Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 03 tháng 9 năm 2021

    Thủ tướng Yoshihide Suga vừa tuyên bố sẽ không tranh cử chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) tổ chức vào ngày 29 tháng 9 này, kết thúc nhiệm kỳ chỉ sau một năm nắm quyền.

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 03 tháng 9 năm 2021

    “Tôi dự định sẽ tái cử. Đối phó với đại dịch COVID-19 và vận động bầu cử cùng một lúc đòi hỏi một nổ lực rất lớn. Tôi nghĩ rằng tôi không có cách gì để làm hai đó cùng một lúc, cho nên tôi quyết định rút lui,” ông Suga tuyên bố hôm nay.

    Một năm trước, ngày 16/9/2020, Suga, 72 tuổi, giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử tại Hạ viện, nơi đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông chiếm đa số ghế, để trở thành Thủ tướng kế nhiệm Shinzo Abe.

    Kết quả các cuộc thăm dò được Nikkei và TV Tokyo công bố một ngày sau khi ông Suga nhậm chức cho thấy 74% công chúng Nhật ủng hộ nội các của tân Thủ tướng Suga. Đa số các cuộc khảo sát đều ghi nhận những câu trả lời tích cực, đánh giá tân Thủ tướng Nhật là người “đáng tin cậy”.

    Sau một năm cầm quyền, chính quyền Suga được cho là đã đạt một số thành công nhất định. Ông đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 cho Nhật Bản, đồng thời giải quyết những mặt lạc hậu trong dịch vụ công, bằng cách thúc đẩy sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Thế nhưng sau một năm cầm quyền, tỷ lệ này chỉ còn 30%.

    Mặc dù Nhật Bản đang trải qua cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất vì biến chủng Delta, thực tế là nước này ghi nhận số trường hợp tử vong thấp hơn bất kỳ quốc gia G7 nào khác. Sau những đình trệ ban đầu, chiến dịch tiêm chủng cũng dần tăng tốc với gần 43% dân số đã tiêm xong hai liều.

    Tuy nhiên, nhiều thành viên trong đảng cầm quyền trong những tháng qua bắt đầu băn khoăn về khả năng duy trì vị trí lãnh đạo của ông, do LDP liên tục gặp khó khăn trong các cuộc bầu cử địa phương. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính quyền Suga gần đây đã giảm xuống mức 30%.

    Theo nhận định của tờ Economist, Thủ tướng Suga đã thể hiện sự xuất sắc trong những khía cạnh ngầm của chính trị, bao gồm vận động lập pháp và kiểm soát các chính trị gia quyền lực. Tuy nhiên, vấn đề chính của ông được cho là không có khả năng giao tiếp hiệu quả với công chúng.

    Giới quan sát đánh giá những bài phát biểu của Suga mang lại cảm giác như một cuộc họp khô khan. Khi thảo luận tại quốc hội, ông cũng thường từ chối trả lời các câu hỏi thay vì lên tiếng bảo vệ chính sách. “Ông ấy chẳng nói gì cả”, một chính trị gia đối lập cho biết.

    Có nhiều giả thuyết về sự kín tiếng của Suga. Một số người cho rằng đó là bởi ông lớn lên ở Akita, khu vực lạnh giá phía bắc thường bị coi là khiến người dân có tính cách trầm lặng. Vài người khác đánh giá Suga xuất thân là con của một nông dân và nhập cư vào Tokyo, không phù hợp với vị trí thường do những chính trị gia trong các gia tộc truyền thống nắm giữ. Abe, người tiền nhiệm của Suga, là con của một ngoại trưởng và cháu của cố thủ tướng Nobusuke Kishi.

    Một lập luận phổ biến hơn cho rằng Suga thích hợp làm chính sách, thay vì chính trị. “Ông ấy tin rằng kết quả quan trọng hơn tất cả”, Akira Amari, đồng minh trong đảng LDP của Suga, nhận xét. Tuy nhiên, Amari thừa nhận cách giải thích từng quyết định cho người dân cũng là vấn đề chủ chốt, điều mà Suga không có khả năng.

    Không may cho Suga, đây chính xác là những gì cử tri Nhật Bản dường như mong muốn từ các lãnh đạo chính trị của họ ngay lúc này. Một nghị sĩ trẻ tuổi giấu tên của LDP đánh giá trong giai đoạn khủng hoảng, người dân muốn cảm nhận được sự đồng cảm từ giới chính trị gia.

    “Họ không nhận được điều đó từ Suga”, Gerald Curtis, nhà quan sát chính trị Nhật Bản lâu năm, cho biết. Chuyên gia này chỉ ra rằng giới chính trị gia Nhật trước đây có thể không cần quá thể hiện và ít chú trọng đến thông điệp, nhưng công chúng hiện nay “ít chấp nhận những phẩm chất đó hơn nhiều”.

    Mặc dù vậy, quyết định từ chức chỉ sau một năm lãnh đạo của Suga được đánh giá khá bất ngờ. Ông vẫn đứng đầu trong một cuộc thăm dò gần đây đối với những người ủng hộ LDP, đồng thời giữ được sự hậu thuẫn vững chắc từ ba trụ cột trong đảng, gồm cựu thủ tướng Abe, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Tổng thư ký LDP Yoshihiro Nikai. Những người thách thức vị trí của Suga cũng được cho là không mấy tiềm năng.

    “Tôi thực sự rất ngạc nhiên. Thật đáng tiếc. Ông ấy đã cố gắng hết sức, nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông ấy đã đưa ra quyết định”, Nikai trả lời báo chí sau cuộc họp khẩn của LDP, nơi Suga tuyên bố không tái tranh cử chức chủ tịch đảng.

    Trung Quốc cảnh báo hợp tác khí hậu của Mỹ có nguy cơ về căng thẳng chính trị


    Hãng Reuters ngày 2/9 thông tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo Mỹ rằng, căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Washington có thể làm suy yếu nỗ lực của hai bên trong hợp tác chống biến đổi khí hậu.

    Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói với đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry qua liên kết video hôm thứ Tư rằng, nỗ lực chung của hai bên để chống lại sự nóng lên toàn cầu là một “ốc đảo”, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao được công bố vào cuối ngày thứ Tư.

    Ông Vương Nghị nói: “Nhưng xung quanh ốc đảo là một sa mạc, và ốc đảo có thể bị sa mạc hóa rất sớm”, và “Hợp tác khí hậu Trung Quốc – Hoa Kỳ không thể tách rời khỏi môi trường rộng lớn hơn của quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ”.

    Ông Vương Nghị cũng nói: “Tất cả những người gặp bạn sẽ phải trải qua hai tuần cách ly, nhưng chúng tôi sẵn sàng trả mức giá đó, để thảo luận về việc hợp tác với Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm”.

    Ông Kerry nói với ông Vương Nghị rằng Washington vẫn cam kết hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và khuyến khích Trung Quốc làm nhiều hơn nữa nhằm giảm lượng khí thải, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết.

    Hoa Kỳ đã nối lại vai trò của mình trong ngoại giao khí hậu toàn cầu sau 4 năm gián đoạn dưới thời Tổng thống Donald Trump, vốn từ lâu đã hy vọng giữ cho các vấn đề khí hậu tách biệt khỏi các tranh chấp rộng lớn hơn với Trung Quốc về các vấn đề như thương mại, nhân quyền và các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19.

    Ông John Kerry đang ở thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc để hội đàm trực tiếp với ông Giải Chấn Hoa, đặc phái viên khí hậu của Trung Quốc, về phản ứng chung của các nước đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.

    Thái Lan : Người dân tiếp tục biểu tình chống chính phủ


    Các cuộc biểu tình thường nhật vẫn tiếp diễn trên đường phố thủ đô Bangkok, Thái Lan. Người tuần hành đòi chính phủ giải tán, trong bối cảnh hôm nay 03/09/2021 là ngày thảo luận cuối cùng của Quốc Hội Thái Lan trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Prayut Chan O Cha.

    Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carol Isoux gửi về bài phóng sự :

    « Giải tán chính phủ ». Đó là tiếng kêu đồng thanh của những người biểu tình mỗi tối vẫn tụ tập trên các đường phố Bangkok để bày tỏ nỗi tuyệt vọng trước cuộc khủng hoảng kinh tế, đang đẩy hàng triệu người Thái thuộc tầng lớp trung lưu vào cảnh nghèo đói.

    Trong bối cảnh gần đây làn sóng Covid-19 lần thứ 3 gây tác hại nghiêm trọng đến đất nước, chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, phong trào ủng hộ dân chủ được khởi động lại và diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Giờ đây, phong trào còn có thêm sự tham gia của nhiều thành phần dân cư.

    Ông Nattawut Saikua, một trong những nhà lãnh đạo của phong trào, đã nhấn mạnh trên diễn đàn : « Ngay cả các công chức bây giờ cũng muốn chính phủ từ chức. Từ trước tới nay, ở đất nước chúng ta, giới tinh hoa, quân đội và quân chủ luôn nói với dân chúng : tiến lên hoặc là chết. Nhưng điều này phải chấm dứt ngay bây giờ, người dân Thái Lan đã thức tỉnh ».

    Saikua là một cựu lãnh đạo của phong trào « Áo đỏ », một phong trào quy tụ rất nhiều nông dân, hoạt động rất tích cực cách nay khoảng chục năm. Cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn đang tạo ra tình đoàn kết giữa những tầng lớp người nghèo mới ở đô thị và những người nông dân bị bỏ rơi.

    Một liên minh thành phố - nông thôn, mà các phong trào xã hội của Thái Lan cho đến nay vẫn chưa có được, là một trong những điều kiện thiết yếu cho sự thành công của phong trào dân chủ ».

    Taliban sắp công bố chính phủ mới

    Sau khi chiến thắng là đến lúc cai trị. Các nhà cầm quyền Taliban của Afghanistan dự kiến ​​sẽ sớm công bố chính quyền mới của họ. Sau nhiều ngày cân nhắc, Sheikh Haibatullah Akhundzada dự kiến ​​sẽ được giao vị trí cao nhất là lãnh đạo tối cao. Công việc quản trị quốc gia hàng ngày sẽ thuộc về Mullah Abdul Ghani Baradar, nhà đồng sáng lập nổi tiếng của Taliban, người từng làm phó của nhóm.

    Một hội đồng cai trị có thể được chỉ định, và có thể Taliban sẽ nhượng bộ, chẳng hạn như trao một ít ghế cho các phe đối lập. Taliban được cho là cảnh giác với những nhân vật từng giữ chức vụ trong chính phủ của Ashraf Ghani. Cựu tổng thống Hamid Karzai muốn đảm nhận một vai trò nào đó, nhưng ông có thể quá liên quan tới sự can thiệp của Mỹ. Chính phủ mới sẽ đối mặt một loạt vấn đề, bao gồm thiếu tiền, khủng hoảng nhân đạo, sự ngờ vực của quốc tế, và sự nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo.

    Thị trường việc làm Mỹ chững lại vì biến thể Delta

    Chỉ mới vài tháng trước, triển vọng thị trường việc làm của Mỹ vẫn còn là tốt nhất kể từ đầu đại dịch. Biến thể Delta vẫn chưa hoành hành và nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ trở lại. Các nhà tuyển dụng tuyển thêm 900.000 nhân viên phi nông nghiệp trong mỗi tháng 6 và tháng 7. Nhưng đà tăng trưởng chững lại trong tháng 8. Giới quan sát dự đoán chỉ có khoảng 600.000 việc làm phi nông nghiệp mới được tạo ra khi Bộ Lao động công bố số liệu việc làm vào hôm nay. Tỷ lệ thất nghiệp có thể giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ từ mức 5,4% của tháng 7.

    Lo ngại dịch bệnh đã làm hạn chế chi tiêu: tháng 8 ghi nhận ít người ăn nhà hàng và đi máy bay hơn tháng 7. Song dù tuyển dụng giảm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng giảm theo. Điều này cho thấy những người bỏ việc đang có xu hướng đi tìm lương tốt hơn và linh hoạt hơn – một xu hướng đại dịch có tên “Cuộc Đại Từ chức” (“Great Resignation”). Các số liệu hôm nay sẽ cho thấy liệu có bao nhiêu trong số họ tìm được việc tốt hơn.

    Đàm phán giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập


    Trong những căn phòng tối của Bảo tàng Nhân học Mexico có di tích của các nền văn minh xa xưa. Và chúng bỗng tạo nên một bối cảnh phù hợp đến lạ kỳ cho vòng đàm phán mới nhất nhằm đưa Venezuela vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

    Hôm nay, các đại diện từ chế độ của Tổng thống Nicolás Maduro và phe đối lập sẽ gặp nhau để tìm cách đưa đất nước ra khỏi vũng lầy kinh tế và chính trị hiện tại. Đây là lần đàm phán thứ năm giữa hai bên kể từ 2013.

    Lần này các cuộc đàm phán có sự ủng hộ của quốc tế. Nga hậu thuẫn chế độ, Hà Lan hậu thuẫn phe đối lập, còn Na Uy làm trung gian. Phe đối lập, trong hơn hai năm qua luôn tìm cách lật đổ ông Maduro bằng cách thành lập “chính phủ lâm thời,” đã thu hẹp tham vọng của mình. Yêu cầu chính hiện tại của họ chỉ là bầu cử công bằng. Chế độ có thể sẽ nhượng bộ, để được nới lỏng trừng phạt quốc tế.

    Phó thủ lĩnh Taliban sẽ là người lãnh đạo chính quyền Afghanistan

    Phó thủ lĩnh Taliban Baradar, người đồng sáng lập phong trào, sẽ là người lãnh đạo chính quyền mới chuẩn bị được thành lập tại Afghanistan trong vài ngày tới.

    Ba nguồn tin hôm nay tiết lộ Mullah Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu cơ quan chính trị của Taliban, sẽ lãnh đạo chính quyền mới tại Afghanistan, trong khi những vị trí cấp cao khác thuộc về Mullah Mohammad Yaqoob, con trai người sáng lập Taliban Mullah Omar, và Sher Mohammad Abbas Stanikzai, phó trưởng ban chính trị của Taliban.


    “Tất cả lãnh đạo cấp cao đã đến thủ đô Kabul, nơi các công việc chuẩn bị để công bố chính quyền mới đang trong giai đoạn cuối”, một quan chức Taliban cho biết.

    Một nguồn tin khác của Taliban bổ sung rằng Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh tôn giáo tối cao của lực lượng này, sẽ tập trung vào các vấn đề tôn giáo và điều hành trong khuôn khổ Hồi giáo.

    Việc thành lập một chính quyền mới sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, giữa lúc nền kinh tế Afghanistan đang bên bờ vực sụp đổ vì nạn hạn hán và hậu quả của 20 năchiến tranh. Nước này phụ thuộc lớn vào nguồn viện trợ từ nước ngoài, trong khi cộng đồng quốc tế chưa công nhận Taliban.

    Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết chính quyền mới sẽ bao gồm 25 bộ trưởng, một hội đồng cố vấn bao gồm 12 học giả Hồi giáo.

    Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa có kế hoạch giải ngân hàng tỷ USD dự trữ của Afghanistan được gửi trong các ngân hàng tại nước này. Trong một diễn biến tích cực, giám đốc điều hành cấp cao của công ty Western Union cho biết họ sẽ nối lại dịch vụ chuyển tiền đến Afghanistan, để duy trì mục đích nhân đạo.

    Taliban từng áp đặt chế độ hà khắc tại Afghanistan trong giai đoạn cầm quyền từ năm 1996 đến 2001. Tuy nhiên, lần này phong trào lại nỗ lực thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn, cam kết bảo vệ nhân quyền và không trả đũa những đối thủ cũ. Mặc dù vậy, Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác vẫn tỏ ra nghi ngờ. Họ cho biết việc công nhận chính quyền do Taliban điều hành, cũng như viện trợ kinh tế, sẽ phụ thuộc vào hành động của lực lượng này.

    Vận động để được quốc tế công nhận là một chính quyền hợp pháp là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với tân chính quyền của Afghanistan.

    Texas: Tố giác người muốn phá thai sẽ được thưởng 10.000 đô la


    Luật mới chống phá thai được áp dụng tại bang Texas đang làm rúng động công luận Mỹ. Hôm qua, 02/09/2021, tổng thống Biden và phát ngôn viên Nhà Trắng đã phải lên tiếng về « bước tụt hậu » trên phương diện nữ quyền.

    Trước đó, Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết duy trì luật chống phá thai của bang Texas. Chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09/2021, luật mới quy định các vụ phá thai sau 6 tuần lễ thụ thai là « bất hợp pháp », kể cả trong trường hợp loạn luân hay bị hãm hiếp. Năm 1973, cũng định chế tư pháp này đã công nhận quyền được phá thai. Một vấn đề khác đang đặt ra là luật mới còn cho phép thưởng 10.000 đô la cho những ai tố giác các hành vi « phạm pháp » đó.

    Từ Houston, thông tín viên đài RFI Thomas Harms tường trình :

    Trước hết có những video quảng cáo cho một trang mạng khuyến khích công chúng tố giác những trường hợp vi phạm luật pháp, với thông điệp như sau : “Nếu có bằng chứng về một vụ phá thai sau khi phát hiện nhịp tim đập, tức là sáu tháng thụ thai, không cần phải tiết lộ danh tính, bạn có thể tố giác hành vi đó ở địa chỉ prolifewhistleblower.com’’.

    Đây là một trang mạng do hiệp hội chống phá thai mang tên Quyền được sống ở Texas (Texas right to life ) lập ra cuối tháng 8 vừa qua. Nhưng không phải ai cũng sẽ sử dụng địa chỉ này. Bởi vì khi tố giác và có đầy đủ chứng cớ để thụ lý hồ sơ trước toà, người tố giác có thể nhận được 10.000 đô la tiền thưởng.

    Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, thuộc đảng Dân Chủ, xem đây là một điều khoản đẩy những người dân bình thường thành những kẻ chỉ điểm để kiếm tiền thưởng.

    Phát ngôn viên tổ chức Texas right to life, bà Kimberlyn Schwartz phản bác lại lập luận đó, khi cho rằng “đây không phải là một hành động khuyến khích người ta tố giác phe ủng hộ phá thai. Tiền thưởng 10.000 đô la ở đây là một điều khoản trong luật hiện hành của bang Texas, tương tự như việc thưởng công cho những ai phát hiện được những ca gian lận trợ cấp y tế. Người ta muốn chụp mũ Texas là nơi không có luật lệ gì hết, ai muốn làm gì thì làm. Thực ra chúng tôi đâu có đặt ra thêm quy định mới nào khác’’.

    Từ khi bắt đầu hoạt động cách nay vài hôm, trang mạng prolifewhistleblower.com đã nhận được hàng trăm vụ tố giác mà toàn là những điều bịa đặt. Một người sử dụng TikTok đã cung cấp mã số để gửi những vụ tố giác một cách tự động về số đó.

    Phe chống luật phá thai hà khắc của bang Texas thì truy cập vào trang này để đăng những hình ảnh bậy bạ trích từ một phim hoạt họa Shrek. Cũng có người tải lên địa chỉ này tên tuổi vợ và con gái của những vị dân biểu Texas đã bỏ phiếu ủng hộ luật phá thai mới.

    Không có nhận xét nào