Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ gửi thông điệp gì tới Việt Nam qua chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin?

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến Việt Nam vào ngày 28/7, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du ba quốc gia Đông Nam Á. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thành viên nội các Mỹ đến Đông Nam Á kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, trong bối cảnh có những quan ngại về tình trạng thiếu tập trung trong cam kết của Mỹ đối với khu vực.

    Chuyến công du của ông Austin diễn ra sau chuyến thăm đầu tiên của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Trung Quốc hôm 25-26/7, và trùng với chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Ấn Độ, một đối tác quan trọng khác trong nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại Bắc Kinh. Các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của ông Austin là rất quan trọng để thể hiện rõ rằng Đông Nam Á là một thành phần quan trọng trong các nỗ lực của Biden.

    Những tháng gần đây, một số quan chức Đông Nam Á đã cảm thấy bối rối vì thiếu sự can dự trực tiếp từ Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao trong đại dịch COVID-19. Mỹ lại vắng bóng trong nhiều cuộc gặp trực tiếp. Bộ trưởng Austin đã dự kiến đến Singapore vào tháng 6/2021 để dự hội nghị về an ninh khu vực, song cuộc họp đã bị hủy bỏ vào giờ chót do đại dịch bùng phát mạnh trở lại tại nước này.

    Ngoại giao vắc-xin

    Tính đến nay, Trung Quốc đã cung cấp hơn 190 triệu liều vắc-xin cho các nước Đông Nam Á, đa số là bán cho các nước này. Đáp lại chính sách “ngoại giao vắc-xin” của Trung Quốc, Mỹ cũng liên tục viện trợ vắc-xin ngừa COVID-19 cho khu vực. Trong bài phát biểu tại Singapore ngày 27/7, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, trong hai tháng qua, Mỹ đã viện trợ 40 triệu liều vắc-xin cho khu vực Đông Nam Á mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Riêng đối với Việt Nam, chặng thứ hai trong chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mỹ đã trao tặng tổng cộng năm triệu liều vắc-xin thông qua cơ chế COVAX.

    Ông Austin cũng nhắc lại rằng chính quyền Biden cam kết sẽ cung cấp tổng cộng 500 triệu liều vắc-xin cho các nước nghèo trên thế giới, trong đó khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu.

    Vai trò của Đông Nam Á

    Chính sách ngoại giao của Tổng thống Joe Biden chủ yếu đi theo hai hướng: xây dựng lại quan hệ với các đồng minh và lập một liên minh chống Trung Quốc. Theo hai hướng này, Tổng thống Biden đặt trọng tâm vào châu Á. Theo các nhà phân tích, trong những tháng tới, có thể sẽ có thêm nhiều nỗ lực ngoại giao của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Các nỗ lực trên nhằm để các nước Đông Nam Á thấy rằng “Mỹ vẫn xem khu vực này là rất quan trọng và Washington sẽ không để yên cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại đây”.

    Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore ngày 27/7, Bộ trưởng Austin cho biết ông cam kết theo đuổi mối quan hệ “mang tính xây dựng, ổn định” với Trung Quốc, bao gồm cả việc liên lạc mạnh mẽ hơn với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết khu vực Biển Đông là “không có cơ sở luật pháp quốc tế”, “gây tổn hại đến chủ quyền của các quốc gia trong khu vực”.

    Ông Austin nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng thông qua những nỗ lực tập thể, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ lại vượt lên các thách thức. Và nước Mỹ sẽ ở ngay bên cạnh các bạn, đúng như những gì mà một người bạn cũ nên làm”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông tin sự thành công của các quốc gia ở Đông Nam Á phụ thuộc vào “các nguyên tắc chung”, bao gồm “cam kết sâu sắc về tính minh bạch” và “ủng hộ tuyệt đối tự do trên biển”.

    Ông Austin khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ven biển trong khu vực để duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế; cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước quốc phòng mà Mỹ đã có với Nhật Bản và Philippines. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhắc lại lập trường của Tổng thống Biden rằng Mỹ không tìm kiếm mối quan hệ đối đầu gay gắt với Trung Quốc, nhưng “sẽ không nao núng khi lợi ích của mình bị đe dọa”.

    Chuyến thăm đầu tiên của một trong những thành viên cấp cao trong nội các chính quyền Biden có ý nghĩa quan trọng vì ngày càng có nhiều lãnh đạo Đông Nam Á cho rằng khu vực này, dù là điểm nóng về cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc và sự hiếu chiến của Trung Quốc, đã và đang bị các chính quyền Mỹ phớt lờ. Hơn nữa, vẫn còn tồn tại những nghi ngờ không dứt ở Đông Nam Á nếu Mỹ thực sự nghiêm túc và xác định rõ ràng “vai trò trung tâm của ASEAN” trong chính sách Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của mình. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với lực đẩy mà chính quyền Biden đề ra cho Nhóm Bộ Tứ, cấu trúc mà nhiều người nhìn nhận như một cơ chế đủ sức thế chỗ “vị trí trung tâm của ASEAN” và sự thống trị của ASEAN trong cấu trúc khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

    Thúc đẩy quan hệ với Việt Nam

    Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin là bước tiếp theo trong một loạt chuyến thăm cấp cao của các quan chức quốc phòng Mỹ trong những năm gần đây. Mỹ đã thể hiện nhiều hành động cho thấy đặc biệt chú ý đến vai trò của Việt Nam. Mới đây, Mỹ và Việt Nam đã có một thoả thuận quan trọng, theo đó, Mỹ đã gỡ bỏ các căn cứ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ”.

    Chuyến thăm này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy hai nước vẫn mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, nhất là khi năm 2020 không có nhiều hoạt động nổi bật do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hầu hết các nhà quan sát đều đồng ý khi cho rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục đường lối của chính quyền Trump thắt chặt quan hệ với Việt Nam.

    Trong chuyến gặp gỡ với người đồng cấp từ Việt Nam – Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, hai bên đã bàn luận về việc Mỹ sẽ tăng cường tần suất tuần tra trên biển Đông để chống lại các yêu sách sai trái của Trung Quốc ở đây. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất về việc một tàu sân bay Mỹ sẽ tiếp tục có chuyến thăm và giao lưu tại Việt Nam lần thứ ba, sau hai lần ghé thăm năm 2018 và 2020. Hai bên thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo các nội dung trong Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng ký năm 2015; trong đó ưu tiên việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, hợp tác quân y phòng, chống COVID-19, đào tạo, cũng như tìm hiểu khả năng, nhu cầu của mỗi bên trong hợp tác về công nghiệp quốc phòng… Hai bên cũng đã ký kết một bản Thoả thuận ghi nhớ (MOU) về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Việt Nam.

    Nhiều nhà quan sát mong chờ tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ có kế hoạch tiếp cận các vũ khí hiện đại từ Mỹ để nâng cao năng lực bảo vệ cho các cấu trúc trên biển của Việt Nam, tuy nhiên, chưa thấy hai bên hé lộ bất cứ thông tin gì về vấn đề này.

    Trong cuộc gặp với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thể hiện mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã chỉ định ông Marc Knapper làm đại sứ Mỹ tiếp theo tại Việt Nam. Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ vào đầu tháng này, ông Knapper nói rằng ông hy vọng hai nước sẽ tiến tới quan hệ đối tác chiến lược. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam mong chờ trong chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ là dịp hai quốc gia Việt – Mỹ sẽ chuyển quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện như mong muốn của cả hai bên.

    Đối với các vấn đề khác, mặc dù chính quyền Biden có thể gây sức ép nhiều hơn với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền và thương mại, nhưng sẽ không để các bất đồng này làm chệch hướng quan hệ hợp tác. Mỹ coi Việt Nam là một yếu tố quan trọng để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và Việt Nam cũng rất cần Mỹ để tạo thế đối trọng với các tham vọng sử dụng sức mạnh để chiếm đoạt biển Đông của Trung Quốc.

    https://vietnamthoibao

    Không có nhận xét nào