Header Ads

  • Breaking News

    26/04/1954: Khai mạc Hội nghị Genève

    Toan tính của các cường quốc đằng sau Hiệp định Geneva 1954

    Mỹ đã thay Pháp bước vào Chiến tranh Việt Nam như thế nào?

    Nguồn: “Genève Conference begins,” History.com .

    Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

    Trong nỗ lực giải quyết một số vấn đề ở châu Á, trong đó có cuộc chiến giữa người Pháp và Việt Nam ở bán đảo Đông Dương, đại diện của nhiều nước trên thế giới đã nhóm họp tại Genève, Thụy Sĩ. Hội nghị này đánh dấu một bước ngoặt trong sự dính líu của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

    Đại diện các nước Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, và Anh đã gặp nhau vào tháng 4 năm 1954 để cố gắng giải quyết một số vấn đề liên quan đến châu Á. Đáng ngại nhất trong số đó là cuộc chiến trường kỳ và đẫm máu của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo cộng sản Hồ Chí Minh, và người Pháp, vốn có ý định đô hộ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

    Hai bên đã chiến đấu từ năm 1946. Nhưng đến năm 1954, Pháp đã quá mệt mỏi với cuộc chiến lâu dài và toàn diện đã làm kiệt quệ cả ngân khố quốc gia và sự kiên nhẫn của dân chúng. Hoa Kỳ, vốn đang hỗ trợ cho Pháp, lo ngại rằng chiến thắng của quân đội của Hồ Chí Minh sẽ là bước đầu tiên trong sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Nam Á.

    Khi Mỹ từ chối yêu cầu của Pháp là can thiệp trực tiếp hơn vào chiến tranh ở Việt Nam, Pháp tuyên bố đưa vấn đề Việt Nam vào chương trình nghị sự của Hội nghị Genève.

    Những thảo luận về vấn đề Việt Nam được bắt đầu tại Hội nghị sau khi Pháp phải gánh chịu thất bại quân sự tồi tệ nhất của cuộc chiến khi quân đội Việt Nam chiếm được căn cứ quân sự của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký.

    Theo một phần trong thỏa thuận, Pháp đồng ý rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Việt Nam sẽ tạm thời bị chia cắt bằng vĩ tuyến 17, tổng tuyển cử tự do để chọn người lãnh đạo và thống nhất đất nước sẽ được tổ chức trong vòng hai năm. Trong khoảng thời gian hai năm đó, không lực lượng quân sự nước ngoài nào được phép tới Việt Nam.

    Miền Bắc Việt Nam đã miễn cưỡng ký vào hiệp định dù họ tin rằng nó thể gây tổn hại tới những lợi ích từ chiến thắng của họ. Chính phủ bù nhìn phi cộng sản do Pháp lập nên ở miền Nam Việt Nam đã từ chối ký vào hiệp định, nhưng không có sự ủng hộ của Pháp, hành động này không mấy quan trọng vào thời điểm đó. Mỹ cũng từ chối ký, nhưng đã cam kết sẽ tuân thủ các thỏa thuận.

    Các quan chức Mỹ tin rằng nếu Hiệp định Genève có hiệu lực, nó sẽ là một thảm họa. Họ tin rằng nếu tổ chức tổng tuyển cử ở Việt Nam, chiến thắng áp đảo sẽ thuộc về Hồ Chí Minh, người đã đánh bại thực dân Pháp. Chính phủ Mỹ gấp rút xây dựng một chính sách để ít nhất là bảo vệ miền Nam Việt Nam khỏi lực lượng cộng sản.

    Trong vòng một năm, Mỹ đã giúp thành lập một chính phủ chống cộng mới ở miền Nam Việt Nam và bắt đầu cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự, bước định mệnh đầu tiên trong cuộc chiến sa lầy của Mỹ ở Việt Nam.

    http://nghiencuuquocte.org/2015/04/26/hoi-nghi-geneve/

    Toan tính của các cường quốc đằng sau Hiệp định Geneva 1954

    Sách “Những viên than hồng của cuộc chiến: Sự sụp đổ một đế quốc và sự tạo tác một Việt Nam Cộng hòa” (Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam) được NXB Random House xuất bản năm 2012. Sách đoạt giải Pulitzer và nhiều giải thưởng khác ở phương Tây, vì các giá trị sử học và quan hệ quốc tế. Theo Nhà sách trên mạng Amazon, nhờ khai thác hồ sơ lưu trữ ngoại giao mới giải mật ở một số quốc gia, tác giả Mỹ Fredrik Logevall đã dẫn người đọc lần theo lối mòn từng dẫn hai cường quốc phương Tây lạc lối một cách bi thảm trong rừng rậm ở Đông Nam Á.

    Dưới đây là trích dịch chương nói về kết quả Hội nghị Geneva của sách. Các đầu đề nhỏ là của người dịch.

    Một câu hỏi ẩn hiện: Vì sao Việt Minh đã không thể nhận được những điều khoản tốt hơn. Trong những buổi đầu đàm phán, ngoại trưởng Pháp Bidault phàn nàn rằng ông ta nhập cuộc chỉ với con hai nhép và con ba rô, trong khi Việt Minh có vài con bài át, những con ka, và những con quy. Điện Biên Phủ sụp đổ khi các cuộc đàm phán đang tiếp diễn, và trong những tuần tiếp sau, triển vọng quân sự của các lực lượng Liên hiệp Pháp ngày càng tăm tối.

    Hà Nội (lúc đó là vùng Pháp tạm chiếm) ngày càng trở nên dễ tổn thương, và có thể bị cắt rời khỏi Hải Phòng. Số lượng lính người Việt (ngụy quân) đào ngũ bùng nổ, có lúc đạt con số 800 lính bỏ ngũ một ngày, và tinh thần ủng hộ Pháp ở các vùng Pháp tạm chiếm giảm sút ghê gớm. Tại Lào, Pathet Lào kiểm soát hơn một phần ba lãnh thổ toàn quốc. Ở vùng Nam Bộ, thế đứng của người Pháp cũng bấp bênh; còn ở chính quốc, công luận Pháp đã chán ngấy với các nỗ lực (chiến tranh ở Đông Dương) và tìm kiếm một lối thoát nhanh chóng.

    “Căn cứ vào tất cả các thông tin”, một thành viên Đoàn Pháp tại Geneva nhận xét, “người ta có quyền nghĩ rằng sự chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 13 phản ảnh chính xác hơn thực trạng tình hình, hơn là sự chia cắt tại vĩ tuyến 17 mà chúng ta đạt được”.

    Nhưng mọi sự đã không xảy ra như vậy (không xảy ra chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 13). Câu châm ngôn cũ, là anh không thể thắng trong mặc cả trên bàn hội nghị để giành được những điều anh đã không thể đạt được ở chiến trường – đã không đúng cho trường hợp này – một khi Việt Minh sẽ cay đắng nhớ lại nó (chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 17) trong những năm tiếp theo.

    Các sử gia thường kiến giải kết quả của Hội nghị Geneva bằng cách chỉ ra sức ép lên đoàn đại biểu Việt Minh từ các đồng minh Liên Xô và Trung Quốc của họ.

    Không thể nghi ngờ rằng điều này có một tầm quan trọng hàng đầu. Cả hai cường quốc cộng sản đều không muốn thấy xung đột leo thang, đều muốn ngăn ngừa một cuộc can thiệp vũ trang trực tiếp của Mỹ, và muốn Chính phủ Mendes France (Pháp) không bị đổ vì không thể thực hiện lời hứa ký kết được Hiệp định trong thời hạn đã hứa.

    Cả hai đều nhìn thấy Geneva như một dịp để trình diễn lời cam kết “chung sống hòa bình” của họ, cả tại châu Á lẫn ở phần còn lại của thế giới, và trong một quy mô rộng lớn, tạo một ấn tượng tích cực trên trường quốc tế cho nước họ, và nhờ thế mà nâng cao thể diện quốc gia cho họ. Liên Xô, hơn thế nữa, hy vọng sẽ dàn xếp được một số nguyện vọng của Pháp về Đông Dương như một phương cách để hóa giải, giảm thiểu những cam kết của Pháp về thực hiện nghĩa vụ trong Liên minh phương Tây nói chung, và trong EDC (Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu/European Defense Community) nói riêng. Trong khi người Trung Quốc muốn cố kết ảnh hưởng của họ ở Đông Dương và kiềm tỏa tham vọng bành trướng của Việt Minh.

    “Bố già”

    Chu Ân Lai, đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy việc đi tới thỏa hiệp cuối cùng trong khoảng 20 – 21 tháng 7. Nội dung của Hội nghị trong những tuần đầu chỉ đựng được trong một hồ sơ khá nghèo nàn, nhưng vị thế tích cực hơn của ông Chu từ giữa tháng 6/1954 trở đi đã đóng vai trò quyết định nhờ vào sự tinh tế, tao nhã, và sự lọc lõi về ngoại giao, những gì đã khiến ông tỏa sáng đúng lúc tại đây. “Bố già (godfather) của giải pháp chia cắt (Việt Nam)”, thành viên đoàn Đại biểu Mỹ tại bàn đàm phán, Cheste Cooper nhận định về Chu Ân Lai, và điều này tỏ ra đúng.

    Cho dù sự chia cắt đã được bàn tán ngoài lề như một giải pháp chính trị từ nhiều tuần trước, nhưng chính sự vận động tinh tế mà mạnh mẽ của Thủ tướng Trung Quốc, đến đúng vào lúc nhiều người đã dự báo trước về sự giải tán không tránh khỏi (mà không đạt được gì) của cuộc hội đàm, đã tạo ra tất cả những khác biệt. Như Cooper đã kiến giải: “một khi Chu đã cổ súy ý tưởng này, nó đã đạt được ngay một động lực đủ để đến đầu tháng 7, vấn đề đã không còn là có chia cắt hay không nữa, mà là đường giới tuyến ở Việt Nam sẽ nằm ở đâu”.

    Dĩ nhiên là ở đằng sau Chu Ân Lai luôn ẩn hiện bóng dáng đầy ảnh hưởng của Mao Trạch Đông…

    Dĩ nhiên là các quan chức Việt Nam khó chịu trước sức ép của các đồng minh hùng mạnh của họ. “Ông ta (Chu) đã qua mặt chúng ta”, người ta cho rằng Phạm Văn Đồng đã lẩm bẩm nói với một trợ lý của ông trong các phiên họp cuối, căng thẳng trong mặc cả, – một nhận định sát thực tế.

    Về giới tuyến tạm thời

    Tuy nhiên luận cứ này cũng có phạm vi của nó. Việt Minh, như chúng ta vừa nhận biết, có những lý do riêng của họ để mong muốn một dàn xếp qua thương lượng vào giữa năm 1954; họ đã lo lắng về cán cân lực lượng trên mặt đất, và cũng ngại một cuộc can thiệp (trực tiếp) của Mỹ. Ngay cả trước khi đạt được Hiệp định, theo các tài liệu quốc tế, Việt Minh đã nghĩ điều kiện chia cắt tại vùng vĩ tuyến 16 là chấp nhận được, như họ đã khẳng định đề xuất này tại các cuộc họp kín Pháp – Việt ở Geneva. Đề xuất chọn vĩ tuyến 13 đến sau, sau khi Mendes France (Thủ tướng Pháp) nhậm chức, và đưa ra lời hứa sẽ kết thúc chiến tranh trong một tháng, nếu không sẽ từ chức; và nó (đề xuất chọn vĩ tuyến 13 làm giới tuyến tạm thời) có vẻ là một nỗ lực mặc cả rắn trong một môi trường đàm phán biến động hơn là một lập trường thương lượng vững chắc. Nên nếu vĩ tuyến 16 là mục tiêu thực sự của Việt Minh trong suốt thời kỳ ấy, thì sự khẳng định chung trong sách báo phương Tây, rằng việc phải chấp nhận vĩ tuyến 17 là một sự quy phục (nguyên văn surrender – đầu hàng) sức ép của các đồng minh lên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỏ ra hơi quá mức. Ở đây chỉ là sự nhượng bộ thôi, đâu phải một sự quy phục (nguyên văn surrender).

    Quy phục là một thuật ngữ áp dụng tốt hơn cho trường hợp khác, đó là việc Việt Minh chấp nhận một đề xuất khác của Trung – Xô, đó là, hoãn ngày Tổng tuyển cử đến một thời hạn xa hơn nhiều so với thời hạn 6 tháng do Phạm Văn Đồng đưa ra. Tin tưởng rằng Việt Minh rồi sẽ thắng trong bất kỳ cuộc tuyển cử toàn quốc nào, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Phạm Văn Đồng) và đồng nghiệp của ông, Tạ Quang Bửu đã bám theo yêu cầu này cho đến gần cuối kỳ đàm phán. Các quan chức phương Tây quá hiểu rằng Hồ Chí Minh sẽ thắng trong cuộc bầu cử như thế – nên họ muốn đình hoãn nó càng lâu càng tốt, tốt nhất là không đề ra một thời hạn xác định nào. “Tôi chưa gặp một người nào hiểu biết các vấn đề Đông Dương”, Dwight Eisenhower về sau nhận định, “mà lại không nhất trí rằng nếu tổng tuyển cử xảy ra vào thời kỳ chiến tranh (Đông Dương lần thứ I) ấy, thì sẽ có 80% dân chúng bầu người cộng sản Hồ Chí Minh làm người lãnh đạo đất nước, chứ không bầu cho Quốc trưởng Bảo Đại”…

    Cả Chu Ân lai lẫn Molotov đều tỏ ra không muốn làm căng vấn đề này (vấn đề tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử). Chu Ân Lai đã không phản ứng với Mendes France tại cuộc gặp then chốt của họ ở Berne ngày 23/6, khi Thủ tướng Pháp nói rằng Tổng tuyển cử không nên diễn ra ở Việt Nam cho tới khi dân chúng có được đủ thời gian để hồi tâm và bình tĩnh lại. Thủ tướng Trung Quốc đáp rằng dàn xếp chính trị cuối cùng rồi sẽ đạt được qua thương lượng trực tiếp giữa hai chính phủ ở Việt Nam, và ông Chu không tỏ ý cho rằng các cuộc thương thảo như thế cần phải được tiến hành ngay lập tức. Ông ta thậm chí thuyết phục Mendes France rằng Paris có thể đóng một vai trò hữu ích trong các thương lượng (giữa hai chính quyền ở Việt Nam) và Chu cũng không thấy có lý do gì để cho Quốc gia Việt Nam (phần đất phương Tây cho là thuộc chính quyền của Bảo Đại, và nằm trong khối Liên Hiệp Pháp) lại không tiếp tục tồn tại trong cơ cấu của khối Liên Hiệp Pháp.

    Molotov, về phần mình, đã làm được tốt hơn một chút cho sự nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VN DC CH,) nhấn mạnh, vào một ngày muộn màng là 16/7, là Tổng tuyển cử nên diễn ra vào tháng 6 năm 1955. Nhưng cũng vào hôm đó, ông ta lại lùi bước và nói bất kỳ ngày nào của năm 1955 cũng được. Các đại diện của phương Tây từ chối hạn này, và tới cuối ngày 20/7, Molotov lại đưa ra thời hạn (Tổng tuyển cử ở Việt Nam) là tháng 7 năm 1956…

    Ngụy tạo “Việt Nam Cộng hòa”

    Tại cuộc họp báo ở Washington ngày hôm đó. Tổng thống Eisenhower nhấn mạnh sự hài lòng rằng một hiệp định đã đạt được, dừng được đổ máu ở Đông Dương. Nhưng ông ta nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không phải là một bên trong Hiệp định này và không bị trói buộc bởi nó (về nghĩa vụ thi hành), do Hiệp định này chứa thành tố mà chính quyền Mỹ không ủng hộ. Sứ mạng hiện nay, ông ta nói tiếp, là nên theo đuổi việc thành lập một tổ chức phòng vệ tập thể để ngăn ngừa những gây chiến gián tiếp hoặc trực tiếp ở Đông Nam Á.

    Nói riêng, Eisenhower biết điều mà bất kỳ nhà quan sát có đủ thông tin nào khác biết: các điều khoản Hiệp định vừa đạt được ở Geneva là khá hơn rất nhiều, cho triển vọng của nước Pháp, cũng như cho triển vọng của phương Tây, so với những gì từng được chờ đợi vào ngày khai mạc hội đàm ở Geneva. Ông ta cảm thấy có được lời giải. Những lời lẽ cứng rắn của Mỹ, khơi mào bằng tuyên bố của Dulles tháng 9 năm 1953, với lời đe dọa sẽ trả đũa lớn từ phía Mỹ nếu Trung Quốc tham dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh, đã đem lại những hiệu quả. Mối đe dọa Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp gây nên sự lo ngại ở Bắc Kinh và Moscow, và giúp (Bắc Kinh và Moscow) thuyết phục Việt Minh chấp nhận nhượng bộ trong thỏa thuận cuối cùng. Các nguồn tư liệu (được giải mật tới nay) minh chứng cho điều này.

    Không thể nói là Ban lãnh đạo Mỹ cần được ghi công lớn về việc đã có ý thức trong lên kế hoạch về soạn thảo quốc sách (trong thời kỳ Hiệp định Geneva). Đã xảy ra điều ngược lại, đó là những nhà hoạch định chính sách cấp chiến lược thường không nắm chắc tình hình và khá do dự, nên họ thường cơ động xung quanh một đống lớn những trở ngại: đó là tình hình quân sự khá đen tối ở Việt Nam và một thế đứng khá tuyệt vọng trên bàn hội nghị ở Geneva; đó là sức ép mạnh mẽ và trái nghịch, lên Ban lãnh đạo Mỹ từ phía Quốc hội nước này, là phải ngăn chặn bất kỳ một mất mát nào về lãnh thổ về tay các nước cộng sản, đồng thời phải tránh “một Triều tiên khác”; đó là sự sụp đổ của nội các Laniel (Pháp) mà Washington đã ấp ủ biết bao hy vọng vào, về mặt triển vọng, của không chỉ Đông Dương, mà cả của Cộng đồng Phòng thủ châu Âu (European Defense Community – một tổ chức quân sự được lên kế hoạch thành lập, dựa trên gợi ý của Mỹ, nhưng không đi vào hoạt động trên thực tế).

    Tuy thế, đến cuối ngày Eisenhower và Dulles đi đến một thỏa thuận để cùng sống tiếp. Họ có 2 năm trước kỳ bầu cử (Tổng thống Mỹ) cũng là hai năm để kiến tạo chính quyền ở Nam Việt Nam, tránh được những chứng bệnh lây nhiễm của chủ nghĩa thực dân Pháp. Canada, một đồng minh trung thành, vừa giành được một ghế trong Ủy ban quốc tế kiểm soát (thi hành Hiệp định Geneva) và có thể coi dựa vào để “chặn các vụ việc” (ngăn ngừa những tiến triển bất lợi cho Mỹ).

    Nhìn chung, khó mà coi đây là một thảm họa.

    Đối với những người khác, gồm cả hai người “thợ thủ công” (phương Tây) của Hiệp định Geneva, thời điểm nhìn về phía trước vẫn chưa đến; mới chỉ đủ thời gian để phản ánh những gì đã xảy ra, và những gì đạt được. “Hiệp định”, Anthony Eden (Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Anh) nói trong những giờ trước rạng sáng hôm 21/7 ấy, “là những gì tốt nhất mà đôi tay của chúng ta chế tác được”, còn Jean Chauvel (nhà thương lượng chính của đoàn Pháp tại Hội nghị Geneva) tỏ ra rầu rĩ hơn: “Làm sao có được một kết cục tốt cho một áp phe tồi” (ý nói cuộc chiến tranh do Pháp gây ra).

    Mỹ đã thay Pháp bước vào Chiến tranh Việt Nam như thế nào?

    Trích dịch: Lê Đỗ Huy

    Cuốn Kết thúc một cuộc chiến tranh: Đông Dương năm 1954 (End of a war: Indochina 1954) của Jean Lacouture và Philippe Devillers được NXB Fredrick A. Praeger (Mỹ) xuất bản năm 1969, đề cập tình hình quốc tế và Đông Dương giai đoạn Hiệp định Geneva 1954. Các tác giả, cũng là những nhà Việt Nam học nổi tiếng, phê phán các cường quốc phương Tây cố tình lập các “bức màn sắt” chia cắt các dân tộc, chia cắt thế giới, nhằm thực hiện chính sách “chia để trị” của chủ nghĩa thực dân cũ trong hoàn cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung của cuốn sách (các đầu đề nhỏ là của người dịch).

    Kết chương “Tạo nên một nhà độc tài” (về sự xuất hiện của Ngô Đình Diệm), các tác giả Jean Lacouture và Philippe Devillers viết:

    22/1/1955, tướng Pháp Paul Ely, Cao ủy kiêm Tư lệnh quân viễn chinh Pháp (đang rút khỏi) Đông Dương, gửi về Paris những báo cáo động trời từ các nguồn đáng tin cậy: cả Liên Xô và Trung Quốc đều nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội là không thể chờ đợi gì ở Hiệp định Geneva; người Nga tỏ ra đặc biệt rõ ràng khi trình bày điểm này. Người Nga và người Trung Quốc cho hay bộ chỉ huy quân Pháp sẽ tiếp tục tuân thủ các điều khoản về quân sự của Hiệp định, nhưng các điều khoản chính trị được nhấn mạnh tại điều 14 và trong Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva (hòa giải dân tộc, không phân biệt đối xử và trả thù) sẽ bị cố tình làm ngơ bởi chính quyền Sài Gòn, với sự khuyến khích của Mỹ. Moscow và Bắc Kinh cũng nhấn mạnh là Pháp không giữ được vị thế khả dĩ để ngăn cản được xu thế này (của chính quyền Sài Gòn và Mỹ). Vẫn theo người Nga và người Trung Quốc, giải pháp duy nhất dành cho Hà Nội là dựa hoàn toàn vào hai đồng minh lớn của mình, bởi vì từ nay trở đi, chỉ các nền chính trị tầm cỡ thế giới mới có thể tạo nên tình hình thuận lợi để Việt Nam có thể thống nhất.

    Một chiến tuyến giữa hai thế giới đã được dựng lên, dọc theo trái tim của Việt Nam.

    Trách nhiệm của Pháp

    Các tác giả Jean Lacouture và Philippe Devillers nhìn thấy các nguyên nhân của việc Hiệp định Geneva không đạt được nhiều hơn ngoài sự ngừng bắn:

    Nền cộng hòa thứ tư của Pháp đã mất ít hơn một năm để tự loại bỏ mình khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cũng như để trút hết gánh nặng Đông Dương của nó. Chỉ 310 ngày sau quyết định đàm phán được đưa ra tại Hội nghị Berlin (Hội nghị Tứ cường Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô, 18/2/1954), người Pháp đã bàn giao Sở Hối đoái Pháp ở Sài Gòn, ngày 31/12/1954 (sẽ trở thành Viện Hối Đoái dưới chính quyền Diệm). Người Pháp cũng chứng kiến tuyên bố Năm nguyên tắc chung sống hòa bình ở New Dehli tháng 6, cuộc đảo chính ở Guatemala lật đổ các thành quả của cách mạng dân chủ ở nước này, sự kiện Tây Đức gia nhập NATO, và cuộc chiến tranh ở Algeria bùng nổ. 1954 quả là một năm định mệnh.

    Sự căng cứng của “hệ thống các khối” của thế giới bộc lộ rõ ràng, nhất là ở Việt Nam. Người dân và chính quyền ở Việt Nam cố tìm cách tránh khỏi bị bánh xe (của mâu thuẫn giữa các khối) nghiến nát, và tới một lúc, Thủ tướng Pháp Mendes France đã khiến họ nghĩ rằng họ có thể thành công. Tuy nhiên, từ 1945, những người cộng sản đã vượt lên vị trí dẫn dắt nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh xuyên thế kỷ chống lại ách thuộc địa do người da trắng áp đặt, vì thế mà họ bị các thế lực quốc tế chống Stalin và chống chính sách của Kremli, quy chụp. Cách chụp mũ (phong trào cách mạng Việt Nam) như vậy vừa thô thiển vừa vô nghĩa, tuy nhiên khát vọng của người Việt giành độc lập, thống nhất và dân chủ vẫn bị cáo buộc là thủ đoạn và sự ngụy trang của các mưu đồ thiết lập chủ nghĩa cộng sản, chỉ vì người phát ngôn cho phong trào này là nhà cộng sản Hồ Chí Minh.

    Trên thực tế, chính quyền thực dân Pháp, bắt đầu từ đầu những năm 1920, đã vu cho tất cả những ai chống lại quyền uy tuyệt đối của họ là “cộng sản”. Người Pháp đã thành công ngoài ý muốn trong biến Đảng Cộng sản Việt Nam thành đảng dân tộc chủ nghĩa hàng đầu, thành chính đảng có ảnh hưởng nhất cho tới nay (nửa sau thế kỷ 20), chỉ vì bị gán cho “cộng sản” là “chống đối chính quyền thuộc địa”. Kết cục của một chính sách thiển cận như thế là Trận Điện Biên Phủ.

    Nhưng thay vì thay đổi chính sách và nhìn Việt Nam đúng với thực chất của nước này, giới cầm quyền Pháp lại chọn cách truyền cây gậy tiếp sức cho Mỹ, “nhượng” lại cuộc chiến tranh chống Việt Nam, với những cay đắng và hậm hực của mình cho đồng minh hùng mạnh này của Paris. Áp phe này được thực hiện không chỉ bởi những nhà lãnh đạo (Pháp và Mỹ) không hiểu biết về Đông Dương, mà bởi cả những nhà ngoại giao và nhà binh từng dính dáng nhiều năm với cuộc xung đột và với những bế tắc của nó.

    Can thiệp của Mỹ

    Những người này nghĩ rằng họ có nguyên cớ để mừng rỡ, Việt Minh sẽ không thể ca khúc khải hoàn – vì Mỹ nay đã ở trên tuyến đầu. Những người Pháp này đã thành công trong việc làm cho người Mỹ, nổi tiếng về sự ngoan cố có tính kinh điển, dính chặt vào rào chắn vĩ tuyến 17, cắt ngang cơ thể sống của Việt Nam. Tầm nhìn và thiện ý của người Việt Nam, sự kiện Hà Nội (cuối 1954) tuyên bố sẵn lòng hợp tác với Pháp, và những hành động chứng tỏ Việt Minh sẽ theo đuổi một đường lối độc lập – đều không được đền đáp. Những gì quan trọng đối với những người phương tây (diều hâu) ấy, là cố kết được khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) và duy trì được vị thế của người da trắng ở châu Á, vốn đang vô cùng lung lay…

    Bi kịch là ở chỗ, về cả dự định lẫn mục đích, người Mỹ chưa bao giờ hiểu rõ, và chưa bao giờ thực sự có thực tiễn gì trong vấn đề Việt Nam. Trên thực tế, đã không có gì ngoài một “bộ xương” là Phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam trước năm 1954. Sách tiếng Anh về Việt Nam (trước 1954) chỉ có vài cuốn. Trong đó chỉ có ba cuốn là thực sự có giá trị, đó là Cuộc tranh giành xứ Đông Dương (The Struggle for Đông Dương), của Ellen Hammer, do NXB Đại học Stanford xuất bản năm 1954; Tai nghe mắt thấy ở Đông Dương (Eyewitness in Đông Dương), xuất bản tại New York, 1954; và Đông Dương thuộc Pháp (French Indochina, xuất bản tại New York, 1937).

    Cả giới học thuật lẫn công luận Mỹ tới lúc đó đều chưa có khái niệm về Việt Nam và về các vấn đề căn bản của nước này. Nhưng khi một vài chính khách, nhà ngoại giao, và tướng lĩnh Pháp ngỏ lời về “mối đe dọa cộng sản” năm 1949, Đông Dương bị đẩy vào tầm cỡ “các kế hoạch chiến lược toàn cầu”. Thắng lợi của Mao Trạch Đông ở Trung Hoa lục địa, cuộc chiến tranh Triều Tiên, chủ nghĩa McCarthy (thuyết chống cộng cực đoan ở Mỹ, thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ II) đẩy xu thế này mạnh hơn.

    Washington đã đi đến chỗ tin rằng nước này có thể hành động ở Việt Nam rập theo khuôn mẫu hành động của Mỹ ở Triều Tiên. Đối với Lầu Năm góc, lịch sử Đông Dương bắt đầu vào các năm 1953 -1954. Còn những gì xảy ra trước đó có thể giải thích bằng cách lắp ráp khéo léo các nguyên tắc kinh điển của chủ nghĩa phi thực dân hóa với cách giải thích của người Pháp về các sự kiện xảy ra ngay trước năm 1954. Vì thế, việc leo thang của sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương sẽ được tiến hành với một logic chặt chẽ…

    Người Mỹ xây dựng chính sách ở Việt Nam của họ hoàn toàn dựa trên chủ nghĩa chống cộng. Người Mỹ chắc đã không cần biết rằng từ khi xâm lược Việt Nam năm 1885, người Pháp đã áp đặt lên đầu nhân dân Việt Nam các vua bù nhìn, các đại thần bất tài, các quan bị dân khinh bỉ… Trên thực tế, không phải là nhân dân Việt Nam, mà lại là người Mỹ đã quyết để Ngô Đình Diệm đứng đầu ở Nam Việt Nam sau tháng 9 năm 1954, hoàn toàn giống như người Pháp đã quyết dựng vua bù nhìn Đồng Khánh năm 1885, Nguyễn Văn Thinh vào năm 1946 (đứng đầu cái gọi là Cộng hòa tự trị Nam Kỳ), và Bảo Đại năm 1948.

    B. Murti, nhà ngoại giao Ấn Độ, thành viên của ủy ban giám sát quốc tế thi hành Hiệp định Geneva (gồm Ba Lan, Canada, và Ấn Độ), viết: “… Chính người Mỹ đã gây ảnh hưởng loại bỏ tướng Nguyễn Văn Hinh, và viện trợ đô la để Diệm chia rẽ và đánh bại các giáo phái, cũng chính người Mỹ đã đẩy Pháp ra khỏi Nam Việt Nam và tạo mọi thuận lợi cho Diệm. Lời hứa viện trợ đô la dồi dào của Mỹ đã tạo được ảnh hưởng lớn (ở chính trường hậu thực dân cũ tại Sài Gòn), mở đường cho Ngô Đình Diệm giành ghế Tổng thống ở Nam Việt Nam”…

    Chính sự không hiểu biết lịch sử một cách sâu sắc và gây kinh ngạc của các chính khách và chiến lược gia Mỹ đã dẫn họ đến sự bắt chước một cách vô ý thức cách thức đô hộ thuộc địa của người Pháp. Người Mỹ nghĩ rằng họ đang chống lại “chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi quốc tế”, theo cách họ đang làm ở Đức hay ở Triều Tiên. Nhưng bằng cách biến vĩ tuyến 17 thành một “bức tư

    ờng chắn” chống lại Hà Nội, người Mỹ đã lặp lại cách người Pháp tìm cách chia tách Nam Kỳ khỏi Việt Nam năm 1946. Tuy nhiên, người Mỹ cũng “hiện đại hóa” chiến lược chia cắt Việt Nam bằng cách đưa một quan lại cũ của Pháp, theo đạo Thiên chúa, người miền Trung, lên đứng đầu chính quyền ở Nam Việt Nam, và tạo ra một làn sóng di cư, chủ yếu của người Thiên chúa giáo từ miền Bắc vào Nam, để ủng hộ ông này.

    Như vậy, 9 năm sau khi quân Anh đổ bộ vào Sài Gòn (tháng 9 năm 1945), mọi thứ lại trở lại như khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất bắt đầu. Giữa Đô đốc Mounbatten (Anh, cuối 1945) và các tướng Mỹ (cuối 1954) là các nỗ lực chiến tranh của Pháp. Nhưng đến 1954, cái vòng luẩn quẩn khép lại, và người Mỹ lại dẫm vào những vết chân của người Pháp. Một lần nữa, Nam Việt Nam bị tìm cách biến thành thuộc địa, thành căn cứ để thực hiện chính sách bình định, bất chấp việc miền Bắc Việt Nam, vốn là thành trì của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc chống Pháp, tìm mọi cách để thương lượng hơn là tái khởi động cuộc xung đột, cho dù đã rõ là khó mà tránh khỏi. Liệu Việt Nam sẽ có lúc chấm dứt số phận là đồ chơi và chiến lợi phẩm của các cường quốc lớn? Trên thực tế, tờ Thời báo London đã đưa ra nhận định khúc chiết là “tình hình (sau khí ký kết Hiệp định Geneva) lại như 1946”.

    Một phiên bản của bài dịch được đăng lần đầu trên Văn hoá Nghệ An.

    Không có nhận xét nào