Header Ads

  • Breaking News

    Trung Hoa phủ nhận việc mực nước sông Mekong tụt giảm là do giới hạn dòng chảy từ đập thủy điện Jinghong

    (China denies Mekong River water levels fell due to flow restrictions from Jinghong hydropower dam)

    Maria Siow – Bình Yên Đông lược dịch

    South China Morning Post – August 11, 2021

    Sông Mekong ở biên giới Thái-Lào trong tỉnh Chiang Rai, Thái Lan.  Người địa phương nói họ ghi nhận mực nước tụt xuống. 

    [Ảnh: Pianporn Deetes, International Rivers]

    Bộ Thủy lợi Trung Hoa đã phủ nhận các cáo buộc nói rằng mực nước sông Mekong trong các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) ở hạ lưu đã giảm từ cuối tháng 7 đến đầu tháng nầy là do việc giới hạn dòng chảy từ đập thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) của họ.

    “Không có cái gọi là vấn đề ngăn chận trong việc điều hành các trạm thủy điện (của Trung Hoa), và nó không tiêu thụ nước.  Thay vào đó, nó điều hòa một cách khoa học nước chảy tràn,” bộ nói.

    “Trong mùa lũ, nó trữ nước thích đáng, giảm dòng chảy, và trong mùa khô, tăng dòng chảy thích nghi để giảm các tai họa lũ lụt và hạn hán trong lưu vực,” bộ nói thêm.

    Theo kết quả phân tích dòng chảy ở hạ lưu Mekong của các chuyên viên của bộ, dao động của mực nước hiện nay ở trạm thủy học Chiang Saen, Thái Lan phần lớn là do cái gọi là “khoảng mưa”.

    Từ ngày 18 đến 24 tháng 7, lượng nước xả từ đập Jinghong vẫn ổn định ở mức 1.400 m3/sec, bộ nói, nhưng vì lượng mưa trong thời khoảng nầy, lưu lượng gia tăng khoảng 4.770 m3/sec trong vòng 5 ngày.

    Điều nầy khiến cho mực nước dâng lên 3,8 m rồi giảm dần, bộ nói, và lưu ý rằng Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) cũng có cùng kết luận trong một tuyên bố ngày 28 tháng 7.

    MRC là một ủy hội liên chánh phủ chú trọng đến việc phát triển khả chấp thủy lộ dài 4.909 km.  Thành viên của ủy hội gồm có 4 trong 6 quốc gia mà sông Mekong chảy qua – Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam.  Trung Hoa và Myanmar là 2 quốc gia còn lại.

    Trích dẫn cùng phúc trình, bộ Thủy lợi Trung Hoa nói rằng sự dao động lớn lao của mực nước trong thời gian nầy cũng do việc xả nước từ các trạm thủy điện trên các phụ lưu của Mekong.

    “Hiện nay, sông Mekong đang trải qua mùa mưa.  Ảnh hưởng bởi lượng mưa và các yếu tố khác, mực nước dao động thường xuyên hơn mùa khô, là một hiện tượng thủy học bình thường,” bộ nói.

    Vì nhu cầu năng lượng trong khu vực gia tăng, hàng trăm đập đã được hay sẽ được xây trên các phụ lưu Mekong, và các chuyên viên đã nói trong quá khứ rằng các đập nầy cũng làm cho mực nước trên Mekong bất thường.

    Tuần qua, MRC nói mặc dù Trung Hoa đã hứa không giới hạn dòng chảy từ đập Jinghong cho đến cuối tháng, lưu lượng của sông Mekong ở phía dưới đập thủy điện đã giảm từ 1.507 xuống 997 m3/sec.

    Về mực nước nói chung, nó giảm khoảng 0,8 m, từ 536.32 m trong ngày 28 xuống 535,52 m trong ngày 3 tháng 8.

    Ngày 30 tháng 7, Bô Thủy lợi Trung Hoa nói kế hoạch giữ lại nước ở đập Jinghong để làm dễ dàng cho “việc xây cất lưới điện” sẽ được hoãn lại cho đến cuối tháng 8 để chuẩn bị kỷ thuật.

    Kế hoạch ban đầu để hạn chế dòng chảy từ 900-1.300 m3/sec xuống còn khoảng 700 m3/sec từ ngày 31 tháng 7 đến 20 tháng 8 được công bố 2 ngày trước đó.

    Pianporn Deetes, giám đốc liên lạc và chiến dịch khu vực của International Rivers (Sông ngòi Quốc tế), nói mặc dù chánh phủ Trung Hoa loan báo rằng lưu lượng từ đập Jinghong được trì hoãn, người dân địa phương trong tỉnh Chiang Rai ở đông bắc Thái Lan đã thấy mực nước tụt xuống.

    “Khi mưa là một yếu tố, dao động của mực nước ở Chiang Saen và Chiang Khong tồi tệ thêm bởi chuỗi đập Lancang, không phải các đập trên phụ lưu, vì 2 trạm nầy nằm ở phía trên của các phụ lưu chánh của Mekong chẳng hạn như Nam Ou,” Deetes nói.

    Các chuyên viên và nhà hoạt động đã lập luận rằng một sự thay đổi đột ngột của mực nước sẽ tạo nên đe dọa cho đa dạng sinh học và thủy sản và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 60 triệu người sống trong các quốc gia hạ lưu.

    Đầu năm nay, họ cũng kêu gọi Trung Hoa cho thêm thời gian nếu nước từ các đập thủy điện ở thượng lưu Mekong, có tên là Lancang ở Trung Hoa, được giữ lại hay xả ra.

    Trong hồi đáp trong tuần nầy, bộ cũng thêm rằng mưa trong lưu vực Lancang-Mekong phân phối không đều trong lúc lũ lụt và hạn hán đã trở nên một trong những yếu tố hạn chế việc phát triển xã hội và kinh tế trong khu vực.

    Lưu ý rằng số nước từ Trung Hoa chỉ chiếm 13% toàn thể lưu vực sông, bộ nói rằng đối phó với đe dọa của lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các quốc gia duyên hà.

    “Trong những năm gần đây, 6 quốc gia trong lưu vực đã cùng nhau khuyến khích hợp tác nguồn nước Lancang-Mekong và thực hiện các kết quả có lợi.  Các con đường hợp tác đang mở rộng,” bộ nói, thêm rằng các quốc gia Mekong đã nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn Trung Hoa đã cung cấp tin tức thủy học quanh năm của sông Lancang.

    Deetes nói con số 13,5% là số lượng của sông Lancang đóng góp cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ở Chiang Saen, sự đóng góp nhiều hơn rất nhiều, trên 90% trong mùa khô.

    “Như thế, cách điều hành của chuỗi đập Lancang có ảnh hưởng quan trọng ở đông bắc Thái Lan và xa hơn,” Deetes nói.

    Bộ cũng nói 6 quốc gia đang cùng xây dựng diễn đàn chia sẻ tin tức hợp tác nguồn nước Lancang-Mekong, và có kế hoạch để gia tăng việc chia sẻ tin tức giữa các quốc gia trong lưu vực.

    Cũng có các kế hoạch để thực hiện một loạt nghiên cứu hỗn hợp về sự dao động của mực nước do thay đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, để cùng đối phó với những thách thức đối mặt với lưu vực, bộ cho biết.

    Deetes nói những nghiên cứu hỗn hợp nầy phải có sự tham gia và rút tỉa kiến thức và kinh nghiệm của người địa phương về những thay đổi của sông.

    “Các nghiên cứu nầy cũng đề nghị các thay đổi trong các chế độ điều hành của chuỗi Lancang, là nguyên nhân chủ chốt của các ảnh hưởng tai hại đối với sông và các cộng đồng ở đông bắc Thái Lan và xa hơn,” Deetes nói thêm.

    https://mekong-cuulong.blogspot.com/2021/08/trung-hoa-phu-nhan-viec-muc-nuoc-song.html

     

    Không có nhận xét nào