Header Ads

  • Breaking News

    Nhã Duy - Mùa bãi trường, nghĩ về hệ thống giáo dục Hoa Kỳ

    Vài năm trước, trong một bữa cơm tối, tôi hỏi chuyện thi cử với con gái đang học cuối bậc bán trung học. Cô bé khá tự tin về các môn phải thi vào năm lớp Tám, nhưng bảo rằng hơi lo cho môn khoa học vì cô giáo dạy khá lơ là, luôn khó chịu và không bao giờ trả lời các câu hỏi của học sinh.



    Nguồn hình ảnh, Getty Images
    Con gái tôi kể thêm rằng, cô bé đã cùng một người bạn học khác đã lên văn phòng hiệu trưởng để trình bày mối quan tâm của mình và vị hiệu trưởng cũng đã có xuống lớp để dự khán giờ học.

    Tôi thường bảo các con nói chuyện bằng tiếng Việt để bà nội có thể theo dõi các câu chuyện trong các bữa cơm gia đình. Mẹ tôi nghe câu chuyện, quay bảo cháu, "sao con làm vậy, cô giáo ghét rồi gây khó khăn cho con sao".

    Cô bé trấn an bà Nội, "không sao đâu Nội". Tôi phá luật vì hiểu tâm lý người lớn tuổi như mẹ tôi, quay sang con gái nói bằng tiếng Anh, "con làm đúng". Cô bé và các bạn tiếp tục gặp vị hiệu trưởng và một vài tuần sau, cô bé kể lại là môn học đã có được cô giáo mới. Tôi rất vui vì cô bé cùng các bạn mình đã biết cách giải quyết những vấn đề của mình, không cần tôi phải đến gặp vị hiệu trưởng.

    Câu chuyện con gái tôi là một câu chuyện riêng tư nhưng tôi vẫn tin nó đại diện cho cá tính, thái độ của nhiều học sinh Mỹ. Đó là cách các em được giáo dục và trở thành một tính cách chung của người Mỹ khi trưởng thành. Nó liên quan đến mọi vấn đề cần có sự lên tiếng, từ mối quan hệ thầy-trò, những hành động sách nhiễu, lời nói kỳ thị, hận thù... nơi học đường ra đến xã hội.



    Nguồn hình ảnh, Other

    Chụp lại hình ảnh,

    Alexis, con gái tác giả và thầy hiệu trưởng trong lễ phát thưởng cuối năm 2018

    Đôi tuần qua, truyền thông cũng đưa tin nhiều về của cô thủ khoa Paxton Smith tại một trường trung học của Dallas tại Texas. Thay vì phát biểu dựa theo những gì đã nộp cho trường, Paxton không ngần ngại nói về "cuộc chiến với những quyền phụ nữ" - về luật phá thai nghiêm ngặt mà tiểu bang này vừa thông qua.

    Paxton phát biểu, "tôi không thể dùng diễn đàn này để cổ vũ cho sự hài lòng và hòa bình khi có một cuộc chiến trên cơ thể và những quyền của tôi. Một cuộc chiến trên quyền của mẹ các bạn, chị em các bạn, con gái các bạn. Chúng ta không thể im lặng". Như con gái tôi, Paxton đã không im lặng và lên tiếng mạnh mẽ cho những gì cô tin.

    Đây là một trong những lý do mà không ít người Việt đã bày tỏ sự lo ngại về nền giáo dục Hoa Kỳ. Không khó bắt gặp các ý kiến cá nhân trên mạng xã hội cho đến những bài viết, những câu chuyện đàm luận trên hệ thống truyền thông Việt Ngữ rằng, "giới trẻ bị tẩy não, nhồi sọ" hay "hệ thống giáo dục Mỹ thiên tả" khi suy nghĩ của một giới trẻ gốc Việt có phần khác biệt với phần lớn thế hệ thứ nhất.

    Một nhà báo gốc Việt nhận xét về nền giáo dục Mỹ là, "mang nặng tính tẩy não, nhồi sọ một chiều trên phương diện nhân văn. Một chính sách giáo dục một chiều khi tuyệt đại đa số giáo chức đều có tư tưởng cấp tiến, muốn "cải tạo", truyền bá cái tư tưởng cấp tiến đó vào đầu học trò, trong suốt hai chục năm học đường. Từ tiểu học, đến trung học, đến đại học, không còn bí mật gì nữa, các trường học Mỹ đều là những ổ ươm cây cấp tiến, gọi là "trồng người", của các nghiệp đoàn giáo chức thiên tả...".

    Suy nghĩ phổ biến này bắt gặp trong một số bậc phụ huynh gốc Việt dù ít nhiều mang sự mâu thuẫn. Trong khi hãnh diện, vui mừng vì con cái được vào đại học hay được chấp nhận vào các trường danh tiếng nào đó, họ đồng thời cũng cứ chỉ trích đó là những trường "thiên tả", làm công việc tẩy não con cái họ bởi có sự bất đồng với con cái trong các vấn đề xã hội.

    Nếu hiểu thêm về một hệ thống giáo dục độc lập và cấp tiến của nước Mỹ, luôn cổ xúy mối quan tâm và dự phần vào xã hội của học sinh sinh viên, về quyền tự do biểu đạt cá nhân và tôn trọng sự khác biệt thì các bậc phụ huynh gốc Việt này sẽ cảm thấy vui mừng hơn khi con cái có được sự độc lập trong suy nghĩ và hành động, cho dù có hoàn toàn khác biệt với mình. Bởi đó là cách các em định hình và thể hiện một cá tính riêng biệt, độc lập của mình.

    Những trải nghiệm, quá khứ cùng khả năng, nhận thức của thế hệ đi trước có thể mang dăm giá trị nào đó với thế hệ này nhưng không là mẫu số chung ngay cả với những người đồng thời, huống hồ với các em thế hệ sau mình và được thụ hưởng một nền giáo dục khai phóng, sẳn sàng lên tiếng cho những gì các em cho rằng sai trái, không thích hợp theo suy nghĩ, nhận thức của mình. Có thể đúng, có thể sai, nhưng đó cũng là những quyền của các em.

    Những khoảng cách thế hệ không đến riêng vì tuổi tác, suy nghĩ, nhận thức, trải nghiệm mà còn vì một khoảng cách văn hóa. Một văn hóa Á Đông thấm đậm trong thế hệ thứ nhất có nhiều phần khác biệt so với một văn hóa cấp tiến, mạnh mẽ hơn của thế hệ thứ nhì, thứ ba gốc Việt đã được thụ đắc và đang mạnh mẽ tiến bước. Người Việt truyền thống lên tiếng chỉ khi họ thấy sự lên tiếng của mình có được không gian an toàn. Còn giới trẻ can đảm lên tiếng theo suy nghĩ và lương tâm của mình, bất kể những gì có thể xảy ra.

    Trong mùa bãi trường này, xin chúc mừng thành tựu của các em sinh viên học sinh vừa hoàn tất một chặng đường học vấn của mình. Xin chúc mừng những hy sinh của các bậc phụ huynh đã vun bồi cho những hoa trái đơm bông và đóng góp cho xã hội những công dân trách nhiệm và hữu dụng.

    Với riêng các bậc phụ huynh gốc Việt, xin hãy an tâm rằng, các em đã và đang thụ đắc một nền giáo dục khai phóng trong số những nền giáo dục tốt nhất thế giới mà nhiều quốc gia đã mong muốn có được hay các bậc phụ huynh nước khác đều ao ước có thể gởi con sang theo học.

    https://www.bbc.com/vietnamese/forum-57423570

    Không có nhận xét nào