Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Tản mạn: Quân sự hoá ngôn ngữ trong mùa dịch

     


    Vũ khí. Chống dịch như chống giặc. Giáp công. Xốc tới mặt trận. Giải phóng. Lơ là, mất cảnh giác. Bài toán. Đó là những chữ hay cách dùng chữ trong trận dịch này. Tất cả những chữ đó nói lên một xu hướng chung là quân sự hoá ngôn ngữ chống dịch, và điều đó tôi nghĩ không phải là một ý tưởng hay.

     “Chống dịch như chống giặc”

    Thật vậy, hình như người Việt chúng ta đã quá quen và sợ dịch bệnh, nhưng chúng ta hay ví dịch như giặc. “Chống dịch như chống giặc” là khẩu hiệu chúng ta hay thấy nhan nhãn trên hệ thống truyền thông và từ cửa miệng của giới lãnh đạo. Thoạt đầu nghe qua câu đó thì cũng hay hay vì có vần điệu, nhưng nghĩ lại thì câu đó không đúng.

    Rõ ràng, virus không phải là giặc hiểu theo nghĩa ‘kẻ thù’ cố ý tấn công và tiêu diệt chúng ta. Virus là một loại vi sinh vật tiến hoá khôn lường, và chúng tấn công chúng ta qua … chúng ta. Tức là qua con người. Chúng phải lây lan, nhân bản, và lây lan thêm nữa. Chúng cạnh tranh với chúng ta để tồn tại, và cách chúng cạnh tranh là tiến hoá.

    Chúng ta có thể giết kẻ thù, nhưng chúng ta khó có thể giết virus vì chúng biến hoá liên tục. Virus không phải là kẻ thù hiểu theo nghĩa có kế hoạch tiêu diệt chúng ta. Nhưng cách mà chúng ta chống virus lại có thể chính là kẻ thù của chúng ta.

    “Giải phóng”

    Nhớ năm ngoái, khi ngài thủ tướng phát biểu về chiến lược chống dịch mà ông ví von như là một cuộc tấn công quân sự. Ông nói về ‘giải phóng’, về ‘thần tốc, táo bạo; phải tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.’ Lúc đó tôi cũng ngạc nhiên, nhưng nghĩ chắc ông thủ tướng thích cách nói cho dễ hiểu thôi.

    Hoá ra, cách nói ‘giải phóng’ đó sau này được lặp lại khi một đoàn sinh viên từ Hải Dương vào Sài Gòn. Cách nói đó gợi lại nhiều kí ức đau thương mà người ta đã muốn quên. Nhưng quan trọng hơn là cách nói đó nó … vô duyên, nhứt là liên quan đến dịch bệnh và virus. Nó không chỉ vô duyên, mà còn làm cho suy nghĩ của chúng ta bị lu mờ trước thực tế.

    “Vũ khí đánh đánh giặc Covid-19”

    “Cung cấp vũ khí để thầy thuốc đánh giặc Covid-19 …” Thoạt đầu, đọc cái tít đó làm tôi giật mình, vì chẳng biết chuyện gì xảy ra. Sao có vũ khí gì đâu đây? Nhưng câu bổ nghĩa “điều trị bệnh nhân nặng tốt nhứt” thì tôi loáng thoáng hiểu người phát biểu.

    Tôi tự hỏi tại sao không nói thẳng là “Bảo đảm nguồn thuốc điều trị bệnh nhân Covid” cho dễ hiểu? Dĩ nhiên, thuốc cũng chẳng phải là vũ khí; ví von thuốc như vũ khí chỉ làm cho người ta không rõ thuốc gì. Tôi nghĩ đứng trên phương diện truyền thông, cách nói đó không phải là cách nói có ích.

    “Giáp công”

    Thi vị thì hay đi cùng với ví von. Đọc cái tít “Ba mũi giáp công chống dịch Covid-19” làm tôi tò mò. Đọc xong bài báo tôi cũng không rõ ba mũi giáp công là gì. Thật ra, có nơi nói là “Hai mũi giáp công“, nhưng cũng có nơi viết “Nhiều mũi giáp công” chống dịch, nhưng đọc bài báo cũng khó biết đó là những mũi giáp công gì. Thật khó hiểu tại sao người ta lại thích quân sự hoá ngôn ngữ như thế? Tại sao không dùng cách viết và cách nói sao cho người thường như chúng ta có thể hiểu được?

    “Bài toán Covid-19”

    Không chỉ thi vị, mà người Việt chúng ta cũng có vẻ thích … làm toán. Đọc cái tít trên một tờ báo, “Thế giới ra sức giải bài toán Covid-19“, làm tôi ngạc nhiên vì báo chí mà cũng quan tâm đến mô hình dịch tễ học. Hoá ra không phải. Bài báo nói về các nước trên thế giới đang tìm chiến lược chống dịch sao cho có hiệu quả. Chỉ thế thôi.

    Tôi tự hỏi tại sao nhà báo lại thích ‘đao to búa lớn’ về cái gọi là ‘Bài toán covid-19’. Tại sao không nói “Dịch Covid-19” cho dễ hiểu mà phải nói “bài toán” cho nó khó hiểu. Thật ra, chẳng có gì dính dáng đến toán ở đây cả, chỉ là chiến lược, chủ trương, chánh sách chống dịch mà thôi.

    Trong khi ‘làm toán ví von’ thì rất phổ biến, nhưng làm toán thật thì không có. Cho đến nay, công chúng vẫn chưa thấy một mô hình dịch tễ học nghiêm túc từ các giới chức y tế. Thật ra, điều này cũng dễ hiểu vì Việt Nam có nhiều chuyên gia về dịch tễ học (epidemiologist), nhưng không có chuyên gia dịch tễ toán học (mathematical epidemiologist).

    F0, F1, …

    Một trong những cách dùng chữ làm tôi thấy khó hiểu và không cần thiết là hệ thống F. Thoạt đầu nghe bạn bè nói về F0, F1, F2, v.v. tôi không hiểu họ nói gì. Trước 1975 ở miền Nam không có cách nói đó. Ở nước ngoài hoàn toàn không có cách nói F đó. Theo tôi đó là cách dùng chữ không hay.

    Nếu các bạn học về di truyền học thì biết F là kí hiệu phổ biến dùng để chỉ thế hệ. F0 là thế hệ gốc; F1 xuất phát từ F0; v.v. Nhưng cách dùng chữ này thường áp dụng cho thú vật như chuột, thỏ, heo, gà, chớ không áp dụng cho người.

    Ấy vậy mà tôi không hiểu nổi tại sao ở Việt Nam — và hình như chỉ ở Việt Nam sau 1975 — người ta dùng hệ thống F để nói về bệnh truyền nhiễm ở người!

    Tại sao không dùng chữ đơn giản như chưa nhiễm, phơi nhiễm, nhiễm, v.v. cho dễ hiểu. Tất cả mô hình dịch tễ học đều dùng cách tôi vừa đề cập. Tôi đoán nói F là người ta nghĩ ngay đến bị nhiễm, và do đó cách nói đó rất ư là phi nhân tánh mà còn phản tác dụng.

    Nói đến thú tánh hoá ngôn ngữ làm tôi liên tưởng đến một chữ rất phản cảm trong mùa dịch này: “lò thiêu”. Báo chí, đặc biệt là RFA, dùng mệnh đề “Lò thiêu Bình Hưng Hòa” rất thường xuyên. Cách dùng chữ kiểu này gợi lại những ngày tháng sau 1975 ở miền Nam về bệnh viện Từ Dũ (và nhiều trung tâm khác). Đây là một cách dùng chữ hết sức kém văn hoá, thiếu tôn trọng người quá cố. Tại sao không dùng tên chánh thức của trung tâm là “hoả táng”. Tại sao không dùng ‘Nhà hoả táng’?

     


    Không nói ra thì chúng ta đều biết cách chúng ta nói, viết và dùng chữ định hình suy nghĩ của chúng ta. Dùng chữ mù mờ dẫn đến suy nghĩ mù mờ mà còn làm cho người khác có thể hiểu sai. Suy nghĩ dẫn đến hành động. Có phải những hàng rào, kẽm gai, bê tông xây dựng trước những con hẻm nghèo xuất phát từ suy nghĩ như thế? Tôi không biết. Nhưng cách quân sự hoá ngôn ngữ rõ ràng là không thích hợp cho chống dịch. Nó chỉ làm cho câu văn có vẻ thi vị, nhưng thật ra là tối nghĩa.

    Thành ra, tôi đề nghị hãy bỏ đi cách quân sự hoá ngôn ngữ chống dịch, hãy bắt đầu bỏ cách nói F khi đề cập đến các cá nhân. Họ không phải là “đối tượng F” nào cả, mà là con người, là đồng bào mình. Cũng không nên nói đến ‘bài toán’, vì ở đây chẳng có bài toán nào cả, mà là phương cách chống và kiểm soát dịch. Hãy giảm đi những biểu ngữ hô hào và tuyên truyền, và tập trung vào những hành động mang lại hiệu quả thực.

    https://nguyenvantuan.info/2021/08/18/tan-man-quan-su-hoa-ngon-ngu-trong-mua-dich/

    Không có nhận xét nào