Header Ads

  • Breaking News

    Các tổ chức quốc tế kêu gọi phóng thích nhà báo Mai Phan Lợi và nhà văn Phạm Thành

     Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi trả tự do cho nhà báo Mai Phan Lợi

    HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà văn Phạm Thành

    Gia đình ông Phạm Thành: Lẽ ra ông Nguyễn Phú Trọng phải ra tòa đối chất

     

    Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Mai Phan Lợi, từng điều hành một tạp chí luật chính thức nhưng trong 5 năm qua đã cung cấp cho đồng bào những thông tin độc lập, đáng tin cậy về kinh tế, xã hội và vấn đề môi trường. RSF cho biết tất cả các cáo buộc chống lại ông phải được bãi bỏ.

    Công an Hà Nội thông báo chính thức điều tra đối với ông Mai Phan Lợi vào ngày 2 tháng 7, một tuần sau khi ông lợi bị bắt ban đầu vào ngày 24 tháng 6, vì một cáo buộc cực kỳ mơ hồ  về tội “trốn thuế”, có thể bị phạt bảy năm tù theo điều 200 của bộ luật hình sự. Bản chất của các tội danh bị cáo buộc hoặc số tiền được cho là đã trốn tránh không được nêu rõ.

    Ông Mai Phan Lợi đã khẳng định được tên tuổi của mình trên thế giới blog Việt Nam nhờ vào hàng loạt cuộc phỏng vấn mà thực hiện với các chuyên gia về các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam. Trước đó, ông là phó tổng biên tập của Pháp Luật, ấn phẩm của nhà nước.

    Nhà chức trách không gia hạn thẻ báo chí của ông Lợi cách đây 5 năm sau khi ông điều tra tình tiết bí ẩn về CASA 8983, một máy bay trinh sát của không quân Việt Nam, mất tích vào tháng 6/2016.

    “Chúng tôi không bị lừa bởi cáo buộc gian lận thuế đối với Mai Phan Lợi, ” Daniel Bastard, trưởng bộ phận Châu Á – Thái Bình Dương của RSF cho biết. “Mọi thứ chỉ ra rằng đó chỉ là cái cớ để bịt miệng một nhà báo làm công việc của mình để thông báo cho người dân một cách chính đáng. Chúng tôi yêu cầu ông ấy được trả tự do ngay lập tức và rút lại cáo buộc vô lý rõ ràng này ”.

    Quyền tự do biên tập

    Cùng tội danh trốn thuế cũng được áp dụng để bắt một chuyên gia pháp lý khác là Đặng Đình Bách cùng ngày với ông Lợi.

    Ngoài việc là một nhà báo, ông Lợi còn là người bảo vệ quyền tự do biên tập trên các phương tiện truyền thông Việt Nam. Vì vậy, ông đã được đưa vào một nhóm sáu đại diện xã hội dân sự đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Barack Obama trong chuyến thăm của Obama đến Hà Nội vào tháng 5 năm 2016.

    Ông Lợi tham gia danh sách ngày càng tăng các cựu nhà báo nhà nước Việt Nam và bị bắt sau khi chọn làm nhà báo tự do và độc lập. Các nạn nhân của làn sóng phán xét các nhà báo như vậy, bắt đầu từ hơn một năm trước, bao gồm Phạm Đoan Trang, người nhận Giải Tự do Báo chí RSF năm 2019.

    Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 của RSF

    HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà văn Phạm Thành

    09/7/2021

     

    Ông Phạm Chí Thành đang phải chịu nhiều vấn đề về sức khỏe

     

    (New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam nên ngay lập tức phóng thích nhà văn bất đồng chính kiến, tiểu thuyết gia Phạm Chí Thành và hủy bỏ mọi cáo buộc hình sự đối với ông.

    Công an bắt giữ ông Phạm Chí Thành, 69 tuổi, hồi tháng Năm năm 2020 và cáo buộc ông theo điều 117 của bộ luật hình sự, có nội dung hình sự hóa việc lưu giữ hay phát tán “các thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.” Tới ngày 28 tháng Năm năm 2021, luật sư của ông mới được phép gặp Phạm Chí Thành lần đầu tiên. Sau đó, vợ ông, bà Nguyễn Thị Nghiêm, viết trên Facebook về việc luật sư nói với bà rằng chồng bà mới bị ngã gây chấn thương, từng bị đau đầu, và giờ bị khó thở. Dự kiến phiên tòa xử ông sẽ diễn ra ở Hà Nội vào ngày mồng 9 tháng Bảy.

    “Ông Phạm Chí Thành nằm trong danh sách dài các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam bị truy tố chỉ vì các bài viết của mình,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Không hề có một lời buộc tội rằng ông đã phạm một tội hình sự cụ thể nào, xét theo luật nhân quyền quốc tế.”

    Ông Phạm Chí Thành (bút danh Phạm Thành – Bà Đầm Xòe) xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, Hậu Chí Phèo, vào năm 1991. Tiểu thuyết lên án cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam vào thập niên 1950, và miêu tả những người lãnh đạo cộng sản địa phương là tham nhũng, vô đạo đức, ngu dốt và độc ác.

    Năm 2007, ông bị mất chức thư ký tòa soạn báo của Đài Tiếng nói Việt Nam vì viết nhiều bài chống Trung Quốc. Năm 2014, ông tự xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai, Cò Hồn Xã Nghĩa, miêu tả chủ nghĩa xã hội và chính quyền Việt Nam dưới một góc nhìn rất tiêu cực. Năm 2019, sử dụng bút danh của mình, ông xuất bản một tuyển tập các bài viết phê phán Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng quá thân với Trung Quốc.

    Trong lần trả lời phỏng vấn vào năm 2019 với Ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Phạm Chí Thành nói, “Tôi đã 41 năm theo Đảng và Nhà nước rồi, bây giờ ngoảnh lại thấy dân tộc này cái gì cũng tụt lùi, nguyên nhân tại đâu? Nguyên nhân là chúng ta không có dân chủ, nguyên nhân là Đảng Cộng sản duy trì sự độc tài! Tôi chiến đấu để chống lại sự độc tài của Cộng sản!”

    Công an đã nhiều lần sách nhiễu và đe dọa ông Phạm Chí Thành. Từ năm 2014 đến năm 2016 họ triệu tập ông nhiều lần và thẩm vấn về các bài viết của ông. Ngày mồng 6 tháng Mười hai năm 2015, công an ở Sân bay Quốc tế Nội Bài cản trở không cho ông xuất cảnh đi Băng Cốc, và tuyên bố rằng việc cấm xuất cảnh là để “bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn trật tự xã hội.”

    Tháng Mười một năm 2017, trong kỳ Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Đà Nẵng, các nhân viên an ninh quản thúc ông tại gia suốt mấy ngày. Trước và trong thời gian có cuộc gặp giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Donald Trump ở Hà Nội từ ngày 27 đến 28 tháng Hai năm 2019, ông Phạm Chí Thành cũng bị quản chế tại gia. Ông đăng tải lên mạng internet ảnh chụp những người mặc thường phục cắm chốt bên ngoài nhà ông, gọi họ là “Những bóng ma trước nhà tôi, đêm 26.2.2019- kỷ niệm ngày Trump đến Hà Nội.”

    Tháng Mười một năm 2020, sáu tháng sau khi ông bị bắt, Đài Á Châu Tự Do đưa tin rằng ông Phạm Chí Thành đã phải vào một cơ sở điều trị tâm thần trong sáu tuần, ở đó vợ ông có được vào thăm trong thời gian ngắn. Mục đích đưa ông vào cơ sở tâm thần đó vẫn chưa rõ là gì.

    “Ông Phạm Chí Thành không phạm một tội danh rõ ràng nào, có biểu hiện sức khỏe kém, và đã bị giam giữ hơn một năm không được trợ giúp pháp lý,” ông Sifton nói. “Chính quyền Việt Nam không có lý do thích đáng để biện hộ cho việc giam giữ ông và chưa bao giờ đưa ra được lý do thích đáng nào. Ông Thành cần được phóng thích và đưa về nhà ở cùng gia đình mình.”

    Nguồn: HRW

    Gia đình ông Phạm Thành: Lẽ ra ông Nguyễn Phú Trọng phải ra tòa đối chất

    09/07/2021

    VOA Tiếng Việt

    Hôm 9/7, nhà văn Phạm Thành, người viết sách chỉ trích Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và 5 năm quản chế vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Gia đình ông Thành phản đối bản án này, và nói rằng lẽ ra ông Trọng phải đến phiên tòa để đối chất.

    Bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ của ông Phạm Thành, nói với VOA sau phiên xử chưa đầy 3 tiếng đồng sáng ngày 9/7, mà bà và con gái không được vào phòng xét xử.

    “Tôi đòi quyền lợi để tôi được vào nhưng họ không cho tôi vào. Tôi rất buồn với chế độ về cách xét xử như thế này. Họ thông báo là xử công khai thế mà không cho vợ vào là xử kín rồi. Kết quả anh ấy bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và 5 năm quản chế.”

    Nhà văn Phạm Thành, tên đầy đủ là Phạm Chí Thành, 69 tuổi, viết blog với tên Bà Đầm Xòe, bị bắt vào ngày 21/05/2020 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự.

    Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Thành, viết trên Facebook sau phiên xử rằng chứng cứ buộc tội thân chủ ông do những người “thiếu tính chuyên nghiệp” thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội thực hiện và hơn nữa, các chứng cứ buộc tội này “không được làm rõ tại phiên tòa.”

    Theo thông tin từ Facebook của luật sư Hà Huy Sơn, chứng cứ buộc tội ông Thành xoay quanh nội dung tập tài liệu “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo”, quyển sách chủ yếu viết về cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó nội dung bị cơ quan giám định cáo buộc là “Tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, “Tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”, “Vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân,” và “Tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý”.

    Luật sư Sơn viết: “Các tài liệu do bị cáo làm ra chỉ liên quan đến cá nhân Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cáo trạng đã đánh đồng cá nhân với tổ chức (Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đồng nhất với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cáo trạng truy tố bị cáo theo Điều 117 BLHS là không đúng về yếu tố khách thể của tội phạm.”

    Hôm 9/7, trang VietnamNet dẫn cáo trạng cho biết nội dung 21 bài viết trong sách “Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo" và bài phỏng vấn Phạm Thành ngày 27/7/2019 chứa đựng nội dung “tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.”

    Truyền thông nhà nước Việt Nam hôm 9/7 tập trung về bản án và cáo trạng luận tội ông Phạm Thành, nhưng không đề cập đến ông Nguyễn Phú Trọng như một bên “bị hại” trong vụ án khi loan tin về phiên tòa này.

    Bà Nguyễn Thị Nghiêm nêu nhận định với VOA:

    “Đây chỉ là bất đồng chính kiến giữa cá nhân với cá nhân. Ở các nước tự do, người dân phê bình lãnh đạo là điều bình thường. Nhưng chế độ Cộng sản Việt Nam thì họ đưa chồng tôi vào tù.”

    Đối với ông Trọng, ông Trọng lại không ra tòa để đối chất và không có đơn kiện, thì chồng tôi không có tội.

    Bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ của nhà văn Phạm Thành

    “Chồng tôi đã dám đứng ra nói lên sự thật của Đảng và Nhà nước.”

    “Đối với ông Trọng, ông Trọng lại không ra tòa để đối chất và không có đơn kiện, thì chồng tôi không có tội. Nếu [chồng tôi] có tội, thì ông Trọng phải có đơn kiện và phải ra tòa đối chất. Còn đây thì không có. Tôi muốn chồng tôi được trả tự do.”

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 8/7 gửi ra thông cáo báo chí từ New York đề nghị chính quyền Việt Nam cần phóng thích ngay lập tức nhà văn bất đồng chính kiến, tiểu thuyết gia Phạm Chí Thành và hủy bỏ mọi cáo buộc hình sự đối với ông.

    ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của HRW, chỉ ra rằng ông Thành “không phạm một tội danh rõ ràng nào, có biểu hiện sức khỏe kém, và đã bị giam giữ hơn một năm không được trợ giúp pháp lý”.

    Ông Sifton nhấn mạnh trong thông cáo của HRW: “Chính quyền Việt Nam không có lý do thích đáng để biện hộ cho việc giam giữ ông và chưa bao giờ đưa ra được lý do thích đáng nào.”

    Không có nhận xét nào