Ngày mai, 11/09/2021, là tròn 20 năm vụ tấn công khủng bố bi thảm nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hai chiếc Boeing của hãng hàng không American Airlines bị những tên khủng bố Al Qaida chuyển hướng, đâm thẳng vào tòa tháp đôi World Trade Center cao nhất thế giới, làm gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương.
Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 10 tháng 9 năm 2021 |
Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ khởi động lễ tưởng niệm năm nay, trước tiên tại New York, rồi tại hai điểm khác của vụ tấn công là Lầu Năm Góc và Shanksville, bang Pennsylvania, khu vực một chiếc máy bay thứ ba đã rơi xuống sau một cuộc giằng co giữa hành khách và những tên khủng bố.
Từ New York, thông tín viên đài RFI, Marie Normand cho biết những biện pháp an ninh được ban hành nhân lễ tưởng niệm.
« Nhiều chiếc trực thăng vận tải quân sự trên không và vài binh sĩ trên đường phố là những gì chúng tôi có thể quan sát lúc này. Nhưng hiện tại, các biện pháp an ninh vẫn còn khá kín đáo. Nhiều vành đai an toàn đã được dựng lên xung quanh đài tưởng niệm 11/9, nơi sẽ diễn ra lễ tưởng niệm, và nhiều lãnh đạo chính trị như thống đốc bang New York đã đến nơi dành phút mặc niệm.
Ngày mai, chỉ có gia đình các nạn nhân là được phép đi vào khu vực này. Những gia đình này, luôn trông đợi có những lời giải đáp, và nhất là việc nhận dạng người thân của mình. Hai mươi năm đã trôi qua, những phần thi thể thu lượm được tại những điểm xảy ra thảm kịch vẫn tiếp tục được đối chiếu với những mẫu do gia đình cung cấp.
Hôm Thứ Ba vừa qua, nạn nhân thứ 1.646 trong tổng số gần 3.000 người đã được xác định. Nhiều người thân còn yêu cầu ông Joe Biden cho giải mật một phần hồ sơ điều tra của FBI, được xếp vào diện bí mật quốc phòng. Đây từng là một lời hứa của ông trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ. Và tuần rồi, ông đã ký sắc lệnh, yêu cầu cho giải mật từ đây trong vòng 6 tháng.
Một số gia đình cho rằng Joe Biden thiếu sự cứng rắn và tiếp tục phản đối sự hiện diện của ông tại lễ tưởng niệm ngày mai. »
Tổng thống Mỹ, chủ tịch Trung Quốc điện đàm, bàn cách tránh xung đột
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm trong 90 phút hôm thứ Năm 9/9. Đây là cuộc đàm thoại đầu tiên giữa hai ông trong vòng 7 tháng. Họ thảo luận về việc cần phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chuyển hướng thành xung đột.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết hai ông Biden và Tập có "một cuộc thảo luận trên bình diện rộng, mang tính chiến lược", bao gồm các lĩnh vực mà hai bên có các lợi ích và giá trị giống nhau và khác nhau.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên rằng cuộc điện đàm tập trung vào các vấn đề kinh tế, biến đổi khí hậu và COIVD-19.
Quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên trước cuộc gọi rằng phía Mỹ coi cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo như là một phép thử để xem liệu làm việc trực tiếp với ông Tập có thể chấm dứt tình hình bế tắc trong mối quan hệ hay không.
"Việc này là để quan sát xem liệu có khả năng làm việc một cách thực chất hơn những gì mà chúng tôi đã có thể làm hay không. Chỉ có những gì thực sự diễn ra mới chứng minh được", quan chức này nói sau cuộc điện đàm, và mô tả rằng hai bên nói chuyện thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng Mỹ có thể bị hạn chế về khả năng thay đổi hành vi của Trung Quốc, và Washington phải tập trung chủ yếu vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh và tập hợp các đối tác và đồng minh của mình.
Trung Quốc triển khai "ngoại giao vac-xin" tại Việt Nam
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-12/09/2021 để đồng chủ trì với phó thủ tướng Phạm Bình Minh phiên họp lần thứ 13 của Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang vất vả chống dịch và rất nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, viện trợ vac-xin cho Hà Nội.
Theo phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đoàn Khắc Việt ngày 09/09, Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc vẫn tổ chức họp hàng năm để lãnh đạo và các ban ngành liên quan của hai nước thảo luận về các vấn đề, khó khăn và biện pháp liên quan. Tuy nhiên, trong phiên họp lần thứ 13 này, vấn đề hợp tác phòng chống Covid-19, trong đó có việc Bắc Kinh viện trợ vac-xin và thiết bị y tế, cũng sẽ được thảo luận.
Đại dịch Covid-19 cũng là chủ đề của cuộc hội đàm trực tuyến ngày 09/09 giữa bộ trưởng Y Tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long và chủ nhiệm Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc Mã Hiểu Vỹ (Ma Xiaowei). Chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, theo website của bộ Y Tế Việt Nam, như « tổ chức triển khai xét nghiệm trên diện rộng, bảo đảm chất lượng xét nghiệm », « giám sát chủ động tại các khu vực có nhiều nguy cơ như các cơ sở y tế, khu vực xuất nhập cảnh và lấy mẫu xét nghiệm những người làm việc ở khu vực này ».
Chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ cũng đưa ra đề xuất nâng cấp quan hệ với Hà Nội từ « toàn diện » lên thành « chiến lược ». Ông Vương Nghị sẽ gặp đồng nhiệm Bùi Thanh Sơn, chào xã giao các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Trang Global Times cho biết Việt Nam nằm trong số 4 nước láng giềng (Cam Bốt, Singapore và Hàn Quốc) trong vòng công du của ông Vương Nghị từ ngày 10-15/09. Ngoài chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, ngoại trưởng Trung Quốc còn đề cập đến hợp tác phát triển, thúc đẩy dự án cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành Đai và Con Đường (BRI).
Biến thể Mu nguy hiểm đến đâu?
Biến thể Mu lưu hành chủ yếu ở Colombia và một số nước Nam Mỹ, chứa các đột biến có thể làm giảm hiệu quả của vaccine Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/8 ghi nhận biến thể Mu, xuất hiện lần đầu ở Colombia, vào nhóm “biến thể đáng chú ý” (VOI). Theo định nghĩa của WHO, Mu có sự khác biệt về gene với những biến thể trước đó của virus, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Những thay đổi này có thể khiến Mu dễ lây lan hơn, gây triệu chứng nặng, trốn tránh được phản ứng miễn dịch do vaccine hoặc kém nhạy cảm với các phương pháp điều trị.
Nhóm VOI khác với nhóm nguy hiểm hơn là “biến thể đáng lo ngại” (VOC). WHO đang theo dõi chặt chẽ để xem xét có nên đặt “Mu” vào nhóm VOC hay không. Danh sách VOI gồm 4 biến thể khác là Eta, Iota, Kappa và Lambda. Theo WHO, điểm đáng ngại hơn của Mu là “đặc tính trốn tránh miễn dịch”. Nói cách khác, biến thể có những cơ chế nổi bật, có thể giúp virus vượt qua hàng rào bảo vệ của vaccine.
Khu vực Mu lây lan
Mu được phát hiện lần đầu ở Colombia vào tháng 1/2021, tên gọi khác là B.1621. Đến nay, nó đã xuất hiện ở 40 quốc gia, song chỉ gây ra 0,1% ca nhiễm trên toàn cầu.
Mu phổ biến nhất ở Colombia. Khi xem xét mẫu nCoV đã giải trình tự gene, giới chức cho biết 39% trong đó là biến thể Mu. Dù vậy, nước này chưa ghi nhận trường hợp nào trong 4 tuần qua.
Tại Ecuador, 13% trong số mẫu virus được phân tích là Mu. Trong 4 tuần qua, biến thể chiếm 9% ca nhiễm mới. Một tháng trở lại đây, Chile ghi nhận 40% số mẫu được phân tích là biến thể Mu.
Điều này cho thấy virus giờ đây không chỉ lưu hành trong phạm vi Colombia, mà chuyển dần sang các nước Nam Mỹ lân cận. Anh cũng phát hiện 45 trường hợp dương tính với biến thể Mu, hầu hết là người nhập cảnh. Các nhà khoa học chưa thể giải trình tự toàn bộ virus ở nước này, có thể tỷ lệ nhiễm biến thể Mu tại Anh cao hơn báo cáo.
Mức độ nguy hiểm của Mu
Câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu Mu có dễ lây lan hơn so với biến thể Delta đang chiếm ưu thế, và liệu nó có dẫn đến triệu chứng nặng hơn hay không.
Theo các nhà khoa học, Mu chứa đột biến P681H, lần đầu được phát hiện trong biến thể Alpha, có thể làm tăng khả năng lây truyền của virus. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn dang dở, chưa được giới hàn lâm bình xét chính thức. Vì vậy, không thể kết luận về vai trò của P681H với virus ở thời điểm này.
Mu cũng mang đột biến E484K và K417N, nguy cơ khiến mầm bệnh trốn tránh kháng thể. Điều này từng được chứng minh trước đó. Hai đột biến trên có trong cả biến thể Beta. Do vậy, Mu có thể mang đặc tính giống với Beta, khiến nhiều loại vaccine kém hiệu quả hơn.
Đột biến khác của Mu là R346K và Y144T. Hiện chưa rõ về ảnh hưởng của chúng đối với virus, giới khoa học cần thêm thời gian tìm hiểu về vấn đề này.
Nghiên cứu công bố trên Wiley Online Library ngày 30/7 cho thấy vaccine Pfizer kém hiệu quả hơn với biến thể Mu. Dù vậy, khả năng bảo vệ của nó vẫn mạnh mẽ.
Cuối tháng 7, truyền thông Florida báo cáo 10% mẫu virus được giải trình tự gene tại Đại học Miami là biến thể Mu. Đầu tháng 8, Reuters đưa tin 7 người được tiêm phòng đầy đủ tại viện dưỡng lão ở Bỉ tử vong sau khi nhiễm Mu.
Dù vậy, các nghiên cứu về biến thể còn chưa hoàn chỉnh. Giới khoa học chưa có câu trả lời chính thức về việc liệu Mu có khả năng lây lan nhanh và độc lực cao hơn hay không.
Giới nghiên cứu làm gì tiếp theo
Khi một biến thể được thêm vào danh sách đáng quan tâm, WHO sẽ phân tích, so sánh đặc tính của chúng với phiên bản virus đang lưu hành. Tổ chức yêu cầu các nước thành viên thu thập thông tin về tỷ lệ lây nhiễm và ảnh hưởng của biến thể đó.
Việc WHO xếp Mu vào nhóm VOI phản ánh mối quan tâm sâu sắc đến nguy cơ xuất hiện biến thể virus mới nguy hiểm hơn. Tới nay, Delta vẫn chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi tỷ lệ chủng ngừa thấp. Điều này cho thấy biến thể virus có khả năng thay đổi diễn biến của đại dịch một cách nhanh chóng, đáng kể.
Mỗi khi virus tự nhân lên bên trong vật chủ, chúng tạo ra các đột biến mới. Đây là quá trình ngẫu nhiên. Song số ca nhiễm càng nhiều, cơ hội xuất hiện biến thể mới càng cao. Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để ngăn chặn virus biến đổi là tiêm chủng toàn cầu.
Trung Quốc: Lạm phát của các nhà máy đạt mức cao nhất trong 13 năm qua
Giá hàng hóa tăng cao đã khiến mức lạm phát của các nhà máy tại Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong 13 năm qua vào tháng 8, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh để hạ nhiệt, Reuters cho hay.
Cục Thống kê Quốc gia cho biết hôm thứ Năm: Chỉ số giá sản xuất, là chỉ số đo lường giá vốn hàng hóa tại nhà máy đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 năm ngoái, tuy nhiên, sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm biến thể Delta, cộng với giá nguyên liệu thô cao, các quy định hạn chế của chính phủ và chiến dịch giảm lượng khí thải carbon đã làm suy giảm sức hút của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thứ trưởng quốc phòng Nhật: Đài Loan và Nhật Bản là ‘một gia đình’
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Yasuhide Nakayama, đã bất ngờ tham gia một hội nghị về quan hệ Nhật Bản-Đài Loan được tổ chức tại Tổ chức Trương Vinh Phát (Chang Yung-fa) ở Đài Bắc vào thứ Tư (ngày 8/9) theo hình thức trực tuyến, theo trang Taiwan News.
Ông Nakayama nói từ văn phòng ở Tokyo rằng, số phận của Nhật Bản và Đài Loan là liên quan tới nhau, giống như sự gần gũi về địa lý của họ. Ông nói thêm: “Mọi người bảo rằng chúng tôi giống như những người bạn, nhưng không phải vậy, chúng tôi là một gia đình”.
Thứ trưởng Nakayama cho biết việc Mỹ rút khỏi Afghanistan báo hiệu rằng đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản đang có kế hoạch tập trung nguồn lực của mình vào Tây Thái Bình Dương trong nỗ lực giữ lợi thế chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.
Ông nói, đảng cầm quyền Dân chủ Tự do nhận ra tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi này, và tất cả các dân tộc ở Đông Á cũng vậy.
Ông Nakayama cho biết quyền tự do báo chí ở các nền dân chủ Đông Á khiến họ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa mới như các chiến dịch thông tin sai lệch, hoạt động tuyên truyền và tấn công mạng. Điều này có nghĩa là các quốc gia như Đài Loan và Nhật Bản phải mở rộng hợp tác để chống lại những mối đe dọa mới này, ông nói thêm.
Dân chủ Tự do của Nhật Bản hiện đang tổ chức các cuộc bầu cử để chọn một thủ tướng mới sau khi ông Yoshihide Suga tuyên bố từ chức.
Thứ trưởng Nakayama cho biết Đài Loan là một vấn đề quan trọng đang được thảo luận giữa các thành viên trong đảng của ông. Ông nói: “Cách tiếp cận của nhà lãnh đạo tiếp theo đối với vấn đề Đài Loan sẽ là yếu tố chính trong việc xác định xem họ có phù hợp với công việc hay không, bất kể họ là ai”.
Khi Nhật Bản chính thức hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1972, có 5 thành viên của Nghị viện kiên quyết chống lại điều này cho đến cùng, một trong số họ là Masaaki Nakayama – cha của ông Yasuhide.
Thứ trưởng Nakayama nói thêm Nhật Bản ngày nay nên xem xét lại liệu thỏa thuận ngoại giao này với Trung Quốc có thực sự phục vụ lợi ích của quốc gia hay không, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gây hấn đối với các nước láng giềng.
Afghanistan: Các khuôn mặt lão làng Taliban áp đặt ách thống trị
Giáo chủ Hassan Akhund, người đã ra lệnh phá hủy tượng Phật nổi tiếng ở Bamiyan trở thành thủ tướng, Abdul Ghani Baradar, cánh tay phải của giáo chủ Omar duy trì vị trí số hai của phong trào, Sirajuddin Haqqani, bộ trưởng Nội Vụ là thủ phạm những vụ tàn sát đẫm máu nhất, con trai giáo chủ Omar mới khoảng 30 tuổi làm bộ trưởng Quốc Phòng. Bộ phụ trách các vấn đề phụ nữ bị xóa sổ, thay bằng bộ Đức Hạnh.
Le Monde của Pháp cho rằng đây là thất bại của các thủ lãnh Taliban đã từng hứa hẹn một « chính phủ hòa hợp ». Bị hoãn công bố rất nhiều lần, chính phủ này rốt cuộc gồm toàn nam giới, là các cựu chiến binh người Pachtoune đã từng chiến đấu trong những năm 1990.
Chính phủ được cho là lâm thời này sẽ ngự trị vô thời hạn, vì không có lịch trình bầu cử nào được đưa ra. Một người có trách nhiệm của Taliban nói thẳng với Reuters là không có bất kỳ hệ thống dân chủ nào cũng không có đối thoại về vấn đề này, tất cả phải theo luật charia của Hồi giáo. Lần đầu tiên từ 20 năm qua Afghanistan không còn là một nước cộng hòa.
Bộ trưởng Giáo Dục Taliban khoe lãnh đạo không cần đi học
Nhà phân tích Obaidullah Baheer khẳng định trên tờ Le Figaro: « Không thể lãnh đạo chính phủ với các giáo chủ Hồi giáo. Nếu Taliban không có các chuyên gia, Afghanistan có thể suy sụp ». Bộ trưởng Giáo Dục hôm qua còn khoe : « Lãnh đạo đất nước là những người không bao giờ đến trường đại học thậm chí trung học. Giáo dục không làm nên tích sự gì cả. Nếu ngoan đạo thì sẽ được tôn trọng ».
Ngược với những năm quảng bá đánh bóng hình ảnh với phương Tây, Taliban chừng như đã quên mất những lời hứa với người dân và cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà báo đã bị hành hung, bắt giam hay tra tấn khi đi đưa tin về cuộc biểu tình hôm qua. « Các chuyên gia nhất là người nước ngoài đã tin vào Taliban 2.0 đã bị lừa : vừa nắm được quyền hành là phe này sẽ trưng ra ngay bộ mặt thật không cần che giấu ». Omar Sadr, giáo sư trường đại học Mỹ ở Kabul nói với Le Figaro như vậy, trước khi nhà trường bị đóng cửa khi phe du kích cực đoan này chiếm Kabul.
Bài phóng sự của tờ báo nói về thực trạng cuộc sống tại Afghanistan hiện nay, mặc cho những lời lẽ ngon ngọt của Taliban nhằm không bị cắt đứt nguồn viện trợ quốc tế. Rất ít bóng dáng phụ nữ trên đường phố, các tiểu chủ là nạn nhân đầu tiên : chiến binh Taliban cấm cạo râu cho khách hàng, khách nữ đi taxi bị đuổi xuống, các cửa hàng thời trang không còn khách mua vì sợ sẽ không còn được dùng đến các trang phục phương Tây…
Boris Johnson: Ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ là cách duy nhất giải quyết vấn đề Đài Loan
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông tin rằng cách duy nhất để giải quyết áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan là Vương quốc Anh tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ.
Tại phiên họp ở Hạ viện hôm thứ Hai, ông Johnson đã phải đối mặt với câu hỏi từ nghị sĩ đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith, trong đó yêu cầu Thủ tướng đưa ra lời đảm bảo với người dân Đài Loan đang bối rối trước chiến dịch tuyên truyền phối hợp của Đại lục rằng Mỹ sẽ bỏ rơi đồng minh sau sự vụ ở Afghanistan.
Nghị sĩ Duncan Smith hỏi Johnson rằng liệu ông có nhận thấy việc chính phủ Trung Quốc đang tận dụng việc Mỹ rời Afghanistan để “tăng cường các mối đe dọa đối với Đài Loan với hàng trăm chuyến bay xâm nhập.”
Trong khi đó, nghị sĩ Tory Tom Tugendhat nói rằng Trung Quốc đang đe dọa Đài Loan và nói với người dân Đài Loan rằng khi chiến tranh xảy ra, Mỹ sẽ không ở đó để hỗ trợ họ.
Các nghị sĩ đề nghị Thủ tướng Anh trấn an người Đài Loan bằng cách khẳng định sự ủng hộ của Anh đối với “quyền dân chủ” và “quyền tự quyết” của họ.
“Và chúng ta sẽ tới đó để hỗ trợ họ bất kể người Trung Quốc nói gì,” nghị sĩ Duncan Smith nói thêm, đồng thời yêu cầu ông Johnson “thuyết phục người Mỹ cũng làm như vậy.”
Đáp lại, ông Johnson trả lời: “Tất nhiên, tôi biết các vấn đề đang diễn ra giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan. Tôi đã thực sự thảo luận điều đó gần đây với Tổng thống Hoa Kỳ.”
Thủ tướng nói thêm: “Đó là một trong những lý do quan trọng khiến Anh Quốc tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa chúng ta với Hoa Kỳ” và lưu ý rằng “tình hình ở Đài Loan sẽ tiếp tục khó khăn”.
Ông Johnson nói: “Câu trả lời duy nhất, con đường duy nhất về phía trước là tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, và đó là những gì chúng tôi sẽ làm.”
Tuy vậy, chưa rõ thời điểm mà ông Johnson và ông Biden trao đổi về Đài Loan là khi nào.
Vào tháng 3, các nghị sĩ Duncan Smith và Tory Tom Tugendhat nằm trong số 5 nghị sĩ bị Bắc Kinh trừng phạt vì lên tiếng chống lại các vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Vương quốc Anh đã triển khai các lực lượng Hải quân Hoàng gia đến châu Á để hỗ trợ đảm bảo an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hai trong số các tàu chiến của họ đã rời cảng Portsmouth trong tuần này để triển khai các nhiệm vụ thường trực trong khu vực.
Giống như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Anh cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và chính thức hóa quan hệ với Bắc Kinh vào năm 1950, gần 30 năm trước Mỹ.
Không có nhận xét nào