Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 09 tháng 6 năm 2021

    Covid-19: Cẩn thận kẻo bị công ty dởm lừa bán vaccine Mỹ

    Một thị trưởng Hàn Quốc suýt bị lừa vì vụ lừa đảo bán vaccine đã công khai xin lỗi.

    Kwon Young-jin nói với báo chí vào tháng trước rằng một công ty nước ngoài đã hứa cung cấp 30 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech trong vòng ba tuần.

    Nhưng chính phủ sau đó phát hiện ra rằng tập đoàn Pfizer không phân phối thông qua các bên thứ ba.

    Ông Kwon là một thành viên của đảng đối lập.

    Hàn Quốc đã nhập vaccine tương đối chậm so với các nền kinh tế phát triển.

    Khoảng 16,4% dân số Hàn Quốc đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, và có kế hoạch tiêm chủng cho 14 triệu người vào cuối tháng này.

    Ông Kwon nói: "Hình ảnh của thành phố Daegu đã bị hoen ố vì những lời nói bất cẩn của tôi. Tôi cũng đã gây ra vết thương và sự thất vọng sâu sắc cho những người dân bị Covid-19."

    Ông Kwon đã nói với các phóng viên vào ngày 31 tháng 5 rằng một hiệp hội y tế ở thành phố Daegu đã đàm phán với một công ty thương mại nước ngoài để nhập khẩu 30 triệu liều vaccine Pfizer.

    Theo đó, Hội đồng Medi-City Daegu và công ty thương mại kia đã trao đổi tài liệu, và tài liệu này sau đó đã được chuyển đến Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc.

    Nhưng chính phủ phát hiện đề xuất này có "vấn đề về độ tin cậy", lưu ý rằng Pfizer chỉ cung cấp vaccine cho các chính phủ trung ương và các tổ chức y tế quốc tế.

    Pfizer sau đó nói thêm rằng họ không ủy quyền cho bất kỳ tổ chức nào cung cấp vaccine cho Hàn Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng họ sẽ mở một cuộc điều tra về việc này.

    Cố vấn chính sách của Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi sau đó đã chỉ ra rằng địa chỉ của công ty dường như ở Florida và số điện thoại của công ty là ở Bồ Đào Nha.

    Đảng cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in nói rằng vụ việc đã "làm hỏng hình ảnh quốc tế của đất nước".

    Hàn Quốc đã đặt mua 192 triệu liều vaccine, bao gồm cả các loại vaccine của Novavax, Moderna và Johnson & Johnson, nhưng đã chấp nhận tình trạng chậm trễ giao hàng trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thiếu hụt.

    Mỹ: Tình hình Myanmar ngày càng tệ hại



    Ông Kurt Campbell, người điều phối chính sánh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho Tổng thống Mỹ Joe Biden.

    Người điều phối chính sánh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/6 tuyên bố tình hình bên trong đất nước Myanmar do quân đội cai trị hết sức đáng quan ngại, ngày càng tồi tệ, và rằng Mỹ đang tính tới mọi kịch bản.

    “Không thể nào phủ nhận bạo động đang leo thang,” ông Kurt Campbell, tuyên bố tại một sự kiện trực tuyến do cơ quan nghiên cứu Trung tâm An ninh Mới của Mỹ tổ chức.

    “Tôi có thể nói là tình hình bên trong nước này rất đáng quan ngại, tiếp tục xấu đi. Tôi nghĩ chúng tôi đang cân nhắc mọi kịch bản.”

    Myanmar rơi vào xáo trộn kể từ cuộc đảo chánh quân sự ngày 1/2, với những cuộc biểu tình hàng ngày tại các thị trấn và thành phố, với các cuộc giao tranh tại vùng biên giới giữa quân đội với các dân quân sắc tộc thiểu số.

    Liên hiệp quốc ngày 8/6 cho biết khoảng 100.000 người tại bang Kayak của Myanmar bị thất tán vì giao tranh, trong đó có “các cuộc tấn công bừa bãi của lực lượng an ninh” vào các khu vực thường dân.

    Vẫn theo lời ông Campbell, lãnh đạo đảo chánh Myanmar, Min Aung Hlaing, từng thú nhận trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền do quân đội quản lý rằng không lường trước được mức độ xáo trộn dân sự.

    Ông Campbell nói Washington-hiện đã áp đặt chế tài lên các lãnh đạo đảo chánh và các quyền lợi kinh tế của họ-ủng hộ những nỗ lực của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và các nước khác nhằm bắt đầu tiến trình đưa Myanmar trở lại dân chủ và đang thúc đẩy các nước cô lập các tướng lãnh Myanmar về mặt ngoại giao.

    TT Biden khởi hành chuyến công du 8 ngày đến châu Âu


    Hôm 9/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khởi hành đến Anh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, một sứ mệnh kéo dài 8 ngày nhằm xây dựng lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump và điều chỉnh quan hệ với Nga, theo Reuters.

    Ông Biden nói trong một bài bình luận đăng trên Washington Post: “Liệu các liên minh và thể chế dân chủ đã định hình rất nhiều lĩnh vực trong một thế kỷ trở lại đây có chứng minh được năng lực của họ trước các mối đe dọa và kẻ thù thời hiện đại không? Tôi tin rằng câu trả lời là có. Và tuần này tại châu Âu, chúng tôi có cơ hội chứng minh điều đó”.

    Cuộc gặp thượng đỉnh của ông Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6 tại Geneva là sự kiện hàng đầu trong chuyến công du, một cơ hội để nêu lên mối quan ngại của Hoa Kỳ trực tiếp với ông Putin về các cuộc tấn công tống tiền xuất phát từ Nga, về sự gây hấn của Moscow đối với Ukraina và một loạt các vấn đề khác.

    Đầu tiên, ông Biden sẽ dừng chân ở Cornwall, Anh, nơi ông sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7. Dự kiến bao trùm lên cuộc họp sẽ là các vấn đề ngoại giao vaccine, thương mại, khí hậu và một sáng kiến xây dựng lại cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Các quan chức Mỹ coi nỗ lực đó là một cách để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

    Ông Biden sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào 10/6 tại Cornwall, một cơ hội để làm mới “mối quan hệ đặc biệt” Mỹ-Anh sau khi Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU).

    Sau ba ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden và Đệ Nhất phu nhân Jill Biden sẽ đến thăm Nữ hoàng Elizabeth tại Lâu đài Windsor.

    Sau đó, ông Biden tới Brussels để hội đàm với các nhà lãnh đạo của NATO và EU. Chương trình nghị sự dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến Nga, Trung Quốc và vấn đề lâu dài là hối thúc các đồng minh NATO đóng góp nhiều hơn cho việc phòng thủ chung của khối.

    Ông Biden sẽ kết thúc chuyến công du tại Geneva, nơi ông có cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin. Đây được xem là chặng khó khăn nhất trong cả tuần.

    Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Tổng thống Biden hy vọng các cuộc họp với G7 và NATO của ông sẽ thúc đẩy tinh thần đoàn kết các đồng minh khi ông bắt đầu phiên họp với ông Putin.

    Theo Reuters, cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin theo dự kiến sẽ không có đột phá lớn nào. Ông Sullivan nói rằng ông Biden sẽ thúc ép ông Putin về các ưu tiên của Hoa Kỳ. Hai bên đang đàm phán về việc liệu có tổ chức một cuộc họp báo chung hay không.

    Mỹ-Nhật-Úc bàn về sáng kiến thay thế ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc

    Theo trang Nikkei, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cùng với chính phủ Nhật Bản và Úc, đang hồi sinh sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng “Mạng lưới Điểm xanh” (Blue Dot Network) nhằm tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng bền vững, thay thế cho sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

    Mạng lưới Điểm xanh là sáng kiến được công bố lần đầu tiên dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

    Sau một thời gian dài ngừng hoạt động, Mạng lưới Điểm xanh đã bắt đầu tiếp tục được đàm phán tại Paris vào thứ Hai. Cuộc họp và ra mắt nhóm tham vấn điều hành do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tổ chức và Washington và Canberra tài trợ.

    Sáng kiến Mạng lưới Điểm xanh, xác nhận các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn như minh bạch và bền vững, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng ở các thị trường mới. Sáng kiến này này được ca ngợi là đối nghịch với Vành đai và Con đường, vốn bị giới quan sát coi là “bẫy nợ”.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng: “Mạng lưới Điểm xanh sẽ là một biểu tượng được công nhận trên toàn cầu về các dự án cơ sở hạ tầng theo định hướng thị trường, minh bạch và bền vững”.

    Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết, hơn 150 giám đốc điều hành toàn cầu, bao gồm 96 quốc gia, chịu trách nhiệm cho khoảng 12 nghìn tỷ đô la Mỹ tài sản được quản lý, đã tham gia cuộc họp hôm thứ Hai. Các thành viên tại sự kiện bao gồm những người đang nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các tổ chức tài chính bao gồm Citi và JPMorgan, cũng như trong khu vực công, chẳng hạn như Quỹ Hưu trí của Chính phủ Thái Lan.

    Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, lo ngại sáng kiến Mạng lưới Điểm xanh “không đủ khả năng ‘cạnh tranh’ hiệu quả với Trung Quốc vì sáng kiến tập trung vào chứng nhận và tư vấn thay vì tài trợ trực tiếp.

    Nhưng Matthew Goodman và Daniel Runde, hai chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho rằng Mỹ có những thế mạnh riêng biệt, bao gồm hàng nghìn tỷ đô la Mỹ quỹ hưu trí và bảo hiểm tìm kiếm lợi nhuận dài hạn mà đầu tư cơ sở hạ tầng có thể mang lại.

    Các chuyên gia lập luận: Mạng lưới Điểm xanh “có thể cung cấp chứng nhận tiêu chuẩn cao để mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư và tiến một bước gần hơn đến việc cơ sở hạ tầng trở thành một loại tài sản”.

    Mạng lưới điểm xanh lần đầu tiên được Hoa Kỳ, Nhật Bản và Austraila công bố vào năm 2019 tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ – Thái Bình Dương ở Bangkok.

    Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ vào thời điểm đó, gọi sáng kiến ​​này là “một cách tiếp cận đa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách thúc đẩy sự xuất sắc trong phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các giải pháp thay thế cho cho vay săn trước”.

    Sáng kiến Mạng lưới Điểm xanh ​​sẽ sử dụng các nguyên tắc phát triển cơ sở hạ tầng do Nhóm G 20 và Nhóm G7 đặt ra làm nền tảng cho các tiêu chuẩn của mình, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế sẽ cung cấp đầu vào kỹ thuật và hoạt động cho quy trình chứng nhận toàn cầu và khuôn khổ đánh giá.

    Chuyên gia Goodman và Runde cho rằng quy trình chứng nhận sẽ tốn kém vì “nó phải đủ nghiêm ngặt để thuyết phục các nhà đầu tư khu vực tư nhân bỏ tiền của họ vào những nơi rủi ro hơn”.

    Hai chuyên gia từng cho biết quá trình này có thể sẽ mất vài năm.

    Có dấu hiệu lạm phát toàn cầu

    Giá bán hàng xuất xưởng trên thế giới tăng vọt chắc chắn làm dấy lên lo ngại về lạm phát toàn cầu. Dữ liệu được công bố hôm nay dự kiến sẽ cho thấy giá sản xuất của Trung Quốc tăng 8% trong tháng 5 so với năm trước, mức tăng nhanh nhất trong hơn một thập niên qua. Kết hợp với đồng nhân dân tệ mạnh hơn và chi phí vận chuyển tăng cao, nó có thể sớm khiến hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc tăng giá trên khắp thế giới.

    Báo động về lạm phát lan ra từ Trung Quốc nhiều khi bị thổi phồng. Nguyên nhân chính là do phục hồi nhu cầu hàng hóa toàn cầu và nguồn cung bị gián đoạn. Các nhà sản xuất Trung Quốc đang hấp thụ bớt một phần đợt tăng giá này. Giá tiêu dùng có thể chỉ tăng 1,5% trong tháng 5 so với một năm trước đó, bằng chứng cho thấy các công ty đang thu lợi nhuận thấp hơn. Người ta kỳ vọng khi vắc-xin được tung ra rộng rãi, mọi người sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như du lịch và ăn uống, chứ không chỉ hàng hóa trên các trang web thương mại điện tử. Điều đó sẽ làm giảm áp lực lên giá hàng hóa

    Tòa án Nga xử vụ Navalny

    Một tòa án Nga hôm nay tiếp tục nhắm vào phe đối lập chính trị của đất nước. Vụ án này do cơ quan an ninh Nga đưa ra nhằm tìm cách đặt các tổ chức của Alexei Navalny, nhà lãnh đạo đối lập bị bỏ tù, ra ngoài vòng pháp luật. Phiên tòa đã được nhà chức trách xác định là bí mật nhà nước. Tổ chức chống tham nhũng và mạng lưới khu vực của ông Navalny đã bị gán cho là tổ chức cực đoan, ngang với Nhà nước Hồi giáo hay al-Qaeda.

    Phiên tòa có tất cả những chi tiết của một quy trình pháp lý — thẩm phán, công tố viên và luật sư. Nhưng đó là một quy trình mang tính chính trị với phần pháp lý mỏng manh, một phần của cuộc thanh trừng ở nước Nga kể từ tháng 8, khi ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh. Việc ông bị cầm tù sau đó đã cực đoan hóa chính trị và dẫn đến một chuỗi đàn áp nhắm vào các phong trào đối lập. Với việc tòa án được bảo vệ bởi ngành an ninh, phán quyết là hoàn toàn có thể đoán trước. Song hậu quả chính trị của nó thì khó đoán định hơn.

    Mỹ thông qua dự luật tăng tài trợ nghiên cứu khoa học


    Thượng viện Hoa Kỳ sẽ sớm thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới. Nó được coi là một khoản đầu tư cho nghiên cứu mang tính bước ngoặt. Hiện Mỹ rất cần khoản tiền này. Tài trợ nghiên cứu của liên bang, vốn sẽ đưa đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai, đã giảm trong nhiều năm qua.

    Tuy nhiên, dự luật không lớn như phiên bản trước. Trước đây 100 tỷ đô la dự kiến được đầu tư cho một ban quản lý công nghệ mới thuộc Quỹ Khoa học Quốc gia. Các chuyên gia đổi mới đã rất phấn khởi. Ban quản lý mới dự kiến sẽ được mô phỏng theo Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến, một văn phòng nghiên cứu quốc phòng thành công rực rỡ vốn giúp tài trợ các dự án đã dẫn đến sự ra đời của internet và vắc-xin mRNA.

    Song đấu đá chính trị đã khiến nó teo đi đáng kể. Ban quản lý mới sẽ chỉ nhận khoảng 4 tỷ đô la tài trợ. Các thượng nghị sĩ đã thu nhỏ khoản tài trợ này để chuyển sang tài trợ cho một số sửa đổi khác liên quan. Nhưng những người ủng hộ tăng tài trợ nói họ không buồn phiền. Dự luật này không hoàn hảo, nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu.

    Đời là thế! Vô đạo đức! Nhục nhất là xẩy ra trong ngành y

    BS Phạm Hiếu Liêm, YKSG 1973, QYHD khoá 20. Professor Geriatrics @ Arkansas

    Từ ngày dịch Covid-19 bắt đầu ở Vũ Hán, Trung Cộng, lan truyền đi khắp thế giới, gây đại dịch từ tháng Hai năm 2020 đến nay (tháng Sáu 2021), nhiều điều quái dị đã xảy ra trong Y học và Y khoa Tây Phương.

    Các mô hình tiên đoán dịch của Anh và Mỹ phóng đại quá mức lúc dịch bắt đầu, gây hoang mang sợ hãi dẫn đến suy sụp kinh tế vô tiền khoáng hậu, rồi sau đó mới bắt đầu điều chỉnh cho đúng đắn hơn.

    Các chuyên viên dịch tễ Mỹ, cầm đầu bởi BS Fauci gây hoang mang với những lời khuyên, và quyết định mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất, khiến người dân càng hoang mang thêm. Điển hình là lời khuyên về mang hay không mang khẩu trang nơi công cộng.

    Nhóm báo chí thiên Tả điên cuồng chống TT Trump đến độ lập tức bác bỏ những gì ông phát biểu bất kể đúng sai. Thêu dệt cả những điều ông nói và bịa đặt những chuyện ông không nói để đánh lừa dư luận. Cùng lúc che đậy cho Trung Cộng và kiểm duyệt các tin tức có thể làm tăng uy tín của TT Trump.

    Thậm chí hai tờ báo Y học uy tín nhất thế giới: The Lancet và New England Journal of Medicine đăng bài khảo cứu láo về thuốc Hydroxy-Chloroquin (HCQ) chỉ vì ông Trump phát biểu rằng ông nghe nói thuốc đó có thể trị được Covid-19. Khi sự bịp bợm bị phanh phui, chủ bút phải muối mặt xin lỗi độc giả vì đã đăng bài …đểu.

    Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tiếp tay loan tin có lợi cho Trung Cộng và che giấu tất cả bằng chứng về các tai nạn rủi ro xẩy ra tại phòng thí nghiệm Vũ Hán.


    BS Fauci được truyền thông thiên Tả tâng bốc là khuôn vàng thước ngọc của Y khoa dịch tễ và bệnh truyền nhiễm của thế giới, do đó những gì ông nói là phải đúng, ai có ý kiến khác ông lập tức bị bôi nhọ và hạ bệ. Nhất là những ý kiến từ bằng chứng cho thấy virus phát xuất từ phòng thí nghiệm Vũ Hán chớ không phải từ thiên nhiên như các luận cứ lấp liếm bao che cho Trung Cộng.

    Từ hai tháng qua, sau khi đại đa số người Mỹ cao niên và nhân viên Y tế đã được chủng ngừa thì con số lây nhiễm và tử vong ở Mỹ bởi virus Vũ Hán đã giảm xuống đáng kể, mặc dù đại dịch vẫn còn hoành hành tại nhiều nơi khác trên thế giới vì thiếu thuốc chủng ngừa.

    Chế tạo được thuốc chủng ngừa virus Vũ Hán từ phôi thai đến thực hiện trong thời gian tám tháng là một kỷ lục của Y học và là vết son cho Y tế Tây phương trong Thế kỷ 21. TT Trump dùng kinh nghiệm kinh doanh trong quá khứ đề cử Phó TT Pence phối hợp tài nguyên của chinh phủ Mỹ với các nhân tài tại các viện nghiên cứu và bào chế tư dẫn đến kỷ lục nói trên.

    Gần đây, mặt trái “Ngụy Quân Tử” của BS Fauci bị phanh phui, nhất là sau khi một loạt e-mails của ông được công bố cho thấy ông biết và cùng với khoa học gia Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance từng tài trợ các chương trinh khảo cứu về tăng độ gây bệnh của corona virus tại phòng thí nghiệm Vũ Hán từ mấy năm trước. Vậy mà sau khi đại dịch xảy ra, ông Fauci lại cứ che đậy bằng cách khai man trước Quốc Hội, bất kể trọng trách là chuyên viên số một về dịch tễ để bảo vệ dân Mỹ.

    Người viết thành tâm hy vọng sự thành công của thuốc chủng ngừa sẽ chấm dứt đại dịch Vũ Hán cho thế giới. Nhưng bài học quá đắt giá khi Y học và Y khoa Mỹ vì dây dưa với Trung Cộng dẫn đến các việc làm đểu giả trên các báo Y học hàng đầu, hành vi xảo trá của WHO và hành động “Ngụy Quân Tử” của BS Fauci sẽ không thể quên lãng.

    Trung Cộng và các người đồng lõa gây đau thương tang tóc cho nhân loại rồi phải trả lời trước tòa án thế giới trong những ngày sắp đến.

    “…Tờ The Wall Street Journal đã đưa tin vào tháng trước rằng khẳng định này, ít nhất một phần, dựa trên một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ, rằng ba nhà nghiên cứu của viện virus học Vũ Hán đã bị bệnh vào tháng 11 năm 2019 và họ phải nhập viện…”


    Bộ Ngoại giao sử dụng báo cáo thí nghiệm năm 2020 trong cuộc điều tra về chính họ dưới thời chính quyền Trump

    WASHINGTON — Một báo cáo về nguồn gốc của COVID-19 của một phòng thí nghiệm quốc gia thuộc chính phủ Hoa Kỳ đã kết luận rằng giả thuyết vi-rút bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán là có khả năng xảy ra và cần được điều tra thêm, theo những người quen thuộc với tài liệu mật này.

    Nghiên cứu này được Phòng thí nghiệm (PTN) Quốc gia Lawrence Livermore ở California thực hiện vào tháng 5 năm 2020 và được Bộ Ngoại giao sử dụng trong cuộc điều tra nguồn gốc của đại dịch trong những tháng cuối cùng của chính quyền Trump.

    Hiện tại, việc Tổng thống Biden ra lệnh cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày về việc vi rút xuất hiện ra sao đang thu hút sự quan tâm mới của Quốc hội. Ông Biden nói rằng tình báo Hoa Kỳ đã tập trung vào hai kịch bản – liệu virus corona xuất hiện thông qua việc người tiếp xúc với một con vật bị nhiễm bệnh hay từ một sự cố trong phòng thí nghiệm.

    Những người quen thuộc với nghiên cứu này nói rằng cuộc điều tra do “Bộ phận Z”, chi nhánh tình báo PTN Lawrence Livermore thực hiện. PTN Lawrence Livermore có chuyên môn đáng kể về các vấn đề sinh học. Họ cho biết đánh giá của họ dựa trên phân tích bộ gen của virus SARS-COV-2, nguyên nhân gây ra bệnh COVID-19.

    Các nhà khoa học phân tích cấu tạo gen của virus để cố gắng xác định cách chúng tiến hóa và lây lan. Những người ủng hộ ở cả hai phía trong cuộc tranh luận về nguồn gốc của COVID-19 đã trích dẫn các phân tích như vậy để chứng minh lập luận của họ.

    Người phát ngôn của PTN Lawrence Livermore từ chối bình luận về báo cáo vẫn còn thuộc loại bí mật này.

    Đánh giá này được cho là một trong những nỗ lực đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ nhằm khám phá một cách nghiêm túc giả thuyết vi rút bị rò rỉ từ Viện Vi rút học Vũ Hán (WIV) của Trung Quốc cùng với giả thuyết cạnh tranh rằng đại dịch bắt đầu từ việc con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh.

    Một người đã đọc tài liệu đề ngày 27 tháng 5 năm 2020, cho biết báo cáo này đã đưa ra những bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ việc điều tra thêm khả năng virus này đã lọt ra từ phòng thí nghiệm.

    Nghiên cứu này cũng có ảnh hưởng lớn đến cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao về nguồn gốc của COVID-19. Các quan chức của Bộ Ngoại giao đã nhận được nghiên cứu này vào cuối tháng 10 năm 2020 và yêu cầu cung cấp thêm thông tin, theo một mốc thời gian của phòng xác minh và kiểm soát vũ khí của cơ quan này.

    Nghiên cứu này rất quan trọng vì được một phòng thí nghiệm quốc gia có uy tín thực hiện và khác với quan điểm chủ đạo vào mùa xuân năm 2020 rằng virus gần như chắc chắn lần đầu tiên được truyền sang người qua một con vật bị nhiễm bệnh, một cựu quan chức tham gia cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao cho biết.

    Các phát hiện của Bộ Ngoại giao, đã được các cơ quan tình báo Hoa Kỳ kiểm tra, đã được công khai trong một bản tin ngày 15 tháng 1 liệt kê một loạt lý do sơ bộ tại sao đợt bùng phát COVID-19 có thể bắt nguồn từ một vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm. Trong đó khẳng định rằng “chính phủ Hoa Kỳ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu trong viện virus học Vũ Hán đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019” với các triệu chứng như COVID-19 hoặc cúm mùa.

    Tờ The Wall Street Journal đã đưa tin vào tháng trước rằng khẳng định này, ít nhất một phần, dựa trên một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ, rằng ba nhà nghiên cứu của viện virus học Vũ Hán đã bị bệnh vào tháng 11 năm 2019 và họ phải nhập viện.

    Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng thông tin về ba nhà nghiên cứu đến từ một thực thể nước ngoài và cần phải chứng thực thêm. Các quan chức chính quyền Biden cũng đã lưu ý rằng bản tin ngày 15 tháng 1 của Bộ Ngoại giao thừa nhận rằng chính phủ Hoa Kỳ không biết chính xác vị trí, thời gian và cách thức vi rút được truyền sang người đầu tiên.

    Nghiên cứu Lawrence Livermore đã được Sinclair Broadcast Group đưa tin vào tháng trước và đã được ghi nhận trong một bài báo gần đây của tạp chí Vanity Fair.

    Trong tuyên bố ngày 26 tháng 5 về yêu cầu một cuộc điều tra tình báo mới, ông Biden không đề cập đến báo cáo mật của Lawrence Livermore, nhưng ông nói rằng các phòng thí nghiệm quốc gia của Hoa Kỳ, do Bộ Năng lượng giám sát, sẽ hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan tình báo.

    Sau những báo cáo công khai ban đầu về nghiên cứu của Lawrence Livermore, các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện — những người đang tiến hành các cuộc điều tra của riêng họ về nguồn gốc của COVID-19 — đã viết cho giám đốc phòng thí nghiệm, Tiến sĩ Kimberly Budil, yêu cầu một cuộc họp mật về vấn đề này.

    Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Axios được phát sóng trên HBO Max rằng Hoa Kỳ cần phải tìm hiểu kỹ những gì đã xảy ra để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác động của đại dịch trong tương lai.

    Ông nói thêm, chính phủ Trung Quốc đã không cung cấp đủ quyền truy cập hoặc thông tin cho các cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19.

    Ông Blinken nói với Axios: “Những gì chính phủ Trung Quốc không làm trong những ngày đầu và vẫn chưa làm là mang lại cho chúng ta sự minh bạch mà chúng ta cần”.Ngày 7 tháng 6 năm 2021Michael R. Gordon và Warren P. Strobel —


    Võ Thái Hà tóm lược
     

    Không có nhận xét nào