cha Rồng – mẹ Tiên, một người trên núi và một người dưới nước. Điều này thể hiện một sức sống rất mạnh mẽ của văn hóa vật Tổ và cội nguồn trong tâm thức của các cư dân có nguồn gốc từ tộc Việt.

    2. Cội nguồn dân tộc là văn hóa thờ Trời:

    Cội nguồn của dân tộc Việt không chỉ là văn hóa Tiên – Rồng, mà còn là văn hóa thờ Trời có nguồn gốc từ rất xa xưa trong văn hóa Đông Á cổ đại, tiêu biểu nhất là từ văn hoá Thành Bắc Khu (5800-4700 BC) trong vùng hồ Động Đình, với tảng đá khắc hình tượng thần Mặt Trời.

     


    Hình tượng thần Mặt Trời được khắc họa trên khối đá thời văn hóa Thành Bắc Khu (Chengbeixi, 5800-4700 BC) tại vùng hồ Động Đình, trung lưu Dương Tử, là cội nguồn chính của người Việt. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, chụp bởi Gary Todd, dẫn]

    Về mặt hiện vật bằng ngọc, trung tâm lan toả và ảnh hưởng rộng khắp tới các vùng xung quanh có sự khởi nguồn từ văn hóa Lương Chử với ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất. [38]

     

     


    Ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất thời văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn: 1, 2]

     


    Đĩa bích tế trời (trên) và ngọc tông tế đất (dưới) được chế tác tinh xảo của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: các bộ sưu tập tư nhân được trích trong catalogue của J.J. Lally & Co. – Oriental Art, dẫn]

    Khi cư dân tộc Việt di cư về miền Bắc Việt Nam, thì họ vẫn tiếp tục kế thừa loại hình đĩa bích tế trời, với cổ vật được tìm thấy tại văn hóa Phùng Nguyên, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Đền Hùng, Phú Thọ.

     


    Đĩa bích tế trời văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Sinh, 2005, Cổ vật Phú Thọ]

    Sau đó tới thời kỳ đồ đồng, thì văn hóa thờ Trời có ưu thế hơn văn hóa thờ vật Tổ, tới giai đoạn này, có thể nói văn hóa thờ Trời đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động văn hóa và tâm linh của cộng đồng tộc Việt. Văn hoá thờ vật Tổ vẫn tồn tại song song với văn hoá thờ Trời, điều này được thể hiện rất rõ trên các hình họa trống đồng, trên các trống đồng Đông Sơn hầu như đều xuất hiện hai hình tượng mặt trời ở tâm và chim Tiên ở vòng ngoài cùng.

    Văn hóa thờ Trời không chỉ có ở văn hóa tộc Việt mà còn có ở văn hóa Hoa Hạ, đây là hai nền văn hóa kế thừa nền văn hóa Đông Á cổ xưa. Và văn hóa thờ Trời còn tồn tại ở rất nhiều nền văn hóa cổ xưa khác của thế giới như Ai Cập, châu Mỹ, Ấn Độ…

    Tới thời kỳ đồ đồng, do chất liệu đồng có đặc tính cảm ứng, phù hợp với tính chất của các hoạt động tâm linh, bên cạnh đó chất liệu này còn có độ bền đẹp qua thời gian, nên đã thay thế hoàn toàn đồ ngọc trong thời các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà.

     


    1. Trống đồng Sông Đà, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Pháp. [dẫn]; 2. Trống đồng Khai Hóa, hiện đang trưng bài tại Bảo tàng Dân tộc học Vienna, Áo. [dẫn]; 3, 4. Trống đồng Hoàng Hạ và trống đồng Ngọc Lũ, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. 

    Văn hóa thờ Trời của người Việt trong thời kỳ đồ đồng được biểu hiện qua những chiếc trống đồng, chúng là trung tâm của văn hóa Việt, và cũng đóng vai trò quan trọng, tương tự như một vật biểu quyền lực của các vua Hùng và thủ lĩnh tại các vùng.

    3. Cốt lõi văn hóa tộc Việt và ý nghĩa của chúng đối với người Việt ngày nay:

    Văn hóa thờ vật Tổ và văn hóa thờ Trời đã đồng hành cùng với người Việt trong một thời gian rất lâu dài, ngay từ thời kỳ di cư lên phía Bắc sau đợt biển tiến, thì người cổ gốc Đông Nam Á có thể đã có văn hóa thờ Trời, và cũng đã có văn hóa thờ vật Tổ từ rất sớm, tính về mặt niên đại, thì văn hóa thờ Trời và văn hóa vật Tổ đã theo người Việt trong khoảng hơn 6000 năm, chính vì vậy, đây là những đặc trưng văn hóa cốt lõi và vô cùng quan trọng đối với người Việt.

     


    Hình tượng chim Tiên (Phượng Hoàng) được khắc lần đầu tiên trên đồ gốm tại văn hóa Cao Miếu, Hồ Nam có niên đại vào khoảng hơn 8000 năm trước. [Nguồn: Viện khảo cổ học Trung Quốc, dẫn]

    Chúng có một vai trò quan trọng như vậy, nên chúng tôi cho rằng, chúng ta cần quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu và khôi phục những đặc trưng văn hóa này bằng sự trân trọng, đó là cốt lõi, là linh hồn của văn hóa Việt, chúng ta luôn nghĩ tới việc “thoát Trung”, thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, tuy nhiên việc thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa sẽ rất khó thực hiện nếu như chúng ta không hướng về nền văn hóa cổ, thực hiện những chính sách nghiên cứu, khôi phục và tuyên truyền phù hợp về văn hóa cổ của dân tộc, việc khôi phục các nét văn hóa thờ Trời, thờ vật Tổ, chính là một sự quay về bản thể của dân tộc mình, khái niệm “thoát Trung” mà chúng ta vẫn luôn mong đợi có lẽ sẽ trở thành hiện thực một cách rất tự nhiên.

    VII. Thời kỳ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương trong vấn đề nguồn gốc dân tộc:

    Thời kỳ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương được xem như huyền sử, được nhiều người cho rằng không phải là chính sử và không có thật, tuy nhiên, huyền sử chính là “lịch sử” được lưu truyền trong dòng văn hóa dân gian, trong bối cảnh người Việt đang sống trong vòng lệ thuộc dưới sự cai trị của người Hán, thì tất nhiên “lịch sử” về nguồn gốc của người Việt sẽ chỉ có thể được lưu truyền trong dòng văn hóa dân gian, việc cho rằng thời kỳ này được “sáng tạo” vào thời nhà Trần trong sách Lĩnh Nam chích quái và được đưa vào chính sử là không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mà người Việt đã trải qua, các dòng sử truyền miệng được lưu truyền trong văn hóa dân gian, gần như nguyên vẹn từ thời cổ, và sau đó mới được Trần Thế Pháp văn bản hóa vào thời nhà Trần.

    Để tiếp cận về thời kỳ này, thái độ mà chúng ta cần có đó là trân trọng, giữ gìn, vì đây là những yếu tố quan trọng về văn hóa và tâm linh của người Việt, và sau đó nếu có thể thì tìm các bằng chứng chứng minh sự tồn tại của thời kỳ này, chứ không phải phủ nhận sạch trơn khi trong tay chúng ta không có bằng chứng xác đáng để phủ nhận sự tồn tại của các thời kỳ này. Ngay sau đây chúng tôi cũng sẽ trình bày những bằng chứng chứng minh sự tồn tại của các thời kỳ Hồng Bàng và Hùng Vương.

    1. Thời kỳ Hồng Bàng trong các tài liệu khảo cổ:

    Điều đầu tiên mà chúng tôi cần nói tới, đó là thời kỳ Hồng Bàng, không gian diễn ra không nằm tại miền Bắc Việt Nam! Đó là mấu chốt để chúng ta biết được truyền thuyết họ Hồng Bàng có cơ sở hay không, một số tác giả đã dựa vào quan điểm cho rằng người Việt chỉ ở tại miền Bắc Việt Nam, nên từ đó đã phủ nhận sự tồn tại của truyền thuyết họ Hồng Bàng, vì Việt Nam không có di tích nào chứng minh về thời kỳ này, tuy nhiên, qua các nghiên cứu di truyền, chúng ta đã thấy người Việt có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, không gian ban đầu của truyện họ Hồng Bàng diễn ra tại đó, phải tới 4000 năm trước người Việt mới di cư về phía Nam theo các nghiên cứu di truyền học [28][29]. Và tại vùng Dương Tử cũng đã có những bằng chứng trực tiếp chứng minh các nhà nước của Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân với các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà.

    Văn hóa Lương Chử ở hạ lưu sông Dương Tử đã được chứng minh là nơi có thể có nhà nước sớm nhất ở Đông Á, có xã hội phân tầng phức tạp với ít nhất 4 tầng lớp [39][40], có hệ thống thủy lợi sớm nhất thế giới với hệ thống đập, đê, mương dẫn nước, cung điện [41]. Cùng với đó là một hệ thống ký hiệu phức tạp và một số đã trở thành chữ viết dù công việc khảo cổ mới thực hiện được khoảng 10% [42].

    Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Thạch Gia Hà có một hệ thống chính trị và một ý thức hệ để có thể tổ chức được các khu định cư quy mô lớn và ràng buộc các cộng đồng dân cư với nhau [43]. Một số học giả cho rằng Thạch Gia Hà có thể được coi là một nhà nước cổ đại do cấu trúc chính trị xã hội tương đối tiên tiến của nó [43][44]. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng có xã hội phức tạp hơn và phát triển hơn các văn hóa cùng thời ở phía Bắc [44].

    Bên cạnh đó yếu tố Tiên – Rồng cũng hiện diện trong văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng trung lưu Dương Tử, đây là trung tâm của người Việt thuộc hệ ngữ Nam Á.

     


    Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]

    Như vậy, chúng ta đã thấy được thời kỳ Hồng Bàng hoàn toàn hiện diện trong thực tế khảo cổ học, người Việt không phải có nguồn gốc bản địa, mà có sự di cư lên xuống trong vùng Đông Á và Đông Nam Á, không gian của truyện họ Hồng Bàng nằm tại vùng Dương Tử, không phải trong vùng miền Bắc Việt Nam, chính vì vậy việc phủ nhận sự tồn tại của thời kỳ Hồng Bàng là không có cơ sở khoa học.

    2. Thời kỳ Hùng Vương trong tâm thức của người Việt và trong sử ký:

    Các vị vua Hùng là Quốc Tổ trong tâm thức của người Việt, hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, người Việt lại long trọng tổ chức ngày giỗ Tổ nhằm tưởng nhớ các vị vua Hùng. Các vị vua Hùng là những nhân vật lịch sử được nhân dân xây đền, thờ tự, cũng giống như các vị anh hùng trong lịch sử Việt Nam, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, người Việt luôn luôn ghi nhớ và đời đời hương khói cho các nhân vật lịch sử có công lao với dân tộc, với đất nước.

    Chính vì vậy, nếu là người Việt, thì đầu tiên chúng ta cần có sự trân trọng đối với những di sản đó của dân tộc, sau đó nếu có đủ cơ sở thì tìm hiểu về sự tồn tại của thời kỳ này, chứ không phải phủ nhận ngay cả khi không có những bằng chứng thực tế. Khi khảo cứu một cách kỹ lưỡng, thì thực tế các tài liệu lịch sử cũng đã cho chúng ta thấy được sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương. Các vị vua Hùng và thời kỳ Hùng Vương được chép dưới hai cái tên: Lạc Vương và Hùng Vương, trong đó Lạc Vương có khả năng là các tác giả đã chép nhầm, người Việt luôn gọi các vị vua Hùng là Hùng Vương chứ không phải là Lạc Vương.

    Thủy kinh chú, quyển 37, Diệp Du hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí chép: “交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh.” [45]

    Sử kí, quyển 113, Nam Việt liệt truyện, 53, Sách ẩn (Đường – Tư Mã Trinh soạn) dẫn Quảng châu kí chép: “《史記》卷百一十三南越列傳第五十三索隱引《廣州記》云:交趾有駱田,仰潮水上下,人食其田,名為駱人。有駱王、駱侯。諸縣自名為駱將,銅印青綬,即今之令長也。後蜀王子將兵討駱侯,自稱為安陽王,治封溪縣。後南越王尉他攻破安陽王,令二使典主交阯、九真二郡人。” – “Quận Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc Vương – Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Tha đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ giả điển chủ người hai quận Giao Chỉ-Cửu Chân.” [45]

    Cựu Đường thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN), quyển 41, Chí 21, Địa lí 4, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống 420 – 479) chép: “交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。” – “Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngu phát binh sang đánh.Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.” [45]

    Sách Thái Bình quảng ký, thời Tống, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống, 420 – 479) khoảng thế kỷ V cũng có chép về các vị vua Hùng: ““交趾之地,頗為膏腴,從民居之,始知播植。厥土惟黑壤。厥氣惟雄。故今稱其田為雄田,其民為雄民。有君長,亦曰雄王;有輔佐焉,亦曰雄侯。分其地以為雄將。” – “Đất Giao Chỉ vốn màu mỡ, di dân tới sống ở đó, (dân) mới bắt đầu biết gieo trồng, đất vùng ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh, cho nên gọi ruộng ấy là Hùng Điền, dân vùng ấy gọi là Hùng Dân. Quân trưởng gọi là Hùng Vương. Có phụ tá là Hùng Hầu, chia đất cho các Hùng Tướng.”

    Từ các tài liệu lịch sử này, chúng ta đã thấy được sự tồn tại của thời kỳ Hùng Vương. Bên cạnh đó, các di tích về thời kỳ Hùng Vương trong vùng miền Bắc Việt Nam, các truyền thuyết của người Việt về thời kỳ Hùng Vương vẫn còn rất nhiều, cũng là những bằng chứng chứng minh sự tồn tại của thời kỳ này. Về tổ chức của quốc gia Văn Lang trong thời kỳ Hùng Vương, chúng tôi đã khảo cứu trong một bài viết khác. [46]

    3. Hồ Động Đình, nguồn gốc chính của người Việt:

    Người Việt có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, nhưng nguồn gốc quan trọng hơn đối với người Việt chính là vùng hồ Động Đình, nằm tại vùng trung lưu Dương Tử. Đây là nơi có điều kiện phát triển thuận lợi nhất trong vùng Dương Tử, với đồng bằng rộng lớn nằm phía Bắc và phía Nam của hồ Động Đình, đây cũng chính là nơi mà huyền sử Hồng Bàng đã ghi dấu, với hồ Động Đình, Tiên Rồng, là nơi Kinh Dương Vương gặp bà Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Đây là vùng đất rất linh thiêng của người Việt, những chi tiết trong truyện họ Hồng Bàng cho chúng ta thấy được sự linh thiêng của vùng đất đó.

    Trong truyền thuyết của người Việt, hồ Động Đình là một vùng đất linh thiêng, truyện chép như sau: “Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân”. [47] Hồ Động Đình là một vùng linh thiêng, tới nỗi người Việt cho rằng còn có một vị vua cai trị hồ này, Long Nữ, mẹ của Lạc Long Quân là con của vua Động Đình, tên của bà cũng thể hiện bà thuộc dòng giống nhà Rồng, thường sinh sống dưới nước, Lạc Long Quân sinh ra cũng là giống Rồng.

    Cha Lạc Long Quân tất nhiên không phải là người thật, mà là một hình tượng thần thoại được người Việt xây dựng nên dựa trên những yếu tố thực tế trong văn hóa vật Tổ Tiên – Rồng của người Việt. Lạc Long Quân trong khắc họa của người Việt là một người vô cùng tài phép, diệt trừ yêu ma quỷ quái hại dân, yêu thương và khai sáng con dân nước Xích Quỷ, luôn trắc ẩn, hiện về mỗi khi người Việt cần.

    “Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần tôn ty, có luân thường về phụ tử phu phụ; hoặc có lúc đi về Thủy phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn. Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc Long Quân: “Bố đi đằng nào, không đến mà cứu chúng ta”, (Người Nam gọi cha bằng Bố, gọi quân bằng vua là từ đấy), thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được.” [47]

    Trong lịch sử của người Việt từ thời Hùng Vương cho tới thời độc lập, chúng ta cũng thấy được Lạc Long Quân đã nhiều lần hiện thân cứu giúp người Việt. Đầu tiên là khi người Việt đối mặt với giặc ngoại xâm đầu tiên là nhà Thương, vào thời điểm khoảng 3300 năm trước, Lạc Long Quân đã khuyên vua Hùng nên cho sứ giả đi khắp nước để tìm người tài, chính là Thánh Gióng, Thánh Gióng là một hình tượng có tình đại diện, kết cuộc người Việt đánh đuổi được giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Tới thời An Dương Vương, Lạc Long Quân đã sai thần Kim Quy mang nỏ thần tới cho An Dương Vương, giúp An Dương Vương có phương cách đánh bại quân xâm lược lúc đó là nước Nam Việt của Triệu Đà. Ở thời tự chủ, khi đất nước lâm nguy dưới sự cai trị tàn ác của nhà Minh, Lạc Long Quân cũng đã trao thuận thiên kiếm cho Lê Lợi, giúp ông đánh bại quân xâm lược và đô hộ, giành lại nền độc lập cho người Việt.

    Vùng đất hồ Động Đình của người Việt là một vùng đất vô cùng giàu có về tự nhiên, sản vật, khí hậu cũng thật hài hòa và tuyệt diệu:

    “Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Long Quân đã về Thủy phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại. Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, các loại sơn hào hải vị không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh, Đế Lai ái mộ quá, quên cả ngày về.” [47]

    Lạc Long Quân sau đó đã kết duyên cùng với Âu Cơ, hình thành nên người Việt. Âu Cơ là giống Tiên, Lạc Long Quân là giống Rồng, sự kết hợp giữa Rồng và Tiên, giữa Dương và Âm, giữa hai loài vật Tổ quan trọng nhất của người Việt: Rồng và chim Tiên, đã tạo nên người Việt mang trong mình một tâm hồn hài hòa giữa hai yếu tố âm dương đó.

    “Long Quân bảo: – Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.” [47]

    Lạc Long Quân và Âu Cơ rốt cuộc cũng phải chia tay với nhau, đây là một sự chia tay bất đắc dĩ, nó biểu hiện cho sự kiện hạn hán trong vùng Dương Tử [27], khiến nền văn minh tại đây sụp đổ, cư dân tộc Việt phải di cư phần lớn về phía Nam, sự kiện này diễn ra khoảng 4000 năm trước theo nghiên cứu di truyền [28][29], trong đó nhóm chính đã cùng với Mẹ Âu Cơ trở về Việt Nam, hình thành nên nước Văn Lang, với văn hóa Phùng Nguyên.

    “Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang.” [47]

    Câu chuyện họ Hồng Bàng về nguồn gốc của người Việt đậm chất thần thoại, ngắn gọn, súc tích nhưng lại ghi lại rất đầy đủ về nguồn gốc của người Việt. Câu chuyện đã thể hiện sự linh thiêng của vùng Động Đình với người Việt, trong thời điểm hiện tại, người Việt vẫn có ký ức về hồ Động Đình, với việc tôn thờ “Vua cha Bát Hải Động Đình”, chính là vị vua đứng đầu thủy phủ đã được ghi lại trong câu chuyện Họ Hồng Bàng, người sinh ra Long Nữ, mẹ của Lạc Long Quân và là bà nội của của vị vua Hùng đầu tiên. Trong kho tàng ca dao dân gian Việt Nam cũng có câu:

    Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
    Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
    Tiết trời thu lạnh lành lanh
    Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
    Bống bồng bông, bống bồng bông
    Võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên

    Cũng chỉ trong một câu ca dao, mà người Việt cũng đã ghi lại rất nên thơ và đầy đủ về nguồn gốc của người Việt với những yếu tố quan trọng nhất: Động Đình, Tiền Đường, con Rồng cháu Tiên.

    Theo thông tin chúng tôi nhận được, thì dường như ở vùng Phú Thọ đã từng có hồ được đặt tên là hồ Động Đình, vùng Bắc Ninh cũng có con sông được đặt tên Tiêu Tương, hiện hồ và sông này không còn, nhưng tại Bắc Ninh vẫn còn lại những dấu tích của tên sông như làng Tương Giang, núi Tiêu, chùa Tiêu.

    Người Việt đã sinh sống và phát triển văn minh trong vùng trung lưu Dương Tử trong khoảng 5000-6000 năm, trước khi hoàn cảnh tự nhiên là hạn hán trong vùng Dương Tử khiến họ phải di cư về phía nam. Đây là trung tâm của người Việt, vì vậy nó đã trở thành một vùng đất rất linh thiêng trong tâm thức của người Việt, điều đó được thể hiện rất rõ trong cách người Việt kể lại câu chuyện về họ Hồng Bàng.

    4. Kết luận:

    Với những bằng chứng khảo cổ và lịch sử, chúng ta đã thấy được sự tồn tại của thời kỳ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương, việc phủ nhận sự tồn tại của thời kỳ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương mà không dựa vào các tài liệu khoa học và lịch sử là không đủ cơ sở. Vùng hồ Động Đình cũng là một nơi rất linh thiêng đối với người Việt, là nguồn gốc chính, và cũng là nơi người Việt và người tiền Việt sinh sống trong hàng nghìn năm.

    VIII. Văn hóa Việt trong lớp vỏ ảnh hưởng Trung Hoa và Ấn Độ và vấn đề phát triển văn minh:

    Văn hóa Việt chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của các nền văn hóa lớn trong khoảng hơn 2000 năm trở lại đây, đó là Trung Hoa và Ấn Độ. Sự ảnh hưởng của hai nền văn hóa này rộng lớn, bao quát tới mức người phương Tây gọi bán đảo Đông Nam Á là bán đảo Indochina, như một sự tóm gọn và mặc định: các dân tộc và các quốc gia trong vùng này chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Người Việt chịu ảnh hưởng nhiều hơn của văn hóa Trung Hoa, còn các dân tộc và quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn của văn hóa Ấn Độ. Nhưng chúng ta có nhiều điều để bàn về nhìn nhận về sự ảnh hưởng của các nền văn hóa này.

    1. Sự phát triển và ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt, Ấn Độ và Trung Hoa:

    Điều thứ nhất chúng tôi muốn bàn tới, đó là sự phát triển ảnh hưởng của các nền văn hóa trong vùng Dương Tử kể từ thời văn hóa Lương Chử tới Thạch Gia Hà, đây là các văn hóa có trình độ phát triển cao, đã ảnh hưởng khá mạnh tới các văn hóa trong vùng Đông Á, điều này đã được chúng tôi tìm hiểu trong một bài viết khác [48].

    Các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà là tiền thân của các văn hóa tại miền Bắc Việt Nam là Phùng Nguyên và Đông Sơn, trong thời văn hóa Đông Sơn, thì văn hóa này đã có sức ảnh hưởng rất rộng lớn tới vùng nam Đông Á và Đông Nam Á, trong đó nam Đông Á của cộng đồng tộc Việt là vùng lõi, vùng Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng khá sâu sắc với những cổ vật và đặc trưng văn hóa Đông Sơn xuất hiện trong các văn hóa trong vùng này [49].

    Đó là những ảnh hưởng lớn mà chúng ta có thể nhận thấy ở nền văn hóa của cộng đồng tộc Việt, trong thời kỳ đồ đồng, trước khi người Việt rơi vào vòng lệ thuộc, thì văn hóa Đông Sơn cùng với văn hóa Hoa Hạ là hai trung tâm văn hóa lớn nhất trong vùng Đông Á. Từ đó có thể thấy được rằng, văn hóa Đông Sơn là cốt lõi và có sự ảnh hưởng sâu sắc tới vùng Đông Nam Á trước khi các văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ có sự phát triển mạnh hơn, vượt qua văn hóa tộc Việt và ảnh hưởng ngược lại tới người Việt.

    Việc ảnh hưởng văn hóa này đã gây ra khá nhiều vấn đề trong nhìn nhận về nguồn gốc dân tộc của người Việt nói chung. Tuy nhiên, qua nghiên cứu một cách toàn diện, chúng ta có thể nhìn nhận một cách khách quan hơn, rằng người Việt đã từng có thời điểm có trình độ phát triển cao, ảnh hưởng tới văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và các vùng Đông Nam Á, sau đó người Trung Hoa và Ấn Độ đã có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển và ảnh hưởng tới người Việt, vì vậy ảnh hưởng không phải một chiều, các đặc điểm văn hóa chưa chắc đã là do người Hoa Hạ tạo ra và ảnh hưởng tới người Việt, mà đã từng có chiều ngược lại.

    2. Tại sao người Việt chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc? Và nó có ý nghĩa gì để xác định về nguồn gốc dân tộc không?

    Sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cũng đã khiến nhiều người Việt trở nên mặc cảm, tự ti, cùng với những quan điểm về nguồn gốc mà chúng tôi đã đề cập tới ở trên, điều này cũng dẫn tới tâm lý bài Trung, bài trừ các ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa qua các thời kỳ, tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan, rằng việc ảnh hưởng và giao lưu văn hóa là rất bình thường, việc người Việt chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa là điều tất yếu khi họ phải sống trong khoảng 1000 năm chịu ảnh hưởng văn hóa của người Hoa Hạ. Tuy chịu ảnh hưởng khá mạnh, nhưng về mặt cốt lõi văn hóa, người Việt hiện tại vẫn giữ những đặc trưng văn hóa quan trọng của dân tộc [50], các ảnh hưởng tuy tới nay đã khá sâu sắc, nhưng nó không chiếm toàn bộ không gian văn hóa Việt, mà cốt lõi vẫn là văn hóa tộc Việt truyền lại từ thời cổ đại. Thêm nữa, việc ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa không chỉ tồn tại ở người Việt, mà còn có thể thấy được ở các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa với các quốc gia này có lẽ còn sâu sắc hơn người Việt.

    Cũng có một số tác giả đã dựa vào những ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, sử dụng các văn bản như Chiếu Dời Đô, Hịch Tướng Sĩ, hay việc các triều đình Việt Nam tự nhận là “trung hoa”, “trung quốc”, “hoa hạ”, hay là khái niệm “hán nhân” được sử dụng trong thời Nguyễn để kết luận về nguồn gốc người Việt, cho rằng người Việt là người Trung Hoa, nên đã sử dụng những khái niệm đó để tự hào về nguồn gốc của mình, sử dụng các điển tích để dẫn chứng cho các bản văn của mình, tuy nhiên, giả thuyết đó không có cơ sở, bởi đây là các khái niệm có ý nghĩa nhiều hơn về mặt văn hóa, có thể hiểu nó biểu trưng cho “người văn minh”, một khái niệm về văn hóa của người Trung Hoa nhằm gây ảnh hưởng và đồng hóa các dân tộc xung quanh họ và bị họ chiếm đóng, cai trị, bên cạnh đó việc dẫn các điển tích Trung Hoa trong các văn bản Hịch Tướng Sĩ hay Chiếu Dời Đô cũng có thể tìm được cách lý giải hợp lý từ bối cảnh lịch sử thời kỳ đó, trước thời kỳ Lý – Trần thì người Việt cũng không có nhiều điển tích để có thể dẫn vì mới giành được độc lập, tới thời Lê thì đã có các điển tích riêng của người Việt, nên Nguyễn Trãi đã dẫn ra một số sự kiện diễn ra trong các triều đại trước, bên cạnh đó tầng lớp quý tộc thường học sách vở kinh điển Trung Hoa, tương tự như người Triều Tiên, Nhật Bản, nên Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn sử dụng các điển tích Trung Hoa trong các văn bản của mình không có gì lạ lẫm, nếu thử tra các văn bản cổ Nhật Bản, Triều Tiên có lẽ cũng sẽ bắt gặp những trích dẫn về điển tích, sử tích Trung Hoa. Chính vì vậy không thể sử dụng các khái niệm này cùng với sự ảnh hưởng văn hóa để kết luận về nguồn gốc dân tộc.

    Việc ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên được nhìn nhận một cách khách quan, như một điều tất yếu và bình thường, không chỉ người Việt chịu ảnh hưởng của họ, mà nhiều dân tộc khác trong vùng Đông Á cũng chịu ảnh hưởng tương tự, có khi còn có phần sâu sắc hơn là người Việt, và sự ảnh hưởng văn hóa không phải chỉ một chiều như chúng ta đã thấy. Từ cách tiếp cận cơ bản đó, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn về những ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, tránh sự thiên kiến và cũng hạn chế sự bài trừ, chấp nhận ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa ở một mức độ phù hợp.

    3. Tại sao trình độ văn minh của từng thời kỳ là khác nhau?

    Tiến trình lịch sử của một dân tộc luôn luôn có lúc thịnh, lúc suy, văn minh dân tộc không phải thời kỳ nào cũng phát triển rực rỡ và có sức ảnh hưởng rộng lớn trong thời gian dài. Trong thời kỳ mà văn hóa tộc Việt có sức ảnh hưởng rộng lớn nhất là khoảng 5000-4000 năm trước (Lương Chử – Thạch Gia Hà), và khoảng 2700 năm trước (Đông Sơn), thì người Việt đã có nền tảng chính là vùng đồng bằng sông Dương Tử rộng lớn, tới thời kỳ Đông Sơn, thì đồng bằng sông Hồng đã mở rộng cơ bản, giúp cho sự phát triển văn minh được thuận lợi, yếu tố phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp cùng dân cư có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển văn minh, có nền tảng nông nghiệp trong các đồng bằng lớn sẽ có sự phát triển về dân số, sự phát triển về dân số thường sẽ thúc đẩy sự phát triển về nhà nước, văn hóa, nghệ thuật (đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao người Hoa Hạ lại có thể duy trì sự phát triển và đứng đầu thế giới trong hơn hai nghìn năm, đó là bởi họ sở hữu hai trong những đồng bằng lớn nhất trong vùng châu Á: Dương Tử và Hoàng Hà, trong điều kiện khoa học kỹ thuật không có quá nhiều đột biến dẫn tới chênh lệch cán cân về nông nghiệp và kinh tế, thì họ đã có trong tay những công cụ vô cùng vững chắc để phát triển dân số, phát triển văn minh vật chất và từ đó bành trướng về lãnh thổ).

    Trong thời Lương Chử và Thạch Gia Hà, thì người Việt đã có vùng đồng bằng sông Dương Tử làm nền tảng căn bản cho văn minh, giúp người Việt đạt đỉnh cao, có sự phát triển về nhà nước, về văn hóa, nghệ thuật, ảnh hưởng tới các vùng xung quanh. Tới thời Đông Sơn, thì quốc gia chung của tộc Việt vẫn còn một địa bàn cơ bản trong vùng Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam, nên việc phát triển văn minh vẫn còn thuận lợi, văn hóa Đông Sơn vẫn ảnh hưởng rất lớn tới vùng nam Đông Á và Đông Nam Á. Tới thời tự chủ, thì người Việt chỉ còn lại vùng đồng bằng sông Hồng, đây tuy là đồng bằng không nhỏ trong vùng Đông Nam Á, nhưng đây cũng không phải là một đồng bằng lớn, người Việt từ thời tự chủ trở về sau chỉ phát triển ở một mức độ nhất định, dân số phát triển rất chậm so với thời tiền Bắc thuộc, đây là một lực cản cho sự phát triển văn minh của người Việt, hạn chế sự phát triển về văn minh và lãnh thổ.

    Bên cạnh đó chúng ta cũng có thể nhận thấy nhiều yếu tố khác quyết định tới sự phát triển về văn hóa, văn minh, trong thời tự chủ, chúng ta đều thấy được sự phát triển ở mức độ cao của văn hóa nghệ thuật thời Lý – Trần, đây là thời kỳ thuận lợi về nhiều mặt, những tiến bộ trong tổ chức chính trị, xã hội, chế độ quản lý và phát triển nông nghiệp phù hợp, cùng với đó là điều kiện về các mỏ quặng như vàng, bạc, đồng xuất hiện trong vùng miền Bắc Việt Nam, cùng với đó là tác động từ yếu tố như việc hướng về văn hóa dân tộc, nền tảng văn hóa dân tộc kế thừa từ thời Bắc thuộc, nên văn hóa Việt thời kỳ này đã có sự phát triển khá mạnh, có thể nói là rực rỡ nhất trong giai đoạn độc lập hơn 1000 năm trở lại đây. Tới giai đoạn sau thời Lý Trần, thì nhà Minh khi xâm lược đã tàn phá toàn bộ văn tự, văn minh vật chất của người Việt, đây là một sách lược thâm độc có tác động rất lớn tới sự phát triển của người Việt giai đoạn sau, kể từ đó chúng ta chỉ có thể thấy được sự vụt sáng của thời vua Lê Thánh Tông, và sau đó là một chuỗi dài của sự suy vi, chiến tranh, loạn lạc, sau đó là thời Pháp thuộc, đây là những nguyên nhân trực tiếp khiến văn hóa, nghệ thuật của người Việt không thực sự phát triển trong giai đoạn này.

    Còn một yếu tố cũng rất quan trọng mà chúng tôi cho rằng cần phải đề cập tới, đó là văn hóa của người Việt là một nền văn hóa thiên về tinh thần, thiên về sự thuần hậu, mộc mạc, họ đã chứng minh rằng mình có thể chế tác nên những tác phẩm tinh xảo, không thua kém nền văn minh nào, tuy nhiên qua từng thời kỳ, chúng ta ngày càng thấy người Việt dần dần chú trọng hơn vào yếu tố văn hóa tinh thần, giảm sự phát triển một cách cực đoan về mặt vật chất, không như người Hoa Hạ, khi người Hoa Hạ rất tập trung phát triển về mặt vật chất, văn hóa cung đình, trọng những to lớn, hào nhoáng, nên mặc dù có sự phát triển mạnh trong thời Lý – Trần, thì người Việt vẫn có gì đó thuần hậu, mộc mạc, tập trung nhiều vào yếu tố văn hóa, chứ không thiên hẳn về phát triển vật chất.

    4. Người Việt có triết lý không?

    Người Việt có triết lý không, cũng đã có tác giả viết bài và phân tích, cho rằng người Việt không có triết lý như linh mục Cadière [51], cho rằng về cơ bản người Việt không có triết học, triết học, triết lý của người Việt hoàn toàn là học từ Trung Hoa, nhưng linh mục Cadière về cơ bản cũng có tư tưởng như đa số các nhà nghiên cứu trong thời Pháp thuộc, đều có đầu óc và tư tưởng thực dân, sử dụng đủ mọi phương cách để tấn công vào tinh thần dân tộc của người Việt, khởi nguồn cho tâm thức dị dạng là mọi đặc trưng văn hóa của người Việt đều có nguồn gốc từ bên ngoài. Chúng ta sẽ thử khảo qua một số yếu tố cốt lõi, để xem người Việt có triết lý hay không.

    Yếu tố đầu tiên chúng ta có thể kể tới đó là triết lý âm dương và thái cực đồ, đây là triết lý văn hóa quan trọng bậc nhất của văn hóa Đông Á cổ, thực tế, chúng ta cũng thấy được sự xuất hiện của những đồ hình âm dương trong các văn hóa Khuất Gia Lĩnh và Thạch Gia Hà trong vùng trung lưu Dương Tử, đây là những đồ hình âm dương sớm nhất trong vùng Đông Á.

    1-2: Hình âm dương trên dọi se chỉ văn hóa Khuất Gia Lĩnh. 3: Hình âm dương trên dọi se chỉ Thạch Gia Hà. [52][53][54]

    Một triết lý khác cũng quan trọng không kém, đó là triết lý trời tròn, đất vuông, thì triết lý này đã xuất hiện rất sớm trong văn hóa của người Việt trong vùng Dương Tử, tới thời văn hóa Lương Chử thì nó được thực tế hóa bằng những hiện vật bằng ngọc tông và ngọc bích được sử dụng để tế đất và tế trời.

    Ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất thời văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn: 1, 2]

    Chỉ với hai yếu tố triết lý quan trọng đó, chúng ta đã thấy được người Việt có triết lý, không phải không có triết lý như giả thuyết của linh mục Cadière. Không chỉ những hiện vật khảo cổ ở trên, mà triết lý của người Việt còn thể hiện đầy đủ trong các câu ca dao cổ, đó chính là kết tinh về hệ thống triết lý và tinh thần của người Việt. [55]

    5. Văn hóa Việt là một nền văn hóa nhân bản:

    Quan sát quá trình hình thành, phát triển và tồn tại của người Việt, chúng ta thấy được rằng người Việt thực sự có một nền văn hóa nhân bản, trọng tình nghĩa, với tư tưởng đại đồng, không bài trừ cực đoan, luôn luôn có sự cân bằng và hài hòa. Ngay từ thời điểm hình thành, tộc Việt đã kết hợp những nhóm dân có nguồn gốc có phần khác nhau, một là cư dân hệ ngữ Nam Á gốc trong vùng Dương Tử, và một là cư dân hệ ngữ tiền Nam Đảo / Tai-Kadai có nguồn gốc từ bắc Đông Á, mặc dù có nguồn gốc khác nhau, nhưng người Việt đã chủ trương sự hòa hợp, thống nhất, với việc hình thành biểu tượng lưỡng hợp Tiên – Rồng, là một ý thức văn hóa cốt lõi để thống nhất các nhóm dân có nguồn gốc khác nhau để hình thành một ý thức dân tộc chung, tất cả đều sinh cùng một bọc, đều là anh em ruột thịt, sinh cùng một lúc, không phân biệt trước sau.

    Ý tưởng đó thực sự rất tiến bộ, ngay cả trong thế giới ngày nay, và văn hóa tộc Việt vừa hài hòa, vừa thống nhất, vừa tôn trọng những nét riêng của các vùng tộc Việt, người Tai-Kadai, Nam Đảo sinh sống trong cộng đồng do người Việt Nam Á quản lý, nhưng họ vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của mình trong sự thống nhất về mặt văn hóa, người Hmong-Mien tuy không thuộc cộng đồng tộc Việt, nhưng dưới tư tưởng đại đồng của người Việt, chúng ta cũng thấy được họ rất trân trọng và ghi nhớ công ơn của các vị vua Hùng. Qua một số tài liệu, chúng ta cũng thấy người Dao, một dân tộc thuộc hệ ngữ Hmong-Mien cũng tôn thờ các vị vua Hùng như Tổ của dân tộc mình. Trong các bài hát cúng họ đều thành kính nhắc tới Vua Hùng, vua Tổ và tự nhận mình là con dân đất Việt. [56]

    “Gặp được vua Tổ tốt lòng
    Hướng dẫn người Dao biết làm đồng làm nương
    Hai tay con lạy vua Tổ Hùng Vương
    Cho con bông lúa chín đỏ đầy nương
    Ngô bắp đầy vườn, gia súc đầy sân
    Người người sinh sôi, bản làng đông vui
    Kính lạy vua Tổ tối linh! ” [56]

    Cư dân tộc Việt khi di cư về phía Nam 4000 năm trước đã gặp người Australoid da đen bản địa trong vùng Đông Nam Á, họ cũng đã hoà vào dòng máu chung của người Việt, người Việt các sắc dân sinh da đen chung sống hoà bình cùng nhau, chứ không thấy xảy ra xung đột, phân biệt chủng tộc hay diệt chủng, đây cũng là một dẫn chứng cho chúng ta thấy tính nhân bản của văn hoá tộc Việt.

    Trong suốt lịch sử tồn tại của cộng đồng tộc Việt, chúng ta hầu như không thấy cuộc chiến tranh bành trướng, xâm chiếm lãnh thổ nào diễn ra từ vùng đất tộc Việt sang các vùng khác, lãnh thổ cũng không được mở rộng mà vẫn chỉ là lãnh thổ từ giai đoạn đầu hình thành, lịch sử tộc Việt chỉ thấy những cuộc chiến vệ quốc, bảo vệ lãnh thổ dưới sự xâm lược của các triều đại Hoa Hạ, bắt đầu là thời nhà Thương, các triều đại Hoa Hạ mạnh dần lên, và ngày càng thúc đẩy bành trướng, khiến lãnh thổ của cộng đồng tộc Việt dần dần thu hẹp cho tới khi thất bại hoàn toàn và nằm gọn trong sự đô hộ của người Hoa Hạ. Điều này cũng cho chúng ta thấy tính nhân bản của nền văn hóa chung của cộng đồng tộc Việt, họ không có tư duy bành trướng, mở rộng lãnh thổ một cách cực đoan như người Hoa Hạ.

    Tới thời tự chủ, thì hoàn cảnh lịch sử đã đổi khác, đây là giai đoạn tư tưởng chiến tranh và bành trướng đã nổi dậy, người Việt tiếp nhận thể chế chính trị của người Hoa Hạ, nên một phần họ cũng ảnh hưởng bởi tư tưởng mở rộng lãnh thổ, họ phải tự vệ trước sự xâm lược, và cũng phải tính tới con đường mở rộng lãnh thổ trước áp lực từ phía Bắc, để mở ra cơ ngơi mới cho con cháu mình phát triển, lãnh thổ chật hẹp trong vùng miền Bắc và Bắc miền Trung Việt Nam cũng không đủ để người Việt có thể phát triển thực sự mạnh mẽ, hoàn cảnh lịch sử đó đã trực tiếp thúc đẩy người Việt chiến tranh bảo vệ và mở rộng lãnh thổ, đây là cuộc chiến sống còn và tất yếu, mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, chính vì vậy người Việt cũng không thể đứng im nhìn các quốc gia khác mở rộng lãnh thổ, xâm chiếm đất Việt được mà phải hành động. Chính vì vậy, việc sự mở rộng lãnh thổ trong thời kỳ này chúng ta nên nhìn nhận như một điều bình thường và tất yếu, và cũng không nên sử dụng những cuộc chiến mở rộng lãnh thổ để suy diễn về các vấn đề nguồn gốc của dân tộc.

    Đây cũng là những tư tưởng tiến bộ của người xưa mà chúng ta có thể nghiên cứu, phục hồi, đưa trở lại cuộc sống và văn hoá của người Việt ngày nay, không chỉ thế, chúng ta cũng có thể truyền bá rộng rãi ra thế giới, góp phần tạo dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn.

    IX. Kết luận:

    Bạn đọc đã cùng chúng tôi đi qua một hành trình tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc mình, chúng ta đã biết được nguồn gốc của dân tộc mình thông qua các phương tiện khoa học là di truyền, khảo cổ, từ đó có thể thấy được dân tộc mình từ đâu tới, quá trình phát triển ra sao, vấn đề nguồn gốc không còn mông lung và bất định như các giai đoạn trước.

    Những phác thảo của chúng tôi mới là khởi đầu, chúng tôi hy vọng rằng, từ hướng nghiên cứu này, vấn đề nguồn gốc dân tộc sẽ được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn, tuyên truyền một cách rộng rãi và chính xác hơn tới người Việt, để từ đó làm nền tảng để phục hồi những nét văn hóa cổ của dân tộc, không chỉ là tìm về cội nguồn, mà đây còn là một hành trình tìm về bản thể của chính dân tộc mình, với những đặc trưng văn hóa đã theo dân tộc trong nhiều nghìn năm lịch sử.

    Sự phát triển của dân tộc, của đất nước ta như thế nào, đều sẽ dựa vào con đường mà chúng ta chọn, chúng tôi cho rằng, không có con đường nào khác hơn, chính là con đường về nguồn. Con đường về nguồn cũng sẽ giúp người Việt giải tỏa toàn bộ những tâm lý mặc cảm, tự ti đang bủa vây, giúp thay đổi không ít những vấn đề trong xã hội của người Việt ngày nay, đó cũng chính là một nền tảng cực kỳ quan trọng, để ta biết ta là ai, ta từ đâu tới, và cũng từ đó biết ta sẽ đi tới đâu, để mong chờ một ngày nào đó xây dựng lại một quá khứ lẫy lừng mà người Việt đã từng có.

    Lang Linh


    Tài liệu tham khảo:

    [1] Sử Ký Tư Mã Thiên, Nam Việt Úy Đà liệt truyện, Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn học (2003).

    [2] Hậu Hán Thư, Nhâm Diên truyện, dẫn lại từ An Nam truyện, dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).

    [3] Hà Văn Tấn, bài viết: Văn hóa Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc Việt, Theo dấu các văn hóa cổ, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội, 1998.

    [4] Trịnh Sinh, Nguồn gốc người Việt qua nghiên cứu khoa học liên ngành
    http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/71888/nguon-goc-nguoi-viet-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-lien-nganh.html

    [5] Le VS, Tran KT, Bui HTP, Le HTT, Nguyen CD, Do DH, Ly HTT, Pham LTD, Dao LTM, Nguyen LT. A Vietnamese human genetic variation database. Hum Mutat. 2019 Oct;40(10):1664-1675. doi: 10.1002/humu.23835. Epub 2019 Jul 3. PMID: 31180159.

    [6] Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic Society

    [7] DeSalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us About Ourselves, Texas A & M University Press, p152

    [8] Valéry Zeitouna, Prasit Auetrakulvitb, Antoine Zazzoc, Alain Pierretd, Stéphane Frèree, Hubert Forestierf, (2019), Discovery of an outstanding Hoabinhian site from the Late Pleistocene at Doi Pha Kan.
    http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352226718300345

    [9] Peter U.Clark, Alan C. Mix, 2001, Ice sheets and sea level of the Last Glacial Maximum
    https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0277379101001184

    [10] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501

    [11] Robert Hall, Christopher K. Morley et al. (2004), Sundaland Basins.
    https://www.researchgate.net/publication/258699653_Sundaland_Basins

    [12] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768

    [13] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545

    [14] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.

    [15] ChuanChao WANG Shi YAN ZhenDong QIN Yan LU QiLiang DING LanHai WEI ShiLin LI YaJun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c002611.
    https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1759-6831.2012.00244.x

    [16] Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63

    [17] Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159

    [18] Zhang Juzhong, Wang Xiangkun (1998). Notes on the recent discovery of ancient cultivated rice at Jiahu, Henan Province: a new theory concerning the origin of Oryza japonica in China. Antiquity;72(278):897-901.

    [19] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, et al. (2019) Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history

    [20] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.

    [21] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.

    [22] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt . https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.

    [23] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt . https://hanziyuan.net/#.

    [24] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.

    [25] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

    [26] Hoàng Nguyễn, Văn hóa Thạch Gia Hà và nguồn gốc dân tộc Việt.
    https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10162414047920526&id=519710525

    [27] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China
    https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China

    [28] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
    https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

    [29] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
    https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

    [30] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2. https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia

    [31] Zhang H, He G, Guo J, Ren Z, Zhang H, Wang Q, Ji J, Yang M, Huang J, Wang CC. Genetic diversity, structure and forensic characteristics of Hmong-Mien-speaking Miao revealed by autosomal insertion/deletion markers. Mol Genet Genomics. 2019 Dec;294(6):1487-1498. doi: 10.1007/s00438-019-01591-7. Epub 2019 Jul 16. PMID: 31312894.

    [32] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
    https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

    [33] Higham C (2014). Early mainland Southeast Asia: from first humans to Angkor. River Books, p.200.

    [34] Gerard Diffloth (p.c.), trích trong Handbook of East and Southeast Asian Archaeology, 2017, Junko Habu, Peter V. Lape, John W. Olsen.

    [35] Bing Su, Li Jin, Peter Underhill, Jeremy Martinson, Nilmani Saha, Stephen T. McGarvey, Mark D. Shriver, Jiayou Chu, Peter Oefner, Ranajit Chakraborty, and Ranjan Deka (2000). Polynesian origins: Insights from the Y chromosome.
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC26928/

    [36] Per Hage, Jeff Marck, (2003). Matrilineality and the Melanesian Origin of Polynesian Y Chromosomes
    https://www.journals.uchicago.edu/doi/10.1086/379272

    [37] Nguyễn Mạnh Tiến, Con rồng cháu tiên: huyền thoại Việt – Mường – Thái
    http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n29307/Con-rong-chau-tien-huyen-thoai-Viet-Muong-Thai.html

    [38] Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt – người Mường. NXB Tri Thức.

    [39] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
    https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/

    [40] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

    [41] Bin Liu, Ningyuan Wang, Minghui Chen, et al. (2017). Earliest hydraulic enterprise in China, 5,100 years ago. Proceedings of the National Academy of Sciences; 114(52):13637-42.
    https://www.pnas.org/content/114/52/13637

    [42] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
    https://www.researchgate.net/publication/332595714_On_determining_the_nature_of_Liangzhu_liangzhu_symbols

    [43] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

    [44] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.
    [37] Pittayaporn, Pittayawat. “Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.” (2014).

    [45] Tích Dã, Thời đại Văn Lang – Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam: Từ truyện ký đến tín sử
    https://nghiencuulichsu.com/2019/05/10/thoi-da%cc%a3i-van-lang-au-la%cc%a3c-trong-li%cc%a3ch-su%cc%89-vie%cc%a3t-nam-tu-truye%cc%a3n-ky-den-tin-su%cc%89/

    [46] Lang Linh, Khảo sử về quốc gia Văn Lang và thời kỳ Hùng Vương
    https://luocsutocviet.com/2021/04/12/524-khao-su-ve-quoc-gia-van-lang-va-thoi-ky-hung-vuong/

    [47] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

    [48] Lang Linh, Dương Tử: cái nôi của nền văn minh tộc Việt
    https://luocsutocviet.com/2021/03/17/512-duong-tu-cai-noi-cua-nen-van-minh-toc-viet/

    [49] Lang Linh, Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn
    https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

    [50] Người Việt và sự kế thừa văn hóa tộc Việt
    https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

    [51] “Triết học bình dân của người An Nam / Việt Nam” (Philosophie populaire annamite / vietnamienne), in trong bộ sách Niềm tin và thực hành tôn giáo của người Việt Nam (Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens, EFEO xb, 3 tập, 1992)

    [52] Jean M Green (1993). Unraveling the Enigma of the bi: The Spindle Whorl as the Model of the Ritual Disk. Asian Perspectives:105-24

    [53] Chu Điềm 关喜艳、周恬 Quang Hỉ Diễn. Tiến bộ mới trong khu khảo cổ thứ tư của khu vực Khuất Gia Lĩnh ở Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc. Một số di tích quan trọng đã được phát hiện. 湖北荆门屈家岭遗址第四次考古取得新进展 一批重要遗物被发掘: Nhân dân hàng ngày (Trung Quốc); 2004.

    [54] Trương Bằng Xuyên 张朋川 (2005). Đồ gốm vẽ Trung Quốc 中国彩陶图谱: NXB Di sản văn hóa 文物出版社.

    [55] Trần Thị Thơm, 2020, Đạo làm người trong tục ngữ ca dao Việt Nam và ý nghĩa hiện thời của nó, Luận án tiến sĩ chuyên ngành chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
    https://drive.google.com/file/d/1kabRzcDRZ_hdFW7eRBsGJp6MbtxhzYnr/view

    [56] Dương Huy Thiện, Quốc Tổ Hùng Vương trong tâm tưởng người Dao
    baophutho.vn/den-hung/tin-nguong-hung-vuong/201603/quoc-to-hung-vuong-trong-tam-tuong-nguoi-dao-14793

    https://luocsutocviet.com/2021/05/27/534-hanh-trinh-di-tim-coi-nguon-ban-the-dan-toc-viet/

    Không có nhận xét nào