Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 18 tháng 8 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    11 máy bay chiến đấu của Trung Quốc xâm phạm ADIZ của Đài Loan

     


    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: Youtube/UDN Video). 

    Sáu máy bay chiến đấu, hai máy bay ném bom và ba máy bay giám sát của Trung Quốc hôm thứ Ba (ngày 17/8) đã xâm nhập vào phía Tây Nam Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, trang Taiwan News thông tin.

    Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, các chiến đấu cơ này gồm một máy bay tác chiến chống ngầm Thiểm Tây Y-8 ( Y-8 ASW), một máy bay tác chiến điện tử Thiểm Tây Y-8 ( Y-8 EW), một máy bay tác chiến điện tử Thiểm Tây KJ-500, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AEW & C), sáu máy bay chiến đấu Shenyang J-16 và hai máy bay ném bom Xian H-6K.

    Không quân Đài Loan phản ứng bằng cách điều các máy bay chiến đấu để xua đuổi các máy bay Trung Quốc, phát cảnh báo bằng sóng vô tuyến và huy động hệ thống tên lửa phòng không để theo dõi các chiến đấu cơ xâm nhập.

    Cuộc xâm nhập lớn nhất của các máy bay Trung Quốc vào ADIZ của Đài Loan được ghi nhận vào ngày 15/6, khi tổng cộng 28 máy bay chiến đấu tràn vào khu vực phía nam của vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. 

    Sự việc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc hôm qua tiến hành các cuộc diễn tập tấn công rầm rộ gần Đài Loan.

    Trong tuyên bố, Chiến khu Đông Bộ của Trung Quốc cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra ở phía đông nam và tây nam đảo Đài Loan, bắt đầu từ ngày 17/8.

    Tham gia tập trận có các máy bay chiến đấu, tàu chiến mặt nước và máy bay chống tàu ngầm cùng một số lượng không rõ binh sĩ.

    Trong khi đó Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia quân sự cho biết cuộc tập trận nhằm đáp trả lại “các hành động khiêu khích và thông đồng của Mỹ với lực lượng chủ xướng ly khai ở Đài Loan” trong thời gian gần đây.

    Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không giấu diếm ý định dùng vũ lực để thống nhất. Trong khi Đài Loan dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thái Anh Văn khẳng định họ đã là một quốc gia độc lập với quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ trả giá đắt nếu cố gắng đưa quân xâm lược.

    Hồ sơ nhân vật: lãnh đạo trên thực tế của Taliban

    Mullah Abdul Ghani Baradar không nằm trong số những người Taliban đã sải bước vào dinh tổng thống ở Kabul, thủ đô Afghanistan, vào ngày 15 tháng 8. Nhưng ông được ghi nhận là người đưa đến thắng lợi này. Vừa trở về nước lần đầu tiên sau hơn một thập niên, ông được dự đoán trở thành thủ lĩnh của Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

    Sinh ra trong một bộ tộc Pushtun quyền thế ở miền nam Afghanistan vào năm 1968, Mullah Baradar trải qua thời thanh niên chiến đấu cùng quân du kích mujahideen chống quân đội Liên Xô và chính phủ Afghanistan. Sau chiến tranh ông giúp Mullah Muhammad Omar, chỉ huy cũ của ông, thành lập Taliban (có nghĩa là “sinh viên”), một nhóm các chủng sinh cứng rắn mong muốn quét sạch các lãnh chúa địa phương ngoại đạo. Nhóm này nhanh chóng chinh phục phần lớn đất nước vào năm 1996.

    Là một nhà lãnh đạo tinh thần kiêm tiểu vương, Mullah Omar áp dụng sharia (luật Hồi giáo) theo cách nghiêm khắc nhất. Dưới thời ông, Mullah Baradar vươn lên cấp thứ trưởng quốc phòng. Sau khi Mỹ xâm lược vào năm 2001, các thành viên cấp cao của Taliban bắt đầu điều hành từ Pakistan. Dù ít cực đoan hơn một số người, Mullah Baradar vẫn là một nhân vật cam kết với mục tiêu thánh chiến bạo lực.

    Năm 2010, ông bị CIA theo dõi và bị bắt ở Pakistan. Năm 2018, theo yêu cầu của người Mỹ, các quan chức Pakistan đã trả tự do cho ông để ông tham gia đàm phán hòa bình ở Doha. Kể từ năm 2016, ông phục vụ dưới quyền của Mullah Haibatullah Akhundzada (Mullah Omar qua đời năm 2013, và chuyện này được giấu đến tận hai năm). Vào tháng 2 năm 2020, ông đặt bút ký vào thỏa thuận do Mỹ đề xuất nhằm hướng tới rút quân – từng được hy vọng đưa tới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Mullah Baradar tuyên bố muốn “một đất nước tự do, độc lập, thống nhất và phát triển” với “một hệ thống Hồi giáo,” trong đó tất cả các bộ lạc có thể “cùng chung sống trong tình yêu thương và bằng hữu.”

    Phương Tây dĩ nhiên rất muốn nghe các nhà thần học Afghanistan hứa hẹn thay đổi. Trong một cuộc họp báo hôm qua, Taliban cam kết đảm bảo quyền phụ nữ “trong khuôn khổ đạo Hồi,” và sẽ bảo vệ các phương tiện truyền thông tự do. Nhưng tại một số địa phương vừa chiếm được, họ đã áp đặt lại những hạn chế hà khắc đối với phụ nữ. Còn ở Kabul, những người hợp tác với chính quyền cũ phải đối mặt ngược đãi, đe dọa, đánh đập hoặc tệ hơn.

    Belarus dùng người nhập cư để trả thù các nước láng giềng

    Belarus, tức giận vì Lithuania (Litva) che chở các đối thủ lưu vong của tổng thống Alexander Lukashenko, gần đây đã bắt đầu đưa người di cư Iraq lên biên giới phía bắc. Kể từ tháng 1 đã có gần 2.800 người vượt qua biên giới này, tức tỷ lệ khoảng 1 trên 1.000 người Lithuania. Các nhà lập pháp của quốc gia Baltic nhỏ bé lập tức gấp rút thắt chặt luật tị nạn, và thông qua hàng rào biên giới trị giá 152 triệu euro (178 triệu USD) — chiếm tới 0,3% GDP của cả nước.

    Ủy ban Châu Âu cam kết hỗ trợ 36 triệu euro để giúp đỡ và xử lý người di cư, và mới hai tuần trước đã lên lịch một cuộc họp trực tuyến vào hôm nay để thảo luận cho các bước tiếp theo. Nhưng giờ đây lại có một vấn đề mới: người di cư cũng đang vượt biên sang Ba Lan, nước mà tháng này đã cho phép một vận động viên Olympic người Belarus tị nạn chính trị.

    Ông Lukashenko rõ ràng biết điểm yếu của đối thủ. EU đã thuyết phục Iraqi Airways đình chỉ các chuyến bay đến Minsk, song vẫn còn nhiều nơi khác, chẳng hạn như Afghanistan.

    Nvidia sắp công bố kết quả kinh doanh 

    Nvidia có thể đối mặt thất bại lớn đầu tiên kể từ khi trở thành người khổng lồ mới nhất của ngành bán dẫn toàn cầu. Công ty Mỹ đang muốn chi 40 tỷ USD để mua lại Arm, một công ty Anh chuyên thiết kế chip dùng trong hầu hết điện thoại thông minh. Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ là một cuộc đảo chính trong ngành, giúp củng cố vị thế dẫn đầu chip trí tuệ nhân tạo của Nvidia.

    Song các cơ quan quản lý muốn can thiệp. Thỏa thuận này cần phải được nhà chức trách Mỹ, Anh, Trung Quốc và cả EU chấp thuận. Chính phủ Anh được cho là không hài lòng vì lý do an ninh quốc gia. Còn Trung Quốc không muốn Arm, nhà cung cấp chủ chốt cho ngành công nghệ của họ, rơi vào tay Mỹ. Liệu Nvidia sẽ giải quyết ra sao?

    Kết quả quý hai được công bố hôm nay có lẽ sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm. Phố Wall kỳ vọng hai mảng kinh doanh lớn nhất của Nvidia, trò chơi và trung tâm dữ liệu, sẽ giúp tăng doanh thu lên 6,3 tỷ đô la trong quý kết thúc vào ngày 1 tháng 8, tức lên 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này sẽ giúp duy trì giá trị thị trường trung bình 497 tỷ đô la. Nhưng về dài hạn Nvidia cần có Arm, hoặc một thỏa thuận khác, để tiếp tục tăng trưởng.

    Triển vọng lạm phát ở Anh

    Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát giá cơ bản ở Anh sẽ giảm nhẹ khi số liệu được công bố vào hôm nay. Song chỉ thế thôi. Giá năng lượng tăng và tắc nghẽn sản xuất toàn cầu ​​sẽ đẩy lạm phát giá hàng hóa lên cao hơn trong nửa cuối năm nay. Hồi tháng 5 Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán phải tới cuối năm 2021 lạm phát giá tiêu dùng (CPI) mới vượt mục tiêu 2%, với lạm phát duy trì trên 2% cho đến cuối năm 2022. Nhưng đầu tháng này họ điều chỉnh dự báo – vì có vẻ như CPI sẽ lên 4% trong mùa đông.

    Miễn là nguyên nhân lạm phát đến từ diễn biến  giá hàng hóa quốc tế chứ không phải tăng giá dịch vụ nội địa, ngân hàng sẽ tiếp tục nới lỏng. Hiện tại phải tới năm 2022 mới có chính sách thắt chặt. Nhưng thời hạn đó có thể phải rút ngắn nếu thị trường việc làm phục hồi tốt hơn dự kiến.

    Người dân New Zealand bắt đầu cuộc sống bị phong tỏa vì COVID-19 

    18/08/2021 

    Reuters 

    Hôm 18/8, phần lớn đường phố New Zealand đều vắng vẻ khi đất nước này quay lại cuộc sống trong tình trạng bị phong tỏa, lần đầu tiên sau 6 tháng, nhằm phòng chống biến thể Delta COVID-19, theo Reuters.

    Hôm 17/8, Thủ tướng Jacinda Ardern ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong 3 ngày, sau khi chỉ có một ca nhiễm duy nhất, nghi là nhiễm biến thể Delta, được phát hiện ở Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand.

    Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 10 ca hôm 18/8, mặc dù con số dự báo theo mô hình hóa có thể lên khoảng 50-100 ca.

    “Từ kinh nghiệm của những gì chúng ta đã thấy ở nước ngoài, chúng ta dự đoán chắc chắn có nhiều ca nhiễm hơn”, bà Ardern nói tại một cuộc họp báo.

    New Zealand sẽ ở trong tình trạng phong tỏa cấp độ 4, mức cảnh báo cao nhất, trong ít nhất 3 ngày, trong khi thành phố Auckland sẽ tiếp tục bị phong tỏa trong 7 ngày.

    Ở thủ đô Wellington, ít người dám ra trung tâm thành phố, nơi thường nhộn nhịp với những người mua sắm và nhân viên văn phòng, trong khi các bản tin truyền hình cho thấy cảnh tương tự ở thành phố Auckland.

    Các doanh nghiệp và trường học đang vội vã chuyển sang hoạt động trực tuyến.

    Nhóm AAPP: 1.000 người chết kể từ cuộc đảo chính ở Myanmar 

    18/8/2021 

    Reuters 

    Số người chết liên quan đến cuộc đảo chính ngày 1/2 ở Myanmar lên tới 1.000 người tính đến này 18/8, Reuters dẫn lời một đại diện của nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ các tù nhân chính trị (AAPP) cho biết.

    Trước đây, nhà chức trách quân sự Myanmar cho biết các số liệu của AAPP là phóng đại.

    “Theo số liệu của AAPP, 1.001 người vô tội đã bị giết”, thư ký AAPP Tate Naing nói với hãng tin Reuters. “Số nạn nhân thực tế còn cao hơn nhiều”.

    Myanmar chìm trong hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính, với các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra hàng ngày, các cuộc nổi dậy bùng phát ở các vùng biên giới và các cuộc đình công trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này.

    Quân đội đã lật đổ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi, họ cáo buộc có những bất thường trong cuộc bầu cử mà trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà chiến thắng vào tháng 11/2020. Ủy ban bầu cử khi đó và các giám sát quốc tế cho rằng những cáo buộc của quân đội là sai.

    Cam Bốt: Chỉ trích về biên giới Việt-Miên, một lãnh đạo công đoàn lãnh án tù

    Một lãnh đạo công đoàn tại Cam Bốt hôm nay, 18/08/2021, đã bị kết án 2 năm tù vì tội “kích động hận thù”, sau khi có những lời chỉ trích chính phủ Hun Sen về vấn đề đường biên giới với Việt Nam. 

    Theo hãng tin AFP, Rong Chhun, lãnh đạo Tổng Liên Đoàn Lao Động Cam Bốt, đã bị bắt vào tháng 07/2020 sau khi cáo buộc chính phủ của thủ tướng Hun Sen đã có những “sai phạm” khi đàm phán để xác định lại đường biên giới giữa Cam Bốt với Việt Nam. Việc vẽ lại đường biên giới này bị cho là quá có lợi cho phía Việt Nam và lấn sang một số đất canh tác của nông dân Cam Bốt. 

    Bị tạm giam từ lúc bị bắt, hôm nay, lãnh đạo công đoàn này đã bị tòa án Phnom Penh tuyên án 2 năm tù trong một phiên xử ngắn gọn có một vài nhà ngoại giao tham dự. Hai nhà hoạt động khác, bị bắt khi biểu tình đòi trả tự do cho ông Rong Chhun, thì bị tòa tuyên án 20 tháng tù. Cả ba bị cáo còn bị phạt chung số tiền là 100.000 đôla bồi thường cho cơ quan nhà nước đặc trách về các đường biên giới của Cam Bốt. 

    Luật sư của Rong Chhun cho biết thân chủ của ông sẽ kháng cáo. Trong phiên xử đầu tiên vào tháng giêng, vị lãnh đạo công đoàn này đã bác bỏ các cáo buộc đối với ông. 

    Sau khi toà tuyên án, Ouk Chhayavy, chủ tịch Hiệp hội các giáo viên độc lập của Cam Bốt, tuyên bố với các phóng viên bên ngoài tòa án: “ Quyết định của tòa tuyên án ông Rong Chhun hôm nay là nhằm đe dọa thế hệ trẻ, để ngăn cản họ suy nghĩ về các vấn đề của đất nước và về các vấn đề xã hội.” 

     Vấn đề biên giới Việt-Miên vẫn là chủ đề rất nhạy cảm tại Cam Bốt, nơi mà nhiều người dân vẫn mang tư tưởng chống Việt Nam. Phe đối lập ở Cam Bốt từ lâu vẫn tố cáo thủ tướng Hun Sen, cầm quyền từ hơn 3 thập niên nay, là quá thân Việt Nam. Họ thường nêu lên vấn đề biên giới để kích động tinh thần dân tộc của người dân Cam Bốt chống lãnh đạo chính phủ.

    Afghanistan: Chiến dịch di tản từ sân bay Kabul tiếp diễn, Taliban bị tố cáo cản trở

    Việc sơ tán các nhà ngoại giao, những kiều dân nước ngoài khác và cả những người Afghanistan từng làm việc cho phương Tây tiếp diễn hôm nay, 18/08/2021, tại phi trường Kabul, trong những điều kiện khó khăn do việc toàn bộ thủ đô Afghanistan đã rơi vào tay Taliban. 

    Cầu không vận khổng lồ do Mỹ và phương Tây thiết lập kể từ hôm Chủ Nhật 15/08 khi Kabul bị lực lượng Taliban chiếm đóng đã huy động máy bay từ khắp nơi trên thế giới. Trong lúc đó khu vực xung quanh sân bay bị Taliban kiểm soát chặt chẽ.

    Ngoài phi cơ, một số quốc gia đã gửi quân đến tận nơi để bảo đảm an toàn cho chiến dịch di tản. Từ khoảng 3.000 người vào tối thứ Hai (16/08), số lượng lính Mỹ tại sân bay Kabul dự kiến sẽ lên đến 6.000 người "trong vài ngày tới.”. Pháp cũng gởi một đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt đến Kabul với nhiệm vụ tham gia vào các hoạt động sơ tán vài chục người Pháp cũng như một số người Afghanistan.

    Pháp đưa 257 người ra khỏi Kabul, Mỹ hơn 5.000 người!

    Vào khuya hôm qua, rạng sáng hôm nay, 18/08, một chiếc phi cơ thứ hai của Pháp đã rời Kabul qua Abu Dhabi (Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), chở theo 216 người, trong đó có 184 người Afghanistan mà theo bộ Ngoại Giao Pháp, “thuộc xã hội dân sự cần được bảo vệ". Theo quân đội Pháp, số người này sẽ được đưa qua Pháp hôm nay.

    Hôm qua, đã có 41 công dân Pháp và ngoại quốc đã được đưa về Paris sau khi đã được quân đội Pháp chuyển từ Kabul qua Abou Dhabi trong một chuyến bay di tản đầu tiên.

    Về phần Hoa Kỳ, theo Nhà Trắng, họ đã sơ tán được hơn 3.200 người ra khỏi Afghanistan, chủ yếu là nhân viên người Mỹ làm việc tại Afghanistan. Ngoài ra, gần 2.000 người tị nạn Afghanistan cũng đã được đưa qua Hoa Kỳ.

    Washington có kế hoạch di tản hơn 30.000 người thông qua một cầu không vận nối liên Kabul với các căn cứ Mỹ ở Kuwait và Qatar.

    Theo chính quyền Mỹ, Taliban “sẵn sàng bảo vệ” quyền tiếp cận sân bay Kabul cho thường dân được Hoa Kỳ sơ tán. Tuy nhiên, một cố vấn Mỹ cho biết có tin là nhiều người đã bị “đuổi về, thấm chí bị đánh đập” trên đường đến sân bay.

    Berlin cáo buộc Taliban cản trở công cuộc di tản 

    Như để chứng minh việc Taliban gây trở ngại, một máy bay quân sự Đức, đã có thể hạ cánh xuống Kabul trong đêm thứ Hai đến thứ Ba, nhưng chỉ chở đi được bảy người, trong khi hàng trăm người khác đang chờ đến Đức.

    Berlin cáo buộc Taliban cản trở những người Afghanistan muốn đi đến được sân bay Kabul, trong bối cảnh có khoảng 10.000 người Afghanistan từng cộng tác với quân đội Đức hoặc các tổ chức phi chính phủ, hoặc thành viên gia đình của họ, phải được sơ tán theo thông báo của thủ tướng Angela Merkel.

    Áo và Rumani cũng cho biết công dân của họ và những người Afghanistan mà họ định sơ tán gặp khó khăn khi đến sân bay.

    Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, các thành viên NATO, nhóm họp hôm thứ Ba, đã "thông báo điều động thêm máy bay" để đảm bảo việc sơ tán.

     

    Không có nhận xét nào