Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 24 tháng 6 năm 2021

    Covid-19 : Y Sĩ Không Biên Giới đề nghị cải cách khẩn cấp cơ chế chia sẻ vac-xin Covax
    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 24 tháng 6 năm 2021

    Máy bay chở vac-xin AstraZeneca tới sân bay quốc tế Benito Juarez, Mexico City, Mêhicô, ngày 27/05/2021. © REUTERS - HENRY ROMERO

    Để bảo đảm các nước nghèo được tiếp cận nguồn vac-xin ngừa Covid-19, Tổ Chức Y Tế thế Giới hồi tháng 06/2020 đã thành lập cơ chế chia sẻ vac-xin Covax.

    Thế nhưng, tính đến giữa tháng 06/2021, Covax mới chỉ giao được 87 triệu liều vac-xin cho các nước nghèo, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu ban đầu. Covax vì thế bị coi là một biểu tượng cho sự thất bại trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới đề nghị khẩn cấp cải tổ cơ chế hoạt động của hệ thống Covax.

    Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết chi tiết :


    “Tỉ lệ vac-xin ngừa Covid-19 được sử dụng ở các nước nghèo chỉ đạt 0,4%. Với tỉ lệ này, rất ít người dám khẳng định hệ thống Covax là một thành công. Cơ chế Covax đã nhận được những lời hứa về khoản tiền quyên tặng 10 tỷ đô la, đủ để có 3,8 tỷ liều vac-xin. Thế nhưng, vấn đề là đa phần sẽ được giao vào năm 2022. Theo ông Manuel Martin, cố vấn về tiếp cận điều phối của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (Médecins sans Frontières), đó là một bằng chứng bổ sung cho thấy Covax không hoạt động.

    Ông Manuel Martin phát biểu: “Covax được lập ra để thất bại bởi cơ chế này dựa vào các quy tắc của ngành công nghiệp dược phẩm, theo đó các nhà sản xuất luôn bán cho người trả giá cao nhất. Thật sai lầm khi tin rằng các doanh nghiệp và quốc gia sẽ tôn trọng nguyên tắc công bằng”.

    Quả thực, Covax lẽ ra phải là khách mua vac-xin ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới, một vị thế lẽ ra phải giúp Covax có được những hợp đồng tốt nhất. Nhưng trên thực tế, các quốc gia lại thích thương lượng trực tiếp với các nhà sản xuất hơn. Đồng thời, cơ chế này lại thêm suy yếu khi chủ yếu dựa vào lượng vac-xin mà các nước giàu quyên tặng.

    Ông Manuel Martin nói thêm : “Tương lai của Covax vẫn chưa được xác lập. Nếu vẫn không hiệu quả như thế này thì Covax sẽ không thể giúp chúng ta vượt qua đại dịch tiếp theo, thậm chí là không thể chấm dứt đại dịch lần này."

    Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới đề nghị xem xét lại toàn bộ cách thức vận hành của cơ chế Covax, đặc biệt bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và yêu cầu những đóng góp phù hợp từ các tập đoàn dược phẩm vốn đã được hưởng lợi từ nguồn tài trợ công cho hoạt động nghiên cứu”.

    Thủ tướng Ấn Độ Modi bất ngờ gặp các lãnh đạo Kashmir

    Hôm nay các lãnh đạo Kashmir sẽ về thủ đô Ấn Độ tham dự một hội nghị thượng đỉnh gây tò mò. Từng được coi là các chính trị gia “chính thống” vì chấp nhận chủ quyền của Ấn Độ, song gần đây họ bỗng trở thành tù nhân chính trị. Cụ thể hầu như tất cả những ai từng được bầu vào các chức vụ cấp cao ở Jammu&Kashmir, bang đa số Hồi giáo duy nhất của Ấn Độ, đều bị bắt vào tháng 8 năm 2019. Khi ấy chính phủ Ấn Độ đột ngột hủy tư cách bang của lãnh thổ này, cắt kết nối internet và điện thoại, một điều chẳng khác nào tuyên bố thiết quân luật.

    Hầu hết người dân Ấn Độ đều ủng hộ. Nhưng người Kashmir thì không. Các nhà lãnh đạo được bầu của họ bị làm cho bẽ mặt, dù đã dành cả sự nghiệp để thúc đẩy hòa hoãn. Giờ đây họ thề sẽ khôi phục lại địa vị bang của khu vực.

    Không rõ tại sao ông Modi lại thay đổi thái độ. Mục đích ban đầu của ông là để vô hiệu hóa các lãnh đạo Kashmir này. Có lẽ sự bất mãn của người dân trong khu vực, cộng với áp lực bên ngoài từ Trung Quốc và Pakistan, hoặc lo ngại về tác động của việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, đang khiến Modi phải thay đổi chiến lược. Hoặc ông có thể có một vài tính toán khác.

    Microsoft chuẩn bị công bố nâng cấp phiên bản Windows


    Ngày mai, tại sự kiện “tương lai của Windows” Microsoft sẽ công bố đợt nâng cấp lớn nhất cho hệ điều hành máy tính hàng đầu của họ, kể từ khi trình làng Windows 10 vào tháng 7 năm 2015. Nếu những rò rỉ và tiết lộ gần đây là đúng, thì hãng sẽ tiết lộ Windows “11”, phát hành vào cuối năm nay. Microsoft kỳ vọng có thể chống lại sự tiến bộ của các hệ thống Chromebook của Google và Mac của Apple bằng cách làm cho Windows tốt hơn cho làm việc từ xa, an toàn hơn và trực quan hơn cho người dùng. Các ảnh chụp màn hình rò rỉ cho thấy “menu start” được thiết kế lại và các ô cũng được bo tròn.

    Sự nhiệt tình của nhà đầu tư đối với Windows mới có lẽ chính là nguyên nhân khiến giá trị Microsoft lần đầu tiên vượt 2 nghìn tỷ đô la vào thứ Ba vừa rồi. Thường thì doanh số bán phần mềm máy tính của hãng sẽ tăng khi có nâng cấp Windows. Nhưng các bộ phận CNTT của công ty có thể không quá vui mừng. Windows 10 từng được xem là phiên bản Windows cuối cùng với các bản cập nhật nhỏ liên tục. Song điều đó đã không xảy ra.

    Sau Fed, hôm nay đến lượt Ngân hàng Trung ương Anh họp


    Tuần trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã gây bất ngờ cho thị trường tài chính bằng cách báo hiệu lãi suất sẽ tăng sớm hơn dự kiến. Nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho một thông điệp tương tự từ cuộc họp hôm nay của ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh.

    Nền kinh tế Anh dường như đang nóng hơn so với dự kiến của ủy ban theo dự báo quý mới nhất vừa công bố hồi tháng trước. Lạm phát giá tiêu dùng hàng năm là 2,1% trong tháng 5, cao hơn nhiều so với dự đoán. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,7%, trái ngược dự đoán tăng của ủy ban.

    Mặc dù vậy, khó có thể xảy ra bất ngờ. Ủy ban thường miễn cưỡng thay đổi lập trường chính sách của họ khác với các dự báo. Tới tháng 8 mới có dự báo tiếp theo. Trong khi đó việc chính phủ trì hoãn nới lỏng các hạn chế covid-19 thêm 4 tuần đã đánh mạnh vào niềm tin của giới kinh doanh. Khó có thể có một động thái diều hâu trước khi hết mùa hè.

    Các quốc gia dựa vào vắc-xin Covid của Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm tăng vọt


    Các quốc gia như Mông Cổ, Seychelles và Bahrain dựa vào vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc để chống lại đại dịch hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng của số ca nhiễm COVID-19, theo Business Standard.

    Tờ New York Times đưa tin, ví dụ từ một số quốc gia cho thấy vắc-xin Trung Quốc có thể không hiệu quả lắm trong việc ngăn chặn sự lây lan của vi-rút, đặc biệt là các biến thể mới.

    Theo dự án theo dõi dữ liệu Our World in Data, tại Seychelles, Chile, Ba rên và Mông Cổ, có khoảng 50 đến 68% dân số đã được tiêm đầy đủ vắc-xin Trung Quốc. Tuy nhiên, những quốc gia này lại nằm trong số 10 quốc gia có đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất gần đây.

    Israel, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao thứ hai trên thế giới với các mũi tiêm từ Pfizer sau Seychelles, đã báo cáo gần 5 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trên một triệu người. Trong khi đó Seychelles, đất nước chủ yếu dựa vào vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc có tới hơn 716 trường hợp mắc COVID mới/ 1 triệu người.

    Bắc Kinh coi chính sách ngoại giao vắc-xin của mình là cơ hội để vượt lên đại dịch với tư cách là cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu. Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã cam kết cung cấp vắc-xin Trung Quốc cho hàng triệu người trên thế giới.

    Mông Cổ, quốc gia dựa vào viện trợ của Bắc Kinh, đã nhanh chóng khai triển chương trình tiêm chủng và nới lỏng các hạn chế. Đất nước này đã tiêm chủng cho 52% dân số. Tuy nhiên, Mông Cổ ghi nhận 2.400 ca nhiễm mới vào Chủ nhật qua, tăng gấp bốn lần so với một tháng trước đó.

    Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ không phát hiện mối liên hệ giữa các đợt bùng phát gần đây và vắc-xin của nước này. Thay vào đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn WHO nói rằng tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia không đạt đủ mức để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và các quốc gia cần tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

    Trong khi vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna có tỷ lệ hiệu quả hơn 90%, vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc có tỷ lệ hiệu quả là 78,1% và vắc-xin Sinovac có tỷ lệ hiệu quả là 51%.

    Hơn nữa, các công ty Trung Quốc chưa công bố nhiều dữ liệu lâm sàng để cho thấy vắc-xin của họ hoạt động như thế nào trong việc ngăn ngừa lây truyền dịch bệnh. Tuy vậy, một nghiên cứu của Sinovac ở Chile cho thấy rằng vắc-xin này kém hiệu quả hơn so với vắc-xin của Pfizer-BioNTech và Moderna trong việc ngăn ngừa lây nhiễm ở những người đã được tiêm chủng.

    Mặc dù số ca bệnh tăng đột biến, các quan chức ở cả Seychelles và Mông Cổ đều bảo vệ Sinopharm, và nói rằng vắc-xin Trung Quốc có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp COVID-19 nghiêm trọng.

    Nikolai Petrovsky, giáo sư tại Đại học Y khoa và Y tế Công cộng tại Đại học Flinders ở Úc cho biết, với tất cả các bằng chứng, sẽ hợp lý khi cho rằng vắc-xin Sinopharm có tác dụng tối thiểu trong việc hạn chế lây truyền [virus]. Ông nói rằng một rủi ro lớn với việc tiêm chủng vắc-xin của Trung Quốc là những người được tiêm có thể có ít hoặc không có triệu chứng và vẫn lây lan vi-rút cho người khác.

    Theo Hiệp hội Y tế Indonesia, tại Indonesia, nơi biến thể mới đang lan rộng, hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế gần đây đã nhiễm Covid-19 mặc dù đã được tiêm vắc-xin Sinovac đầy đủ.

    New York Times đưa tin, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là hai quốc gia đầu tiên chấp thuận việc bắn Sinopharm, ngay cả trước khi dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối được công bố. Kể từ đó, đã có nhiều báo cáo về những người được tiêm chủng bị ốm ở cả hai quốc gia này.

    Người Thái lại xuống đường phố đòi sửa đổi hiến pháp


    Hàng trăm người biểu tình vì dân chủ ở Thái Lan xuống đường hôm thứ Năm 24/6, kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha từ chức và đề nghị có những sửa đổi hiến pháp theo đó sẽ kiềm chế tầm ảnh hưởng của nền quân chủ hùng mạnh ở Thái Lan.

    Bất chấp lệnh cấm các cuộc tụ họp công cộng do đại dịch, cuộc biểu tình vẫn diễn ra, giữa lúc chính phủ của ông Prayuth phải đối mặt với những lời chỉ trích của công chúng về việc phòng chống dịch, tình hình kinh tế phục hồi chậm chạp, và chính sách về vắc-xin liên quan đến một công ty thuộc sở hữu của Nhà vua Maha Vajiralongkorn.

    "Hiến pháp phải xuất phát từ người dân", nhà lãnh đạo cuộc biểu tình, Jatupat "Pai Daudin" Boonpattararaksa, nói với đám đông ở thủ đô Bangkok.

    Các cuộc biểu tình do giới trẻ đi đầu hồi năm ngoái đã thu hút hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước, nhưng phong trào bị khựng lại sau khi lực lượng an ninh bắt đầu trấn áp các cuộc biểu tình, bắt giam các thủ lĩnh biểu tình, ngoài ra còn bị ảnh hưởng sau khi xảy ra những làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.

    Người biểu tình đã phá bỏ những điều cấm kỵ truyền thống khi họ chỉ trích nhà vua, có nguy cơ bị truy tố theo luật khi quân hà khắc mà theo đó nếu người nào xúc phạm hoặc phỉ báng nhà vua, nữ hoàng, người thừa kế ngai vàng và người nhiếp chính, có thể bị trừng phạt tới 15 năm tù. Hầu hết các thủ lĩnh biểu tình đều đã được thả sau khi nộp tiền bảo lãnh.

    Hồi tháng 3, vài chục người đã bị thương khi cảnh sát phun vòi rồng, bắn đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán một cuộc biểu tình.

    Cuộc biểu tình hôm24/6 - cũng có cả những người từng ủng hộ ông Prayuth - đánh dấu ngày mà Thái Lan tuyên bố chấm dứt chế độ quân chủ tuyệt đối vào ngày 24/6/1932.

    "Trong 89 năm kể từ khi chấm dứt nền quân chủ tuyệt đối, chúng ta chưa đi đến đâu cả", thủ lĩnh biểu tình Jatupat phát biểu.

    Khoảng 2.500 cảnh sát viên đã được triển khai để duy trì trật tự, Phó Cảnh sát trưởng Bangkok Piya Tavichai cho biết.

    "Tập họp vào thời điểm này thật không phù hợp vì nó có thể dẫn đến tình trạng virus lây lan thêm”, quan chức cảnh sát này nói.

    ‘Cha đẻ’ phần mềm diệt virus máy tính McAfee tự tử trong nhà giam

    Reuters



    John McAfee, hình chụp ngày 16/8/2016.

    Doanh nhân công nghệ nổi tiếng người Mỹ gốc Anh, người tiên phong về phần mềm diệt virus máy tính, John McAfee, tự tử hôm 23/6 trong một nhà tù ở Barcelona sau khi toà án Tây Ban Nha cho phép dẫn độ ông về Mỹ để đối mặt với cáo trạng trốn thuế.

    Reuters dẫn nguồn tin từ luật sư của ông McAfee là Javier Villalba nói rằng ông McAfee treo cổ sau 9 tháng tuyệt vọng trong lao tù.

    Trong lần xuất hiện tại toà tháng trước, ông McAfee, 75 tuổi, nói ở độ tuổi này nếu bị kết án tại Mỹ thì ông sẽ trải qua những ngày tháng còn lại của cuộc đời trong tù.

    Trong nhiều năm, McAfee đã trốn chạy khỏi nhà cầm quyền Mỹ, có khi trôi nổi trên một chiếc siêu du thuyền.

    Ông bị truy tố ở bang Tennessee với cáo buộc trốn thuế và bị truy tố trong một vụ án gian lận tiền điện tử ở bang New York.

    McAfee bị bắt ngày 3/10 tại sân bay Barcelona trước khi lên chuyến bay đi Istanbul bằng một hộ chiếu của Anh.

    McAfee từng làm việc cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA, hãng Xerox, và tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới Lockheed Martin trước khi mở công ty phần mềm thương mại chống virus máy tính đầu tiên trên thế giới vào năm 1987.

    Ông bán công ty cho Intel vào năm 2011 và không dính líu gì đến lĩnh vực kinh doanh này nữa. Phần mềm chống virus máy tính tới nay vẫn mang tên ông và có 500 triệu người dùng trên toàn thế giới.

    Toà án Tây Ban Nha hôm 23/6 cho biết đồng ý dẫn độ McAfee sang Mỹ. Bộ Tư pháp sở tại xác nhận rằng ông được phát hiện chết trong trại giam cùng ngày.

    Biến thể Delta, cơn ác mộng của châu Âu trước nguy cơ Covid-19 kéo dài


    Châu Âu đang run sợ vì biến thể Delta của virus corona xuất phát từ Ấn Độ. Từ nay đến cuối tháng 8/2021, trong Liên Hiệp Châu Âu, 90 % những ca nhiễm Covid-19 sẽ do biến thể Delta của virus corona chủng mới gây nên. Báo động trên đây của Trung Tâm Châu Âu Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh – ECDE như một gáo nước lạnh vào lúc chiến dịch tiêm chủng tại châu Âu cất cánh và Bruxelles trông thấy ánh sáng cuối đường hầm.

    Pháp đang phấn khởi trông thấy số bệnh nhân Covid-19 nhập viện, số người điều trị trong các phòng hồi sức đặc biệt liên tục giảm. Paris hy vọng lại được đón du khách trong hai tháng hè, sau nhiều tháng đóng cửa biên giới, người dân phải sống với lệnh giới nghiêm, khán giả bị cấm lui tới các sân vận động.

    Sau cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng hôm 23/06/2021, phát ngôn viên chính phủ, Gabriel Attal, cảnh báo : có từ 9 đến 10 % bệnh nhân Covid-19 tại Pháp nhiễm biến thể Delta. Tỷ lệ này tăng rất nhanh vì so với đúng một tuần trước thì chỉ có từ 2 đến 4 %. Riêng tại vùng Landes, miền tây nam nước Pháp, chung quanh khu vực thành phố Bordeaux, thì có tới 70% trường hợp bị nhiễm biến thể Delta. Nhà nghiên cứu Florence Débarre, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia của Pháp CNRS, được báo HuffPost trích dẫn, quả quyết « biến thể Ấn Độ với mức độ lây nhiễm cao hơn so với những gì quan sát được tới nay sẽ chiếm vị trí áp đảo trong số các bệnh nhân ». Điều mà Anh Quốc đang trải nghiệm.

    Pháp không là một trường hợp cá biệt. Tại nhiều nước châu Âu, như là Đức hay Bồ Đào Nha, biến thể Ấn Độ của virus SARS-CoV-2 cũng đang trên « đà lây lan diện rộng ». Tại Anh Quốc, thủ tướng Boris Johnson hôm 14/06/2021 đã phải hoãn lại 1 tháng thời hạn dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp chống dịch. Vì tình hình dịch bệnh có khuynh hướng xấu đi, số ca lây nhiễm tăng trở lại, cho dù chính quyền đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Đáng quan ngại hơn nữa là 90 % số bệnh nhân tại Anh nhiễm biến thể Ấn Độ/Delta.

    Điều gây lo ngại là biến thể Delta có tốc độ truyền nhiễm cao hơn đến từ 40 đến 60 % so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh, mà bản thân Alpha thì cũng đã tai hại hơn so với virus corona ban đầu khi vừa xuất phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.

    Câu hỏi đặt ra là kịch bản nào chờ đợi nước Pháp nói riêng và Liên Hiệp Châu Âu nói chung một khi biến thể Delta lây lan mạnh ? Nếu theo kinh nghiệm của nước Anh, hậu quả rõ rệt nhất trước mắt là số bệnh nhân Covid-19 tăng lên trở lại và sẽ lại đẩy giới y tá, bác sĩ vào một chu kỳ căng thẳng mới. Nguy cơ kèm theo là các bệnh viện lại bị đe dọa « quá tải ». Nhân viên y tế của các khoa khác lại được huy động để phục vụ bệnh nhân Covid-19.

    Rủi ro thứ hai như đã thấy sau hơn một năm rưỡi châu Âu phải chống chỏi với nhiều « đợt dịch » đó là một phần các hoạt động kinh tế, các sinh hoạt trong xã hội lại bị « phong tỏa ». Các cửa hiệu nhỏ của tư nhân, hàng quán … lại phải đóng cửa sau vài tuần lễ hoạt động. Riêng với ngành du lịch, Covid-19 là một « tai họa » cướp đi 100 triệu việc làm trên thế giới theo thẩm định của Cơ Quan Du Lịch Quốc Tế, 75 % các dự án tham quan nước ngoài đã bị hủy bỏ. Pháp là một trong những địa điểm du lịch có sức thu hút nhất thế giới, tác động lại càng tai hại hơn. Chính vì thế mà Paris đã lên tuyến đầu, vận động để Liên Liên Hiệp Châu Âu mở cửa biên giới trở lại. Kịch bản đó chỉ có thể diễn ra nếu như biến thể Delta/Ấn Độ của virus corona chủng mới trong tầm kiểm soát của các giới chức y tế châu Âu.

    Tuy nhiên nhà nghiên cứu Samuel Alizon giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học CNRS chuyên về các bệnh truyền nhiễm, không quá bi quan cho rằng, nếu như biến thể Delta có tỷ lệ lây nhiễm dưới 1, tức là 1 ca dương tính lây cho chưa đầy 1 người khác, thì tình trạng không đến nỗi đen tối lắm ». Vấn đề đặt ra là trước mắt bản thân virus corona và các biến thể từ virus SARS-CoV-2 vẫn còn « nhiều mảng tối » mà giới y khoa chưa giải mã được hết. Do vậy Florence Débarre cho rằng giải duy nhất vẫn là « tìm mọi cách để kiểm soát và ngăn chận dây chuyền lây nhiễm ».

    Chìa khóa cho phép kiểm soát « dây chuyền » lây nhiễm đó là vac-xin. Cũng nhà khoa học Florence Débarre nhấn mạnh vac-xin với đủ hai liều « dường như đủ hiệu quả » để chống chỏi với biến thể Delta. Theo nhà khoa học này, vấn đề còn lại mà « cuộc chạy đua với thời gian » trên mặt trận tiêm chủng. Kiểm soát đà lây nhiễm của biến thể Delta và tiêm chủng là « hai mặt của cùng một đồng tiền » : càng kềm hãm được mức độ bùng phát của biến thể này lâu chừng nào, thì càng có thêm thời gian để tiêm chủng cho đại chúng chừng nấy, và càng đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng chừng nào thì các điều kiện lây lan càng trở nên khó khăn phức tạp hơn với mọi biến chủng của SARS-CoV-2 ».

    Nhà dịch tễ học có uy tín của Anh, Meaghan Kall, đại học UCL Luân Đôn nhắc lại chỉ cần 1 liều vac-xin đủ sức giảm thiểu nguy cơ nhiễm biến thể Delta đến 30 % và nếu được chích đủ hai liều thì tỷ lệ đó nhảy vọt lên đến 80 %. Rủi ro có thể giảm tới 90% đối với một người dương tính với virus corona bị biến chứng nặng và phải nhập viện, nếu người bệnh đã được chích đẩy đủ hai liều vac-xin. Sau cùng nhà khoa học Pháp, Florence Débarre kết luận : hơn bao giờ hết, chích ngừa là giải pháp vừa cho phép ngăn chận một làn sóng dịch mới biến thể Ấn Độ mang lại, đồng thời đó cũng là ngõ thoát hiểm giải cứu châu Âu thoát khỏi những « tác động tai hại » cả về mặt y tế lẫn xã hội và kinh tế. Tuy nhiên bà không mấy lạc quan cho rằng, virus corona sớm thuộc về quá khứ. Vì nhìn rộng ra thế giới, Israel là hai nơi đã có đến 60 % dân số được tiêm chủng nggừa Covid-19, tức cao hơn nhiều so với châu Âu, vậy mà Israel vẫn chưa thoát khỏi cơn ác mộng mang tên SARS-CoV-2.

    Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, khó có thể tự tin để mạnh dạn tháo gỡ nốt những biện pháp phong tỏa. Trên nguyên tắc kể từ tuần tới các rạp hát, sân vận động hay nhà hàng, quán ba sẽ lại được đón nhận khối lượng khách như bình thường ở ngoại trời hay tối đa là 75 % trong các phòng kín. Tây Ban Nha thì chuẩn bị quên đi những chiếc khẩu trang y tế. Không chắc biến thể Delta/Ấn Độ sớm cho phép châu Âu nghĩ rằng dịch Covid-19 đã bước vào hồi kết.

    Benigno Aquino III: Vị tổng thống từng kiện Trung Quốc, qua đời


    Cựu tổng thống Philippines Benigno "Noynoy" Aquino III, thuộc dòng dõi Aquino đáng kính của đất nước, đã qua đời ở tuổi 61.

    Khi nắm quyền từ năm 2010 đến năm 2016, ông nổi tiếng nhất vì đưa Trung Quốc ra tòa về một tranh chấp kéo dài liên quan đến Biển Đông, phần mà Philippines tuyên bố là Biển Tây Philippines.

    Hôm thứ Năm, các chị gái của ông cho biết ông ra đi một cách yên bình trong giấc ngủ vào sáng do bệnh suy thận.

    Aquino là con trai duy nhất của cố Thượng nghị sĩ Benigno Aquino Jr và cựu tổng thống Corazon Aquino.

    Biệt danh Noynoy của ông là để tưởng nhớ đến biệt danh của chính người cha - Ninoy.

    Vụ ám sát Ninoy Aquino vào năm 1983 đã khiến cả nước bàng hoàng. Ông này đã sống lưu vong ở Hoa Kỳ, buộc phải chạy trốn lệnh thiết quân luật của Ferdinand và Imelda Marcos.

    Với quyết tâm mang lại nền dân chủ cho đất nước, ông đã trở lại Manila nhưng bị giết khi hạ cánh.

    Hàng chục nghìn người đã tham gia biểu tình, thúc đẩy một phong trào ủng hộ dân chủ, khiến Tổng thống Marcos phải kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh vào tháng 2 năm 1986.

    Marcos tuyên bố chiến thắng - châm ngòi cho cuộc cách mạng Sức mạnh Nhân dân nổi tiếng đầu tiên. Hàng triệu người tụ tập trên đường phố để cứu lấy nền dân chủ.

    Bà Cory Aquino cuối cùng đã trở thành tổng thống từ 1986 tới 1992.

    Lớn lên trong cái bóng của các huyền thoại, với bốn chị em gái, Noynoy, thường được biết đến với cái tên Aquino trầm lặng.

    Chàng trai lấy bằng kinh tế tại trường đại học Ateneo ưu tú ở Manila rồi cùng gia đình đi sống ở Boston khi họ còn lưu vong.

    Sau khi trở về Philippines năm 1983, ông làm việc trong nhiều doanh nghiệp khác nhau và được bầu vào Quốc hội năm 1988. Năm 2007, ông giành được một ghế trong Thượng viện.

    Năm 2009, mẹ qua đời vì bệnh ung thư và một lần nữa, hàng chục nghìn người Philippines đã đổ ra đường để thể hiện tình yêu của họ đối với gia đình Aquino.

    Sau chiến thắng vang dội vào năm 2010, ông dẫn dắt một đất nước đang phải vật lộn với nạn tham nhũng lan rộng, nghèo đói và cơ sở hạ tầng già cỗi.

    Aquino được ghi nhận là người đã thúc đẩy các cải cách kinh tế quan trọng và nỗ lực diệt trừ tham nhũng, mặc dù các nhà phê bình cho rằng ông đã không làm đủ để giúp đỡ người nghèo.

    Với Aquino là kiến trúc sư chính, nước này đã đệ đơn kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vào năm 2013.

    Vào tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết có lợi cho Philippines, làm vô hiệu các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.

    Bắc Kinh bác bỏ phán quyết.

    Theo hiến pháp, ông không thể ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, và nhà dân túy Rodrigo Duterte lên nắm quyền.

    Ông vẫn mang một vết đạn từ một cuộc đảo chính quân sự năm 1987 nhằm chống lại chính quyền của mẹ. Khi đó, ông bị bắn 5 phát và ba vệ sĩ bị giết.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào