Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 17 tháng 7 năm 2021

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 17 tháng 7 năm 2021

    Tiểu bang Nebraska, (Hoa Kỳ) công nhận tháng Bảy là “Tháng Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản ”

    Thống đốc Nebraska Pete Ricketts đã chỉ định tháng Bảy là tháng tưởng niệm “Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS)”, nhấn mạnh đến 100 triệu người được ước tính đã chết trong các vụ thanh trừng tôn giáo, chính trị, nạn đói do con người gây ra, và các tội ác chống lại nhân loại dưới các chế độ cộng sản.

    Trong bản thông cáo báo chí, Thống đốc Pete Ricketts đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa kỷ niệm 100 năm thành lập hôm 1/7 và Liên bang Xô Viết đã sụp đổ vào đầu những năm 1990.

    Thống đốc Pete Ricketts (thành viên Đảng Cộng hòa) viết: “100 triệu người được ước tính đã chết trong các vụ thanh trừng chính trị, bức hại tôn giáo, nạn đói diện rộng, và các tội ác khác chống lại nhân loại do các chế độ cộng sản như Liên bang Xô Viết và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện”.

    Trong tuyên bố của thống đốc về “Tháng Tưởng niệm Nạn nhân của CNCS”, ông Pete Ricketts lưu ý rằng chính sách Đại Nhảy Vọt của nhà độc tài Mao Trạch Đông của ĐCSTQ – một nỗ lực tai hại từ trên xuống dưới nhằm ép nông dân Trung Quốc vào các hợp tác xã quy mô lớn – đã giết hại khoảng 45 triệu người. Con số này do nhà sử học Frank Dikötter tiết lộ vài năm trước. Ông Dikötter là người đã ghi chép một cách có hệ thống về các chính sách thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Đại Nhảy Vọt và Cách mạng Văn hóa.

    Nhà sử học Dikötter đã đưa ra các ví dụ về cách ĐCSTQ thực thi một cách tàn bạo các chính sách tập thể hóa. Dikötter viết rằng vào một thời điểm trong nạn đói, một người đàn ông có tên Wang Ziyou đã bị chế độ cáo buộc đào một cụ khoai tây, vì thế giới chức ĐCSTQ đã cắt một tai của ông Wang Ziyou và “trói hai chân của ông bằng dây thép gai và thả một viên đá nặng 10kg vào lưng của ông”.

    Trong tuyên bố của Thống đốc Ricketts cũng viết, ngày nay “hàng triệu người phải chịu bức hại chính trị và tôn giáo dưới chế độ ĐCSTQ”. Tuyên bố viện dẫn cách chế độ này đối xử với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, tín đồ Công giáo tại gia và các nhóm khác. “Hàng trăm triệu người tiếp tục phải sống dưới các chế độ cộng sản và xã hội chủ nghĩa vốn ngăn chặn quyền tự do và không tôn trọng nhân quyền”, tuyên bố nói thêm.

    Những báo cáo gần đây chỉ ra rằng ĐCSTQ tiếp tục bức hại Pháp Luân Công, môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn. Gầy 700 học viên Pháp Luân Công, trong đó có một nạn nhân 88 tuổi, đã bị chế độ ĐCSTQ kết án sau khi buộc họ vào những tội danh giả mạo như “chống người thi hành công vụ”. Từ năm 1999, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã đang bị bỏ tù, tra tấn, giết hại hoặc bị sa thải việc làm.

    Văn phòng Thống đốc Pete Ricketts cũng viện dẫn về “chương trình tập thể hóa” của nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin đã gây ra cái chết của khoảng từ 6 triệu đến 10 triệu người trong thời gian ông này cầm quyền tại Liên bang Xô Viết.

    Trước động thái của Thống đốc Nebraska Pete Ricketts, hôm 22/6, Thống đốc Florida DeSantis đã ký ba luật, trong đó có các điều khoản bắt buộc học sinh, sinh viên trong các trường học công của tiểu bang này phải được dạy về “sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản”.

    Phát biểu trong buổi lễ ký các dự luật hôm 22/6, Thống đốc DeSantis cho hay: “Thực tế buồn là chỉ có 2/5 người Mỹ có thể gọi tên chính xác ba nhánh của chính quyền [liên bang Mỹ], và hơn 1/3 người Mỹ không thể kể tên bất kỳ một quyền nào [mà họ được bảo vệ] theo Tu chính án thứ Nhất [của Hiến pháp Mỹ]. Hết sức rõ ràng rằng chúng ta cần phải làm nhiều việc tốt hơn về giáo dục học sinh, sinh viên của chúng ta về giáo dục công dân để chuẩn bị cho họ hành trang sống tiếp phần đời còn lại”.

    “Dự luật này cũng mở rộng những nỗ lực trước đây của chúng ta về giáo dục công dân, trong đó bổ sung thêm yêu cầu các lớp học tại trường trung học công phải dạy học sinh về sự xấu xa của chủ nghĩa cộng sản và thuyết nguyên nhân độc tài”, ông DeSantis nói thêm.

    Sau đó vào cuối tháng Sáu, Hạ viện tiểu bang Arizona cũng đã chuẩn thuận các biện pháp giáo dục học sinh về sự xấu xa của CNCS.

    Các biện pháp giáo dục về CNCS là một phần trong dự luật House Bill 2898. Dự luật này yêu cầu bắt buộc chương trình giáo dục công dân trong trường học công khắp tiểu bang Arizona phải nhấn mạnh cả các lợi ích của nền Dân chủ và những mối hiểm họa của tư tưởng Marxist. Dự luật yêu cầu chương trình giảng dạy của các trường học công phải bao gồm các câu chuyện kể của những người đã trốn chạy khỏi các quốc gia cộng sản.

    Dân biểu Cộng hòa Judy Burges là người đề xuất đưa giáo dục về sự xấu xa của CNCS vào trường học. Ông tuyên bố rằng biện pháp này sẽ trang bị cho học sinh hành trang để trở thành “những người trưởng thành có trách nhiệm công dân và có hiểu biết”.
    Giới chức: Biến thể Delta hiện chiếm ngự toàn cầu, tử vong tại Mỹ tăng


    Biến thể Delta của COVID hiện chiếm ngự toàn cầu, kèm theo đó là số tử vong tăng tại Mỹ gần như toàn bộ rơi vào các trường hợp chưa tiêm chủng, các giới chức Mỹ cho biết hôm 16/7.

    Số ca COVID-19 tại Mỹ tăng 70% trong tuần lễ trước và số người chết tăng 26%, những vụ bùng phát xảy ra tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nói trong một cuộc họp báo.

    Tính trung bình trong 7 ngày, số ca nhiễm hàng ngày hiện trên 26.000, hơn hai lần thời điểm tháng 6 là khoảng 11.000 ca, theo dữ liệu của CDC.

    “Hiện đang trở thành đại dịch của những người không tiêm chủng,” bà nói và cho biết thêm là 97% những người nhập viện vì COVID tại Mỹ là những người chưa tiêm chủng.

    Bà Walensly nói ngày càng có nhiều quận trên toàn nước Mỹ có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, đảo ngược một cách đáng kể sự sụt giảm trong những tháng qua.

    Cứ 5 ca mới thì có khoảng 1 ca tại Florida, điều phối viên đáp ứng COVID-19 của Tòa Bạch Ốc, ông Jeff Zients, nói.

    Biến thể Delta, lây nhiễm hơn nhiều so với COVID-19 nguyên thủy, được phát hiện tại khoảng 100 nước trên thế giới và hiện là biến thể chế ngự trên toàn thế giới, chuyên viên bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci nói.

    Bà Walensky kêu gọi những người Mỹ chưa chích ngừa nên đi tiêm vaccine COVID-19, và nhấn mạnh vaccine Pfizer và Moderna đã chứng tỏ đặc biệt hữu hiệu chống biến thể Delta.

    Bà cho biết Mỹ có đủ vaccine trong tay để tiêm vaccine tăng cường nhưng hiện đang xem xét để quyết định xem vaccine tăng cường có cần thiết hay không.

    Covid-19: Ca nhiễm tại Pháp tăng nhanh trở lại dưới tác động của biến thể Delta


    Lần đầu tiên kể từ cuối tháng Năm, số ca nhiễm hàng ngày tại Pháp đã lại vượt ngưỡng 10.000 vào hôm qua, 16/07/2021. Theo giới chức y tế Pháp, biến thể Delta (đến từ Ấn Độ) là nguyên nhân làm cho dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại trong những ngày gần đây.

    Theo số liệu của cơ quan y tế Pháp Santé Publique France, trong vòng 24 giờ, đã có ít nhất 10.908 người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Sars-CoV-2. Số liệu tăng vọt này bắt nguồn từ việc xét nghiệm đã được thực hiện nhiều hơn để bù lại ngày nghỉ lễ Quốc Khánh 14/07, khi số xét nghiệm được thực hiện ít hơn. Thế nhưng, nếu tính theo thời gian 7 ngày vừa qua, các ca nhiễm đã tăng gần gấp đôi, lên đến 40.562 trường hợp, so với 23.039 ca của bảy ngày trước đó.

    Ngưỡng 10.000 ca mới hàng ngày đã không bị vượt qua kể từ cuối tháng Năm. Biến thể Delta rất dễ lây lan là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp mới này ở Pháp.

    Số người nhập viện vì Covid-19 trong 24 tiếng đồng hồ cũng tăng thêm 220 bệnh nhân, và thêm 33 trường hợp mới được đưa vào khoa điều trị tích cực. Số ca tử vong cũng tăng thêm 22 người, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở Pháp lên thành 111.480 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2020.

    Anh Quốc: Số ca nhiễm hàng ngày vượt mức 50.000


    Tại Vương Quốc Anh, một trong những nước bị Covid-19 tác hại nặng nề nhất ở châu Âu, với 128.500 ca tử vong, cũng chứng kiến ​​đà lây nhiễm tăng cao trong nhiều tuần, thậm chí vượt quá 50.000 trường hợp hàng ngày vào hôm qua 16/07, điều từng thấy kể từ tháng Giêng.

    Olympic Tokyo 2020: Ca nhiễm Covid đầu tiên ở Làng Thế Vận

    Còn tại Nhật Bản, ban tổ chức Thế Vận Hội Tokyo 2020 vào hôm nay, 17/07/2021 thông báo đã ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Làng Thế Vận ở thủ đô Tokyo.

    Từ thủ đô Nhật Bản, thông tín viên RFI Frédéric Charles cho biết thêm chi tiết:

    “Ban tổ chức Thế Vận Hội Tokyo xác nhận là một người nước ngoài làm việc tại Làng Thế Vận đã bị xét nghiệm dương tính với Covid-19. Quốc tịch của bệnh nhân không được tiết lộ.

    Các vận động viên chỉ mới bắt đầu đổ về Làng Thế Vận. Đa phần trong tổng số khoảng 11.000 người sẽ ở đó từ ngày 23 tháng 7 đến ngày mùng 8 tháng 8 tới đây. Các vận động viên đến Tokyo 5 ngày trước khi các cuộc tranh tài của họ bắt đầu, và sẽ rời Nhật Bản ngay sau đó.

    Cho đến hôm nay, đã có bốn chục người tham gia Thế Vận Hội bị xét nghiệm dương tính với virus, nhưng đây là lần đầu tiên mà một ca nhiễm được phát giác tại Làng Thế Vận.

    Giám đốc điều hành Thế Vận Hội Tokyo 2020 Toshiro Muto tuyên bố không biết là người bị nhiễm đó đã được chích ngừa hay chưa, nhưng điều quan trọng là phải phản ứng ngay lập tức.

    Cách nay hai hôm, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO Thomas Bach đã tuyên bố rằng những ai ở trong Làng Thế Vận mà bị xét nghiệm dương tính với Covid-19 đều bị cách ly ngay lập tức, và nguy cơ đối với những người còn lại trong làng hoàn toàn không có.”

    Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có thể ghé Trung Quốc nếu sắp xếp ổn thoả

    Hoa Kỳ đang thảo luận với Trung Quốc về khả năng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ghé thăm Bắc Kinh cuối chuyến công du châu Á sắp tới nếu mọi việc sắp xếp ổn thỏa, một quan chức cao cấp Bộ Ngọai giao Mỹ cho biết ngày 16/7.

    Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/7 loan báo bà Sherman sẽ đi thăm Nhật, Hàn Quốc và Mông Cổ vào tuần tới, nhưng không đề cập đến chặng dừng chân tại Trung Quốc, trái với dự đoán của báo chí và giới chính sách ngoại giao.

    Quan chức được Reuters dẫn thuật với điều kiện ẩn danh cho biết có đủ thời gian trong lịch trình để bà Sherman ghé Trung Quốc, và nếu có bổ sung thêm chặng dừng chân này thì mọi chuyện sẽ diễn ra vào cuối chuyến đi.

    Vẫn theo nguồn tin này, đây là “một thời điểm thách thức” trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng Washington luôn luôn mở rộng giao tiếp với Trung Quốc nếu thiết yếu.

    Hoa Kỳ và Trung Quốc ít có các cuộc tiếp xúc cấp cao, trực diện kể từ sau cuộc họp ngoại giao cấp cao đầu tiên dưới chính quyền Biden vào tháng Ba tại Alaska, nơi phía Trung Quốc bày tỏ giận giữ về những chế tài Mỹ loan báo ngay trước cuộc họp.

    Nếu bà Sherman ghé Trung Quốc thì việc này diễn ra không bao lâu sau khi Washington áp đặt thêm những chế tài mới. Hôm 16/7 Mỹ đưa vào danh sách đen 7 quan chức Trung Quốc về việc Bắc Kinh đàn áp dân chủ tại Hong Kong, trong nỗ lực buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành động làm xói mòn pháp trị tại cựu thuộc địa Anh.

    Thượng nghị sĩ Marco Rubio đề nghị giúp Black Lives Matter chuyển đến Cuba


    Ngày 14/7, Black Lives Matter đã đưa ra một tuyên bố đứng về phía chính phủ Cuba chống lại những người biểu tình đòi tự do và phán đối chế độ chuyên quyền.

    Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã đề nghị giúp các nhà hoạt động Black Lives Matter chuyển đến Cuba sau khi tổ chức này đăng một thông điệp dường như đứng về phía chế độ độc tài của đất nước thay vì ủng hộ những người biểu tình đòi tự do.

    "Văn phòng của tôi sẵn sàng giúp các nhà lãnh đạo của tổ chức Black Lives Matter di cư đến #Cuba", đảng Cộng hòa Florida đã tweet hôm thứ Năm ngày 15/7.

    Vào đêm thứ Tư ngày 14/7, Black Lives Matter đã đưa ra một tuyên bố lên án Hoa Kỳ về lệnh cấm vận kinh tế áp đặt lên đảo quốc này và dường như đổ lỗi cho Hoa Kỳ về tình trạng bất ổn trên đường phố Cuba khiến ít nhất một người thiệt mạng.

    Một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Rubio, đã lên tiếng chỉ trích tổ chức này và nói rằng Black Lives Matter đứng về phía chủ nghĩa cộng sản chứ không phải Hoa Kỳ.

    "Một nhóm người tham nhũng được gọi là Black Lives Matter hôm nay đã tạm dừng việc kiếm hàng triệu USD từ các tập đoàn Hoa Kỳ, mua biệt thự để quay sang chia sẻ và ủng hộ chế độ độc tài ở #Cuba", Thượng nghị sĩ Rubio, người gốc Cuba, đăng trên mạng xã hội để đáp lại tuyên bố Black Lives Matter.

    Theo các nguồn tin, Chủ nhật ngày 11/7, các cuộc biểu tình bùng nổ tại 35 thành phố lớn của Cuba với hàng nghìn cư dân tràn xuống đường phản đối chính phủ về thảm cảnh kinh tế và làn sóng dịch bệnh COVID mất kiểm soát. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Cuba trong hơn 30 năm qua.

    Trong cùng ngày, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã phát biểu trên truyền hình đổ lỗi cho lệnh cấm vận của Mỹ là nguyên nhân gây ra sự nghèo đói và bất ổn xã hội, đồng thời kêu gọi các nhà cách mạng chống lại những người biểu tình chống chính phủ trên đường phố.

    Lực lượng chính phủ đã hành động để đàn áp, bắn hơi cay và bắt giữ hàng trăm người biểu tình, Just the News đưa tin.

    Tuy nhiên, theo Fox News, hôm thứ Tư ngày 14/7, trên truyền hình, ông Díaz-Canel đã thừa nhận những thiếu sót của chính phủ dẫn đến tình trạng bất ổn ở nước này. Ông nói, những thất bại của chính phủ của ông đóng một vai trò trong các cuộc biểu tình về tình trạng thiếu lương thực và các vấn đề khác.

    "Chúng tôi phải rút kinh nghiệm từ những xáo trộn. Chúng tôi cũng phải thực hiện một phân tích quan trọng về các vấn đề của mình để hành động và khắc phục, đồng thời tránh sự lặp lại của chúng", ông Díaz-Canel nói.

    Theo BBC, Mỹ - quốc gia có lịch sử thù địch hàng chục năm với Cuba - nói, họ đứng về phía người dân Cuba, đồng thời kêu gọi những người trong chính phủ kiềm chế bạo lực và lắng nghe người dân.

    Biểu tình ở Cuba: 5.000 người bị bắt, cảnh sát nhắm mục tiêu vào các lãnh đạo tôn giáo

    Xuân Lan (TríThứcVN) 15/07/2021 theo Breitbart News — Truyền thông độc lập xác nhận chính quyền Cuba đã bắt giữ ít nhất 5.000 người kể từ khi các cuộc biểu tình chống chủ nghĩa cộng sản nổ ra ở Cuba vào Chủ nhật, Breitbart News đưa tin.


    Nhóm nhân quyền Bảo vệ Tù nhân Cuba hôm thứ Tư đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc danh sách 162 người bị nghi là nạn nhân của những vụ mất tích cưỡng bức , có nghĩa là gia đình của họ đã thông báo họ mất tích, nhưng cảnh sát chưa xác nhận việc họ bị bắt.

    Cảnh sát Cuba thường xuyên bắt giữ những cá nhân được cho là chống lại Đảng Cộng sản vì tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, vì hành nghề báo chí hoặc liên quan đến các nhóm tôn giáo không do Đảng kiểm soát. Đài quan sát Nhân quyền Cuba, một tổ chức phi chính phủ, tiết lộ trong một báo cáo được công bố trong tháng này rằng Cuba đã thực hiện hơn 30.000 vụ bắt giữ tùy tiện đối với những người bất đồng chính kiến ​​trong 5 năm qua.

    Các cuộc biểu tình nổ ra ở Cuba hôm Chủ nhật kêu gọi chấm dứt chế độ cộng sản đã thu hút hàng nghìn người ở gần như mọi thành phố lớn của đất nước. Đáp lại, cảnh sát Cuba được cho là đã nổ súng vào những người biểu tình, đánh đập họ công khai, dùng chó tấn công, và bắt giữ trên diện rộng.

    Chủ tịch Miguel Díaz-Canel, người đại diện cho bộ mặt công khai của chế độ gia đình Castro, cũng kêu gọi bất cứ ai ủng hộ chế độ tấn công những người biểu tình trên đường phố theo một “lệnh chiến đấu” được ban hành vào cuối ngày Chủ nhật.

    Hãng tin độc lập của Cuba 14 y Medio hôm thứ Tư đã trích dẫn các tổ chức xã hội dân sự, cho biết họ có thể xác nhận “hơn 5.000 người bị bỏ tù hoặc bị điều tra” sau các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật, trong số đó có nhiều các nhà báo độc lập và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.

    Tờ báo cũng nói rằng việc chế độ ngừng hoạt động internet khiến thông tin liên lạc trên khắp hòn đảo trở nên khó khăn hơn nhiều, vì vậy có khả năng cao là một số lượng lớn khác đã tham gia biểu tình nhưng “mất tích” mà không được báo cáo, hoặc người thân của họ không thể liên lạc với các nhà báo để báo cáo họ mất tích.

    Công dân Cuba trên khắp đất nước đang bày tỏ lo ngại về nguy cơ người thân của họ đã chết. Các thông tin trên mạng xã hội cho rằng bệnh viện không cho phép người nhà vào thăm bệnh nhân đang điều trị vết thương do đạn bắn.

    Chính quyền Cuba đã thừa nhận một người chết trong cuộc biểu tình hôm thứ Tư. Các nhà chức trách không tiết lộ nguyên nhân tử vong.

    Ngoài việc nhắm vào các nhà báo và thành viên của các nhóm xã hội dân sự nổi tiếng, các đặc vụ của chế độ Cuba đã hành hung và bắt giữ nhiều lãnh đạo tôn giáo.

    Trường hợp nổi bật nhất cho đến nay xảy ra ở Camagüey, nơi Cha Castor José Álvarez Devesa, một linh mục Công giáo đã bị đánh đập công khai trước khi mất tích gần 24 giờ. Ông Álvarez xuất hiện lại vào cuối ngày thứ Hai sau một chiến dịch quốc tế yêu cầu cung cấp thông tin của ông.

    Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã ghi nhận một số cuộc tấn công có chủ đích khác nhằm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo trên đảo trong một tuyên bố hôm thứ Ba.

    “Những người được báo cáo là bị giam giữ bao gồm Yeremi Blanco và Yarian Sierra, hai mục sư từ Phái bộ Baptist Berean ở Matanza và Mục sư Yusniel Pérez Montejo của Công ước Baptist Phương Đông,” USCIRF lưu ý.

    “Chính quyền Cuba đang giam giữ các nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ vì biểu tình hòa bình và kêu gọi tôn trọng nhân quyền hơn”, Ủy viên USCIRF James W. Carr cho biết trong một tuyên bố. “Trọng tâm trong số các quan ngại về nhân quyền ở Cuba là các vi phạm liên tục và có hệ thống đối với tự do tôn giáo, bao gồm cả việc đe dọa và quấy rối dai dẳng các nhà lãnh đạo tôn giáo.”

    Liên minh Tự do Toàn cầu, một nhóm thực hiện các hoạt động pháp lý để bảo vệ các tín hữu trên đảo, cũng đã chia sẻ các báo cáo hôm thứ Ba rằng các thành viên của Hiệp hội Yorubas tự do của Cuba, hay Yorubas tự do, cũng mất tích trong các cuộc biểu tình.

    Vào thứ Tư, Liên minh Tự do Toàn cầu cũng đã báo cáo về sự biến mất của một mục sư Giám lý, Carlos Raúl Macías López, và gia đình của ông.

    Trong khi những người theo đạo Thiên chúa trên đảo phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng, thì Vatican vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về các cuộc biểu tình hoặc bạo lực nhà nước. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Cuba với sự chúc phúc của Đảng Cộng sản, nhận được lời khen ngợi từ Fidel Castro.

    Mỹ tái khẳng định cam kết với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

    Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương và sẽ giao tiếp chặt chẽ với khu vực, Toà Bạch Ốc cho biết ngày 16/7.

    Phát biểu của ông Biden được đưa ra khi tham dự trực tuyến cuộc họp thượng đỉnh không chính thức của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dưới sự chủ tọa của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.

    Theo Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden hoan nghênh cơ hội giao tiếp trực tiếp với các nhà lãnh đạo APEC và lưu ý tầm quan trọng của việc hợp tác đa phương, đồng thời nhắc lại cam kết của ông về một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

    Tòa Bạch Ốc cho biết thêm là Tổng thống Biden đề ra những biện pháp chấm dứt đại dịch và phác họa chiến lược vaccine toàn cầu, mà qua đó Mỹ trao tặng hơn nửa tỉ liều vaccine an toàn và hiệu nghiệm cho hơn 100 nước đang cần vaccine trên toàn thế giới, một vài nước trong số này thuộc các nền kinh tế APEC.

    Ông Biden nói rõ là Mỹ trao tặng chớ không bán vaccine, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị hay kinh tế nào trong việc trao tặng vaccine. Ông nói mục đích duy nhất của nước Mỹ là cứu mạng người.

    Tổng thống Biden cũng thảo luận với các nhà lãnh đạo APEC về tầm quan trọng của việc đầu tư tốt hơn vào an ninh y tế trên toàn thế giới và chuẩn bị để thế giới có thể sẵn sàng khi đối mặt với đại dịch trong tương lai.

    Vẫn theo Tòa Bạch Ốc, về vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu, Tổng thống Biden tái xác nhận Mỹ mong muốn là một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy đối với những nền kinh tế APEC giữa lúc Hoa Kỳ theo đuổi tăng trưởng bền vững và toàn diện.

    Dịp này, ông Biden cũng bàn về các phương cách đẩy mạnh sức mạnh kinh tế khu vực và tăng cường giao tiếp kinh tế của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm một loan báo mới đây về đối tác Xây Dựng Lại Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn mà qua đó sẽ cung cấp các hạ tầng cơ sở tiêu chuẩn cao, thích hợp với khí hậu và được tài trợ minh bạch, cho các nền kinh tế APEC cần được hỗ trợ.

    Lũ lụt chưa từng thấy tại Tây Âu, hơn 150 người thiệt mạng


    Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg bị thiệt hại nặng hơn cả. Tính đến sáng ngày 17/07/2021 có tổng cộng 153 người thiệt mạng tại bốn quốc gia kể trên. Bỉ thông báo có 20 người chết. Còn tại Đức là 133 người nhưng cảnh sát Đức lo ngại thiệt hại sẽ nghiêm trọng hơn thế nữa, đặc biệt là tại thành phố Koblenz, bang Rheinland-Pfalz, miền tây nước Đức.

    Tại đây từ đêm Thứ Tư 14/07/2021 mực nước đã dâng lên trong vài giờ, cuốn trôi nhà cửa, cây cối, xe cộ trước sự bất lực của người dân địa phương. Hàng ngàn người phải sơ tán. Chính phủ Đức thành lập một quỹ đặc biệt hỗ trợ nạn nhân. Thiệt hại vật chất ước tính lên tới hàng tỷ đô euro. Thủ tướng Merkel, vừa kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ, dự trù đến thị sát tình hình tại chỗ.

    Đặc phái viên đài RFI Pascal Thibaut từ Rheinland-Pfalz tường thuật về nỗi cơ cực chưa từng thấy mà người dân Đức phải đối mặt từ sau Thế Chiến Thứ Hai :

    « Những tiếng còi báo động của xe cứu hộ hú liên hồi. Dân cư tại đây không ngừng tay quét dọn nhà cửa, hay cửa hàng bị tàn phá. Đồ đạc nội thất còn lại thì được chất đống trên vỉa hè. Máy bơm nước hoạt động hết công sức để sấy khô tầng hầm. Người qua đường bùn lấm lem, mệt mỏi nhưng vẫn miệt mài làm việc không ngừng.

    Trạm xăng nhỏ của Peter Heinke bị nước lũ phá tan hoang. Cửa hàng chỉ còn lại là một đống ngổn ngang đổ nát. Ông nói : « Tất cả gần như hỏng hết. Chỉ có những chai rượu là còn trụ lại trên các quầy hàng. Chúng tôi chưa liên lạc được với ai cả. Không biết mọi việc rồi sẽ ra sao. Không biết về mặt tài chính sẽ xoay sở như thế nào. Tôi mất việc làm, mất hết. Chỉ còn lại chút hy vọng thôi ».

    Hai phụ nữ trẻ, mặc áo vét bằng da bó sát người, chân đi ủng. Trông họ khá lịch sự nhưng cũng lấm lem đầy bùn trên người. Natalia tự cho phép mình nghỉ ngơi một chút và cô tranh thủ đi thăm con. Chúng đang trú ngụ bên bà ngoại. Natalia cho biết, cô không có ý định bỏ vùng này đi định cư nơi khác và hy vọng là sẽ làm lại từ đầu.

    Dân cư tại đây đang bám víu vào hy vọng trong khi chờ đợi được giúp đỡ và công cuộc tái thiết sẽ đòi hỏi nhiều thời gian ».

    Việt Nam ‘tin tưởng Cuba’, còn Trump lên án Biden


    Lực lượng đặc biệt tuần tra bờ biển Malecon khi mọi người qua lại ở Havana, Cuba

    Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam hôm 16/7 nói Việt Nam biết tại Cuba "đã xảy ra một số cuộc biểu tình gây mất trật tự nhưng tình hình đã ổn định trở lại ngay sau đó".

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về biểu tình ở Cuba ngày 11/7.

    Bà nói:

    "Chúng tôi được biết ngày 11/7 vừa qua đã xảy ra một số cuộc biểu tình gây mất trật tự ở Cuba, nhưng tình hình đã ổn định trở lại ngay sau đó."

    "Việt Nam luôn quan tâm và tin tưởng Cuba sẽ vượt qua các khó khăn kinh tế - xã hội hiện nay do đại dịch Covid-19 và hậu quả của bao vây cấm vận, thực hiện thành công quá trình cập nhật hoá mô hình kinh tế - xã hội, phát huy các thành tựu to lớn của đất nước về giáo dục, y tế và khoa học công nghệ."

    Bà nhấn mạnh:

    "Việt Nam kêu gọi Mỹ chấm dứt chính sách thù địch và lệnh cấm vận đơn phương về kinh tế và tài chính chống Cuba. Các biện pháp bao vây cấm vận trong gần 60 năm và được thắt chặt trong thời gian qua chỉ làm trầm trọng hơn các khó khăn kinh tế - xã hội của nhân dân Cuba. Mỹ cần có bước đi cụ thể theo hướng bình thường hoá quan hệ với Cuba, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hoà bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới."

    Chính trị Hoa Kỳ

    Truyền thông phương Tây như Reuters nói hàng nghìn người Cuba đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản, hạn chế quyền tự do dân sự và việc chính phủ xử lý gia tăng ca nhiễm Covid-19.

    Tại Hoa Kỳ, và đặc biệt là ở Florida, nơi có đông cộng đồng người Cuba lưu vong, những người biểu tình cũng tổ chức các cuộc biểu tình, vẫy cờ Cuba và kêu gọi thay đổi.

    Người Mỹ gốc Cuba tham gia biểu tình ủng hộ người biểu tình ở Cuba tại Miami, Florida, Hoa Kỳ, ngày 16 tháng 7 năm 2021

    Trước các cuộc biểu tình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Năm đã gọi Cuba là một "quốc gia thất bại" đang "đàn áp công dân của họ".

    Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel nói hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ, chứ không phải Cuba, mới là một quốc gia thất bại.

    "Nếu Tổng thống Joseph Biden có quan tâm nhân đạo chân thành đối với người dân Cuba, ông ấy có thể loại bỏ 243 biện pháp mà Tổng thống Donald Trump đã thực hiện, bao gồm hơn 50 biện pháp được áp đặt một cách tàn nhẫn trong đại dịch Covid-19 như một bước đầu tiên để chấm dứt phong tỏa."

    Trong khi đó, Ben Rhodes, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, đã thúc giục Joe Biden hành động.

    "Người Cuba đã dũng cảm bày tỏ sự thất vọng của họ và thực hiện các quyền phổ quát của họ theo những cách thực sự truyền cảm hứng. Chúng ta nên suy nghĩ về những gì chúng ta có thể làm để giúp họ," Rhodes đã tweet vào thứ Ba.

    Ông này ủng hộ việc khôi phục kiều hối và việc đi lại, đồng thời đưa nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ trở lại Havana.

    Biden còn là phó tổng thống khi Barack Obama làm tan băng quan hệ với Cuba vào năm 2014, mở lại các cơ quan đại diện ngoại giao, cho phép khách du lịch Mỹ đến thăm Cuba.

    Trump lên án Biden


    Tuy nhiên, giới quan sát cho biết vào lúc này, môi trường chính trị Mỹ khó cho phép Tổng thống Biden cắt giảm các biện pháp trừng phạt mà người tiền nhiệm Donald Trump đã áp đặt.

    "Chính quyền Biden đang phản bội những người dân Cuba yêu tự do. Tôi đã chiến đấu vì Cuba, họ đã không chiến đấu", ông Trump vừa nói hôm thứ Năm.

    Tuyên bố của ông Donald Trump hôm 15/7 viết:


    "Việc chính quyền Biden từ chối lên án mạnh mẽ Chủ nghĩa Cộng sản và Chế độ Cộng sản Cuba là một tội ác quốc gia. Đề xuất ngớ ngẩn của Chính quyền Biden rằng người Cuba đang phản đối sự quản lý yếu kém của chính phủ - chứ không phải sự áp bức tàn bạo của Cộng sản - là một sự xúc phạm đối với mọi người yêu nước Cuba, những người đã phải chịu đựng, bị cầm tù hoặc chết để theo đuổi tự do."

    "Chính quyền Biden đang phung phí một cơ hội lịch sử để đấu tranh cho tự do và nhân quyền trong khu vực quê hương của chúng ta. Chính quyền Biden đang phản bội những người dân Cuba yêu tự do. Tôi đã chiến đấu cho Cuba, họ đã không chiến đấu," ông Trump viết trong thông cáo.

    Theo một số nhà phân tích, đảng Dân chủ có thể cần sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Cuba chống Havana mạnh mẽ để duy trì quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2022.

    Vì vậy, hầu hết các đảng viên Đảng Dân chủ hiện đang thúc giục Joe Biden giữ thái độ cứng rắn trong chính sách Cuba tức là để nguyên các chính sách thời Donald Trump.

    Không có nhận xét nào