Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 06 tháng 9 năm 2021

    Việc Trung Quốc yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải báo cáo khi thực hiện việc qua lại vô hại trên vùng Biển Đông “có dấu hiệu trực tiếp đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế” và có khả năng dẫn đến “xung đột”. Trên đây là lời cảnh báo mới nhất ngày 03/09/2021 của phó đô đốc Michael McAllister, tư lệnh lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ đặc trách vùng Thái Bình Dương.

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 06 tháng 9 năm 2021

    Theo báo chí Philippines, phát biểu với các phóng viên trong khuôn khổ diễn đàn Truyền Thông Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Media Hub) được tổ chức trực tuyến, vị tư lệnh Tuần Duyên Mỹ đã lên tiếng đả kích các quy định hàng hải mới của Bắc Kinh, buộc tàu quân sự nước ngoài phải báo cáo với Trung Quốc về các chuyến qua lại vô hại khi đi qua Biển Đông.

    Đối với phó đô đốc McAllister, quy định mới của Bắc Kinh trái ngược hẳn với các thỏa thuận và chuẩn mực quốc tế đã được công nhận từ trước đến nay. Theo ông, đây là một điều “rất đáng quan ngại” vì một khi được thực thi, các quy định đó “đặt ra nền móng cho tình trạng bất ổn và khả năng bùng nổ xung đột”.

    Tuyên bố trên đây là phản ứng mới nhất của Hoa Kỳ sau khi Cục An Toàn Hàng Hải Trung Quốc thông báo là các tàu nước ngoài đi vào "lãnh hải Trung Quốc" sẽ phải báo cáo một loạt thông tin. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết thêm là các quy định mới được áp dụng từ ngày 01/09 tại “Biển Đông, Biển Hoa Đông và các đảo, đá ngầm khác nhau nằm rải rác trên các vùng biển” thuộc chủ quyền Trung Quốc.

    Ngay khi có tin về việc Trung Quốc bắt đầu áp dụng các quy định này, một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ đã cho rằng luật mới của Trung Quốc là “mối đe dọa nghiêm trọng” cho quyền tự do hàng hải và thương mại. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nhắc lại đối với Washington, các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông đều phi pháp, và Mỹ tiếp tục sát cánh cùng đồng minh và đối tác để chống lại các yêu sách đó của Trung Quốc.

    Về phần phó đô đốc McAllister, ông cũng khẳng định lực lượng Tuần Duyên Mỹ đang ở trong khu vực để hỗ trợ các đối tác chính, vốn đang ngày càng lo ngại về các hành động gây hấn và cưỡng ép của Trung Quốc, cũng như giúp đỡ các đối tác tăng cường năng lực đối phó với các hành động đó.

    Miến Điện chấp nhận lời kêu gọi ngưng bắn của ASEAN


    Reuters hôm nay, 06/09/2021, dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Kyodo của Nhật cho biết các tướng lãnh Miến Điện đã chấp nhận lời kêu gọi ngưng bắn của ASEAN cho đến cuối năm 2021 để có thể phân phối viện trợ nhân đạo.

    Theo Kyodo, ông Erywan Yusof, đặc phái viên của ASEAN, đã đưa ra đề nghị trên với ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin trong một cuộc họp video, và đã được quân đội Miến Điện chấp nhận.

    Ông Erywan tuyên bố : « Đó không phải là cuộc ngưng bắn mang tính chính trị, mà nhằm bảo đảm an toàn cho các nhà hoạt động nhân đạo » trong nỗ lực phân phối viện trợ. Ông cho biết cũng đã gián tiếp chuyển đề xuất này cho các bên chống lại chính quyền quân sự.

    Tuy nhiên, trả lời Reuters, nhà hoạt động dân chủ Thinzar Shun Lei Yi không tin tập đoàn quân sự sẽ giữ lời, bởi vì « ngưng bắn chỉ giúp giới quân sự có thời gian để nạp thêm đạn dược ». Maw Htun Aung, một thứ trưởng trong Chính phủ Đoàn kết Dân tộc của phe đối lập cho rằng ASEAN cần nói với tập đoàn quân sự nên chấm dứt việc « sát hại và khủng bố » người dân.

    Trả lời phỏng vấn Reuters hôm thứ Bảy 04/09, ông Erywan cho biết vẫn đang thương lượng với quân đội về một chuyến thăm trước cuối tháng 10, và trong chuyến đi đó, ông muốn gặp bà Aung San Suu Kyi. ASEAN mong muốn « tất cả các bên ngưng mọi bạo lực, đặc biệt những gì liên quan đến các hoạt động viện trợ nhân đạo ». ASEAN và các đối tác tham gia đối thoại cam kết viện trợ 8 triệu đô la cho Miến Điện.

    Sau vụ đảo chính hồi tháng 02/2021, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vẫn cố gắng chấm dứt bạo lực đã làm hàng trăm người chết tại Miến Điện, thúc đẩy đối thoại giữa các lãnh đạo quân sự và phe đối lập.

    Tiếp tục xét xử Aung San Suu Kyi

    Phiên tòa xét xử bà Aung San Suu Kyi sẽ nối lại vào tuần này, sau khi bị đình chỉ vì số ca nhiễm covid tăng cao trong tháng 7. Là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho đến khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng 2, bà Suu Kyi bị buộc 11 tội danh, từ vi phạm quy định phòng chống covid cho đến tham nhũng. Nếu bị kết án, người phụ nữ 76 tuổi sẽ có thể đối mặt tới 75 năm tù.

    Dĩ nhiên các cáo buộc này mang động cơ chính trị. Chính quyền quân sự dường như muốn hủy hoại danh tiếng của bà Suu Kyi và giải tán đảng chính trị của bà trước khi bước vào cuộc bầu cử năm 2023. Nếu bầu cử được tiến hành công bằng – điều có vẻ khó xảy ra – thì triển vọng của đảng quân đội sẽ không sáng sủa lắm. Liên Hợp Quốc nói quân đội đang phải đối phó cả bất ổn dân sự lẫn các lực lượng dân quân vũ trang trên khắp đất nước, và có thể đã phạm tội ác chống lại loài người. Kể từ cuộc đảo chính đã có hơn 1.000 dân thường thiệt mạng; và hàng nghìn người khác bị bỏ tù. Gần 560.000 người Myanmar cũng bị di dời nơi ở.

    Sắp kỉ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9

    Hai mươi năm trước trong tuần này, những kẻ khủng bố al-Qaeda đã chiếm quyền kiểm soát và cho đâm 4 máy bay của Mỹ, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Thảm kịch đó đã thay đổi hoàn toàn nước Mỹ, các đồng minh và Trung Đông. Nó dẫn đến chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, trong đó cuộc chiến Afghanistan chỉ mới kết thúc vào tuần trước.

    Tổng thống Joe Biden sẽ đến thăm các địa điểm xảy ra vụ tấn công vào thứ Bảy này: Ground Zero ở hạ Manhattan, nơi từng có hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới; Lầu Năm Góc; và Shanksville, Pennsylvania, nơi một chiếc máy bay vốn nhắm vào Điện Capitol lao xuống. Khoảng 1.800 người sống sót và người thân của họ đã cáo buộc ông Biden nuốt lời không công bố kết quả điều tra của chính phủ, mà họ cho rằng có thể tiết lộ Ả Rập Saudi đồng lõa. (Hầu hết những kẻ khủng bố là người Ả Rập Saudi, song vương quốc này phủ nhận có liên quan.) Mới thứ Sáu tuần trước ông Biden đã ra lệnh xem xét và giải mật các tài liệu đó trong vòng sáu tháng. Giờ đây ông muốn tập trung vào việc tưởng niệm những người đã mất.

    Nghiên cứu ứng dụng protein côn trùng trong chăn nuôi

    Kể từ ngày mai EU sẽ cho phép đưa protein côn trùng vào thức ăn cho gà và lợn. Đây là một tin rất tốt cho ngành công nghiệp côn trùng, vốn muốn cung cấp một giải pháp thay thế cho các loại protein như bã đậu nành và bột cá, trong đó cả hai đều gây hại cho môi trường.

    Cho đến nay thức ăn cho gia cầm và lợn vẫn là thị trường thức ăn chăn nuôi lớn nhất, song cũng cạnh tranh nhất. Vì protein côn trùng đắt hơn bột cá – và hơn nhiều so với bã đậu nành – người bán sẽ phải rất nỗ lực thuyết phục người mua. May mắn cho họ là các nghiên cứu cho thấy protein côn trùng giúp mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng và hệ thống miễn dịch của động vật cũng như làm no bụng chúng.

    Ngoài ra cũng có thể mở rộng quy mô sản xuất. Rabobank, một ngân hàng đầu tư nông nghiệp, dự đoán sản lượng côn trùng sẽ đạt 500.000 tấn một năm vào năm 2030, tăng từ mức chỉ 10.000 tấn hiện tại, và do đó sẽ giúp kéo giảm giá.

    Hôm nay kết thúc chương trình trợ cấp thất nghiệp liên bang Mỹ

    Khi sa thải tăng cao trong đại dịch, Quốc hội Mỹ đã hào phóng khác thường khi tăng mức trợ cấp thất nghiệp bang lên 600 đô la một tuần (sau đó giảm xuống còn 300 đô la), kéo dài thời hạn và hỗ trợ cho cả lao động tự do. Cứ 4 công nhân thì có 1 người được hưởng lợi từ số tiền 794 tỷ đô la được phân phát. Nhiều người thậm chí còn khá giả hơn so với khi đi làm. Tuy nhiên hôm nay chương trình đó sẽ kết thúc, khi khoảng 7,5 triệu người mất đi một phần hoặc toàn bộ trợ cấp.

    Phe cấp tiến muốn Tổng thống Joe Biden gia hạn chương trình. Trong khi đó phe bảo thủ nói chương trình khiến người ta không đi tìm việc. 26 bang, chủ yếu do Đảng Cộng hòa lãnh đạo, đã ngừng các khoản thanh toán tăng cường từ mùa hè. Nó không tác động nhiều lên số lượng việc làm.

    Dù tuyển dụng yếu đi trong tháng 8, thị trường lao động Mỹ vẫn cải thiện đáng kể so với giai đoạn đỉnh dịch. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 14,8% vào tháng 4 năm 2020 xuống 5,2% trong tháng trước. Song vẫn còn 6 triệu người Mỹ chưa tìm lại được việc làm.

    Ông Blinken và ông Austin thăm Vùng Vịnh để giải quyết căng thẳng sau hỗn loạn tại Afghanistan


    Các quan chức hàng đầu của Mỹ sẽ xem cuộc chiến thất bại ở Afghanistan có thể định hình lại các mối quan hệ của Mỹ ở Trung Đông như thế nào khi họ gặp các đồng minh quan trọng ở Vịnh Ba Tư và châu Âu trong tuần này, trang Epoch Times cho hay.

    Theo Hãng tin AFP, Ngoại trưởng Blinken sẽ đến Qatar trong ngày 6 và ngày 7/9. Sau đó, ông Blinken sẽ tới Đức và đến thăm căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở nước này.

    Ngũ Giác Đài cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin bắt đầu chuyến công du từ ngày 5/9. Điểm đến đầu tiên cũng là Qatar. Ngoài ra, ông Austin cũng sẽ thăm các nước như Bahrain, Kuwait và Saudi Arabia – những đồng minh quân sự của Mỹ tại vùng Vịnh.

    Hai quan chức của Mỹ sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các mối đe dọa cực đoan ở Afghanistan.

    Các chuyến đi ông Austin và Ngoại trưởng Blinken nhằm trấn an các đồng minh vùng Vịnh rằng quyết định chấm dứt cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan để tập trung hơn vào các thách thức an ninh khác như Trung Quốc và Nga không phải là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ từ bỏ các đối tác ở Trung Đông. Quân đội Hoa Kỳ đã hiện diện ở Vùng Vịnh trong nhiều thập niên, bao gồm cả trụ sở Hạm đội 5 của Hải quân ở Bahrain.

    Ông Blinken đi đến Qatar, sau đó sẽ dừng lại ở Đức để nắm được tình hình những người Afghanistan được sơ tán tại căn cứ không quân Ramstein. Tại đây, ông sẽ tham gia một cuộc họp trực tuyến với các đối tác từ 20 quốc gia để thảo luận về tình hình Afghanistan.

    Người phát ngôn Ned Price cho biết: “Ngoại trưởng sẽ chuyển lời cảm ơn của Hoa Kỳ tới chính phủ Đức vì đã là đối tác vô giá ở Afghanistan trong 20 năm qua và sự hợp tác của Đức trong các hoạt động sơ tán người dân ra khỏi Afghanistan”.

    Trong thời gian dừng chân ở Bahrain, ông Austin có kế hoạch nói chuyện với những người lính thủy quân lục chiến đã dành nhiều tuần ở sân bay Kabul để thực hiện một cuộc di tản nguy hiểm.

    Người đứng đầu Ngũ Giác Đài cũng có kế hoạch thăm Kuwait và Ả Rập Xê-út và gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao trong khu vực.

    Hoàng gia Anh giận dữ vì lộ kế hoạch khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời


    Kế hoạch mật tổ chức tang lễ khi Nữ hoàng Elizabeth qua đời bị rò rỉ bởi truyền thông, khiến Hoàng gia Anh giận dữ mở cuộc điều tra.

    Một tài liệu mật của hoàng gia Anh đã được trang tin chính trị Mỹ Politico công bố đầy đủ vào ngày 3/9, nêu chi tiết kế hoạch hành động trong trường hợp Nữ hoàng Elizabeth II qua đời.

    Trang tin chính trị Politico của Mỹ đã có được tài liệu mật “Cầu London” (London Bridge), biết được tình hình bố trí truyền thông, quy trình tang lễ, quốc tang và kế hoạch kế vị của Thái tử Charles, trong trường hợp Nữ hoàng Elizabeth II qua đời.

    Theo kế hoạch này, tang lễ của Nữ hoàng sẽ diễn ra trong 10 ngày và linh cữu của bà sẽ được đặt ở nơi tổ chức lễ tang ba ngày, cho phép công chúng tới viếng.

    Thủ tướng Anh sẽ phát biểu trực tiếp trên truyền hình toàn quốc và gửi lời tưởng nhớ đầu tiên tới Nữ hoàng. Sau đó, nghi thức bắn đại bác tiễn đưa sẽ được tiến hành trên khắp đất nước.

    Kế hoạch còn tiết lộ chi tiết cách thức người kế nhiệm ngai vàng là Thái tử Charles lên nắm quyền cũng như kế hoạch công du khắp Vương quốc Anh của ông sau khi tang lễ của Nữ hoàng hoàn tất.

    Kế hoạch này từng được tiết lộ lần đầu tiên vào năm 2017 bởi trang Guardian (Anh) và kể từ đó đã được sửa đổi nhiều lần.

    Tờ Daily Mail của Anh cũng cho biết, điều khiến Chính phủ Anh lúng túng nhất là kế hoạch lên ngôi của Thái tử Anh được bảo mật nghiêm ngặt trong “kế hoạch Thủy triều xuân” (Operation Spring Tide) cũng đã bị rò rỉ. Tuy nhiên, vụ rò rỉ không bao gồm chi tiết lễ đăng quang.

    Truyền thông Anh cũng đưa tin có thể Chính phủ Anh sẽ mở một cuộc điều tra về vụ rò rỉ, Hoàng gia rất tức giận vì vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm và cực kỳ riêng tư, chỉ một số quan chức chính phủ và phóng viên chuyên nghiệp biết về tài liệu mật của Hoàng gia. Một nguồn tin từ Hoàng gia cho biết đây không chỉ là chuyện rất riêng tư đối với Nữ hoàng mà vấn đề đáng lo ngại hơn là chuyện rủi ro bảo mật.

    Trong khi nhiều độc giả cũng không hài lòng rằng bây giờ nói về tang lễ của Nữ hoàng là không phù hợp. Chuyên gia về Hoàng gia Anh là Angela Levin nói: “Tôi nghĩ việc công bố kế hoạch tuyệt mật cho lễ tang của Nữ hoàng là khủng khiếp và tàn nhẫn. Đạo đức của chúng ta ở đâu?”

    Cung điện Buckingham từ chối bình luận, nhưng các nguồn tin từ Hoàng gia cho biết việc để lộ những thông tin nhạy cảm này đã bị “lên án rộng rãi”.

    Giáo hoàng hy vọng nhiều quốc gia tiếp nhận người tị nạn Afghanistan


    Giáo hoàng Francis hôm 5/9 nói rằng ông cầu nguyện để nhiều quốc gia tiếp nhận người tị nạn Afghanistan và nói rằng điều cần thiết là những người Afghanistan trẻ tuổi phải được giáo dục.

    Reuters nhận định rằng việc nhắc tới giáo dục này rõ ràng ám chỉ tới các hạn chế trong quá khứ của Taliban đối với việc học hành của thiếu nữ Afghanistan.

    "Trong những thời khắc biến động này, khi mà những người Afghanistan mưu tìm tị nạn, tôi cầu nguyện cho những người dễ bị tổn thương nhất trong số họ", Giáo hoàng Francis nói với hàng trăm người tại Quảng trường Thánh Peter trong thánh lễ hàng tuần.

    "Tôi cầu nguyện rằng nhiều quốc gia chào đón họ và bảo vệ những người đang tìm kiếm một cuộc sống mới”.

    Giáo hoàng là người ủng hộ mạnh mẽ quyền của người tị nạn và người di cư.

    Hàng nghìn người Afghanistan được Mỹ sơ tán đang chờ đợi ở những nơi được gọi là trung tâm trung chuyển ở các nước như Qatar, Đức và Ý.

    Hàng nghìn người khác đang tìm cách rời Afghanistan qua các chốt biên giới trên bộ với các nước láng giềng như Pakistan.

    "Tôi cũng cầu nguyện cho những người phải dời cư trong nước để họ có được sự giúp đỡ và sự bảo vệ cần thiết. Cầu mong những người Afghanistan trẻ tuổi được học hành, vì đó là điều cần thiết cho sự phát triển của con người", Giáo hoàng Francis nói.

    Lần cuối cùng Taliban cầm quyền ở Afghanistan, phụ nữ không được phép đi làm và trẻ em gái không được đi học.

    Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác chống biến đổi khí hậu


    Phó Tổng thống Kamala Harris gặp các đại diện xã hội dân sự ở Việt Nam, trong đó có người hoạt động về biến đổi khí hậu.

    Hoa Kỳ và Việt Nam mới đây đã đạt đồng thuận về việc hợp tác chống biến đổi khí hậu và hướng tới năng lượng sạch.

    Theo Nhà Trắng, trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng Tám, Phó Tổng thống Harris và các nhà lãnh đạo của chính phủ và xã hội dân sự Việt Nam “đã nhất trí về tầm quan trọng của việc chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch”.

    Tin cho hay, một trong các hành động cụ thể là “tận dụng vai trò của lĩnh vực tư nhân trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

    Thông cáo của Nhà Trắng nói rằng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký Bản Ghi nhớ (MOU) về nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ tăng cường chính sách môi trường của Việt Nam.

    Bản ghi nhớ này được cho là “sẽ giúp cải thiện nỗ lực trọng tâm của VCCI về tính bền vững, công nghệ xanh và biến đổi khí hậu” và rằng “USAID cũng dự định hỗ trợ VCCI xây dựng Chỉ số Xanh nhằm giúp các doanh nghiệp của Hoa Kỳ trong việc chọn ra các tỉnh/ thành đang đầu tư vào hoạt động xanh”.

    Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ cho biết đã công bố dự án “Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II (V-LEEP II)”, một dự án 5 năm do USAID tài trợ với ngân sách 36 triệu đô la nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một hệ thống năng lượng sạch, đảm bảo và theo định hướng thị trường.

    “Dự án sẽ hỗ trợ cải thiện công tác quy hoạch năng lượng của chính phủ, nâng cao tính cạnh tranh để khuyến khích khu vực tư nhân của Hoa Kỳ tham gia cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời gia tăng số lượng các hệ thống năng lượng sạch. Dự án sẽ giúp Việt Nam mở rộng quy mô sử dụng xe máy điện và triển khai cơ chế Hợp đồng Mua bán Điện Trực tiếp (DPPA), qua đó cho phép doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo”, theo thông báo của Nhà Trắng.

    Phát biểu trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 26/8, bà Harris cho biết rằng phía Hoa Kỳ đã “công bố các sáng kiến giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số hơn và nó sẽ giúp phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ và người dân tộc thiểu số làm chủ”.

    Bà nói thêm: “Là một phần của quan hệ đối tác kinh tế, chúng tôi cũng đã đạt được các thỏa thuận về tầm quan trọng của việc giải quyết khủng hoảng khí hậu và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch. Ngoài các cuộc trò chuyện rộng rãi mà tôi đã có với các nhà lãnh đạo của chính phủ Việt Nam, tôi cũng đã có các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo trẻ đang làm việc trong cộng đồng về chính vấn đề này”.

    Ngoài các bước đi trên, theo Nhà Trắng, chính phủ Hoa Kỳ đã khởi động dự án kéo dài 3 năm có tên gọi “Bảo tồn Biển đồng bằng sông Cửu Long” với ngân sách 2,9 triệu đôla do Hiệp hội quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) triển khai.

    “Cùng nhau và cùng với các đối tác toàn cầu, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể giải quyết những thách thức chung về khí hậu và tạo ra các giải pháp sáng tạo nhằm cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới”, thông báo của Nhà Trắng có đoạn.

    Hồi tháng Ba, một đại diện của Hoa Kỳ vừa đưa ra cam kết sẽ tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, trang tin của chính phủ Việt Nam cho biết.

    Cam kết của Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về vấn đề biến đổi khí hậu, John Kerry, được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Việt Nam khi đó là Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.

    Tại cuộc họp, phía Việt Nam hoan nghênh động thái tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của chính quyền Biden, đồng thời đề cập đến việc Việt Nam là một trong 7 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và luôn nỗ lực hợp tác với Mỹ và các nước để giải quyết các thách thức trên, theo trang tin của chính phủ Việt Nam.

    Không có nhận xét nào