Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 06 tháng 8 năm 2021

    Lịch sử lặp lại ở Myanma


    Ngày 8 tháng 8 là một ngày không thể nào quên của người Myanmar. Nó đánh dấu cao trào cuộc biểu tình quần chúng năm 1988 chống lại chế độ quân sự, khiến nhà độc tài Sein Lwin phải từ chức và đưa bà Aung San Suu Kyi lên trở thành ngọn cờ đầu dân chủ và nhà lãnh đạo của phe đối lập. Trùng hợp là nó khá tương đồng với thời điểm hiện tại. Kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào tháng 2, gần như toàn bộ đất nước đã nổi dậy phản đối.

    Thế hệ ngày nay chắc chắn kỳ vọng sẽ thành công hơn lớp cha ông. Năm 1988, quân đội chỉ mất vài tháng để dập tắt cuộc nổi dậy. Còn hiện nay, quân đội không thể chiến thắng hoàn toàn vì liên tục bị tấn công du kích. Trong tuần này ASEAN đã chỉ định một đặc phái viên phụ trách việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Nhưng điều đó khó có thể cản bước các vị tướng. Như lịch sử cho thấy, họ sẽ làm tất cả để tiếp tục nắm quyền.

    Mỹ sắp công bố dữ liệu việc làm tháng 7


    Cho đến gần đây, có hai lý do để người ta lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ: số ca nhiễm covid-19 giảm và việc làm gia tăng. Nhưng rồi biến thể Delta tạo ra một làn sóng ca nhiễm mới.

    Dữ liệu hôm nay sẽ cho thấy liệu tin xấu có lan sang thị trường lao động hay không. Các nhà kinh tế tỏ ra khá lạc quan, với dự đoán Mỹ có thể đã thêm khoảng 925.000 việc làm trong tháng 7, tăng so với tháng 6 vốn đã rất tốt. Tuy vậy các chỉ số sơ bộ của khu vực tư nhân được công bố trong tuần này cho thấy có dấu hiệu việc làm chậm lại –và có thể khá nghiêm trọng.

    Giữa những lo ngại mới về đại dịch, cả doanh nghiệp và người tìm việc dường như đều giảm tốc. Điều này sẽ làm phức tạp hóa tính toán của Cục Dự trữ Liên bang. Khi lạm phát nóng lên, một số thống đốc đã nói họ muốn kiềm chế chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Fed. Nhưng cho đến khi thị trường việc làm vẫn chưa phục hồi, các thống đốc còn lại có lẽ mới là bên quyết định.

    Ngân hàng trung ương Ấn Độ họp bàn chính sách

    Một cuộc họp ba ngày, hai tháng một lần của ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ kết thúc vào hôm nay. Song thật ra cuộc họp và các thông tin được thảo luận cũng không quá quan trọng. Các con số lạm phát gần đây đã vượt 6%, vượt mức trần được quy định trong luật pháp Ấn Độ, theo đó yêu cầu RBI phải hành động. Song lãi suất cho vay chính của ngân hàng trung ương hiện ở dưới 6% – có thể là 4% hoặc thấp hơn – và dự kiến sẽ không có thay đổi nào.

    Nền kinh tế Ấn Độ, vốn luôn bị quản lý sai lầm và đang bị covid-19 tàn phá, thật tệ hại. Chỉ số nhà quản lý mua hàng tháng 7 trong ngành dịch vụ của IHS Markit cho kết quả tiêu cực trong tháng thứ ba liên tiếp, dù sản xuất có tăng trưởng. Giá cả đã tăng từ lâu, đặc biệt là lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng khác, song các quan chức liên tục bác bỏ vì cho rằng chúng chỉ mang tính tạm thời, và do đó ít cấp bách hơn nhu cầu kích thích. Sẽ là tin nóng nếu họ đổi ý.

    Chỉ số Big Mac và đồng tiền Lebanon


    Một năm sau vụ nổ tàn phá phần lớn Beirut, nền kinh tế Lebanon đang rất tồi tệ. Một nửa dân số đất nước sống dưới mức nghèo khổ. Vốn từng được chốt cứng ở mức 1.500 đồng một đô la, đồng bảng Lebanon xuống tới 23.000 đồng đổi một đô la trên thị trường chợ đen vào tháng 7. Kể từ đó, nó phục hồi lên gần nức 15.000 – song vẫn giảm 90% trong vòng hai năm.

    Chỉ số Big Mac được cập nhật gần đây của The Economist cho thấy đợt giảm giá của đồng tiền này vẫn chưa là gì so với màn tăng giá ngoạn mục của bánh burger McDonald’s. Một chiếc Big Mac của McDonald’s chỉ có giá tương đương 1,68 đô la ở Lebanon so với 5,65 đô la ở Mỹ (giá trung bình ở bốn thành phố lớn).

    Một lý do khiến bánh burger vẫn rẻ như vậy có thể là do các nhà nhập khẩu Lebanon có thể mua một số nguyên liệu Big Mac với tỷ giá hối đoái được trợ cấp ưu đãi hơn. Một đô la lúa mì có thể được mua với giá 1.500 bảng Lebanon. Dù thế cuộc hỗn loạn tiền tệ của Lebanon cũng không phải tin tốt lành gì.

    Hoa Kỳ sẽ tiêm vaccine COVID-19 bổ sung cho những người có nguy cơ cao

    Hoa Kỳ đang lên kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 tăng cường cho những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương càng sớm càng tốt, giữa lúc các ca nhiễm COVID-19 mới tiếp tục gia tăng, Reuters dẫn lời chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Bác sĩ Anthony Fauci, cho biết hôm 5/8.

    Hoa Kỳ làm theo Đức, Pháp và Israel trong việc tiêm mũi vaccine tăng cường, phớt lờ lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ưu tiên vaccine cho nhiều người hơn trên khắp thế giới được tiêm mũi đầu tiên.

    Các nhà quản lý Hoa Kỳ cần phải cấp phép đầy đủ cho vaccine COVID-19 hoặc sửa đổi giấy phép sử dụng khẩn cấp trước khi các quan chức có thể đề nghị các mũi tiêm bổ sung, nhưng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đang nỗ lực để tiêm liều thứ ba sớm hơn trong một số trường hợp nhất định, các quan chức cho biết tại một cuộc họp vào tháng trước.

    Bác sĩ Fauci nói trong một cuộc họp báo: “Điều tối quan trọng là chúng ta nên tiêm tăng cường cho những người có nguy cơ này, và chúng tôi đang làm việc để thực hiện điều đó.” Ông nói thêm rằng chỉ với các liều tiêm hiện có [hai liều] thì những người suy giảm miễn dịch có thể không được bảo vệ đầy đủ.

    Bác sĩ Fauci cho biết số ca nhiễm gia tăng do sự lây lan mạnh của biến thể Delta ở Hoa Kỳ có thể hạn chế được bằng cách tiêm bổ sung.

    Nhà Trắng hôm 5/8 cho biết 7 bang của Hoa Kỳ có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 thấp nhất chiếm một nửa số ca nhiễm mới và số ca nhập viện của cả nước trong tuần trước.

    Ông Jeff Zient, điều phối viên COVID-19 của Tổng thống Joe Biden, phát biểu tại cuộc họp báo cho biết các tiểu bang này là Florida, Texas, Missouri, Arkansas, Louisiana, Alabama và Mississippi.

    Biển Đông: Trung Quốc bắt đầu hàng loạt cuộc tập trận, Việt Nam lên tiếng phản đối


    Đúng vào lúc diễn ra Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54 với vấn đề Biển Đông và những yêu sách chủ quyền “phi pháp” của Trung Quốc được đề cập đến trong nhiều cuộc họp có Mỹ tham gia, Trung Quốc đã loan báo một loạt cuộc tập trận trong khu vực, trong đó có hai cuộc tập trận mở ra vào hôm nay 06/08/2021. Một số hoạt động tập trận của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam đã lập tức bị Hà Nội phản đối.

    Như thông lệ, Trung Quốc tiết lộ thông tin về các cuộc tập trận thông qua các kênh báo chí và các thông báo cấm tàu thuyền qua lại đăng trên trang web của Cục Hải Sự.

    Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc vào hôm qua cho biết là một cuộc tập trận trên Biển Đông sẽ được tiến hành kể từ ngày 06/08, và kéo dài cho đến ngày 10/08. Theo tờ báo, “một số nhà quan sát” cho rằng cuộc tập trận lần này cũng giống như một cuộc tập trận được tiến hành vào năm ngoái, trong đó Quân Đội Trung Quốc được cho là đã tiến hành bắn thật loại tên lửa đạn đạo chống hạm gọi là “sát thủ tàu sân bay”.

    Trích dẫn thông báo của Cục Hải Sự Trung Quốc ngày 04/08 và một số nguồn tin báo chí khác, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là khu vực tập trận trải rộng từ vùng biển ngoài khơi phía đông nam đảo Hải Nam đến phần lớn vùng biển xung quanh quần đảo Tây Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm trọn từ Việt Nam năm 1974.

    Bên cạnh cuộc tập trận dài ngày đó là một loạt cuộc diễn tập quân sự quy mô nhỏ và ngắn ngày hơn tại Vịnh Bắc Bộ, phía gần Trung Quốc, hay tại khu vực phía bắc Biển Đông.

    Việt Nam phản đối

    Sự kiện Trung Quốc cho tập trận tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đã bị Việt Nam phản đối. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, ngày 05/08, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, và cuộc tập trận “đi ngược lại lại tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử giữa các bên ở Biển Đông…”

    Và “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; chấm dứt, và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

    Thách thức Mỹ và đồng minh

    Đối với các nhà phân tích, các cuộc tập trận mà Bắc Kinh khởi động trên vùng Biển Đông là những động thái thách thức, không chỉ đối với các láng giềng Đông Nam Á đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mà cả đối với Mỹ và nhiều nước khác đã chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền bị cho là “phi pháp” của Bắc Kinh về vùng biển này.

    Gần đây nhất là các tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong khuôn khổ các cuộc họp tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54, nhắc lại việc Washington bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

    Ngoài Hoa Kỳ, ngày 03/08, New Zealand là nước mới nhất gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ yêu sách lịch sử (của Trung Quốc) ở Biển Đông và khẳng định giá trị chung cuộc và ràng buộc của phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông năm 2016.

    Việt Nam - Covid-19: Hà Nội kéo dài giãn cách xã hội thêm 2 tuần


    Sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 theo chỉ thị 16 của chính phủ Việt Nam, tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hôm nay, 06/08/2021, thủ đô Hà Nội quyết định kéo dài thêm 15 ngày áp dụng các quy định giãn cách xã hội.

    Theo truyền thông Việt Nam, chiều ngày hôm nay, chủ tịch thành phố Hà Nội đã ký công điện hỏa tốc về quyết định tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/08 trên phạm vi toàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19.

    Trước tình hình dịch Covid-19 lây lan mạnh, thành phố Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của thủ tướng chính phủ và chỉ thị 17 của thành phố từ ngày 24/07 đến 07/08, theo đó người dân được yêu cầu ở trong nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, ngừng mọi hoạt động không thiết yếu, thực hiện cách ly giữa các gia đình, cụm dân cư, địa phương. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục ở mức 50-70 ca mỗi ngày. Nhiều ca nhiễm mới xuất hiện trong cộng đồng nhưng không xác định được nguồn lây nhiễm. Tổng số ca nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến ngày hôm nay, là trên 1.700 người.

    Trước ngày hết hạn đợt giãn cách hiện tại, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã họp sáng hôm nay và đánh giá “nguy cơ dịch bệnh của thành phố đang ở mức rất cao và khó lường” và “nguy cơ mắc trong cộng đồng có thể tăng lên trong một số ngày tới”, theo trang mạng Vietnamnet.

    Về tình hình chung của cả nước, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan không kiểm soát được. Liên tiếp nhiều ngày qua, trung bình cả nước mỗi ngày ghi nhận trên 7.000 ca nhiễm mới, tâm dịch vẫn là thành phố Hồ Chí Minh với trên 4.000 ca mỗi ngày. Các ca nhiễm mới tiếp tục được phát hiện ở trên dưới 40 tình thành hàng ngày, chủ yếu tại các địa phương phía nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phải kéo dài thêm 2 tuần giãn cách xã hội.


    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào