Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Đình Ngọc – Phải sống chứ không phải sẽ sống

    Người dân bắt gặp vô số những ý tưởng, những câu chữ "bóng bẩy" của nhà chức trách Việt Nam trong việc chống đại dịch virus Tàu Cộng hiện nay, thiển nghĩ không cần dẫn ra quá nhiều, như: "chống dịch như chống giặc", "không thắng không về", "mỗi phường xã là một pháo đài" v.v...

    Nguyễn Đình Ngọc – Phải sống chứ không phải sẽ sống

    Mới đây, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng nối gót sự “bóng bẩy" trên bằng phát ngôn "Mỗi trường học là một pháo đài chống dịch" [1]. Cố tật của phần lớn lãnh đạo chính quyền Việt Nam, kể từ ngày lập quốc, là luôn luôn "bóng bẩy" hóa những câu chữ đến mức lộng ngôn và ngoa ngôn mà không hề thấy tác hại của chúng gây ra cho toàn xã hội trong suốt nhiều năm qua.

    Thực tế hơn 76 năm qua tại miền Bắc Việt Nam và hơn 46 năm qua tại miền Nam Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam đang chìm lỉm trong môi trường gian dối và phóng đại mọi vấn đề.

    Ranh giới giữa tiếu lâm - hài hước và ngoa ngôn - lộng ngôn đã bị xóa nhòa. Quá trình biến cả xã hội Việt Nam trở thành "Vua Nói Dóc" trên thế giới, được khởi đầu bằng lịch sử ngụy tạo của ĐCSVN về lãnh tụ của mình, với chuyến hải hành từ chàng trai Nguyễn Tất Thành, trốn trên tàu Đô đốc Latouche-Tréville, vào cái ngày định mệnh cách đây tròn 110 năm về trước.

    Sự khác biệt của người Việt Nam trong mắt thế giới, được biến thành những bảng chữ khuyến cáo cảnh giác và cảnh cáo về thói hư tật xấu xuất hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore v.v... đã bị chê bai, lên án từ lâu. Mặc dù, người Việt Nam chưa bao giờ có tự do nói chung và tự do về quyền bầu cử - ứng cử nói riêng nhưng buộc phải chịu chung, dưới tên gọi "quốc nhục". Nhân cách người Việt Nam cũng từ đó mài mòn và tụt dốc thê thảm!

    Đứng trước đại dịch có một không hai trên thế giới trong 100 năm qua, các nhà hữu trách Việt Nam đã nhìn con virus nhỏ hơn sợi tóc đến 600 lần, như thể là vô số kẻ phản động hữu hình đang tấn công (chỉ riêng họ) từ mọi phía. Thế cho nên, họ loay hoay suốt nhiều tháng qua, với hậu quả thê thảm mà toàn dân Việt Nam đang gánh chịu và chưa thể thống kê nổi những thiệt hại vô cùng kinh khủng, từ cách chống dịch của họ, cho dù họ có thời gian hơn 1 năm để chuẩn bị và học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác!

    Cách chống dịch của giới hữu trách Việt Nam thất bại là điều mà nhiều người quan sát đã thấy từ trước, bởi vì chúng thiếu tính khoa học nhất quán, thể hiện qua những quyết định rất chủ quan, theo cách của ông Võ Nguyên Giáp từng tuyên bố [2] "Bác bảo đánh là thắng", như trang báo Nhân Dân ra ngày 29 tháng Chín năm 2009 đưa tin.

    Cách chống dịch ngày càng lạc lối hiện nay cũng xuất phát từ niềm tin chiến thắng vô cùng hãnh tiến và mù quáng, bởi chủ nghĩa Duy Tình gây ra, chỉ dựa trên một nền y tế - y học yếu kém, lạc hậu, thiếu thốn thuốc men, thiết bị y tế trầm kha từ nhiều chục năm nay, qua cuộc chống dịch virus Tàu Cộng, càng bộc lộ rõ ràng đến mức không thể phủ nhận.

    Sự "bóng bẩy" trong cách chống dịch của nhà chức trách Việt Nam không thể cải thiện tình hình dịch bịnh mà chỉ làm lòng dân ngao ngán thêm, ngay từ chiếc áo sơ mi ướt sũng mồ hôi của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, lẽ ra chỉ nên hiện diện ở giới lao động chân tay, vốn không cần đến kiến thức quản trị quốc gia và chuyên môn y khoa cho chống dịch virus Tàu Cộng. Để đối chiếu, người dân chưa hề thấy sự nhiệt tâm và lòng chan chứa yêu thương chúng dân, được biểu lộ một cách “thô” như thế ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, từ bất kỳ một nguyên thủ quốc gia nào cả.

    Hãy xét đến 2 nền tảng quan trọng nhứt của Triết Học, bao gồm: (i) Mọi sự vật/hiện tượng đều vận động. (ii) Mọi sự vật/hiện tượng đều tác động lẫn nhau và tác động đa chiều.

    Từ đó, dễ thấy những biện pháp chống dịch của nhà chức trách Việt Nam, đang nhìn mọi thứ hoàn toàn đứng yên (bóc tách F0 như cô Tấm ngồi lựa gạo lúa ra làm đôi mới được đi xem hội, cách ly triệt để bằng các công cụ trấn áp bộ đội - công an - dân phòng, cấm đoán ra đường và nhốt dân một cách thô thiển - thô bạo v.v...). Cũng từ đó, chính quyền Việt Nam đã nhìn sự vật/hiện tượng không hề tác động lẫn nhau và tác động đa chiều, mà họ đang cố tình cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa người dân với nhau, cũng như cắt rời mối liên hệ vốn không tách rời giữa Cái Riêng và Cái Chung trong xã hội, điển hình như: Đi siêu thị, đi chợ, đi xét nghiệm theo yêu cầu, giành các loại vắc-xin chích v.v... Nếu cần kể thêm, cách gọi là "đi chợ giùm" của hàng chục ngàn chú bộ đội, xuất hiện tràn lan trên các trang báo, càng khiến người dân ngao ngán, tựa như cái thời với bài hát [3] "Lê Anh Nuôi" do ca sĩ nổi tiếng - NSND Trần Hiếu trình bày, gây tiếng vang ngay từ lần xuất hiện đầu tiên, trong xã hội miền Bắc lúc bấy giờ với "quyết tâm chính trị" hào hùng một thuở. "Anh Nuôi" của bộ đội cụ Hồ một thuở hiện nay đang sống lại, trong dáng vóc thời đại internet càng khiến câu thơ: "mua vui cũng được một vài trống canh" của đại thi hào Nguyễn Du thêm mai mỉa, trong sự ê chề của dân chúng.

    Từ hai yếu tố Triết Học căn bản mà dễ hiểu nhứt như nói trên, cộng thêm:

    - Kinh tế phi thị trường (diễn đạt thành KTTTĐHXHCN)

    - Văn hóa nông nghiệp lạc hậu.

    - Chính trị độc đảng toàn trị.

    Toàn bộ 5 yếu tố quan trọng nhứt này (tức là 2 yếu tố Triết Học mang tính chi phối toàn diện và 3 yếu tố thuộc về kinh tế - chính trị - xã hội học) đã làm cho "công cuộc chống dịch như chống giặc" của nhà cầm quyền CSVN thất bại hiển nhiên như toàn dân đang chứng kiến, với lượng người chết từ đại dịch virus Tàu Cộng cao nhứt thế giới ở mức 12.138 người chết so với 486.727 số người bị coi là nhiễm, theo số liệu mới nhứt [4].

    Thất bại với cái giá quá lớn và thê thảm hiện nay cũng do bởi nhà chức trách Việt Nam không chịu và không biết nhìn nhận thấu đáo trên tổng thể toàn xã hội, vốn phải là một cơ thể sống chứ không phải một xác chết!

    Đã quá muộn để nhà cầm quyền CSVN chấm dứt những ý tưởng, những khẩu hiệu "bóng bẩy" vốn không thể giải quyết vấn đề một cách khoa học và đúng với quy luật tự nhiên cũng như quy luật xã hội.

    Con người sinh ra để sống, không phải để chuẩn bị sống - Một tư tưởng để đời trong tác phẩm Bác sĩ Zhivago của nhà văn Nga Boris Leonidovich Pasternak (1890–1960, Nobel Văn chương 1958). Vì vậy, giới hữu trách chính quyền Việt Nam hãy hiểu ra rằng, những vẽ vời, hứa hẹn, từ những quyết sách, biện pháp cho việc chống đại dịch hiện nay đều không còn phù hợp, bởi chưng điều mà toàn bộ dân chúng Việt Nam đang cần là PHẢI SỐNG chứ không phải SẼ SỐNG. Giới hữu trách Việt Nam hãy chấm dứt dùng thời tương lai trong bối cảnh hàng chục ngàn doanh nghiệp đang thoi thóp thở ôxy từng ngày...

    https://www.facebook.com/

    Không có nhận xét nào