Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn văn Tuấn - Biến thể delta khác với alpha ra sao?

    Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Không nên nói SARS-CoV-2 lây qua không khí khi số ca COVID-19 tăng nhanh

    What are the Delta and Delta Plus COVID-19 variants?

    Thông tin về biến thể delta càng ngày càng lẫn lộn. Nếu nghe tin từ nhà chức trách (ví dụ như Úc) có lẽ chúng ta nghĩ biến thể này ghê gớm lắm và ai cũng sẽ vào ICU. Nhưng thực tế thì hình như không phải như vậy. Cái note này chia sẻ với các bạn vài điều tôi tìm hiểu được về biến thể delta.

    Hôm trước, tôi có bài 'đọc báo dùm bạn' về biến thể delta và đọc lại thì thấy vẫn đúng. Hôm nay, tôi có thêm thông tin so sánh giữa 2 biến thể delta và alpha (gốc) thì thấy con virus này có vẻ càng ngày càng muốn ở lại với chúng ta mãi mãi.

    Tối qua, một anh bạn xem đài truyền hình gọi điện nói 'biến thể delta ghê quá ông ơi'. Tôi hỏi sao gọi là 'ghê' thì anh bạn nói là đài truyền hình cho chiếu cảnh bệnh nhân Covid-19 trong ICU, máy móc, dây nhợ tùm lum. Tôi hỏi 'làm sao anh biết đó là người bị nhiễm biến thể delta'. Dĩ nhiên là phóng viên cũng không nói ra. Thật ra, cái video clip đó dĩ nhiên là thật, nhưng nó nằm trong chiến dịch làm cho công chúng nhận thức về sự nguy hiểm của biến thể delta.

    Nếu chỉ xem qua đoạn video ngắn đó, người xem có cảm giác rằng biến thể này nguy hiểm hơn biến thể gốc (alpha). Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu từ các nguồn đáng tin cậy (nghiên cứu khoa học) thì hình như biến thể delta không quá nguy hiểm như chúng ta nghĩ; ngược lại, nó có vẻ càng ngày càng giống như cảm lạnh.

    Con virus Vũ Hán đầu tiên gây đại dịch là thuộc biến thể alpha (kí hiệu B.1.1.7). Biến thể delta (kí hiệu B.1.617.2) xuất phát từ Ấn Độ, nhưng xuất hiện ở Anh từ tháng 4/2021. Sau đó, nó 'lan toả' khắp nơi trên thế giới, có thể cả ở Việt Nam. Bởi vì biến thể delta hoành hành ở Anh, nên Anh là nước có nhiều nghiên cứu về biến thể này.

    1. Triệu chứng

    Dựa vào dữ liệu của công trình nghiên cứu, Giáo sư Spector cho viết triệu chứng số 1 ở những người bị nhiễm biến thể delta là nhức đầu. Các triệu chứng phổ biến khác là cảm lạnh, đau cổ họng, sổ mũi, và sốt (đối với người chưa tiêm vaccine).

    Các triệu chứng trên rất khác với biến thể alpha: sốt, ho, mệt mỏi, mất vị giác, v.v. (xem bảng tóm tắt).

    2. Xác suất lây lan

    Biến thể delta lây lan nhiều hơn so với biến thể alpha. Giáo sư Stuart Turville (Viện Kirby, sát bên cạnh Viện Garvan của tôi) nói rằng biến thể delta có khả năng lây lan cao hơn biến thể alpha chừng 30 - 50% [1].

    Con số này (30 - 50% cao hơn) có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là: nếu 100 người tiếp xúc với một người bị nhiễm biến thể delta, thì 12 người sẽ bị nhiễm theo. Nếu 100 người tiếp xúc với một người bị nhiễm biến thể alpha, thì sẽ có 8-9 người bị nhiễm theo. Lấy 12/8 = 1.5, tức cao hơn 50%. Đó là ý nghĩa thật của câu 'tăng khả năng lây lan' -- nói đúng ra là 'tăng xác suất lây lan'.

    3. Biến thể delta nguy hiểm?

    'Nguy hiểm' ở đây là dựa trên nguy cơ tử vong và nhập viện. Chúng ta chưa biết biến thể delta có nguy hiểm hay không, nhưng chúng ta biết biến thể alpha nguy hiểm.

    Vẫn theo Giáo sư Turville, biến thể delta không nguy hiểm như biến thể alpha. Ông trích dẫn dữ liệu nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong trong vòng 28 ngày ở những người bị nhiễm biến thể delta là 0.3%, còn với biến thể alpha thì 1.9% [1]. Thành ra, ai nói rằng biến thể delta nguy hiểm là có thể sai.

    Biến thể alpha nguy hiểm

    Theo một công trình nghiên cứu công bố mới đây [2] thì so với các biến thể khác, người bị nhiễm biến thể alpha có nguy cơ tử vong cao hơn 65%. Đọc con số 65% thì cao thật, nhưng chúng ta phải biết đó là con số tương đối. Trong thực tế, tỉ lệ tử vong ở

    • người bị nhiễm biến thể alpha: 5 trên 1000 người bị nhiễm

    • người bị nhiễm biến thể khác: 4 trên 1000 người nhiễm

    Do đó, xác suất tử vong ở người bị nhiễm biến thể alpha cao hơn các biến thể khác là 5 / 4 = 25%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiệu chỉnh cho các yếu tố khá thì con số trở thành 65% [1].

    Nói cách khác, tỉ lệ tử vong ở những người bị nhiễm trong cộng đồng là khá thấp (chỉ 4-5 trên 1000 người), nhưng người bị nhiễm virus biến thể alpha có nguy cơ tử vong cao hơn các biến thể khác 65%.

    Một nghiên cứu khác cũng dùng dữ liệu trong cộng đồng cho thấy người bị nhiễm biến thể alpha có tỉ lệ nhập viện là 571 / 10544 = 5.4%, so với người bị nhiễm biến thể khác là 1373 / 20028 = 6.8%. Nói cách khác, người bị nhiễm thể biến alpha ít nhập viện hơn biến thể khác. Tuy nhiên, sau khi hiệu chỉnh cho các yếu tố khác, người bị nhiễm thể biến alpha có xác suất nhập viện cao hơn biến thể khác đến 42% [3].

    Thú thật, tôi không tin vào 2 nghiên cứu này bao nhiêu, vì nếu sau khi hiệu chỉnh mà mức độ ảnh hưởng đi từ âm sang dương là chứng tỏ nghiên cứu có vấn đề về phương pháp và thiết kế. Chúng ta chỉ đọc cho biết, không nên quyết định chánh sách từ những nghiên cứu như thế này.

    Tóm lại, con virus Vũ Hán đã biến hoá thành nhiều biến thể khác nhau, và biến thể delta là được nhiều người quan tâm vì đa số những ca nhiễm ngày nay (ở Anh, Mĩ) là do biến thể delta. Người bị biến thể delta có triệu chứng rất khác với biến thể alpha. Biến thể delta có xác suất lây lan cao hơn biến thể alpha, nhưng nó (delta) cũng có vẻ ít độc hại và nguy hiểm hơn. Sự thật này rất nhứt quán với qui luật tiến hoá của virus: để tồn tại, nó sẽ lây cho nhiều người hơn nhưng đồng thời 'hiền lành' hơn để sống chung với chúng ta. Việc đòi tiêu diệt chúng là điều không thể.

    Theo Giáo sư Tim Spector (anh bạn già của tôi thời ở St Thomas), người chủ trì công trình nghiên cứu về triệu chứng của người bị nhiễm covid-19 (tên là 'Zoe Covid Symptom Study') [4] cho biết Covid bây giờ giống như là một cảm lạnh xấu ở những người trẻ tuổi, và thông tin này chưa được nhà chức trách nào thông báo cho công chúng biết.

    Tin vui là cả hai vaccine Pfizer và AstraZeneca đều có hiệu quả lên đến >90% chống biến thể delta [5]. Thêm lí do để đi tiêm vaccine và đừng chờ vaccine 'xịn' (vì không có khái niệm xịn trong vaccine chống covid-19).

    Các bạn có thể xem seminar về biến thể delta ở đây (tiếng Anh): https://covid.joinzoe.com/post/covid-delta-variant-webinar

    _______

    [1] https://www.abc.net.au/.../delta-coronavirus.../100255804

    [1] https://www.thelancet.com/.../PIIS1473-3099.../fulltext...

    [3] https://www.thelancet.com/.../PIIS1473-3099.../fulltext...

    [4] Nghiên cứu 'Zoe Covid Symptom Study'

    https://covid.joinzoe.com

    [5] https://media.tghn.org/.../Effectiveness_of_COVID-19...

    Nguyen Tuan

    Ở Việt Nam, các chuyên gia cãi nhau chung quanh câu hỏi virus Vũ Hán lây lan qua không khí? Một chuyên gia thì nói là “Không nên nói vi rút lây qua không khí khi thấy số ca bệnh tăng nhanh. Vi rút không có lây qua đường không khí”. Một người khác thì nói rằng “Trong môi trường kín, điều hòa, vi rút lơ lửng trong không khí, dễ phát tán gây lây lan mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar karaoke...” [1]

    Ai đúng?

    Tôi nghĩ tuyệt đại đa số chúng ta (và cả những chuyên gia trên) không ai biết rõ cả, vì đơn giản là chúng ta đâu có làm nghiên cứu để biết. Bác sĩ điều trị càng không biết. Thành ra, chúng ta phải tham khảo các nhà nghiên cứu qua những nghiên cứu của họ. Đã có một phân tích tổng hợp, và kết quả cho thấy xác suất cao là con virus Vũ Hán lây lan qua không khí. Họ viết "Based on the findings, there is a great possibility of airborne transmission of SARS-CoV-2 in indoor air environments" [2]. Điều này hợp lí vì đa số các ca lây nhiễm xảy ra trong nhà và office.

    Nếu chú ý, các bạn sẽ thấy một mẫu số chung của các chuyên gia này là họ nói hoàn toàn không có bất cứ dữ liệu nào, không trích dẫn bất cứ một nghiên cứu khoa học nào trong y văn. Chẳng hạn như khi họ nói "Biến thể mới Delta được đánh giá lây lan mạnh và gây ra nhiều biến chứng nặng ...", nhưng hoàn toàn không có chứng cớ gì cho câu đó. Sự thật là có nghiên cứu cho thấy nhiễm biến thể delta có nguy cơ tử vong thấp hơn biến thể alpha (0.3% vs 1.9%).

    Tôi tự hỏi sao nhà báo không hỏi các chuyên gia này cụ thể hơn?

    [1] https://1thegioi.vn/bac-si-truong-huu-khanh-khong-nen-noi...

    [2] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7726526

    Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Không nên nói SARS-CoV-2 lây qua không khí khi số ca COVID-19 tăng nhanh

    Nhân Hoàng | 15/07/2021

    Khi số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng nhanh, đặc biệt là TP.HCM, vài trang mạng hôm qua đưa tin vi rút SARS-CoV-2 lây qua không khí và cho rằng Bộ Y tế đã bổ sung điều này trong phiên cập nhật mới nhất. Thế nhưng, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định vi rút gây bệnh COVID-19 không lây qua đường không khí.

    Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, chuyên gia về dịch tễ học tại TP.HCM), nếu nói bệnh lây qua đường không khí là không khí chứa vi rút di chuyển từ vùng này sang vùng khác rồi gây bệnh, thế nên vi rút gây COVID-19 không lây qua đường không khí.

    Bác sĩ Trương Hữu Khanh lý giải: “Bệnh lây qua đường nước là nước chứa tác nhân gây bệnh di chuyển từ vùng này sang vùng khác, xong người khác uống vào bị bệnh (thương hàn, tả…). Nếu nói bệnh lây qua đường không khí là không khí chứa vi rút di chuyển từ vùng này sang vùng khác gây bệnh, như vậy vi rút gây bệnh COVID-19 không lây qua đường không khí.

    Vi rút gây COVID-19 hiện nay lây mạnh hơn và sắp bằng các loại vi rút gây bệnh ở người như cúm, sởi chứ không lây qua đường không khí. Vi rút lây mạnh hơn nhưng không thể tồn tại một mình trong không khí mà luôn luôn phải nằm trong giọt bắn (dịch hầu họng, nước miếng của người mắc bệnh)”.

     


    Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về dịch tễ học tại TP.HCM

    Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng rất nhanh số ca mắc COVID-19, mà nguyên nhân chủ yếu là do biến thể Delta từ Ấn Độ gây ra. Biến thể Delta có tốc độ lây lan cực nhanh, đã xuất hiện ở gần 100 quốc gia, chiếm đa phần số ca bệnh.

    Đặc điểm của biến chủng Delta hoành hành tại TP.HCM là có tỉ trọng nhẹ hơn các chủng khác nên thời gian chúng lơ lửng trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống bề mặt. Đặc biệt, chủng này chỉ mất 3 ngày sẽ tạo ra một chu kỳ mới.

    PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, qua vài lần tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, vi rút lây mạnh trong môi trường kín như trong nhà, khu vực tập trung đông người, nhà máy, xí nghiệp, quán ăn uống.

    Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, hiện nay đường lây truyền của virus SARS-CoV-2 chưa thay đổi nhưng nhiều khi người dân đã quên cách phòng bệnh, như phải mở cửa để môi trường sống và làm việc thông thoáng khí.

    “Trong môi trường kín, điều hòa, vi rút lơ lửng trong không khí, dễ phát tán gây lây lan mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar karaoke...”, PGS-TS Trần Đắc Phu phân tích.

    Trước tình hình dịch tại TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam đang gia tăng rất nhanh, GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cũng nhận định một trong những nguyên nhân là do biến thể Delta.

    Theo GS-TS Phan Trọng Lân, khu vực phía Nam đã ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính với COVID-19 chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm. Các chuỗi lây truyền tại khu vực phía Nam hiện nay ghi nhận chủ yếu tại các hộ gia đình, nơi ăn uống chung, văn phòng cao ốc. Gần đây có thêm lây lan trong hàng xóm, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực chợ đông người.

    “Đây đều là nơi diễn ra các hành vi nguy cơ cao, như: giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, nói trong khoảng thời gian dài... là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2”, GS-TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

    Biến thể mới Delta được đánh giá lây lan mạnh và gây ra nhiều biến chứng nặng không chỉ với những người có bệnh lý nền mà còn khiến nhiều người trẻ cũng gặp phải diễn biến nặng.

    Trong khi bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng vi rút SARS-CoV-2 hiện lây mạnh hơn có thể do các lý do sau:

    1. Một giọt bắn có thể chứa nhiều vi rút hơn trước. Nói chuyện, thở, ho, hắt hơi cũng phát ra giọt bắn.

    2. Chu kỳ lây từ sang người tiếp theo sẽ ngắn hơn do thời gian ủ bệnh trung bình ngắn hơn.

    3. Lượng vi rút cần đủ gây bệnh ít hơn lúc trước khi sau khi tấn công vào vùng hầu họng. Khả năng bám và đi vào tế bào ở vùng họng nhanh hơn.

    4. Lây nhiễm như sau:

    - Mặt đối mặt dưới 2m mà 1 trong 2 người không đeo khẩu trang đúng cách.

    - Bàn tay đã bị bám giọt bắn có chứa vi rút và đưa lên vùng mũi, miệng.
    Cần chú ý kiểu lây này hiện nay vì lúc trước cần nhiều giọt bắn bám vào tay đưa lên vùng mũi miệng mới lây, bây giờ ít giọt bắn cũng lây.

    - Trong phòng nhiệt độ lạnh (càng lạnh vi rút càng dễ lây), kín và không thông thoáng, người mang vi rút không đeo khẩu trang đúng cách nói chuyện, thở, ho, hắt hơi đưa giọt bắn có chứa vi rút. Người khác không đeo khẩu trang hít vào sẽ bị lây, hoặc khi vào phòng này dù có đeo khẩu trang nhưng bị giọt bắn bám vào bàn tay do cầm nắm các vật dụng trong phòng có chứa giọt bắn, sau đó đưa lên vùng mũi miệng. Lúc trước nhiều giọt bắn lơ lửng mới lây, bây giờ thì ít cũng lây.

    Ngoài ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý một số điều sau:

    - Giọt bắn chứa bao nhiêu vi rút sẽ bị cản bởi khẩu trang.

    - Giọt bắn không thể bất ngờ văng vào mặt nếu có tấm che giọt bắn.

    - Có bao nhiêu giọt bắn trên bàn tay cũng sẽ hết và vi rút sẽ chết nếu rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hay xà phòng.

    - Phòng thông thoáng, nhiệt độ cao, vệ sinh bề mặt nơi làm việc thì vi rút sẽ không tồn tại trong phòng lâu.

    - Vi rút cho bây giờ vẫn chết khi đủ ánh nắng, có tia UV.

    - Vi rút sẽ giảm nồng độ trong phòng làm việc nếu thông thoáng.

    - Phải đeo khẩu trang kín, che giọt bắn khi ra khỏi nhà, tiếp xúc với bắt cứ ai.

    - Làm việc trong phòng lạnh kín phải chú ý đeo khẩu trang đúng cách, vệ sinh bề mặt, rửa tay, mở cửa tối đa khi có thể.

    Cuối cùng, bác sĩ Khanh nhấn mạnh: “Không nên nói vi rút lây qua không khí khi thấy số ca bệnh tăng nhanh. Vi rút không có lây qua đường không khí”.

    Thêm 603 ca COVID-19, TP.HCM ghi nhận 19.405 bệnh nhân

    Tính từ 18 giờ ngày 14.7 đến 6 giờ ngày 15.7, TP.HCM ghi nhận thêm 603 ca mắc COVID-19 mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng 15.7 (BN37637-BN38239).

    Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4 đến nay, TP.HCM đã có hơn 19.405 ca mắc COVID-19. Trong 603 ca COVID-19 mới được công bố có 547 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 56 người đang điều tra dịch tễ. TP.HCM đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.

    Công tác lấy mẫu xét nghiệm của TP.HCM đang được triển khai đúng hướng; tập trung có trọng tâm, trọng điểm ở những nơi có nguy cơ cao; sự vận hành, phối hợp từ thành phố đến các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã đồng bộ, hài hòa hơn. Thành lập Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm tại các quận huyện, đồng thời tiếp nhận sự hỗ trợ về nguồn nhân lực từ Trung tâm điều hành xét nghiệm của TP.HCM, đảm bảo cho việc trả kết quả xét nghiệm được diễn ra đúng thời hạn (mẫu đơn trong vòng 12 tiếng và mẫu gộp trong vòng 24 tiếng).

    Sau 9 ngày triển khai chính sách hỗ trợ (từ 5.7), đã có gần 131.000 người lao động tự do, trong đó có 34.000 người chạy xe ôm, 20.000 người bán vé số dạo (8.000 người tạm trú) trên địa bàn TP.HCM được hỗ trợ với tổng số tiền gần 196 tỉ đồng.

    Từ ngày 15.7, TP.HCM sẽ tập trung chi hỗ trợ cho 80.000 lao động ở các doanh nghiệp phải ngừng việc, nghỉ việc; 60.000 điểm kinh doanh ở các chợ truyền thống và khoảng 9.000 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động.

    Hiện nay ngành Y tế TP.HCM đang rất nỗ lực trong công tác điều trị, ngăn chặn các ca tử vong. Lúc này, mỗi cá nhân cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chấp hành nghiêm các quy định của Chỉ thị 16, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và chia sẻ thông tin chính thống về các quy định cũng như thành quả chống dịch COVID-19 mà TP.HCM đã đạt được trong thời gian qua để người dân biết, yên tâm, tin tưởng và chủ động đấu tranh với các thông tin tiêu cực, sai lệch, kích động gây hoang mang dư luận.

    https://1thegioi.vn/bac-si-truong-huu-khanh-khong-nen-noi-sars-cov-2-lay-qua-khong-khi-khi-so-ca-covid-19-tang-nhanh-168553.html

    Không có nhận xét nào