Header Ads

  • Breaking News

    Trần Đình Hoành - Bình đẳng trong tư duy

    Ở Việt Nam chúng ta có hai từ nghệ sĩ và nghệ nhân. Hơi giống nhau, nhưng mà khác nhau. Nghệ sĩ là khi nào bạn học trong trường chính thống, được cấp bằng này bằng kia tử tế, và hành nghề đó trong môi trường chính thống – thường là có giấp phép hành nghề – thì gọi là nghệ sĩ như là các NS Ưu Tú hay NS Nhân Dân mà ta thường nghe đến, thường là các ca sĩ, nhạc sĩ… Nhưng nếu bạn học với một thầy mà không phải là trường chính thống, dù thầy đó nổi tiếng nhất nước, và trường của thầy ngay trong nhà thầy thì cả nước ai cũng biết, và bạn hành nghề kiểu không chính thống, như là chẳng chính thức có giấp phép ở đâu cả dù cả nước biết đến tên bạn, thì gọi là nghệ nhân, như nghệ nhân Hà Thị Cầu trong nghệ thuật hát xẩm.


    Chữ “sĩ” hay chữ “nhân” cũng dùng nhiều trong mọi lĩnh vực khác, như họa sĩ và nhà điêu khắc thì khác với nghệ nhân vẽ và nghệ nhân điêu khắc.

    Rõ ràng là thực chất và giá trị của công việc như nhau, nhưng người thì sĩ và kẻ thì nhân, và rất rõ ràng là sĩ thì được xem là cao hơn nhân. Nhân là người, sĩ là người trong cấp cao nhất của hệ cấp xã hội “sĩ nông công thương”. Bằng cử nhân có nghĩa là bạn có đủ khả năng để giới thiệu “người” khác. Bằng tiến sĩ, cao hơn cử nhân rất nhiều, có nghĩa là bạn có đủ khả năng để tiến cử “sĩ”, tức là giới thiệu người thuộc hàng cao nhất trong xã hội.

    Nghệ thuật chẳng biết trường học, bằng cấp, giấy phép, chính thống hay không chính thống, và người thưởng thức nghệ thuật – khán giả, thính giả, người thưởng ngoạn – cũng chẳng biết và chẳng cần biết mấy thứ đó. Họ chỉ cần biết hát hay không, tiếng đàn nghe hay không, tượng điêu khắc đẹp không…

    Mình chẳng hiểu tại sao chúng ta cần sĩ và nhân, thay vì gọi chung là sĩ để không tạo ấn tượng hệ cấp cao thấp, chia rẽ, hoàn toàn không cần thiết. Nhà binh thì cần phân biệt tướng và lính để biết ai là người chỉ huy. Phân biệt sĩ và nhân thì được gì?

    Mình học nhạc và chơi nhạc cả đời, nhưng chẳng chính thống chính thức gì cả, và mình thỉnh thoảng viết nhạc, và ký tên, à, tên mình thì đúng rồi, nhưng trước đó chẳng biết nên gọi mình là sĩ hay nhân, hay “bóng đèn” hay “tù mù”, cho nên… để trống cho được việc.

    Điều mình muốn nói chẳng chỉ là sĩ hay nhân mà là tinh thần trọng hình thức và trọng phân biệt trong cách chúng ta tư duy. Nên dẹp nó đi cho đời thêm giản dị. Và thêm đẹp.

    Tiếng Anh thì có doctor, lawyer, driver, engineer… thường chỉ là “er” thêm vào công việc để chỉ người làm việc. Phe ta thì có bác sĩ, học sĩ, viện sĩ (người hàng cao nhất), luật sư, kỹ sư… (sư là “thầy”), nhà điêu khắc, nhà tài trợ, nhà khoa học (nhà là to đùng như cái nhà đó các bạn), chuyên viên điện tử, chuyên viên cơ khí (chuyên viên là thấp rồi đó, nhỏ như viên đá thôi; phải là chuyên gia – nhà chuyên – thì mới lớn), tài xế, phụ lái, bán hàng, nấu ăn (trắng trơn, chẳng được chữ nào), thợ nề, thợ hồ, thợ cắt tóc (là thấp rồi đó, như trong câu “nửa thầy nửa thợ”), phu khuân vác, phu đào cống, phu hầm mỏ, phu quét đường, phu làm đường (rất thấp rồi, phu thì có tên mới là cu li – coolie – từ khi người Tây phương đến).

    Nếu chúng ta có thể có gì giống như “er” trong tiếng Anh, ví dụ dùng chữ “nhân” để thay thế cho mọi chữ khác, thì có lẽ vừa bình đẳng lại vừa nhân ái, trong cách nói cũng như trong tư duy sâu sắc. Trong thời gian chờ đợi, hãy cố gắng tập luyện tư duy bình đẳng mỗi ngày, với hệ thống chữ nghĩa chẳng bình đẳng chút nào.

    Chúc các bạn luôn thấy được “bình đẳng” và “bất đình đẳng” mỗi khi gặp các cậu trong ngày.

    Trần Đình Hoành

    Không có nhận xét nào