Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 18 tháng 7 năm 2021

    Facebook nói không nên quy trách họ vì Mỹ không đạt được mục tiêu tiêm chủng

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 18 tháng 7 năm 2021

    Facebook ngày thứ Bảy biện hộ cho mình trước phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng nền tảng mạng xã hội này đang “giết người” bằng cách cho phép phổ biến thông tin sai trái về vaccine virus corona, nói rằng các dữ kiện cho thấy một câu chuyện khác.

    “Dữ liệu cho thấy 85% người dùng Facebook ở Mỹ đã hoặc đang muốn được tiêm vaccine COVID-19,” Facebook nói trong một bài đăng trên trang blog của công ty do Guy Rosen, một phó chủ tịch công ty, viết. “Mục tiêu của Tổng thống Biden là 70% người Mỹ được tiêm ngừa trước ngày 4 tháng 7. Facebook không phải là lý do mục tiêu này không đạt được.”

    Thông tin sai trái về COVID-19 đã tràn lan trong đại dịch trên các mạng xã hội bao gồm Facebook, Twitter và YouTube thuộc sở hữu của công ty Alphabet. Các nhà nghiên cứu và các nhà lập pháp từ lâu đã cáo buộc Facebook không kiểm soát nội dung có hại trên nền tảng của mình.

    “Họ đang giết người. ... Đại dịch duy nhất mà chúng ta gặp phải là ở những người chưa được tiêm chủng. Và họ đang giết người,” ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng khi được hỏi về thông tin sai trái và thông điệp của ông đối với các nền tảng mạng xã hội như Facebook.

    Công ty này đã ban hành các quy định chống lại việc đưa ra các phát biểu sai trái cụ thể về COVID-19 và vaccine ngăn ngừa, và nói họ cung cấp cho mọi người thông tin đáng tin cậy về các chủ đề này.

    Biến thể Delta của virus corona giờ là chủng virus hiện diện nhiều nhất toàn thế giới, kèm theo sự gia tăng số ca tử vong trên khắp nước Mỹ gần như hoàn toàn ở những người không được tiêm chủng, các quan chức Mỹ cho biết ngày thứ Sáu.

    Số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng 70% so với tuần trước và tử vong tăng 26%, với các đợt bùng phát ca nhiễm xảy ra ở các khu vực của đất nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

    Pháp - Covid: Hơn 100.000 người biểu tình phản đối chính sách mới của chính phủ


    Hôm qua 17/07/2021, tại Pháp, khoảng 114.000 người đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Paris và nhiều thành phố để phản đối việc chính quyền của tổng thống Emmanuel Macron ra quy định mới về tiêm chủng ngừa Covid-19 và mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế.

    136 cuộc tuần hành đã diễn ra tại nhiều tỉnh thành, theo lời kêu gọi của một số nhân viên y tế phản đối việc chích ngừa Covid-19, một số người thuộc phong trào đấu tranh Áo Vàng và một vài lãnh đạo chính trị (chủ yếu thuộc phe cực hữu). Riêng tại Paris, số người tham gia biểu tình ước tính là 18.000. Nhiều người biểu tình thậm chí gọi các biện pháp mới của chính quyền Macron là chính sách “độc tài về y tế”.

    Reuters cho biết, theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến Viện Ipsos/Sopra Steria công bố hôm thứ Sáu 16/07, 69% số người được hỏi ủng hộ quy định bắt buộc nhân viên y tế tiêm ngừa virus corona và 62% ủng hộ việc áp dụng chứng nhận Covid-19 tại nơi công cộng. Tuy nhiên, cũng có đến 40% phản đối và thiên về phản đối việc áp dụng giấy chứng nhận Covid, tỉ lệ là 31% đối với quy định buộc nhân viên y tế tiêm ngừa. Một số người cho rằng các biện pháp mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo tối hôm thứ Hai 12/07 là “xâm phạm tự do cá nhân”.

    Kỷ lục về số người được tiêm thường nhật

    Trả lời phỏng vấn báo Le Parisien ngày 17/07, phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal nhấn mạnh người dân Pháp không có lựa chọn nào khác : hoặc tiêm phòng đại trà, hoặc sẽ xảy ra “cơn sóng thần” virus corona. Trên thực tế, số ca nhiễm mới thường nhật vẫn không ngừng tăng mạnh trong những ngày qua. Chiều tối hôm qua, cơ quan y tế Pháp ghi nhận gần 11.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ và 16 ca tử vong.

    Trong khi đó, thủ tướng Pháp Jean Castex kêu gọi người dân đoàn kết để thoát khỏi đại dịch. Phát biểu nhân chuyến thăm Anglet (vùng Pyrénées-Atlantiques), thủ tướng Pháp hôm qua thông báo Pháp ghi nhận số người được tiêm ngừa Covid-19 cao kỷ lục : 880.000 người chỉ trong một ngày. Từ sau bài phát biểu của tổng thống, đã có hơn 3 triệu người đăng ký tiêm chủng (dân số Pháp là khoảng 67 triệu người).

    Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng tổng thống Macron vẫn được 300 dân biểu địa phương cả hai cánh tả và hữu, đặc biệt là các thị trưởng, hoan nghênh. Trên diễn đàn của Journal du Dimanche, họ gọi những quyết định về y tế và kinh tế mà tổng thống Pháp đưa ra trong những ngày qua là “một sự dũng cảm”.

    Riêng về việc các trung tâm thương mại bắt buộc phải tổ chức kiểm tra chứng nhận y tế kể từ đầu tháng 08, cũng trên trang mạng của tuần báo Journal du Dimanche, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire thông báo biện pháp này chỉ liên quan đến những trung tâm thương mại lớn có diện tích trên 20.000m2.

    Covid-19: Việt Nam phong tỏa 19 tỉnh thành miền Nam


    Việt Nam áp dụng lệnh phong tỏa đối với thêm 16 tỉnh thành phía nam trong vòng hai tuần, bắt đầu từ 0 giờ thứ Hai, 19/7.

    Quyết định được Chính phủ công bố hôm thứ Bảy, giữa lúc cả nước đang đối diện với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay.

    Trước đó, lệnh phong tỏa đã được áp dụng tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai từ 9/7.

    Như vậy, trong những ngày tới, toàn bộ miền Nam với khoảng 35 triệu dân, chiếm chừng một phần ba dân số cả nước, được đặt trong tình trạng hạn chế nghiêm ngặt nhất trong nỗ lực đối phó bệnh dịch.

    'Giãn cách toàn xã hội'

    Đưa tin về tình trạng phong tỏa tại các nước, nhưng Việt Nam từ trước tới nay tránh dùng chữ "phong tỏa" đối với các biện pháp áp dụng trong nước.

    Trong văn bản chính thức và trên truyền thông trong nước, các biện pháp này được gọi là "giãn cách toàn xã hội".

    Trong số các biện pháp 'cấp bách' cần áp dụng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm "giãn cách toàn xã hội" lần này, giới chức "yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết", "giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp", và "không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng".

    Trong những ngày qua, tại các tỉnh thành đã áp dụng "giãn cách xã hội", cảnh sát dựng chốt kiểm soát tại các điểm giáp ranh giữa các địa phương và chỉ những người có xác nhận xét nghiệm âm tính mới được đi qua. Các trường hợp đi lại trên đường đều có thể bị chặn để kiểm tra và nếu không chứng minh việc ra khỏi nhà vì lý do chính đáng đều có thể bị phạt.

    Tình trạng lây nhiễm đang tăng mạnh, với việc đã có ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận trên 3.000 ca dương tính mới mỗi ngày.

    Các biện pháp được cho là đã đem lại thành công cho Việt Nam trong ba đợt bùng phát trước đây nay tiếp tục được áp dụng, trong đó có xét nghiệm diện rộng, hạn chế tiếp xúc với các ca lây nhiễm, kiểm soát đường biên và cách ly tập trung đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các ca F0.

    Tuy nhiên, các ổ dịch mới liên tiếp xuất hiện và tốc độ lây lan nhanh trong những tuần qua đã khiến giới chức y tế quan ngại, và đang đẩy hệ thống y tế công vào tình trạng quá tải.

    TP Hồ Chí Minh, cổng thương mại và trung tâm đô thị lớn nhất nước với hơn 9 triệu dân đã trong tình trạng phong tỏa kể từ 9/7/2021

    TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên điều chỉnh chính sách này, với việc để những người tiếp xúc gần với F0 được cách ly tại nhà, do các địa điểm cách ly tập trung của nhà nước đã quá tải.

    Dường như mức độ dữ dội của đợt bùng phát này khiến giới chức cấp địa phương chưa tìm được cách ứng phó, phối hợp xử lý phù hợp.

    Trong cuộc họp trực tuyến hôm 17/7 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thừa nhận đã xảy ra tình trạng có các ca F0 tại các khu cách ly tạm thời ở các quận, huyện trở bệnh nặng, nhưng không được các bệnh viện tiếp nhận, dẫn đến một số trường hợp tử vong.

    Mức độ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phong tỏa của thành phố "là không ít", trang tin VietnamNet dẫn lời ông Phong nói.

    Trên mạng hôm 12/7 lan truyền đoạn âm thanh đối thoại giữa người dân với nhân viên y tế cấp phường, cho thấy có tình trạng các ca F1 đang tự cách ly tại nhà trở bệnh nặng nhưng bị từ chối đưa đi cách ly vì lý do "hết giường bệnh". Giới chức y tế xác nhận sự việc, và đã đưa những người nghi bị bệnh tới một bệnh viện dã chiến sau đó vài giờ.

    Trong đợt bùng phát này, ba phần tư các ca mới là ở khu vực miền nam, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh.

    Tính từ đầu đại dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 50 ngàn ca lây nhiễm với 225 trường hợp tử vong, trong đó có tới 190 trường hợp chết trong đợt bùng phát mới nhất, tính từ 4/2021.

    Việt Nam hiện đang đạt tốc độ tiêm vaccine thấp nhất Đông Nam Á, với chưa đến 300 ngàn người được tiêm vaccine đầy đủ và khoảng trên 4 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều, theo số liệu do Our World in Data cập nhật tính đến ngày 14/7/2021.

    Việt Nam đã nhận được gần 9 triệu liều vaccine Covid-19 từ các nguồn khác nhau, và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói Mỹ sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam 3 triệu liều vaccine Moderna nữa thông qua chương trình phân phối Covax của Tổ chức Y tế Thế giới, theo Reuters.

    Việt Nam có kế hoạch sẽ đạt mức độ tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số tính đến cuối năm nay.


    Indonesia hơn 51.000 ca nhiễm, chính phủ gia hạn các biện pháp hạn chế khẩn cấp đến cuối tháng 7


    The Jakarta Post – Tình hình dịch ở Indonesia vẫn đang hết sức phức tạp, khi số ca nhiễm liên tục tăng cao trong bối cảnh các cơ sở y tế đã quá tải.

    Ngày 17/7, Bộ Y tế Indonesia ghi nhận thêm 51.952 ca nhiễm virus corona và 1.092 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 2,83 triệu và 72.489 ca tử vong, hiện số trường hợp hồi phục ở Indonesia là hơn 2,2 triệu người.

    Tổng thống Joko Widodo của Indonesia hôm 17/7 đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế hoạt động công cộng khẩn cấp (được gọi là PPKM Darurat) tới ngày 31/7 trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng vọt.

    Khủng hoảng oxy ở Myanmar, quân đội bị tố tích trữ, các tổ chức phúc lợi nhập 3.000 tấn oxy lỏng từ Trung Quốc


    Xinhua – Các tổ chức phúc lợi công cộng của nước này đã mua 3.000 tấn oxy lỏng từ Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng oxy khi số ca nhiễm virus corona liên tục tăng cao.

    Theo thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar, ngày 17/7, số oxy này đã được đưa tới Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.

    Theo trang thống kê Worldometer, tính đến ngày 17/7, nước này đã ghi nhận hơn 224.000 ca nhiễm và 4,769 ca tử vong do COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 5,497 ca nhiễm và 233 ca tử vong mới.

    Một báo cáo gần đây của hãng tin AFP cho biết người dân Myanmar đang phải xếp hàng dài chờ đợi tại các điểm tiếp oxy để nạp đầy bình về cho người thân.

    Trong khi đó một báo cáo của tờ News York Times hôm 15/7 cho biết quân đội Myanmar đã tích trữ oxy trong bối cảnh người dân cần thở.

    Dẫn lời các nhân viên y tế, báo cáo cho biết, khi biến thể Delta hoành hành khắp Myanmar, quân đội nắm quyền trong cuộc đảo chính hồi tháng 2 đã ra lệnh cấm cung cấp oxy cứu sinh cho các phòng khám tư nhân. Nơi các bác sĩ phản đối phản đối sự tiếp quản của quân đội và từ chối làm việc trong các bệnh viện nhà nước. Tiến sĩ Min Han, bác sĩ tại một phòng khám tư nhân ở Myanmar nói với New York Times rằng, cho biết chăm sóc y tế cơ bản cho bệnh nhân nhiễm virus corona đã bị biến thành một hành động bất hợp pháp.

    Quân đội cũng tìm cách ngăn chặn nguồn cung cấp oxy từ các nhà sản xuất và ngăn các tổ chức từ thiện cung cấp oxy cho những người dân đang giữa sự sống và cái chết.

    Báo cáo cũng cho biết, tuần này, các binh sĩ ở thành phố Yangon thậm chí nổ súng vào đám đông đang xếp hàng mua bình dưỡng khí.

    Các bác sĩ cáo buộc quân đội Myanmar đang cố gắng bảo đảm nguồn cung cấp oxy khan hiếm được chuyển đến các bệnh viện quân đội, nơi phục vụ cho các gia đình quân nhân.

    Hiện Myanmar dựa chủ yếu vào vắc-xin Trung Quốc để tiêm cho người dân.

    Một quan chức Myanmar cho biết nước này dự kiến nhận 6 triệu liều vắc xin COVID-19 từ Trung Quốc vào tháng 8. Trong đó, chính quyền quân sự Myanmar đã mua 4 triệu liều vắc-xin từ Trung Quốc, và Bắc Kinh hứa tặng thêm 2 triệu liều vắc-xin.

    Campuchia bên bờ thảm họa y tế, ông Hun Sen mua vắc-xin Trung Quốc để chích cho trẻ em


    Khmer Times – Bộ Y tế nước này mới đây cảnh báo biến chủng mới của virus corona có thể đẩy Campuchia rơi vào thảm kịch y tế cộng đồng.

    Trong một thông điệp hôm 16/7, bà Or Vandine, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia cho biết các biến chủng mới được ghi nhận có thể đẩy Campuchia vượt qua giới hạn đỏ.

    Bà viết trên Twitter: “Chúng ta đã phát hiện một loại virus đột biến mới, trong khi biến chủng Alpha vẫn đang tiếp tục lan rộng. Hôm qua đã có 27 người chết. Và nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thảm họa y tế công cộng sẽ xảy ra, chúng ta sắp vượt qua lằn ranh đỏ”.

    Tuyên bố được đưa ra sau khi cơ quan y tế phát hiện 37 ca nhiễm virus corona nhập cảnh vào Campuchia các ngày 7/7 và 14/7. Phân tích trình tự gene cho thấy những người này nhiễm biến chủng Delta. Tới nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 75 ca nhiễm biến chủng Delta.

    Bà Vandine trước đó cảnh báo đe dọa từ nguy cơ “vượt qua giới hạn đỏ”, có thể dẫn tới bùng phát những ổ dịch quy mô lớn trong cộng đồng, cũng như những vấn đề trầm trọng với hệ thống chăm sóc y tế.

    Hôm 17/7, Campuchia báo cáo thêm 836 ca nhiễm mới, cùng 27 bệnh nhân tử vong. Tổng số ca nhiễm ở Campuchia tới nay đã lên đến hơn 66.000 trường hợp. Số trường hợp thiệt mạng là 1.076 người.

    Hiện Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông có kế hoạch “đàm phán với Trung Quốc” để mua vắc-xin COVID-19 Sinovac về tiêm cho trẻ em.

    Hôm 16/7, ông Hun Sen cho biết chính phủ sẽ cần bốn triệu liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc để tăng cường nguồn cung hiện có và tiêm chủng cho khoảng 12 triệu trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Kandal và Sihanoukville càng nhanh càng tốt, để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

    Ông nói: “Chúng ta cần đàm phán với Trung Quốc để có vắc-xin cho trẻ em của chúng ta. “Chúng ta cần sự miễn dịch cộng đồng để mở cửa lại xã hội và trường học”.

    Ông Hun Sen cũng kêu gọi các bậc cha mẹ nhanh chóng đưa con em mình đi tiêm chủng ngay khi vắc-xin sẵn sàng.

    Trước đó, một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Bahrain đã quyết định tiêm liều tăng cường thứ ba cho những người đã tiêm vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Động thái này xuất hiện trong bối cảnh lo ngại về hiệu quả của vắc-xin này, đối với các biến thể virus corona dễ lây lan hơn.

    Indonesia hôm 16/7 cũng đã bắt đầu tiêm vắc-xin tăng cường Mordena của Mỹ cho các nhân viên y tế sau khi lực lượng này vẫn bị nhiễm virus dù đã tiêm đầy đủ vắc-xin Sinovac của Trung Quốc.

    Cuba : Chính quyền tổ chức biểu tình để “bảo vệ Cách mạng”


    Tại Cuba, vào hôm qua 17/07/2021, gần một tuần sau cuộc biểu tình quy mô chưa từng có chống chính phủ, La Habana đã cho tập hợp đông đảo người ủng hộ chính quyền, với sự tham gia của cựu lãnh đạo Raul Castro. Hơn trăm ngàn người đã tập trung dọc bờ biển La Habana để "bảo vệ Cách mạng Cuba" theo chỉ thị của chính quyền.

    Từ La Habana, thông tín viên Domitille Piron gửi về bài phóng sự :


    “Cứ từng nhóm 100 người dân Cuba được xe bus đưa đến Malecon. Họ đến từ khắp các ngõ ngách của thủ đô. Các sinh viên và công chức như anh Osiris tập trung ở đây để tố cáo và phản đối các hành vi thao túng liên quan đến các cuộc biểu tình đông đảo chống chính phủ hôm Chủ Nhật tuần trước. Osiris nói : “Những gì đã xảy ra là các hành động phá hoại do Hoa Kỳ tổ chức, nhằm gây bất ổn cho đất nước Cuba trong khi ở đây chúng tôi vẫn luôn sống bình yên”.

    Trong đám đông, có một người đàn ông liều lĩnh hô vang "Tự do". Người này ngay lập tức bị phản đối và bị bắt giữ. Đoàn biểu tình lại tiếp tục đồng thanh: "Đả đảo bọn phản cách mạng". Trong đoàn tuần hành, có nữ sinh viên Ana Yusmary Montalbo. Cô gái trẻ này nói : “Nếu chúng ta thảo luận, chúng ta có thể hiểu được nhau (…). Các vụ tấn công và bạo lực mà chúng ta đã thấy trong các cuộc biểu tình đó là không cần thiết".

    Trong ngày hành động để "tái khẳng định Cách mạng" này, chủ tịch Miguel Diaz-Canel tố cáo những dối trá quanh chuyện biểu tình ngày 11/07 : "Thông tin về chuyện nhân dân đang nổi dậy chống lại chính phủ của họ và chính phủ thì trấn áp dân chúng tại Cuba là dối trá. Thưa đồng bào, không có sự dối trá nào được tạo ra một cách tình cờ hay do nhầm lẫn, mọi thứ đều đã được cân nhắc tính toán kỹ, theo bài bản của một cuộc chiến tranh phi quy ước".

    Theo nhà chức trách, có khoảng 100.000 người tập hợp trong ngày thứ Bảy, trong khi các số liệu về số ca lây nhiễm virus corona ở Cuba cho thấy tình hình dịch tễ rất đáng lo ngại”.

    Phó chủ tịch Venezuela đến Cuba

    AFP cho biết phó chủ tịch Venezuela, bà Delcy Rodriguez, đã đến La Habana gặp chủ tịch Cuba, Miguel Diaz-Canel, hôm thứ Sáu 16/07 để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ Cuba. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ gắn bó kể từ khi Hugo Chavez lên cầm quyền. Nhà lãnh đạo Venezuela Hugo Chavez (1999-2013) coi Fidel Castro là “người cha tinh thần”.

    Lũ lụt chưa từng thấy tại Tây Âu, hơn 150 người thiệt mạng


    Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg bị thiệt hại nặng hơn cả. Tính đến sáng ngày 17/07/2021 có tổng cộng 153 người thiệt mạng tại bốn quốc gia kể trên. Bỉ thông báo 20 người chết. Còn tại Đức là 133 người nhưng cảnh sát lo ngại thiệt hại sẽ nghiêm trọng hơn thế nữa, đặc biệt là tại thành phố Koblenz, bang Rheinland-Pfalz, miền tây nước Đức.

    Tại đây từ đêm Thứ Tư 14/07/2021 mực nước đã dâng lên trong vài giờ, cuốn trôi nhà cửa, cây cối, xe cộ trước sự bất lực của người dân địa phương. Hàng ngàn người phải sơ tán. Chính phủ Đức thành lập một quỹ đặc biệt hỗ trợ nạn nhân. Thiệt hại vật chất ước tính lên tới hàng tỷ đô euro. Thủ tướng Merkel, vừa kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ, dự trù đến thị sát tình hình tại chỗ.

    Đặc phái viên đài RFI Pascal Thibaut từ Rheinland-Pfalz tường thuật về nỗi cơ cực chưa từng thấy mà người dân Đức phải đối mặt từ sau Thế Chiến Thứ Hai :

    « Những tiếng còi báo động của xe cứu hộ hú liên hồi. Dân cư tại đây không ngừng tay quét dọn nhà cửa, hay cửa hàng bị tàn phá. Đồ đạc nội thất còn lại thì được chất đống trên vỉa hè. Máy bơm nước hoạt động hết công sức để sấy khô tầng hầm. Người qua đường bùn lấm lem, mệt mỏi nhưng vẫn miệt mài làm việc không ngừng.

    Trạm xăng nhỏ của Peter Heinke bị nước lũ phá tan hoang. Cửa hàng chỉ còn lại là một đống ngổn ngang đổ nát. Ông nói : « Tất cả gần như hỏng hết. Chỉ có những chai rượu là còn trụ lại trên các quầy hàng. Chúng tôi chưa liên lạc được với ai cả. Không biết mọi việc rồi sẽ ra sao. Không biết về mặt tài chính sẽ xoay sở như thế nào. Tôi mất việc làm, mất hết. Chỉ còn lại chút hy vọng thôi ».

    Hai phụ nữ trẻ, mặc áo vét bằng da bó sát người, chân đi ủng. Trông họ khá lịch sự nhưng cũng lấm lem đầy bùn trên người. Natalia tự cho phép mình nghỉ ngơi một chút và cô tranh thủ đi thăm con. Chúng đang trú ngụ bên bà ngoại. Natalia cho biết, cô không có ý định bỏ vùng này đi định cư nơi khác và hy vọng là sẽ làm lại từ đầu.

    Dân cư tại đây đang bám víu vào hy vọng trong khi chờ đợi được giúp đỡ và công cuộc tái thiết sẽ đòi hỏi nhiều thời gian ». 

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào