Header Ads

  • Breaking News

    Cập nhật tình hình Biển Đông ngày 26 tháng 7 năm 2021

    Liệu Trung Quốc sẽ có động thái nào để phản ứng trước việc nhóm tàu HKMH/ HMS Queen Elizabeth hoạt động ở Biển Đông hay không?
    Cập nhật tình hình Biển Đông ngày 26 tháng 7 năm 2021

    Một trong những khả năng mà tôi nghĩ đến có thể là Trung Quốc sẽ tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 hoặc Đông Phong 26 ở Biển Đông. Trong 2 năm qua, Trung Quốc đều thử tên lửa đạn đạo ở Biển Đông trong khoảng thời gian này, vào tháng 6.2019 và tháng 8.2020.

    I. Biển Đông, chuyển động quân sự

    1. Tàu sân bay Anh vào Biển Đông

    Vào trưa nay 26.7, nhóm tác chiến HKMH Anh do tàu HMS Queen Elizabeth dẫn đầu (CSG 21) đã băng qua eo biển Malacca tiến vào Biển Đông.

    Trước đó, tàu ngầm HMS Artful (S121) đã băng qua eo biển tiến vào Biển Đông vào sáng 25.7. Cùng nằm trong nhóm (CSG 21) còn có tàu khu trục HMS Defender (D36), tàu tiếp tế RFA Tidespring (A136) và tàu hộ vệ HMS Richmond (F239).

    Tuy nhiên, hai tàu HMS Defender và RFA Tidespring đã vào trước đó. HMS Defender hiện ghé thăm Brunei trong khi RFA Tidespring ghé lại Singapore và cũng tiến vào Biển Đông hôm 25.7. Tàu HMS Richmond (F239) bị tụt lại phía sau một chút vì vừa tập trận với Thái Lan ở Biển Andaman hôm 24.7.

    Trong lúc di chuyển ở eo Malacca ngày 25.7, nhóm CSG 21 đã tiến hành diễn tập với hải quân Malaysia.



    Ảnh vệ tinh chụp tàu HMS Queen Elizabeth ở eo Malacca ngày 25.7

    Theo thông báo trước đó của Bộ Quốc phòng Anh, nhóm tàu sân bay này sẽ tiến hành tập trận với Mỹ, Úc, Pháp, Nhật, New Zealand và Hàn Quốc ở Biển Philippines vào tháng 8.

    Trên đường trở về, dự kiến vào tháng 10, nhóm này cũng sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên Bersama Lima của nhóm Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA), bao gồm Anh, Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia.

    Những gì được chờ đợi:

    Liệu một thành viên của nhóm CSG 21 có tiến hành chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa hay không?

    Liệu Trung Quốc sẽ có động thái nào để phản ứng trước việc nhóm tàu CSG 21 hoạt động ở Biển Đông hay không?

    Một trong những khả năng mà tôi nghĩ đến có thể là Trung Quốc sẽ tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 hoặc Đông Phong 26 ở Biển Đông. Trong 2 năm qua, Trung Quốc đều thử tên lửa đạn đạo ở Biển Đông trong khoảng thời gian này, vào tháng 6.2019 và tháng 8.2020.

    2. Hai HKMH Trung Quốc cùng ra khơi

    Trong lúc nhóm HKMH Anh chuẩn bị tiến vào Biển Đông, hai HKMH Sơn Đông và Liêu Ninh của Trung Quốc đều đã ra biển.



    Sau khi rời Tam Á ngày 16.7, tàu Sơn Đông hiện huấn luyện ở khu vực phía đông nam đảo Hải Nam.

    Tàu Liêu Ninh rời Thanh Đảo ngày 21.7 và hiện tiến hành huấn luyện ờ Bột Hải. Dự kiến tàu này sẽ huấn luyện tại đây cho đến ngày 29.7.

    3. Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

    Cuối tuần qua, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông lần lượt thông báo về 3 cuộc tập trận ở phía bắc Biển Đông.

    Một cuộc tập trận diễn ra ở vịnh Bắc Bộ từ ngày 26-27.7 và 30-31.7.

    Một cuộc tập trận ở phía đông bán đảo Lôi Châu từ 26-28.7.

    Một cuộc tập trận ở phía nam Ma Cao từ 27-29.7.



    Tất cả đều diễn ra gần như trùng với thời điểm nhóm CSG 21 tiến vào Biển Đông.

    II. Mỹ - Trung

    Những chuyển động quân sự trên diễn ra giữa lúc Mỹ tiến hành một số chuyến thăm cấp cao ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm chuyến công du ba nước Đông Nam Á là Singapore, Việt Nam và Philippine (bắt đầu từ 26.7), chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Antony Blinken (từ 27-28.7). Nhưng đáng chú ý nhất là chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman.

    Cuộc hội đàm sáng 26.7 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong và bà Sherman dường như có khởi đầu không mấy suôn sẻ khi ông Tạ liên tiếp cáo buộc Mỹ, nói rằng quan hệ Mỹ - Trung đang bế tắc và đối mặt những “khó khăn nghiêm trọng” vì một số người Mỹ xem Trung Quốc là “kẻ thù tưởng tượng”.

    "Đã từ lâu, khi nói về xung đột với Trung Quốc và những thách thức mà Mỹ phải đối mặt, một số người ở Mỹ đã gọi là "khoảnh khắc Trân Châu Cảng" và "khoảnh khắc Sputnik". Một số học giả quốc tế, bao gồm cả học giả Mỹ, cho rằng điều này giống như việc so sánh Trung Quốc với Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

    Có vẻ như bằng cách biến Trung Quốc trở thành “kẻ thù tưởng tượng”, ý thức về mục tiêu quốc gia sẽ được khơi dậy ở Mỹ. Hy vọng có thể bằng cách yêu ma hóa Trung Quốc, Mỹ bằng cách nào đó có thể làm thay đổi sự bất mãn của công chúng trong nước về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội và đổ lỗi cho Trung Quốc về các vấn đề cấu trúc của chính họ. Có vẻ như một chiến dịch toàn chính phủ và toàn xã hội đang được tiến hành để hạ gục Trung Quốc. Có vẻ như khi sự phát triển của Trung Quốc bị kìm hãm, mọi thách thức đối nội và đối ngoại của Mỹ sẽ biến mất, và nước Mỹ sẽ trở nên vĩ đại trở lại và Hòa bình kiểu Mỹ sẽ tiếp tục. Mỹ tiếp tục tạo ra vấn đề với Trung Quốc. Dường như phía Mỹ không có gì để nói ngoại trừ về Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Mỹ thay đổi tư duy sai lầm và chính sách nguy hiểm của mình đối với Trung Quốc”.

    Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục phát đi các tuyên bố của Tạ Phong trong cuộc họp gợi ý về mục đích “biểu diễn” của phía Trung Quốc trong đối thoại với Mỹ, tương tự những gì diễn ra tại cuộc họp ở Alaska vào tháng 3, khi Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì đấu khẩu với Ngoại trưởng Antony Blinken.

    Nó cũng đúng như hứa hẹn trước đó của Ngoại trưởng Vương Nghị về việc dạy cho Mỹ một khóa học về cách đối xử công bằng với các quốc gia khác.

    "Tạ Phong: Nguyên nhân căn bản dẫn đến bế tắc trong quan hệ Trung-Mỹ là một số người ở Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù tưởng tượng - Bộ Ngoại giao Trung Quốc

    Tạ Phong: Quy tắc “Cạnh tranh, hợp tác, đối kháng” là thuật che mắt để kiềm chế và áp chế Trung Quốc - Bộ Ngoại giao Trung Quốc

    Tạ Phong: Mỹ nên thay đổi hướng đi và lựa chọn hợp tác với Trung Quốc, tôn trọng lẫn nhau, cạnh tranh công bằng và cùng tồn tại hòa bình - Bộ Ngoại giao Trung Quốc

    Tạ Phong: Cái gọi là "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" của Mỹ là nhằm hại người lợi mình, kiềm hãm các quốc gia khác và thực hiện "luật rừng" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc

    Tạ Phong: Tại sao Mỹ tuyên bố là người phát ngôn cho dân chủ và nhân quyền toàn cầu? - Bộ Ngoại giao Trung Quốc ."

    Cho đến lúc bản tin này được gửi đi, phía Mỹ vẫn chưa đưa ra phát biểu về cuộc họp. Tuy nhiên, những dấu hiệu đều cho thấy cuộc họp này nhiều khả năng sẽ không mang lại kết quả khả quan nào.


    Không có nhận xét nào