Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 25 tháng 6 năm 2021

    Nguồn gốc Covid-19 : Virus SRAS-Cov-2 có thể đã xuất hiện từ tháng 10/2019

    Mô hình virus SARS-CoV-2, trên bàn thủ hiến bang Lower Saxony Stephan Weil khi ông ông đến thăm Trung tâm Nghiên cứu Nhiễm trùng Helmholtz ở Braunschweig, miền bắc nước Đức, vào ngày 8 tháng 5 năm 2020. AFP - JENS SCHLUETER

    Theo một nghiên cứu mới được công bố hôm nay 25/06/2021, có thể virus gây đại dịch Covid-19 đã bắt đầu lây lan ở Trung Quốc từ tháng 10/2019, hai tháng trước khi ca bệnh đầu tiên chính thức được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán miền trung nước này.

    Trong bài báo đăng trên tạp chí khoa học PLOS Pathogens, các nhà khoa học của đại học Anh Quốc Kent nhận định virus gây đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc trong khoảng đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2019. Thời điểm mà các tác giả đánh giá là có nhiều khả năng nhất để virus xuất hiện lần đầu là ngày 17/11/2019 và rất có thể đến tháng 01/2020 virus đã lây lan ra toàn thế giới.

    Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên chính thức được xác định tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019 có liên quan đến khu chợ hải sản ở Vũ Hán, thế nhưng một số ca đầu tiên lại không hề có liên quan gì đến khu chợ này, điều đó có nghĩa là virus SRAS-Cov-2 đã lây truyền từ trước đó.

    Theo một bài báo được công bố trong tuần này, dữ liệu về giải mã gien mà nhà nghiên cứu Jesse Bloom, thuộc trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư Fred Hutchinson Research Center tại Seattle, Mỹ, lấy lại được phần nào từ các dữ liệu đã bị xóa liên quan đến những ca Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc, cho thấy bộ gien của các mẫu lấy từ chợ hải sản Vũ Hán về tổng thể không « đại diện » cho SRAS-Cov-2 và đó chỉ là một biến thể của virus đã xuất hiện từ trước đó và lây truyền sang nhiều vùng khác của Trung Quốc.

    Mỹ xóa dữ liệu về mẫu gen theo đề nghị của Trung Quốc ?

    Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) đã khẳng định với Reuters là các mẫu gien được sử dụng trong nghiên cứu nói trên từng được gửi tới kho lưu trữ Sequence Read Archive (SRA) của Mỹ hồi tháng 03/2020, nhưng sau đó đã bị xóa theo đề nghị của các nhà điều tra Trung Quốc. Phía Trung Quốc giải thích là các mẫu đó sẽ được cập nhật và cất giữ trong một cơ sở lưu trữ khác.

    Các nhà phân tích cho rằng việc xóa dữ liệu là bằng chứng bổ sung về việc Trung Quốc đang cố gắng che giấu nguồn gốc Covid-19.

    Reuters nhắc lại một nghiên cứu do Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới phối hợp công bố hồi cuối tháng 03/2021 cũng công nhận có thể đã có những ca bệnh do SRAS-Cov-2 gây ra từ trước khi dịch Covid-19 bùng lên ở Vũ Hán.

    ‘Bỏ ra, đeo lại’: Israel yêu cầu dân đeo khẩu trang trở lại vì lo Covid-19


    Israel đã lại bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ở trong văn phòng, cửa hàng, trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm Covid-19, chỉ vài ngày sau khi nước này dỡ bỏ yêu cầu này.

    Lo lắng gia tăng sau khi cả nước ghi nhận hơn 100 trường hợp nhiễm mới hàng ngày, trong những ngày liên tiếp.

    Hầu hết các ca có liên quan đến biến thể Delta từ nước ngoài.

    Israel là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong việc giải quyết đại dịch nhờ chiến dịch tiêm chủng.

    Họ đã thực hiện chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới, với hơn một nửa của dân số 9,3 triệu người đã được tiêm chủng một phần hoặc toàn bộ.

    Nhưng hôm thứ Năm, 10 ngày sau khi lệnh bắt đeo khẩu trang được dỡ bỏ, giới chức cho biết mọi người sẽ cần đeo khẩu trang trong nhà để cố gắng ngăn chặn sự gia tăng virus.

    Yêu cầu đeo khẩu trang là hạn chế cuối cùng còn sót lại sau khi tất cả các biện pháp khác đã dần bị loại bỏ.

    Israel cũng đã hoãn việc mở cửa trở lại đất nước cho khách du lịch đã tiêm vaccine.

    Sau khi đại dịch bùng phát vào cuối năm 2019, Israel trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ghi nhận khoảng 60.000 ca nhiễm mỗi tuần vào thời cao điểm.

    Hơn 6.400 người đã chết vì virus ở Israel.

    Vào tháng Tư, điều phối viên ứng phó với đại dịch của Israel, Nachman Ash, cho biết Israel có thể đạt được "miễn dịch bầy đàn" một khi 75% dân số được tiêm phòng hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm virus.

    Nhưng vào thứ Năm, ông này cho rằng "ít nhất 80%" dân số phải được tiêm vaccine hoặc miễn dịch thì mới đủ.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden nói việc toà soạn báo Apple Daily tại Hong Kong bị đóng cửa là ‘một ngày ảm đạm cho nền tự do truyền thông’ cho thấy ‘sự đàn áp ngày càng tăng’ của Trung Quốc và ông cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ cư dân Hong Kong.

    Tuyên bố sau khi toà báo bị đóng cửa hôm 24/6, ông Biden kêu gọi Bắc Kinh ngưng nhắm mục tiêu vào báo chí độc lập và phóng thích các nhà báo và các giám đốc truyền thông đang bị giam giữ.

    “Người dân Hong Kong có quyền tự do báo chí. Ngược lại, Bắc Kinh lại phủ nhận các quyền tự do căn bản và tấn công nền tự trị, các định chế dân chủ và tiến trình dân chủ của Hong Kong, không phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của họ,” Tổng thống Biden nói.

    Toà soạn Apple Daily bị buộc chấm dứt 26 năm hoạt động giữa cuộc trấn áp vì ‘an ninh quốc gia’ và các nguồn quỹ của công ty cũng bị đóng băng. Trong ngày hoạt động cuối cùng của toà báo, hàng trăm độc giả trung thành đã rồng rắn xếp hàng tại các sạp báo đợi mua cho bằng được các ấn phẩm mà họ ủng hộ.

    “‘Đây là một ngày buồn thảm đối với tự do truyền thông tại Hong Kong và trên toàn thế giới,” Tổng thống Mỹ nói và nhấn mạnh rằng toà báo này là “một đồn lũy rất cần thiết cho báo chí độc lập tại Hong Kong.”

    “Qua những vụ bắt bớ, đe dọa, và cưỡng bách bằng Luật An ninh Quốc gia để trừng phạt tự do ngôn luận, Bắc Kinh một mực dùng quyền lực để đàn áp truyền thông độc lập và làm im tiếng những quan điểm bất đồng,” Tổng thống Biden tố cáo.

    Ông Biden thề ủng hộ

    Ông Biden thề rằng Hoa Kỳ “sẽ không lay chuyển sự ủng hộ đối với người dân tại Hong Kong và tất cả những ai đứng lên vì các quyền tự do căn bản mà tất cả mọi người đáng được hưởng.”

    Theo các tổ chức cổ suý tự do báo chí, việc đóng cửa toà soạn Apple Daily giáng một đòn mạnh mẽ vào tự do báo chí tại Hong Kong, có thể hủy hoại danh tiếng của thành phố là một trung tâm truyền thông tự do và cởi mở sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh lên trung tâm tài chánh toàn cầu này hồi năm ngoái.

    Một triệu ấn bản

    Đoán trước nhu cầu sẽ tăng cao trong ấn bản cuối cùng, tờ Apple Daily đã in một triệu tờ báo, gấp mười lần số báo thường xuyên.

    Trong ngày toà báo đóng cửa, các ủng hộ viên không kèm được tình cảm dành cho tờ báo đã đối mặt với những áp chế không ngừng kể từ khi ông chủ Jimmy Lai bị bắt vào tháng 8/2020.

    Tuần trước, 500 cảnh sát bố ráp toà soạn, bắt năm giám đốc điều hành. Hai trưởng ban biên tập bị truy tố tội đồng loã với nước ngoài. Hôm 23/6, một người viết xã luận cho tờ báo cũng bị bắt theo luật an ninh quốc gia.

    Chủ nhân tờ Apple Daily, ông Jimmy Lai bị giam từ tháng 12 năm ngoái về tội tụ tập bất hợp pháp trong các cuộc biểu tình dân chủ vào năm 2019. Ông đang đối mặt với ba cáo trạng về an ninh quốc gia, trong đó có thông đồng với nước ngoài. Ông cũng bị một số bản án vì tham gia các cuộc tụ tập không được phép.

    Quan chức Hong Kong và Trung Quốc nhiều lần khẳng định tự do truyền thông được tôn trọng nhưng không phải là tuyệt đối.

    Derek Chauvin chuẩn bị bị kết án


    Hôm nay sẽ diễn ra việc kết án đối với Derek Chauvin, cựu cảnh sát bị buộc tội giết George Floyd ở Minneapolis vào năm ngoái. Các luật sư của ông đã xin thẩm phán cho tạm tha, với lý do ông không có tiền án tiền sự và những rủi ro mà án tù gây ra cho sức khỏe của ông. Các công tố viên muốn 30 năm, cao hơn nhiều so với 12 năm rưỡi được đề xuất bởi quy định của bang nhưng vẫn dưới mức tối đa 40 năm. Thẩm phán có thể sẽ vượt mức khuyến nghị 12 năm, nhưng chưa rõ cụ thể bao nhiêu.

    Trong khi đó các nỗ lực cải tổ cảnh sát xuất phát từ cái chết của Floyd vẫn tiếp tục. Các cuộc đàm phán về một dự luật cải cách liên bang đang bế tắc còn những người cực đoan kêu gọi “bỏ cảnh sát” đã lắng xuống. Còn Eric Adams, một cựu cảnh sát tranh cử với thông điệp mạnh mẽ về an ninh công cộng, đang dẫn đầu cuộc đua thị trưởng New York. Và ở Washington, trước tình trạng gia tăng các vụ giết người trên toàn quốc, Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư đã khuyến khích các bang sử dụng một phần của 350 tỷ đô la quỹ kích thích covid-19 để chi thêm cho cảnh sát.

    Ban lãnh đạo Toshiba có thể mất chức

    Chủ tịch Toshiba Nagayama Osamu có nguy cơ mất việc. Hôm nay toàn bộ ban giám đốc của hãng công nghiệp Nhật Bản, bao gồm ông Nagayama, sẽ bị bỏ phiếu tín nhiệm sau một cuộc điều tra chấn động. Được biết, công ty đã thông đồng với chính phủ Nhật Bản để gây áp lực lên các các cổ đông chủ động nước ngoài nhằm khiến họ từ bỏ cuộc điều tra Toshiba vào mùa hè năm ngoái.

    Những năm gần đây chính phủ Nhật Bản đã cố gắng chào đón vốn đầu tư nước ngoài. Song giới doanh nghiệp Nhật từ lâu không ưa các cổ đông nước ngoài, vì coi họ là những kẻ phá vỡ văn hóa kinh doanh đặc thù của đất nước. Xem ra cũng khá đúng, nhất là khi quỹ phòng hộ Singapore Effissimo Capital Management dẫn đầu cuộc điều tra nhắm vào ban lãnh đạo Toshiba hồi tháng 7 năm ngoái.

    Nước đi của Effissimo đã không thành công. Nhưng những chiến thuật cứng rắn của Toshiba để mượn tay chính phủ có thể biến những lo ngại đó thành sự thật, đặc biệt với cuộc bỏ phiếu hôm nay.

    Tổng thống Afghanistan thăm Mỹ


    Nguyên thủ Afghanistan Ashraf Ghani đang ở Washington, DC, để gặp người đồng cấp của ông, Joe Biden. Tình hình trong nước ông rất rối loạn. Suốt 20 năm qua Mỹ đã bơm tiền và gửi quân đội đến Afghanistan, nhưng sắp không còn nữa. Việc họ rời đi đã tiếp sức cho Taliban trỗi dậy chiếm nhiều quận nông thôn trong những tuần gần đây. Trong khi đó các lực lượng Afghanistan mà Mỹ đã dành hàng năm trời và hàng tỷ đô la huấn luyện dường như bất lực trước các cuộc tiến công. Triển vọng trước mắt của chính phủ đang ngày càng ảm đạm đi.

    Mỹ khẳng định việc rút quân không đồng nghĩa chấm dứt hỗ trợ. Trước công chúng, hai nhà lãnh đạo sẽ nói về một tình bạn lâu dài. Mỹ vẫn sẽ tài trợ cho chính phủ Afghanistan và có thể cung cấp nhiều trợ giúp quân sự, chẳng hạn như sửa chữa máy bay Afghanistan. Nhưng trong riêng tư, họ có thể thảo luận về cách nối lại đàm phán với Taliban. Chỉ có điều Taliban mới là bên có lợi thế, mà đang thắng thì chẳng ai muốn đàm.

    CÁCH G7 TIẾP CẬN NGA VÀ TRUNG QUỐC


    Hai tuần trước, G7 ra tuyên bố 2021. So sánh với Tuyên bố của G7 năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch, khi TT. Trump còn lãnh đạo nước Mỹ và đang tiến hành thương chiến, chúng ta thấy cách G7 tiếp cận Trung Quốc hầu như không thay đổi.

    Năm 2019 (4 tháng 12), G7 quan tâm đến mối nguy từ Nga hơn là từ Trung Quốc. Đối với Nga, họ nhận định: Hành động gây hấn của Nga là mối đe doạ cho an ninh Âu châu - Đại tây dương.

    Còn đối với Trung Quốc, họ "nhận thấy ảnh hưởng ngày càng cao và chính sách quốc tế của Trung Quốc vừa là CƠ HỘI vừa là THÁCH THỨC mà khối Liên minh chúng ta cần xử lý chung." (We recognise that China’s growing influence and international policies present both opportunities and challenges that we need to address together as an Alliance.)

    Điều đó có nghĩa là G7 vẫn mong muốn duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, coi sự trỗi dậy của họ không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội hợp tác.

    Năm 2021, (June 14), G7 nói: Ảnh hưởng và chính sách ngày càng tăng của Trung Quốc có thể trở thành THÁCH THỨC mà Liên minh chúng ta cần cùng nhau xử lý. Chúng ta SẼ LÀM VIỆC VỚI TRUNG QUỐC để bảo vệ an ninh của Liên Minh. (China’s growing influence and international policies can present challenges that we need to address together as an Alliance. We will engage China with a view to defending the security interests of the Alliance.)

    Tuyên bố năm 2021 cũng tương tự 2019, quan tâm về Nga là chính, không còn nhắc tới cơ hội với Trung Quốc nhưng vẫn cần làm việc với họ để xử lý các vấn đề của mình.

    Cạnh tranh khoa học kĩ thuật Mỹ - China

    China đang dẫn đầu thế giới về triển khai các liên hệ 5G làm cơ sở cho IoT trong sản xuất và tiêu dùng.

    Tính đến nay, China đã lắp đặt 800.000 trạm 5G (base stations), chiếm 3/4 số liên hệ IoT trên toàn thế giới (cellular IoT connections)

    Hoa Kì mới lắp đặt được 50.000 trạm.

    China cũng đang thúc đẩy việc biến các tiêu chuẩn kỹ thuật IoT (và các công nghệ tiên tiến khác) của mình thành tiêu chuẩn quốc tế.

    Tính tới cuối năm 2020, 10/18 tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đến IoT mà International Organization for Standardization (ISO) và International Electrotechnical Commission (IEC) chấp thuận phát xuất từ các doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước của China.

    THÁI LAN XÂY DỰNG ĐƯỜNG SẮT NỐI LIỀN HAI BỜ BIỂN VỊNH THÁI LAN VÀ BIỂN ANDAMAN HỢP LÝ HƠN XÂY DỰNG KÊNH ĐÀO KRA

    Báo Star ngày 13/6 đưa tin Chính phủ Thái Lan chuẩn bị triển khai dự án đường sắt và đường bộ nối cảng biển nước sâu tại Chumphon trên bờ biển Vịnh Thái Lan và Ranong trên bờ biển Andaman ở Ấn Độ Dương. Dự án do Trung Quốc đầu tư trong BRI và dự kiến hoàn tất vào năm 2027.

    Thông tin chi tiết về dự án chưa được tiết lộ, song dự án này được coi là phương án hợp lý hơn việc xây dựng kênh đào Kra mà Trung Quốc thúc đẩy thời gian qua. Thái Lan vừa tận dụng được nguồn vốn BRI của Trung Quốc, tạo thuận lợi giao thông và chung chuyển hàng hoá giữa hai bên bờ biển của Thái Lan, vừa bảo đảm Thái Lan không bị “chia cắt” địa lý và sắc tộc hai miền.

    Mỹ khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho ASEAN

    Mỹ tái khẳng định cam kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Thượng đỉnh Đông Á (EAS), nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ dành cho vai trò trung tâm của ASEAN và các định chế với ASEAN là trung tâm.

    Đó là xác nhận của ông Kin Moy, Quan chức Cấp cao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, đưa ra hôm 24/6 khi gặp giới chức cao cấp từ các nước tham dự Thượng đỉnh Đông Á và Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Chính trị-An ninh Mixhael Tene, nhân cuộc họp Các giới chức Cấp cao của Thượng đỉnh Đông Á.

    Thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng ngày cho hay ông Moy đã thảo luận về tầm quan trọng của việc giữ vững trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

    Dịp này, ông Moy cũng phác họa sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19 bao gồm việc hiến tặng 500 triệu liều vaccine ra toàn cầu.

    Vẫn theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Moy kêu gọi cần có hành động mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, chú trọng đến các mục tiêu đầy tham vọng về giảm khí thải trước năm 2030, một nỗ lực chung để đạt mức khí thải 0 vào năm 2050, và tầm quan trọng của việc khôi phục màu xanh trên trái đất.

    Bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông, ông Moy tái khẳng định cam kết của Mỹ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không. Ông nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ bác bỏ tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và ủng hộ nỗ lực hợp pháp của các nước Đông Nam Á trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển của họ.

    Quan chức ngoại giao Mỹ cũng nêu bật các công việc đang tiến hành của Đối tác Mekong-Hoa Kỳ để quảng bá tính minh bạch, quyền tự chủ và tăng trưởng bao trùm ở tiểu vùng sông Mekong.

    Ngoài ra, ông còn thúc đẩy ASEAN có hành động tức thì để buộc chế độ Myanmar phải chịu trách nhiệm, chiếu theo đồng thuận 5 điểm của ASEAN. Ông kêu gọi hành động chung để thúc ép quân đội Myanmar chấm dứt bạo động, phóng thích những người bị giam giữ bất công, và phục hồi dân chủ.

    Biển Đông : Ấn Độ kêu gọi COC không được làm phương hại đến các bên thứ ba


    Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông COC cần tránh làm phương hại đến « quyền lợi chính đáng của các bên thứ ba ». Thứ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ, đặc trách về phương Đông, bà Riva Ganguly Das, tuyên bố như trên nhân Hội Nghị Cấp Cao Đông Á qua cầu truyền hình hôm 24/06/2021.

    Theo hãng tin Ấn Độ PTI, phát biểu trong khuôn khổ Hội Nghị Cấp Cao Đông Á – EAS SOM, thứ trưởng Ngoại Giao Ấn Độ khẳng định : Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đang trong quá trình đàm phán giữa các thành viên khối Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc phải hoàn toàn tuân thủ luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS và không được gây thiệt hại đến quyền lợi của các bên thứ ba.

    Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực về chủ quyền Biển Đông càng lúc càng gia tăng. Vẫn theo New Delhi, COC cần bảo đảm các quyền tự do lưu thông hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định trong vùng biển này.

    Nhìn rộng ra hơn, thông cáo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết, New Delhi đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do, rộng mở » đến hợp tác với khối Đông Nam Á qua các chương trình như là Triển Vọng ASEAN-Ấn Độ -Thái Bình Dương (AOIP) hay Sáng Kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPOI).

    Cuộc họp EAS-SOM trực tuyến vừa qua được đặt dưới sự chủ tọa của Brunei, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, với sự tham gia của 10 thành viên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ.

    Hội nghị EAS-SOM được tổ chức lần đầu năm 2005, giúp các bên thảo luận về những lĩnh vực từ địa chính trị đến chiến lược và kinh tế. Năm 2021 này, ngoài chủ đề Biển Đông, các bên đã đưa vấn đề Miến Điện, tình hình bán đảo Triều Tiên, nỗ lực chống Covid-19 vào chương trình nghị sự.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào