Header Ads

  • Breaking News

    Vũ Tường - Đảng và dân: chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc ở Việt Nam hiện tại (Phần 1)


    Người dịch: Nguyễn Tiến Trung

    Bản gốc: Tuong Vu, “The Party v. the People: The Rise of Anti-China Nationalism in Contemporary Vietnam,” Journal of Vietnamese Studies 9:4 (Fall 2014), 33-66

    The Party v. the People: Anti-China Nationalism in Contemporary Vietnam

    Tuong Vu

    Journal of Vietnamese Studies (2014) 9 (4): 33–66.

    The South China Sea conflict is spurring a popular nationalist movement in Vietnam that challenges the ruling communist Party by demanding Hà Nội to sever relations with its patron in Beijing. This paper examines this movement by connecting it to the often misunderstood historical relationship between the ruling Party and modern Vietnamese nationalism. This historical relationship explains why the Party has tried to suppress the movement and why movement discourse strives to debunk national myths and reconstruct national history. Linking national interests to democracy and human rights, the currently fragile movement is creating dissent within the Party and damaging its legitimacy.

    TÓM TẮT

    Xung đột trên biển Đông đã kích động một phong trào dân tộc rộng khắp tại Việt Nam thách thức Đảng cộng sản cầm quyền bằng cách yêu cầu Hà Nội cắt đứt liên hệ với người bảo hộ của nó ở Bắc Kinh. Tiểu luận này xem xét phong trào bằng cách kết nối chúng với những quan hệ lịch sử thường bị hiểu sai giữa Đảng cầm quyền và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hiện đại. Mối liên hệ lịch sử này giải thích tại sao Đảng đã cố gắng để đàn áp phong trào và tại sao các bài viết của phong trào đã cố gắng vạch trần các huyền thoại của dân tộc và xây dựng lại lịch sử dân tộc. Kết nối lợi ích quốc gia với dân chủ và quyền con người, phong trào dù hiện tại vẫn đang yếu ớt nhưng đang tạo ra bất đồng trong Đảng và làm tổn hại tính chính danh của nó. 

    TỪ KHÓA: Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc, chống Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào phản đối

    Tiểu luận này xem xét phong trào dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc nổi lên ở Việt Nam thời gian gần đây và mối quan hệ đối nghịch của chúng với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền (ĐCSVN).¹ Kể từ cuối những năm 2000, tình cảm bài Trung Quốc đã được biểu lộ ngày càng nhiều qua những cuộc biểu tình. Dẫn dắt bởi các trí thức và được ủng hộ phần lớn bởi thanh niên thành thị, phong trào quốc gia mới xuất hiện này vẫn còn phân mảnh và yếu ớt. Nó vẫn chưa có một tổ chức và cũng không có sự lãnh đạo công khai. Nó đã phát động nhiều chiến dịch trên mạng để thu thập chữ ký cho những kiến nghị mà chính quyền thường bỏ qua. Biểu hiện mạnh mẽ nhất của phong trào cho đến nay là khoảng hai chục cuộc biểu tình trên đường phố trong vòng sáu năm gần đây. Cuộc biểu tình lớn nhất bao gồm không nhiều hơn vài trăm người, và phần lớn các cuộc biểu tình đã bị đàn áp mạnh tay bởi nhà cầm quyền.

    Sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người. Sau tất cả, với hình ảnh thông thường, ĐCSVN xuất hiện như là một người thừa kế mẫu mực cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.² Nhiều người tin rằng sự vươn tới quyền lực của nó và những chiến thắng trong quá khứ chống lại sự can thiệp bên ngoài được rút ra từ truyền thống chống Trung Quốc xâm lược. ĐCSVN cũng đã lãnh đạo một cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc về vấn đề Campuchia trong những năm 1980. Nếu hình ảnh phổ biến này là đúng, người ta có mọi lý do để kỳ vọng rằng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ chào đón phong trào mới này chứ không phải đàn áp nó.

    Căn cứ trên những tư liệu mới có gần đây, tôi lập luận rằng hình ảnh phổ biến đó là sai lạc. Thái độ và chính sách của ĐCSVN đối với chủ nghĩa dân tộc phức tạp hơn rất nhiều so với cách hiểu thông thường. Mặc dù là những người yêu nước chân chính, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn thường lên án chủ nghĩa dân tộc là một ý thức hệ tư sản, trong khi vẫn xem lợi ích giai cấp và quốc gia là một và như nhau. Trong những tuyên truyền của họ, ĐCSVN đã huy động cả biểu tượng dân tộc và quốc tế để tạo ra lòng trung thành rộng khắp với Đảng.

    Kể từ năm 1991, khi người bảo trợ Xô Viết sụp đổ, ĐCSVN đã quay sang Trung Quốc để tìm kiếm sự hướng dẫn và bảo vệ. Quan hệ gần gũi giữa Hà Nội và Bắc Kinh do lòng trung thành ý thức hệ và bản năng sinh tồn của chế độ, một cách tự nhiên, đã khiến Đảng mâu thuẫn lớn với tình cảm chống Trung Quốc phổ biến lan tràn do phong trào chủ nghĩa dân tộc đang phát triển.

    Hiểu mối quan hệ lịch sử giữa Đảng và chủ nghĩa dân tộc là thiết yếu để giải mã diễn ngôn của phong trào mới này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng từ những năm 1940, hình ảnh nước Việt Nam trong trí tưởng tượng phổ biến đã trở nên bí hiểm bởi vẻ đẹp được cho là đặc biệt và con người độc đáo.

    Để hướng lòng trung thành của quần chúng về Đảng, tuyên truyền của Nhà nước cũng đã gắn vận mệnh quốc gia với chủ nghĩa xã hội và sự cai trị của ĐCSVN. Do đó, phong trào mới này đã chú tâm vào việc vạch trần những huyền thoại về đất nước Việt Nam và vào việc xây dựng lại lịch sử Việt Nam hiện đại thoát khỏi sự kìm kẹp của Đảng. Một vài nhà hoạt động thậm chí đã đề nghị những khái niệm mới về quốc gia, theo đó khái niệm này không chỉ giới hạn ở những quan hệ chủng tộc mà bao gồm cả những giá trị dân chủ tự do.

    Phần thân của tiểu luận này được chia làm ba phần. Đầu tiên, tôi sẽ giới thiệu những hình mẫu chính trong thái độ của ĐCSVN với chủ nghĩa dân tộc. Phần thứ hai sẽ thảo luận về sự xuất hiện của phong trào dân tộc mới, những nguyên nhân của nó, và những động lực chính của nó. Cuối cùng, tôi sẽ khảo xét diễn ngôn của phong trào về quốc gia. Phần kết luận sẽ suy đoán về tương lai của phong trào này vì nó đối đầu với ĐCSVN.  

    Chú thích

    Một phong trào có thể được định nghĩa như là một nỗ lực tập thể bởi một nhóm lớn người, đặc biệt là để đạt được một mục tiêu xã hội hoặc chính trị. 

    Những quyển sách quan trọng nhất đã phổ biến hình ảnh này bao gồm David Marr, Chủ nghĩa chống thực dân ở Việt Nam, 1885 – 1925 (Berkeley: Nhà xuất bản Đại học California, 1971); Stanley Karnow, Việt Nam: Một Lịch sử (New York: Nhà xuất bản Viking, 1983); Frances Fitzgerald, Lửa trong Hồ: Người Việt Nam và những người Mỹ ở Việt Nam (Boston: Little & Brown, 1972). 

    https://usvietnam.uoregon.edu/dang-va-dan-chu-nghia-dan-toc-bai-trung-quoc-o-viet-nam-hien-tai-phan-1/

    Không có nhận xét nào