Header Ads

  • Breaking News

    Tổng hợp tin tức về chuyến công du của Phó TT Kamala Haris tại Việt Nam

    Bà Kamala Harris thay mặt Tổng thống Joe Biden để thực thiện chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á bằng chuyến thăm tới Singapore và Việt Nam tháng 8/2021

    Hôm 26/08/20021, bà Kamala Harris, Phó tổng thống nữ của Hoa Kỳ đầu tiên tới Hà Nội đã hoàn tất chuyến thăm củng cố 'quyền lực mềm' của Mỹ ở Việt Nam khi nước này đang chống chọi với Covid-19.

    Lô vaccine 1 triệu liều bà cho mang đến "trong vòng 24 giờ sau khi đáp xuống Hà Nội" đánh dấu đỉnh điểm của chiến dịch quyến rũ ngoại giao được báo chí Hoa Kỳ, Việt Nam và khu vực chú tâm.

    Người Việt Nam thường trọng tình hơn lý, và nghĩ "một miếng khi đói bằng một gói khi no" nên quà vaccine "Made in USA" tạm đẩy các hồ sơ địa chính trị, hợp tác quân sự, nhân quyền xuống hàng hai.

    Nhưng với quyết định bỏ ra 1,2 tỷ USD để xây một Tòa Đại sứ thuộc hàng đắt nhất thế giới ở khu Cầu Giấy, Hà Nội, có vẻ như chính phủ Mỹ muốn tính con đường lâu dài bằng sự hiện diện bề thế, sâu rộng dần dần với xã hội Việt Nam.

    Họ không muốn vội vàng như đã từng làm trong quá khứ ở Đông Dương.

    Xét về góc độ lịch sử đó, sách lược của bà Kamala Harris, thay mặt Tổng thống cao niên Joe Biden, đối với Việt Nam hiện nay vẫn là mở lối "thuyết phục, hỗ trợ", giống như hai vị tiền nhiệm của bà: Phó tổng thống Richard Nixon và Phó tổng thống Lyndon Johnson từng sang Việt Nam trước đây.

    Nhưng kết quả cuối cùng của các chuyến đi đó phần nào phụ thuộc vào đối tác Việt Nam của họ, mà như lịch sử cho thấy, đều không thể gánh chịu các sức ép quá lớn của thời thế, và của Washington.

    Cái nhìn xuyên suốt và công khai về VN của Hoa Kỳ

    Về các chuyến công du của lãnh đạo nước họ, người Mỹ lưu trữ lại đầy đủ chi tiết về lịch trình, nội dung làm việc, các công điện sứ quán đánh về Washington.

    Ai cũng có thể vào trang history.state.gov để xem.

    Tính liền lạc đáng kinh ngạc này cho thấy không ai có thể coi Hoa Kỳ là quốc gia "non trẻ".

    Ngược lại, họ mới là chính quyền biết rút ra các bài học lịch sử kỹ nhất, kể cả khi đó là bài học sai, thất bại.

    Ta hãy xem các ông Nixon và Johnson sang Việt Nam trong nửa sau Thế kỷ 20 làm gì?

    Phó tổng thống Richard Nixon thăm Sài Gòn, Đà Lạt và Hà Nội năm 1953:

    Văn bản 033.1100 NI/11-253: Despatch của Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Donald Heath ngày 02/11/2953 mô tả kỹ chuyến thăm của ông Nixon, người làm phó cho Tổng thống Dwight D. Eisenhower tới Đông Dương để hỗ trợ cho chính quyền Quốc gia Việt Nam của cựu hoàng Bảo Đại.

    Ngoài việc thăm Sài Gòn, và Hà Nội, ông Nixon được Quốc trưởng Bảo Đại (Chief of State) đón và mời tiệc tại biệt điện ở Đà Lạt.

    Tuy thế, chính quyền của ông đã rơi vào tình thế rất yếu trước sức tất công của Việt Minh, theo chính lời ngài Quốc trưởng nói với vị khách Mỹ.

    Quốc gia Việt Nam sẽ "ngay lập tức trở thành con mồi (prey) của Việt Minh nếu không có viện trợ" từ Pháp, theo chính lời vị chủ tiệc.

    Viện trợ quân sự cho Quân đội Quốc gia Việt Nam thực ra đến từ Mỹ, theo công điện của Heath.

    Vì Bảo Đại đã "cảm ơn Hoa Kỳ cung cấp 385 triệu đô la cho ngân sách năm đó của Pháp", trong đó có những khoản chuyển sang Đông Dương cho quân pháp và Quốc gia VN chống Việt Minh.

    "Bảo Đại không cảm thấy rằng đàm phán với Việt Minh là một khả năng có tính thực tiễn, và ông cũng không trông đợi phe Cộng sản chấp nhận một cuộc đình chiến," Donald Heath viết.

    Một điểm khúc mắc xảy ra ngay tại bữa tiệc ở Đà Lạt, theo phía Mỹ ghi nhận.

    Đó là việc cựu hoàng Bảo Đại từ chối gợi ý của Phó TT Nixon nắm quyền tổng tư lệnh quân đội Quốc gia VN.

    "Ông ta nói là Quốc trưởng, trên thực tế ông ta đã là Tổng tư lệnh (Commander-in-Chief) rồi."

    Phía Hoa Kỳ không bình luận gì trong điện tín mật của họ về chuyện ông cựu hoàng "không muốn cầm quân".

    Nhưng câu văn của Heath, người có mặt cùng Nixon ở Đà Lạt, bày tỏ chút ít ngạc nhiên:

    "Ông ấy né tránh khá vòng vèo việc có nên chăng ông phải mặc quân phục rồi ra đứng trước quân lính..."

    Một chi tiết nữa là đại sứ Heath vẫn dùng danh xưng cũ 'His Majesty' để nói về Quốc trưởng Bảo Đại trong câu "chúng tôi có cuộc nói chuyện hơn một giờ bữa tiệc mà Hoàng đế chiêu đã Phó Tổng thống ở villa của Ngài" (...after the official dinner which His Majesty tendered the Vice President at his villa in Dalat).

    Năm 1954, sau trận Điện Biên và cùng với đàm phán tại Geneva, Bảo Đại thực chất không còn quyền lực.

    Năm 1955, ông bị phế truất trong trưng cầu dân ý do Thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức.

    Phó Tổng thống Johnson thăm Sài Gòn năm 1961:



    Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson (trái), Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford (phải) trong kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Việt hôm 20/7/1968 tại Honolulu. Khi còn làm Phó TT, ông Johnson đã tới Sài Gòn năm 1961

    Ở một giai đoạn trọng yếu khác cho đồng minh VNCH, Hoa Kỳ cử Phó Tổng thống Lyndon Johnson (thời Tổng thống JF Kennedy) sang Sài Gòn.

    Giao lưu hai bên có vẻ dồn dập.

    Công điện của Hoa Kỳ (13/05/1961), nay lưu trong văn khố có tựa đề chung về chuyến đi của Johnson sang Nam VN và chuyến thăm ngay sau đó của Bộ trưởng Phủ Tổng thống, kiêm Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng VNCH Nguyễn Đình Thuần sang Hoa Kỳ (Vice President Johnson's Trip to Asia, May 9-24, 1961, and the Visit of Vietnamese Secretary of State for the Presidency Thuan to Washington, June 12-17, 1961)

    Bên cạnh các tuyên bố ngoại giao, gồm cả lời ca ngợi Tổng thống Ngô Đình Diệm là "Churchill của châu Á", ông Johnson đề cao vai trò cùa quân đội VNCH và hứa tăng viện trợ quân sự để chống lực lượng cộng sản.

    Nhưng những gì xảy ra sau khi ông trở về Mỹ mới đáng chú ý.

    Lyndon Johnson ủng hộ cho thuyết domino nói rằng "mất Nam VN thì Hoa Kỳ sẽ phải "chuyến đấu (chống CS) trên bãi biển Waikiki (Hawaii) và cuối cùng là trên đất liền Hoa Kỳ (on our shores)".

    Cá nhân tôi thấy đây là một thứ rhetoric bắt chước Churchill rất dở.

    Vì Churchill nói về nước Anh sẵn sàng chiến đấu "trên không, trên bộ, tử thủ trên từng bãi biển chống phát-xít Đức" trước kế hoạch đã hình thành để đánh đảo Anh của Hitler.

    Còn phe cộng sản nói chung, kể cả Liên Xô chứ đừng nói gì đến Bắc Việt Nam chưa từng dám nghĩ tới chuyến xâm lấn lãnh thổ Hoa Kỳ, như mọi tài liệu lịch sử về Chiến tranh Lạnh cho ta biết.

    Ngược lại, nhiều bi kịch của chính trường Mỹ, xảy ra do các động lực nội bộ của họ mới tác động sâu rộng ra bên ngoài, nhất là với các nước nhỏ.

    Tháng 11/1963, Johnson trở thành tổng thống sau khi JF Kennedy bị ám sát.

    Trước đó ba tuần, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị nhóm đảo chính giết hại.

    Tổng thống Johnson đã thúc đẩy cuộc chiến lên cao hơn, tăng quân tại Nam VN lên hơn nửa triệu.

    Điều đánh chú ý nữa là cả hai ông Nixon (làm phó tổng thống 8 năm), và Johnson sau đều lên làm tổng thống Hoa Kỳ, và đều có dính líu đến cuộc chiến Việt Nam.

    Riêng với ông Nixon, chuyến thăm 1953 không phải là lần cuối ông thăm Việt Nam.

    Năm 1969, khi đã là tổng thống (đảng Cộng hòa), ông sang thăm Sài Gòn cùng phu nhân Patricia.

    Họ được Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đón tiếp.

    Trong diễn văn, ông nhắc đến cả chuyến thăm "15 năm trước đã đưa tôi tới cả Hà Nội", và nhấn mạnh tình cảm ông và "bà Nixon" dành cho Việt Nam.



    Nguồn hình ảnh, AFP

    Chụp lại hình ảnh,

    Hai Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Richard Nixon tại Sài Gòn năm 1969.

    Nhưng cũng chính Nixon đã "xoay trục" về Trung Quốc thời Mao để chống Liên Xô, và đi vào lịch sử với chuyến thăm CHND Trung Hoa cùng tuyên bố chung Thượng Hải.

    Ông đã "ngã ngựa" vì bê bối Watergate (1972), vụ việc mà nhiều sử gia cho là có tác động trực tiếp đến tiến trình cuộc chiến ở Nam VN.

    Ngày 30/04/1973, Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ tuyên bố trong diễn văn trước toàn dân rằng ông "vô tội".

    Nhưng các diễn biến pháp lý không dừng khiến ông phải từ chức ngày 8/08/1974.

    Nhìn vào lịch sử chia cắt, đau khổ của Việt Nam qua các thời kỳ bị cường quốc bên ngoài xô đẩy trong cuộc tranh giành lợi thế quốc tế của họ, ta thấy Richard Nixon ngẫu nhiên đóng vai trò rất đáng kể.

    Hoa Kỳ ngày nay đã khác?

    Như tôi viết ở trên, cách tiếp cận của Hoa Kỳ qua các chuyến thăm của ba phó tổng thống đối với người Việt Nam luôn là "mở rộng vòng tay và hầu bao", khuyến khích thay đổi.

    Tuy thế, ngày hôm nay như cựu Đại sứ Ted Osius trả lời BBC News Tiếng Việt trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris, Hoa Kỳ không còn muốn "thay đổi các chính phủ" ở Việt Nam như thời trước.

    Như thông cáo báo chí Đại sứ quán Hoa Kỳ vừa công bố chiều 26/08/2021 giờ Hà Nội, Phó Tổng thống Kamala Harris và "các lãnh đạo chính phủ Việt Nam" (không nêu tên, hàm ý toàn bộ chính quyền?), cam kết "Tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam".

    Người Mỹ đã đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, trở lại đầy đủ, toàn diện và có tầm nhìn chiến lược.

    Thành công này có giúp để bà Kamala Harris một ngày lên làm Tổng thống Hoa Kỳ hay không thì chúng ta còn chờ xem.

    Thế nhưng điều dễ thấy là khi đón nhận các món quà của Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam đã ghi điểm trong dư luận nước này.

    Điều làm Việt Nam nổi bật từ nhiều năm qua là con số dân kiên trì ưu ái nước Mỹ và cả lãnh đạo Mỹ (US leadership), bất kể họ thuộc đảng Dân chủ hay Công hòa (xem thêm bài của CSIS).

    https://www.bbc.com/vietnamese/forum-58341442

    Chuẩn bị rời Việt Nam, Phó TT Mỹ tuyên bố 'chúng tôi ở đây vì các bạn'

    26/8/2021




    Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tổ chức họp báo trước khi rời Việt Nam về Mỹ sau chuyến công du của bà tới Châu Á, ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 26 tháng 8, 2021.

    Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày thứ Năm tuyên bố Mỹ sát cánh cùng Việt Nam trong nỗ lực chiến đấu với đại dịch COVID-19 trong khi bà tổ chức họp báo khép lại chuyến công du ba ngày tại Hà Nội.

    "Bây giờ chúng tôi ở đây vì các bạn," bà nói. "Chúng tôi có ý định và hi vọng rằng người dân Việt Nam biết là chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn khi các bạn chiến đấu với đợt lây nhiễm tăng vọt này."

    Trước đó văn phòng của bà cho biết 770.000 trong số một triệu liều vaccine Pfizer mà Mỹ hứa tặng cho Việt Nam đã tới nơi, số còn lại sẽ đến vào ngày mai.

    Trong những phát biểu cuối cùng tại Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ nhắc lại nội dung các cuộc thảo luận giữa bà và các nhà lãnh đạo nước này về một loạt những chủ đề – từ đại dịch, an ninh cho tới biến đổi khí hậu – để nêu bật sự hợp tác của hai nước trong lúc Mỹ nỗ lực củng cố quan hệ đối tác với các nước trong khu vực mà Washington xem là có tầm quan trọng chiến lược.

    Bà nói Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác an ninh cao cấp "để ủng hộ một nước Việt Nam cường thịnh và độc lập."

    "Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để đẩy lùi những đe dọa đối với tự do hàng hải và trật tự thế giới dựa trên luật lệ,” bà nói nhưng không nêu tên Trung Quốc, nước mà bà đã chỉ trích bằng những lời lẽ mạnh mẽ trong suốt chuyến đi ở cả Singapore lẫn Việt Nam.

    Phó Tổng thống Mỹ tỏ ra hào hứng khi bà nói về hợp đồng thuê đất 99 năm để xây dựng khu phức hợp đại sứ quán Mỹ mới ở Hà Nội.

    “Chúng tôi xem hợp đồng 99 năm là điều đáng tự hào vì nó là bằng chứng cho sự cam kết lâu bền của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có với Việt Nam,” bà nói.

    Bà cũng cho biết bà đã nêu vấn đề nhân quyền trong các cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo Việt Nam và "nêu rõ tầm quan trọng của nhân quyền đối với Mỹ."

    "Chúng tôi sẽ luôn luôn giữ vững những giá trị của mình và sẽ không ngần ngại lên tiếng ngay cả khi những cuộc nói chuyện đó có thể khó khăn và khó nghe," bà nói.

    Bà tránh trả lời câu hỏi của phóng viên sau đó hỏi rằng liệu bà có nói chuyện với các quan chức Việt Nam hay không về việc phóng thích những người bất đồng chính kiến đang bị cầm tù.

    Các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế nói Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng cường trấn áp những tiếng nói chỉ trích chính phủ và Đảng Cộng sản cầm quyền, áp đặt án tù nhiều năm cho những người bị cáo buộc chống phá nhà nước. Việt Nam phủ nhận giam cầm tù nhân lương tâm mà chỉ trừng phạt những người mà họ nói là vi phạm pháp luật.

    https://www.voatiengviet.com/a/chuan-bi-roi-viet-nam-pho-tong-thong-my-tuyen-bo-chung-toi-o-day-vi-cac-ban/6016774.html

    Phó tổng thống Mỹ đề cập đến nhân quyền tại Việt Nam

    Thanh Hà /RFI

    Đăng ngày: 26/8/2021



    Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris họp báo tại Hà Nội ngày 26/08/2021 trước khi rời Việt Nam trở về Hoa Kỳ sau chuyến công du đầu tiên của bà đến châu Á. REUTERS - EVELYN HOCKSTEIN

    Quyền của người lao động và các quyền tự do của xã hội dân sự đã được phó tổng thống Hoa Kỳ đề cập trước khi kết thúc chuyến công du Việt Nam vào ngày 26/08/2021.

    Theo hãng tin Mỹ AP, bên cạnh những phát biểu rất được trông đợi về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, bà Kamala Harris đã đề cập đến vấn đề nhân quyền, nhưng đã tránh nêu bật quyền tự do ngôn luận, cho dù Việt Nam thường xuyên bị lên án chà đạp nhân quyền.

    Trong cuộc hội thảo bàn tròn với đại diện các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, phó tổng thống Mỹ đã đặc biệt quan tâm đến những người khuyết tật, đến quyền của những người chuyển đổi giới tính và mục tiêu bảo vệ môi trường. Bà Harris nhấn mạnh : « Những người chuyển đổi giới tính xứng đáng được đối xử bình đẳng, được bảo đảm chăm sóc về y tế một cách bình đẳng, đây là một vấn đề Mỹ đang phải đối mặt tương tự như ở Việt Nam ».

    Về tình trạng phụ nữ bị bạo hành, nữ phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ khẳng định « phụ nữ phải được bảo vệ trước những hành vi bạo hành về giới ». Hãng tin AP lấy làm tiếc là nhân vật số hai trong chính quyền Biden đã tránh đề cập đến tự do ngôn luận, quyền tự do bày tỏ chính kiến.

    Trong báo cáo tháng 12/2020, tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã mạnh mẽ chỉ trích Việt Nam về các vụ bắt giữ tùy tiện và đàn áp các nhà đấu tranh nhân quyền. Theo Ân Xá Quốc Tế, 40% tù nhân chính kiến tại Việt Nam là những blogger sử dụng mạng xã hội để bày tỏ lập trường.

    Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện mạnh mẽ tại Biển Đông

    Bà Kamala Harris như vậy là đã kết thúc một tuần lễ công du hai nước Singapore và Việt Nam, nhằm tiếp tục khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.

    Nhân vật số hai trong chính quyền Biden đã có hàng loạt buổi làm việc với lãnh đạo Singapore và Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng. Với Singapore, Washington tập trung nhiều vào thỏa thuận chống biến đổi khí hậu và chiến lược an ninh mạng. Với Việt Nam, trọng tâm được đặt vào các lĩnh vực kinh tế và y tế.

    Nhưng đáng chú ý hơn cả là phát biểu của phó tổng thống Hoa Kỳ về Biển Đông. Báo tài chính Nhật Asia Nikkei nhắc lại trong cuộc trao đổi với chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 25/08, bà Kamala Harris tuyên bố : « Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện mạnh mẽ tại Biển Đông và tiếp tục đương đầu trước những hành vi dọa nạt Bắc Kinh, trước những đòi hỏi quá đáng trên biển » của Trung Quốc. Đồng thời Washington ủng hộ Việt Nam tăng cường khả năng bảo đảm an ninh biển.

    Kamala Harris: Người Việt Nam đón bà theo cách của mình

    Nguyễn Hà Hùng

    BBC News Tiếng Việt



    Nguồn hình ảnh, Win McNamee/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris

    Không được ra phố, người Việt vào trang Facebook Sứ quán Mỹ đón bà Kamala Harris từ tối 24/8.

    Chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Mỹ diễn ra khi Hà Nội và TPHCM, nhiều địa phương đang thực hiện "giãn cách xã hội" chống Covid-19, người dân không thể ra đường không giấy phép.

    Nhưng tình cảm của người Việt với lãnh đạo Hoa Kỳ và nước Mỹ có biểu hiện tăng cao, dường như không chỉ vì họ là quốc gia đã tặng Việt Nam nhiều vaccine nhất.

    Lòng dân vốn được lưu truyền như một hàn thử biểu. Tình hình khó khăn hiện nay, có khả năng, bình luận thẳng thắn của dân sẽ có vai trò quan trọng hơn.

    Chịu đựng dịch bệnh kéo dài, nhiều mong muốn cụ thể được nêu ra, nhưng cũng có những cái nhìn xa hơn.



    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh,

    Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris gặp Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

    Những lời cảm ơn vì quà tặng vaccine

    Những lời chúc và biết ơn nước Mỹ chiếm phần lớn, bằng tiếng Việt và Tiếng Anh. Nhiều người vui, trước hết vì Việt Nam được Hoa Kỳ tặng thêm một triệu liều vaccine Pfizer.

    Danh khoản Phạm Thị Hường bày tỏ: "Cảm ơn người Mỹ, các bạn là dân tộc được kính mến nhất vì sự hào phóng, trách nhiệm cộng đồng và vô cùng nhân đạo. I love you."

    To Hong Phong viết: "Xin cảm ơn Bà đã thay mặt Chính phủ & nhân dân Mỹ đã có hành động nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người dân VN chúng tôi trong lúc khó khăn dịch bệnh này."

    "Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn và gửi lời cảm ơn chân thành tới bà Phó Tổng thống và toàn thể nhân dân Hoa Kỳ. Sự giúp đỡ này là rất tốt và mọi người chúng tôi hy vọng vaccine này sẽ đến được với tất cả mọi người và mọi tầng lớp trong xã hội. Chúa phù hộ cho bạn và đất nước của bạn." ý kiến của Nguyên Phan.

    Phát Trần Angel Beat cảm thán: "Thật tuyệt vời. Rất cảm ơn sự giúp đỡ của nước mỹ. Số vaccine đó thật sự rất cần thiết trong lúc này đối với chúng tôi."



    Nguồn hình ảnh, EVELYN HOCKSTEIN/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Phó Tổng thống Mỹ đặt hoa tưởng niệm TNS John McCain tại Hồ Trúc Bạch

    Lo âu Trung Quốc

    Bên cạnh niềm vui, nhiều ý kiến lại thể hiện sự lo lắng với láng giềng phương Bắc - nhà cầm quyền Trung Quốc với yêu sách "đường lưỡi bò" gây quan ngại trên Biển Đông.

    Danh khoản Via Ha nói: "Cảm ơn nước Mỹ. Hãy nhìn bên hàng xóm, họ rất tức giận và thắc mắc tại sao người Việt Nam luôn chào đón người Mỹ nhưng không bao giờ làm vậy với họ."

    "Trên thế giới những nước lớn tuy quá khứ có xung đột nhưng không cướp biển đảo, tài nguyên, lãnh thổ của Việt Nam đều là bạn tốt của Việt Nam kể cả nước Mỹ!" là ý kiến của Khắc Hiệu.

    Duy T Trinh không giấu giếm: "Cám ơn Hoa Kỳ cùng nhau chúng ta chống lại Trung cộng xâm lấn bắt nạt ngoài Biển Đông."

    Vũ Thanh Vân với lời thỉnh cầu đáng chú ý: "Chúng tôi cầu nguyện cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thông qua hiệp ước quốc phòng vĩnh viễn, khu tự do kinh tế và liên minh lâu dài để các thế hệ người Việt Nam tiến bộ hơn..."

    Tác giả của bình luận này không ngần ngại nêu thêm: "Chỉ có Hoa Kỳ và với Hoa Kỳ, chúng tôi mới thịnh vượng!"



    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp các quan chức chính phủ VN tại Hà Nội hôm 25/8/2021

    Và những ý kiến khác

    Nguyễn Thanh Bình cho rằng: "Riêng giáo dục và y tế người Việt Nam không thích giao lưu, không muốn học người Mỹ nhé. Giáo dục và y tế của Việt Nam nhà nước quản lý chứ nhất định không thể để người Mỹ in tiền mang sang thâu tóm bóc lột đến tận xương tủy người dân Việt Nam đâu."

    Không dừng lại ở phạm vi vừa nêu, danh khoản Đồng Lương khẳng định: "Đừng gửi quả dân chủ đến ban phát là được rồi."

    Phó Tổng Thống có thể bất ngờ về cách bày tỏ tình cảm của người Việt Nam, nhưng bà vốn đã quen với những quan điểm trái chiều.

    Những ý kiến, tình cảm của người Việt Nam hiện diện trên trang của Đại sứ quán Hoa Kỳ có thể sẽ là một kỷ niệm độc đáo của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và các thành viên.

    Dân chủ hóa ‘phải do người Việt tự giải quyết’

    Mỹ Hằng

    BBC News Tiếng Việt

    26 tháng 8 2021



    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Bà Kamala Harris gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 25/8/2021

    Trong chuyến thăm Việt Nam tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tái khẳng định nhân quyền là 'trung tâm trong chính sách đối ngoại' của Tổng thống Joe Biden.

    Văn bản Tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, công bố ngày 25/8, nói: "Hoa Kỳ ủng hộ xã hội dân sự của Việt Nam và ủng hộ quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng và lập hội ở Việt Nam — như Phó Tổng thống đã nêu ra trong các cuộc gặp chính phủ."

    Chuyến thăm của bà Kamala Harris cũng đặt ra hy vọng cho một số nhà quan sát rằng có thể một số tù nhân chính trị được trả tự do sau đó.

    Will Nguyễn, một nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt, từng bị giam 41 ngày tại nhà giam Chí Hòa ở Việt Nam năm 2018 sau khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh. Việt Nam khi đó nói bị cáo đã tham gia biểu tình tại TP Hồ Chí Minh và đã có những hành vi gây rối trật tự công cộng.

    Hôm 25/8, nhân chuyến thăm của bà Kamala Harris đến Hà Nội, ông Will Nguyễn bày tỏ một số suy nghĩ.

    BBC: Chuyến thăm của phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris có tầm quan trọng như thế nào đối với nhân quyền và việc trả tự do cho các tù nhân chính trị ở Việt Nam, theo ông?

    Will Nguyễn: Tôi cho rằng nó phụ thuộc vào những gì bà Kamala Harris phải nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam về nhân quyền và tù nhân chính trị.

    Nếu bà ấy có thể mang chủ đề này ra bàn thảo trong chuyến thăm, tôi nghĩ đó sẽ là một hành động rất quan trọng về mặt biểu tượng, vì nó tái khẳng định uy tín của Hoa Kỳ và tiếp thêm sinh lực cho các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam trong và ngoài nước, những người hiện cảm thấy họ có sự ủng hộ về mặt tư tưởng.



    BBC: Thời gian bị giam ở Việt Nam năm 2018 có cho ông thấy điều gì về thay đổi trong chính sách của Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến không?

    Will Nguyễn: Trong tù, chắc chắn là tôi đã được đối xử tốt hơn bởi vì ván cờ hẳn sẽ khác khi có sự tham gia của một quốc gia nước ngoài (hùng mạnh). Lính gác cho tôi thêm trái cây hoặc mì gói, và họ đảm bảo rằng tôi được ở cùng những tù nhân có tiền ký quỹ, để có thể mua thêm thức ăn cho tôi.

    Một phần tôi biết việc đối xử tốt hơn là do cân nhắc ngoại giao, phần khác, tôi lạc quan khi biết rằng có những người tốt trong số nhân viên tại nhà tù Chí Hòa. Một trong số họ đã cho tôi tờ 100 ngàn VND trong đêm đầu tiên, vì anh ta biết tôi không có tiền mặt.

    Anh ta muốn tôi có thể mua xà phòng, đồ dùng vệ sinh cá nhân hoặc nhiều thức ăn hơn nếu cần. Đó là số tiền duy nhất tôi dùng đến trong thời gian ngồi tù.



    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh,

    Will Nguyễn trước phiên tòa ngày 20/7/2018 tại TP Hồ Chí Minh

    Bản thân việc tôi bị cầm tù không tiết lộ gì về sự thay đổi chính sách đối với những người bất đồng chính kiến, nhưng có lẽ quan trọng hơn, nó cho tôi thấy rằng chính phủ Việt Nam coi rẻ người dân.

    Tôi nhớ đã được cảnh sát và các đảng viên nói đi nói lại rằng những người biểu tình đi cùng tôi trên đường phố ngày hôm đó là tội phạm, rằng họ bạo lực, dễ bị nước ngoài thao túng, và được trả tiền để gây rối.

    Họ không bao giờ nghĩ được rằng hàng ngàn người biểu tình đó có thể là những người yêu nước, những người không nghĩ cho bản thân mình, và mối quan tâm thực sự đối với đất nước đã đánh bại nỗi sợ hãi cảnh sát của họ.



    Chừng nào chủ nghĩa can thiệp của Mỹ còn có tác dụng, và ngay cả khi Mỹ gây đủ áp lực để những người bất đồng chính kiến ​​được trả tự do, tôi cho rằng đó sẽ chỉ là một giải pháp hỗ trợ tạm thời.

    Chắc chắn đây sẽ là một bước đi đúng hướng, nhưng nó sẽ không giải quyết được vấn đề trọng tâm. Đó là việc tại sao cả một hệ thống chính trị không cho người dân được hưởng các quyền được bảo đảm theo hiến pháp của họ. Tại sao lại có những tiếng nói bất đồng?

    Đây là vấn đề người dân Việt Nam phải tự giải quyết, và với lịch sử đầy bạo lực của Việt Nam đối với chủ nghĩa can thiệp của Mỹ, sẽ thật ngu ngốc nếu một lần nữa đặt tất cả hy vọng của chúng ta vào Hoa Kỳ.

    Triết lý của tôi với tư cách là một thành viên của phong trào dân chủ Việt Nam đã được phản ánh trong hành động của tôi vào tháng 6/2018: Tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ phong trào dân chủ (bản địa) hiện có tại Việt Nam, nhưng tôi sẽ không bao giờ tạo ra hoặc áp đặt chúng. Bởi trên thực tế, làm như vậy là trái ngược với dân chủ.

    Vì vậy, tôi sẵn sàng đề nghị bà Kamala giúp đỡ để đưa những người bất đồng chính kiến Việt Nam ra khỏi nhà tù, nhưng tôi sẽ không bao giờ đề nghị Hoa Kỳ can thiệp để buộc ĐCSVN phải dân chủ hóa.

    Một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng đó là trách nhiệm của người dân Việt Nam.

    BBC:Ông có hy vọng lớn về việc một số tù nhân chính trị cụ thể nàoở Việt Nam sẽ được trả tự do trong thời gian tới?

    Will Nguyễn: Tôi sẽ luôn nuôi dưỡng hy vọng, nhưng tôi biết rằng việc này bị hạn chế về mặt chính trị, đặc biệt là nhiều nhà bất đồng chính kiến đang bị tù từ chối rời Việt Nam và sống lưu vong.

    Ngay cả với áp lực của Mỹ, ĐCSVN có động cơ gì để thả những người mà họ coi là sẽ chỉ gây "rắc rối" một khi được trả tự do?

    Người ta có thể lập luận rằng một ĐCS cho phép những tiếng nói bất đồng chính kiến ​​là một ĐCS biết củng cố sự ủng hộ của dân chúng và tính chính danh của mình. Nhưng tôi ngờ rằng Hà Nội sẽ không bao giờ cho phép dù chỉ là một chút cơ hội mất quyền lực.

    Ngoại trừ một sự thay đổi hoàn toàn về mặt nhân bản của Đảng, tôi không thấy khả năng chính phủ Việt Nam trả tự do nhiều người bất đồng chính kiến dịp này. Ngoại trừ có thể có Trần Huỳnh Duy Thức, hiện sức khỏe rất kém. Nếu ông chết trong tù do tuyệt thực, chính phủ Việt Nam sẽ chẳng đẹp mặt gì.

    Dự án 88 đã có một lá thư ngỏ được ký bởi 13 tổ chức khác nhau, và Tổ chức Sáng kiến ​​Pháp lý cho Việt Nam (đơn vị điều hành cả The Vietnamese và Luật Khoa Tạp chí) đã viết một bản kiến ​​nghị. Cả hai đều nhằm thuyết phục bà Kamala Harris trong việc khiến chính phủ Việt Nam thay đổi cách đối xử với tù nhân lương tâm.

    Do dịch Covid cản trở việc đi lại và chiếm trọn sự chú ý ở Việt Nam và trên thế giới, các cố gắng của chúng tôi nhằm kéo sự chú ý đến những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị hạn chế.



    Nguồn hình ảnh, HRW

    Chụp lại hình ảnh,

    Một số trường hợp đang bị giam giữ được dư luận quan tâm: Phạm Chí Dũng,, Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trần Đức Thạch, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thu Thủy, Nguyễn Tường Thụy

    BBC:Theo ông, cần làm những gì để tận dụng tốt nhất chuyến thăm này nhằm cải thiện nhân quyền ở Việt Nam

    Will Nguyễn: Gần đây, tôi đã viết một bài báo cho Washington Post về chuyến thăm Việt Nam của bà Kamala. Bề ngoài, bài báo là thông điệp gửi đến bà phó tổng thống Mỹ, và lập luận tại sao bà nên quan tâm đến vấn đề nhân quyền và tự do cho tù chính trị ở Việt Nam.

    Nhưng tôi cũng đã viết bức thư theo cách tiết lộ cho chính người dân Việt Nam biết hệ thống chính trị của họ bất công như thế nào, hệ thống chính trị của họ từ chối cho người dân các quyền được hiến pháp bảo đảm như thế nào (quyền mà người Việt Nam đã đấu tranh từ những ngày Pháp thuộc) và ĐCS đã bỏ tù không thương xót đồng bào nào dám lên tiếng như thế nào.

    Tôi hy vọng bài viết của tôi sẽ thúc đẩy người dân Việt Nam nhận ra rằng hàng trăm người bất đồng chính kiến ​​đã phải ngồi tù vì đấu tranh cho chính đồng bào mình.



    Nguồn hình ảnh, Pham Doan Trang

    Chụp lại hình ảnh,

    Nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

    Trong phạm vi phong trào dân chủ rộng lớn hơn, tôi nghĩ rằng việc nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về các quyền được bảo đảm theo hiến pháp của họ nên là mục tiêu hàng đầu ngay từ lúc này.

    Nếu diễn đạt từ 'đấu tranh' theo một cách khác, và khẳng định rằng đây là các quyền mà mọi người thực sự 'sở hữu' và họ đang bị 'từ chối' được hưởng các quyền này, thì điều đó sẽ đặt nền tảng để họ hiểu hơn về dân chủ, và thúc đẩy nhiều người hành động hơn để khôi phục những quyền hợp pháp của họ .

    Hiện nay, hầu hết công dân Việt Nam không hiểu về hiến pháp Việt Nam hoặc các quyền hiến định, không bao giờ bận tâm đến việc giúp đỡ những người bất đồng chính kiến ​​đang ở trong tù.

    Cho đến khi ý thức của người dân Việt Nam về quyền chính trị của họ được cải thiện, họ sẽ luôn coi những người bất đồng chính kiến ​​là những cá nhân đứng ngoài lề tự gây rắc rối, chứ không phải là những người yêu nước dũng cảm, vị tha.

    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58278022

    Hoa Kỳ khẳng định hậu thuẫn Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

    Trọng Thành/RFI

    26/8/2021

    Hôm qua, 25/08/2021, là ngày thứ hai chuyến công du của phó tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam. Nhân dịp này, Nhà Trắng ra thông cáo khẳng định hậu thuẫn Việt Nam « bảo vệ độc lập và chủ quyền, đặc biệt trên biển ». Thông cáo của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh đến hàng loạt lĩnh vực hợp tác Mỹ - Việt đã và đang được triển khai, từ kinh tế cho đến cuộc chiến chống dịch Covid-19, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, hay khí hậu, môi trường.

    Thông cáo của phủ tổng thống Mỹ ghi nhận một trong những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Mỹ - Việt hiện nay là về an ninh trên biển. Trong đối thoại giữa phó tổng thống Kamala Harris với các lãnh đạo Việt Nam, hai bên đã « khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao nhằm hỗ trợ một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, bao gồm các hoạt động nhân đạo (với sự tham gia của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ) theo cơ chế Đối tác Thái Bình Dương và các chuyến thăm Việt Nam của các tàu Mỹ, gồm các tàu sân bay ».

    Thông cáo của Nhà Trắng cũng cho biết hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được tăng cường, bao gồm việc Washington chuyển giao cho Hà Nội tàu tuần duyên thứ ba, theo đề nghị của Quốc Hội Mỹ. Ba tàu tuần duyên cùng với đội 24 tàu tuần tra cao tốc mà Mỹ đã chuyển giao cho Hà Nội, cùng các cơ sở hàng hải, huấn luyện chấp pháp, và nhiều hoạt động phối hợp khác « đang giúp tăng cường khả năng của Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ an ninh hàng hải tại Biển Đông ».

    Siết chặt quan hệ kinh tế và giáo dục

    Nhà Trắng cũng nhấn mạnh đến việc mối quan hệ Việt - Mỹ về kinh tế đã được siết chặt: Hoa Kỳ hiện đang là đối tác kinh tế thứ hai và thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ đang được tiếp tục củng cố, bởi « một nền kinh tế Việt Nam sôi động là rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng » mà nước Mỹ phụ thuộc vào. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã nâng cao năng lực ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm thông qua quan hệ đối tác trong Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19.

    Giáo dục là một lĩnh vực được ghi nhận là đặc biệt quan trọng trong quan hệ Mỹ - Việt, với gần 30.000 người Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, đóng góp gần 1 tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Phó tổng thống Harris cũng nhấn mạnh đến các hợp tác lâu dài Việt - Mỹ trong giáo dục. Dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID đang có chương trình hậu thuẫn ba đại học quốc gia lớn nhất Việt Nam, « về giảng dạy, nghiên cứu, cách tân và quản trị » với tổng trị giá 14,2 triệu đô la. Gần 150.000 sinh viên Việt Nam sẽ được hỗ trợ trong khuôn khổ dự án này, để góp phần thúc đẩy « một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập », đối tác quan trọng của Hoa Kỳ.

    Sứ quán Mỹ có địa điểm mới, Peace Corps mở Văn phòng tại Hà Nội

    Trong cuộc hội kiến với phó tổng thống Mỹ hôm qua, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định « Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu » và « mong muốn cùng Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu ».

    Quan hệ Việt - Mỹ được siết chặt trong chuyến công du Hà Nội của phó tổng thống Kamala Harris. Hôm qua, hai bên ký thỏa thuận về địa điểm mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, diện tích 3,2 ha, quy mô xây dựng hơn 419.000 m2, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngân sách xây dựng khoảng 1,2 tỷ đô la.

    Washington và Hà Nội cũng thỏa thuận chính thức mở văn phòng của Peace Corps Vietnam - Tổ Chức Hòa Bình Việt Nam - tại Hà Nội, sau 17 năm đàm phán. Theo thông cáo của Nhà Trắng, việc Peace Corps Vietnam chính thức hoạt động « mở ra một cơ hội mới cho thanh niên Mỹ phục vụ ở nước ngoài và thúc đẩy mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia ». Tổ Chức Hòa Bình Việt Nam dự kiến sẽ mở cửa đón những tình nguyện viên đầu tiên vào năm 2022.

    https://www.rfi.f

    Không có nhận xét nào