Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 19 tháng 8 năm 2021

     Võ Thái Hà tổng hợp

    Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman phát biểu về tình hình Afghanistan tại bộ Ngoại Giao ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 18/08/2021. REUTERS - POOL

    Mỹ tuyên bố “đồng thuận” với Trung Quốc và Nga về Afghanistan

    Một quan chức cao cấp bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua, 18/08/2021 đã khẳng định rằng về Afghanistan, Washington có cùng mục tiêu với cả Bắc Kinh lẫn Matxcơva. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nga, hai nước bị Hoa Kỳ xem đối thủ, đều coi việc Mỹ rút chân ra khỏi Afghanistan là cơ hội để tăng cường ảnh hưởng bằng cách hợp tác với chế độ Taliban.

    Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với các phóng viên tại Washington, bà Wendy Sherman, thứ trưởng Ngoai Giao Mỹ đã đề cập đến một tuyên bố chung của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 16/08 vừa qua, kêu gọi “thành lập, thông qua các cuộc đàm phán mở rộng, một chính phủ thống nhất và mang tính đại diện rộng rãi” tại Kabul.

    Theo bà Sherman, tuyên bố đó “cho thấy tất cả chúng ta đều có chung một lập trường, trong đó có việc kêu gọi Taliban đảm bảo công lý, quyền bình đẳng và hội nhập, không để xảy ra bạo lực, để mọi người có thể rời đi nếu họ muốn”.

    Trên cơ sở đó, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ kết luận là “hiện đang có một sự đồng thuận rất mạnh mẽ” trên vấn đề Afghanistan.

    Về hình thức, việc Trung Quốc và Nga, hai trong số 5 thành viên có quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An, tán đồng bản tuyên bố về Afghanistan có nghĩa là họ đồng ý với những gì được nêu trong văn kiện.

    Nhưng trong thực tế, theo AFP, vào lúc Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây rút ra khỏi Afghanistan, cả Trung Quốc lẫn Nga đều duy trì đại sứ quán của họ ở Kabul, và gia tăng các cuộc tiếp xúc với lực lượng Taliban để tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại nước này.

    Ngoài ra, nếu Mỹ và đồng minh phương Tây còn cân nhắc việc có nên công nhận chế độ Taliban hay không, thì Bắc Kinh và Mátxcơva đều như đã xem Taliban là ông chủ mới của Afghanistan..

    Iran “sẵn sàng” làm việc với Nga và Trung Quốc để “ổn định” Afghanistan

    Cùng một quan điểm với Trung Quốc và Nga còn có Iran. Tổng thống Iran Ebrahim Raïssi hôm qua đã tiếp xúc trực tuyến với hai đồng nhiệm Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

    Trong cả hai cuộc hội đàm, lãnh đạo Iran đều xác định rằng Teheran sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh và Mátxcơva để tái lập “ổn định và hòa bình” ở Afghanistan, nơi phe Taliban đã giành lại được chính quyền.

    Thái độ của Iran đối với Taliban cũng thay đổi hoàn toàn. Vốn có quan hệ căng thẳng với Taliban từ năm 1996 đến 2001 khi phe này năm quyền tại Afghanistan, Iran chưa bao giờ công nhận chế độ Taliban.

    Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Teheran đã cho rằng Taliban phải là "một phần của giải pháp tương lai" ở Afghanistan. Hôm 16/08, thậm chí tân tổng thống Iran Raïssi còn khẳng định rằng “thất bại quân sự” của Hoa Kỳ ở Afghanistan phải biến thành “cơ hội cho hòa bình” ở nước láng giềng, đồng thời nói thêm rằng Teheran rất mong muốn một “quan hệ láng giềng tốt với Afghanistan”.

    IMF đình chỉ viện trợ cho Afghanistan do tình hình bất ổn

    Trong lãnh vực kinh tế, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF hôm qua thông báo đình chỉ viện trợ cho Afghanistan do tình hình còn bất ổn tại nước này. Trên nguyên tắc, FMI sẽ phải cấp cho Afghanistan một khoản viện trợ cuối cùng trị giá 105,6 triệu đô la theo một chương trình được phê duyệt vào ngày 6 tháng 11 năm 2020 với tổng trị giá là 370 triệu đô la.

    Là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Afghanistan rất phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Ngoài Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới có khoảng 20 dự án phát triển đang được tiến hành ở Afghanistan và đã cung cấp 5,3 tỷ đô la kể từ năm 2002, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại. Tương lai của các chương trình này không rõ ràng, trong bối cảnh định chế tài chính quốc tế này đang khẩn trương rút nhân viên của họ khỏi Afghanistan.

    Biden: Không thể tránh được hỗn loạn khi rút quân khỏi Afghanistan

    Bị đả kích dữ dội từ khi phe Taliban nhanh chóng chiếm chính quyền ở Kabul, trên kênh truyền hình ABC hôm 18/08/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định không thể nào rút quân khỏi Afghanistan mà không xảy ra tình trạng hỗn loạn.

    Khi nhà báo George Stephanopoulos nêu ra hình ảnh trên 600 người chen chúc trong chiếc phi cơ C-17 của Mỹ, những người Afghanistan bị rơi khỏi máy bay… ông Biden nói rằng chuyện đó đã cũ, cách đây bốn, năm ngày rồi.

    Mặt khác, tổng thống Mỹ nhìn nhận đang gặp những khó khăn trong việc di tản người Afghanistan. Washington tố cáo Taliban không giữ lời hứa để cho tất cả những ai muốn ra đi được tự do vào phi trường Kabul, và như vậy việc di tản hàng ngàn người Mỹ và thường dân Afghanistan hoàn toàn tùy thuộc vào Taliban.

    Từ New York, thông tín viên Loudna Anaki tường trình :

    « Khi nhà báo của ABC hỏi có phải đó là thất bại của tình báo, phải chăng họ đã phạm những sai lầm, Joe Biden vẫn tỏ ra kiên quyết. Câu trả lời là : Không !

    Đối với tổng thống Mỹ, việc Taliban nhanh chóng quay lại nắm quyền phần lớn là do trách nhiệm của chính quyền Afghanistan. Ông nói : « Khi người đứng đầu đất nước lên máy bay chạy trốn, khi các đội quân Afghanistan mà chúng ta đã huấn luyện sụp đổ, thì diễn tiến phải như vậy thôi ».

    Về tình hình ở phi trường Kabul, Joe Biden cho rằng mọi việc nay đang trong vòng kiểm soát, sau khi xảy ra tình trạng hỗn loạn mà theo ông là không thể tránh khỏi. Biden khẳng định : « Vẫn có ý kiến cho rằng có thể rút lui mà không bị rối loạn, nhưng tôi thấy khó thể được như thế ».

    Vẫn cam kết tiếp tục hoạt động di tản, Joe Biden nhìn nhận gặp nhiều khó khăn trong việc sơ tán các đồng minh Afghanistan. Nhưng ông không loại trừ việc duy trì các quân nhân Mỹ tại chỗ sau hạn định 31/08, cho đến khi tất cả các công dân Mỹ ra đi ».

    Trần Kiên  - Taliban đã học chiến thuật của Mao Trạch Đông ở Afghanistan

    Lực lượng vũ trang Taliban đã kiểm soát hơn 90% các cơ quan chính phủ ở Afghanistan chỉ trong mười ngày, và tốc độ của phiến quân đã khiến Tòa Bạch Ốc phải kinh ngạc.

    Theo tờ The Sun của Anh, sau khi kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan, phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen khẳng định rằng họ sẽ “không báo thù” nhằm vào người dân Afghanistan.

    Hắn nói thêm: “Chúng tôi là đầy tớ của nhân dân và của đất nước này”. 

    Phản bác lại tuyên bố này, tài khoản Twitter New High land Vision cho biết: Các tổ chức khủng bố chỉ cần sử dụng lớp vỏ ngụy trang ‘phụng sự vì nhân dân’… Cướp của, giết người, đốt phá, bắt cóc, buôn bán ma túy v.v đã được hợp pháp hóa. Đây là thủ đoạn mà Tập Cận Bình đã dạy cho tổ chức khủng bố Taliban”. 

    Một người khác bình luận: “Chứng minh hai điểm: Taliban cũng là lưu manh, và ĐCSTQ cũng là phần tử khủng bố.”

    Một người khác đăng tải đoạn video cho thấy “đầy tớ nhân dân” Taliban đang dùng roi để đánh người dân một cách không thương tiếc. 

    Abuluowang đưa tin, ông Khổng, một học giả độc lập về Trung Quốc, nói rằng Taliban luôn sử dụng những lời lẽ ngụy biện để đánh lừa thế giới và những lời nói của chúng khó mà khiến người ta tin tưởng. 

    Ông Khổng nói “Một số tuyên bố mới nhất của Taliban đã được đăng tải lên Internet trong hai ngày qua, liệu đó là ngụy biện và lừa dối thế giới, hay chúng thực sự muốn thay đổi đường lối của mình? Hiện tại điều này vẫn chưa rõ ràng. Nhưng ít nhất chúng ta có thể thấy một lực lượng chính trị dựa vào vũ lực để giành được chính quyền. Tất yếu sẽ phải dùng vũ lực để duy trì chế độ của mình”.

    Khẩu hiệu của Taliban rằng “sẽ không trả thù” khiến người ta nhớ đến thời ĐCSTQ lên nắm quyền bằng bạo lực năm 1949. ĐCSTQ đã hứa với các nhà tư bản và trí thức rằng họ sẽ không bị thanh trừ, mà cùng “đảng” xây dựng lại đất nước. Tuy nhiên chỉ vài năm sau, ĐCSTQ đã lật lọng, phát động nhiều cuộc vận động chính trị, thanh trừ, tàn sát hàng triệu phần tử trí thức và các nhà tư bản của đất nước này. 

    Trên thực tế việc Taliban chiếm chính quyền bằng bạo lực khá tương đồng với cách làm của ĐCSTQ. 

    Hôm 17/8, tờ Tin tức Đa chiều đã xuất bản một bài báo đề cập rằng, chiến thắng của Taliban là dựa trên kinh nghiệm của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Taliban đã bao vây các thành phố từ các vùng nông thôn, chiếm giữ các thành phố ở hàng chục tỉnh ở Afghanistan. Sau đó, tiến vào Thủ đô Kabul và dễ dàng giành được quyền lực ở đất nước này. 

    Tờ Tin Tức Đa chiều bình luận rằng, có vẻ như Taliban đang lặp lại cái gọi là “Chiến tranh Giải phóng” của ĐCSTQ ở Afghanistan. Thêm vào đó, khi nhóm khủng bố Taliban được truyền thông phương Tây phỏng vấn vào những năm 1990, chúng đã thẳng thừng tuyên bố rằng “Những tác phẩm được chọn lọc của Mao [Trạch Đông]” là cuốn sách truyền cảm hứng nhất cho chúng.

    Ông Khổng dự đoán rằng các tổ chức nắm chính quyền bằng bạo lực chắc chắn sẽ dựa vào bạo lực để duy trì quyền lực. Ông nói “Trong vài năm tới, dưới sự thống trị của Taliban ở Afghanistan, với chủ trương ủng hộ bạo lực và vũ lực, thì tự do, dân chủ và quy tắc luật pháp không thể tồn tại. Nếu chính quyền đến từ nòng súng, họ phải sử dụng nòng súng để bảo vệ chính quyền”

    Mặc dù không có bằng chứng cho thấy ĐCS Trung Quốc đã chỉ đạo kỹ thuật để Taliban lên nắm chính quyền, nhưng ngoại giới, và ngay cả chính cơ quan truyền thông của ĐCSTQ cũng cho rằng chiến lược và chiến thuật của Mao Trạch Đông về cơ bản đã giúp Taliban giành chiến thắng.  

    Ngày 28/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp lãnh đạo nhóm Taliban tại Thiên Tân. 20 ngày sau sự kiện này, Taliban đã chiếm hầu hết lãnh thổ Afghanistan, bao gồm cả thủ đô Kabul.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với Afghanistan sau khi đất nước này bị Taliban kiểm soát. 

    Nhận xét của bà Hoa được người dân Lâm Tài Tuấn giải thích: “ĐCSTQ đã trở thành ông chủ thực sự đằng sau Taliban, và tính hợp pháp song phương không còn phải bàn cãi. Họ là những tổ chức khủng bố thực sự.

    Một người khác bình luận: “Bàn tay đen của ĐCSTQ đi đến đâu, đều là mang đến bạo lực, thảm họa và sinh ly tử biệt”. 

    https://vietluan.com.au/53077/taliban-da-hoc-chien-thuat-cua-mao-trach-dong-o-afghanistan

    Nguy cơ khủng hoảng người tị nạn Afghanistan

    Người ta nhớ đến sự kiện Sài Gòn sụp đổ qua hình ảnh người dân tranh nhau lên trực thăng. Giờ đây đến lượt những video cho thấy người Afghanistan liều lĩnh bám vào thành bánh xe máy bay C-17 của Mỹ sẽ mãi mãi gắn liền với thắng lợi của Taliban ở Kabul. Trong những tuần tới có thể sẽ có hàng nghìn người được sơ tán. Các nước phương Tây đang đưa ra cam kết về số người tị nạn họ sẽ tiếp nhận, dù vẫn chưa có chi tiết. Còn Taliban tiếp tục nhấn mạnh họ “sẽ không trả thù bất cứ ai” và do đó việc di tản là không cần thiết.

    Bốn thập niên xung đột đã khiến nhiều người Afghanistan phải chạy khỏi đất nước, phần lớn là sang các nước láng giềng. Liên Hợp Quốc tính được 2,5 triệu người tị nạn có đăng ký; với con số thực cao hơn nhiều. Dù miệng nói hứa hẹn, một số chính trị gia châu Âu cũng đang lo lắng về một cuộc di cư ồ ạt, làm gợi nhớ đến làn sóng phẫn nộ của người dân địa phương sau đợt 1 triệu người tị nạn Syria vào năm 2015. Do vậy người Afghanistan rất muốn biết độ chân thành trong lời hứa của phương Tây, và cả Taliban.

    Hạn chót cho Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ trình lại vụ kiện Facebook

    Hồi tháng 6 Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) chịu một thất bại nhục nhã khi James Boasberg, một thẩm phán liên bang, bác vụ kiện chống độc quyền quan trọng của họ đối với Facebook. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng này đã không định lượng chính xác thị phần của Facebook trong mảng mạng xã hội cá nhân, vốn là một thành tố quan trọng trong đơn kiện. FTC tuyên bố Facebook chiếm “hơn 60%” thị trường, nhưng không nói rõ cách tính ra con số này. Việc vụ kiện bị hoãn giúp giá trị vốn hóa thị trường của Facebook vượt qua 1 nghìn tỷ đô la.

    Hôm nay là hạn chót để FTC viết lại vụ kiện. Lina Khan – sếp mới của ủy ban, đồng thời là một lãnh đạo pháp lý trẻ nhưng đầy danh tiếng trong lĩnh vực thị trường kỹ thuật số và chống độc quyền – có thể chính là mảnh ghép còn thiếu. Tòa án đã chấp nhận định nghĩa khá hẹp của FTC về thị trường của Facebook, theo đó không tính các đối thủ cạnh tranh như LinkedIn hay YouTube.

    Hệ thống tư pháp Anh quá tải

    Hôm nay chính phủ Anh công bố báo cáo tư pháp hình sự hàng quý. Nó bao gồm quý 1, trong đó cho thấy đợt phong tỏa toàn quốc thứ ba (từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2021) đã ảnh hưởng ra sao đến hệ thống tư pháp ở Anh và xứ Wales. Số liệu thống kê năm trước cho thấy các vụ truy tố đều giảm sút trong lần phong tỏa đầu, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020.

    Hệ thống tư pháp hiện rất căng thẳng. Sau khi phải đóng cửa gần một năm, các tòa án đang thụ ý một lượng tồn đọng khổng lồ. Song hạn chế do Covid-19 không phải là vấn đề duy nhất. Một thập niên cắt giảm chi tiêu đã khiến các luật sư bào chữa cho tội phạm, hầu hết sống nhờ trợ cấp pháp lý, phải bỏ nghề, với tỷ lệ tăng cao trong đại dịch. Kết quả là tồn đọng nhiều nhưng nhân lực càng ngày càng ít đi.

    Ngành bán lẻ Mỹ phục hồi

    Mọi người đang quay về thế giới thực và quay trở lại cửa hàng. Đó là tin tốt cho Target và Walmart, hai trong số các nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ. Đợt công bố doanh thu quý 2 vừa rồi cho thấy cả hai công ty tăng trưởng cả doanh số và lợi nhuận.  Nếu như mặt hàng thiết yếu chiếm phần lớn doanh số bán hàng năm ngoái, thì đến những tháng gần đây doanh số lại tăng trưởng nhờ quần áo, sản phẩm làm đẹp và va li, theo Target  – báo hiệu quay về cuộc sống trước đại dịch. Vì vậy có thể Nordstrom và Macy’s cũng sẽ báo cáo kết quả tốt đẹp trong những ngày tới. Hai cửa hàng truyền thống này trải qua suy thoái trong hai năm 2019 và 2020, nhưng đã phục hồi từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8.

    Tuy nhiên triển vọng bỗng trở nên bi quan. Doanh số bán lẻ tháng 7 do Bộ Thương mại tổng kết đã giảm. Giá cổ phiếu của Walmart chỉ tăng nhẹ sau thông báo này, còn một số nhà bán lẻ khác đều giảm. Lo ngại từ biến thể Delta, lạm phát, tắc nghẽn nguồn cung, thiếu hàng dự trữ, chính phủ ngừng phát chi phiếu kích thích và chi phí lao động cao hơn đều đang đe dọa ngành bán lẻ.

    Hải quân Việt Nam, Ấn Độ tập trận trên Biển Đông

    VOA Tiếng Việt

    Hôm 18/8, hải quan Ấn Độ và Việt Nam tiến hành tập trận chung ở Biển Đông trong khuôn khổ hợp tác hàng hải giữa hai nước, theo trang India Today.

    Trang India Today dẫn một thông cáo của Hải quân Ấn Độ cho biết tàu khu trục INS Ranvijay và tàu tên lửa tấn công nhanh INS Kora đã tiến hành các cuộc tập trận hàng hải song phương với tàu khu trục cỡ nhỏ VPNS Lý Thái Tổ (HQ-012) của Hải quân Việt Nam.

    “Tiếp nối với việc triển khai liên tục các tàu Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông, tàu INS Ranvijay và INS Kora đã tiến hành cuộc tập trận hàng hải song phương với tàu khu trục Lý Thái Tổ của Hải quân Nhân dân Việt Nam hôm thứ Tư”, truyền thông Ấn Độ dẫn lời người phát ngôn Hải quân Ấn Độ, Tư lệnh Vivek Madhwal cho biết. Ông cho biết cuộc tập trận này nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hải quân hai nước.

    Trang India Today cho biết hai tàu của Hải quân Ấn Độ, cùng tàu Hải quân Việt Nam thực hiện diễn tập tác chiến mặt nước, diễn tập bắn vũ khí và hoạt động trực thăng trên Biển Đông, sau khi thực hiện các thao tác vận động nghiệp vụ tại cảng vào ngày 15/8.

    Hải quân Ấn Độ cho biết, sự tương tác thường xuyên giữa hải quân hai nước trong những năm qua đã nâng cao khả năng tương tác và khả năng thích ứng của họ. “Điều này đã đảm bảo một bước nhảy vọt về mức độ phức tạp và quy mô của các cuộc trao đổi chuyên môn,” thông cáo nói.

    Trong khi đó, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết cuộc luyện tập chung trên biển này bao gồm hai nội dung là vận động đội hình và thông tin liên lạc theo “Bộ quy ước ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển của Hải quân Tây Thái Bình Dương (CUES)”.

    Truyền thông Việt Nam cho biết buổi luyện tập này được thực hiện trên vùng biển Khánh Hòa, do Thượng tá Vũ Đức Giang, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162, chỉ đạo hiệp đồng.

    “Hai bên đã hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện, trao đổi thông tin liên lạc bằng cờ hiệu và qua mạng vô tuyến điện nhanh chóng, chuẩn xác, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt,” đài VOV tường thuật.

    Theo trang India Today, sự tương tác song phương này nhằm củng cố mối quan hệ bền chặt mà hải quân hai nước chia sẻ và sẽ là một bước tiến khác nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam.

    Thế giới lo ngại Afghanistan thành nơi ẩn náu an toàn cho các phần tử chủ chiến

    Reuters

    Các tổ chức Hồi giáo trên thế thế giới ca ngợi việc Taliban chiếm quyền tại Afghanistan, một báo động cho thế giới rằng Afghanistan có thể một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những phần tử thánh chiến.

    Taliban tuyên bố sẽ không cho phép dùng Afghanistan để mở các cuộc tấn công vào các nước khác.

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn đó những liên hệ với al Qaeda cũng như với các tổ chức chủ chiến khác, kể cả ở nước láng giềng Pakistan.

    Một trong những thủ lĩnh hàng đầu của Taliban là Sirajuddin Haqqani, người đứng đầu mạng lưới chủ chiến Haqqani. Mỹ đã đưa ông này vào danh sách khủng bố toàn cầu và rao giải thưởng 5 triệu đô la cho ai cung cấp tin dẫn tới việc bắt giữ ông ta.

    “Các phần tử thánh chiến vui mừng và phấn khích về việc Taliban trở lại,” ông Asfandyar Mir, một học giả về an ninh Nam Á thuộc Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế Đại học Stanford, nhận định.

    “Những nhóm thánh chiến chính tại Nam Á, Trung Đông và châu Phi đã để ý … và hệ thống sinh thái al Qaeda xem việc trở lại của Taliban là thắng lợi của chính họ.”

    Ngoài các tổ chức có liên hệ đến al Qaeda, tổ chức al-Shabaab ở Somalia, nhóm Hamas, và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine cũng gửi thông điệp chúc mừng tới Taliban.

    Tổ chức Hồi giáo Houthi ở Yemen, vốn chống Mỹ và các nước phương Tây, tuyên bố diễn biến tại Afghanistan chứng tỏ “sự chiếm đóng” của nước ngoài chắc chắn thất bại.

    Phe Taliban ở Pakistan, vốn không thuộc nhóm Taliban tại Afghanistan, cũng lên tiếng thề trung thành.

    Các lãnh đạo thế giới nghi ngờ những tuyên bố ôn hòa của Taliban kể từ khi phe này chiếm quyền, dù một số giới chức ngoại giao quen thuộc với các cuộc thương thuyết cho rằng Taliban đang tìm sự công nhận quốc tế và có thể là cả sự trợ giúp phát triển.

    Phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, hứa tại một cuộc họp báo ở Kabul ngày 17/8 rằng không để cho Afghanistan làm nơi mở bất cứ cuộc tấn công nào vào các nước.

    “Tôi muốn đảm bảo với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế là không ai sẽ bị hại… chúng tôi sẽ không để lãnh thổ của mình được dùng để chống lại bất cứ ai.” “Chúng tôi không muốn có nội thù hay ngoại thù.”

    Nhà nước Hồi giáo

    Các chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc tháng trước báo cáo cho Hội đồng Bảo an rằng al Qaeda hiện diện tại ít nhất 15 trong số 34 tỉnh của Afghanistan.

    Các chuyên gia cũng cho hay Nhà nước Hồi giáo mở rộng sự hiện điện đến một số tỉnh thành, kể cả Kabul, và rằng các tay súng đã thành lập những tổ bí mật.

    Nhà nước Hồi giáo chống Taliban. Tuy nhiên một số nhà phân tích và các giới chức cảnh báo rằng tổ chức siêu cực đoan này có thể lợi dụng bất cứ sự xáo trộn nào, hoặc khuyến khích những tay súng Taliban cực đoan đào thoát.

    Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres kêu gọi Hội đồng Bảo an “dùng mọi phương tiện để dẹp tan đe dọa khủng bố toàn cầu tại Afghanistan.”

    Hội đồng Bảo an nhấn mạnh tầm quan trọng chống khủng bố tại Afghanistan để bảo đảm các nước khác không bị đe dọa hay tấn công.

    Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson “nhấn mạnh chớ để mất những thắng lợi đạt được tại Afghanistan trong 20 năm qua, tự bảo vệ chúng ta chống lại bất cứ mối đe dọa nào nổi lên từ khủng bố,” một phát ngôn viên phủ Thủ tướng Anh nói.

    Hai nguồn tin thông thạo vấn đề cho hay Trung Quốc đã nêu lên những quan ngại về Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan chống Trung Quốc (ETIM) trong cuộc gặp với Taliban mới đây.

    “Họ nêu lên vấn đề ETIM mỗi khi họ gọi chúng tôi,” một nguồn tin Taliban nói với Reuters và cho biết Taliban trấn an Trung Quốc rằng sẽ không để cho những cuộc tấn công xảy ra.

    Chính phủ Mỹ nói ETIM không còn là một tổ chức chính thức mà chỉ còn là một cái nhãn rộng lớn mà Trung Quốc dùng để đàn áp nhiều nhóm sắc tộc Hồi giáo khác nhau, trong đó có người Uyghur, tại vùng Tân Cương. Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền.

    Nguy cơ cho Pakistan

    Mối nguy cụ thể nhất, theo một số giới chức và nhà phân tích, là đối với nước láng giềng Pakistan.

    “Thử thách đầu tiên, dễ dàng để thử những cam kết của họ là TTP,” ông Mir tại đại học Stanford nói, đề cập đến Taliban người Pakistan.

    “Đặt căn cứ tại phía đông Afghanistan… TTP đã tăng cường bạo động chống Pakistan và dường như đang chuẩn bị cho một chiến dịch quan trọng.”

    TTP nói 780 thành viên của họ, bao gồm nhân vật chỉ huy số hai là Maulvi Faqir Muhammad, đã được phóng thích tại Afghanistan và đã đến căn cứ địa vững chắc của tổ chức này tại miền đông Afghanistan.

    Một phát ngôn viên Taliban không trả lời ngay yêu cầu bình luận về việc này.

    Thời cao trào, các cuộc tấn công của Taliban Pakistan đã giết chết hàng trăm người, trong đó có cuộc tấn công vào một trường học tại Peshawar vào năm 2014, giết chết hơn 140 người hầu hết là trẻ em.

    Các hoạt động của TTP bị gián đoạn mạnh mẽ trong những năm kế tiếp, nhưng gần đây đã bắt đầu tập họp lại và mở các cuốc tấn công vào nhân viên an ninh tại khu vực biên giới.

    Ông Greg Riekeles, phụ tá giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu ở Brussels, nói Taliban Afghanistan muốn được quốc tế công nhận và có thể nỗ lực giữ lời hứa không cho phép Afghanistan trở thành căn cứ của những phần tử hiếu chiến.

    Tuy nhiên, ông nói sự thành công của Taliban đã làm cho họ trở thành anh hùng của những tổ chức Hồi giáo cực đoan bí mật.

    Không có nhận xét nào