Header Ads

  • Breaking News

    Thuyết âm mưu gia tăng từ Congo đến Capitol

    Vào cuối tháng 7, chưa đầy một tuần sau khi chính phủ Anh dỡ bỏ hầu hết các hạn chế còn lại liên quan đến Covid-19, hàng nghìn người vẫn tụ tập tại Quảng trường Trafalgar ở London để phản đối “các vụ phong tỏa”. Trong số các diễn giả có Piers Corbyn (anh trai của một cựu lãnh đạo Đảng Lao động), Piers là người phản đối biến đổi khí hậu và cho rằng Covid-19 là một “trò lừa bịp”; David Icke tin rằng những người quyền lực nhất thế giới là những con thằn lằn bí mật; và Gillian McKeith ủng hộ việc làm sạch đại tràng và cho chế độ ăn uống tốt là đủ để ngăn chặn COVID. Một cựu y tá (bị loại khỏi ngành vì phát tán thông tin sai lệch) so sánh các nhân viên y tế phân phối vắc xin với Đức Quốc xã và đề nghị treo cổ họ.

    Thuyết âm mưu gia tăng từ Congo đến Capitol

    Những cuộc biểu tình như vậy phổ biến không chỉ ở Anh mà trên toàn thế giới. Đại dịch đã tạo ra một làn sóng thần thông tin sai lệch. Tại Pháp, một bộ phim tài liệu cáo buộc Covid-19 được giới chóp bu chính trị phát minh ra để phục vụ âm mưu áp đặt một “trật tự thế giới mới” đạt 2,5 triệu lượt xem trong ba ngày. Ở Mỹ, quan điểm cho rằng Covid là một trò lừa bịp đã lan rộng cùng với một bộ sưu tập các lý thuyết “Qanon” gây sốt, QAnon cho rằng chính phủ do một nhóm ấu dâm bí mật điều hành và Donald Trump là cứu tinh định mệnh để đánh bại nhóm này.

    Tóm lại, đây là thời kỳ hoàng kim của các thuyết âm mưu. Internet giúp cho việc truyền bá thuyết âm mưu dễ dàng hơn bao giờ hết và phổ biến ở nước nghèo cũng như ở nước giàu. Ở Nigeria, nhiều người tin rằng có người Sudan tên “Jibril” đóng thế Tổng thống Muhammadu Buhari đã qua đời trong một bệnh viện ở London vào năm 2017. Muhammadu Buhari là tổng thống năm Nigeria từ 2015. Chính phủ Narendra Modi cáo buộc Greta Thunberg tham gia âm mưu bôi nhọ trà Ấn Độ trên toàn cầu. Greta Thunberg là một nhà hoạt động khí hậu vị thành niên người Thụy Điển. Khắp Trung Đông tin rằng cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 là do hành động ném đá giấu tay của Israel (hoặc một số người Do Thái).

    Tất nhiên, nhiều người tin vào một số điều lố bịch nhưng vô hại, chẳng hạn như có những người tin rằng Elvis Presley còn sống và đang ở Kalamazoo, Michigan. Tuy nhiên, thuyết âm mưu là một cái gì đó cụ thể hơn: tin vào một kế hoạch bí mật của một vài người có quyền lực nhằm làm hại những người bình thường. Theo Quassim Cassam, Đại học Warwick ở Anh, những lý thuyết như vậy là “trước hết là những hình thức tuyên truyền chính trị”. Sức mạnh của chúng nằm ở chỗ giải thích về những người đổ lỗi cho kẻ thù về những bất hạnh của họ. Nhưng chúng thường vô nghĩa, và có xu hướng biến chính trị hợp lý thành không thể. Điều nguy hiểm là khả năng thúc đẩy người khác của chúng.

    Thuyết âm mưu đã tồn tại trong suốt lịch sử loài người. Người La Mã đội mũ thiếc đã dựng lên huyền thoại hoàng đế Nero cố ý gây ra trận hỏa hoạn lớn vào năm 64 sau Công Nguyên. Sau khi máy in được phát minh vào thế kỷ 15, một trong những cuốn sách bán chạy nhất đầu tiên là cuốn hướng dẫn thực hiện mưu chước phù thủy. Trong nhiều thế kỷ, người Do Thái đã bị buộc tội âm mưu sát hại trẻ em Cơ đốc giáo; “Các phương thức của trưởng lão Do Thái”, được giới tuyên truyền của Nga hoàng xuất bản vào những năm 1900 nhằm mở rộng phạm vi thống trị thế giới. Hội Tam Điểm, cộng sản, CIA và Liên minh châu Âu đều đóng vai trò chính trong các thuyết âm mưu.

    Để hiểu được họ làm vẩn đục chính trị ngày nay ra sao thì cần tìm hiểu Cộng hòa Dân chủ Congo. Không mấy quốc gia có việc tạo và truyền bá các thuyết âm mưu ăn sâu như vậy. Hầu như tất cả các chính trị gia, kể cả tổng thống, đều tán thành các thuyết này vào lúc này hay lúc khác. Kris Berwouts, một học giả người Bỉ, cho biết chúng “giúp tạo ra một câu chuyện để huy động người dân”. Bằng cách sử dụng thuyết âm mưu để tấn công một đám đông trên đường phố (hoặc, ở vùng nông thôn, để tấn công một bộ lạc lân cận), một chính trị gia tạo ra áp lực mà ông ta có thể sử dụng trong các cuộc đàm phán với các lãnh đạo khác.

    Tại nhà riêng ở thủ đô Kinshasa, Valentin Mubake, một chính trị gia lão thành tạo ra thuyết âm mưu phổ biến nhất. Ông ấy nói các vấn đề hiện tại của Congo bắt đầu vào giữa những năm 1990 khi Paul Kagame, hiện là tổng thống của nước láng giềng Rwanda, tổ chức một cuộc diệt chủng giả đối với người Tutsi ở Rwanda. Điều đó đã tạo vỏ bọc chính trị để ông ta tiếp quản Rwanda và sau đó xâm lược Congo vào thời điểm suy yếu nhất. Mubake nói: “Một băng mafia được lập ra để phục vụ cho việc chia cắt Congo. Tony Blair và Bill Clinton bắt tay với Kagame. Phương Tây đã chuẩn bị cho cuộc chiến của họ… và Kagame đã thực hiện công việc”. Mubake nói, mọi việc đều được “Hoa Kỳ tổ chức”. Ông ta cáo buộc Liên Hiệp Quốc đã thực hiện các vụ thảm sát và làm lây lan dịch bệnh như Ebola để nuôi dưỡng âm mưu này.

    Lịch sử Congo do ông Mubake bịa ra được nhiều người tin tưởng. Tại một cuộc họp của các nhà thơ trung lưu trẻ ở Goma, một thành phố lớn ở phía đông, phóng viên hỏi có bao nhiêu người biết một ai đó tin vào thuyết này. Mọi người trong phòng đều giơ tay. Những ý tưởng như vậy gây thiệt hại lớn. Lòng hận thù Rwanda thúc đẩy bạo lực sắc tộc, đặc biệt là với người Tutsi ở Congo. Niềm tin rằng Ebola là một âm mưu nước ngoài đã khiến dân quân xông vào các phòng khám và “giải phóng” bệnh nhân, do đó làm lây lan dịch bệnh. Nhiều người từ chối dùng vắc-xin Covid-19 vì sợ rằng chúng thuộc âm mưu này. Theo Rodriguez Katsuva, một nhà báo Congo và là đồng sáng lập Congo Check – trang web xác minh sự thật – nói rằng thuyết âm mưu “giết người theo đúng nghĩa đen”.

    Tại sao người ta tin các thuyết này? Một lý do là một số thuyết âm mưu hóa ra là có thật. Patrice Lumumba, thủ tướng đầu tiên của Congo sau khi giành được độc lập từ Bỉ vào năm 1960, đã bị những người ly khai sát hại với sự hỗ trợ của CIA và Bỉ. Ông Kagame rõ ràng không bịa ra vụ diệt chủng ở Rwanda, nhưng đã xâm lược Congo bằng cách sử dụng một tên trùm phiến quân trong nước làm bình phong. Đức Quốc xã đã tổ chức một cuộc tấn công giả (Đức dùng cờ Ba Lan tấn công vào một địa điểm ở Đức, chú thích người dịch) trước khi xâm lược Ba Lan vào năm 1939; trong những năm 1960, chính phủ Mỹ đã rêu rao âm mưu, tấn công để làm cớ xâm lược Cuba.

    Các thuyết âm mưu khác, dù là sai nhưng dựa trên những nỗi lo trong thế giới thực. Không có tình trạng ấu dâm nghiêm trọng như những người theo QAnon tin là có. Nhưng Jeffrey Epstein và Jimmy Savile, hai kẻ ấu dâm ở Mỹ và Anh có quan hệ với các chính trị gia, sống bất chấp pháp luật trong nhiều năm.

    Những nỗi sợ hãi như vậy được những người gian xảo khai thác. William Coleshill, một con buôn chính trị trẻ tuổi, đi lòng vòng London và cho phát trực tiếp cảnh quay các cuộc biểu tình (thường là nhỏ) trên một kênh YouTube có tên “Resistance GB” (Phong Trào Phản Kháng ở Anh Quốc). Ông ta cho rằng Covid-19 là một âm mưu biện minh cho chính phủ “cộng sản”. Kênh Youtube này có 48.000 người đăng ký và đang phát triển nhanh chóng đồng thời làm cho ông ta được nổi tiếng hơn một chút. Kênh Youtube này có một nút quyên góp tiền. Các con buôn chính trị khác bán hàng giả. Mạng lưới chống vắc xin trực tuyến bị Cục Báo chí Điều tra cho thấy họ hướng người dùng đến các trang web bán thuốc xịt “giải độc kim loại nặng” với giá 95 đô la và “nước biển huyết tương để uống” với giá 49,95 đô la.

    Sức hấp dẫn của các thuyết âm mưu một phần bắt nguồn từ tâm lý con người. Các nghiên cứu cho thấy người ta luôn đánh giá quá cao khả năng hiểu được các hệ thống phức tạp của họ. Họ nghĩ rằng “họ có thể giải thích khá tốt về thế giới mà họ đang sống” trong khi trên thực tế thông tin của họ khá hạn chế, hai nhà tâm lý học Leonid Rozenblit và Frank Keil phát hiện ra điều này trong một bài báo xuất bản năm 2002. Các thuyết âm mưu giúp mọi người tìm thấy ý nghĩa trong một thế giới ngẫu nhiên đầy lo lắng, trấn an họ rằng những điều tồi tệ là do mưu đồ của người xấu chứ không phải chỉ là do xui xẻo (hoặc sai lầm của chính họ).

    Nếu các quốc gia dân chủ tự do tránh được tình trạng thuyết âm mưu lan tràn như Congo, đó là nhờ các chuẩn mực và thể chế xã hội. Những kẻ truyền bá thuyết âm mưu không nhận được sự ủng hộ của giới truyền thông, các đảng phái và cuối cùng là cử tri. Tại Pháp, Jean-Luc Mélenchon, một ứng cử viên tổng thống thuộc cánh tả đã bị hầu hết các nhân vật chính trị lớn lên án vì ông ta tin rằng một nhóm tài phiệt toàn cầu đang âm mưu để cho Emmanuel Macron nắm giữ quyền lực. Tại Mỹ, Marjorie Taylor Greene, một người ủng hộ thuyết QAnon trong Quốc hội, đã bị tước quyền bổ nhiệm vào ủy ban vì cho rằng có người dàn dựng một số vụ xả súng hàng loạt.

    Nhưng những cơ chế này dường như không có hiệu quả trong thời gian gần đây. Đảng Luật pháp và Công lý của Ba Lan đã thắng vào năm 2015 trong khi tung ra giả thuyết vô căn cứ rằng Nga đứng sau vụ tai nạn máy bay khiến tổng thống Ba Lan thiệt mạng vào năm 2010. Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sau khi rêu rao rằng giấy khai sinh của Barack Obama là giả. Rất lâu trước khi ông Trump tuyên bố cuộc bầu cử năm 2020 bị gian lận, ông đã tuyên bố tương tự về cuộc bầu cử sơ bộ mà ông đã thua vào năm 2016, và giành được lòng trung thành của những người Cộng hòa đang cảm thấy bị các con buôn quyền lực trong đảng phớt lờ.

    Thật vậy, giới tinh hoa của Đảng Cộng hòa rõ ràng không thực thi các quy chuẩn chống lại thói xấu này. Vào tháng 2, Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện, đã gọi các thuyết âm mưu là “căn bệnh ung thư” của đảng Cộng Hoà. Nhưng ông vẫn bỏ phiếu trắng án cho ông Trump vì đã sử dụng thuyết âm mưu để kích động bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1. Năm 2016, ông Ted Cruz, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, đã tố cáo ông Trump vì đã tuyên bố vô căn cứ rằng ông không phải là công dân Mỹ; năm 2020, ông Cruz ủng hộ cáo buộc của ông Trump về cuộc bầu cử tổng thống đã bị đánh cắp. Điều đó có thể là do rất nhiều đảng viên cấp thấp trong Đảng Cộng hòa tin vào chuyện ông Trump kể hơn là thực tế. Có 45 người tin vào thuyết QAnon trong kỳ tranh cử vào Quốc hội vào năm 2022.

    Không thể áp đặt sự thật

    Làm thế nào để phá các thuyết âm mưu? Nhiều người tìm đến các công ty công nghệ. Bắt đầu từ năm 2019, Facebook đã giới hạn số người mà người dùng có thể đồng thời chuyển tiếp một tin nhắn trên Whatsapp tới năm người. Mục đích là để làm giảm sự lan truyền của các thuyết âm mưu trên nền tảng này, đây hiện một vấn đề lớn ở Ấn Độ. Trên Facebook có 15.000 người kiểm duyệt để gỡ bỏ thông tin sai lệch. Vào tháng Giêng, Twitter đã đình chỉ 70.000 tài khoản liên kết với QAnon. Cả hai nền tảng đều cố gắng đình chỉ những người liên tục phổ biến những thông tin sai lệch có hại hoặc ít nhất là ngăn họ thu lợi. Vào năm 2019, YouTube đã chặn không cho những người truyền bá thông tin sai lệch về vắc xin nhận tiền quảng cáo.

    Một phương pháp khác là lật tẩy các thuyết này như Katsuva làm tại Congo Check. Ông thành lập tổ chức này vào năm 2018 cùng với hai nhà báo địa phương khác, vào thời điểm các vụ thảm sát đang diễn ra ở đông bắc Congo trong bối cảnh thông tin sai lệch về dịch Ebola bùng phát rộng rãi. Theo Phòng Thí Nghiệm Báo Chí của Đại học Duke, số lượng các trang web xác minh tính xác thực như vậy trên toàn thế giới đã tăng từ 145 trong năm 2016 lên 341 trong năm nay. Tuy nhiên, các trang web kiểm tra dữ kiện có xu hướng thu hút được ít độc giả hơn so với các trang truyền bá các thuyết âm mưu.

    Cuối cùng, người ta tin vào các thuyết âm mưu khi họ mất lòng tin vào nhà chức trách. Để chống lại thuyết âm mưu, các chính trị gia không có lựa chọn nào ngoài việc phải minh bạch và làm việc có hiệu quả cao. Ba thế kỷ trước, Jonathan Swift đã viết rằng “sự giả dối bay nhanh, và sự thật lết theo sau; vì vậy khi đến phải tỉnh ngộ thì đã quá muộn; trò đùa đã kết thúc, và câu chuyện đã đạt được tác dụng. “Ngay cả những chính phủ tốt nhất cũng có thể không đánh bại được các thuyết âm mưu. Nhưng họ có thể cố gắng giảm thiểu tác động của chúng.”

    Không có nhận xét nào