Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam Mật Chiến (Phần 2)

    Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ nguồn tiếng Trung “Cuộc chiến tranh bí mật ở Việt Nam: Ghi chép thực về việc Trung Quốc giúp đỡ cuộc chiến tranh 1950-1954 của Việt Nam”. Tác giả: Tiền Giang (Trung Quốc).

    Hình: La Quý Ba (ngoài cùng bên phải) cùng các lãnh đạo Việt Nam tại Chiến khu Việt Bắc (Pắc Bó) năm 1950. 

    Chương 2: Đại biểu liên lạc La Quý Ba nhận lệnh sang Việt Nam

    Khu vực có tên Trung Nam Hải ở Bắc Kinh là nơi đặt trụ sở Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quân ủy Trung ương, Chính phủ Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Chính hiệp Toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Toàn bộ khu này được một bức tường màu đỏ bao quanh. Các vị lãnh đạo Trung ương như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức cùng gia đình họ đều sinh sống và làm việc ở bên trong bức tường ấy. Trung Nam Hải rộng khoảng 100 hecta, một nửa là diện tích mặt nước của hai hồ có tên Trung Hải và Nam Hải. Thời nhà Minh, nhà Thanh gọi Trung Nam Hải là Tây Uyển, một trong những khu vườn cổ đẹp nhất Trung Quốc, từng là nơi ở của Thái hậu Từ Hy, Hoàng đế Quang Tự, địa điểm biểu tượng của quyền lực.

    Một ngày trung tuần tháng 12 năm 1949, La Quý Ba, Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được gọi tới phòng làm việc tại Trung Nam Hải của Lưu Thiếu Kỳ, Phó Chủ tịch Chính phủ, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Lưu Thiếu Kỳ nói: “Sau khi nghiên cứu kỹ và đã báo cáo Mao Chủ tịch, Trung ương chuẩn bị giao cho đồng chí một nhiệm vụ đặc biệt là đảm nhiệm chức trách đại biểu liên lạc của Đảng ta sang Việt Nam công tác. Đồng chí có ý kiến ​​gì không?

    La Quý Ba suy nghĩ một lúc rồi đáp: “Trước đây tôi chưa bao giờ làm công việc này, cho nên thiếu kinh nghiệm, sợ làm hỏng việc. Hơn nữa, còn chưa biết sẽ đi Việt Nam bao lâu.”

    Lưu Thiếu Kỳ nói: “Sang Việt Nam khoảng 3 tháng, chủ yếu nắm tình hình bên đó về báo cáo Trung ương. Có ba nhiệm vụ chính: thứ nhất, cảm ơn các đồng chí Việt Nam đã ủng hộ cách mạng Trung Quốc; thứ hai, xây dựng mối quan hệ giữa Trung ương hai đảng; thứ ba, điều tra tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa nhằm giúp Trung ương xác định phương châm và kế hoạch giúp Việt Nam. Hiện nay chúng ta biết quá ít về tình hình Việt Nam. Ta biết rằng thực dân Pháp sau khi quay lại Việt Nam đã chiếm được các đô thị và đường giao thông huyết mạch. Tại miền Bắc Việt Nam, quân Pháp đang lấn chiếm dần các căn cứ địa của Đảng Cộng sản Đông Dương, tình hình Việt Nam rất khó khăn. Trên quốc tế chưa có quốc gia nào thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lại càng chưa có nước nào viện trợ. Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam đang ở vào tình trạng địch mạnh ta yếu, cô lập, không có viện trợ. Trung ương cho rằng nhân dân các nước đã giành được thắng lợi cách mạng nên giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc. Viện trợ Việt Nam kháng chiến chống Pháp là nghĩa vụ quốc tế chúng ta không thể thoái thác. Hơn nữa, hiện nay thực dân Pháp đang cấu kết với tàn quân Quốc Dân Đảng và bọn thổ phỉ ở vùng biên giới tiến hành phong tỏa biên giới Trung-Việt, thường xuyên quấy rối gây tai họa cho vùng Vân Nam, Quảng Tây nước ta.”

    Nghe xong, La Quý Ba trả lời với khẩu khí của thế hệ cán bộ thời ấy: “Kiên quyết phục tùng quyết định của Trung ương.”

    La Quý Ba sinh năm 1907 trong một gia đình đang sa sút tại tỉnh Giang Tây. Năm 1926 gia nhập Quốc Dân Đảng, ít lâu sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham gia cuộc bạo động Thu Thu ở Cán Nam, sau đó làm Bí thư Huyện ủy Huyện Viễn. Năm 1930 chuyển sang công tác trong Hồng quân, làm Chính ủy Tung đội, rồi làm Quân đoàn trưởng Quân đoàn 35 khi mới 23 tuổi. Tham gia cuộc Vạn lý Trường chinh với chức vụ Chính ủy Tiểu đoàn, dọc đường được cử làm nhiệm vụ cảnh vệ cho Hội nghị Tuân Nghĩa nổi tiếng. Khi nổ ra Kháng chiến chống Nhật (năm 1937), La Quý Ba là Trưởng ban Dân vận sư đoàn 120 Bát Lộ Quân, rồi Chính ủy Lữ đoàn, Chính ủy và Tư lệnh Quân khu Lã Lương. La Quý Ba tính cách hiền lành, ít nói, làm việc thận trọng.

    Sau lần La Quý Ba gặp Lưu Thiếu Kỳ, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Dương Thượng Côn [sau này là Chủ tịch nước Trung Quốc thời gian 1988-1993] bố trí để La Quý Ba hội đàm với Hoàng Văn Hoan (hồi ấy lấy bí danh là Trần Xuân Phong), Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến Bắc Kinh trên đường đi Liên Xô. Sau đó La gặp Lý Ban và Nguyễn Đức Thụy đang nằm chờ ở Bắc Kinh, nghe họ giới thiệu tình hình Việt Nam. Cuối cùng La Quý Ba đến làm việc với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tổng Hậu cần thuộc Quân ủy Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên quyết viện trợ Việt Nam

    Cuối mùa thu năm 1949, Giải phóng quân tiến xuống các tỉnh Tây Nam Trung Quốc truy kích tàn quân Quốc Dân Đảng. Các nhà lãnh đạo tân Trung Quốc bắt đầu chú ý tới mối quan hệ với Việt Nam. Một bộ phận tàn quân Quốc Dân Đảng trốn sang Việt Nam và được quân đội Pháp bao che. Vì thế ngày 29/11/1949, Thủ tướng Chu Ân Lai ra tuyên bố nói cho dù quân đội Quốc Dân Đảng bại trận chạy tới đâu, Chính phủ Trung Quốc đều bảo lưu quyền quan tâm vấn đề này, Chính phủ bất cứ nước nào dung nạp lực lượng vũ trang Quốc Dân Đảng sẽ phải chịu trách nhiệm và gánh chịu mọi hậu quả.

    Sau khi nghe Lý Ban, Nguyễn Đức Thụy giới thiệu tình hình Việt Nam, Lưu Thiếu Kỳ nhận định hai vị đại biểu này có cấp bậc tương đối thấp, ông kiến nghị phía Việt Nam cử một vị lãnh đạo cấp cao bí mật đến Trung Quốc thương thảo.

    Ngày 24/12/1949, Lưu Thiếu Kỳ chủ trì cuộc họp Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nghiên cứu vấn đề lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội nghị cho rằng trước khi nước Pháp chính thức thừa nhận Trung Quốc, việc chúng ta lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo sẽ có nhiều thuận lợi. Sau đó Lưu Thiếu Kỳ lấy danh nghĩa Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi tới Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bức điện như sau:

    Vì mục đich lập mối quan hệ thường xuyên giữa hai Đảng Trung Quốc-Việt Nam và thảo luận các vấn đề trong cuộc đấu tranh chung chống bọn đế quốc, chúng tôi hy vọng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có thể cử một đoàn đại biểu phụ trách chính trị đến Bắc Kinh để bàn bạc và cùng nhau quyết định các vấn đề liên quan.

    Bức điện của Lưu Thiếu Kỳ có viết: phái đoàn này nên bí mật đến Trung Quốc:

    Chỉ cần phái đoàn các đồng chí an toàn đến vùng Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc quản lý thì sau đó mọi việc bảo đảm an toàn cho phái đoàn sẽ do bộ đội chúng tôi chịu trách nhiệm.

    Phía Việt Nam nhanh chóng điện trả lời, đồng ý với kiến nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, phía Việt Nam sẽ sớm cử người có trách nhiệm đến Bắc Kinh. Đó là Trần Đăng Ninh, Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên thực tế, Hồ Chí Minh quyết tâm tự mình đi Bắc Kinh và Moskva, nhưng phía Việt Nam e ngại nội dung bức điện này có thể bị quân đội Pháp bắt được, cho nên chỉ viết Trần Đăng Ninh đi Bắc Kinh.

    Ngày 25/12/1949, Lưu Thiếu Kỳ gửi điện cho Đảng Cộng sản Đông Dương, báo cho phía Việt Nam biết sứ mệnh của La Quý Ba:

    Hai đồng chí Lý Ban, Nguyễn Đức Thụy đến Bắc Kinh đã báo cáo và chuyển đến chúng tôi yêu cầu của các đồng chí. Chúng tôi rất sẵn lòng viện trợ các đồng chí. Để có thể thực hiện cụ thể sự viện trợ ấy, chúng tôi dự định cử một đại biểu cùng năm sáu tùy viên mang theo một điện đài đi cùng đồng chí Nguyễn Đức Thụy qua đường Quảng Tây đến Việt Nam gặp các đồng chí. Nếu đồng ý, xin lập tức phúc đáp.

    Ngày 28/12, Lưu Thiếu Kỳ lại gửi điện cho Hồ Chí Minh:

    Đại biểu chúng tôi chuẩn bị cử đến Việt Nam tạm thời dùng hình thức bí mật.

    Việt Nam nhanh chóng phản ứng. Trước ngày đầu năm dương lịch, Hồ Chí Minh gửi điện tới Mao Trạch Đông:

    Tôi vô cùng vui mừng biết tin Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thành lập. Xin thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam chúc mừng Chủ tịch, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc từng có mối quan hệ anh em trong lịch sử mấy nghìn năm. Từ nay trở đi mối quan hệ đó sẽ ngày càng khăng khít, vì sự phát triển tự do hạnh phúc của hai dân tộc chúng ta, vì bảo vệ dân chủ và hòa bình lâu dài trên thế giới.

    Ngày 7 tháng Giêng năm 1950, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận được điện báo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương:

    Chúng tôi vô cùng hoan nghênh việc các đồng chí cử đoàn đại biểu đến Việt Nam.

    Hồi ấy Mao Trạch Đông đang ở thăm Liên Xô, còn Chu Ân Lai thì ngày 10 tháng 1 sẽ đi Moskva gặp Mao Trạch Đông. Trước khi đi, Chu Ân Lai gọi La Quý Ba đến và cho biết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đang xem xét vấn đề lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ ngày thành lập vào tháng 9 năm 1945 tới nay, nước này chưa được quốc gia nào thừa nhận. Nếu Trung Quốc thừa nhận Việt Nam thì Liên Xô và các nước Đông Âu trong phe xã hội chủ nghĩa sẽ thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Điều đó sẽ có tác dụng rất tốt giúp Việt Nam phá vỡ tình trạng cô lập, nâng cao địa vị quốc tế.

    Ngày 15/1/1950, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam lúc đó là Hoàng Minh Giám gửi công hàm tới Chu Ân Lai, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc:

    Căn cứ theo tuyên ngôn ngày 1 tháng 10 năm 1949 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ và nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố thừa nhận Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo. Nhằm tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định lập quan hệ ngoại giao chính thức với Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và trao đổi Đại sứ.

    Mao Trạch Đông thảo điện văn thừa nhận Chính phủ Việt Nam

    Công hàm của Chính phủ Việt Nam được kịp thời chuyển đến Mao Trạch Đông đang ở Liên Xô. Mao Trạch Đông đáp xe lửa đến Moskva hôm 16/12/1949. Ông đã nhiều lần bàn bạc với Stalin và quyết định trong chuyến thăm này hai nước Liên Xô – Trung Quốc sẽ ký một hiệp ước hữu nghị. Mao Trạch Đông đã gửi điện gọi Chu Ân Lai đến Liên Xô tham gia đàm phán cụ thể. Khi bức điện của Hoàng Minh Giám phát đi thì Chu Ân Lai đang trên đoàn tàu đi Moskva.

    Sau khi đọc công hàm của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Mao Trạch Đông lập tức tự tay thảo điện văn phúc đáp, và ngày 17/1 điện cho Lưu Thiếu Kỳ:

    (1) Phải lập tức trả lời đồng ý việc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa yêu cầu lập quan hệ ngoại giao. [Tôi] đã thảo một bức điện văn phúc đáp, đề nghị ngày mai (ngày 18) phát trên Đài Phát thanh, đồng thời dùng điện đài nội bộ gửi cho Hồ Chí Minh.

    (2) Đề nghị Bộ Ngoại giao ta chuyển đến Liên Xô và các nước dân chủ mới bản tuyên bố của Chính phủ Việt Nam yêu cầu lập quan hệ ngoại giao với các nước.

    Sau khi nhận được điện của Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ đã chuyển ngay tới Hồ Kiều Mộc [người phụ trách công tác thông tin báo chí], dặn công bố bức điện này cùng với điện văn của Hoàng Minh Giám. Hôm sau (18/1), Đài phát thanh Nhân dân Trung ương Bắc Kinh phát đi điện văn lấy danh nghĩa Chu Ân Lai trả lời Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hoàng Minh Giám:

    Tôi rất hân hạnh nhận được bức điện ngày 15 tháng 1 năm 1950 của quý Bộ trưởng yêu cầu lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nay tôi xin báo để Bộ trưởng biết, Chính phủ nhân dân trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho rằng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp đại biểu cho ý chí của nhân dân Việt Nam, Chính phủ nhân dân trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đồng ý lập quan hệ ngoại giao và trao đổi Đại sứ với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm củng cố mối bang giao và tăng cường mối quan hệ hữu hảo và hợp tác giữa hai nước. Nay xin điện trả lời và hân hạnh mong được xem xét.

    Như vậy, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phía Việt Nam đặc biệt phấn khởi về sự kiện này. Ngày 26/1, Hoàng Minh Giám phát biểu với Đài Phát thanh “Tiếng nói Việt Nam”: “Giờ đây chúng ta đã có một nước láng giềng hữu nghị. Sự xuất hiện người bạn này sẽ cổ vũ mạnh mẽ nhân dân và quân đội ta. Chúng ta sẽ ngày càng trở nên lớn mạnh và nhất định có thể thực hiện lời kêu gọi nhanh chóng chuẩn bị tổng phản công của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

    Tiếp sau Trung Quốc, ngày 31/1, Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kế đó, một loạt quốc gia Đông Âu cũng công nhận Việt Nam. Điều đó đã giúp Đảng Cộng sản Đông Dương phá vỡ tình trạng khó khăn đã lâu về ngoại giao.

    Mao Trạch Đông đang ở Liên Xô nhưng rất quan tâm vấn đề Việt Nam. Mười ngày sau, Lưu Thiếu Kỳ từ Bắc Kinh gửi điện thỉnh thị Mao Trạch Đông xem có thể cho phép quân đội Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo trong tình hình khẩn cấp có thể lánh sang đất Trung Quốc được không. Mao Trạch Đông điện trả lời đồng ý, hơn nữa còn viết “Đảng, chính quyền và quân đội ta phải hết sức tạo thuận tiện và giúp đỡ Việt Minh và nhân dân Việt Nam, coi họ như đồng chí của ta”. Nếu phía Việt Nam yêu cầu vũ khí, lương thực thì cũng phải “tận lực giúp đỡ”.

    Đại biểu liên lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc lặng lẽ lên đường

    La Quý Ba đang chuẩn bị lên đường đi Việt Nam thì được gọi đến chỗ Tổng Tư lệnh Chu Đức. Nghe La báo cáo xong, Chu Đức nhấn mạnh nhiệm vụ chính của La Quý Ba là vào Việt Nam tìm hiểu tình hình: “Xem xem họ cần giúp gì, dùng cách viện trợ như thế nào là tốt nhất.” Chu Đức còn dặn dò phải nghiêm ngặt giữ bí mật, chỉ được công khai chức vụ của mình trước một số ít nhà lãnh đạo Việt Nam.

    Ngày 13/1/1950, Lưu Thiếu Kỳ một lần nữa trao đổi với La Quý Ba. Ông nhắc lại chuyện quen biết Hồ Chí Minh. Thập niên 1920, trong thời kỳ đại cách mạng Trung Quốc, Lưu Thiếu Kỳ lúc đó ở Quảng Châu có quen biết Hồ Chí Minh là phiên dịch kiêm bí thư của Bô-rô-đin, Đại biểu Quốc tế Cộng sản. Hồ Chí Minh mở tại Quảng Châu “Lớp huấn luyện chính trị đặc biệt”, đào tạo cán bộ thanh niên cách mạng Việt Nam, thường hay mời Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Bành Bái đến giảng bài. Hồi ấy Lưu Thiếu Kỳ chuyên giảng về phong trào công nhân. Năm 1938 tại Diên An, Lưu Thiếu Kỳ gặp lại Hồ Chí Minh bí mật đến Trung Quốc. Hai người chia tay tại Diên An đã được hơn 10 năm. Nhưng Lưu Thiếu Kỳ cũng nói rằng tuy ông biết Hồ Chí Minh từ sớm, sau cũng có tiếp xúc, nhưng dù sao quen biết chưa nhiều. Trong chiến tranh giải phóng, tại vùng biên giới Trung Quốc-Việt Nam, hai đảng và quân đội hai bên có liên hệ với nhau. Bộ đội địa phương Trung Quốc vùng Quế Điền lúc khó khăn từng chuyển dịch vào bên trong đất Việt Nam, được họ bảo vệ và giúp đỡ. Nhưng mối quan hệ này giữa hai nước chưa phải là chính thức, chưa cố định.

    Lưu Thiếu Kỳ căn dặn: “Đồng chí sang Việt Nam rồi nhớ phải xây dựng mối quan hệ giữa Trung ương hai Đảng. Việc đi Việt Nam phải tuyệt đối bí mật, sau khi sang bên ấy, phương thức làm việc của đồng chí sẽ do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xác định. Chế độ đãi ngộ trong thời gian công tác tại Việt Nam sẽ đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cung cấp theo tiêu chuẩn cán bộ Việt Nam.”

    Rồi Lưu Thiếu Kỳ cầm bút lông viết thư giới thiệu La Quý Ba:

    Kính gửi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam:

    Nay phái đồng chí La Quý Ba đến liên lạc với các đồng chí, mong rằng sẽ được tiếp nhận. Đồng chí La sẽ trực tiếp báo cáo các đồng chí về nhiệm vụ chúng tôi giao cho đồng chí ấy. Xin được giới thiệu và gửi lời kính chào!

    Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.  Lưu Thiếu Kỳ.

    Sau giây lát suy nghĩ, Lưu Thiếu Kỳ lại viết bức thư giới thiệu thứ hai gửi Hồ Chí Minh:

    Nay xin giới thiệu đồng chí La Quý Ba, một Bí thư Tỉnh ủy và Chính ủy trong quân đội đến chỗ đồng chí làm Đại biểu liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kèm theo trợ thủ và tùy viên, tổng cộng 8 người.

    Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.  Lưu Thiếu Kỳ.

    (còn nữa)

    Kính mời đọc tiếp Phần 3

    http://nghiencuuquocte.org/2021/07/12/viet-nam-mat-chien-phan-2/#more-40872

    Không có nhận xét nào