Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 27 tháng 9 năm 2021

    Cuộc bầu cử Đức kết thúc với hai đảng lớn nhất mỗi bên thắng 25%. Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu của thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel, hiện do Armin Laschet lãnh đạo, cùng đồng minh CSU bị Đảng Dân chủ Xã hội trung tả, do Olaf Scholz lãnh đạo, dẫn trước sít sao. Bà Merkel sẽ tiếp tục nắm quyền trong vài tuần hoặc vài tháng khi các bên đàm phán liên minh.

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 27 tháng 9 năm 2021

    Lãnh đạo của cả CDU và SPD đều tuyên bố sẽ đàm phán với đảng Xanh (khoảng 15% phiếu) và đảng Dân chủ Tự do ủng hộ giới kinh doanh (khoảng 12%). Ông Laschet có thể lãnh đạo một liên minh “Jamaica” hoặc ông Scholz lãnh đạo liên minh “đèn giao thông” (bắt nguồn từ màu của các đảng). Cả hai mô hình này đều đủ đa số. Có thể có một liên minh cánh tả bao gồm SPD, Đảng Xanh và Die Linke cực tả; các dự đoán hiện tại cho thấy liên minh này chưa đạt được đa số, nhưng nó vẫn có thể trở thành hiện thực.

    Biến đổi khí hậu chiếm sóng Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc

    Biến đổi khí hậu là một chủ đề lớn Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, với các nước liên tục cam kết và khẩn cầu. Tổng thống Joe Biden hứa sẽ tăng gấp đôi tài trợ chống biến đổi khí hậu của Mỹ cho các nước đang phát triển. Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ ngừng cấp vốn cho các dự án điện than ở nước ngoài. Thủ tướng Anh Boris Johnson, người sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow vào tháng 11 tới, cũng kêu gọi các cam kết táo bạo.

    Tương tự là các nước nhỏ. “Chỉ cần tăng từ 1,5° lên 2° là coi như khép án tử hình đối với Maldives,” tổng thống nước này nói. Các lãnh đạo khác của Liên minh Các Quốc đảo Nhỏ cũng kêu gọi các nước phát thải lớn chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vào năm 2023.

    Giờ đây mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào COP26.

    Nhiều người Mỹ từ chối vắc-xin vì lý do tôn giáo

    Từ thứ Hai, bang New York sẽ yêu cầu nhân viên bệnh viện và nhà dưỡng lão phải chủng ngừa covid-19. Hàng ngàn người từ chối sẽ bị sa thải. Với dự đoán sẽ thiếu nhân sự, thống đốc mới Kathy Hochul có thể sẽ nhập khẩu nhân công đã tiêm phòng từ các bang khác. Nhưng những người từ chối tiêm vì lý do tôn giáo vẫn giữ được công việc: họ đã kiện các quan chức nhà nước, và một tòa án cho biết họ không cần tuân thủ yêu cầu tiêm vắc xin trong khi tòa đang thụ án.

    Khi ngày càng có nhiều lệnh tiêm vắc-xin, người ta lại càng muốn được hưởng miễn trừ vì lý do tôn giáo. Họ trích dẫn kinh thánh rằng “cơ thể bạn là một ngôi đền” và không muốn làm ô nhiễm nó. Ngoài ra họ cũng phản đối việc vắc-xin được phát triển bằng cách sử dụng các dòng tế bào từ mô bào thai đã phá.

    Theo luật chống phân biệt đối xử, các công ty phải “bố trí hợp lý” cho những nhân viên có niềm tin “chân thành” trừ khi điều đó gây ra “khó khăn quá mức” cho doanh nghiệp. Ví dụ, họ có thể cho phép những người từ chối vắc-xin làm việc từ xa. Song sẽ còn nhiều bất đồng giữa các công ty và nhân viên trước tòa, và các thẩm phán sẽ phải quyết định xem điều gì được coi là hợp lý.

    Sri Lanka có nguy cơ bị EU cắt ưu đãi xuất khẩu

    Sri Lanka đối mặt một mối đe dọa kinh tế mới trong tuần này. Một cuộc điều tra của EU, bắt đầu vào thứ Hai, có thể cắt giảm khả năng tiếp cận ưu đãi của nước này vào các thị trường EU. Sri Lanka hiện đang hưởng lợi từ một hệ thống xóa bỏ thuế nhập khẩu cho các nền kinh tế đang phát triển dễ bị tổn thương, miễn là tuân theo các điều khoản quản trị tốt.

    Hồi tháng 6, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết trong đó cho biết quyền tiếp cận ưu đãi của Sri Lanka phụ thuộc vào việc nước này bỏ luật chống khủng bố gây tranh cãi và tuân thủ các công ước quốc tế về nhân quyền. Nghị viện Châu Âu bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về nhân quyền ở nước này.

    Ngành may mặc chịu nhiều rủi ro nhất. Lĩnh vực này chiếm hơn một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Sri Lanka. Và châu Âu là thị trường quan trọng nhất: riêng Bỉ, Đức, Ý và Hà Lan chiếm khoảng 16% xuất khẩu của Sri Lanka. Trước đó, sụt giảm doanh thu du lịch do đại dịch đã đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế.

    WHO lập nhóm mới điều tra nguồn gốc COVID-19


    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nối lại cuộc điều tra về nguồn gốc của virus Covid-19, trong bối cảnh các quan chức cảnh báo thời gian để xác định đại dịch bắt đầu như thế nào không còn nhiều.

    Tạp chí Phố Wall ngày 26/9 đưa tin, một nhóm điều tra mới gồm khoảng 20 nhà khoa học — bao gồm các chuyên gia về an toàn sinh học và an toàn trong phòng thí nghiệm, các nhà di truyền học và các chuyên gia về bệnh động vật nắm rõ cách thức virus lây lan từ tự nhiên — đang được tập hợp để tìm kiếm những bằng chứng mới về COVID-19 ở Trung Quốc và các nơi khác.

    Washington và các đồng minh đã thúc giục WHO thúc đẩy cuộc điều tra. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối và cho rằng bất kỳ cuộc điều tra mới nào cũng nên tập trung vào các quốc gia khác, trong đó có cả Hoa Kỳ.

    Theo các quan chức WHO, các nhà khoa học dự kiến sẽ điều tra liệu virus Covid-19 có xuất phát từ phòng thí nghiệm hay không.

    WHO nói thêm rằng cuộc điều tra mới sẽ tạo điều kiện để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân sâu xa phát sinh virus corona chủng mới. Ngoài ra, theo tổ chức này, nếu khai triển công tác nghiên cứu tương ứng muộn hơn, thì các mẫu máu của những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên có thể không sử dụng được.

    Cuộc điều tra mới diễn ra vài tháng sau khi WHO cử các nhà khoa học đến thăm thành phố Vũ Hán, Trung Quốc – nơi bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 12/2019. Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu cho biết dữ liệu do các nhà khoa học Trung Quốc cung cấp trong chuyến công tác không đủ để trả lời các câu hỏi quan trọng về thời gian, địa điểm và cách virus bắt đầu lây lan.

    Các quan chức chính quyền Biden, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, đã thúc giục Tổng giám đốc WHO gia hạn cuộc điều tra, và cho phép ít nhất một người Mỹ sẽ tham gia cùng.

    Chuyên gia chỉ ra Đài Loan đã trở thành ‘đồng đội thân thiết’ của Mỹ


    Các nhà phân tích cho rằng hòa bình và an ninh ở eo biển Đài Loan đã trở thành ưu tiên lớn hơn trong chương trình nghị sự của Washington, nâng Đài Loan từ một “đồng đội vô hình” thành một “đồng đội thân thiết”, do mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh, trang Taiwan News cho hay.

    Trong một chương trình gần đây do VOA thực hiện, các chuyên gia chính trị cho biết sự mở rộng ổn định của mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan được thể hiện qua việc gia tăng hợp tác quốc phòng và quan hệ kinh tế, cho thấy hai điều: Thứ nhất, có sự thay đổi trong cách giải thích hiện trạng ở eo biển Đài Loan; thứ hai, rõ ràng là Đài Loan đã trở thành đồng đội thân thiết của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

    Đường Tĩnh Viễn, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là nhà bình luận cấp cao của NTDTV, cho biết Washington đã đóng vai trò chủ động hơn trong việc giúp Đài Loan tăng cường khả năng răn đe, để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông nói thêm, điều này không có nghĩa là Washington sẽ từ bỏ “chính sách một Trung Quốc” hoặc đã thay đổi lập trường về hiện trạng trên eo biển Đài Loan.

    “Khái niệm về hiện trạng qua eo biển đã chuyển từ tương đối tĩnh sang tương đối năng động, có nghĩa là Washington ngày nay đang phản ứng nhanh hơn, dứt khoát hơn và đôi khi mạnh mẽ hơn trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh, thay vì ít đối đầu hơn như trước đây được”, ông Đường nói.

    Đồng thời, Đài Loan đang có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, Dương Hiến Hoành, người đứng đầu Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan cho biết. Điều này có thể được quan sát thấy từ các sự kiện như tuyên bố của Tổng thống Thái Anh Văn vào ngày 14/9 rằng Đài Loan sẽ tăng cường khả năng răn đe của mình thay vì phụ thuộc vào các đồng minh, cộng với sự tham gia của các quan chức ngoại giao và an ninh hàng đầu của Đài Loan trong các cuộc họp quốc phòng và an ninh với các quan chức hàng đầu của Mỹ.

    “Điều đáng nói là các cuộc gặp cấp cao gần đây giữa Đài Loan và Mỹ đã được Washington công bố rộng rãi hơn là giấu kín”, ông Dương cho biết.

    “Với tầm quan trọng địa chính trị của Đài Loan ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Washington biết rằng việc mất Đài Loan với tư cách là đồng minh có thể ảnh hưởng xấu đến lợi ích chiến lược của nước này trong khu vực chạy giữa Biển Hoa Đông và Biển Đông, vốn chiếm 35% đến 40% GDP toàn cầu”.

    Ông Dương mô tả sự thay đổi này là một dấu hiệu cho thấy Đài Loan đã được nâng tầm từ một người đồng đội vô hình mà nó đã có trong nhiều thập kỷ, thành một người đồng đội thân thiết của Mỹ ngày nay. Điều này có nghĩa là Đài Loan cần được bảo vệ.

    Trung Quốc: Đến lượt Xiaomi bị tố cáo là công cụ gián điệp cho Bắc Kinh


    Ba chiếc điện thoại Xiaomi Mi 10T 5G, Huawei P40 5G và OnePlus 8T 5G được xem xét tại phòng thí nghiệm của bộ Quốc Phòng Lítva ở Vilnius. Ảnh không đề ngày do chính quyền Litva cung cấp. via REUTERS - LITHUANIA DEFENSE MINISTRY

    Vào lúc quan hệ với Trung Quốc càng lúc càng căng thẳng, ngày 22/09/2021 bộ Quốc Phòng Litva, một thành viên nhỏ bé của Liên Hiệp Châu Âu đã lên tiếng cảnh báo các cơ quan và người dân nước này về nguy cơ bị Bắc Kinh dọ thám khi dùng điện thoại thông minh Trung Quốc, cụ thể là sản phẩm của Hoa Vi và Xiaomi. Khuyến cáo kể trên được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu mới nhất của một cơ quan chính phủ: Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc Gia Litva.

    Quan điểm của chính quyền Vilnius rất rõ ràng: Phải tẩy chay điện thoại Trung Quốc. Phát biểu với báo chí nhân buổi giới thiệu bản nghiên cứu của Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc gia, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Litva Margiris Abukevicius xác định: “Khuyến nghị của chúng tôi là không nên mua điện thoại mới của Trung Quốc và vứt bỏ những điện thoại đã mua càng sớm càng tốt”.

    Trong bản báo cáo nghiên cứu, đề ngày 23/09 mang tựa đề “Thẩm định vấn đề an ninh mạng của các thiết bị di động hỗ trợ công nghệ 5G được bán ở Litva”, Trung Tâm An Ninh Mạng Lítva cho biết đã xem xét ba loại điện thoại do Trung Quốc sản xuất và có mặt trên thị trường quốc gia vùng Baltic này: Huawei P40 5G, Xiaomi Mi 10T 5G và OnePlus 8T 5G. Tính ra có khoảng 200 cơ quan hành chánh hay công cộng tại Litva đã mua các loại điện thoại nói trên và hơn 4.500 chiếc đang được sử dụng.

    Phát hiện của cơ quan an ninh mạng Litva rất đáng ngại: Các thiết bị do Hoa Vi và Xiaomi sản xuất hàm chứa 4 rủi ro chính, trong đó có 2 rủi ro liên quan đến các ứng dụng cài đặt sẵn và 1 rủi ro liên quan đến nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân. Chỉ có OnePlus là vô hại.

    Xiaomi được cài sẵn một phần mềm kiểm duyệt có thể kích hoạt từ xa

    Bằng chứng cụ thể nhất và không thể chối cãi về việc Hoa Vi và Xiaomi là công cụ phục vụ cho Bắc Kinh là sự tồn tại trong điện thoại của Xiaomi một phần mềm được cài sẵn ngay từ nhà máy, có thể kích hoạt từ xa, có chức năng phát hiện và cho phép kiểm duyệt hàng trăm từ khóa hay nhóm từ nhạy cảm đối với chế độ Trung Quốc.

    Đó là các từ ngữ như “Tây Tạng tự do”, “Đài Loan độc lập muôn năm”, “Độc lập của Mông Cổ”, “Phong trào Dân chủ 1989”… Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Libération ngày 22/09, những ai dùng điện thoại Xiaomi của Trung Quốc - cụ thể là loại Mi 10T 5G - thì tùy thuộc vào nơi đang có mặt, đều có nguy cơ không tham khảo được các trang hoặc tải về các tài liệu có chứa các từ bị Bắc Kinh kiểm duyệt này.

    Theo Trung Tâm An Ninh Mạng Litva, danh sách đen các thuật ngữ bị kiểm duyệt, nằm trong một tệp có tên “MiAdBlacklistConfig”, được cập nhật liên tục từ Trung Quốc. Vào thời điểm báo cáo của Litva được viết, danh sách đã có 449 “từ khóa”. Dù đó là những từ ngữ viết bằng tiếng Hoa, nhưng tệp tin hoàn toàn có thể thêm các từ viết bằng ký tự Latinh.

    Tính năng kiểm duyệt nói trên của điện thoại Xiaomi đã bị vô hiệu hóa trong mẫu điện thoại được cơ quan nghiên cứu Litva xem xét, nhưng theo trung tâm này, chức năng kiểm duyệt có thể được kích hoạt từ xa vào bất cứ lúc nào.

    Canada sẽ cảnh giác khi cải thiện quan hệ ngoại giao với Trung Quốc


    Trung Quốc cho rằng việc bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi, được tư pháp Canada trả tự do là cơ hội để tái khởi động quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và Canada. Tuy nhiên, chính quyền Ottawa cho biết sẽ cảnh giác khi bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh.

    Ngày 27/09/2021, tờ Global Times, được Reuters trích dẫn, cho rằng việc bà Mạnh về nước là một dấu hiệu giảm căng thẳng kinh tế và thương mại với Mỹ và Canada. Nhưng cơ quan ngôn luận tiếng Anh của đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng cảnh báo rằng « những lập luận chính trị độc hại » có thể « đầu độc bầu không khí » này với ví dụ được Global Times nêu là thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio.

    Tuy nhiên, ngoại trưởng Canada Marc Garneaux tỏ ra thận trọng khi trả lời đài truyền hình CBC News ngày 26/09 và cho biết Ottawa đã « hết ngây thơ ». Ông cho biết chính quyền Canada đã đề ra cách tiếp cận mới đối với Bắc Kinh, gồm 4 mảng : cùng tồn tại, cạnh tranh, hợp tác, thậm chí là ganh đua.

    Ví dụ Canada sẽ cạnh tranh với Trung Quốc về các vấn đề thương mại, hợp tác chống biến đổi khí hậu, nhưng tiếp tục phản đối về cách Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Hồng Kông như Ottawa vẫn làm trước đây.

    Cuộc « khủng hoảng con tin » tạm thời chấm dứt. Hai công dân Canada, Michael Spavor và Micheal Kovrig, sau 1.020 ngày bị giam ở Trung Quốc, đã về nước sau khi đã « thú nhận các tội vi phạm ở Trung Quốc và được trả tự do có điều kiện vì lý do sức khỏe », theo thông báo của Global Times ngày 26/09.

    Trong khi đó, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) cũng đã từ Vancouver về đến Thâm Quyến tối 25/09 sau khi đạt được một thỏa thuận với Tư Pháp Mỹ trước đó ít lâu mở đường cho tư pháp Canada hủy xét xử khả năng dẫn độ bà sang Mỹ. Bà Mạnh bị quản chế tại nhà riêng ở Vancouver trong hơn hai năm rưỡi.

    Úc đón sinh viên quốc tế trở lại học, có thể loại trừ người Trung Quốc


    Một chương trình thí điểm cho phép một số sinh viên quốc tế quay trở lại tiểu bang đông dân nhất của Úc – New South Wales – có khả năng loại trừ công dân Trung Quốc do các quy định xung quanh tình trạng tiêm chủng.

    Kế hoạch theo từng giai đoạn đã được chính phủ liên bang phê duyệt và chuyến bay đầu tiên chở khoảng 500 sinh viên quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ đến New South Wales vào cuối năm nay. Công dân Trung Quốc là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất của Úc nhưng họ có khả năng không đủ điều kiện tiếp tục theo học, vì vaccine của Trung Quốc không được Cục Quản lý Hàng hóa Trị liệu (TGA) công nhận.

    Thủ hiến Gladys Berejiklian nói với các phóng viên: “Sinh viên cần phải được chủng ngừa hai lần với một loại vaccine được chính quyền liên bang thẩm định tính hiệu quả. Những người muốn tham gia niên học mới cần phải “tìm cách tiếp cận với một loại vaccine được các cơ quan chức năng của chúng tôi coi là hiệu quả. Chúng tôi không muốn thêm rủi ro vào hệ thống của mình.”

    Phó Hiệu trưởng Đại học Western Sydney, ông Barney Glover – người dẫn dắt một ủy ban lên kế hoạch cho chương trình thí điểm đón sinh viên quốc tế trở lại – cho biết chi phí chuyến bay sẽ do sinh viên chi trả, song các trường học có thể hỗ trợ chi phí cách ly.

    “Đây là một thí điểm bước đầu rất nhỏ nhưng là tín hiệu quan trọng rằng chúng tôi đang mở cửa trở lại với sinh viên quốc tế,” ông nói.

    Chương trình toàn cầu này sẽ chỉ dành cho các sinh viên được tiêm chủng đầy đủ bằng các loại vaccine được TGA công nhận, bao gồm vaccine của Pfizer, Johnson & Johnson, Moderna và AstraZeneca.

    Những sinh viên đã tiêm chủng bằng vaccine do Trung Quốc phát triển – như Sinovac và Sinopharm – sẽ không đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình.

    Ngành giáo dục quốc tế mang lại giá trị khoảng 14.6 tỷ AUD (tương đương $10.7 tỷ) cho New South Wales trong năm 2019. Đại học Macquarie, Đại học Newcastle, Đại học Sydney,… nằm trong số các trường đại học tham gia kế hoạch tiên phong của tiểu bang.

    Theo chính phủ tiểu bang, ước tính có hơn 57,000 sinh viên đang ở nước ngoài. Công dân Trung Quốc là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất của Úc, tiếp theo là ở Ấn Độ, Nepal và Việt Nam.

    Các loại vaccine do Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac có trụ sở tại Bắc Kinh và Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước sản xuất là một trong những loại vaccine được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc và có tỷ lệ hiệu quả từ khoảng 50% đến 80% trong việc ngăn ngừa bệnh Covid có triệu chứng.

    Sinovac và Sinopharm đã cung cấp ít dữ liệu thuyết phục về hiệu quả của các mũi tiêm ngừa của họ đối với biến thể Delta, có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng virus ban đầu và dường như đã làm giảm khả năng bảo vệ của các vaccine hiện có.

    Thủ phủ Sydney của tiểu bang New South Wales là tâm điểm của đợt bùng phát biến thể Delta đã buộc thành phố lớn nhất của Úc phải đóng cửa trong 90 ngày qua, và lan sang Melbourne và các khu vực bờ biển phía Đông khác. Vào Thứ Sáu, 24 Tháng Chín, New South Wales đã báo cáo 1,043 trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ, với 11 trường hợp tử vong. Victoria, tiểu bang đông dân thứ hai của Úc, báo cáo có 733 trường hợp mắc mới và một trường hợp tử vong.

    Không có nhận xét nào