Header Ads

  • Breaking News

    Ký Thiệt: Phá thai là một “quyền” hay một tội ác?

    Ngày 1 tháng 9 vừa qua, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã ra phán quyết 5-4 khước từ một thỉnh cầu ngăn chặn một luật của Tiểu bang Texas cấm những vụ phá thai vào tuần lễ thứ sáu, khi tim của thai nhi bắt đầu đập, cho phép việc cấm phá thai tại tiểu bang này vẫn còn hiệu lực, trong khi phe đòi quyền phá thai tiếp tục chống lại sự hạn chế này.

    Ký Thiệt: Phá thai là một “quyền” hay một tội ác?

    Luật hạn chế phá thai có tên là Senate Bill 8, hay S.B. 8, còn được biết dưới tên là “Texas Heartbeat Act” (Luật Tim đập của Texas), được Thống đốc Greg Abbott (Cộng Hòa) ký thành luật vào tháng 5 vừa qua. Luật này cho thường dân có quyền – trừ kẻ đã làm người phụ nữ thụ thai qua một vụ hiếp dâm hay loạn luân – kiện các y sĩ đã thực hành những vụ phá thai sau khi nhịp tim đập của thai nhi được phát hiện, thường là vào tuần lễ thứ sáu.

    Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện tức thì gây ra những phản ứng dữ dội từ phe Dân Chủ trong Hạ Viện.

    Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ – California) tuyên bố rằng luật của Texas “cần phải hệ thống hóa với Roe chống Wade”, quyết định của Tối Cao Pháp Viện 50 năm trước đã xác định rằng phá thai là một quyền hiến định. Bà Pelosi cũng nói rằng Hạ Viện sẽ biểu quyết và tranh luận về dự luật do Dân biểu Judy Chu (Dân Chủ – California) và vài người nữa soạn thảo để “bảo tồn trong luật pháp sự chăm sóc y khoa về sinh sản cho tất cả phụ nữ trên khắp nước Mỹ.”

    Tổng thống Joe Biden cũng chống đối và tố cáo luật của Texas, diễn tả trong một bản tuyên bố như là “một tấn công chưa từng có vào quyền hiến định của một phụ nữ dưới vụ Roe chống Wade, đã thành luật trong gần 50 năm.“Luật này quá cực đoan tới nỗi không dành ngoại lệ cho trường hợp bị hiếp dâm hay loạn luân.”

    Ngày 2 tháng 9, ông Biden loan báo đã chỉ thị cho Bộ Y Tế và Bộ Tư Pháp phát động một nỗ lực “toàn bộ chính quyền” để tìm một phương thức bảo vệ quyền của phụ nữ sau khi Tối Cao Pháp Viện từ chối ngăn chặn luật của Texas cấm phá thai sau sáu tuần.

    Trong khi đó, phe Cộng Hòa hoan nghênh luật mới và TCPV quyết định để luật ấy có hiệu lực. Phá thai là một hành động chấm dứt đời sống của một đứa bé trong bụng mẹ.

    Nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa- Arkansas) tuyên bố: “Tối Cao Pháp Viện vừa mới quyết định để luật pro-life của Texas trở thành có hiệu lực, sẽ cứu không biết bao nhiêu là sinh mạng vô tội.”

    Abby Johnson, cựu giám đốc Planned Parenthood, một tổ chức ủng hộ phá thai thay đổi lập trường thành “pro-life”, vui mừng viết như sau trên Twitter: “BREAKING NEWS!!! Quyết định của Tối Cao Pháp Viện vừa đưa ra!! Họ không can thiệp vào Luật Tim đập của Texas!!! Chiến thắng kỳ diệu làm sao! Những đứa bé thắng!!!!! Đời sống thắng!!!!!

    Nhưng, “Center for Reproductive Rights”, “American Civil Liberty Union” và các nhóm ủng hộ phá thai đã vô đơn kiện để ngăn chặn luật này. Họ nói rằng luật này sẽ buộc những người cung cấp dịch vụ phá thai phải chi những số tiền lớn để biện hộ trước tòa và có thể bị kiện về tôi bạo hành, đưa đến việc đảo ngược quyền hiến định về phá thai của phụ nữ.

    Những người cung cấp dịch vụ phá thai tại Texas nói rằng họ đã phải bắt đầu từ chối thực hành những vụ phá thai để tuân theo luật mới.

    Nancy Northup, Chủ tịch của “Center for Reproductive Rights”, nói rằng quyết định của Tối Cao Pháp Viện vi phạm Roe chống Wade, phán quyết cột mốc năm 1973 về quyền phá thai của phụ nữ. Bà Northup nói:

    “Các chính trị gia ở Texas đã thành công nhất thời trong sự đùa cợt với luật pháp, đảo ngược sự chăm sóc sức khỏe về phá thai tại Texas và buộc những người mang thai phải rời tiểu bang – nếu họ có phương tiện – để được hưởng sự bảo vệ sức khỏe hợp hiến. Việc này sẽ chuyển một cơn buốt lạnh xuống xương sống của tất cả mọi người còn quan tâm tới Hién Pháp trên đất nước này. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại sự cấn đóan này cho đến khi nào quyền phá thai được phục hồi tại Texas.

    Chánh thẩm Tối Cao Pháp Viện John Roberts và ba thẩm phán do các tổng thống Dân Chủ tiến cử (Stephen G. Breyer, Sonia Sotomayor, và Elena Kagan) sẽ chặn đứng luật này trong khi tiếp tục được xét xử tại các tòa dưới.

    Trong cuộc biểu quyết 5-4 ngày 1 tháng 9 vừa qua, Tối Cao Pháp Viện bác bỏ một thỉnh cầu khẩn cấp để ngăn chặn luật S.B. 8 của Texas trở thành có hiệu lực. Năm Thẩm Phán Clarence Thomas, Samuel A. Alito Jr., Neil M. Gorsush, Brett M. Kavanaugh và Amy Coney Barrett đã bỏ phiên không ngăn chặn Luật S.B. 8.

    Penny Nance, chủ tịch của tổ chức “Concerned Women for America” ca ngợi đa số bảo thủ trên Tối Cao Pháp Viện, trong đó Tổng thống Trump đã đổ xi-măng với ba tiến cử. Bà Nance nói: “Một di sản quan trọng của Tổng thống Trump: Đó sẽ là sự đổi chiều trong Tối Cao Pháp Viện.”

    Phán quyết này đã tức thì châm ngòi cho cuộc tranh luận về quyền phá thai tại Mỹ tái bùng phát, cung cấp thêm nhiệt tình cho cả hai phe “pro-choice” và “pro-life”.

    S.B. 8 rõ ràng là điểm then chốt trong cuộc chiến đấu về vụ phá thai đã khởi đầu từ khi vụ Roe chống Wade được tuyên phán gần 50 năm trước. Nhưng đã có nhiều tranh cãi về cái gì đại diện cho tương lai của quyền sinh sản tại Hoa Kỳ.

    Nhiều chuyên gia luật pháp và những người cổ võ cho quyền phá thai nói rằng quyết định của Tối Cao Pháp Viện cho S.B. 8 trở thành có hiệu lực là một dấu hiệu cho thấy, dù là còn nguyên vẹn về kỹ thuật, những bảo vệ sự phá thai được thiết lập do vụ Roe và Casey đang biến đi trong nhiều kiểu mẫu lớn của quốc gia. Phương pháp của S.B 8 để đi vòng quanh những lằn mức về sự hạn chế phá thai rõ ràng là để tạo ra một kiểu mẫu giống như những luật tại các tiểu bang do đảng Cộng Hòa cầm quyền.

    Những người khác lại nói rằng rất có thể S.B. 8 sẽ bị loại bỏ một khi Tối Cao Pháp Viện cứu xét về những giá trị của nó. Vài nhà phân tích chính trị cũng tin rằng S.B. 8 có thể bị phản ứng ngược do phong trào ủng hộ quyền phá thai thêm hăng say và thúc đẩy cử tri chống lại đảng Cộng Hòa. Sự thay đổi lập trường ấy có thể cho đảng Dân Chủ tại Quốc Hội thêm nhân số cần thiết để củng cố quyền phá thai hay tăng thêm ghế cho Tối Cao Pháp Viện – những việc có vẻ không thể xảy ra trong một Thượng Viện chia rẽ như hiện nay.

    Ngày 9 tháng 9 vừa qua, Bộ Tư Pháp đã nạp đơn thỉnh cầu một thẩm phán liên bang tuyên phán S.B. 8 vô giá trị. Những nhà cung cấp dịch vụ phá thai cũng đang theo đuổi những chiến lược khác nhau để đẩy lui S.B. 8, trong đó có nhiều đơn kiện có khả năng đưa tới một phán quyết trực tiếp về tính cách hợp hiến của nó.

    Nghị sĩ Amy Klobuchar, Dân Chủ – Minnesota, đề nghị Thượng Viện hủy bỏ thể lệ gọi là “filibuster”, theo đó đòi hỏi cần phải có 60 phiếu để có thể tăng thêm thẩm phán vào Tối Cao Pháp Viện và cho Thẩm phán TCPV Stephen G. Breyer về hưu.

    Bà Klobuchar đã lên tiếng ủng hộ việc mở rộng Tối Cao Pháp Viện và cho Thẩm phán TCPV Stephen G. Breyer về hưu sớm. Bà nghị sĩ nói: “Tôi tin rằng chúng ta nên loại bỏ thể lệ filibuster. Và tôi không tin một cái luật cổ lỗ nên được dùng để cho phép chúng ta giấu cái đầu trong cát, như lời của Thẩm phán TCPV Sotomayor, đặt đầu chúng trong cát, và không hành động để giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia ngay bây giờ, bây giờ và trong những năm sau. Chúng ta sẽ không đi tới đâu cả nếu chúng ta cứ giữ nguyên cái filibuster này.

    Tuy nhiên, sự thúc đẩy để hủy bỏ lệ filibuster đã gặp phải sự chống đối từ Nghị sĩ Dân Chủ Joseph Manchin III của West Virginia và Kyrsten Sinema của Arizona.

    Và Thẩm phán TCPV Stephen G. Breyer ngày 12 tháng 9 vừa qua đã lên tiếng cảnh cáo phe Dân Chủ hãy vứt bỏ cái ý kiến nới rộng Tối Cao Pháp Viện mà ông nói rằng nó sẽ hủy hoại niềm tin của công chúng đối với ngành tư pháp. Ông nói: “Nếu một đảng có thể làm việc ấy, tôi nghĩ rằng một đảng khác cũng có thể làm việc ấy. Có vẻ như người ta đang bắt đầu thay đổi xoay vần những chuyện này và người dân sẽ mất niềm tin vào tòa án.”

    Thẩm phán TCPV Breyer, một thành viên thuộc cánh tả của tòa tối cao, đã đưa ra những lời cảnh cáo trên đây trong cuộc phỏng vấn với Chris Wallace trong chương trình “Fox News Sunday”.

    Trong khi đó báo chí Mỹ đã mau chóng đưa ra những nhận định chủ quan về tương lai của S.B. 8 như sau:

    Washington Post: “Những nhà lập pháp đảng Cộng Hòa tại nhiều tiểu bang đang sao chép những luật giống như S.B. 8, và chỉ trong vài tuần lễ, chúng ta có thể sống trong một thế giới của hậu-Roe, trong đó phá thai là hợp pháp tại những tiểu bang màu xanh (DC) và bất hợp pháp tại những tiểu bang màu đỏ (CH). Roe chống Wade đã không còn hiệu lực”. (Paul Waldman)

    Los Angeles Times: “Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, nay chế ngự bởi những người bảo thủ tín đồ đạo giáo đã báo hiệu nhiều lần rằng họ ghét phán quyết năm 1973 đã hợp pháp hóa quyền của phụ nữ và đang nóng lòng để khai tử nó, khi có cơ hội.” (Robin Abcarian)

    Atlantic: “Dựa vào những cá nhân hoạt động để làm ngập lụt các tòa án với những đơn kiện rủi ro cho các nhà lập pháp chống quyền phá thai hơn là một sự cấm đoán thẳng thừng. Tiểu bang Texas đã soạn thảo luật S.B. 8 của họ để gần như là không thể thưa kiện trước tòa.” (Mary Ziegler)

    Có một ông “pro-choice” được hệ thống truyền hình OAN phỏng vấn, đã so sánh những người bảo thủ theo đạo giáo cũng không khác gì bọn Taliban ở Afghanistan!

    Còn Phó Tổng thống Kamala Harris thì lên tiếng đả kích luật S.B. 8 khá mạnh. Trước hết, bà Harris bảo rằng phá thai là chăm sóc sức khỏe, dù sự thật là nó chấm dứt sự sống của thai nhi trong bụng người phụ nữ. Sau đó bà nói:

    “Hôm nay, một luật mới bắt đầu có hiệu lực tại Texas, trực tiếp vi phạm tiền lệ được thiết đặt trong vụ án Roe chống Wade. Đây là sự tấn công toàn diện trên sức khỏe sinh sản, có hiệu lực ngăn cấm phá thai trên gần bảy triệu phụ nữ ở vào tuổi sinh sản trong tiểu bang này.”

    Bà Harris gọi luật mới này là kỳ thị chủng tộc (?) trước khi nói rằng có con, nuôi con là một sự khó nhọc cho người phụ nữ và có nhu cầu phải phá thai. Bà nói:

    “Phụ nữ mang thai tại Texas bây giờ sẽ buộc phải di chuyển ra khỏi tiểu bang hay là mang thai trái với ý‎ muốn của họ. Luật này sẽ làm hạ giảm rất nhiều các cơ sở chăm lo sức khỏe về sinh sản cho phụ nữ tại Texas, đặc biệt là với phụ nữ có lợi tức thấp hay phụ nữ da màu.”

    Tóm lại, những người chống lại luật S.B. 8 đều nhấn mạnh vào điểm luật này vi phạm phán quyết cột mốc (landmark) của Tối Cao Pháp Viện về vụ Roe chống Wade.

    Nhưng, vụ Roe chống Wade là gì và phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ra sao?

    Năm 1971, Norma McCorvey (được biết trong hồ sơ tại tòa dưới tên là “Jane Roe”) vô đơn kiện tổng chưởng lý của tiểu bang Texas tên là Henry Wade. McCorvey khiếu nại rằng một luật của Texas cấm phá thai đã có hiệu lực chống lại nguyên đơn là vi hiến vì khi ấy luật của Texas chỉ cho phép phá thai nếu cần thiết để cứu mạng sống của người phụ nữ.

    Các tiểu bang được phép được làm luật trong phạm vi rộng lớn với mục đích bảo vệ người dân, nhưng Hiến Pháp hạn chế quyền làm luật của các tiểu bang. Một trong những giới hạn ấy căn cứ trên quyền tự do của mỗi cá nhân. Trong vụ Roe chống Wade, McCorvey (Roe) đã tranh cãi rằng Hiến Pháp bảo vệ quyền tự do của mình để chọn lựa có một vụ phá thai, nằm trên quyền của tiểu bang làm luật để chống phá thai.

    Tối Cao Pháp Viện dựa trên Tu Chính Án thứ 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, điều khoản về “quyền riêng tư (right to privacy), tuyên bố rằng người phụ nữ mang thai có quyền quyết định về thai nhi trong bụng mình.

    Phán quyết ngày 22.1.1973 Tối Cao Pháp Viện Hoa kỳ về vụ Roe chống Wade với tỉ số 7-2 là một “cột mốc” đã cho quyền phá thai của phụ nữ tại Mỹ được hợp pháp hóa. Nhưng cũng từ đó, cuộc chiến tranh giữa hai phe “pro-choice” và “pro-life” đã kéo dài cho đến ngày nay, ngày càng thêm quyết liệt trên nhiều mặt trận: chính trị, tôn giáo, khoa học, trường học…

    Trên mặt trận chính trị, hàng năm vào ngày 22 tháng 1 phe pro-life đều tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng với hàng chục ngàn, có khi hàng trăm ngàn người diễn hành gọi là “March For Life” tràn ngập trước Tối Cao Pháp Viện tại Washington để phản đối và lên án việc hợp pháp hóa phá thai.

    Trong khi đó, mấy năm gần đây phe cấp tiến trong đảng Dân Chủ đã nghiêng hẳn về phía “pro-choice” với chủ trương cho phép những vụ phá thai muộn kỳ, sắp tới ngày sinh.

    Điển hình là tại Virginia, Thống đốc Ralph S. Northam, một bác sĩ phụ khoa, vào đầu năm ngoái đã ủng hộ và cổ võ cho dự luật cho phép phá thai gần ngày sinh, thậm chí sau khi đứa bé đã lọt lòng mẹ, do Nghị viên gốc Việt Kathy Trần đưa ra.

    Ông Northam đã bị chỉ trích nặng. Tổng thống Trump khi ấy đã buộc tội ông thống đốc Virginia sẽ “xử tử một em bé sau khi ra khỏi lòng mẹ”.

    Nhưng sau gần nửa thế kỷ, phần thắng đang ngả về phía “pro-life” vì theo ông Scott Walker, cựu thống đốc Wisconsin, thì “càng hiểu biết nhiều về chuyện phá thai, người ta càng ít ủng hộ việc hợp pháp hóa tội giết người”, mà theo ước tính từ ngày có phán quyết về vụ “Roe chống Wade” đến nay đã có hơn 70 triệu em bé vô tội bị tước đoạt quyền sống tại Mỹ, một quốc gia văn minh nhất thế giới.

    Ngay cả chính Norma McCorvey – tự gọi là “Roe” trong vụ án “Roe chống Wade” – cũng đã thay đổi trái tim và đầu óc một cách đáng ngạc nhiên sau vài năm thắng kiện và hưởng “quyền phá thai” của mình cùng với những phụ nữ khác. Năm 1997, Norma McCorvey lập ra “Roe No More”, một tổ chức “pro-life” và ngay cả nạp đơn tại tòa để xin… đảo ngược vụ “Roe chống Wade”, nhưng không thành công.

    Trong khi đó, vụ án “Roe chống Wade” với sự toàn thắng của “Roe” đã trở thành “cột mốc” của quyền phá thai, đã làm thay đổi bộ mặt xã hội Mỹ trong 50 năm qua với những chính trị gia đạo đức giả đầy tham vọng đã nhân danh “quyền lựa chọn” của phụ nữ, nhân danh Hiến Pháp, Luật Pháp để rao giảng những điều cao cả, thiêng liêng.

    Phá thai, một “quyền” hay một tội ác?

    Không có nhận xét nào