Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 03 tháng 7 năm 2021

    ỹ chưa đạt chỉ tiêu hiến tặng vaccine, vì sao? 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden không đạt được mục tiêu giao tặng 80 triệu liều vaccine COVID cho thế giới trước cuối tháng 6 trong lúc một loạt các trở ngại về tiếp vận và quy định làm trì trệ nhịp độ chương trình vaccine ngoại giao của Mỹ.

    Dù chính quyền Biden loan báo có khoảng 50 quốc gia và thực thể sẽ nhận được các liều vaccine dư thừa của Mỹ, nhưng tới nay Mỹ mới chuyển được chưa tới 24 triệu liều cho 10 nước, theo dữ liệu của AP.

    Tòa Bạch Ốc nói sẽ có thêm nhiều lô vaccine nữa được gửi đi trong những ngày tới-khoảng 40 triệu liều dự kiến sẽ được chuyển đi trước cuối tuần này. Bạch Cung cho biết Tổng thống Biden đã làm mọi cách trong khả năng để đáp ứng đúng cam kết.

    Điều phối viên đáp ứng COVID-19 Tòa Bạch Ốc, ông Jeff Zients, cho biết tất cả những nước dự trù được nhận vaccine Mỹ tặng đã nhận đề nghị chính thức của Mỹ với số lượng và tên vaccine cụ thể, và rằng tất cả chướng ngại pháp lý và trở ngại tiếp vận về phía Mỹ đã được thông qua.

    80 triệu liều vaccine này được xem như là phần đặt cọc đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ mua và tặng 500 triệu liều vaccine cho thế giới trong năm tới. Kế hoạch này, tuỳ thuộc hợp đồng mua vaccine với Pfizer vốn sẽ bắt đầu chuyển giao từ tháng 8, vẫn đúng lịch trình, giới chức Mỹ cho biết.

    Tới nay, các nước đã nhận vaccine Mỹ tặng bao gồm Colombia (2,5 triệu liều Johnson & Johnson), Bangladesh (2,5 triệu liều Moderna), Peru (2 triệu liều Pfizer), Pakistan (2,5 triệu liều Moderna), Honduras (1,5 triệu liều Moderna), Brazil (3 triệu liều J&J), Hàn Quốc (1 triệu liều J&J), Đài Loan (2,5 triệu liều Moderna), Canada (1 triệu liều Moderna, 1,5 triệu liều AstraZeneca) và Mexico (1,35 triệu liều J&J và 2,5 triệu liều AstraZeneca).

    Tất cả số vaccine này đủ để tiêm chủng đầy đủ cho 15,9 triệu người.


    Ông Biden thoạt đầu cam kết cung cấp cho các nước tất cả 60 triệu liều vaccine AstraZeneca xuất xưởng tại Mỹ. Vaccine này chưa được chấp thuận sử dụng tại Mỹ, nhưng được chấp thuận rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số vaccine AstraZeneca này bị trì trệ xuất cảng vì hai tháng duyệt xét an toàn của Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.

    Với nhu cầu vaccine trong nước giảm, chính quyền Biden dự kiến có thể đáp ứng cam kết hiến tặng 80 triệu liều không cần phải chờ vaccine AstraZeneca mà từ các kho vaccine Pfizer, Moderna, và J&J hiện nay của liên bang.

    Các vaccine được Mỹ chấp thuận, nhất là vaccine Pfizer và Moderna, dường như chống virus hiệu nghiệm hơn so với các loại vaccine hiện có, đặc biệt là các chủng mới xuất hiện lây nhiễm cao hơn và nguy hại hơn của COVID, như biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.

    Pakistan nhận được 2,5 triệu liều vaccine Moderna Mỹ tặng


    Pakistan vừa nhận được hai triệu rưỡi liều vaccine Moderna từ Mỹ, Bộ Ngoại giao Pakistan và Tòa đại sứ Mỹ tại Islamabad loan báo ngày 2/7.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan bày tỏ cảm kích trên Twitter: “Chúng tôi vô cùng cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch.”

    Số vaccine này được Mỹ trao tặng thông qua COVAX, chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu giúp các nước đang phát triển như Pakistan.

    Tới nay, Pakistan trông cậy nhiều vào đồng minh Trung Quốc để có vaccine. Ba trong số các vaccine của Trung Quốc là Sinopharm, CanSinoBio và Sinovac đang được sử dụng tại Pakistan.

    Pakistan cũng có kế hoạch mua 13 triệu liều vaccine của Pfizer trước cuối năm nay. Vaccine của AstraZeneca cũng có mặt tại nước này.

    Hơn 13 triệu người đã được tiêm chủng một phần tại Pakistan, và hơn 3 triệu người đã tiêm chủng đầy đủ.

    Pakistan ghi nhận tổng cộng 959.685 ca nhiễm và 22.345 người chết vì COVID.

    Mỹ và NATO đã rút hết quân khỏi căn cứ không quân Bagram, Afghanistan


    Toàn bộ quân Mỹ và NATO hôm qua 02/07/2021 đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram, căn cứ quân sự lớn nhất ở Afghanistan được đặt dưới sự quản lý của quân đội Hoa Kỳ. Phe Taliban nói « vui mừng » về việc các lực lượng nước ngoài rời khỏi căn cứ Bagram, vốn là cột trụ trong các chiến dịch của quân Mỹ trong suốt cuộc chiến bắt đầu từ năm 2001 tại Afghanistan.

    Cũng trong ngày hôm qua, phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki, thông báo Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan trước cuối tháng 08/2021.

    Từ Kabul, thông tín viên Sonia Ghezali giải thích :


    « Việc rời căn cứ không quân Bagram là một chặng quan trọng trong quá trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, một chặng mang tính biểu tượng cao. Căn cứ Bagram là một khu phức hợp cực kỳ lớn, bao quanh là các bức tường chống nổ và phủ hàng rào dây thép gai. Căn cứ nằm cách thủ đô Kabul 50 km về phía bắc và là căn cứ lớn nhất do Mỹ quản lý ở Afghanistan. Đó là nơi đồn trú của 30.000 binh lính và nhân viên dân sự của Mỹ cũng như các lực lượng của NATO vào thời kỳ các chiến dịch của họ được triển khai ở mức cao nhất.

    Ở những khu làng lân cận, người dân tỏ thái độ cay đắng về sự ra đi của quân đội Hoa Kỳ. 20 năm sau khi quân Mỹ can thiệp vào Afghanistan, đất nước này dường như đang bên bờ vực của sự hỗn loạn. Taliban thực sự đang tiến tới với một tốc độ khủng khiếp. Từ vài ngày nay, họ đã cố gắng chiếm được thủ phủ của một số tỉnh.

    Theo một số nguồn tin, quân nổi dậy đã chiếm các đồn biên phòng ở biên giới với Tajikistan và có thể sớm giành quyền kiểm soát biên giới với Uzbekistan. Taliban cho thấy rõ ràng là họ có lợi thế so với lực lượng an ninh Afghanistan, lực lượng sẽ lâm cảnh đơn độc chỉ sau chưa đầy ba tháng nữa ».

    Nóng kỷ lục kéo dài, cháy lớn tại Canada và Mỹ : Hậu quả rõ ràng của Biến đổi khí hậu

    Sau một tuần nóng kỷ lục, bang British Columbia, miền tây Canada, tiếp tục phải đương đầu với nạn cháy rừng. AFP hôm qua, 02/07/2201, ghi nhận hàng chục vụ cháy rừng tại miền tây Canada và vùng California, Hoa Kỳ.

    Gần 500 người chết trong đợt nóng kể từ ngày 25/06 tại Canada, ít nhất 16 người chết tại Mỹ. Ngôi làng Lytton, với khoảng 250 dân, cách thành phố Vancouver, Canada, 250 km về phía đông bắc, bị lửa tiêu hủy đến 90%. Lytton là nơi ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục, 49,6°C trong tuần vừa qua, cao hơn gần 5°C so với mức kỷ lục trước đó vào năm 1937. Nhiều nơi tại bang British Columbia nhiệt độ vượt quá 40°C, tức cao hơn 20°C so với nhiệt độ trung bình vào thời điểm này.

    Các bang miền tây bắc nước Mỹ, Washington và Oregon cũng ghi nhận mức nóng kỷ lục trong tuần qua. Tại bắc California, một trận cháy rừng lớn thiêu hủy 200 km². Riêng tại British Columbia, Canada, cơ quan quản lý rừng ghi nhận 9 trận cháy lớn, với tổng diện tích hơn 600 km².

    Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này là hiệu ứng « vòm nhiệt », khi không khí nóng dưới mặt đất không tỏa đi được do áp suất không khí rất cao ở phía trên, áp suất cao nén xuống không khí bên dưới làm tăng sức nóng tại chỗ. Mức nóng lại càng gia tăng trong bối cảnh khu vực miền tây Canada và Mỹ đang trong giai đoạn khô hạn.

    Kể từ thứ Năm, 01/07, hiệu ứng « vòm nhiệt » tiếp tục di chuyển về phía đông Canada, tới các vùng bình nguyên miền trung Canada. Ngoài bang British Columbia, các bang Alberta, Saskatchewan, Manitoba, một phần vùng lãnh thổ tây bắc và cả khu vực phía bắc bang Ontario (miền đông Canada) cũng đang bị đợt nóng này đe dọa.

    Hiện ứng « vòm nhiệt » là một hiện tượng khí hậu được giới khoa học biết đến, và không phải là mới với khu vực này. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, đợt nóng đến sớm hơn so với mọi năm và kéo dài. Trả lời Le Monde, nhà khí hậu học Nikos Christidis, cơ quan khí tượng Anh, cảnh báo « nếu không có biến đổi khí hậu do con người, sẽ gần như không thể nào có một kỷ lục nhiệt độ cao như vậy tại miền tây Hoa Kỳ. Xác suất của một kỷ lục nhiệt độ như vậy chỉ là vài chục nghìn năm mới xảy ra một lần ».

    Hiện tại, nhiệt độ Trái đất mới tăng quá 1,2°C so với thời tiền công nghiệp, mà các hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện tượng « vòm nhiệt » nói trên đã xảy ra dữ dội và thường xuyên. Giới khoa học về khí hậu nhiều lần nhấn mạnh, nếu nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5°C, các hiện tượng khí hậu bất thường, cực đoan sẽ còn xảy ra dồn dập hơn nữa, với mức độ dữ dội hơn nữa.

    Nhà báo Mai Phan Lợi bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc trốn thuế


    Nhà báo Mai Phan Lợi vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố và bắt giam hôm 2/7 với cáo buộc trốn thuế theo Điều 200 Bộ Luật Hình sự. Truyền thông Nhà nước loan tin vào cùng ngày.

    Ngoài ông Lợi, Công an Hà Nội cũng khởi tố thêm một bị can khác nhưng danh tính chưa được công bố.

    Nhà báo Mai Phan Lợi từng là Phó tổng thư ký toà soạn, trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội.

    Vào năm 2016, ông Lợi bị thu hồi thẻ nhà báo sau khi tiến hành một cuộc thăm dò trên một diễn đàn trên Facebook về vụ máy bay CASA 212 của quân đội Việt Nam mất tích.

    Theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc rút thẻ nhà báo của ông Lợi, Bộ này cáo buộc ông Lợi đã “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sỹ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo”

    Ông Lợi sau đó đã lên diễn đàn Nhà Báo Trẻ trên Facebook mà ông là quản trị viên để thông báo là ông sẽ kiểm điểm một cách thành khẩn, nghiêm túc và chờ đợi những hậu quả khác mà sai lầm do ông gây nên.

    Nhà báo Mai Phan Lợi cũng là người thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm trực tuyến trên mạng xã hội Facebook (nhóm Góc nhìn Báo chí - Công dân)với các chuyên gia trong nước về nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.

    Ông Mai Phan Lợi cũng một trong sáu người đại diện cho một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội vào tháng 5 năm 2016.

    Hơn 6 triệu người từ EU đã nộp đơn vào chương trình định cư tại Anh


    Hàng triệu người EU đã tới Anh những năm qua với ý định ở lại sinh sống

    Con số hàng trăm nghìn công dân EU vẫn chờ xin quy chế định cư tại Vương quốc Anh sau Brexit khiến Bộ Nội vụ Anh phải gia hạn xét đơn sau hạn chót 30/06.

    Thông tin từ Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland cho hay đến ngày cuối cùng của tháng 5/2021, có hơn 5,6 triệu đơn từ công dân EU đã có mặt ở nước này xin quy chế định cư.

    Tuy thế, thêm một tháng nữa, vào đêm ngày 30/06/2021, có tới 400 nghìn hồ sơ vẫn đang ở tình trạng chờ xét trong chương trình EU Settlement Scheme.

    Vì thế, chính phủ Anh đã phải tuyên bố rằng sau ngày 01/07/2021, ai nộp đơn sẽ vẫn được xét "như họ nộp trong hạn" theo thỏa thuận của Anh và các nước EU.

    Tuy vậy, Bộ Nội vụ không nói rõ là họ sẽ gia hạn tới khi nào.

    Chương trình định cư cho phép công dân EU đã có mặt tại Anh trước "hạn chót 30/06/2021" được quyền nộp đơn xin định cư được mở ra từ tháng 3/2019, theo BBC News.

    Chính phủ Anh cũng bỏ tiền ra chi vào quảng cáo để nhắc nhở các công dân EU mà con số, như số liệu mới nhất, lên tới hàng triệu ở Anh sau Brexit, cố gắng nộp đơn để có quyền định cư.

    Quyền này cho phép họ hưởng mọi quyền lợi như việc làm, nhận trợ cấp xã hội...và sau đó họ có thể xin nhập tịch Anh.

    Thế nhưng, vẫn có nhiều người dân EU phàn nàn rằng hồ sơ dài 39 trang gồm quá nhiều chi tiết khiến họ không thể nộp đúng hạn.

    Đảng Lao động (đối lập) phê phán chính phủ "xét đơn chậm" gây ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn luôn cần người làm từ EU.

    Việc nộp hồ sơ qua mạng của Bộ Nội vụ Anh bị nhiều công dân EU than phiền là khó khăn

    Đảng SNP đại diện cho Scotland ở Nghị viện tại Westminster, London, cũng yêu cầu chính phủ làm nhanh hơn vì Scotland cần ổn định thị trường lao động.

    Chỉ cần nộp đơn là hưởng quyền ở lại hợp pháp

    Số lượng trên sáu triệu người nộp đơn cũng làm trang web của Bộ Nội vụ Anh bị quá tải.

    Các báo Anh cho hay đến cuối tháng 6/2021, ít nhất 5,27 triệu đơn đã hoàn tất.

    Trong số này, 2,7 triệu được trao quyền định cư vĩnh viễn (tương đương thẻ xanh ở Mỹ), số còn tại nhận quy chế "sắp định cư - pre-settled status" và cần ở Anh thêm 5 năm để có quyền định cư.

    Tuy thế, không tờ báo nào cho hay với con số cư dân EU sống tại Anh như thế, thì tổng số nhân khẩu nước này hiện là bao nhiêu.

    Theo BBC News trích nguồn chính phủ Anh, trong số trên 5 triệu người EU đăng ký định cư tại Anh theo chương trình EU Settlement Scheme, đông nhất là người Ba Lan: 975 nghìn, và Romania: 918 nghìn.

    Đây là số liệu không bao gồm những công dân Ba Lan, Romania và các nước EU khác đã ở Anh đủ lâu để xin định cư hoặc nhập tịch trước khi chương trình EU Settlement Scheme mở ra.

    Chỉ có 50 đơn bị Bộ Nội vụ Anh bác bỏ, chiếm 2%.

    Một trong những vấn đề khiến Anh mở trưng cầu dân ý năm 2016 là hạn chế nhập cư, gồm cả người từ EU, nhất là Đông Âu sang sinh sống.

    Nhưng quá trình đàm phán sau Brexit đem lại kết quả là bất cứ công dân EU nào đã có mặt tại Anh trước hạn chót (30/06/2021) thì nghiễm nhiên được ở lại và chỉ cần nộp đơn.

    Dù dịch Covid có tạo ra luồng người từ EU hồi hương, nhưng như các con số mới nhất cho thấy, số người muốn ở lại hẳn tại Anh vẫn cao hơn.

    Thỏa thuận Brexit nói công dân Anh ở các quốc gia EU cũng có quyền xin quy chế định cư nếu đã có mặt ở đó, nhưng mỗi cá nhân tuỳ hoàn cảnh phải xin ở nước họ đang tạm cư.

    Tuy thế, họ sẽ phải tuân thủ theo các quy định riêng rẽ ở nước EU đó, chứ không được hưởng quyền lợi từ một chương trình chung cho cả EU về công dân Anh.

    Dù Brexit - cuộc chia tay của Anh với EU đã diễn ra, một số vấn đề tồn đọng vẫn chưa được giải quyết rõ, từ quy chế hàng hóa EU ở Bắc Ireland tới xuất nhập khẩu Anh- EU.

    Thủ tướng Đức, Angela Merkel có chuyến thăm Anh cuối tuần, từ 02/07/2021, để bàn với người tương nhiệm Boris Johnson về các vướng mắc đó.

    Phát biểu tại cuộc họp báo cùng thủ tướng Anh ở Chequers, Buckinghamshire, bà Merkel hứa sẽ để cho người ở Anh "đã tiêm chủng Covid hai mũi" được vào hoặc quá cảnh qua Đức trong tương lai gần.

    Trương Nghệ Mưu làm phim tình báo 'tuyên truyền', doanh thu 180 triệu USD


    Phim mới nhất của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu ca ngợi các chiến sĩ yêu nước, thắng lớn về doanh thu tại Trung Quốc.

    Là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu, nói rằng lý do ông làm bộ phim mới "Trên vách đá" (tựa tiếng Anh, Cliff Walkers) là để tưởng nhớ những chiến sĩ thầm lặng của Trung Quốc đã đánh đổi mạng sống cho hòa bình ngày nay.

    Bài điểm phim của báo Mỹ Los Angeles Times viết: "Cliff Walkers có lẽ lấy tiêu đề từ con đường nguy hiểm mà các anh hùng phải bước qua, và bộ phim của họ Trương đã thành công trong việc tạo ra sự căng thẳng cao độ."

    Bộ phim, ra mắt vào ngày 30 tháng 4, đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi từ khán giả và các nhà phê bình Trung Quốc.

    "Cliff Walkers" lấy bối cảnh vào những năm 1930 tại vùng đông bắc Trung Quốc đầy tuyết, khi đó được biết đến với cái tên Mãn Châu Quốc bù nhìn của Nhật Bản.

    Phim theo chân bốn đặc nhiệm Trung Quốc trở về từ Liên Xô. Họ được cử đi thực hiện một nhiệm vụ bí mật, có mật danh là "Utrennya" (có nghĩa là "Bình minh" trong tiếng Nga), để bảo vệ một nhân chứng tố cáo các thí nghiệm chiến tranh sinh học vô nhân đạo của Nhật Bản.

    Nhưng họ phát hiện ra rằng họ đã bị phản bội.

    Với sự tham gia của Zhang Yi, Yu Hewei và Liu Haoran, bộ phim đặc vụ hồi hộp cố gắng "khắc họa một nhóm anh hùng trên mặt trận bí mật hy sinh mạng sống của họ cho sự nghiệp cách mạng", Trương Nghệ Mưu nói tại buổi ra mắt phim ở Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 4.

    "Họ đều có mối quan hệ riêng, tình yêu, tình cảm và tình đồng chí. Họ đều có máu thịt, nhưng họ dám hy sinh bản thân mình vào thời điểm quan trọng."

    Chỉ sau 10 ngày chiếu, số liệu ngày 10/5 cho hay Cliff Walkers đã thu về tới 118 triệu đôla doanh thu tại Trung Quốc.

    Đến đầu tháng Sáu, phim này đã thu về 180 triệu đôla.

    Bản tin của Tân Hoa Xã ngày 21/5 nói: "Bộ phim điệp viên được giới phê bình ca ngợi không chỉ là bước đột phá của đạo diễn về thể loại phim này và mà còn là bước đột phá cho dòng phim yêu nước mới ở Trung Quốc."

    "Cliff Walkers" dựa trên một tiểu thuyết chưa hoàn thành và chưa được xuất bản của nhà văn nổi tiếng Quan Yongxian.

    "Có rất nhiều câu chuyện cảm động trong suốt chiều dài lịch sử nhưng nhiều câu chuyện đã bị lãng quên," Quan Yongxian nói.

    Phim được phát hành đồng thời vào ngày 30 tháng 4 tại Bắc Mỹ.

    Còn báo The New York Times chỉ ra rằng phim trước đó của Trương Nghệ Mưu, "One Second" (2019), đã được dự kiến sẽ tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Berlin 2019 nhưng đã bị chính phủ Trung Quốc rút lại như một hành động kiểm duyệt.

    Bài điểm phim của báo này viết: "Có thể là "Cliff Walkers" dành tặng "Tất cả các anh hùng của cuộc cách mạng", được đi kênh chính thức mà không bị cản trở."

    Bài của The New York Times nói: "Phim nói rõ rằng những vết thương mà Trung Quốc phải gánh chịu vẫn chưa được quên. Gọi đó là chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc, đạo diễn và dàn diễn viên thực sự chuyển tải được thông điệp, hoàn chỉnh bằng phần kết đẫm nước mắt."

    Thành công của Cliff Walkers xảy ra trong bối cảnh vào năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập.

    Nó chứng tỏ dòng phim tuyên truyền của Trung Quốc đang sắc bén hơn, vừa phục vụ chính trị nhưng cũng thu về nhiều tiền do dân đổ đi xem.

    "The Eight Hundred", bộ phim ra mắt năm 2020 kể về những người lính Trung Quốc chống quân đội Nhật Bản vào năm 1937 ở Thượng Hải, mang lại doanh thu 472 triệu USD, trở thành phim có doanh thu cao thứ hai thế giới năm 2020.

    Hơn 100 lọ vắc-xin TQ vón cục, Thái Lan thu hồi khẩn cấp


    Theo một báo cáo vào ngày 29/6 của Thai PBS World, một trang web tin tức tiếng Anh trực tuyến của Đài Truyền hình Công cộng Thái Lan, Phó Tổng thư ký TFDA Tang Wiwat, đã ký một văn bản khẩn cấp về việc đình chỉ sử dụng 110 lọ vắc-xin Sinovac của Trung Quốc khi phát hiện trong lọ có dị vật đông đặc trong suốt không rõ nguồn gốc, sau khi lắc đều vẫn không tan. Lô vắc-xin này vẫn còn hạn sử dụng đến tháng 11/2021.

    Báo cáo chỉ ra rằng cho đến nay, Trung Quốc đã vận chuyển 10,5 triệu liều vắc xin Sinovac đến Thái Lan, và dự kiến ​​hàng triệu liều vắc-xin của Trung Quốc sẽ được chuyển đến nước này trong năm nay và năm tới.

    Vắc-xin Trung Quốc vẫn là loại vắc-xin được sử dụng rộng rãi nhất ở Thái Lan. Tuy nhiên, sự ưa chuộng của người dân Thái Lan đối với vắc-xin Trung Quốc đã giảm dần.

    Trên Facebook “Workpoint Today” ở Thái Lan, một số cư dân mạng chua chát nói rằng nếu chính phủ Thái Lan thích vắc-xin của TQ thì họ sẽ mời các quan chức và gia đình họ làm gương tiêm phòng trước để người dân yên tâm.

    Như chúng ta đã biết, ĐCSTQ đã cung cấp vắc-xin Covid-19 cho hơn 45 quốc gia, chủ yếu ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Đông Nam Á. Động thái này được thế giới bên ngoài gọi là “ngoại giao vắc-xin”. Tuy nhiên, hiệu quả của nó đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn.

    Tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời nhóm giảm thiểu rủi ro của Hiệp hội Y tế Indonesia cho biết, vào tháng 6 qua, 26 bác sĩ ở Indonesia đã chết vì bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, và ít nhất 10 người trong số họ đã được tiêm đủ hai liều vắc-xin Trung Quốc.

    Báo cáo cũng chỉ ra rằng Indonesia đang phụ thuộc quá nhiều vào vắc-xin của Trung Quốc. Mặc dù vắc-xin được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nhưng do sự khác biệt lớn về hiệu quả của các thử nghiệm lâm sàng khác nhau và sự thiếu minh bạch trong dữ liệu khiến một số chuyên gia y tế công cộng lo lắng về hiệu quả và thời hạn của vắc-xin.

    Reuters cũng đưa tin rằng Thủ tướng Ý Draghi đã nói vào cuối hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 25/6 rằng “từ tình hình dịch bệnh ở Chile, hiệu suất của vắc-xin Trung Quốc là không khả quan”. Ngoài ra, vào đầu tháng 5, khi dịch bệnh ở Ấn Độ xấu đi nhanh chóng, người ta xác nhận rằng ít nhất 11 người Đài Loan đang làm việc tại Ấn Độ đã bị nhiễm bệnh, và một trong số họ đã chết. Theo một người nắm rõ tình hình, tất cả những người này đều đã được tiêm vắc-xin Trung Quốc.

    Theo số liệu từ Cơ quan quản lý Y tế Hồng Kông, tính đến ngày 30/5, có 80 trường hợp tử vong và 23 phụ nữ ở đây bị sẩy thai sau khi được tiêm vắc-xin Trung Quốc.

    Không có nhận xét nào