Header Ads

  • Breaking News

    Cù Mai Công - Hoảng sợ quá đủ rồi, giờ chỉ còn một con đường: sống chung với COVID-19


    Không chỉ Việt Nam, sự phức tạp đến mức khó hiểu của Covid-19 khiến cả thế giới tới giờ cũng chưa có sự thống nhất khi đánh giá và cách phòng chống nó. Mỗi nước một kiểu; hình như mỗi kiểu cũng lộ ra ít nhiều vấn đề. Ngay cách đây không lâu, chúng ta vẫn cho rằng vaccine là cứu cánh duy nhất của đại dịch, giờ có lẽ đã khác?

    Ngay ở Việt Nam, mỗi tỉnh thành, quận huyện có khi cũng mỗi kiểu; Thủ tướng, bộ trưởng nói không được “ngăn sông cấm chợ”, có nơi thực tế vẫn cứ ngăn. Vô số nhận định, cách phòng chống Covid xà quần dẫm chân nhau. Một chuyện chuyện shipper ở TP.HCM cũng cho thấy sự lung tung này: nay cấm mai không; cho chạy lại yêu cầu xét nghiệm mỗi ngày vừa không hợp lý, thậm chí… vô duyên về kinh tế, thực tế lây nhiễm của đội ngũ này thời gian qua (vì đâu phải chỉ shipper có giao tiếp mà vô số trực chốt, bảo vệ, tổ trưởng…).

    Phong tỏa, cách ly, truy vết, rào chắn, lập chốt… không gì chúng ta không làm. Nhưng hình như rào nơi nào, nơi đó tăng ca nhiễm; giãn cách nghiêm cả thành phố, cả thành phố tăng nhiễm cộng đồng; tổng ca nhiễm tăng vọt, tỉ lệ chết cao.

    Cả chính quyền, quân – dân lẫn nền kinh tế khốn đốn, thật sự đã đến mức quá sức chịu đựng. Quan điểm thắng Covid-19 rõ ràng đã là chuyện bất khả thi. Tới giờ, chưa nước nào thắng nó. Không chỉ Việt Nam, có nơi như Singapore, Đài Loan… mới hôm nào còn là hình mẫu chống dịch, rồi cũng có lúc phát hoảng…

    Tranh cãi “loạn” hết, đủ chuyện, từ rào chắn, bánh mì, thiết yếu… đến “bom hàng”. Mỗi người một quan điểm. Lấy chuyện ăn uống mấy hôm nay chẳng hạn, người có có chút “của ăn của để” thì chê trách mấy người ra đường “thiếu ý thức, vi phạm quy định; nhịn mấy hôm hơn chết dịch”. Bà con lao động nghèo, làm ngày nào ăn ngày nấy thì như một nhóm bà con ở TP.HCM kéo ra đường hôm trước nói với anh em đứng chốt: “Nguy hiểm Covid chưa thấy, còn đói thấy rồi”. Góc nhìn nào cũng có cơ sở, tùy theo túi tiền người đó: có tiền sợ bịnh, không tiền sợ đói.

    Nhưng nhìn chung, ba tháng giãn cách rồi, người giàu lẫn nghèo, không ai không mệt mỏi và nghèo thì không thể phủ nhận thực trạng: hàng triệu bà con mình người kiệt quệ, khốn đốn trăm bề.

    Ba tháng có lẽ cũng đã đủ cho sự bình tĩnh nhìn lại một chút thực trạng. Lấy cụ thể tình hình TP.HCM:

    Ca nhiễm ở TP.HCM chính thức đã hơn 200.000 người. Hơn 8.000 người thân yêu của chúng ta đã ra đi. Con số này vẫn còn tăng chứ chưa dừng lại. Hình ảnh người chết, lò thiêu… xuất hiện liên tục, không ai không đau lòng, đau đến thắt ruột thắt gan, nhất là với những gia đình có người trong cuộc. Nỗi đau này tôi tin sẽ còn mãi trong lòng người… Sinh linh nào trên cõi đời này cũng là vô giá, không gì đánh đổi được.

    Thực tế đau đớn ấy, chúng ta đành phải chấp nhận và sẽ có nhìn nhận, đánh giá nó sau này bình tĩnh hơn. Nhưng có một điều chắc chắn: sự lúng túng đã ít nhiều trở nên hoảng sợ, dẫn đến hành xử, ứng xử quá mức, không phù hợp, thậm chí thực tế cho thấy hiệu quả phòng chống không rõ – như cái giấy đi đường hiện nay, tới giờ vẫn làm khổ cả xã hội và nền kinh tế.

    Dù TP.HCM tỉ lệ chết hiện khoảng 4%, cao nhưng ít ai chú ý 96 người sống. Đa số tự khỏi. Nhưng không ít người vẫn đồng nghĩa nhiễm Covid-19 như mang án tử.

    Trước đó, ngay từ đầu dịch, tôi đã mạo muội nêu vấn đề và dự báo về thực trạng. Thậm chí, từ tháng 7-2021, tôi đã “liều mạng” post công khai dự toán của mình về nhịp hệ số x2 (bùng nổ ca nhiễm) sau một tuần.

    Giữa đợt giãn cách ba tháng, ở tp.hcm tính từ 31-5, ngày 18-7, tôi lại đặt câu hỏi: covid-19: “Đánh nhanh thắng nhanh” hay “trường kỳ kháng chiến”? Và chủ quan nghĩ rằng: từ thực trạng Covid -19 ở TP.HCM đang có những diễn biến thực trạng mới rất nhanh, đi cuồn cuộn. Nên đặt ra vấn đề: Chuyển từ chiến lược ưu tiên y tế dự phòng quá sức tốn kém tiền bạc, nhân lực, bất an lòng dân (việc nhân nghĩa cốt ở yên dân…) Sang ưu tiên y tế điều trị.

    Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng: Đừng mơ “đánh nhanh thắng nhanh” COVID. Nó là bệnh lây nhiễm, chỉ một ca sót trong cộng đồng cũng dễ dàng bùng trở lại. Sống chung với COVID, “kháng chiến trường kỳ”, “tay cày tay súng” là tất yếu, khả năng ít nhất hết năm nay.

    “Truy vết, cách ly” từng đúng với chủng Vũ Hán, nhưng khó mà đấu lại Delta. Sống chung với Covid là tất yếu. Sẽ phải bỏ cấm đường, phong tỏa, cách ly, truy vết… Tập trung điều trị bệnh nặng. Dễ và rẻ hơn nhiều. Giá khổng lồ của của cách làm rải quân rộng nhiều mặt trận vừa qua thì ai cũng đoán được.

    Anh em nào rảnh đọc Facebook mình từ hồi đầu dịch tới giờ đi, dự báo trước cả tháng, con số cụ thể, chưa sai, chưa gỡ stt nào hết. Ba tuần trước, mình dự báo hết 5-9, TP.HCM có thể theo nhịp x2 sau 4 tuần, tính từ ca nhiễm bốn tuần trước (121.800 ca) : 243.600 ca.

    Tức nhịp bùng nổ x2 sau 1 tuần trước đó đã qua. Sài Gòn đã qua cao điểm, giờ là giải quyết hậu quyết hậu quả, kể cả hậu quả mấy ngày chen chúc mua đồ trước 23-8. Delta lây và lộ nhanh 2-4 ngày. “Thiết quân luật” bảy ngày rồi. Vậy ca nhiễm hiện nay cơ bản là từ mấy hôm chen lấn siêu thị?

    Xin được mạn phép nói thẳng: chống COVID ở ta vừa qua ít nhiều duy ý chí. Các chốt, hàng rào không có giá trị cao trong phòng chống. Thậm chí rào nơi nào, nơi đó tăng ca nhiễm. Rào cả thành phố, cả thành phố tăng nhiễm cộng đồng.

    Tôi luôn nghĩ mỗi nước có cách phòng chống khác nhau, tùy theo thực tế của mình. Ví dụ: nhà cửa ở Mỹ, phương Tây rộng rãi, cư dân không có thói quen gần gũi như ở ta thì áp dụng F0, F1 ở nhà ngay lập tức là đúng. Ở ta khác; vậy nên các khu lao động, khu dân cư đông như Bình Tân, quận 8… tỉ lệ ca nhiễm cao hơn hẳn các khu khác.

    Tuy nhiên, nhìn kỹ, vẫn có cái chung khi người và người vẫn phải giao tiếp trực tiếp, nên thắng COVID là không thể.

    Thái Lan gần ta, hiện số ca nhiễm mới vẫn khoảng trung bình 16.000 ca/ngày, gấp rưỡi ta nhưng từ 1-9 đã quyết định: “Sống chung với Covid”. Thay vì “cố sống cố chết” gắng duy trì chính sách ‘Không Covid’, Thái Lan đặt mục tiêu ngăn chặn sự bùng phát ở mức độ không làm hệ thống chăm sóc sức khỏe sụp đổ.

    Ủy ban Đặc nhiệm chống Covid-19 Thái Lan nói người dân sẽ được tụ tập tối đa 25 người, thay vì 5 người như hiện nay; các chuyến bay nội địa sẽ trở lại, công viên mở cửa; các trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc, mátxa chân, nhà hàng ở 29 tỉnh có nguy cơ cao bao gồm cả Bangkok, được phép hoạt động trở lại, và các nhà hàng có thể mở cửa phục vụ thực khách.

    Tất nhiên họ yêu cầu các nhà điều hành kinh doanh đảm bảo nhân viên phục vụ được tiêm chủng đầy đủ và thường xuyên xét nghiệm, đồng thời yêu cầu khách hàng xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng và xét nghiệm âm tính.

    Israel, nơi tiêm chủng nhiều nhất thế giới mà vẫn ghi nhận hàng chục ngàn ca dương tính mỗi ngày. Nhưng Thủ tướng Israel Bennett cam kết, chính phủ của ông sẽ không lạm dụng lockdown nữa, coi lockdown là biện pháp cuối cùng, chỉ dùng khi nào không còn cách nào khác. “Người dân Israel hiện nay không thể để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ con cháu phải trả”, ông nói.

    Nhiều nước khác như Mỹ, Nhật… này kia thì ai cũng rõ rồi. F0 nào trở nặng thì tập trung lo người đó; còn tự lo. Ngành y không quá tải với F0 nhẹ, không triệu chứng, hầu hết tự khỏi. Chi phí thuốc men rẻ. Bình oxy thì ngay ở Việt Nam giờ cũng chỉ 130.000 đồng/lần nạp.

    Ở Canada trong thời gian lockdown người dân vẫn đi lại bình thường, tôn trọng cách ly hai mét, mang khẩu trang, và rửa tay với xà phòng thường xuyên (hoặc thuốc khử trùng được đặt khắp nơi). Dân vẫn dạo công viên. Chợ thực phẩm giới hạn số người vào ở mức rộng của chợ, nhưng việc mua bán thực phẩm vẫn bình thường. Đặt món ăn online và pickup ở lề đường.

    Còn Việt Nam, hôm qua 29-8, lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính nói một ý mang tính bước ngoặt chiến lược trong phòng chống dịch bệnh: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối”.

     

    Quan điểm này của ông chắc chắn có từ thực tế ở TP.HCM mà ông vừa đi nhiều nơi, đến tận chỗ; phân tích diễn biến, tình hình dịch bệnh trong nước lẫn trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn hơn ta nhiều lần vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế…

    Hoảng sợ quá đủ rồi, quá mức rồi. Cả dân lẫn chính quyền tơi bời rồi. Tổn thất kinh tế, an dân là khôn lường. Trễ còn hơn không, giờ chỉ còn một con đường: sống chung với COVID -19.

    https://vietnamthoibao.org/vntb-hoang-so-qua-du-roi-gio-chi-con-mot-con-duong-song-chung-voi-covid-19/

    Không có nhận xét nào