Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 05 tháng 6 năm 2021

    Nhật Bản gửi cho Đài Loan 1.2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca bất chấp TQ phản đối
    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 05 tháng 6 năm 2021

    Khi Đài Loan đang vật lộn với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu trong tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng, chính phủ Nhật Bản đã quyết định gửi 1,2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca tới Đài Loan vào ngày hôm sau.

    Vào lúc 11 giờ 45 phút sáng thứ Sáu, Chuyến bay 809 của Japan Airlines đã cất cánh từ Sân bay Quốc tế Narita, mang theo 1,24 triệu liều thuốc, Apple Daily đưa tin. Máy bay đã ​​đến Sân bay Quốc tế Đào Viên Đài Loan lúc 2 giờ 40 phút.

    Tờ Asahi Shimbun hôm thứ Năm dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết đây là đợt đầu tiên và sẽ có thêm nhiều lô vắc-xin khác sẽ được gửi tới Đài Loan trong thời gian tới. Theo báo cáo, chính phủ Nhật Bản ban đầu đã xem xét cung cấp vắc-xin cho Đài Loan thông qua COVAX, nhưng sau đó cho rằng cơ quan quản lý liên quan sẽ làm chậm quá trình giao hàng, nên Nhật Bản chọn cách gửi trực tiếp cho Đài Loan.

    Kyodo News cùng ngày dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu chỉ ra rằng các loại vắc-xin được sản xuất trong nước của Đài Loan sẽ không có sẵn cho đến cuối tháng 7 trong khi quốc gia này đang cần tiêm gấp, vì vậy Nhật Bản đã lên kế hoạch tài trợ vắc-xin ngay cho Đài Loan trong tháng này.

    Bộ ngoại giao Đài Loan đã cảm ơn Nhật Bản về khoản tài trợ và cũng bày tỏ sự cảm kích vì đã hỗ trợ những nỗ lực của nước này để tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới.

    Đài Loan cũng cảm ơn Hoa Kỳ đã đóng góp 7 triệu liều cho các “quốc gia và thực thể” ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan. “Là một đối tác thân thiết của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực song phương trong việc chống lại đại dịch dựa trên mối quan hệ thân thiện của chúng tôi”.

    Trả lời câu hỏi về việc Nhật Bản đang có kế hoạch gửi vắc-xin đến Đài Loan, hôm 28/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc sử dụng đại dịch cho một cuộc biểu diễn chính trị.”

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Chủ nhật cũng tuyên bố rằng kế hoạch “giành độc lập thông qua vắc xin” của Đài Loan sẽ thất bại.

    Chuyến hàng tới Đài Loan ngày hôm nay trùng với dịp kỷ niệm 32 năm Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn.

    Chính phủ Nhật Bản đã ký hợp đồng với AstraZeneca để cung cấp 120 triệu liều trong năm nay và đã phê duyệt loại vắc-xin này vào tháng trước. Tuy nhiên, hiện tại Nhật Bản vẫn chưa có kế hoạch sử dụng vắc-xin này trong nước do Tokyo đã mua 194 triệu liều từ Pfizer và 50 triệu liều từ Moderna, con số này được cho là quá đủ để dân số của họ đạt được miễn dịch cộng đồng.

    COVID tại Myanmar tăng sau ổ dịch gần biên giới Ấn Độ


    Myanmar ngày 4/6 ghi nhận số ca nhiễm COVID cao nhất kể từ khi dịch vụ y tế và xét nghiệm của nước này sụp đổ sau cuộc đảo chánh 1/2. Việc này khiến người ta lo ngại về một ổ dịch đang bùng phát gần biên giới Ấn Độ.

    212 ca được báo cáo trên toàn quốc, dù thấp so với nhiều nước láng giềng, nhưng là số cao nhất trong 4 tháng qua.

    Nhiều ca nhiễm từ bang Chin, giáp ranh Ấn Độ, gây quan ngại là biến thể Ấn Độ lây nhiễm cao hiện đang lây lan sang Myanmar.

    Công tác xét nghiệm COVID sụp đổ sau cuộc đảo chánh vì nhiều nhân viên y tế tham gia phong trào bất tuân dân sự để phản đối vụ đảo chính lật đổ lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi.

    Trong tuần lễ trước khi nổ ra đảo chính, Myanmar xét nghiệm trung bình 17.000 ca. Trong tuần lễ hiện nay, số này chỉ hơn 1.500 ca.

    ‘Đài Loan không bao giờ quên vụ đàn áp Thiên An Môn tại Trung Quốc’


    Người dân Đài Loan không bao giờ quên việc Trung Quốc đàn áp đẫm máu những người biểu tình đòi dân chủ bên trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn cách đây 32 năm và sẽ luôn luôn theo đuổi niềm tin dân chủ, Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, tuyên bố ngày 4/6.

    Đài Loan thường chỉ trích Trung Quốc trong mỗi dịp đánh dấu ngày tưởng niệm Thiên An Môn và thúc đẩy Bắc Kinh đối diện với những gì họ đã gây ra, và mỗi lần như vậy Bắc Kinh đều tỏ ra bất bình. Trung Quốc xem Đài Loan là lãnh thổ của họ và doạ dùng vũ lực chiếm lại, nếu cần.

    Ngày 4/6 năm nay đánh dấu 32 năm kể từ khi binh sĩ Trung Quốc nổ súng đàn áp các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo tại Quảng trường Thiên An Môn. Nhà cầm quyền Trung Quốc cấm tưởng niệm biến cố này ở Hoa lục.

    Viết trên trang Facebook của mình, Tổng thống Đài Loan khẳng định người dân Đài Loan sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra.

    “Tôi tin là đối với tất cả những người Đài Loan tự hào về sự tự do và dân chủ của mình, họ sẽ không bao giờ quên được ngày này và sẽ giữ vững lòng tin, không lay chuyển bởi những thách thức,” bà nói.

    “Chúng tôi cũng sẽ không quên những người trẻ đã hy sinh trên Quảng trường Thiên An Môn ngày này cách đây 32 năm, và rằng năm này qua năm khác, các bạn bè tại Hong Kong luôn luôn thắp nến tưởng niệm ngày 4/6.”

    Hội đồng Hoa lục Sự vụ của Đài Loan ngày 3/6 kêu gọi Trung Quốc trả lại quyền hành cho người dân và xúc tiến cải cách dân chủ thực sự thay vì né tránh đối mặt với sự thật.

    Ngược lại, Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc tố cáo Đài Loan “bôi nhọ và tấn công” Trung Quốc thay vì nên chú tâm chống dịch COVID-19 đang tăng mạnh ở nội địa.

    Mỹ kêu gọi tăng cường tiêm chủng COVID cho thanh thiếu niên


    Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) kêu gọi thanh thiếu niên đi tiêm ngừa vì dữ liệu mới từ các nhà nghiên cứu cho thấy cứ ba thanh thiếu niên nhập viện do nhiễm COVID-19 hồi đầu năm nay thì có một em phải vào phòng điều trị tích cực (ICU).

    “Tôi vô cùng lo ngại về số lượng thanh thiếu niên nhập viện và rất buồn khi thấy số lượng thanh thiếu niên phải điều trị tại các phòng điều trị tích cực hoặc thở máy,” Giám đốc CDC Rochelle Walensky phát biểu hôm 4/6.

    Tỉ lệ nhập viện do COVID-19 ở thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi trong tháng 4 tăng lên thành 1,3 trên 100.000 người so với tỉ lệ thấp hơn vào giữa tháng 3, CDC cho biết trong Báo cáo Hàng tuần về Bệnh tật và tử vong (MMWR).

    Trong số 204 thanh thiếu niên chủ yếu nhập viện vì COVID-19 trong ba tháng đầu năm nay, 31,4% được đưa vào ICU và khoảng 5% phải thở máy, cơ quan này cho biết.

    “Phần nhiều những đau khổ này có thể ngăn chặn được,” bà Walensky nói

    Dữ liệu mới nhất của CDC dựa trên một hệ thống giám sát các trường hợp nhập viện liên quan đến COVID-19 đã được phòng thí nghiệm xác nhận tại 99 quận trên 14 bang, bao gồm khoảng 10% dân số của Mỹ.

    Dữ liệu này bổ sung vào thông tin trước đây cho thấy các trường hợp nhập viện do COVID-19 nghiêm trọng xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, dù xảy ra thường xuyên hơn ở người lớn tuổi.

    CDC công bố dữ liệu này trong khuôn khổ nỗ lực của Mỹ muốn đẩy mạnh tiêm chủng cho thanh thiếu niên bằng vaccine của Pfizer và đối tác Đức BioNTech.

    Vaccine này đã được cấp phép sử dụng cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi vào tháng 5.

    Gần 50% dân số Mỹ từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của CDC.

    Chị Trần Kim Lệ Anh, cư dân ở thành phố Chicago, đã cho người con 14 tuổi của mình đi tiêm ngừa COVID-19 mũi đầu tiên khoảng một tuần trước và sẽ nhận mũi thứ hai trong vài tuần tới. Chị nói chị không có lo ngại nào về vaccine khi cho con đi tiêm chủng.

    “Chích tốt mà,” chị chia sẻ, và cho biết thêm con chị không bị phản ứng phụ nào.

    Chị Phạm Thu Vân, cư dân ở Bellevue thuộc bang Washington, cũng đã cho cả hai cô con gái trong nhà đi tiêm ngừa. Người con lớn 18 tuổi đã nhận được vaccine từ tháng 4 và người con thứ hai trong độ tuổi thanh thiếu niên vừa tiêm cách đây hai tuần khi nhà chức trách y tế của bang cho phép.

    “Trước khi cho cháu đi chích, tôi có lên internet coi thử coi số người chích bị vấn đề có nhiều hay không,” chị nói. “Nhìn ra thì thấy tỉ lệ phần trăm rất là thấp nên cho cháu chích thử coi mũi thứ nhất ra làm sao thì thấy nó OK, mũi thứ nhì cho nó chích luôn.”

    Mỹ đã tiêm 299.120.522 liều vaccine COVID-19 trong số 369.159.075 liều được phân phối, tính đến sáng 4/6, CDC cho biết.

    Số này tăng lên từ 297.720.928 liều mà CDC cho biết đã được tiêm đến ngày 3/6 trong tổng số 368.375.195 liều được phân phối.

    Vẫn theo CDC, tính đến sáng 4/6, tại Mỹ đã có 169.735.441 người được tiêm ít nhất một liều vaccine và 137.455.367 người được tiêm chủng đầy đủ.

    Số liệu của CDC bao gồm vaccine hai liều của Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như vaccine một liều của Johnson & Johnson.

    Một quan chức cao cấp Trung Quốc nắm nhiều bí mật đào thoát sang Mỹ

    Một quan chức cao cấp Trung Quốc đào thoát đã làm việc với Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) Mỹ trong nhiều tháng, các nguồn tin yêu cầu ẩn danh trong cộng đồng tình báo Hoa Kỳ nói với hãng tin RedState. Quan chức này nắm nhiều bí mật về các chương trình vũ khí đặc biệt ở Trung Quốc, bao gồm các chương trình vũ khí sinh học.

    Thông tin mà RedState có được chứng thực và làm rõ một báo cáo vào tối 3/6 của nhà báo Adam Housley – nói rằng Bắc Kinh đang chịu sức ép khi có một quan chức nắm nhiều bí mật đào thoát ra nước ngoài.

    Trên twitter nhà báo Housley ám chỉ rằng tình báo Mỹ tin rằng viện nghiên cứu virus Vũ Hán đã tạo ra COVID.

    Các nguồn tin tiết lộ với RedState rằng quan chức Trung Quốc đào thoát đã làm việc với DIA được ba tháng và người này đã cung cấp một cuộc phỏng vấn sâu rộng, chi tiết về chương trình vũ khí sinh học của Trung Quốc cho các quan chức Mỹ.

    Theo đánh giá của DIA, thông tin do người đào thoát cung cấp là hợp pháp. Các nguồn tin cho biết mức tin cậy từ thông tin của người đào thoát là điều đã khiến cố vấn virus corona của Tòa Bạch Ốc, Tiến sĩ Anthony Fauci, thay đổi quan điểm về nguồn gốc COVID-19. Các nguồn tin cũng lưu ý các nhân viên của Viện Nghiên cứu Y tế Quân đội Hoa Kỳ về các bệnh truyền nhiễm đã chứng thực các chi tiết kỹ thuật mà người đào thoát tiết lộ.

    Người dân Đài Loan tổ chức lễ tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn


    Taiwan News đưa tin, người Đài Loan ngày 4/6 đã tổ chức lễ tưởng niệm 32 năm cuộc Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, sự kiện được coi là đánh dấu chấm hết cho nền dân chủ tại Trung Quốc.

    Tuy nhiên, do dịch Covid-19, sự kiện năm nay được phát trực tuyến và một gian tưởng niệm nhỏ được thiết lập ở trung tâm Đài Bắc.

    Lễ tưởng niệm được người dân Đài Loan tổ chức hàng năm để tưởng nhớ sự kiện hàng nghìn người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bắc Kinh đã bị ĐCSTQ giết hại ở quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

    Lễ tưởng niệm do Tổ chức Phi chính phủ Trường học Dân chủ Mới phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến Nhân quyền Đài Loan và nhiều tổ chức khác phối hợp tổ chức.

    Một khu vực nhỏ đã được dựng lên tại Quảng trường Tự do của thủ đô để đón tiếp người đến tưởng niệm từ 4 đến 8 giờ tối. Do dịch Covid-19, mỗi lần chỉ có một người được phép vào và đặt hoa. Xung quanh là các bức ảnh về thảm kịch ngày 4/6/1989.

    Tuy nhiên, vào khoảng 8 giờ tối, một người đàn ông khoảng 40 tuổi đã phá hoại khu tổ chức sự kiện. Sau khi lật đổ và làm hỏng một trong những giá đặt ảnh, người này đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa đến đồn cảnh sát ở đường Renai để thẩm vấn.

    Sự kiện tưởng niệm cũng được phát trực tiếp trên trang Facebook của Tổ chức Phi chính phủ Trường học Dân chủ Mới bắt đầu từ 7 giờ tối. Các diễn giả tham gia sự kiện gồm 2 nhân chứng của cuộc biểu tình Thiên An Môn là Ngô Nhĩ Khai Hy và Ngô Nhân Hoa, nghệ sĩ bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba; luật sư nhân quyền Trung Quốc Trần Kiến Cương và một số quan chức Đài Loan.

    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn viết trên Twitter rằng người dân Đài Loan sẽ “không bao giờ quên” những người đã hy sinh bản thân vì tự do và dân chủ. Bà viết: “Hàng năm, chúng tôi cùng bạn bè của chúng tôi ở Hồng Kông và trên toàn thế giới tưởng nhớ sự hy sinh của họ”.

    Cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6 năm 1989 còn được gọi là Sự cố Lục Tứ. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh cho quân đội dùng súng ống và xe tăng nghiền nát phong trào biểu tình do sinh viên khởi xướng tại Quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh vào năm 1989.

    Không có nhận xét nào