Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 07 tháng 8 năm 2021

    An ninh Mỹ phá vỡ âm mưu sát hại đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc

    Ảnh tư liệu : Kyaw Moe Tun, đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc làm cử chỉ tỏ phản kháng với chính quyền quân sự trong nước, trong cuộc trả lời phỏng vấn Kyodo tại New York ngày 28/06/2021. © Kyodo via Reuters

    Đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc - người chống lại cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự, lật đổ chính phủ dân cử - là đối tượng của một âm mưu tấn công. Tư pháp Hoa Kỳ hôm qua, 06/08/2021, thông báo truy tố hai công dân Miến Điện, bị tình nghi là thủ phạm.

    Theo quyền phó giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI, bà Jacqueline Maguire, cảnh sát liên bang đã hành động « nhanh chóng » ngay sau khi có thông tin về âm mưu ám sát, dự kiến sẽ được tiến hành tại một vùng ngoại ô phía bắc New York. Hai nhà điều tra Hoa Kỳ cho biết cụ thể là hai nghi phạm có kế hoạch thuê một số hung thủ, nhằm buộc đại sứ Kyaw Moe Tun phải từ chức, và nếu từ chối, đương sự sẽ bị giết. Ngày thứ Tư 04/08, tức một ngày sau khi an ninh Hoa Kỳ có thông tin về âm mưu nói trên, đại sứ Miến Điện Kyaw Moe Tun cho AFP biết các biện pháp bảo vệ đã được siết chặt.

    Theo cáo trạng của cơ quan công tố, nghi phạm Phyo Hein Htut, có liên hệ với một tay buôn vũ khí, cư trú tại Thái Lan, có quan hệ làm ăn với tập đoàn quân sự Miến Điện. Hai người đã có trao đổi qua FaceTime, trong lúc Phyo Hein Htut có mặt bên trong trụ sở của phái bộ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc ở New York. Trong cuộc nói chuyện này, tay buôn vũ khí Ye Hein Zaw đề nghị thuê người tham gia cuộc tấn công, cụ thể là làm hỏng lốp xe của đại sứ Kyaw Moe Tun, để tạo một tai nạn giả. Bản cáo trạng cũng đưa ra bằng chứng về việc tay buôn vũ khí Ye Hein Zaw đã chuyển 4.000 đô la cho nghi phạm Phyo Hein Htut, qua ứng dụng Zelle, coi như tiền tạm ứng cho cuộc tấn công.

    Hai nghi phạm Phyo Hein Htut, 28 tuổi, và, Ye Hein Zaw 20 tuổi có khả năng bị phạt tối đa 5 năm tù. Hiện tại, chưa rõ vụ âm mưu tấn công đại sứ Miến Điện có liên hệ với tập đoàn quân sự hay không.

    Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Diễn đàn ARF gia tăng áp lực

    Ba tuần sau cuộc đảo chính quân sự, đại sứ Kyaw Moe Tun đã gây bất ngờ với tuyên bố ngày 26/02/2021 lên án đảo chính, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để « chấm dứt đàn áp, trả lại quyền lực cho nhân dân ». Đại sứ Kyaw Moe Tun bị tập đoàn quân sự cách chức, nhưng ông kiên quyết không rời nhiệm sở.

    Áp lực quốc tế gia tăng lên tập đoàn quân sự Miến Điện. Theo Reuters, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo trong phát biểu hôm qua 06/08/2021, tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), ngoại trưởng Antony Blinken đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Diễn đàn ARF tiếp tục gia tăng áp lực lên tập đoàn quân sự để buộc giới tướng lĩnh chấm dứt đàn áp, đưa Miến Điện trở lại tiến trình dân chủ hóa. Diễn đàn ARF là cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực, do Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á phối hợp tổ chức với 17 thành viên khác, trong đó có Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ.

    Afghanistan: Phe Taliban chiếm thủ phủ của hai tỉnh

    Theo hãng tin AFP, hôm nay, 07/08/2021, quân Taliban đã chiếm được Sheberghan, thủ phủ của tỉnh Jawzjan ở miền bắc Afghanistan. Đây là thủ phủ của tỉnh thứ hai lọt vào tay phiến quân Hồi Giáo cực đoan trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

    Hôm qua, quân Taliban đã chiếm được thành phố Zaranj, thủ phủ của tỉnh Nimrouz, miền tây nam Afghanistan, mà không gặp sự kháng cự nào từ quân chính phủ Kabul, hiện đang phải dồn lực lượng bảo vệ các thủ thủ của các tỉnh khác. Nhiều người dân Afghannistan đã chạy sang Iran lánh nạn.

    Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi gởi về bài tường trình :

    “Những đoạn video mà các trang thông tin Iran đăng trên các mạng xã hội cho thấy hàng trăm người dân Afghanistan chạy sang Iran lánh nạn. Trên các đoạn video này, người ta thấy những phụ nữ, trẻ em và đàn ông, chỉ mang theo một túi đồ, đang đi bộ qua biên giới. Theo trang mạng của đài truyền hình nhà nước Iran, nhiều quan chức chính trị và quân sự Afghanistan cũng đã chạy sang Iran.

    Làn sóng người tị này này đổ đến Iran sau khi quân Taliban chiếm được thành phố Zaranj, thủ phủ của tỉnh Nimrouz, tỉnh đầu tiên của Afghanistan rơi vào tay phe Taliban. Chính quyền Iran đã quyết định đóng cửa khẩu này với Afghanistan. Như vậy là kể từ nay, mọi cửa khẩu giữa Iran với Afghanistan đều nằm trong tay phe Taliban.

    Tỉnh Nimrouz bị thất thủ vào lúc tổng thống Afghanistan đang có mặt tại Teheran để dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Iran Ebrahim Raissi.

    Teheran nay rất lo ngại một làn sóng người tị nạn mới ồ ạt đổ sang Iran. Hiện giờ trên lãnh thổ nước này đã có hơn 2 triệu người Afghanistan. Nhưng tình hình kinh tế ngày càng khó khăn của Iran khiến nhiều người Afghanistan rời khỏi nước này để sang Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tm đường sang châu Âu.”

    Trước tình hình an ninh ngày càng xấu đi, hôm qua, bộ Ngoại Giao Anh đã kêu gọi mọi công dân của nước này rời khỏi Afghanistan “ngay lập tức”.

    Hoa Kỳ quan ngại về Kho hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 6/8 bày tỏ quan ngại sâu sắc về kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc trong cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng các nước châu Á và các quốc gia đối tác, trang US News cho hay.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố: “Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh mối quan ngại sâu sắc với sự phát triển nhanh chóng của kho vũ khí hạt nhân của CHND Trung Hoa, điều này làm nổi bật cách Bắc Kinh đã đi chệch hướng nghiêm trọng so với chiến lược hạt nhân hàng thập niên chỉ dựa trên sự răn đe tối thiểu”.

    Cả Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đều bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng lực lượng hạt nhân sau khi các báo cáo của nhóm nghiên cứu dựa trên hình ảnh vệ tinh nói rằng Trung Quốc dường như đang xây dựng hàng trăm hầm chứa mới cho tên lửa hạt nhân

    Washington đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc và Nga tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí mới và tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục Bắc Kinh thực hiện “các biện pháp thiết thực nhằm giảm nguy cơ gây bất ổn trong các cuộc chạy đua vũ trang”.

    Trong cuộc họp ngày 6/8, ông Blinken cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng hành vi “khiêu khích” ở Biển Đông và “nêu lên những lo ngại nghiêm trọng về tình trạng vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Tây Tạng.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ còn thúc giục tất cả các quốc gia châu Á gây sức ép buộc chính phủ quân sự Myanmar chấm dứt bạo lực và hỗ trợ người dân khi họ nỗ lực trở lại chế độ quản lý dân chủ.

    Tình báo Mỹ thu được “kho tàng” dữ liệu mật từ phòng thí nghiệm Vũ Hán – Chìa khóa truy nguồn Covid

    CNN ngày 6/8 đưa tin, các cơ quan tình báo Mỹ đang tìm hiểu “kho tàng” dữ liệu gien có khả năng là chìa khóa để khám phá ra nguồn gốc của virus SARS-Cov-2 gây dịch Covid-19.

    Các cơ quan tình báo Mỹ đang ráo riết thúc đẩy cuộc điều tra trong vòng 90 ngày để báo cáo theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về nguồn gốc Covid-19 (Ảnh: AP)

    Theo các nguồn tin của CNN, danh mục thông tin khổng lồ này bao gồm các bản thiết kế gien được lấy từ những mẫu virus nghiên cứu ở phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – mà một số quan chức Mỹ tin rằng có thể liên quan đến nguồn gốc dịch Covid-19.

    Tình báo Mỹ điều tra dữ liệu gien từ phòng thí nghiệm Vũ Hán


    Hiện chưa rõ các cơ quan tình báo Mỹ thu được nguồn dữ liệu này bằng cách nào hay từ khi nào, song các thiết bị máy móc liên quan đến việc tạo và xử lý dữ liệu di truyền từ virus thường được kết nối với các máy chủ bên ngoài dựa trên công nghệ đám mây, từ đó để ngỏ khả năng dữ liệu bị tấn công tin tặc – các nguồn tin cho hay.

    Dù vậy, việc diễn giải “núi dữ liệu thô” này thành thông tin khả dụng còn nhiều thách thức, và đây mới chỉ là một phần trong công việc mà cộng đồng tình báo Mỹ phải thực hiện trong thời hạn 90 ngày nhằm điều tra nguồn gốc SARS-Cov-2, theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden.

    Để thực hiện công việc trên, các cơ quan tình báo đang dựa vào những siêu máy tính đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia của Bộ Năng lượng – gồm 17 cơ sở nghiên cứu cấp cao của chính phủ Mỹ.

    Các nhà điều tra Mỹ kỳ vọng thông tin có được sẽ giúp giải đáp câu hỏi về cách thức virus SARS-Cov-2 lây nhiễm từ động vật sang người. Nhiều nguồn tin nói với CNN, phá giải bí mật này là điều then chốt để xác định rằng Covid-19 bắt nguồn từ tự nhiên hay là một sự cố trong phòng thí nghiệm.

    Giới chức Mỹ từ lâu đã tìm kiếm dữ liệu gien từ 22.000 mẫu virus được nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV). Những dữ liệu này đã được cho là đã bị gỡ xuống khỏi nền tảng công khai vào tháng 9/2019.

    Mỹ chỉ trích rằng Trung Quốc từ chối bàn giao dữ liệu thô liên quan đến những ca mắc Covid-19 đầu tiên cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Mỹ, trong khi Bắc Kinh nhấn mạnh họ đã hợp tác với nỗ lực điều tra truy nguồn virus corona một cách cởi mở và minh bạch.

    Dự báo về cuộc điều tra 90 ngày của chính quyền Biden

    Điều được các nhà điều tra Mỹ quan tâm hiện nay là liệu WIV hay các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc có sở hữu những mẫu virus hay thông tin khác giúp theo dõi quá trình tiến hóa của virus corona hay không.

    Một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra của tình báo Mỹ không xác nhận hay bác bỏ rằng có bất kỳ dữ liệu nào liên quan đến 22.000 mẫu virus kể trên đang nằm trong số dữ liệu mà tình báo Mỹ đang phân tích.

    Các nguồn tin nói rằng việc xử lý liên kết gien bị thiếu sẽ không đủ để chứng minh được nguồn gốc virus SARS-Cov-2. Các quan chức vẫn cần xác định thêm những manh mối khác. Tuy nhiên, đây cũng là đầu mối quan trọng mà chính quyền Biden đang ưu tiên.

    Nếu không thu được những thông tin mang tính đột phá, các nhà điều tra không hy vọng sẽ phát hiện ra bằng chứng xác thực cho một trong hai giả thuyết về nguồn gốc Covid-19.

    Cuộc điều tra 90 ngày của chính quyền Biden xuất phát từ cơ sở về khoa học, chứ không phải tình báo. Các quan chức tình báo được giao nhiệm vụ giải quyết một số “lỗ hổng kiến thức khoa học” về sự tiến hóa của virus – theo hướng dẫn thu thập điều tra, được phân phối cho hơn một chục cơ quan vào ngày 11/6 bởi Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia.

    Nhiều khả năng rằng sau khi kết thúc 90 ngày điều tra, cộng đồng tình báo Mỹ sẽ không đạt được một đánh giá “tin cậy cao” về nguồn gốc đại dịch. Một số quan chức từng hé lộ với CNN rằng có thể một đợt rà soát thứ hai sẽ được ban hành sau khi kết thúc 90 ngày này.

    Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng ở Ủy ban Tình báo và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tuần này đã gửi thư thúc giục chính quyền Biden tiếp tục ưu tiên việc điều tra nguồn gốc Covid-19 cho đến khi một “phán xử” được đưa ra nhằm ngăn chặn những đại dịch phát sinh trong tương lai.

    WHO đã đề xuất tiến hành điều tra giai đoạn 2 ở Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19 và vấp phải phản ứng từ Bắc Kinh. Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra đã bị chính trị hóa. Trước đó, báo cáo điều tra do WHO-Trung Quốc hợp tác, công bố hồi tháng 3, nói rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “hầu như không có khả năng”.

    Bệnh viện miền Nam nước Mỹ quá tải vì biến thể Delta


    Bệnh nhân Cedricc Daniels, 37 tuổi, ở Gonzales, bang Louisiana đang hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 ở Trung tâm Y tế Khu vực Our Lady of the Lake ở Baton Rouge, Louisiana, ngày 2 tháng 8, 2021.

    Các bệnh viện ở bang Florida, tràn ngập bệnh nhân COVID-19, đang đình chỉ các cuộc phẫu thuật không khẩn cấp và kê giường trong cả các phòng họp, khán phòng và căng-tin.

    Tại bang Mississippi, chỉ còn sáu giường trống trong các đơn vị điều trị tích cực khắp toàn bang, tính tới giữa tuần.

    Các trung tâm y tế ở bang Georgia không còn nhận bệnh nhân.

    Tại bang Louisiana, một ca cấy ghép nội tạng đã phải hoãn lại cùng với các ca phẫu thuật khác.

    Số ca nhập viện vì virus corona đang gia tăng trở lại trong khi biến thể Delta dễ lây lan hơn hoành hành trên khắp nước Mỹ, đẩy các trung tâm y tế trở lại tình trạng khủng hoảng chỉ vài tuần sau khi nhiều cơ sở đóng cửa khu điều trị COVID-19 và các bệnh viện dã chiến cũng như bãi bỏ các biện pháp khẩn cấp khác, theo AP.

    Số người nhập viện ở Mỹ vì COVID-19 đã tăng gần gấp bốn lần trong tháng qua, lên gần 45.000 ca, ngang bằng với mức đầu tháng 3, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).

    Đợt gia tăng này vẫn còn thấp so với con số gần 124.000 người nằm viện vào lúc cao điểm của đợt tăng mùa đông vào tháng 1. Nhưng các chuyên gia y tế nói rằng làn sóng này có lẽ đáng lo ngại hơn vì nó tăng nhanh hơn những đợt trước. Ngoài ra, một số lớn bệnh nhân trong đợt tăng này là thanh niên.

    Và phần lớn những người nhập viện hiện nay đều chưa được tiêm chủng.

    Các bang Florida, Georgia, Louisiana và Mississippi chiếm hơn 40% tổng số ca nhập viện trong cả nước.

    Biến thể Delta đã khiến số ca nhiễm mới ở Mỹ tăng vọt lên mức 94.000 ca trung bình mỗi ngày, một mức chưa từng thấy kể từ giữa tháng 2, AP cho biết. Số người chết mỗi ngày tăng 75% trong hai tuần qua, tăng từ mức trung bình 244 lên thành 426.

    Tổng số người chết vì COVID tại Mỹ là hơn 614.000 người.


    Khắp bang Florida, trên 12.500 bệnh nhân đã nhập viện vì COVID-19 tính đến ngày thứ Năm, hơn 2.500 trong số này đang được điều trị tích cực. Florida trung bình có gần 18.000 ca nhiễm mới được xác nhận mỗi ngày, tăng so với mức dưới 2.000 ca, một tháng trước. Tổng cộng, Florida ghi nhận hơn 39.100 ca tử vong do virus corona.

    Tại Georgia, hơn hai chục bệnh viện cho biết trong tuần này rằng họ đã phải ngưng nhận bệnh nhân vì số ca COVID nhập viện đã tăng lên 2.600 trên toàn bang.

    Mississippi báo cáo rằng các bệnh viện của họ đã quá tải với gần 1.200 bệnh nhân COVID-19 tính đến ngày thứ Năm. Quan chức phụ trách y tế hàng đầu của bang, Bác sĩ Thomas Dobbs, nói biến thể Delta đang “quét qua Mississippi như một cơn sóng thần” mà chưa thấy hồi kết.

    Ở Louisiana, với khoảng 2.350 bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện, bất cứ ca phẫu thuật không khẩn cấp nào có thể cần phải nằm lại qua đêm đều đang bị hoãn lại tại hệ thống bệnh viện lớn nhất của bang. Bác sĩ Robert Hart, quan chức đặc trách y tế hàng đầu của Ochsner Health, cho biết một ca cấy ghép nội tạng từ một người cho còn sống đã bị hoãn lại.

    Một số người Việt cư ngụ ở những bang miền Nam này của Mỹ cho biết họ có biết về đợt lây nhiễm tăng vọt nhưng không thấy có sự lo ngại nào đáng kể trong những cộng đồng nơi họ sinh sống vì phần lớn mọi người đều đã được tiêm ngừa COVID-19.

    “Có gia đình thì họ đã chích hết rồi, có gia đình thì chỉ có khoảng một người không chích thôi,” bà Trần Ngọc Châu, một người thường xuyên tham gia các sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở thành phố New Orleans thuộc bang Louisiana, nói.

    “Mình làm việc cộng đồng ở đây luôn thì thấy gia đình nào đa số cũng đã chích hết rồi.”

    Ông Daniel Lê, Giám đốc Chi nhánh của tổ chức BPSOS chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Biloxi thuộc bang Mississippi, cho biết tổ chức của ông chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ phiên dịch nào từ các bệnh viện trong khu vực cho các bệnh nhân người gốc Việt giữa đợt tăng vọt số ca nhiễm.

    “Theo thống kê của văn phòng chúng tôi, khi có chương trình tiêm vaccine thì cộng đồng Việt Nam là cộng đồng đầu tiên có số người đăng kí đông nhất xin chích ngừa,” ông nói. “Văn phòng đã giúp hơn bảy, tám trăm gia đình Việt Nam ở dưới đây lấy hẹn và tổ chức một buổi làm việc chung với sở y tế của Mississippi để vận động chích ngừa cho cộng đồng Việt Nam mình vào tháng 3 và tháng 4 năm nay.”

    “Theo tôi biết đa số những người Việt Nam ở đây muốn chích ngừa đã được chích ngừa hết rồi, chỉ có những đứa trẻ dưới 12 tuổi là chưa chích thôi.”

    Mississippi là một trong những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất toàn nước Mỹ, chưa tới 35% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Louisiana và Georgia cũng không khá hơn bao nhiêu, với khoảng 38%. Florida có tỉ lệ tiêm chủng 49%, gần với tỉ lệ tiêm chủng của toàn quốc. Tuy nhiên, không bang nào nào trong số bốn bang miền Nam này đạt tỉ lệ gần bằng khu vực Đông Bắc, nơi hầu hết các bang đều đạt trên 60%.

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) ngày thứ Sáu cho biết cứ hai người ở Mỹ thì có một người đã tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ.

    Cơ quan này cho biết 165.918.256 người, tương đương 50% tổng dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 182.368.493 người, tương đương 70,6% dân số trưởng thành ở nước này, đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

    Mỹ đã tiêm 349.787.479 liều vaccine COVID-19 trong nước tính đến sáng ngày thứ Sáu và phân phối 405.102.715 liều.

    Số liệu của CDC bao gồm vaccine hai liều của Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như vaccine một liều của Johnson & Johnson, tính đến 6 giờ sáng miền Đông Hoa Kỳ vào thứ Sáu.

    COVID-19 lan mạnh dù hơn 60% dân đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin Trung Quốc, Chile tiêm bổ sung liều thứ 3


    Tổng thống Chile, Sebastian Pinera đã thông báo nước này sẽ bắt đầu cung cấp cho những người tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin Sinovax của Trung Quốc một liều bổ sung AstraZeneca.

    Theo Reuters, ông Pinera đã đưa ra nhận xét trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Năm mùng 5/8 theo giờ địa phương.

    Chile sẽ khai triển bổ sung vắc xin AstraZeneca bắt đầu từ ngày 11/8, và mục tiêu trong đợt đầu tiên sẽ là những công dân trên 55 tuổi đã được tiêm chủng trước ngày 31/3. Theo hãng tin AP, Thứ trưởng Bộ Y tế Chile Paula Daza cho biết cho đến nay, chỉ những người đã được tiêm vắc xin Sinovax mới là đối tượng bị cần bổ sung thêm liều thứ 3, chiếm 90% dân số được tiêm chủng.

    Tháng Hai, Chile khởi động chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 quy mô lớn và vắc xin chủ yếu được dùng là vắc-xin Sinovac của Trung Quốc. Cho đến nay đã hơn 60% dân số tiêm chủng loại vắc-xin này. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc COVID-19 vẫn tiếp tục tăng, cho đến nay đã có khoảng 1,6 triệu người được chẩn đoán dương tính và 35.806 người đã tử vong.

    Theo dữ liệu được chính phủ Chile công bố vào ngày 3/8, khả năng bảo vệ của vắc-xin Sivovac trước virus Corona mới chỉ là 58,5%. Thêm vào đó, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Sinovax sẽ giảm đi sau vài tháng được tiêm đầy đủ hai mũi.

    Vậy nên, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các quốc gia hoãn tiêm mũi thứ 3 cho đến khi nhiều người trên thế giới có thể tiêm mũi đầu tiên hơn, nhưng do mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, Chile đã quyết định bảo vệ những công dân đã tiêm hai liều vắc-xin Trung Quốc để tăng cường khả năng phòng vệ trước virus.

    Công dân Myanmar từ chối kế hoạch tiêm chủng của chính phủ quân sự

    Chính quyền quân đội Myanmar đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc khi nước này phải vật lộn với làn sóng COVID-19 lần thứ ba. Tuy nhiên, chia sẻ với RFA, nhiều công dân ở nước này đang né tránh vì họ không tin tưởng vào quân đội và cả vắc-xin có xuất xứ từ Trung Quốc.

    Trong một bài phát biểu gần đây, lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing cho biết khoảng 50% dân số Myanmar sẽ được tiêm chủng vào cuối năm nay.

    Nhiều người dân nước này đã bày tỏ, họ không muốn tiêm chủng mặc dù vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt.

    Kyaw Myo Lwin, một cư dân của thành phố Yangon nói: “Chủ yếu tôi không muốn tiêm vắc-xin vì nó là của Trung Quốc. Thứ hai, tôi không tin tưởng vì những loại vắc-xin này là do hội đồng quân sự quản lý”.

    Ông cho biết thêm “Nếu là chính phủ dân sự do dân bầu quản lý những loại vắc-xin này, tôi chắc chắn sẽ tiêm, nhưng tôi sẽ không tiêm dưới [sự quản lý] của hội đồng quân sự”.

    Ông Lwin cho hay gia đình và bạn bè của ông cũng không tin tưởng vào chương trình vắc xin của quân đội. Họ sẽ tiếp tục đeo khẩu trang, tránh những nơi đông người, rửa tay thường xuyên và ở nhà để bảo vệ bản thân.

    Không chỉ vậy, một bác sĩ giấu tên nói rằng sự ngờ vực đối với quân đội đang ẩn sâu trong tâm hầu hết người dân Myanmar.

    Bác sĩ nói “Xem xét hành động của họ [chính quyền quân sự], không có gì đáng tin cậy về họ. Rốt cuộc, họ đã khủng bố dân chúng bằng cách bắt giữ, tra tấn và bức hại người dân. Làm sao người dân tin tưởng họ được?”.

    Bác sĩ thêm thông tin “Các loại vắc-xin mà chính quyền quân sự cung cấp đến từ Trung Quốc và Nga, những quốc gia mà quân đội kết hợp với chính trị. Đây đều là những nguyên nhân làm tổn hại đến lòng tin của công chúng đối với họ” .

    Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar Than Naing Soe, nói với RFA, tiêm vắc xin là giải pháp lâu dài duy nhất để ngăn chặn COVID-19.

    Ông cho biết “Thực tế mà nói, sẽ rất khó để duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay hay giữ khoảng cách. Giải pháp tốt nhất là tiêm vắc xin, vì vậy chúng tôi sẽ thực hiện việc này”.

    Ông Than cung cấp thêm thông tin, các loại vắc xin mà chính quyền cung cấp không chỉ có xuất xứ từ Trung Quốc, mà còn nằm trong số 11 loại vắc xin được phân phối thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới. Ông cho biết thêm, các loại vắc-xin sản xuất tại Nga và Ấn Độ cũng sẽ được phân phối cho người dân.

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào