Header Ads

  • Breaking News

    Ngọc Vân - Đấu tranh phải có vũ khí

    Đấu tranh không nhất thiết là bạo lực. Đấu tranh có thể là dùng các phương tiện mình có để buộc đối phương phải thay đổi theo hướng có lợi cho mình.

    Vũ khí là gì?

    Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều người căm ghét chế độ độc tài vì nhiều lý do khác nhau. Một số khác tuy không căm ghét nhưng muốn thay đổi vì nhận thấy được hậu quả mà dân tộc phải gánh chịu vì chế độ độc tài này. Tuy vậy, nhiều người không dám hay không muốn đấu tranh vì nghĩ rằng mình không có vũ khí. Họ cho rằng vì ở thế yếu thì hậu quả sẽ là: Đấu tranh rồi tránh đâu? Trong bài viết này, tôi cho rằng người dân Việt Nam, ai cũng có vũ khí, ai cũng có thể góp phần để đem lại sự thịnh vượng và dân chủ cho Việt Nam.

    Trước hết, vũ khí là gì? Trong tiếng Việt, vũ khí có thể là “phương tiện dùng để sát thương và phá hoại”. Vũ khí cũng có thể có nghĩa là “phương tiện để tiến hành đấu tranh.” Nói một cách khác, đấu tranh không nhất thiết là bạo lực. Đấu tranh có thể là dùng các phương tiện mình có để buộc đối phương phải thay đổi theo hướng có lợi cho mình.

    Thứ hai, đấu tranh bạo lực hợp lý không? Trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ là không. Nhà nước độc quyền các công cụ bạo lực, công an và quân đội. Do đó, việc đấu tranh bạo lực gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc trả giá bằng cực hình hay sinh mạng. Gene Sharp đã viết trong quyển Từ Độc Tài đến Dân Chủ: “Khi đặt tin tưởng vào phương cách bạo lực, các nhà tranh đấu đã chọn ngay cách đấu tranh mà những kẻ đàn áp hầu như luôn luôn chiếm ưu thế.” Tôi không tin rằng các bạn hiểu rõ điều này. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể đọc quyển sách trên Internet(1).

    Có thể là một số người cho rằng vì họ, hay dân chúng nói chung, yếu hơn chế độ chuyên quyền, nên không thể đấu tranh được. Tuy vậy, như chúng ta đã biết, các chế độ độc tài đều có vẻ bất khả chiến bại cho đến khi nó sụp đổ. Từ Ba Lan, đến các nước Đông Âu khác, đến Mông Cổ, Đài Loan, Nam Hàn, các chế độ độc tài tưởng chừng vững như bàn thạch đã sụp đổ. Bạn có tin rằng dân tộc Việt mãi mãi phải chịu cảnh mất tự do không? Nếu không, làm thế nào để kết thúc một chế độ độc tài?

    Về tổng thể, khi giới chóp bu chính trị có thể thỏa mãn nhu cầu vật chất của công an, của quân đội, và các viên chức nhà nước, khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng, khả năng chuyển đổi chế độ từ độc tài sang dân chủ là rất thấp. Để thay đổi được, phải làm cho nhà nước mất dần khả năng nuôi công an, nuôi quân đội, phải làm cho công an, quân đội ít phụ thuộc hơn vào nhà nước cho sự tồn tại của chính các lực lượng này.

    Vậy làm thế nào để làm suy yếu sức mạnh của nhà nước? Theo tôi, nó liên quan đến từ các yếu tố sau: thứ nhất, tính chính đáng. Liệu dân chúng có cho rằng thế lực chóp bu hiện tại hoàn thành tốt trách nhiệm phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giữ gìn an ninh, đặc biệt là biên cương, biển đảo hay không? Dân chúng càng tin rằng nhà cầm quyền thiếu tính chính đáng, họ càng khó cai trị. Vì dù có thể dùng vũ lực để theo dõi, đàn áp dân chúng, các biện pháp này tốn kém.

    Thứ hai, sức mạnh của nhà nước đến từ các nguồn thu tài chính, từ thuế, phí, từ các hoạt động của các công ty nhà nước. Đây là một trong những nguồn lực hết sức quan trọng. Điều này thể hiện qua nỗ lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau năm 1954 ở Miền Bắc, sau năm 1975 ở Miền Nam, muốn tập trung toàn bộ các hoạt động kinh tế dưới sự quản lý của họ. Họ chỉ từ bỏ chính sách này vào năm 1985, sau khi đã đưa nền kinh tế Việt Nam đến bờ vực của sự sụp đổ. Dù thất bại với chính sách kinh tế kế hoạch tập trung, Nhà nước vẫn tiếp tục muốn duy trì sức ảnh hưởng của kinh tế nhà nước – các công ty, tập đoàn nhà nước – dù đa số các tập đoàn này luôn kêu lỗ.

    Lý do nằm ở chỗ, tầng lớp chóp bu chính trị có thể dùng các công ty này để cung cấp các vị trị quản lý béo bở cho tay sai của họ. Những hãng điện thoại của Quân đội, của Công An, của bộ này, bộ kia là những dấu hiệu của những vụ này. Ngoài ra, các công ty nhà nước độc quyền, về điện, nước, v.v. cũng là công cụ để giới cầm quyền “vặt lông” dân chúng. Bạn không có quyền khiếu nại giá nước, giá điện, giá cước điện thoại, v.v. Nhà cầm quyền cần khối kinh tế nhà nước để duy trì sự phụ thuộc của các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội, dân chúng vào Nhà nước.

    Cuối cùng, sức mạnh của nhà nước nằm ở tính chính đáng của họ trong mắt cộng đồng quốc tế. Việt Nam khác với Bắc Hàn, khác với Iran, Venezuela ở chỗ nước này thông thương mạnh mẽ với thế giới. Có thể nói, nếu Việt Nam không có đầu tư nước ngoài, không có xuất khẩu thì tình hình sẽ cực kỳ bi đát cho cả nhà nước lẫn dân chúng. Ai trên 40 tuổi có lẽ cũng hiểu điều này.

    Vậy, bạn có thể làm gì, dù bạn là ai?

    Để làm suy yếu tính chính đáng của những kẻ chuyên quyền, bạn có thể giúp những người xung quanh mình hiểu về bản chất xấu xa của chúng. Nếu bạn sợ không dám viết trên Internet, bạn có thể nói với những người hàng xóm, với những người mà bạn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tôi tin một cụ già hành khất có thể làm điều này. Còn bạn, bạn nghĩ sao?

    Để làm suy yếu khả năng kiểm soát công an, quân đội, bạn có thể giúp làm cho các công ty nhà nước yếu đi. Ví dụ, khi mua hàng hóa và dịch vụ, bạn ưu tiên cho các công ty tư nhân, khi bạn có quyền lựa chọn. Khi làm như vậy, bạn làm cho khối kinh tế tư nhân lớn lên và khối doanh nghiệp nhà nước nhỏ đi. Bạn cũng có thể trao đổi hàng hóa, dịch vụ trực tiếp với những người quen, thay vì khi mua hàng hóa ở các siêu thị. Nhà nước lấy 10% thuế VAT khi bạn mua hàng ở những chỗ này và nhiều khả năng họ dùng nguồn thu này để nuôi công an, quân đội và công chức nhà nước.

    Để làm suy yếu tính chính đáng của nhà cầm quyền trong mắt cộng đồng quốc tế, bạn có thể lên tiếng về những bất công trong xã hội mà bạn chứng kiến.

    Còn rất nhiều điều khác mà mọi người có thể làm để gia tăng sức mạnh của xã hội dân sự và làm những kẻ chuyên quyền suy yếu đi. Bạn có thể tìm thấy những điều này trong Cuốn Từ Độc Tài đến Dân Chủ.

    Khi nhiều người trong xã hội cùng làm những điều này, nhà cầm quyền sẽ chịu nhiều áp lực hơn. Từ đó, họ nhiều động lực để thay đổi theo hướng làm cho xã hội phồn vinh và tự do hơn.

    Tóm lại, đấu tranh không nhất thiết phải bằng con đường bạo lực. Không nhất thiết phải đặt cá nhân, gia đình bạn vào nguy cơ bị tù tội, bị Nhà nước cô lập. Bạn có thể đấu tranh bằng những cách rất an toàn.

    ______________

    Tài liệu Tham khảo

    https://www.nonviolent-conflict.org/wp-content/uploads/1994/01/From-Dictatorship-to-Democracy-Vietnamese.pdf

    https://vietnamthoibao.org/vntb-dau-tranh-phai-co-vu-khi/

    Không có nhận xét nào