Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 05 tháng 7 năm 2021

    Giáo hoàng Francis 'phản ứng tốt' với ca phẫu thuật tại Rome

    Vatican cho biết Giáo hoàng Francis đã trải qua một cuộc phẫu thuật thành công để điều trị bệnh viêm túi thừa đại tràng tại một bệnh viện ở Rome.

    Người phát ngôn Matteo Bruni của Vatican cho biết, vị giáo hoàng 84 tuổi "phản ứng tốt" với phương pháp điều trị được tiến hành dưới hình thức gây mê toàn thân.

    Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng Francis nhập viện kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2013.

    Trước đó vào Chủ nhật, vị Giáo hoàng người Argentina đã phát biểu trước hàng nghìn người tại Quảng trường St Peter.

    Trong thông báo trước đó, Vatican cho biết Giáo hoàng Francis đang được điều trị chứng "túi thừa" đại tràng tại Bệnh viện Đại học Gemelli.

    Túi thừa đại tràng là chứng bệnh với sự xuất hiện các chỗ phồng lên ở ruột. Điều đó có thể khiến đại tràng bị hẹp.

    Triệu chứng của bệnh này bao gồm đầy hơi, đau bụng tái diễn và đi ngoài bất thường.

    Vatican không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc phẫu thuật cũng như Đức Giáo hoàng sẽ nằm viện trong bao lâu.

    Suốt buổi làm lễ ngày Chủ nhật tại Quảng trường St Peter, Đức Giáo hoàng thông báo rằng ông sẽ đến Slovakia vào tháng 9 sau khi cử hành thánh lễ ở Budapest, thủ đô của nước láng giềng Hungary.

    Sinh năm 1936 tại Buenos Aires, Giáo Hoàng Francis từng phải cắt bỏ một phần phổi phải khi chỉ mới 21 tuổi.

    Ngoài ra, ông còn chịu đựng cơn đau hông và chứng đau thần kinh tọa, gây ra những cơn đau tại lưng dưới và chân.

    Năm 2014, ông đã phải hủy bỏ một số lịch trình vì bệnh dạ dày.

    Vụ tấn công vào Kaseya, Mỹ : Nhóm tin tặc REvil đòi 70 triệu đô la tiền chuộc


    Nhóm tin tặc REvil, có liên hệ với Nga và bị nghi là thủ phạm một vụ tấn công mạng quy mô lớn gây ảnh hưởng tới hàng trăm, hàng ngàn công ty trên thế giới, tối hôm qua, 04/07/2021, đòi tổng số tiền chuộc 70 triệu đô la. Đổi lại REvil sẽ khôi phục cho các nạn nhân những dữ liệu mà họ đã đánh cắp, theo một nội dung được đăng tải trên Dark net, hệ thống mạng được mã hóa.

    Reuters dẫn lời Allan Liska, nhà nghiên cứu về an ninh của công ty Mỹ chuyên về an ninh mạng và phân tích dữ liệu, Recorded Future, cho rằng thông tin đăng tải trên Dark net « dường như chắc chắn » là của những người đứng đầu nhóm tin tặc REvil. Nhưng hiện giờ, khi Reuters tìm cách liên lạc, nhóm REvil vẫn chưa hồi đáp.

    FBI tối thứ Bảy 03/07 thông báo đã mở một cuộc điều tra và phối hợp với Cơ quan an ninh mạng và an ninh hạ tầng cơ sở của Mỹ (CISA) và các cơ quan khác để tìm hiểu về quy mô, tầm mức mối đe dọa. Chính tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đích thân ra lệnh mở điều tra, đặc biệt để xác định xem vụ tấn công có được thực hiện từ Nga hay không.

    Thứ Sáu 02/07, công ty Kaseya, chuyên về công nghệ thông tin và phần mềm quản lý, có trụ sở tại Miami, là nạn nhân của một vụ tấn công mạng lớn, gây phản ứng dây chuyền nhanh chóng làm tê liệt máy tính của hàng ngàn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của Kaseya trên toàn thế giới. Các chuyên gia an ninh mạng nhanh chóng nhận định thủ phạm vụ tấn công là nhóm REvil.

    Công ty Kaseya hiện đang tích cực làm việc 24 giờ/24 tại tất cả các khu vực trên thế giới để giải quyết sự cố và tái lập dịch vụ. Kaseya hy vọng, sau 24-48 tiếng đồng hồ, có thể tái lập hoạt động cho các doanh nghiệp khách hàng bằng phần mềm từ xa và tìm giải pháp để khách hàng có thể sử dụng trực tiếp phần mềm ngay từ máy tính của doanh nghiệp.

    Hồi tháng 06, chi nhánh Hoa Kỳ của tập đoàn chế biến thịt của Brazil JBS đã phải trả khoản tiền chuộc 11 triệu đô la sau khi bị REvil tấn công.

    Lễ Độc Lập: TT Biden khẳng định dịch bệnh đã bị đẩy lùi, nhưng cuộc chiến « chưa kết thúc »

    Hôm qua, 04/07/2021, nước Mỹ mừng Lễ Độc Lập gần như bình thường đầu tiên kể từ đầu đại dịch, nhưng chính quyền cảnh giác trước nguy cơ dịch bùng trở lại. Trong diễn văn nhân dịp này, tổng thống Joe Biden đã ca ngợi các tiến bộ đạt được, khẳng định dịch bệnh đã được đẩy lùi, đồng thời kêu gọi những người lưỡng lự nhanh chóng tiêm chủng. Ông Biden nhấn mạnh đi chích ngừa là « hành động yêu nước nhất » trong bối cảnh hiện nay.

    Thông tín viên Loubna Anaki tường trình từ Washington :

    « Hôm nay chúng ta vinh danh nước Mỹ ». Dịp vinh danh nước Mỹ và ngày lễ Độc Lập năm nay có một hương vị đặc biệt. Đối với tổng thống Mỹ, người từng hứa rằng dịp kỉ niệm mùng 4 tháng Bảy năm nay sẽ trở lại gần như bình thường, điều quan trọng là khẳng định những tiến bộ đã đạt được kể từ đầu đại dịch. Tổng thống Joe Biden nói : « Năm nay, dịp mùng 4 tháng Bảy là một dịp kỉ niệm đặc biệt hơn, bởi chúng ta đã thoát khỏi tình trạng đen tối của một năm đại dịch và cô lập. Một năm khổ ải, sợ hãi và thương đau. Chúng ta đã vượt qua được chặng đường này ! ».

    Phát biểu từ Nhà Trắng, tổng thống Biden đồng thời nhấn mạnh đến cuộc chiến chống dịch còn chưa kết thúc : « Tôi khẩn nài quý vị, nếu quý vị còn chưa tiêm chủng, thì hãy đi đi ! Vì chính quý vị, vì người thân, vì cộng đồng mình, vì đất nước mình ».

    Tổng thống Joe Biden đã xác định mục tiêu 70% dân số sẽ được tiêm chủng vào dịp Quốc khánh. Tuy nhiên từ nhiều tuần nay, tỉ lệ này vẫn chỉ dậm chân tại chỗ xung quanh con số 65%. Khá nhiều người Mỹ hiện vẫn lưỡng lự không muốn tiêm chủng.

    Tổng thống Mỹ đã hứa ngày Quốc Khánh sẽ là dịp người dân có thể tổ chức các bữa ăn dã ngoại cùng với gia đình, và tham gia các cuộc tập hợp đông người. Đúng như hẹn, Chủ Nhật này, hàng triệu người Mỹ đã ăn mừng lễ Độc Lập như trước, hoặc gần như trước ».

    Đông đảo cư dân nhiều bang miền nam chưa muốn tiêm chủng


    Chính quyền Biden đặc biệt lo ngại trước việc đông đảo dân chúng ở nhiều bang miền nam không muốn tiêm chủng. Cho đến nay, tỉ lệ tiêm chủng ở nhiều bang chưa đạt 40%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc (64%). Ở bang Louisiana chỉ có 38% chích ngừa, ở Mississipi tỉ lệ này chỉ là 36%. Theo AFP, từ giữa tháng 6, số lượng ca nhiễm mới không giảm, trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh, chiếm 35% số ca nhiễm mới.

    Việt Nam ghi nhận 922 ca COVID-19 trong một ngày


    Bộ Y tế Việt Nam hôm 3/7 thông báo 922 ca nhiễm COVID-19, và theo Reuters, đây là con số nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên hồi tháng Một năm ngoái.

    Phần lớn các ca nhiễm trên được ghi nhận tại TP. HCM, nơi biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan đã được tiến hành trong bốn tuần qua, theo Reuters.

    Hãng tin Anh đưa tin thêm rằng tính tới ngày 3/7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 19.043 ca nhiễm và 84 trường hợp tử vong.

    Theo Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam (VGP News), Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 4/7 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch COVID-19.

    Ông Chính được dẫn lời nói rằng “tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó dự đoán, khó lường tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh, [và] nếu không có biện pháp điều chỉnh nhanh, tích cực, hiệu quả hơn thì tình hình sẽ mất kiểm soát”.

    Theo VGP News, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông “dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh...”

    Lở đất ở Nhật Bản, ít nhất 2 người chết và 20 người mất tích 


    Hãng tin Kyodo đưa tin, Nhật Bản đã nối lại các hoạt động tìm kiếm 20 người mất tích sớm ngày 4/7 sau khi các trận lở đất do mưa lớn gây ra ở thành phố Atami, miền trung nước này, làm ít nhất hai người thiệt mạng.

    Kyodo cho biết, khoảng 10 người đã được cứu sống, sau khi lũ quét và bùn đất làm đổ sập và gây hư hại cho các ngôi nhà ở thành phố biển cách thủ đô Tokyo 90 km về phía tây nam.

    Kyodo cho biết thêm rằng khoảng 80 ngôi nhà bị ảnh hưởng.

    Thủ tướng Yoshihide Suga đã triệu tập một lực lượng cứu hộ khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng.

    Ông Suga hôm 3/7 đã kêu gọi người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng luôn trong tình trạng cảnh giác.

    Tình trạng lũ lụt gợi nhắc các thảm họa tự nhiên tác động tới Nhật như động đất, núi lửa phun trào và sóng thần, trong bối cảnh thủ đô Tokyo sẽ khai mạc Thế vận hội mùa hè trong tháng này.

    Kyodo đưa tin, ông Suga và các thành viên nội các sáng ngày 4/7 đã họp bàn về thảm họa.

    Kyodo đưa tin, tính tới sáng 4/7, tại khu vực bị ảnh hưởng, nơi mưa thỉnh thoảng vẫn rơi, khoảng 387 người đã được sơ tán.

    Covid-19 : Nước Pháp trước nguy cơ một đợt dịch mới

    Với việc dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 30/06, người dân Pháp đang hy vọng sẽ hoàn toàn thoát khỏi đại dịch Covid-19 để dần dần trở lại một cuộc sống như trước đây. Nhưng mùa hè chỉ mới bắt đầu, thế mà mây đen lại bắt đầu xuất hiện ở chân trời.

    Một đợt dịch Covid mới, mà nhiều người gọi là đợt thứ tư, vào cuối mùa hè, đó là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra tại Pháp, theo dự báo của nhiều nhà khoa học. Thậm chí, theo bộ trưởng Y Tế Olivier Véran hôm qua, đợt thứ tư này có thể ập đến ngay từ cuối tháng 7.

    Những dự báo nói trên là dựa trên những gì đang diễn ra tại Anh Quốc hay Israel, những quốc gia mà dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại, mặc dù đây là hai nơi có tỷ lệ chích ngừa cao hơn Pháp : Anh Quốc là 65,48% dân số, Israel là 64,14%, theo các dữ liệu của Our World in Data ngày 27/06.

    Mối đe dọa biến thể Delta


    Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh France Inter ngày 30/06, giáo sư Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng Khoa học cố vấn cho chính phủ về phòng chống Covid-19, cảnh báo rằng, mặc dù số ca nhiễm mới tại Pháp hiện còn rất thấp, nhưng vào mùa hè năm ngoái, số ca nhiễm mới cũng thấp tương tự, thế mà đến tháng 9, nước Pháp lại phải đối phó với làn sóng thứ hai. Lý do rất đơn giản : vào mùa hè, người dân có xu hướng lơ là giãn cách xã hội, ít tuân thủ những quy tắc vệ sinh phòng dịch, số người di chuyển tăng cao, hậu quả là đến mùa nhập học, virus corona lại lây lan mạnh trong các trường.

    Năm nay, tình hình còn đáng ngại hơn do mối đe dọa của biến thể virus Delta, xuất phát từ Ấn Độ. Biến thể này có mức độ lây nhiễm cao hơn từ 40 đến 60% so với biến thể Alpha, xuất phát từ Anh và đã gây ra làn sóng dịch Covid thứ ba tại Pháp. Biến thể nguy hiểm này hiện đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các ca nhiễm mới, cụ thể là tính đến ngày 29/06 đã chiếm 20%. Theo dự báo của ông Arnaud Fontanet, giám đốc nghiên cứu của Viện Pasteur, trả lời trên đài truyền hình BFMTV, từ đây đến cuối tháng 8, từ 80% đến 90% ca nhiễm mới tại Pháp sẽ là do biến thể Delta.

    Trước mắt, theo cảnh báo của bộ trưởng Y Tế Olivier Véran trên mạng xã hội Twitter hôm qua, từ 5 ngày qua, mức độ lây nhiễm của virus corona không tiếp tục giảm nữa mà đang tăng trở lại. Số ca nhiễm mới mỗi ngày được ghi nhận hôm qua là 2.549 ca, cao hơn 64% so với Chủ nhật tuần trước. Trong vòng một tuần, số ca nhiễm mới đã tăng hơn 37%. Chính phủ Pháp đang rất lo ngại là tình hình dịch Covid-19 sẽ giống như ở Anh Quốc : từ khoảng 2.000, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này chỉ trong vài tuần đã tăng vọt lên gần 25.000 ca, mặc dù hơn phân nữa dân số Anh Quốc đã được tiêm chủng.

    Yếu tố quyết định : Tỷ lệ tiêm chủng

    Có một yếu tố có thể giảm nhẹ mức độ của làn sóng dịch thứ tư, đó là tỷ lệ chích ngừa Covid-19. Khác với năm 2020, đến đầu mùa hè năm nay đã có hơn phân nữa dân Pháp được tiêm ít nhất là một liều vac-xin và gần một phần ba dân số đã được chích ngừa hoàn toàn.

    Nhưng điều đó có thể vẫn chưa đủ để ngăn ngừa đợt dịch mới vào mùa thu tới, theo một nghiên cứu của Viện Pasteur, được công bố ngày 28/06. Đúng là nếu được chích hai liều vac-xin của Pfizer và AstraZeneca, chúng ta có thể tránh được các dạng nặng của Covid-19, nhưng tỷ lệ dân Pháp được tiêm chủng hoàn toàn hiện vẫn chưa đủ để ngăn chận dịch bùng phát mạnh trở lại. Theo các tác giả của nghiên cứu nói trên, những người không được chích ngừa có nguy cơ lây virus cao hơn gấp 12 lần so với những người đã được tiêm chủng. Như vậy, số người không được chích ngừa càng cao thì mức độ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 càng mạnh. Trong những tuần gần đây, nhịp độ chích mũi vac-xin đầu tiên tại Pháp đã chậm lại, khiến các nhà khoa học càng lo ngại là kịch bản đợt dịch mới sẽ trở thành hiện thực.

    Tuy vậy, với việc hàng triệu dân Pháp đã được chích ngừa, có thể là đợt Covid-19 mới sẽ không dữ dội như các đợt dịch trước, theo dự báo của giáo sư Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng Khoa học. Áp lực lên các bệnh viện sẽ không cao như năm ngoái, bởi vì cho dù không ngăn chận sự lây nhiễm virus corona, các vac-xin sẽ giúp chúng ta tránh được các dạng nặng của Covid-19 và như vậy sẽ không cần nhập viện.

    Bắt buộc chích ngừa nhân viên y tế ?

    Trên tờ Le Journal du Dimanche, số phát hành hôm qua, giáo sư Alain Fischer, đặc trách việc điều phối chiến dịch tiêm chủng ở Pháp, đã kêu gọi phải có hành động ngay từ bây giờ để tránh đợt Covid-19 mới. Theo giáo sư Alain Fischer, 15 ngày tới sẽ là giai đoạn có tính chất quyết định. Ông cảnh báo, do tỷ lệ chích ngừa sẽ không đủ để đạt đến miễn dịch cộng đồng ngay mùa hè này, rất có thể chính phủ sẽ phải đóng cửa các trường học và tái lập các biện pháp phong tỏa vào mùa thu.

    Như vậy, để tránh quay trở lại các biện pháp hạn chế đó, Pháp đang cố đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch chích ngừa, nhất là trong lứa tuổi 18-40, lứa tuổi mà tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất và tiến triển chậm nhất. Kể từ hôm nay, dân Pháp có thể hẹn chích liều vac-xin thứ hai ngay tại nơi nghỉ hè, nói chung là có thể hẹn ở bất cứ nơi nào.

    Trong bối cảnh này, giới chính trị và giới y tế tại Pháp đang tranh cãi với nhau về việc bắt buộc các y tá, bác sĩ,… phải chích ngừa Covid-19, bởi vì hiện nay còn rất nhiều người trong giới này chưa muốn được tiêm chủng vì không tin tưởng vào hiệu quả cũng như sự an toàn của các loại vac-xin hiện có. Hôm nay, chính phủ bắt đầu tham khảo ý kiến về vấn đề bắt buộc chích ngừa nhân viên y tế, đồng thời đang soạn thảo một dự luật theo hướng này.

    Cũng nhằm khuyến khích dân Pháp chích ngừa, chính phủ đang nghiên cứu khả năng sử dụng chứng nhận y tế nhiều hơn, cụ thể là sẽ bắt buộc trình chứng nhận y tế đối với những người tham gia các cuộc tập hợp dưới 1.000 người. Một khả năng khác cũng đang được xem xét đó là bắt những người không chích ngừa phải trả tiền xét nghiệm PCR. Nhưng Pháp chắc là sẽ không đi đến biện pháp cực đoan là bắt buộc toàn dân chích ngừa, vì như thế sẽ đụng chạm đến quyền tự do cá nhân. Như vậy là không biết bao giờ nước Pháp mới đạt được mục tiêu 80% dân số được tiêm chủng, để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi vĩnh viễn đại dịch đã làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta hơn một năm rưỡi nay.

    Afghanistan : Dân chúng hoảng loạn trước đà tiến nhanh của quân Taliban

    Người dân Afghanistan chạy đến huyện Panjwai, tỉnh Kandahar, để lánh nạn ngày 04/07/2021, sau khi quân Taliban chiếm một huyện khác của tỉnh này. AFP - JAVED TANVEER

    Chưa đầy ba tháng nữa là đến kỳ hạn rút hết binh sĩ nước ngoài khỏi Afghanistan, quân Taliban tiếp tục đánh chiếm, mở rộng kiểm soát các vùng, tăng cường tấn công nhắm vào tỉnh Badakhshan ở đông bắc, cũng như xung quanh thủ phủ tỉnh Kandahar ở phía nam.

    Tình hình an ninh mỗi lúc bất ổn, vào lúc liên quân tiếp tục chiến dịch triệt thoái trước khi đến kỳ hạn rút hết toàn bộ lính Mỹ và NATO là ngày 11/09/2021.

    Từ Kabul, thông tín viên đài RFI Sonia Ghezali tường thuật :

    « Có tin đồn rằng tỉnh Badakhshan dường như sắp rơi vào tay phe Taliban, nhưng nhà chức trách Afghanistan bác bỏ tin này. Trên các trang mạng xã hội, nhiều đoạn vidéo cho thấy hàng chục chiến binh Taliban, ngồi trên xe cảnh sát vẫy cờ mừng chiến thắng. Người ta thấy những nhóm người có vũ trang diễu hành cùng với các thiết bị quân sự mà họ đã chiếm được.

    Thật khó mà xác minh được tính xác thực của những hình ảnh này. Nhưng lời kể của những người dân chạy trốn những huyện đã rơi vào tay phe nổi dậy chứng thực cho những hình ảnh đó. Tại miền nam Afghanistan, vòng vây đang siết chặt thủ phủ tỉnh Kandahar. Phe Taliban đã kiểm soát được huyện Panjwai trong vài giờ qua.

    Theo truyền thông địa phương, phe nổi dậy dường như đã chiếm được khoảng một chục huyện chỉ trong vòng 24 giờ. Đà tiến như vũ bão của phe Taliban gây hoảng loạn trong dân chúng. Một nhạc sĩ trẻ tuổi ở Kabul cho biết anh vô cùng lo sợ trước đà tiến nhanh của Taliban. Anh cho biết sẽ chạy lánh nạn sang Pakistan láng giềng bằng đường bộ nếu như Taliban chiếm được toàn bộ một tỉnh.

    Mặt tái nhợt, anh nhớ lại quân Taliban, theo đạo Hồi toàn thống, khi cầm quyền tại Afghanistan trước đây, đã từng cắt tai các nhạc sĩ »;

    Hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan bỏ trốn sang Tadjikistan

    AFP trích dẫn thông cáo của Ủy Ban Nhà Nước về An ninh Quốc gia Tadjikistan ngày 05/07/2021, khẳng định « 1.037 binh sĩ quân đội Afghanistan đã thoái lui và chạy sang Tadjikistan để giữ mạng sống của mình sau nhiều trận giao tranh với phe Taliban ».

    Thông cáo nêu rõ, « các chiến binh Taliban đã giành quyền kiểm soát toàn bộ » 6 huyện của tỉnh Badakhshan, đông bắc Afghanistan, khu vực có chung 910 km đường biên giới với Tadjikistan.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào