Header Ads

  • Breaking News

    Cập nhật tình hình Biển Đông ngày 16 tháng 7 năm 2021

    Ngày 16.7, Cục Hải sự tỉnh Chiết Giang thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn ở Biển Hoa Đông trong một tuần từ ngày 16 đến 21.7. 
     
    Cập nhật tình hình Biển Đông ngày 16 tháng 7 năm 2021

    Ngày 16.7, Cục Hải sự tỉnh Chiết Giang thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn ở Biển Hoa Đông trong một tuần từ ngày 16 đến 21.7. Cuộc tập trận này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc hoàn tất cuộc tập trận quy mô lớn ở Hoàng Hải.

    I. Biển Đông, chuyển động quân sự

    Sau nhiều tháng neo đậu ở Quảng Châu, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã ra khơi trở lại. Trong ngày 16.7, chiếc tàu này đang hướng về phía khu vực đảo Hải Nam. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi chuyển động của chiếc tàu khảo sát này trong thời gian tới.

    Trong thời gian diễn ra cuộc tập trận ở Hoàng Hải, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã rời căn cứ ở Thanh Đảo.



    Hiện chưa rõ tàu Liêu Ninh có tham gia cuộc tập trận ở Hoa Đông hay không, nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu này đã quay trở lại căn cứ trong ngày 12.7.

    Vị trí tập trận lần này cách Đài Loan khoảng 135 hải lý về phía bắc và cách quần đảo Senkaku khoảng 120 hải lý.

    Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Trung Quốc với Đài Loan và Nhật Bản gia tăng, sau khi Tokyo lần đầu tiên nhắc đến vấn đề eo biển Đài Loan trong Sách trắng quốc phòng.

    Ngày 15.7, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đưa ra tuyên bố phản ứng trước tường thuật về việc một máy bay vận tải quân sự C-146A Wolfhound của Mỹ hạ cánh ở Đài Bắc trong cùng ngày.

    " Bất kỳ máy bay quân sự nước ngoài nào đều bị cấm hạ cánh trên lãnh thổ của Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và bất kỳ sự xâm nhập trái phép nào vào không phận của Trung Quốc bằng máy bay quân sự nước ngoài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng."

    Truyền thông Đài Loan cho hay chiếc máy bay nói trên vận chuyển một lô hàng cho Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan, tức cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ trên thực tế.

    Không quân Thái Bình Dương thông báo một nhóm oanh tạc cơ B-52 từ căn cứ không quân Minot đã được triển khai đến đảo Guam trong ngày 14.7.

    II. Mỹ - Trung

    1. Thứ trưởng Wendy Sherman ngưng kế hoạch đến Trung Quốc

    Tờ Financial Times ngày 16.7 đưa tin Mỹ đã dừng kế hoạch để Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến Thiên Tân sau khi Trung Quốc từ chối tổ chức cuộc gặp giữa bà và người có vị trí tương đương là Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành.

    Bà Sherman là nhân vật số 2 ở Bộ Ngoại giao Mỹ, tương đương vị trí thứ trưởng thường trực. Thế nhưng, Trung Quốc chỉ đề nghị bà gặp Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong, chỉ là quan chức số 5 ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

    Theo tờ Financial Times, Mỹ coi chuyến thăm của bà Sherman là bước đệm tiềm năng cho chuyến thăm Trung Quốc của (Ngoại trưởng) Blinken, mở đường cho Tổng thống Joe Biden tổ chức cuộc gặp đầu tiên với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ý vào tháng 10.

    Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra một thông báo về chuyến công du của bà Sherman đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ từ 18 đến 25.7 mà không nhắc gì đến Trung Quốc.

    2. Kế hoạch lập đường dây nóng Mỹ - Trung

    Hãng CNN ngày 15.7 tiết lộ chính quyền Biden đang nghiên cứu khả năng thiết lập một đường dây nóng khẩn cấp với phía Trung Quốc, tương tự đường dây nóng giữa Mỹ và Liên Xô thời chiến tranh Lạnh nhằm ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.

    " Một đường dây nóng tới Bắc Kinh sẽ cho phép Tổng thống Joe Biden, hoặc các quan chức hàng đầu trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông, ngay lập tức gửi các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn mã hóa tới Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc những người xung quanh ông, theo hai nguồn tin. Chẳng hạn, thông tin khẩn cấp có thể được chia sẻ về các chuyển động quân sự đột ngột hoặc các thông điệp cảnh báo về các vụ tấn công mạng."

    Theo CNN, Mỹ vẫn chưa chính thức nêu vấn đề này với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên dường như không mấy hào hứng khi được hỏi về ý tưởng này trong cuộc họp báo ngày 15.7.

    " RIA Novosti: Có thông tin rằng Mỹ đang tìm cách thiết lập một đường dây cho phép liên lạc trực tiếp ở cấp cao với Trung Quốc. Đường dây này có thể cho phép Tổng thống Joe Biden liên lạc ngay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn được mã hóa. Trung Quốc có nghĩ rằng một cơ chế như vậy là cần thiết?

    Triệu Lập Kiên: Theo tôi biết, có nhiều đường dây liên lạc Mỹ - Trung giữa các nguyên thủ quốc gia, các cơ quan ngoại giao và quốc phòng. Những đường dây này đã đóng vai trò quan trọng trong suốt những năm qua."

    3. Hồng Kông, Tân Cương

    Hãng Reuters ngày 16.7 đưa tin Mỹ sẽ trừng phạt 7 quan chức thuộc Văn phòng liên lạc của Trung Quốc ở Hồng Kông vì đàn áp dân chủ ở đặc khu này.

    Tổng thống Biden cũng xác nhận Mỹ sẽ đưa ra cảnh báo về những nguy cơ đối với các doanh nghiệp hoạt động ở Hồng Kông.

    Trong khi đó, Thượng viện Mỹ ngày 15.7 thông qua dự luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ cấm nhập khẩu mọi sản phẩm ở Tân Cương.

    4. Đọc thêm

    Học thuyết Trung Quốc mới của Biden - The Economist

    Joe Biden kiên định rằng Trung Quốc sẽ không thay thế Mỹ - The Economist

    Việc trục lợi vắc xin của Trung Quốc tại LHQ đang được tài trợ bởi những người nộp thuế ở Mỹ - The Washington Post

    “Mỹ vô cùng thất vọng vì Trung Quốc không hỗ trợ tài chính cho Covax để tiêm chủng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, và đã chọn bán vắc xin của mình cho Covax thay vì đóng góp tài chính cho Covax", một quan chức quản lý cấp cao nói với tôi.

    Không có nhận xét nào