Header Ads

  • Breaking News

    ‘Món nợ tình xưa’ của vị giáo sư luôn gắn bó với người tị nạn và cộng đồng Việt

     “Tôi vốn là một thuyền nhân, vượt biên vào năm 1979 và ở trại tị nạn ở Indonesia trước khi sang Mỹ. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu hoàn cảnh của người tị nạn, ly hương, nên luôn chọn công việc và hoạt động gắn bó với cộng đồng người Việt xa xứ, phải chọn một nơi khác làm quê hương mình,” Giáo Sư Hoàng Thị Diệu-Hiền, hiện sống ở Seattle, Washington, tâm sự.


    ‘Món nợ tình xưa’ của vị giáo sư luôn gắn bó với người tị nạn và cộng đồng Việt

    Bằng giọng nói nhẹ nhàng, bà hồi tưởng, chậm rãi kể về những tháng ngày gian nan ở trại tị nạn Indonesia, “Thời ấy khổ lắm, chúng tôi phải tự dựng nhà. Nói ‘nhà’ cho sang, chứ thật ra chỉ là những lán trại đơn sơ, là nơi trú thân. Mình là người tị nạn, chịu cực đã đành, những thiện nguyện viên là thầy cô giáo dạy tiếng Anh đến rồi về, duy nhất chỉ có một người ở luôn trên đảo với chúng tôi.”


    Học theo tấm gương của một vị linh mục

    “Người ở luôn trên đảo với chúng tôi” là một linh mục người Ý. Như lời bà Diệu-Hiền kể, thời tiết trên đảo rất nắng và nóng, dân Châu Á chịu không nổi, vậy mà vị linh mục này vẫn kiên trì chịu đựng với những người tị nạn. Thấy ông hy sinh “đồng cam cộng khổ” cùng mình, ai cũng thương, bèn cất cho ông một cái lều trên đồi. Ở trên đồi thì không có nước, khi cần phải lội xuống suối mà lấy. Nhưng việc này ông luôn tự làm, chứ không để ai khác làm giúp.

    “Ngày ngày nhìn thấy ông mồ hôi mồ kê nhễ nhại cực nhọc vì chúng tôi, tôi tự nhủ lòng, khi nào đến được nơi định cư và có cơ hội, sẽ về phục vụ những người tị nạn, như vị linh mục đáng kính kia vậy”, bà Diệu-Hiền nói.

    Sau một năm ở trại tị nạn, bà Diệu-Hiền được vợ chồng ông bà Andy và Yến LaBelle bảo trợ để được sang Mỹ định cư, dù khi ấy bà không hề quen biết hay có quan hệ họ hàng với họ. Đó là năm 1980.

    Nơi đầu tiên của nước Mỹ mà cô gái 18 tuổi mang cái tên… “hiền như ma-sơ” đặt chân đến là Woodland, một thành phố nhỏ ở Bắc California. Khi ấy, cả thành phố chỉ có sáu người Việt.

    Năm 1985, sau khi đã ổn định được cuộc sống mới, theo đúng ý nguyện, bà Diệu-Hiền quay lại Đông Nam Á và làm tình nguyện viên tại trại tị nạn Hawkins Road Refugee Camp ở Singapore một thời gian.

    Năm 1988, bà lập gia đình và chuyển lên Olympia, Washington, sinh sống. Thời gian từ năm 1991-1992, ở tiểu bang Washington có rất nhiều người tị nạn. Lý do là vào năm 1989, phái đoàn đặc biệt của Hoa Kỳ làm việc với chính phủ Việt Nam đặt nhiều vấn đề, trong đó có thương lượng về việc Mỹ chấp nhận cho một số người Việt Nam đi định cư có trật tự để tránh tình trạng đi vượt biên mất mạng trên biển, hoặc ai sống sót phải qua xứ thứ ba. Đó là chương trình ODP.

    Lúc này vợ chồng bà Diệu-Hiền làm việc cho trung tâm tị nạn ở Olympia, một cơ quan bất vụ lợi địa phương, nhằm giúp đỡ những người tị nạn mới qua. Chồng bà Diệu-Hiền phụ trách tìm việc làm và hướng nghiệp cho những người Việt mới định cư. Bà Diệu-Hiền lúc này là điều dưỡng viên, chăm sóc bệnh nhân tại một bệnh viện trong vùng, và cùn g chồng tham gia thiện nguyện.


    Thời gian này, những người đi theo diện con lai cũng khá đông. “Vì trước khi qua Mỹ, những người này phải ở Philippines sáu tháng”, bà Diệu-Hiền kể, “Trong lúc chờ qua Mỹ, rảnh rỗi, nhiều phụ nữ bèn rủ nhau… có thai. Thế là lúc đó khá nhiều thai phụ trong đội quân những người nhập cư.


    Thấy tình cảnh của một cặp vợ chồng người Việt qua Mỹ theo diện con lai đáng thương, bà Diệu-Hiền cùng chồng nhận bảo lãnh họ. Lúc đó, cô vợ đang mang thai sắp sanh. Vợ chồng bà giúp họ làm giấy tờ tùy thân, học cách đi xe buýt, ghi danh học Anh Văn, đưa đi gặp bác sĩ, giúp tìm việc làm… Sau đó, ông bà còn giúp họ làm giấy tờ bảo lãnh gia đình ở lại Việt Nam, đi theo diện đoàn tụ.

    Vì có nhiều phụ nữ tị nạn mang thai khi qua Mỹ, nên công việc cần người giúp nhất lúc bấy giờ là hướng dẫn thai phụ và những bà mẹ có con nhỏ. Đa số họ là người trẻ khoảng đôi mươi, tiếng Anh thì biết chút chút không đủ giao tiếp, nên bà Diệu-Hiền được yêu cầu huấn luyện cho số thai phụ này, đồng thời giúp họ làm giấy tờ để được nhận trợ cấp của chính phủ. Vì thế, hai phụ người Việt, Khmer, Nam Hàn không gặp trở ngại nhiều trong thời gian chuẩn bị cũng như khi “vượt cạn” và nhanh chóng làm quen được với cuộc sống mới.

    Vợ chồng bà Diệu-Hiền tham gia giúp người tị nạn không mệt mỏi, bởi vì hình ảnh vị linh mục người Ý luôn hiện lên trong tâm trí, như nhắc nhở bà hãy nhìn theo tấm gương ấy mà làm việc giúp đỡ cộng đồng.


    Người cũ giúp đỡ người mới

    Như một chiếc cầu nối giữa người tị nạn với cộng đồng người bản xứ, bà Diệu-Hiền còn giúp những nhà bảo trợ người Mỹ da trắng tiếp xúc và hiểu hơn những người tị nạn mà họ mới bảo lãnh, cả về ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán Việt, để hai bên cùng đồng cảm, thương yêu nhau hơn.

    “Hồi đó tôi làm việc trong nhà thương, lương cao lắm, mỗi tuần tôi vẫn dành ra một ngày đi giúp người tị nạn mới sang,” bà Diệu-Hiền nói. “Nhưng vì lúc đó số người tị nạn mới định cư trong khu vực này tăng rất nhanh, một mình tôi không có thời gian để giúp hết mọi người ngoài giờ làm việc, nên tôi quyết định mở lớp huấn luyện cách dưỡng thai và chăm sóc con nhỏ cho những bà mẹ trẻ mớihttps://m.facebook.com/story.php?story_fbid=278223790784620&id=100057910033137 định cư.”

    Không những thế, bà Diệu-Hiền còn lấy thời gian nghỉ của mình để đi thông dịch và đến nhà thăm những bà mẹ mới sinh con.

    Được bà Diệu-Hiền huấn luyện chính là những người tị nạn trước đây, đã định cư và có khả năng Anh Ngữ để làm được công việc thông dịch y tế cho những người mới đến. Họ là người nói tiếng Việt, tiếng Khmer, tiếng Triều Tiên. Không có chuyện “ma mới bắt nạt ma cũ” mà những người đã định cư lâu năm, đi giúp lại cho những người “chân ướt chân ráo mới qua. Và vì được huấn luyện, nên những thiện nguyện viên này rất tự tin, làm việc hiệu quả.


    Bật khóc vì được nghe “Ly Rượu Mừng”

    Sống trên đất Mỹ, gia đình bà Diệu-Hiền, cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác, hầu như không còn được hưởng “không khí Tết” như khi còn ở trong nước. Lớn lên trong miền Nam Việt Nam, vào dịp Tết, bà Diệu-Hiền chỉ thích được nghe những bản nhạc Xuân bất hủ không thể thiếu vào những ngày đầu năm. Nhưng khi qua Mỹ, Tết Việt… không là gì cả. Nếu Tết rơi vào ngày thường thì buộc lòng phải chờ cuối tuần đó, mới được… đón Tết.

    Vào năm 1997, vào một cuối tuần trong dịp Tết Nguyên Đán, gia đình bà Diệu-Hiền có dịp lái xe từ nhà đi Seattle. Lúc đang ở Seattle Center, bà Diệu-Hiền bỗng nghe vang lên bài hát “Ly Rượu Mừng” và bật khóc giữa đường.

    “Tôi không giữ được những giọt nước mắt cứ tuôn rơi lúc nghe được bài hát nổi tiếng này của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Khi bớt xúc động, tôi thắc mắc, không hiểu sao người Mỹ lại biết bài này mà hát?” bà Diệu-Hiền kể. “Tôi liền tìm hiểu, thì biết âm nhạc phát ra từ Hội Chợ Tết do Hội Sinh Viên Việt Nam của đại học University of Washington tổ chức.”

    Sung sướng tột cùng như tìm lại được nguồn cội, nhưng mãi đến năm 2000, bà Diệu-Hiền mới có điều kiện để tham gia Hội Chợ Tết ở Seattle. Giọngbà trở nên vui lên hẳn khi nhắc đến Tết: “Hội chợ Tết vui lắm, có đốt pháo, múa lân, ca hát, đố vui để học, trẻ em thì làm thủ công, làm hoa mai, làm thiệp Tết. Vui nhất là được lì xì, dù chỉ có $1, nhưng ai cũng thích.”

    Hội chợ Tết ở Seattle thường có sự tham gia của sinh viên các trường đại học, trường Việt Ngữ, hội cao niên… Năm nào bà có thể tham gia, bà đều làm chương trình kể chuyện cổ tích Việt Nam cho trẻ em Việt Nam nghe để biết về nguồn cội, nhớ về quê cha, đất tổ.

    Chính những lúc như thế , bà nảy sinh ý tưởng phải làm một cái gì đó gắn kết những người Việt với nhau. Nghĩ nếu “hàn gắn” những người đối lập nhau về lý tưởng chính trị hay tôn giáo thì khó, bà tìm cách kết nối những người khác thế hệ. Bà tổ chức cho người trẻ và người lớn tuổi ngồi lại với nhau, kể chuyện cho nhau nghe. Người lớn thì kể chuyện đời xưa, còn người trẻ thì tâm sự cuộc sống hiện tại.


    Hình ảnh ở Hội Chợ Tết ở Seattle năm 2016. Được triển lãm tại hội chợ là bản đồ thế giới in trên vải, có các trại tị nạn, mọi người dùng sợi len màu và kim gút để đánh dấu xuất xứ của mình ở Việt Nam, trước khi đến Seattle, đã đến những nơi nào. Việc làm này khơi dậy kỷ niệm, và sau đó mọi người bắt đầu kể chuyện. (Hình: Hoàng Thị Diệu-Hiền cung cấp)

    “Chuyện kể nhau nghe”

    Bà Diệu-Hiền nói với chúng tôi: “Người già có nỗi buồn của người già, và hay ‘lên lớp’ người trẻ, còn người trẻ có những nỗi băn khoăn riêng của họ. Vì nhiều lý do, người Việt hay đả kích nhau, nhưng nếu họ có tình thương yêu lẫn nhau, họ sẽ theo được cách sống ở đây, là dù bất đồng tôn giáo hay chính trị, nhưng cứ người Việt thì đều thương yêu nhau, không khích bác nhau.”

    Bà Diệu-Hiền tự tổ chức các buổi “Chuyện kể nhau nghe” hàng tuần, mỗi tuần bà tìm một đề tài khác nhau. “Cứ sáng Thứ Bảy hàng tuần, từ 8: 45 đến 1 giờ trưa đều có khoảng 20, 30 người, lớn tuổi có, trẻ tuổi có, cùng nhau ngồi lại, kể chuyện xong thì vẽ tranh, ăn uống vui vẻ” bà Diệu-Hiền kể.

    Cứ thế, bà Diệu-Hiền và chồng hết làm việc này đến việc nọ để giúp đỡ cộng đồng người Việt. Chồng bà làm việc trong ngành giáo dục nên cũng khá bận rộn. Bà đi làm và nuôi con nhỏ, một mình không “kham” nổi công việc, nên bà lại tổ chức huấn luyện cho những bạn trẻ một số kỹ năng để phụ giúp bà một tay.


    “Tôi nghĩ, mình càng ngày càng lớn tuổi, nếu sau này hết sức, làm không nổi thì phải có thế hệ trẻ tiếp tục, giữ được hoạt động lâu dài, nên tôi huấn luyện cho lớp trẻ”, “Người trẻ ở đây là từ 18 đến 20, 30 tuổi. Người thì rành tiếng Việt, có bạn trẻ bập bẹ như người ngoại quốc nói tiếng Việt, cũng có những em tiếng Việt một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng tôi vẫn cố gắng huấn luyện và nói với họ về lịch sử Việt Nam, giải thích vì sao mình lại ở đây như thế này, và trong cộng đồng người Việt có những hoàn cảnh ra sao, để kết nối và tìm nguồn cảm thông.”

    Khi con cái đã lớn không cần phải chăm sóc, gia đình ổn định, bà Diệu-Hiền tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ lúc đã ngoài 50 tuổi. Chính chương trình “Chuyện kể nhau nghe” là đề tài cho luận án tiến sĩ mà bà hoàn tất vào cuối năm 2017 tại đại học University of Washington, ngành y tá, với chủ đề “Health Promotion” (Tăng cường sức khỏe).

    Ngành y tá ở đây, theo giải thích của bà Diệu-Hiền, không đơn thuần là làm y tá, mà là chăm sóc sức khỏe cho người có bệnh và cả người không có bệnh, cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần, không chỉ cho cá nhân mà cho cả một cộng đồng, ngắn hạn và lâu dài.

    “Người Việt mình qua đây, hay có vấn đề về sức khỏe tinh thần nên tôi chú tâm về đề tài đó,” bà Diệu-Hiền nói thêm.\


    ‘Món nợ tình xưa’ của người tị nạn

    Hiện nay bà Diệu-Hiền là giáo sư ngành y tá tại đại học Seattle Colleges.

    Hay nói mình là người “già rồi,” nhưng bà lại là một trong những thành viên rất tích cực trong những hoạt động phục vụ cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục sức khoẻ, cũng như thúc đẩy các chính sách để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

    Ngoài cộng đồng người Việt ở Seattle, Giáo Sư Diệu-Hiền còn gắn bó với những người đã cùng đi vượt biên với bà, người bảo trợ, và các bạn học chung trường thời niên thiếu ở Việt Nam. Bà rất buồn khi nghe tin ông Andy LaBelle mới vừa qua đời. Người vợ là bà Yến LaBelle hiện đang sinh sống ở Texas.

    Lâu rồi, không còn có những “làn sóng người tị nạn” như trước, nhưng mới đây, khi biết sẽ có hàng ngàn người tị nạn Afghanistan được sang Washington định cư, dù bận rộn với công việc giảng dạy, bà vẫn ghi danh làm thiện nguyện.

    Bà nói, khi đặt chân đến một vùng đất mới, ngoài nơi ăn chốn ở ổn định, chuyện lo lắng nhất vẫn là làm sao để có được giấy tờ hợp pháp, nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới, nên bà nhận công việc giúp người Afghanistan trong việc làm giấy tờ, như làm ID, thẻ an sinh xã hội, học và thi bằng lái xe, hướng dẫn cách nhận tiền trợ cấp hoặc xin việc làm.


    Bà cho biết: “Tôi muốn góp phần làm giảm đi một chút sự gian nan và nỗi khổ của những người Afghanistan đã và sắp sang định cư tại Mỹ. Mặc dù tôi không có được lợi thế về ngôn ngữ và văn hoá như năm xưa với người tị nạn là người Việt và người Á Đông, nhưng bây giờ tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.”

    Giáo Sư Hoàng Thị Diệu-Hiền cũng có kinh nghiệm của một nhà giáo dục từng hướng dẫn sinh viên làm thế nào để chăm sóc một cách có hiệu quả và thích hợp với nền văn hoá của những người không đồng ngôn ngữ, văn hoá, tín ngưỡng, hay quan niệm sống.

    “Phải bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi không nói tiếng mẹ đẻ của mình và có phong tục tập quán, nền văn hoá xa lạ, thật là khó khăn, vì thế, tôi luôn làm hết sức mình để giảm bớt nỗi khó khăn này cho người định cư – hình ảnh của tôi từ hơn 40 năm trước,” Giáo Sư Diệu-Hiền nói.

    Không có nhận xét nào