Header Ads

  • Breaking News

    Tại sao Trung Quốc hội đàm với Taliban?

    Nguồn: Steven Lee Myers, 中国与塔利班举行会谈,推动政治解决阿富汗僵局, New York Times, 29/7/2021.

    Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

    Hôm Thứ Tư, 28/7/2021, Trung Quốc đã cung cấp cho Taliban một sân khấu công khai cao cấp, tuyên bố Taliban — tổ chức đã nhanh chóng chiếm lại phần lớn lãnh thổ Afghanistan – sẽ “phát huy tác dụng quan trọng trong giải quyết tiến trình hoà bình, hoà giải và tái thiết” nước này.

    Tại Thiên Tân, một thành phố ven biển ở Đông Bắc Trung Quốc, các quan chức nước này đã bắt đầu cuộc hội đàm hai ngày với phái đoàn các nhà lãnh đạo Taliban. Sự kiện đó đã nâng cao đáng kể địa vị quốc tế của Taliban. Trước đó, Taliban đã lợi dụng cơ hội quân đội Mỹ và NATO rút ra khỏi Afghanistan để thực hiện bước tiến quân sự vững chắc tại nước này.

    Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao, gọi Taliban là một “lực lượng quân sự và chính trị quan trọng”, nhưng ông đốc thúc lãnh đạo Taliban hãy “giương cao ngọn cờ đàm phán hoà bình”.

    Bản tuyên bố viết, ông Vương thúc giục tổ chức Taliban cố gắng cải thiện hình ảnh ngoại giao của mình, và yêu cầu họ công khai cam kết không cho phép các phần tử vũ trang lợi dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ địa để gây ra các vụ tập kích trong lãnh thổ Trung Quốc.

    Tháng vừa qua, Taliban đã tiến hành một chiến dịch ngoại giao chớp nhoáng trong khu vực. Họ tới thăm Teheran, Moskva và Ashgabat, thủ đô Turkmenistan, hội đàm với các quan chức sở tại, bởi lẽ ưu thế quân sự của họ tại Afghanistan đã được tăng cường. Các lãnh đạo khu vực đang mang lại ngày càng nhiều tính chính danh cho Taliban, nhưng Chính phủ Kabul vẫn phần lớn giữ thái độ im lặng, chuyến thăm Bắc Kinh hôm Thứ Tư cũng không phải là ngoại lệ.

    Lần này, chuyến đi Thiên Tân là một “chính biến” ngoại giao lớn nhất từ trước tới nay của Taliban.

    Trước đó, các quan chức Trung Quốc từng mấy lần gặp đại diện đặc biệt của Taliban, kể cả cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2019, nhưng cấp bậc người đại diện không cao, và cuộc gặp không công khai như lần này. Hội đàm Thiên Tân làm nổi bật vấn đề: Những kẻ từng thống trị Afghanistan và bị Mỹ lật đổ sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, đã giành được thành công to lớn như thế nào.

    Theo bản tin của Bộ Ngoại giao và của truyền thông chính thống Trung Quốc, ông Vương Nghị đã nhiệt tình hoan nghênh ông Mullah Abdul Ghani Baradar, Phó lãnh đạo Taliban, và đã chụp ảnh kỷ niệm chung với các quan chức ngoại giao Trung Quốc cùng toàn bộ 9 thành viên trong phái đoàn đại biểu Taliban.

    Cho dù là hữu ý hoặc vô ý, các biểu hiện nói trên hình thành sự so sánh rõ rệt với thái độ lạnh nhạt mà ông Vương Nghị cùng các quan chức Trung Quốc khác thể hiện trong buổi tiếp bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tại Thiên Tân.

    Barnett Rubin, cựu quan chức Chính phủ Mỹ và Cố vấn về vấn đề Afghanistan của Liên Hợp Quốc, nghiên cứu viên cấp cao Trung tâm Hợp tác quốc tế Đại học New York cho biết, cuộc hội đàm tiến hành tại Trung Quốc lần này không phải là để thể hiện sự ủng hộ Taliban, mà là để kết thúc chiến tranh một cách hoà bình.

    “[Đó là cuộc hội đàm nhằm] sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để thuyết phục Taliban không tìm kiếm thắng lợi quân sự, mà nghiêm chỉnh đàm phán, tìm kiếm phương án giải quyết chính trị có tính bao dung,” ông nói.

    Trung Quốc ngày càng quan tâm tới vận mệnh của Afghanistan. Hai nước có chung một đường biên giới rất ngắn, nằm ở đầu cuối một vùng núi hẹp có tên là Hành lang Wakhan. Trong tháng trước, lực lượng vũ trang Taliban chiếm được phần lớn tỉnh này, nơi giáp với Tân Cương, một vùng miền Tây Trung Quốc có dân cư chủ yếu là các tín đồ đạo Islam người dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Với danh nghĩa tấn công các phần tử chủ nghĩa cực đoan, Chính phủ Trung Quốc đã bắt giam mấy chục vạn dân Tân Cương.

    Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm Thứ Tư, Vương Nghị tái phê bình việc Mỹ và đồng minh NATO vội vã rút quân có thể làm cho Afghanistan lại rơi vào cảnh hỗn loạn.

    Cho dù Trung Quốc chưa tỏ thái độ rõ ràng, nhưng có vẻ như Bắc Kinh đang mưu toan làm kẻ hoà giải giữa Chính phủ Afghanistan với Taliban, khích lệ một hình thức giải quyết chính trị.

    Từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách đóng một vai trò ngoại giao lớn hơn ở Afghanistan, nhưng ảnh hưởng quá lớn của Mỹ với tư cách là kẻ lãnh đạo sứ mệnh quân sự hỗ trợ chính phủ Kabul, đã luôn làm lu mờ vai trò của Trung Quốc. Tình hình đó có thể thay đổi khi người Mỹ rút phần lớn binh lính tham chiến của họ ra khỏi Afghanistan, và Taliban dường như đang nắm thế chủ động về quân sự.

    Ngày 16/7, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói chuyện điện thoại với Tổng thống Ashraf Ghani của Afghanistan, đốc thúc Chính phủ Afghanistan tìm kiếm phương án giải quyết “do người Afghanistan chủ trì và sở hữu”.

    Mặc dù lâu nay, Trung Quốc luôn phê bình Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan, nhưng Trung Quốc cũng ỷ lại vào việc Mỹ đã giúp chế ngự một sự kiện mà Bắc Kinh cho rằng rất quan trọng đối với an ninh của mình: các phần tử cực đoan lợi dụng Afghanistan làm căn cứ địa để giành độc lập cho vùng Tân Cương. Những kẻ theo chủ nghĩa ly khai gọi Tân Cương là Đông Turkestan.

    Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, Mỹ xác định Phong trào Islam Đông Turkestan là tổ chức khủng bố, việc này một phần là để khuyến khích Trung Quốc ủng hộ “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ.

    Năm ngoái, Chính phủ Trump huỷ bỏ nhận định trên đối với Phong trào Islam Đông Turkestan, nói rằng không có chứng cớ cho thấy tổ chức này tiếp tục tấn công Mỹ. Trung Quốc tỏ ý không tán thành. Bắc Kinh tuyên bố: sự đe doạ của chủ nghĩa cực đoan Duy Ngô Nhĩ là một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc phải lập ra các trại tập trung quy mô lớn tại Tân Cương.

    Tại Afghanistan, Trung Quốc cũng có những lợi ích khác cần được bảo vệ. Họ đã đầu tư nhiều vào nước này, kể cả cam kết đầu tư 3 tỷ đô la Mỹ để khai thác mỏ đồng Aynak. Vì tình hình Afghanistan không ổn định nên nhiều vụ đầu tư vẫn ở trong trạng thái đình trệ.

    Cách đây vài tháng, các quan chức Trung Quốc cho biết, Afghanistan có thể hưởng lợi từ các dự án đầu tư phát triển của sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Sáng kiến này là một nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn cầu.

    Trước đó, Taliban nói trong một tuyên bố rằng, họ hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc. Hôm Thứ Tư, Mohammad Naeem, người phát ngôn của Văn phòng chính trị Taliban, viết trên Twitter rằng, ông cảm ơn Bắc Kinh đã gửi lời mời tham dự cuộc hội đàm tại Trung Quốc. Có vẻ như, Taliban đang cấp thiết lo giải quyết những mối quan tâm chính của Trung Quốc.

    Ông tuyên bố “Vương quốc Hồi giáo Afghanistan đảm bảo với Trung Quốc rằng, lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại an ninh của bất cứ quốc gia nào.”

    http://nghiencuuquocte.org/2021/09/05/tai-sao-trung-quoc-hoi-dam-voi-taliban/#more-41706

    Không có nhận xét nào