Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 20 tháng 7 năm 2021

    Covid : Việt Nam vượt 60.000 ca nhiễm, Nga và Mỹ chuyển giao công nghệ vac-xin

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 20 tháng 7 năm 2021

     Đến sáng nay 20/07/2021 theo giờ Việt Nam, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn quốc đã vượt quá 60.000 người. Reuters dẫn nguồn từ chính quyền Việt Nam nói rằng đã đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ vac-xin chống Covid với Nga và Hoa Kỳ, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

    Trong số 62.820 ca dương tính tại Việt Nam, số người bị nhiễm trong đợt dịch thứ tư (kể từ ngày 27/04 đến nay) chiếm đến 59.165 ca. Theo Bộ Y Tế, riêng trong hôm nay đã có 4.795 ca dương tính mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh chiếm 3.322 ca. Một số thiết bị cần thiết như máy thở, máy lọc máu…đã được chuyển cho thành phố lớn nhất nước đang bị phong tỏa để chống dịch (mà Việt Nam gọi là « giãn cách theo Chỉ thị 16 »).

    Việt Nam mong muốn gia tăng năng lực vac-xin, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng Năm tuyên bố đang xem xét việc giao cho Việt Nam sản xuất vac-xin chống Covid theo công nghệ mới ARN thông tin để trở thành trung tâm cung ứng ở Đông Nam Á. Theo Reuters, bộ Y Tế Việt Nam cũng đang thương lượng với Nga để sản xuất vac-xin Spoutnik V. Thông cáo của bộ Y Tế nói rằng Việt Nam sẽ nhận được thêm 20 triệu liều vac-xin ARN thông tin của Pfizer/BioNTech, nâng tổng số lên 51 triệu liều.

    Cho đến nay, Việt Nam đã thỏa thuận mua 105 triệu liều vac-xin và đang đàm phán với các nhà sản xuất khác để có được 70 triệu liều nữa, hy vọng sẽ được giao trong năm 2021 và đầu 2022. Sau thành công về chống dịch trong thời gian đầu, giờ đây Việt Nam phải đối mặt đợt dịch tồi tệ nhất với số lượng người nhiễm mới hàng ngày đạt mức kỷ lục, tạo áp lực phải tăng cường tiêm chủng.

    Việt Nam đã nhận được 10,6 triệu liều vac-xin, trong đó Hoa Kỳ viện trợ 5 triệu liều Moderna thông qua cơ chế Covax, Nhật tặng 3 triệu liều AstraZeneca và Úc 1,5 triệu liều AstraZeneca. Trung Quốc cũng giao 500.000 liều Sinopharm nhưng kèm theo điều kiện chỉ dành cho công dân Trung Quốc tại Việt Nam và những người phải qua lại biên giới.

    Việt Nam đã sử dụng 4,3 triệu liều vac-xin chống Covid, nhưng chỉ mới có 310.000 người trên tổng số 98 triệu dân được tiêm đủ hai liều. Dư luận cho rằng cần phải ưu tiên phân bổ cho thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang bị đại dịch hoành hành nhiều nhất. Tính đến tối 19/07, Việt Nam đã có 334 người tử vong vì Covid trong đó thành phố Hồ Chí Minh chiếm trên 190 trường hợp (theo số liệu chưa đầy đủ).

    Hãng Israel bị nghi tiếp tay công an Việt Nam xâm nhập điện thoại di động


    Trang web của HTI ở Việt Nam giới thiệu về phần mềm UFED của hãng Cellebrite, Israel.

    Tại Israel, một luật sư nhân quyền tố cáo hãng Cellebrite bán công nghệ xâm nhập điện thoại cho công an Việt Nam, được dùng để nhắm mục tiêu vào các nhà báo hoặc các nhà hoạt động, theo một phóng sự của báo Haaretz.

    Từ Việt Nam, một cựu đại tá công an và một cựu tù nhân lương tâm bày tỏ với VOA rằng ở vị trí là công dân, họ lo ngại về thông tin kể trên cũng như những nguy cơ tiềm tàng về sự lạm quyền của công an.

    Bài báo được Haaretz đăng hôm 15/7 cho biết luật sư Eitay Mack mới tiến hành điều tra và thấy rằng Bộ Công an Việt Nam là một trong những khách hàng mua Phần mềm Trích xuất và Phân tích Dữ liệu Điện thoại (UFED) của hãng công nghệ Cellebrite.

    Hãng này hoạt động với sự hậu thuẫn tích cực của chính phủ Israel, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Haaretz viết.

    Theo thông tin của Cellebrite, UFED - ở Việt Nam thường gọi là phần mềm phá khóa điện thoại - giúp nhà chức trách lấy ra dữ liệu từ máy điện thoại đã bị khóa.

    Cellebrite vẫn thường tuyên bố rằng phần mềm nêu trên, sản phẩm chủ lực của hãng, chỉ được bán cho các cơ quan thực thi luật pháp hoặc quốc phòng chính danh để chống tội phạm, chẳng hạn như bọn ấu dâm hoặc khủng bố.

    Tuy nhiên, các cuộc điều tra của luật sư Mack và một số người khác cho thấy nhiều khách hàng của Cellebrite, trong đó có công an Việt Nam, sử dụng UFED cho các mục đích khác, chẳng hạn như nhắm mục tiêu vào các nhà báo hay các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền.

    Cuộc điều tra của ông Mack về việc Cellebrite bán hàng cho Việt Nam là phần mới nhất trong một chuỗi các cuộc điều tra về việc hãng này đường đường chính chính bán các công cụ, thiết bị cho nhiều nước có chế độ áp bức và các tổ chức đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế.

    Đó là các ban điều tra hoặc các đơn vị cảnh sát ở Nga, Hong Kong, Bangladesh, Indonesia và các nước khác. Khi kết quả các cuộc điều tra được công bố, Cellebrite đã dừng bán cho Trung Quốc, Hong Kong, Nga và Belarus.

    Về thương vụ giữa Cellebrite và Bộ Công an Việt Nam, luật sư Mack và hàng chục nhà hoạt động nhân quyền đã gửi các bức thư phản đối đến một tổng cục trưởng thuộc Bộ Quốc phòng Israel chuyên giám sát việc xuất khẩu các công nghệ trích xuất dữ liệu tương tự như UFED.

    Trong thư của mình, ông Mack cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy một số sản phẩm UFED đã được bán cho Bộ Công an và các đơn vị cấp dưới từ năm 2014. Ông cũng cho biết đại diện cho Cellebrite ở Việt Nam là Tập đoàn HTI.

    Hiện HTI chào bán sản phẩm tiên tiến nhất của Cellebrite là UFED Premium, theo bài báo của Haaretz, dẫn lại cuộc điều tra của ông Mack.

    UFED Premium là dịch vụ phầm mềm cho phép người sử dụng xâm nhập vào các loại máy mới nhất, lợi dụng những lỗ hổng an ninh mà các nhà nghiên cứu và các nhà chế tạo điện thoại còn chưa phát hiện ra, nên không có cách nào phòng vệ lại khả năng hack của phần mềm này.

    Bài báo của Haaretz điểm lại tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây, bị quốc tế lên án, và trích dẫn thư của luật sư nhân quyền Eitay Mack nói rằng nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã bị bắt bớ, đánh đập và bỏ tù vì chỉ trích chính quyền và chống tham nhũng.

    Tuy nhiên, bài báo của Haaretz cho biết “Không như Nga hay Indonesia, trong trường hợp Việt Nam, không có bằng chứng trực tiếp về việc các thiết bị của Cellebrite được sử dụng chống lại các nhà hoạt động nhân quyền … Mặc dù vậy, điều này không làm thay đổi thực tế là các tổ chức mua công nghệ này đều có chức năng là cánh tay của chế độ”.

    Báo Haaretz lưu ý rằng một trong những lý do không thể biết liệu thiết bị của Cellebrite có được sử dụng trong hoạt động của công an Việt Nam hay không là vì chính công an không tuân theo luật trong nước, theo đó, khi tiến hành xâm nhập máy điện thoại, phải có mặt người bị thẩm vấn và một nhân chứng, hoặc ít ra là có hai nhân chứng trong trường hợp chủ sở hữu máy không có mặt.

    Nhưng điều đó đã không diễn ra và tất cả những nhà hoạt động được Haaretz phỏng vấn đều kể rằng công an Việt Nam chỉ áp dụng một biện pháp nghiệp vụ.

    Đó là khi người bị thẩm vấn không chịu mở khóa điện thoại hay máy tính của họ, các thiết bị đó bị thu giữ. Trong một số trường hợp, nhân viên công an đưa máy sang một phòng khác, ở đó, máy bị hack. Sau đó, có lúc công an trả lại máy cho chủ nhân, có lúc công an không trả lại, Haaretz tường thuật.

    Tờ báo cho hay hãng Cellebrite từ chối đưa ra ý kiến khi báo thực hiện bài phóng sự. Về phần Bộ Quốc phòng Israel, trong một tuyên bố trả lời luật sư Mack, bộ nói họ “không cung cấp chi tiết về các giấy phép [bán hàng] cụ thể vì lý do an ninh, chính trị và chiến lược”. Bộ nói thêm rằng họ “xem xét lại chính sách theo định kỳ hoặc tùy theo diễn biến, và áp dụng thẩm quyền của mình tùy theo nhu cầu”.

    Phần mềm giám sát « Pegasus » : Công cụ « quyền lực mềm » của Israel

    Ảnh minh họa: Phần mềm do thám Pegasus một khi xâm nhập được vào một điện thoại thông minh có thể thu thập toàn bộ dữ liệu cá nhân lưu trữ trong điện thoại. © CC0 Pixabay/Lorenzo Cafaro

    Tai tiếng phần mềm giám sát « Pegasus » do NSO Group, một công ty Israel lập trình là chủ đề được các trang báo lớn của Pháp hôm nay 20/07/2021 khai thác nhiều nhất. Le Monde trong bài viết có tựa đề « Pegasus, giám sát mà không lo bị trừng phạt », lên án chính phủ Israel sử dụng « Pegasus » như là một công cụ của « quyền lực mềm ».

    Tờ báo giải thích, bất chấp việc nhiều nước khách hàng liên tục có những vi phạm về nhân quyền, nhưng việc bán phần mềm Pegasus vẫn được bộ Quốc Phòng Israel thông qua. Nhà nước Do Thái bảo vệ và chăm chút NSO như là một công cụ của « quyền lực mềm ». Chính việc cung cấp phần mềm giám sát này cho nhiều chính phủ đã góp phần vào việc khôi phục bang giao. Các hoạt động của NSO đã làm sáng tỏ phần nào sự xích lại gần giữa Israel với Ả Rập Xê Út, Hungary hay Maroc.

    Vẫn theo nhật báo, cả NSO lẫn chính phủ Israel không thể nào không biết rằng một bộ phận khách hàng quan trọng mua Pegasus chuyên để giám sát các phe đối lập chính trị và người dân của họ, chưa kể đến hoạt động gián điệp công nghiệp từ các đối tác thương mại và thu thập thông tin về các chính phủ láng giềng.

    « Pegasus » : Một công cụ do thám hiệu quả và cực mạnh


    Đương nhiên, trước những tiết lộ này, NSO Group đều bác bỏ cho đấy là những « lời cáo buộc giả dối, vô căn cứ ». Tuy nhiên, quy mô và mức độ nghiêm trọng của những hành động xâm phạm nhân quyền này còn liên quan đến bản chất của Pegasus.

    Đây không hẳn là một công cụ « nghe lén điện thoại đơn giản », mà là một phần mềm theo dõi cực kỳ hiệu quả và mạnh mẽ. Pegasus có thể « hút lấy » toàn bộ các dữ liệu chứa đựng trong chiếc điện thoại từ hình ảnh hay danh bạ điện thoại cho đến cả những dòng trao đổi tin nhắn trên nhiều ứng dụng.

    Vụ « Giám sát hàng loạt, một tai tiếng có tên là Pegasus » như hàng tựa của La Croix có thể ví như là một vụ gián điệp mạng « lớn nhất kể từ sau những tiết lộ của Snowden ». Nếu như NSO vẫn khăng khăng khẳng định Pegasus được thiết kế để chống khủng bố và các mạng lưới tội phạm, thì điều tra của Hiệp hội các nhà báo Forbidden Stories, tập hợp 17 hãng truyền thông lớn trên thế giới (Wall Street Journal, CNN, AFP, Le Monde…), với sự hỗ trợ của Security Lab từ tổ chức Amnesty International lại đưa ra những kết luận ngược lại.

    Được sử dụng rộng rãi từ 60 khách hàng tại 40 quốc gia, chủ yếu là các cơ quan tình báo (chiếm 51% số khách hàng), cảnh sát và tư pháp (38%) và quân sự (11%), theo như số liệu do NSO cung cấp, công cụ này lại được dùng để theo dõi hàng trăm nhà báo, nhà đấu tranh nhân quyền, các nhân vật chính trị và tư pháp trên khắp thế giới. Đương nhiên, những nước bị nêu tên trong « Dự án Pegasus » đều lên tiếng phủ nhận.

    Điều gây lo ngại cho các nhà điều tra chính là cách thức vận hành của Pegasus. Ông Etienne Maynier, nhà nghiên cứu về an ninh mạng tại Amnesty International trả lời Libération lưu ý « Pegasus vận hành tốt cả trên Android lẫn iPhone. Một khi đã được cài vào, chúng có thể xâm nhập vào mọi dữ liệu cá nhân ». Nói một cách đơn giản, Pegasus hành xử như là một người sử dụng điện thoại ẩn mình, có thể bật các chức năng trên điện thoại từ hình ảnh, danh bạ, camera, GPS, tin nhắn mã hóa… mà không có một biện pháp kiểm soát sử dụng nào từ phía NSO.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Việt Nam


    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại một buổi họp báo của Lầu Năm Góc ở Washington DC hôm 6/5. Vị bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Biden sẽ có chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bắt đầu từ 23/7.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á bắt đầu vào cuối tuần này nhằm tăng cường cam kết của Mỹ với khu vực, theo Lầu Năm Góc cho biết.

    Trong một tuyên bố đưa ra hôm 19/7, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, John F. Kirby, cho biết rằng Bộ trưởng Austin sẽ bắt đầu chuyến thăm vào ngày 23/7 với chặng dừng chân đầu tiên là Alaska và sau đó là Singapore, Hà Nội và Manila của Philippines.

    “Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin sẽ cho thấy tầm quan trọng mà Chính quyền Biden-Harris dành cho khu vực Đông Nam Á và ASEAN với vị thế là một phần trọng yếu trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Kirby cho biết trong tuyên bố, nhằm đề cập đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

    Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng thông báo về chuyến thăm của Bộ trưởng Austin trong một tuyên bố đưa ra trên trang Facebook chính thức hôm 20/7.

    “Chuyến công du này sẽ nhấn mạnh cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với khu vực, cũng như lợi ích của Hoa Kỳ trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN,” ĐSQ Mỹ trích dẫn lời của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ trong thông báo đăng tải trên Facebook, nhưng không cho biết cụ thể khi nào ông Austin sẽ tới Hà Nội.

    Mỹ xem Việt Nam là một nhà lãnh đạo chủ chốt trong khu vực và là một đối tác quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong Hướng dẫn Tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia được chính quyền Biden công bố hồi tháng 3, Việt Nam được nêu tên cụ thể như là một đối tác được Washington nhắm tới để làm sâu sắc hơn trong hợp tác an ninh khu vực.

    Trong chuyến thăm Đông Nam Á, Bộ trưởng Austin sẽ gặp mặt các nhà lãnh đạo chủ chốt để tái khẳng định các mối quan hệ quốc phòng và tiến hành các cuộc gặp song phương với các quan chức cấp cao, theo Lầu Năm Góc.

    Không rõ, những lãnh đạo nào của Việt Nam sẽ tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm này.

    Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho biết rằng Bộ trưởng Austin sẽ tham gia phát biểu tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức tại Singapore. Ông Austin từng dự kiến đến Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La vào tháng 6 nhưng sự kiện bị huỷ do đại dịch COVID-19.

    Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Austin và cũng là của một quan chức cấp cao trong Chính quyền Tổng thống Biden tới khu vực Đông Nam Á.

    Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Lầu Năm Góc, được Tổng thống Biden bổ nhiệm hồi đầu năm nay, cũng là đến châu Á. Trong chuyến thăm và làm việc hồi tháng 3, Bộ trưởng Austin đã tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, cũng để nhằm củng cố cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

    Chính phủ Mỹ dưới thời Chính quyền Biden đang tìm cách củng cố vai trò của Hoa Kỳ trong một khu vực mà sự ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng cao khi trở thành đối tác thương mại thống trị nhưng cũng gây xung đột với các quốc gia láng giềng về những hoạt động quân sự và các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông. Tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông là một trong những trọng tâm trong bản đánh giá vị thế lực lượng toàn cầu của Mỹ, dự kiến được chính quyền Biden hoàn thành vào cuối năm nay.

    Hai đập nước ở Nội Mông của Trung Quốc bị vỡ sau trận mưa lớn

    Hai con đập ở Nội Mông thuộc khu vực tây bắc Trung Quốc đã bị vỡ sau trận mưa xối xả, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết hôm 19/7, theo Reuters.

    Các con đập ở thành phố Hulunbuir Nội Mông, đã bị vỡ vào chiều 18/7. Hai đập này được xây dựng để tạo thành các hồ nước có chứa tổng cộng 46 triệu mét khối, Bộ Thủy lợi cho biết.

    Người dân sống ở hạ lưu đã được sơ tán, không có tin tức về số thương vong.

    Chính quyền thành phố Hulunbuir cho biết trên tài khoản mạng xã hội WeChat rằng 16.660 người đã bị ảnh hưởng, với 326.622 mu (53.807 acre) đất nông nghiệp bị ngập nước. Cầu và cơ sở hạ tầng giao thông khác cũng đã bị phá hủy.

    Một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một trong những con đập bị nước cuốn trôi hoàn toàn, làm ngập các cánh đồng gần đó.

    Trung Quốc có hơn 98.000 hồ chứa được sử dụng để điều tiết lũ lụt, tạo ra điện và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển. Chính phủ Trung Quốc cho biết rằng hơn 80% số hồ này có tuổi đời từ 40 năm trở lên, và một số đã gây ra rủi ro về an toàn.

    TQ nói cáo buộc của phương Tây về vụ tấn công Microsoft là 'vô căn cứ'

    Vụ tấn công vào các server của Microsoft gây ảnh hưởng tới ít nhất 30.000 tổ chức trên toàn cầu

    Trung Quốc nói việc cáo buộc nước này đã tiến hành vụ tấn công mạng lớn nhắm vào hãng công nghệ khổng lồ Microsoft là "vô căn cứ".

    Một nhóm các nước phương Tây nói Trung Quốc đã tấn công tin tặc vào hệ thống máy chủ Microsoft Exchange, nền tảng thư điện tử phổ biến được nhiều công ty sử dụng trên toàn cầu.

    Thông cáo chung cáo buộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã làm xói mòn sự ổn định và an ninh toàn cầu.

    Trung Quốc luôn khẳng định họ phản đối tất cả các hình thức tội phạm mạng.

    Hôm thứ Hai, New Zealand trở thành quốc gia tiếp theo trong nhóm các nước gồm Anh, Hoa Kỳ và Australia, cáo buộc các đối tượng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ là đã có "hành động tấn công mạng độc hại", trong đó có vụ tấn công Microsoft .

    Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Wellington nói các cáo buộc này là "vô căn cứ và vô trách nhiệm".

    "Chính phủ Trung Quốc là người bảo vệ đáng tin cậy của an ninh mạng," thông cáo do Tòa Đại sứ Trung Quốc trả lời câu hỏi của phóng viên.

    "Ra các cáo buộc [mà không có bằng chứng] là việc làm độc địa."

    Vụ tấn công Microsoft làm ảnh hưởng tới ít nhất 30 ngàn tổ chức trên toàn cầu.

    Hệ thống Exchange cung cấp dịch vụ thư điện tử cho các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nhỏ và các cơ quan công trên toàn cầu.

    Microsoft quy trách nhiệm cho một nhóm gián điệp trên mạng của Trung Quốc là đã khai thác một điểm dễ bị tổn thương trong Microsoft Exchange - là điểm cho phép tin tặc tiếp cận được từ xa tới các hộp thư inbox.

    Nhóm được biết với tên gọi Hafnium bị trung tâm an ninh mạng của Microsoft phát hiện, là một tổ chức được nhà nước Trung Quốc bảo trợ và hoạt động ở phạm vi ra bên ngoài Trung Quốc.

    'Khai thác tối đa'


    Các nguồn an ninh phương Tây tin rằng nhóm này đã đoạt được phần nội dung nâng cao mà Microsoft định dùng để vá hoặc sửa lỗi cho hệ thống, và sau đó đã chia sẻ với các nhóm khác tại Trung Quốc nhằm khai thác tối đa trước khi hết cơ hội.

    "Chúng tôi tin rằng những kẻ tấn công trên mạng làm việc dưới sự kiểm soát của tình báo Trung Quốc đã phát hiện được điểm dễ tổn thương của Microsoft vào đầu tháng Giêng và đã chạy đua khai thác lỗ hổng này trước khi lỗi được xác định rộng rãi trên phạm vi công cộng (public domain)," một nguồn tin an ninh nói với BBC.

    Vụ tin tặc này cho thấy có sự chuyển dịch từ việc triển khai chiến dịch gián điệp có mục tiêu sang việc tấn công cướp phá, dẫn đến quan ngại rằng Trung Quốc đang ngày càng leo thang trong các hoạt động trên mạng, theo các cơ quan an ninh phương Tây.

    Bộ Ngoại giao Anh nói rằng chính phủ Trung Quốc đã "phớt lờ những lời kêu gọi được lặp đi lặp lại, yêu cầu họ chấm dứt chiến dịch liều lĩnh đó thay vì cho phép các đối tượng được nhà nước hậu thuẫn tăng quy mô tấn công và hành động một cách liều lĩnh khi bị phát hiện".

    Tòa Bạch Ốc nói rằng họ bảo lưu quyền có thêm các hành động đối với Trung Quốc liên quan tới các hoạt động trên mạng của Trung Quốc.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với các phóng viên rằng chính phủ Trung Quốc có thể không tự mình thực hiện các vụ tấn công, nhưng "đang bảo vệ những kẻ làm điều đó. Và thậm chí có thể là còn tạo điều kiện để chúng hành động được như vậy."

    Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng công bố các cáo buộc tội phạm hình sự đối với bốn tin tặc thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc mà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tin là có liên hệ tới một chiến dịch dài hạn nhằm vào các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài thuộc các lĩnh vực then chốt ở ít nhất là 10 quốc gia.

    Singapore lại siết giãn cách xã hội vì số ca Covid-19 tăng cao


    Chính phủ Singapore hôm thứ Ba thông báo sẽ lại thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội vì các ca bệnh mới tiếp tục gia tăng, làm phức tạp thêm kế hoạch mở cửa trở lại.

    Các biện pháp bao gồm giới hạn số người được phép tụ tập tối đa từ 5 xuống còn 2 người.

    Từ 12 tháng 7 đến 18 tháng 7, trung bình có 46 trường hợp được phát hiện trong cộng đồng mỗi ngày - số ca cao nhất được phát hiện kể từ tháng 4 năm 2020.

    Các hạn chế mới nhất sẽ có hiệu lực từ Thứ Năm, ngày 22 tháng 7 đến ngày 18 tháng 8.

    Những hạn chế sẽ được áp đặt lại bao gồm:

    Số người được phép tụ tập sẽ giảm từ 5 người xuống còn tối đa 2 người.

    Các hộ gia đình sẽ chỉ được phép tiếp đón 2 lượt khách riêng biệt mỗi ngày, không tính ông bà chăm sóc cháu của họ.

    Ăn tối ở ngoài sẽ bị cấm, nhưng các nhà hàng, khu ẩm thực và trung tâm bán hàng rong sẽ được phép cung cấp các món ăn mang đi.

    Làm việc tại nhà vẫn là lựa chọn mặc định của hầu hết các công ty.

    Theo Bộ Y tế Singapore, gần một nửa dân số cả nước đã được tiêm chủng đầy đủ.

    Mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng cho 75% dân số vào tháng 10.

    Ông Lawrence Wong, đồng chủ tịch lực lượng đặc nhiệm, thừa nhận rằng nhiều doanh nghiệp đã mong muốn được mở cửa trở lại.

    "Tôi chắc chắn họ sẽ rất thất vọng khi biết rằng giờ đây họ phải đóng cửa và không thể cho phép khách hàng đến dùng bữa," ông nói.

    Ông Wong nói rằng việc quay trở lại Giai đoạn 2 (Cảnh báo tăng cao) là "một quyết định rất khó thực hiện".

    Ông Wong, cũng là Bộ trưởng Tài chính, cho biết: "Thông điệp chung cho tất cả mọi người trong Giai đoạn 2 (Cảnh báo tăng cường) là hãy ở nhà, hạn chế tối đa việc di chuyển và giao tiếp xã hội."

    Covid-19: Căng thẳng thực phẩm ở Sài Gòn, tràn trề ở Bangkok


    Việc VN áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đã dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm tại Sài Gòn trong tuần qua với dòng người xếp hàng dài tại các siêu thị cùng giá cả tăng vọt.

    TP.HCM hiện là tâm dịch tại Việt Nam khi ghi nhận sáng nay hơn 1.500 ca mới.

    Trong khi đó, Thái Lan trong 24 giờ qua, tính đến sáng nay đã ghi nhận số ca nhiễm mới lên đến hơn 11.000 ca.

    Thủ đô Bangkok vẫn là nơi có số ca nhiễm nhiều nhất, với hơn 2.000 ca/ngày.

    Hiện chính phủ Thái Lan đang áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như cấm tụ tập quá 5 người, các trung tâm thương mại bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 21h đến 4h sáng hôm sau.

    Tình trạng phong toả sẽ được áp đặt đến ít nhất là ngày 2/8.

    Tuy nhiên tình trạng khan hiếp thực phẩm hay đổ xô mua hàng (panic buying) đã không xảy ra ở Bangkok trong làn sóng dịch lần 3 như tại Sài Gòn vào tuần qua.

    BBC News Tiếng Việt sẽ so sánh việc chống dịch Covid qua góc nhìn mua bán thực phẩm, rau quả ở hai đô thị lớn nhất Việt Nam và Thái Lan.

    Ý kiến: Thái độ của Mỹ là chìa khóa trong việc ngăn chặn Trung Quốc tấn công Đài Loan


    Trong lễ kỷ niệm trăm năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận bình tuyên bố rằng giải quyết vấn đề Đài Loan là nhiệm vụ lịch sử, lập trường cứng rắn của ông Tập đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Về vấn đề này, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc cho rằng sớm muộn ĐCSTQ sẽ hành động với Đài Loan, họ chỉ chọn thời điểm và coi việc đàn áp Hồng Kông như một thử nghiệm để quan sát thái độ của các nền dân chủ phương Tây, vốn thể hiện thái độ giúp đỡ Đài Loan vào lúc này.

    Ông Trần Dụng Lâm, cựu thư ký của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với Epoch Times và phân tích nội dung phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm của ĐCSTQ.

    Ông Trần đã chọn bỏ trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2005 và xin được giấy phép tị nạn chính trị từ Cục Di trú Úc. Là một cựu quan chức Trung Quốc, ông Trần biết nhiều câu chuyện nội bộ về ĐCSTQ, chẳng hạn như Bộ Ngoại giao Trung Quốc và hoạt động thực tế của nó.

    Ông Trần Dụng Lâm chỉ ra rằng Tập Cận Bình với tư cách là thế hệ thứ hai của Hồng quân, không có công lao mà cũng chẳng có đóng góp gì, vì vậy, ông Tập chỉ có một con đường là thống nhất Đài Loan. Thống nhất Đài Loan là nhiệm vụ hàng đầu của ĐCSTQ và một dấu hiệu cho thấy cái gọi là trẻ hóa đất nước của ĐCSTQ. Mục tiêu dài hạn là năm 2049, ĐCSTQ phải kỷ niệm sự cầm quyền của mình một trăm năm bằng việc thống trị thế giới và hiện thực hóa sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc.

    Ông Trần Dụng Lâm nói: “Không sớm thì muộn, ĐCSTQ sẽ hành động với Đài Loan. Vấn đề là phải lựa chọn khi nào”. Ông cho biết Trung Quốc đã thực hiện ngoại giao tiền bạc để bóp chết không gian sống quốc tế của Đài Loan. Hơn 30 năm qua, nó đã đầu tư số tiền rất lớn để phát triển thiết bị quân sự và công nghệ quân sự, đạt được nhiều tiến bộ đủ để đe dọa an ninh của Đài Loan, và Hồng Kông là thử nghiệm.

    Trần Dụng Lâm nói rằng “một quốc gia, hai chế độ” chưa bao giờ là mong muốn của ĐCSTQ. Tái quy hoạch Hồng Kông cũng là để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Đài Loan. Nếu Hoa Kỳ áp dụng một thái độ chiến lược mơ hồ đối với phòng thủ của Đài Loan, nó sẽ không tạo nên mối đe dọa nào. Vì vậy, Hoa Kỳ nên bày tỏ rõ ràng sự ủng hộ của mình vào lúc này.

    Ông nhấn mạnh rằng vị trí của Hoa Kỳ là đặc biệt quan trọng vào thời điểm này, suy cho cùng thì Hoa Kỳ là cường quốc quân sự số 1. Nếu quyết chiến với ĐCSTQ, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ thua. Và nếu một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan nổ ra, sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ sẽ không chỉ giới hạn ở Đài Loan. Nó có thể mở ra một chiến trường ở toàn Trung Quốc, và thậm chí phá hủy các cơ sở quân sự chủ chốt của ĐCSTQ thông qua máy bay không người lái và tên lửa.

    Hồng Kông là phép thử để quan sát điểm mấu chốt của phương Tây

    Vào tháng Giêng năm nay, Jennings, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc, nói rằng về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ tiếp tục kiểm tra điểm mấu chốt của sự kiên nhẫn quốc tế cho đến khi Hoa Kỳ và các đồng minh của họ mất kiên nhẫn để ngăn chặn Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình có thể lùi bước và giảm bớt các hoạt động gây nhiễu, nhưng sẽ không từ bỏ để việc tiếp tục kiểm tra điểm mấu chốt.

    Trần Dụng Lâm nói rằng mặc dù Quân đội Trung Quốc có ý định thôn tính Đài Loan, nhưng điều lo lắng duy nhất là liệu Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây có hỗ trợ trong việc bảo vệ Đài Loan hay không, và rằng sau khi chiếm được Đài Loan, họ sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế hay không, và họ cũng chưa chắc nội bộ Đài Loan sẽ như thế nào, nên ĐCSTQ đã sử dụng Hồng Kông làm phép thử để quan sát phản ứng của các nước phương Tây.

    Ông Trần nói rằng thái độ của phương Tây đối với Hồng Kông dường như đã là từ bỏ, vì vậy những hành động tiếp theo của ĐCSTQ đối với Hồng Kông hoàn toàn là kết quả của việc phương Tây đã quá dung thứ cho chính quyền Trung Quốc.

    Ông Trần nói rằng ĐCSTQ khởi đầu là một tổ chức bí mật và một đảng chuyên thực hiện các hoạt động lật đổ. Vì vậy, về vấn đề Hồng Kông, một số lượng lớn nhân lực đã thâm nhập Hồng Kông. Ông tin rằng các chiến thuật tương tự sẽ được áp dụng để đối phó với Đài Loan, tăng tốc độ thâm nhập thông qua tương tác xuyên eo biển.

    Ông nhấn mạnh rằng ĐCSTQ sẽ tận dụng mọi cơ hội để xâm nhập vào Đài Loan. Ngoại giao tiền tệ và ngoại giao phi chính phủ của ĐCSTQ là hàng đầu, và nó nhất định sẽ làm hết khả năng ở Đài Loan, vốn là nơi mà ĐCSTQ ngày đêm mơ ước. Vì vậy, sự thâm nhập vào Đài Loan của ĐCSTQ phải vượt xa so với sự thâm nhập vào Úc.


    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào