Header Ads

  • Breaking News

    Võ Thu Phương - Tại sao tiêm hai liều vaccine mà vẫn nhiễm corona?

    Về vấn đề này tôi đã có bài dịch vào hôm 9.12.2020. Khi đó, vaccine đầu tiên của thế giới vừa được chủng mũi đầu tiên ở Anh Quốc. Khi đó, những đánh giá và giả định của các nhà khoa học vẫn chưa được thực tế chứng minh.

    https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436/posts/842198069915949

    Hiện nay, tiến trình tiêm chủng đại trà tại nhiều nước trên thế giới đã mang lại những con số khảo sát cụ thể. Và sự thật đúng như giả định ban đầu: vaccine chống covid không làm cho virus biến mất đi, nó chỉ có khả năng hữu hiệu bảo vệ cơ thể chống lại diễn biến bệnh nặng và nguy cơ tử vong.

    Nhiều người Việt Nam vẫn còn có những lầm lẫn tai hại về chuyện này. Họ ngộ nhận rằng, chủng ngừa covid rồi thì không nhiễm virus nữa.

    Vẫn nhiễm, vẫn tử vong, nhưng khả năng không cao như chưa chủng.

    Giới thiệu bài báo của Berliner Morgenpost với phát biểu của hai chuyên viên hàng đầu tại Đức: Klaus Cichutek, giám đốc Paul-Ehrlich-Institut và Lothar Wieler, giám đốc Robert Koch-Institut (RKI).

    VTP-LTHg

    *

    **

    https://www.morgenpost.de/.../infektion-corona-trotz...

    Tại sao tiêm hai liều vaccine mà vẫn nhiễm corona?

    Có những trường hợp đáng chú ý: Vào cuối tháng Tư, 15 người trong viện dưỡng lão ở Düsseldorf đã bị nhiễm corona. Bảy người trong số họ đã được chủng ngừa hai lần. Mặc dù vậy, họ vẫn có kết quả dương tính và biểu hiện các triệu chứng. Cùng lúc, một trường hợp tương tự ở Stuttgart cũng được báo cáo. Trong tổng số 13 trung tâm chăm sóc, 41 người có kết quả xét nghiệm dương tính, trong đó có 28 người đặc biệt được tiêm 2 liều vaccine.

    Các trường hợp tương tự cũng được báo cáo từ Bochum, Remscheid và Leichlingen. Những ca này thường đã được chủng ngừa hai lần. Các nhà khoa học gọi những trường hợp như vậy là “vỡ trận tiêm chủng” (Impfdurchbrüche) – tình trạng nhiễm bệnh xảy ra sau khi tiêm chủng.

    Nhưng tại sao có thể xảy ra chuyện này?

    Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng tất cả các loại vaccine được chấp thuận ở EU đều nhằm vào việc tích cực bảo vệ cơ thể chống các diễn tiến bệnh trầm trọng hoặc nguy cơ tử vong. Ngay cả liều vaccine đầu tiên cũng làm giảm khoảng 2/3 hiểm họa nhiễm coronavirus. Đây là kết quả của một cuộc nghiên cứu quy mô lớn của Đại học Oxford. Tuy nhiên, không có vaccine nào đạt độ bảo vệ một trăm phần trăm.

    RKI: Tiêm chủng sẽ không làm cho virus biến mất

    Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch (RKI), đã cảnh báo điều này trong một cuộc họp báo ở Berlin: “Virus sẽ không biến mất ngay cả khi được tiêm chủng. Chúng ta biết rằng, việc tiêm chủng mang lại cho con người khả năng miễn dịch cơ bản. Nhưng không phải lúc nào tiêm chủng cũng ngăn ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh.” Điều này có nghĩa là những người được tiêm chủng cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh và lây bệnh sang người khác.

    Nhưng rủi ro tồn đọng này cao đến mức nào?

    Cơ quan y tế Hoa Kỳ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) báo cáo những con số đáng tin cậy đầu tiên. Theo cơ quan này, gần 75 triệu công dân Hoa Kỳ đã được chủng ngừa hai lần vào giữa tháng Tư và do đó được coi là đã được chủng ngừa đầy đủ. Trong số này, khoảng 6.000 người bị nhiễm corona. Điều đó tương ứng với khoảng 0,005% tổng số bệnh nhân. 74 người được tiêm chủng đầy đủ đã chết "do Covid-19 hoặc với Covid-19".

    Như báo cáo tiếp tục của cơ quan y tế, tiến trình nhiễm bệnh ở đại đa số những người được tiêm chủng chỉ là các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Những người được tiêm chủng cũng có tải lượng virus thấp hơn đáng kể so với những bệnh nhân không được tiêm chủng. Ngay cả trong những lần “vỡ trận tiêm chủng” nổi tiếng tại Đức, hầu hết chỉ là những diễn tiến nhẹ được ghi nhận.

    Các biện pháp bảo vệ cũng rất quan trọng sau khi tiêm chủng

    Do đó, mặc dù đã được tiêm phòng người ta vẫn có khả năng nhiễm hoặc lây coronavirus. Tại sao điều này xảy ra, bao gồm nhiều lý do, RKI cũng cảnh báo trong một bản thông tin về tiêm chủng. Theo đó, khả năng nhiễm bệnh có thể diễn ra trong thời gian ngắn trước hoặc sau khi tiêm chủng. Khả năng bảo vệ của vaccine thường chỉ xảy ra từ 10 đến 14 ngày sau lần tiêm chủng đầu tiên, nhưng nó cũng không hoàn toàn.

    Tuy nhiên, cũng có khả năng lây nhiễm sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai. Theo RKI, xác suất phụ thuộc vào mật độ virus trong môi trường và phản ứng nhanh nhạy từ hệ thống miễn dịch của những người bị ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao RKI coi các biện pháp bảo vệ - chẳng hạn như giữ khoảng cách và đeo khẩu trang - là cần thiết ngay cả sau khi tiêm phòng.

    Những người đã tiêm phòng vẫn có thể truyền coronavirus?

    Tiêm chủng có bảo vệ con người khỏi diễn tiến bệnh trầm trọng hay không, câu hỏi này bây giờ không cần đặt ra nữa. Nhưng, liệu người đã tiêm phòng có thể lây coronavirus cho người khác không? RKI ước tính rủi ro là rất thấp và giả định trong một báo cáo rằng những người được tiêm chủng đầy đủ thì gần như không có nguy cơ lây bệnh. Các nhà nghiên cứu từ Israel cũng xác nhận giả định này: Những người đã được tiêm hai lần có đến 92% khả năng giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác. Nhưng ngay ở đây, vẫn còn những rủi ro tồn đọng.

    https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436

    Không có nhận xét nào