Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 03 tháng 8 năm 2021

    Hoa Kỳ lên án kế hoạch bầu cử của Miến Điện, kêu gọi ASEAN gây áp lực

    Hoa Kỳ hôm 02/08/2021 chỉ trích tập đoàn quân sự Miến Điện tìm cách kéo dài thời gian qua kế hoạch bầu cử trong hai năm, và ngoại trưởng Antony Blinken hối thúc ASEAN bổ nhiệm một đặc phái viên.

    Ngoại trưởng Mỹ Blinken tham gia hội nghị trực tuyến của các ngoại trưởng ASEAN trong tuần này. Theo AFP, đây là động thái mới nhất cho thấy sự cam kết của chính quyền Joe Biden tại khu vực, trong nỗ lực đối đầu với Trung Quốc.

    Trước cuộc họp ASEAN, người đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện hứa sẽ tổ chức bầu cử và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp từ nay đến tháng 8/2023, kéo dài lịch trình đã định trước đây sau vụ đảo chính hôm 01/02. Một quan chức Mỹ cho rằng ASEAN cần nỗ lực hơn nữa, vì rõ ràng tập đoàn quân sự Miến Điện đang « câu giờ » để có được lợi thế.

    Trả lời AP, hai nhà ngoại giao ASEAN xin ẩn danh cho biết, trong cuộc họp hôm qua, các quốc gia Đông Nam Á đã đạt đồng thuận trong việc cử thứ trưởng Ngoại Giao Brunei, ông Erywan Yusof, làm đặc phái viên đến Miến Điện. Tuy nhiên, cho đến nay, tập đoàn quân sự Miến Điện chưa hồi đáp về đề nghị này.

    Cử đặc phái viên để thúc đẩy đối thoại giữa các phe tranh chấp tại Miến Điện là một nội dung chính của « Đồng thuận 5 điểm » của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cuối tháng 4/2021. Ngoài việc cử đặc phái viên, « Đồng thuận 5 điểm » cũng yêu cầu chấm dứt bạo lực, viện trợ nhân đạo cho Miến Điện. Kể từ đó đến nay, thủ lãnh tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing vẫn tỏ ra lơ là trong việc thực thi Đồng thuận 5 điểm, trong bối cảnh ít nhất hơn 900 người thiệt mạng vì các bạo lực từ sau cuộc đảo chính.

    Ngoại trưởng Blinken sẽ lên tiếng về Biển Đông và nhân quyền tại Trung Quốc


    Quan chức Mỹ trên cũng cho biết ngoại trưởng Blinken sẽ đề cập đến việc Bắc Kinh cưỡng bức, đe dọa các nước ASEAN trên Biển Đông, và nhấn mạnh mối quan ngại về nhân quyền tại Trung Quốc. AFP nhắc lại, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tuần trước đã đến Đông Nam Á, tuyên bố yêu sách Trung Quốc trên Biển Đông là vô căn cứ. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến trong tháng Tám đi thăm đối tác Singapore và cựu thù Việt Nam vốn đang xích lại gần với Washington. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi có thể gặp ông Blinken tại Washington tuần này, còn thứ trưởng ngoại giao Wendy Sherman đã thăm Indonesia, Thái Lan và cả Cam Bốt, vốn được coi là quốc gia ASEAN thân Bắc Kinh nhất.

    Sau gần 20 năm, chiến hạm Đức đến Biển Đông bảo vệ "tự do hàng hải"

    Chiến hạm Đức Bayern đã rời cảng Wilhelmshaven (phía bắc) ngày 02/03/2021 thực hiện hành trình 6 tháng “bảo vệ tự do hàng hải tại những nơi luật pháp quốc tế cho phép”. Đích đến là vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, sau gần 20 năm Đức vắng mặt, nhằm hợp lực với nhiều nước phương Tây gia tăng hiện diện trước những tham vọng chủ quyền ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

    Theo AFP, ngoại trưởng Heiko Maas và bộ trưởng Quốc Phòng Đức tham gia lễ ra khơi của tầu Bayern. Trong bài diễn văn, bà Annegret Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh đến nhiệm vụ của chiến hạm Bayern là góp phần ổn định tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương “vì an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng là an ninh của chúng ta”. Do đó, Đức “muốn nhận một phần trách nhiệm đối với việc tổ chức luật pháp quốc tế” trong khu vực.

    Tầu khu trục Bayern dài 139 mét thuộc lớp Brandenburg, là một trong những chiến hạm chủ lực của Đức, với thủy thủ đoàn 200 người. Theo lịch trình, tầu Bayern sẽ hỗ trợ các chiến dịch Sea Guardian của NATO và Atalanta của lượng lượng hải quân Liên Hiệp Châu Âu ở Somalia và giúp thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên.

    Hãng tin Anh Reuters cho biết là tầu sẽ đến các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Việt Nam.


    Tầu Bayern dự kiến đi qua Biển Đông vào tháng 12/2021. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002, một tầu chiến của Đức đi qua vùng biển này. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức khẳng định : “Chúng tôi muốn luật pháp hiện hành được tôn trọng, những tuyến đường hàng hải được tự do qua lại”. Thông điệp này có lẽ nhằm gửi đến Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đến hơn 80% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới.

    Ngoài Hoa Kỳ, thường xuyên hiện diện trong khu vực, nhiều nước phương Tây đã mở rộng hoạt động ở Ấn Độ-Thái Bình Dương để cùng Mỹ đối phó với những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Trước đó, chiến hạm Queen Elizabeth của Anh cũng hoạt động ở Biển Đông, tập trận với quân đội Singapore ở eo biển Malacca. Bắc Kinh luôn coi sự hiện diện quân sự của phương Tây là mối đe dọa cho ổn định trong khu vực.

    Ấn Độ điều nhiều chiến hạm đến Biển Đông


    CNN dẫn thông báo của bộ Quốc Phòng Ấn Độ hôm 02/08/2021 cho biết một nhóm tàu tác chiến của nước này đến Biển Đông, trong khuôn khổ các cuộc tập trận Bộ Tứ với Mỹ, Nhật, Úc, kéo dài hai tháng.

    Các chiến hạm sẽ lên đường vào đầu tháng, gồm một khu trục hạm tên lửa dẫn đường, hai tàu hộ vệ trang bị hỏa tiễn và một tàu chống tảu ngầm. Tàu chiến Ấn Độ sẽ tham gia một loạt cuộc tập trận trong đó có Malabar 2021 với Hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc.

    Trong các cuộc tập trận song phương khác, các chiến hạm Ấn Độ sẽ phối hợp với các lực lượng hải quân các nước ven Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia và Singapore. Theo bộ Quốc Phòng Ấn Độ, sáng kiến này giúp « tăng cường khả năng phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ và các nước bạn bè, dựa vào những lợi ích chung trên biển và cam kết bảo vệ tự do hàng hải ».

    Biển Đông đã trở thành điểm nóng trong những tuần lễ gần đây. Tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đã đến vùng biển này, trong khi Mỹ và Trung Quốc đều tổ chức các cuộc tập trận.

    Chuyên gia Collin Koh ở Singapore nhận định đây là sự hiện diện rõ nét nhất của Hải quân Ấn Độ tại phía đông eo biển Malacca. Cho dù ở bên ngoài giới hạn 12 hải lý của các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng, nhưng đợt triển khai này cho thấy New Delhi muốn tỏ dấu hiệu tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Tây Thái Bình Dương.

    Sau các đụng độ đẫm máu với Trung Quốc tại vùng núi biên giới Himalaya, Ấn Độ đã tích cực tham gia các hoạt động của Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc). Trung Quốc luôn chỉ trích sự hiện diện của các lực lượng hải quân các nước trên Biển Đông, vốn bị Bắc Kinh coi như « ao nhà ».

    Việt Nam sắp chấp thuận thuốc Remdesivir để điều trị COVID-19


    Bộ Y tế Việt Nam sẽ phê duyệt việc sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir của công ty Gilead Sciences Hoa Kỳ để điều trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19, truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin hôm 3/8.

    Đài truyền hình VTC dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói: “Thời gian qua, thông qua nguồn tặng, viện trợ, Việt Nam cũng sử dụng Remdesivir cho bệnh nhân COVID-19 ở một số cơ sở y tế. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ xem xét để sớm cấp phép Remdesivir điều trị bệnh nhân COVID-19”.

    Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 22/10/2020. Thuốc tiêm Remdesivir là một trong những dược phẩm được sử dụng để điều trị cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong thời gian ông mắc COVID-19.

    Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị.

    Tại Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup vừa đàm phán thành công một đơn hàng với 500.000 lọ Remdesivir, vẫn theo VTC.

    Truyền thông Việt Nam cho biết toàn bộ số thuốc này sẽ được trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8/2021, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19.

    “Hiện Tập đoàn Vingroup đang đàm phán để thuê chuyên cơ chuyển thuốc về Việt Nam, dự kiến, lô thuốc đầu tiên với số lượng 105.000 lọ sẽ về đến TP. Hồ Chí Minh trước ngày 5/8/2021 để kịp thời phục vụ công tác chữa trị khẩn cấp”, tập đoàn Vingroup thông tin.

    Trong diễn biến liên quan, hôm 2/8, Vingroup loan tin rằng tập đoàn tư nhân này đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics của Mỹ để nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA, với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm.

    CDC Mỹ: 70% dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine


    Cứ bốn người Mỹ trên 18 tuổi thì có gần ba người đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID tính đến ngày 2/8, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

    Tổng thống Joe Biden thoạt đầu nhắm mục tiêu 70% người Mỹ tiêm ít nhất một mũi vaccine trước ngày 4/7.

    CDC cho hay có 180.762.301 người, tức 70% dân số trưởng thành ở Mỹ, đã tiêm ít nhất một liều vaccine trong khi 164.919.666 người, hay 49,7% tổng dân số Mỹ, đã tiêm chủng hoàn toàn.

    Mỹ sẽ không phong tỏa lần nữa để ngăn chặn COVID nhưng “mọi chuyện đang trở nên xấu đi” trong lúc biến thể Delta khiến số ca nhiễm tăng, chủ yếu nơi những người chưa tiêm chủng, chyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, tuyên bố ngày 1/8.

    Hàn Quốc: Triều Tiên muốn lệnh cấm được nới lỏng mới quay lại đàm phán với Mỹ


    Triều Tiên muốn các lệnh trừng phạt quốc tế, theo đó cấm nước này xuất khẩu kim loại và nhập khẩu nhiên liệu tinh lọc và các nhu yếu phẩm khác, được dỡ bỏ trước khi tái khởi động các cuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa với Mỹ, các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết hôm thứ Ba 3/8.

    Triều Tiên cũng đã yêu cầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu hàng hóa xa xỉ như rượu và quần áo, các nhà lập pháp cho biết sau khi được ông Park Jie-won, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS), cơ quan tình báo chính của Hàn Quốc, cung cấp thông tin.

    Cuộc họp cung cấp thông tin diễn ra một tuần sau khi hai miền bán đảo Triều Tiên khôi phục đường dây nóng mà Triều Tiên đã đình chỉ một năm trước, và đây là dấu hiệu đầu tiên trong nhiều tháng cho thấy khả năng Triều Tiên có thể có phản ứng tích cực hơn đối với các nỗ lực đối thoại.

    Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 3/8 đã không đề cập đến bất kỳ yêu cầu mới nào về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán.

    Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vì theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 và phóng thử tên lửa có khả năng đánh trúng Mỹ.

    Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng các nước này đối với Triều Tiên.


    Các tổ chức phi chính phủ kiện chính quyền ông Biden khi làn sóng di cư tiếp tục đổ về Texas

    Khi ngày càng có nhiều người di cư vượt biên trái phép qua biên giới Mỹ-Mexico có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, một liên minh các tổ chức phi lợi nhuận đang kiện chính quyền ông Biden vì không bãi bỏ chính sách trục xuất họ vì lý do sức khỏe cộng đồng, trang RT cho hay.

    Hôm thứ Hai, một liên minh các tổ chức phi chính phủ do Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) dẫn đầu, thông báo họ sẽ tiếp tục vụ kiện Tòa Bạch Ốc đã bị tạm dừng trong nhiều tháng. Vụ kiện đề cập đến phần luật liên bang cho phép trục xuất “những người gần đây đã ở một quốc gia có bệnh truyền nhiễm” mà chính quyền ông Trump đã sử dụng để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp trong đợt đóng cửa vì COVID-19 năm ngoái.

    Lee Gelernt, Phó giám đốc Dự án Quyền của Người nhập cư ACLU cho biết. “Chính quyền Biden đã yêu cầu một thời gian để sửa chữa những thiệt hại do chính quyền Trump gây ra đối với quy trình xin tị nạn, nhưng đến nay đã được bảy tháng. Đó là một khoảng thời gian quá đủ”.

    Liên minh do ACLU dẫn đầu cũng bao gồm các phân hội Texas và Columbia, Dự án Dân quyền Texas, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Người tị nạn, Oxfam, và Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ Pháp lý cho Người tị nạn và Nhập cư.

    Theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, khoảng 70.000 gia đình – trong số 231.000 gia đình bị bắt giữ ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico trong năm nay – đã bị trục xuất đến Mexico.

    Tuy nhiên, trẻ em không có người đi kèm được miễn trừ, điều này đã gây ra “sự bùng nổ kỷ lục” trong hoạt động buôn người, cựu cố vấn của ông Trump, Stephen Miller lập luận.

    Truyền thông địa phương ở Texas đưa tin tuần trước rằng chính quyền Mexico đã ngừng chấp nhận công dân từ các tiểu bang Mỹ khác bị trục xuất, nhưng không có xác nhận chính thức về điều này ở cả hai bên biên giới.

    Khi các trạm Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ bị quá tải bởi số lượng lớn người di cư, họ đưa người bị bắt cho các tổ chức phi lợi nhuận địa phương như Tổ chức từ thiện Công giáo, sau đó đưa họ lên xe buýt và máy bay, đến phần còn lại của Hoa Kỳ.

    Một số người di cư đã dương tính với COVID-19 và đang được theo dõi trong khách sạn khu vực.

    Hơn một triệu người di cư đã đổ qua biên giới Mỹ-Mexico kể từ tháng Giêng, khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Mặc dù chính quyền ông Biden đã chính thức kêu gọi những người xin tị nạn từ Trung Mỹ không đến, nhưng họ cũng đã nới lỏng các quy định về tị nạn, tạo thêm thời gian cho các công tố viên không buộc tội và cho phép một số người di cư trước đây đang chờ đợi ở Mexico được vào Mỹ.

    Hàng chục nghìn người cũng đã được trả tự do bên trong Hoa Kỳ mà không được thông báo ngày ra tòa, chỉ được yêu cầu kiểm tra với các văn phòng Thực thi Di trú và Hải quan tại các thị trấn và thành phố nơi họ quyết định định cư. Hàng ngàn người đã được đưa lên xe buýt hoặc bay trên khắp đất nước. Ông Biden cũng đã tán thành việc cấp quyền công dân cho một số loại người di cư hiện đang ở Hoa Kỳ, những người thường không đủ điều kiện nhận dạng, như một phần của dự luật ngân sách sắp tới.

    Tàu chiến Đức đến biển Đông giữa lúc tình hình căng thẳng


    Vào hôm thứ Hai 2/8 chính phủ Đức đã điều tàu chiến đến biển Đông lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, cùng các quốc gia phương Tây tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý trong khu vực.

    Các quan chức ở thủ đô Berlin cho biết Hải quân Đức sẽ tuần tra các tuyến hàng hải thương mại chung. Chính quyền Berlin cho hay sứ mệnh lần này nhằm nhấn mạnh rằng nước Đức không chấp nhận các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

    Thái độ trên diễn ra trong bối cảnh Đức đang nỗ lực cân bằng giữa lợi ích an ninh và kinh tế khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Berlin. Các mặt hàng xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã giúp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

    Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đến cảng Wilhelmshaven chứng kiến tàu khu trục Bayern khởi hành trong chuyến hành trình kéo dài 7 tháng, dự định sẽ dừng lại tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

    “Chúng tôi muốn luật hiện hành được tôn trọng, có thể đi lại tự do trên các tuyến đường biển, những nguyên tắc của một xã hội mở được tôn trọng và luật giao thương công bằng được sử dụng ,” bà Kramp-Karrenbauer nói.

    Tàu chiến này dự định ​​đi qua biển Đông vào giữa tháng 12, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua khu vực này kể từ năm 2002.

    Bà Kramp-Karrenbauer cho hay Đức muốn tất cả các bên tôn trọng luật pháp hiện hành, tàu thuyền được tự do đi lại trên các tuyến đường biển, đảm bảo an ninh trong khu vực và hoạt động thương mại tuân theo các quy tắc công bằng.

    Theo hãng tin Reuters, các quốc gia gồm Anh, Pháp, Nhật Bản, Úc và New Zealand cũng đang mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương để chống lại sự đòi hỏi phi lý của Trung Quốc.

    Trong các cuộc phô trương lực lượng nhằm chống lại những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải”, trong đó các tàu di chuyển gần khu vực tranh chấp. Đáp lại, phía Trung Quốc phản đối những hành động đó khi cho rằng chúng không giúp thúc đẩy hòa bình hoặc ổn định khu vực.

    Tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã tiến vào Biển Đông.

    Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời “một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên” cho biết quân đội Trung Quốc đang theo dõi sát các hoạt động của tàu chiến Anh và sẵn sàng đối phó “mọi hành động không thích hợp”.

    Nhật Bản gia nhập cuộc đua sản xuất thuốc uống điều trị COVID-19

    Tiếp nối Pfizer và Merck, hãng dược phẩm Nhật Bản Shionogi mới đây đã gia nhập cuộc đua sản xuất thuốc uống điều trị COVID-19 (1 viên/ngày), hiện đang thử nghiệm trên người, với mục tiêu vô hiệu hoá căn bệnh này trong vòng chưa đầy 1 tuần.


    Công ty Nhật Bản Shionogi đã bắt đầu thử nghiệm trên người loại thuốc uống 1 viên/ngày đầu tiên cho bệnh nhân COVID-19, qua đó cạnh tranh cùng 2 “ông lớn” trong ngành dược phẩm Pfizer và Merck trong cuộc đua tìm kiếm phương pháp điều trị căn bệnh này.

    Công ty Shionogi (có trụ sở tại Osaka, từng tham gia phát triển thuốc trị mỡ máu Crestor) cho biết họ đã thiết kế thuốc viên có khả năng tấn công virus corona, với liều uống 1 viên/ngày. Shionogi hiện đang thử nghiệm loại thuốc này và chương trình có khả năng tiếp diễn đến năm 2022.

    Công ty Nhật Bản đã đi sau 2 tập đoàn dược phẩm của Mỹ vài tháng. Các công ty này hiện đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn sau của thuốc điều trị COVID-19. Pfizer cho biết viên uống 2 lần/ngày của họ có thể sẵn sàng tung ra thị trường ngay trong năm nay. Họ cũng đang tìm kiếm hơn 2.000 bệnh nhân tham gia thử nghiệm thuốc viên kháng virus kết hợp với thuốc kháng virus tăng cường.

    Cả 3 công ty trên đều nhắm mục tiêu lấp đầy một trong những lỗ hổng lớn nhất trong cuộc chiến chống đại dịch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc-xin vẫn có hiệu quả trong ngăn ngừa mắc bệnh nghiêm trọng do các biến thể virus, gồm cả biến thể Delta. Nhưng nhiều người không muốn tiêm chủng trong khi ca lây nhiễm vẫn có thể xảy ra với những người đã tiêm vắc-xin.

    Các phương pháp điều trị hiện tại, trong đó có thuốc kháng virus dạng truyền Remdesivir của Gilead Sciences, thường phải được sử dụng tại bệnh viện và chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian. Các loại thuốc khác được cung cấp trong bệnh viện bao gồm thuốc kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như loại do Regeneron Pharmaceuticals sản xuất và thuốc steroid dexamethasone.

    Các hãng dược phẩm vẫn đang tìm kiếm loại thuốc mà những người có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính có thể uống tại nhà khi các triệu chứng của họ còn nhẹ. Những loại thuốc như vậy đã sẵn có lâu nay đối với bệnh cúm, trong đó có Tamiflu của Roche và Xofluza của Shionogi, dù cho những sản phẩm này không có tác dụng với tất cả các bệnh nhân.

    Ông Iao Teshirogi, CEO của Shionogi phát biểu: “Mục tiêu của chúng tôi là [sản xuất ra] một loại thuốc uống rất an toàn, như Tamiflu, Xofluzang”. Theo ông, thuốc viên trị COVID-19 do công ty đang phát triển có thể vô hiệu hoá virus trong 5 ngày kể từ khi bệnh nhân bị nhiễm.

    Ông Shionogi dự kiến sẽ thử nghiệm trên 50 – 100 người khỏe mạnh tại Nhật Bản. Sau đó, một cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn sử dụng thuốc và giả dược ở các bệnh nhân COVID-19 sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

    Tỷ lệ thất bại đối với các thử nghiệm thuốc nhìn chung là cao. Bất kỳ tác dụng phụ nào, ngay cả một tác dụng tương đối nhẹ như buồn nôn, đều có thể khiến viên thuốc COVID-19 không thể sử dụng tại nhà. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu phương pháp điều trị COVID-19 cho hay họ vẫn chưa biết liệu việc loại bỏ virus ở bệnh nhân có giúp giảm các biến chứng nghiêm trọng như lượng oxy thấp khiến người bệnh phải nhập viện hay không.

    Thuốc trị COVID-19 thử nghiệm của hãng Pfizer và Shionogi ngăn chặn việc nhiễm bệnh bằng cách ức chế một loại enzyme tên là protease mà virus cần để tự sao chép bên trong tế bào người. Các chất ức chế protease được sử dụng rộng rãi để chống lại các loại virus khác bao gồm cả HIV, virus gây ra bệnh AIDS, nhưng khả năng kháng virus vẫn là một thách thức tiềm ẩn.

    Tiến sĩ Teshirogi cho biết nghiên cứu ban đầu cho thấy virus gây COVID-19 không thể dễ dàng đột biến để lẩn tránh tác dụng từ viên thuốc của công ty.

    Trong khi đó, thuốc chữa COVID-19 của hãng Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics, hoạt động dựa trên chế tạo bản sao của chính virus, khiến nó không thể nhân bản và rất khó để virus có thể trốn tránh.

    Hồi tháng 4, hãng Merck cho biết thuốc của họ vốn được nghiên cứu từ nhiều năm trước để điều trị bệnh Ebola, đã thành công trong việc giảm tải lượng virus ở bệnh nhân COVID-19 và có thể làm giảm nguy cơ nhập viện. Hiện các nghiên cứu với quy mô lớn hơn đang được tiến hành, tập trung vào những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc COVID-19 trong vòng 5 ngày và có các yếu tố rủi ro mắc bệnh nghiêm trọng.

    Hãng Merck đã đạt thỏa thuận với chính phủ Mỹ để cung cấp 1,7 triệu liệu trình điều trị bằng thuốc của họ có tên là Molnupiravir, với giá 1,2 tỷ USD nếu loại thuốc này được FDA cho phép. Con số đó cho thấy mức giá điều trị là khoảng 700 USD/bệnh nhân.

    Trong khi đó, Tiến sĩ Teshirogi cho biết Shionogi không có kế hoạch giới hạn các thử nghiệm thuốc của mình ở những bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc bệnh. Nếu loại thuốc này có triển vọng, Shionogi có thể sẽ hợp tác với một công ty dược phẩm toàn cầu để tiếp thị nó trên toàn thế giới.

    Đó chính là những gì họ đã làm cách đây 2 thập kỷ trong một trận chiến khác, một cuộc đọ sức giữa Merck, Pfizer và Shionogi liên quan đến thuốc chống cholesterol. Thuốc Lipitor của Pfizer và Zocor của Merck đã thống trị thị trường cho đến khi các nhà khoa học của Shionogi phát hiện ra một giải pháp thay thế. Công ty Nhật Bản đã cấp phép cho AstraZeneca PLC để thực hiện việc tiếp thị toàn cầu.

    Loại thuốc Crestor của Shionogi cuối cùng đã chiếm một phần đáng kể trên thị trường. Các bác sĩ ghi nhận nó giúp làm giảm tổng lượng cholesterol của Tổng thống Donald Trump khi ông còn đương nhiệm. Lipitor, Zocor và Crestor hiện đều có mặt tại thị trường Mỹ với các phiên bản phổ thông giá rẻ.

    Theo WSJ

    Không có nhận xét nào