Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 14 tháng 8 năm 2021

     Võ Thái Hà tổng hợp


    Afghanistan : Taliban tiến gần Kabul, phương Tây cấp tốc di tản

    Lực lượng taliban hôm qua, 13/08/2021, đang tiến gần đến thủ đô Kabul, nơi mà các nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ đang cấp tốc di tản các công dân và các nhà ngoại giao của họ.

    Do đà tiến của quân Taliban quá nhanh, Washington đã phải cắt giảm hơn nửa số nhân viên ngoại giao tại thủ đô Kabul và quyết định trước cuối tuần này sẽ triển khai tổng cộng 3.000 quân đến sân bay Kabul để bảo đảm an toàn cho việc di tản các công dân và nhà ngoại giao Mỹ.

    Toán lính thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên của lực lượng 3.000 quân này hôm nay đã đến thủ đô Kabul, một trong số hiếm hoi các thành phố còn nằm trong tay quân chính phủ. Hoa Kỳ cho biết họ sẳn sàng di tản bằng đường hàng không « hàng ngàn người mỗi ngày ».

    Tuy Lầu Năm Góc khẳng định là thủ đô Afghanistan « chưa bị đe dọa ngay », nhưng theo hãng tin AFP, đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra lệnh cho nhân viên tiêu hủy toàn bộ các tài liệu nhạy cảm và các biểu tượng của nước Mỹ mà phe Taliban có thể sẽ sử dụng « vào các mục đích tuyên truyền ».

    Việc thông báo kế hoạch di tản các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Kabul khiến mọi người nhớ đến sự thất thủ của Sài Gòn năm 1975 và khiến tổng thống Joe Biden càng bị phe đối lập chỉ trích về chiến lược của ông ở Afghanistan.

    Hôm thứ Năm vừa qua, lãnh đạo khối nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện Mỹ Mitch McConnell đã tuyên bố : « Afghanistan đang tiến nhanh đến một thảm họa to lớn, có thể được dự báo trước và lẽ ra có thể tránh được ».

    Ngoài Hoa Kỳ, Luân Đôn cũng đã thông báo triển khai trở lại Afghanistan 300 quân để giúp di tản các công dân Anh. Nhiều nước khác, trong đó có Hà Lan, Phần Lan, Ý, Tây Ban Nha, Đức, cũng đã quyết định cắt giảm xuống mức tối thiểu số nhân viên ngoại giao ở Afghanistan. Những nước như Na Uy, Đan Mạch thì tạm thời đóng cửa tòa đại sứ.

    Sau Kandahar, thành phố lớn thứ hai của Afghanistan, phiến quân Hồi Giáo cực đoan hôm qua đã chiếm được Pul-e-Alam, thủ phủ của tỉnh Logar, chỉ cách Kabul 50 km về phía nam. Như vậy là chỉ trong vòng 8 ngày, quân taliban đã chiếm được phân nửa số thủ phủ của các tỉnh ở Afghanistan.

    Ngỏ lời với quốc dân hôm nay, tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định đang có các cuộc « tham khảo ý kiến » để nhanh chóng tìm một giải pháp chính trị bảo đảm hòa bình và ổn định cho Afghanistan, đồng thời ông kêu gọi tái huy động mọi lực lượng vũ trang.

     

    NATO triệu tập họp khẩn chuẩn bị kế hoạch sơ tán

     

    Chiều ngày 13/08, các nước thành viên NATO đã họp khẩn cấp để chuẩn bị kế hoạch phản ứng thích hợp với tình hình tại chỗ.

    Thông tín viên Jérémy Audouard tại Bruxelles cho biết thêm chi tiết :

    Trong thông cáo phát đi sau cuộc họp, các thành viên NATO không giấu được lo lắng. Họ cho biết « vô cùng quan ngại về tình hình bạo lực tăng cao », nhất là vì các cuộc tấn công của Taliban nhắm vào thường dân.

    Tổng thư ký NATO đã tổ chức cuộc họp này sau khi Washington và Luân Đôn vừa phối hợp triển khai quân để bảo vệ kiều dân của mình.

    Liên Minh Bắc ĐạiTây Dương đang soạn thảo kế hoạch để sơ tán các nhà ngoại giao của mình. Tại Kabul, vẫn còn đại diện dân sự cùng các nhân viên của NATO. 9 nước trong Liên Hiệp Châu Âu vẫn có đại sứ quán tại đó.

    Theo một nguồn tin ngoại giao được AFP trích dẫn, Thổ Nhĩ Kỳ lo việc giám sát sân bay. Na Uy sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ bệnh viện trung tâm thủ đô Kabul.

    Tuy nhiên, chưa có một quyết định quan trọng nào được đưa ra, cuộc họp vẫn dừng lại ở những trao đổi đơn giản, được đánh giá là mang tính chất «  thực tế ».  

     

    Afghanistan: Hoa Kỳ vất vả lo di tản cho những người từng cộng tác

     

    Tổng thống Joe Biden vẫn kiên quyết rút quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8 bất chấp những lời chỉ trích.

    Hơn một chục thành phố lớn đã rơi vào tay Taliban chỉ trong một tuần qua, khi chút lực lượng ít ỏi còn lại của quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan chuẩn bị rút hết vào ngày 31 tháng 8.

    Lúc này, một vấn đề đặt ra cho Washington là có bao nhiêu người Afghanistan sẽ được Mỹ giúp di tản.

    Nhiều người ở Afghanistan đã rơi vào tình trạng bất an, sợ hãi và tuyệt vọng.

    Phụ nữ, và những người từng làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt lo lắng vì phải đối mặt với khả năng đàn áp và trả thù của Taliban.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã đưa khoảng 1.200 người Afghanistan đến Hoa Kỳ trong những ngày gần đây.

    Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ còn đưa khoảng 4.000 người nữa và gia đình của họ đến các quốc gia khác trong khi thủ tục giấy tờ nhập cư của họ được hoàn thiện.

    Ismail Khan, một người Afghanistan, từng là thông dịch viên cho quân đội Hoa Kỳ và hiện đang vận động cho các thông dịch viên khác thông qua tổ chức phi lợi nhuận No One Left Behind, nói với Washington Post: "Tôi thực sự rất buồn và đau lòng. Họ đang chờ đợi điều gì? Có phải họ đang đợi mọi người chết rồi sẽ mang họ ra ngoài?"

    Đối phó với cuộc khủng hoảng, Washington hôm thứ Năm thông báo rằng đang triển khai 3.000 binh sĩ đến Kabul để tăng cường an ninh tại sân bay khi các nhân viên đại sứ quán bắt đầu ra đi.

    Một nhóm quan trọng nhất của sứ quán Mỹ sẽ còn ở Kabul, bao gồm bộ phận chính trị phối hợp với chính phủ Afghanistan, nhóm an ninh ngoại giao và nhóm phụ trách lãnh sự, nơi xử lý các loại thị thực nhập cư đặc biệt (SIV).

    Khoảng 19.000 người nộp đơn SIV vẫn còn chờ đợi, mà con số này chưa bao gồm các thành viên gia đình của họ.

    Hoa Kỳ đang phải cố tìm ra nơi tạm trú cho những người Afghanistan sơ tán trong lúc họ chờ giấy tờ được Mỹ duyệt.

    Các nhà ngoại giao Mỹ đang thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng để đưa những người Afghanistan đang gặp rủi ro sang Kosovo và Albania, nơi họ sẽ được kiểm tra theo chương trình SIV trước khi tái định cư ở Mỹ.

    Các nhóm cựu chiến binh đã kêu gọi Hoa Kỳ tiếp nhận một số người nộp đơn để họ ở tạm tại đảo Guam.

    Mỹ cũng đã thảo luận với Qatar và Kuwait, nhưng Bộ Ngoại giao chưa cho biết những nước đó có thể đóng vai trò gì.

    Trong khi đó, nhiều người trong số 1.200 người Afghanistan đầu tiên đến Hoa Kỳ đã ở tạm tại Fort Lee, Virginia, Hoa Kỳ.

    Trong một tuyên bố gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết khoảng 75.000 người Afghanistan đã được tái định cư ở Mỹ trong 10 năm qua.

    Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ có "nghĩa vụ đạo đức" là "giúp đỡ những người đã giúp đỡ chúng tôi".

    Canada 'tiếp nhận 20.000 người'

    Canada đã thông báo rằng họ sẽ mở rộng một chương trình tái định cư để tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn Afghanistan.

    Bộ trưởng Nhập cư Marco Mendicino nói với các phóng viên rằng đất nước sẽ tập trung vào những người "đặc biệt dễ bị tổn thương" bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền và phụ nữ.

    Ông Mendicino nói trong một cuộc họp báo: "Tình hình ở Afghanistan rất đau lòng và Canada sẽ không đứng yên."

     

    Anh chỉ trích Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

     

    Vương quốc Anh chỉ trích Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, cảnh báo sự trỗi dậy của Taliban sẽ giúp thúc đẩy các phần tử cực đoan đe dọa thế giới.

    Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Ben Wallace hôm 12/8 nói với Sky News rằng việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan đã “để lại một vấn đề rất lớn”, khiến Taliban có thêm động lực. Ông Wallace cho biết thêm khoảng 600 binh sĩ sẽ giúp sơ tán công dân Anh khỏi Afghanistan khi Taliban giành quyền kiểm soát nhiều hơn.

    Nói về thỏa thuận Doha giữa Mỹ và Taliban, Bộ trưởng Wallace nói:  “Tôi cảm thấy sai lầm khi làm theo cách đó. Cảm thấy rằng tất cả chúng ta, với tư cách là cộng đồng quốc tế, có thể phải gánh chịu hậu quả từ điều này”.

    Theo hãng tin AFP, Taliban đã chứa chấp Al-Qaeda, những kẻ gây ra vụ tấn công ngày 11-9-2001 khiến phương Tây can dự vào Afghanistan trong 20 năm qua.

    Về điều này, ông Wallace nhận định ” Al-Qaeda có thể quay trở lại”, ông cũng cảnh báo điều này sẽ dẫn đến “mối đe dọa an ninh và lợi ích”.

    Một số quan chức Anh cũng chỉ trích quyết định rút quân khỏi Afghanistan.

    Cựu bộ trưởng Phát triển quốc tế Roy Stewart gọi việc rút quân là “sự phản bội hoàn toàn của Mỹ và Anh”, có nguy cơ gây ra nội chiến ở Afghanistan.

    Johnny Mercer, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ từng phục vụ tại Afghanistan, gọi việc rút quân là “một sự thất bại”, mô tả việc thiếu “ý chí chính trị” là “đáng xấu hổ”, “đáng buồn”, “nhục nhã cho quân đội Anh”, và trên hết là một “thảm kịch cho người dân Afghanistan”.

     

    CNN: Cộng đồng tình báo vẫn có 2 quan điểm về nguồn gốc COVID-19

     

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ trong vòng 90 ngày phải công bố kết quả cuộc điều tra nguồn gốc của COVID-19. Theo các nguồn tin, khi cuộc điều tra sắp kết thúc, các quan chức tình báo đã soạn một dự thảo báo cáo mật, và đang được xem xét sơ bộ.

    Theo CNN, các nguồn thạo tin cho biết sau 3 tháng thu thập dữ liệu và nghiên cứu thông tin tình báo sơ bộ, trong cộng đồng tình báo vẫn có 2 quan điểm khác nhau về nguồn gốc của virus. Một bên cho rằng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Bên còn lại cho rằng do động vật vô tình lây nhiễm cho con người. Một nguồn tin giải thích rằng bản báo cáo hiện tại “không có gì đáng ngạc nhiên”.

    Tháng Năm năm nay, ông Biden đã nói với các cơ quan tình báo Hoa Kỳ phải “tăng gấp bội” nỗ lực của họ, nhằm điều tra nguồn gốc của COVID-19, gồm cả khả năng chúng có bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay không. Ông Biden đã đặt ra thời hạn 90 ngày cho cuộc điều tra này, tức là nó sẽ kết thúc vào cuối tháng Tám.

    Sau 3 tháng làm việc căng thẳng, cộng đồng tình báo đã không đủ tự tin để đưa ra một tuyên bố chính xác. Điều này cho thấy việc truy tìm nguồn gốc của virus khó khăn đến mức nào.

    Phát ngôn viên của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) cho biết trong một tuyên bố với CNN rằng: “Chúng tôi sẽ không đánh giá nội dung của bản báo cáo trong khi cuộc điều tra kéo dài 90 ngày vẫn đang diễn ra”.

    Trong phần còn lại của quá trình điều tra, dự thảo báo cáo có thể sẽ được sửa đổi rất lớn. Ông Biden cũng hướng dẫn cộng đồng tình báo giải mật báo cáo càng nhiều càng tốt, để chính phủ có thể chia sẻ điều gì đó với công chúng. Hiện tại, quá trình giải mã đang diễn ra cùng lúc với quá trình đánh giá sơ bộ.

    Tuần trước, CNN đưa tin các cơ quan tình báo đã thu thập được một lượng lớn dữ liệu gen di truyền, trích xuất từ ​​các mu virus ca Vin Virus hc Vũ Hán. Mt s quan chc tin rng đây có th là ngun gc dn đến s bùng phát ca đại dch. Hin không rõ các quan chc đã hoàn thành vic phân tích các d liu này hay chưa

    Tuy nhiên, ĐCSTQ luôn từ chối chia sẻ thông tin về giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch. Sự thiếu minh bạch của họ đã gây trở ngại lớn cho các cuộc điều tra.

    Ba nguồn tin nói rằng bản báo cáo này được viết mà không có sự tham gia của người Trung Quốc. Hiện báo cáo đang được cộng đồng tình báo và các chuyên gia bên ngoài xem xét, để lấy phản hồi trước khi được hoàn thiện vào cuối tháng này.

     

    466 ca nhiễm mới – trong kỷ lục chưa từng có tại NSW. Cả tiểu bang NSW bị phong tỏa

     

    Tình hình của NSW càng lúc càng tệ hơn, có vẻ như đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ và bà Gladys Berejiklian chỉ còn trông đợi vào một yếu tố duy nhất có thể chống lại vi khuẩn Delta – đó là tỉ lệ người dân chích ngừa thật cao.

    Số ca nhiễm hôm nay tăng nhiều so với hôm qua (390) và Thủ hiến Gladys Berejiklian lo sợ rằng tình hình sẽ tệ hơn trong những ngày tới.

    Ngoài ra trong 24 giờ qua, NSW ghi nhận có 4 tử vong vì Covid, trong đó có một phụ nữ tuổi 40s, nâng tổng số tử vong của tiểu bang lên 43.

    Trong số 466 ca nhiễm mới, có 76 người bị cách ly suốt thời gia bị nhiễm. 19 bị cách ly một phần trong lúc bị nhiễm và 68 người đã đi lại trong cộng đồng trong suốt thời gian bị nhiễm.

    Hiện tại có 378 bệnh nhân Covid đang nằm bệnh viện, với 64 người đang điều trị tại Intensive care và 29 người cần máy trợ thở.

    Trong số những người nằm trong ICU, có bốn người tuổi 20s, sáu người tuổi 30s và bảy người tuổi 40s.

    Bà Berejiklian cho biết các suburb ở miền tây của Sydney: Blacktown, Doonside, Mount Druitt, Maryland, Guildford và Auburn đang trong tình trạng báo động vì số ca nhiễm gia tăng đáng kể.

     

    Những luật lệ mới về phong tỏa và số tiền phạt

     

    Nhằm để ngăn chặn một thiểu số vi phạm luật phong tỏa, bà Berejiklian cho biết sẽ tăng số tiền phạt đối với những người vi phạm.

    Bắt đầu từ thứ Hai này sẽ có thêm 500 lính Úc đến NSW để giúp kiểm soát số người đi lại tại các đường chính.

    Tiền phạt sẽ tăng từ $1000 lên $5000 đối với những người vi phạm luật cách ly, nói dối về giấy phép (permit) và về những người đã tiếp xúc.

    Sẽ phạt tại chỗ $3000 đối với ai vi phạm luật tập thể dục tập trung quá 2 người và đối với những ai vi phạm luật đi đến các vùng nông thôn của NSW.

    Cư dân cả thành phố lớn Sydney chỉ được di chuyển trong phạm vi 5km từ nhà.

    Thay đổi luật về “single bubble”: Những người độc thân sống một mình được có người bạn thăm viếng, nhưng người đó phải sống trong phạm vị 5km và bạn phải đăng ký tên người đó tại trang web nsw.gov.au.

    Những ai muốn rời Sydney để đến vùng nông thôn (regional) của NSW phải có giấy phép.

    Cư dân trong sống trong các vùng hotspot của NSW được lãnh $320 trong lúc bị cách ly để chờ kết quả thử Covid.

     

    Bà Thủ hiến nhìn nhận khuyết điểm của chính phủ

     

    Trong buổi họp báo sáng nay, bà đã nhìn nhận sai lầm của chính phủ bà trong thời gian trước đây. Sau khi cám ơn các cư dân đã kiên nhẫn chịu đựng sự phong tỏa quá lâu, bà nói: “Đôi khi chúng tôi đã làm quý vị thất vọng, đôi khi chúng ta đã bắt quý vi phải chờ quá lâu [để chích ngừa] hay hệ thống booking không được hiệu quả lắm, nhưng vui lòng hiểu rằng đối với NSW tôi luôn luôn chiến đấu hết mình để được càng nhiều liều vaccine càng tốt và luôn luôn chiến đấu để nhu cầu khẩn cấp của tiểu bang chúng ta được lắng nghe.”

    Sáng nay bà cũng nhìn nhận là con đường đến tự do của tiểu bang còn khá xa:

    “Chúng ta sẽ vượt qua nhưng tháng 9 và tháng 10 sẽ rất khó khăn (We will get through this but September and October will be difficult,) bà nói.

    “Đến cuối tháng 10, chúng ta sẽ có 70% người trưởng thành (adult) đã chích xong 2 liều và giữa tháng 11 con số đó sẽ lên 80%.

    “Và đến thời điểm đó, tháng 9 và tháng 10 sẽ rất khó khăn và là một thử thách cho tất cả để biết là cộng đồng của chúng ta sẽ sống qua hai tháng đó được tự do và an toàn như thế nào.

    “Tôi muốn nêu ra những khó khăn, thách thức lớn nhất của tiểu bang để quý vị chia sẻ và cùng làm việc với chúng tôi để cuộc sống của tất cả chúng ta sớm được trở lại bình thường.”

     

    Tân đại sứ Trung Quốc nói Đài Loan là ‘vấn đề nhạy cảm nhất’ trong cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ

     

    Ông Tần Cương, Tân đại sứ Trung Quốc tại Washington đã nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của eo biển Đài Loan trong mối quan hệ Mỹ- Trung trong cuộc gặp đầu tiên của ông với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman kể từ khi nhậm chức, trang The Jakartapost cho hay.

    Ông Tần đã có cuộc gặp với bà Sherman tại Washington vào ngày 12/8 theo giờ địa phương, Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã hôm nay đưa tin, hai bên đã có một cuộc trao đổi quan điểm “sâu sắc và rất thẳng thắn”. Hai quan chức cũng nhất trí rằng quan hệ song phương Trung-Mỹ là rất quan trọng, và cần giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và liên lạc, quản lý những khác biệt và mâu thuẫn, đồng thời cải thiện quan hệ song phương.

    Vấn đề duy nhất được đề cập trực tiếp trong bản tin của Tân Hoa Xã là Đài Loan. Ông Tần Cương nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.

    Reuters bình luận, Trung Quốc đã bị kích động sau hàng loạt các động thái hỗ trợ của Mỹ dành cho Đài Loan, trong đó có thương vụ bán vũ khí và tài trợ vắc xin COVID-19,.

    Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng là nhà cung cấp vũ khí chính và hậu thuẫn quốc tế mạnh nhất của họ. 

    Hôm nay, Tân giám đốc văn phòng đại diện của Mỹ tại Đài Loan, bà Sandra Oudkirk, đã gặp Phó Tổng thống Đài Loan Lại Đức Thanh bày tỏ cảm ơn về sự hỗ trợ của Washington và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan “trước các mối đe dọa từ Trung Quốc”.

     

    Thêm 2 thành phố Mỹ bắt buộc trình bằng chứng tiêm ngừa COVID-19

     

    San Francisco và New Orleans ngày thứ Năm theo bước New York ra quy định bắt buộc xuất trình giấy chứng nhận tiêm ngừa vaccine COVID-19 khi vào trong nhà hàng, phòng tập thể dục và các địa điểm khác, một biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

    Số ca nhiễm hàng ngày ở Mỹ đã tăng gấp đôi trong hai tuần qua, theo số liệu do Reuters thu thập, đạt mức cao nhất trong sáu tháng. Số người chết trung bình hàng ngày tăng 85% trong cùng khoảng thời gian đó.

    Sự bùng phát COVID-19 trầm trọng nhất tập trung ở miền nam của Mỹ, bao gồm các bang Arkansas, Florida, Louisiana, Mississippi và Texas, nơi các phòng điều trị tích cực (ICU) đang quá tải với số lượng bệnh nhân đổ vào ồ ạt.

    Số ca nhiễm cũng gia tăng ở những bang khác, nơi mà nhà chức trách trước đây đã ban hành các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của virus.

    Tuần trước, New York trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ bắt buộc nhân viên và khách hàng phải xuất trình bằng chứng cho thấy họ đã được tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine COVID-19 để có thể vào bên trong nhà, các phòng tập thể dục và các địa điểm trình diễn. Quy định có hiệu lực vào tuần sau.

    Nhà chức trách thành phố San Francisco ở bang California ngày 12 tháng 8 loan báo sắc lệnh bắt buộc xuất trình giấy chứng nhận tiêm ngừa đối với các cơ sở kinh doanh trong nhà áp dụng cho cả nhân viên và khách hàng. Nhân viên làm việc trong các nhà hàng, phòng tập thể dục và các địa điểm khác có hạn chót là ngày 13 tháng 10 để xuất trình bằng chứng là họ đã tiêm ngừa đầy đủ, theo sắc lệnh.

    Những người tham dự các sự kiện trong nhà từ 1.000 người trở lên cũng bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm ngừa.

    Sắc lệnh, có hiệu lực từ ngày 20 tháng 8, đòi hỏi phải tiêm ngừa đầy đủ thay vì ít nhất một mũi vaccine.

    Thị trưởng New Orleans ở bang Louisiana ngày 12 tháng 8 cũng loan báo sắc lệnh vaccine tương tự, bắt buộc cư dân và khách tham quan phải cho thấy họ đã chủng ngừa COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính để được vào bên trong nhà hàng, quán bar và các địa điểm trong nhà khác bao gồm sân vận động thể thao.

    “Chúng tôi phải làm như vậy ngày hôm nay vì chúng tôi thực sự không còn lựa chọn nào khác. Tình hình rất tồi tệ và chúng ta không còn thời gian nữa,” bà LaToya Cantrell nói trong một cuộc họp báo, theo báo The Times-Picayune.

    Sắc lệnh toàn thành phố sẽ chỉ yêu cầu bằng chứng đã tiêm ít nhất một liều.

    Bà Mai Nguyễn, chủ nhà hàng Ba Miền ở New Orleans, nói bà có hay biết về sắc lệnh này và dự định sẽ yêu cầu thực khách xuất trình giấy chứng nhận tiêm ngừa kể từ ngày thứ Hai khi sắc lệnh bắt đầu có hiệu lực.

    “Biết chắc chắn là thế nào cũng bị ảnh hưởng rồi, những người chưa chích người ta không đến ăn được thôi,” bà nói.

    Ông Vũ Xuân Truyền, cư dân địa hạt Marrero nằm sát New Orleans về hướng tây, biết về sắc lệnh này từ một số người bạn sinh sống trong thành phố. Ông nói đó là biện pháp cần thiết giữa lúc số ca nhiễm virus tăng vọt ở bang này đang khiến hệ thống y tế quá tải.

    “Theo tôi làm như vậy cũng tốt thôi tại vì bây giờ có rất nhiều người không chịu chích vaccine, mà những người không chịu chích vaccine thì làm cho những người khác cũng hơi lo lắng một chút,” ông nói.

    Cư dân 66 tuổi này cho biết ông đã được tiêm ngừa từ sớm và cũng đang chấp hành quy định đeo khẩu trang của bang khi vào các địa điểm trong nhà.

    Louisiana là một trong những bang có tỉ lệ tiêm ngừa thấp nhất trong số 50 bang của Mỹ. Khoảng 56,8% người dân ở bang này nhận được ít nhất một liều vaccine và 48% được tiêm ngừa đầy đủ, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Tỉ lệ toàn quốc lần lượt là 72% và 61%.

    Mỹ ngày thứ Sáu báo cáo gần một triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 mới so với tổng số ngày hôm trước, con số lớn nhất trong một ngày kể từ đầu tháng 7.

    Khoảng 918.000 liều được tiêm trong ngày thứ Sáu, theo Cyrus Shapar, giám đốc dữ liệu COVID-19 của Nhà Trắng. Con số này bao gồm 576.000 người được tiêm liều đầu tiên.

    Sự gia tăng này báo hiệu sự gia tăng tỉ lệ tiêm chủng trong bối cảnh nhà chức trách đang thúc đẩy nhiều người tiêm phòng hơn vì biến thể Delta khiến số ca nhiễm tăng vọt.

    Bài viết sử dụng thông tin của Reuters, The Times-Picayune và The Hill.

     

    Không có nhận xét nào