Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 24 tháng 9 năm 2021

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp lãnh đạo ba nước Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trong khuôn khổ thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD tại Washington ngày 24/09/2021. Trung Quốc là một mối quan ngại chung của các bên, nhưng vế an ninh không nằm trong chương trình nghị sự, theo tiết lộ của một quan chức trong chính quyền Biden.

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 24 tháng 9 năm 2021

    Reuters dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết, các bên sẽ đề cập đến « vấn đề an ninh khu vực », tuy nhiên đây « không phải là tâm điểm » của thượng đỉnh tại Washington. Các lãnh đạo Joe Biden, Yoshihide Suga, Narendra Modi và Scott Morrison sẽ tập trung vào những lĩnh vực « y tế, an ninh mạng và phát triển cơ sở hạ tầng ». Quan chức này nói thêm « QUAD không liên quan gì đến hiệp định AUKUS » mà Anh, Mỹ và Úc vừa thông báo thành lập hôm 15/09/2021.

    Hãng tin Anh lưu ý, QUAD được thành lập với mục đích ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nhưng trong cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên hôm nay, sau cuộc họp trực tuyến hồi tháng 3/2021, lãnh đạo bốn nước trong nhóm này lại dành ưu tiên cho chính sách triển khai vac-xin ngừa Covid-19. Thông tín viên đài RFI Guillaume Naudin tại Washington giải thích :

    “Lãnh đạo bốn bên đối thoại lần thứ hai trong năm và lần này là một cuộc đối thoại trực tiếp tại Nhà Trắng trong lúc đại dịch vẫn hoành hành và điều đó lại càng cho thấy tầm mức quan trọng của thượng đỉnh. Dịch Covid-19 là một trong số rất nhiều chủ đề trong chương trình nghị sự, bao gồm từ các khâu sản xuất, phân phối vac-xin mà hiện cần được cải thiện. Ngoài ra, nhóm QUAD thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ mạng 5G, về an ninh mạng và về việc tổ chức các cuộc thao dượt quân sự chung trên biển”.

    Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là mối bận tâm của các bên, Guillaume Naudin cho biết tiếp:

    “Mỗi bên tham gia, Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đều có những quan tâm riêng và những bất đồng với Trung Quốc. Bắc Kinh đã không ngần ngại chỉ trích nhóm QUAD được hình thành để chống lại Trung Quốc. Quả thật là cả bốn thành viên nhóm Bộ Tứ này đều lo ngại trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với Biển Đông, đe dọa tự do lưu thông hàng hải và đây là một vấn đề hết sức quan trọng.

    Tuy nhiên, QUAD không phải là một liên minh quân sự, khác với hiệp ước an ninh ba bên AUKUS vừa được hình thành và đã khiến Pháp phẫn nộ. Ấn Độ, với truyền thống giữ thế trung lập, đã mạnh mẽ khẳng định quyết tâm đối thoại với Pháp. Paris muốn khẳng định vai trò của mình trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thượng đỉnh tại Washignton lần này là cơ hội để tổng thống Biden chứng minh rằng Hoa Kỳ có thể hợp tác với các đối tác, cho dù tất cả những đối tác đó không phải là những đồng minh thân thiết”.

    Mỹ sắp công bố kế hoạch mới về Ấn Độ -Thái Bình Dương

    Vẫn liên quan đến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 23/09/2021 thông báo Washington chuẩn bị công bố chiến lược mới về Ấn Độ-Thái Bình Dương. Reuters nhắc lại thông báo này được đưa ra trong khuôn khổ cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ với các đồng nhiệm khối ASEAN bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

    Ngoại trưởng Blinken nói thêm : Chiến lược mới của Mỹ về Ấn Độ- Thái Bình Dương dự trù được công bố vào “mùa thu này” và Washington dựa trên cơ sở “một tầm nhìn chung về một thế giới tự do, rộng mở và kết nối, về một khu vực an toàn”. Theo ông, ASEAN đóng một vai trò “then chốt” đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong tương lai.

    Trung Quốc cấm giao dịch và ‘đào’ tiền ảo, bitcoin mất giá


    Các cơ quan quản lý nhiều quyền lực nhất của Trung Quốc hôm thứ Sáu 24/9 tăng cường trấn dẹp tiền mã hóa bằng cách ban hành lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các giao dịch tiền mã hóa và hoạt động “đào” tiền mã hóa, giáng đòn mạnh vào đồng bitcoin và các đồng tiền điện tử có tiếng khác, đồng thời gây áp lực lên các cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử và chuỗi khối (blockchain).

    10 cơ quan của Trung Quốc, bao gồm cả ngân hàng trung ương cũng như các cơ quan quản lý ngân hàng, chứng khoán và ngoại hối, cam kết sẽ làm việc cùng nhau để loại bỏ hoạt động "bất hợp pháp" gắn với tiền điện tử. Đây là lần đầu tiên các cơ quan đóng tại Bắc Kinh cùng hợp lực để cấm đoán mọi hoạt động liên quan đến tiền mã hóa, còn gọi là tiền điện tử hay tiền ảo.

    Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tức ngân hàng trung ương, nói rằng tiền điện tử phải bị cấm lưu hành, không thể như tiền tệ truyền thống, và các sàn giao dịch ở nước ngoài bị cấm cung cấp dịch vụ qua internet cho các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục, khiến cho Coinbase và Binance bị cắt đứt khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

    PBOC cũng cấm các định chế tài chính, công ty thanh toán và công ty internet tạo điều kiện cho giao dịch tiền điện tử trên toàn bộ Trung Quốc.

    Chính phủ Trung Quốc sẽ "kiên quyết ngăn chặn hoạt động đầu cơ tiền ảo, các hoạt động tài chính liên quan và các hành vi sai trái nhằm bảo vệ tài sản của người dân và duy trì trật tự kinh tế, tài chính và xã hội", PBOC cho biết trong một tuyên bố.

    Vì tin tức này, Bitcoin, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới, mất giá hơn 6%, xuống còn hơn 42.000 đô la/1 bitcoin. Các đồng tiền ảo ít tiếng tăm hơn, vẫn thường tăng giảm cùng với bitcoin, cũng giảm giá trị. Đồng Ether giảm 10% trong khi đồng XRP giảm ở mức tương tự.

    Tuyên bố hôm 24/9 được đưa ra sau khi Quốc vụ viện tức nội các Trung Quốc tuyên bố hồi tháng 5 sẽ trấn dẹp hoạt động “đào” và giao dịch bitcoin trong khuôn khổ một nỗ lực trên bình diện rộng hơn nhằm giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính.

    Tuyên bố này làm tiêu tan hy vọng của nhiều người trong ngành tiền ảo vì họ từng nghĩ rằng cuộc trấn dẹp hồi tháng 5 sẽ không kéo dài và áp lực sẽ giảm bớt sau lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7.

    Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết họ đang tiến hành chiến dịch triệt để trên toàn quốc nhằm xóa sổ hoạt động “đào” tiền mã hóa. Ủy ban nói rằng các hoạt động đó đóng góp ít ỏi cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, trong khi lại gây ra rủi ro, tiêu thụ quá nhiều năng lượng và cản trở các mục tiêu về cân bằng trong phát thải carbon.

    Trong một công văn gửi các chính quyền địa phương, NDRC nói rằng "bắt buộc" phải xóa sổ việc “đào” tiền điện tử, đó là một nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với chất lượng cao.

    Việc “đào” tiền ảo từng là một ngành làm ăn lớn ở Trung Quốc, chiếm hơn một nửa nguồn cung tiền điện tử trên thế giới, trước khi có cuộc trấn dẹp bắt đầu hồi đầu năm nay.

    Triều Tiên sẵn sàng đối thoại nếu Hàn Quốc bỏ tiêu chuẩn kép


    Một quan chức cấp cao của Triều Tiên nói rằng Hàn Quốc đưa ra lời kêu gọi quá sớm về việc chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nhưng cánh cửa đối thoại vẫn rộng mở nếu Hàn Quốc vứt bỏ các tiêu chuẩn kép và chính sách thù địch, theo tường thuật của truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm thứ Sáu 24/9.

    Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải bằng hiệp định hòa bình, do đó, trên giấy tờ, lực lượng Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ đứng đầu vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên. Vấn đề chính thức chấm dứt chiến tranh bị mắc lại khi Mỹ lãnh đạo một nỗ lực nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in một lần nữa đưa ra lời kêu gọi hãy chính thức chấm dứt chiến tranh trong bài diễn văn trước Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 21/9.

    Quan chức cấp cao của Triều Tiên Kim Yo Jong, người em gái đầy quyền lực của lãnh tụ Kim Jong Un, cho rằng đề xuất của ông Moon thật "thú vị và đáng ngưỡng mộ" nhưng hiện chưa có các điều kiện phù hợp vì Hàn Quốc vẫn luôn có các tiêu chuẩn kép, thành kiến và thù địch.

    "Trong tình hình như vậy, tuyên bố kết thúc chiến tranh chẳng có ý nghĩa gì khi mà tất cả những điều đó vẫn còn nguyên, và chúng có thể trở thành mầm mống của một cuộc chiến giữa các bên vốn đã có mâu thuẫn trong hơn nửa thế kỷ", bà Kim đưa ra quan điểm, được hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đăng tải.

    Bà nói rằng Hàn Quốc nên thay đổi thái độ và thúc đẩy các điều kiện cho một cuộc thảo luận có ý nghĩa về cách thức chấm dứt xung đột và cải thiện quan hệ.

    "Những cái cần phải loại bỏ là thái độ hai mặt, thành kiến phi logic, thói quen xấu và lập trường thù địch biện minh cho hành động của họ, trong khi lại đổ tiếng xấu cho việc chúng tôi thực hiện quyền tự vệ chính đáng", bà Kim nói.

    "Chỉ khi nào đạt được điều kiện tiên quyết như vậy, mới có thể ngồi trực diện và tuyên bố chấm dứt chiến tranh và thảo luận về vấn đề quan hệ bắc nam và tương lai của bán đảo Triều Tiên", vẫn lời bà Kim.

    Trong hàng chục năm qua, Triều Tiên tìm cách chính thức chấm dứt chiến tranh nhưng Hoa Kỳ không muốn chấp nhận điều đó, trừ khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

    Nhật Bản hoan nghênh Đài Loan xin gia nhập CPTPP, nêu ra các giá trị chung


    Nhật Bản hôm thứ Sáu 24/9 hoan nghênh việc Đài Loan xin gia nhập hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương CPTPP, nêu ra các giá trị dân chủ có chung với hòn đảo này.

    Việc các quan chức Nhật Bản đánh giá cao các giá trị của Đài Loan về dân chủ và pháp quyền cho thấy sự tương phản với phản ứng thận trọng của chính Nhật Bản trước nỗ lực của Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

    "Chúng tôi coi Đài Loan là một đối tác rất quan trọng mà chúng tôi chia sẻ các giá trị nền tảng như tự do, dân chủ, nhân quyền cơ bản và pháp quyền", Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura nói trong một cuộc họp báo. Nhật Bản là nước chủ trì khối CPTPP trong năm nay.

    Đài Loan nộp đơn vào hôm 22/9, khiến Trung Quốc tức giận, quốc gia này coi đảo Đài Loan là một trong những tỉnh của mình và không có quyền trở thành một nhà nước.

    Phát biểu tại thành phố cảng Keelung, miền bắc Đài Loan 24/9, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết hòn đảo rất mạnh về công nghệ này hoàn toàn sẵn sàng gia nhập khối.

    Bà nói: “Việc tham gia CPTPP sẽ củng cố vị thế chiến lược, kinh tế và thương mại toàn cầu quan trọng của Đài Loan, đồng thời hội nhập sâu rộng hơn nữa với thế giới”.

    Tuy Nhật Bản cho rằng đơn của Đài Loan sẽ cần được xem xét kỹ lưỡng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hiệp định thương mại, song phản ứng tích cực của Nhật về Đài Loan tương phản rõ rệt với việc Nhật phản ứng thận trọng về đơn của Trung Quốc hồi tuần trước.

    Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso bày tỏ hoài nghi về cơ hội của Trung Quốc, viện dẫn các quy định nghiêm ngặt về doanh nghiệp nhà nước.

    Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato hôm 24/9 không trả lời thẳng khi phóng viên hỏi về việc đã có những phản ứng khác nhau đối với các đơn xin gia nhập. Ông không nói chi tiết về quan điểm cụ thể của Nhật Bản đối với Trung Quốc song ông đề cập đến các giá trị có chung với Đài Loan.

    Ông Katsunobu Kato, cũng là người phát ngôn chính của chính phủ Nhật, nói thêm rằng theo quy định của CPTPP, cánh cửa kết nạp thành viên hoàn toàn mở cho Đài Loan, và ông lưu ý rằng Đài Loan đã là thành viên độc lập của Tổ chức Thương mại Thế giới và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

    Hiệp định thương mại ban đầu gồm 12 thành viên, có tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), từng được coi là đối trọng kinh tế quan trọng đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

    Nhưng TPP bị bỏ lửng vào năm 2017 khi Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định.

    Anh cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP gồm 11 thành viên và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Nishimura cho biết cuộc họp đầu tiên để thảo luận về đơn của Anh sẽ diễn ra vào ngày 28/9.

    Pháp-Mỹ: Paris duy trì áp lực, Washington hứa sẽ có hành động


    Một ngày sau cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp và Mỹ, Paris hôm qua, 23/09/2021 vẫn duy trì sức ép lên Washington, cho rằng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc và Washington cần phải có những hành động cụ thể để khôi phục lòng tin.

    Trong cuộc hội đàm tay đôi kéo dài khoảng một giờ đồng hồ với đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken bên lề khóa họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã khẳng định rằng: Dù tổng thống hai nước đã có bước đi đầu tiên với cuộc điện đàm, nhưng để giải quyết cuộc khủng hoảng song phương, “cần có thời gian và hành động” cụ thể.

    Nếu ngoại trưởng Pháp có lời lẽ được cho là cứng rắn, đồng nhiệm Mỹ của ông lại có tuyên bố hòa dịu. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Antony Blinken công nhận rằng việc hòa giải “sẽ mất nhiều thời gian và rất nhiều công sức”, nhưng phía Mỹ sẽ chuyển từ “các tuyên bố” sang “hành động” để vượt qua cuộc khủng hoảng với Pháp.

    Thái độ cứng rắn của Paris được duy trì trong bối cảnh kể từ đầu tuần, ngoại trưởng Pháp thường xuyên có những lời lẽ rất gay gắt với Mỹ và từ chối bất kỳ cuộc nói chuyện nào với đồng nhiệm Hoa Kỳ.

    Pháp đã nổi giận từ ngày 15/09 sau khi Mỹ, Úc và Anh bất ngờ loan báo thành lập liên minh AUKUS, với hậu quả là Canberra đơn phương hủy bỏ hoàn toàn một hợp đồng lớn mua tàu ngầm của Pháp, để quay sang nhờ Mỹ hỗ trợ.

    EU duy trì đàm phán về thương mại và công nghệ với Mỹ

    Bất chấp thái độ còn tức giận của Pháp, Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 23/09/2021, đã xác nhận sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về thương mại và công nghệ với Hoa Kỳ, dự kiến ​​vào tuần tới, bất chấp cuộc khủng hoảng ngoại giao bắt nguồn từ việc Úc đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp.

    Trong những ngày qua, chính Paris làm dấy lên khả năng sự kiện Hội Đồng Công Nghệ và Thương Mại Pittsburg, dự trù ngày 29/09 sắp tới, có thể bị hoãn lại để trả đũa vụ tàu ngầm.

    Trung Quốc: Các chủ nợ của Evergrande vẫn không rõ điều gì sẽ xảy ra


    Tập đoàn bất động sản Evergrande rơi vào tình trạng bất định khi thời hạn chót để thanh toán một loạt trái phiếu phát hành ở thị trường nước ngoài đã trôi qua. Thị trường toàn cầu đang theo dõi khả năng Evergrande tuyên bố vỡ nợ trong khi giới đầu tư lo lắng về số phận của gã khổng lồ phát triển bất động sản này, theo Reuters.

    Evergrande đã không đủ tiền để chi trả các khoản lãi đến hạn đối với các khoản nợ trị giá 305 tỷ đôla. Các nhà đầu tư lo ngại nếu Evergrande sụp đổ có thể tạo rủi ro mang tính hệ thống đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc và khiến cuộc khủng hoảng lây lan sang các thị trường khác trên toàn cầu.

    Tuần rồi, Evergrande đã bổ nhiệm các cố vấn tài chính và cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến mức sụt giảm nghiêm trọng vào hôm thứ hai 20/9, mặc dù các chỉ số giờ đã ổn định. Tại các văn phòng của Evergrande, các nhà đầu tư nhỏ đã giận dữ phản đối để lấy lại khoản tiền đã đầu tư vào tài sản và các sản phẩm quản lý tài sản.

    Evergrande đã hứa ưu tiên những nhà đầu tư và cũng giải quyết một khoản chi trả đối với các trái phiếu nội địa trong tuần này. Thế nhưng, tập đoàn này không hứa gì về các khoản trả lãi ở nước ngoài lên đến 83,5 triệu đôla, đã hết hạn thanh toán vào ngày 23/9 hoặc khoản chi trả 47,5 triệu đôla hết hạn vào tuần tới.

    Evergrande đang trong thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày sau khi không thể trả nợ đã đến hạn thanh toán vào hôm qua 23/9. Những chủ nợ dần mất hy vọng và bắt đầu suy nghĩ là có thể phải mất một tháng hoặc khoảng như thế để mọi thứ trở nên rõ ràng.

    Trong phiên giao dịch ngày hôm nay tại Hong Kong thì không có thông báo về các khoản trả nợ. Người phát ngôn của Evergrande không trả lời bình luận của Reuters khi được yêu cầu.

    Việc không trả nợ trong vòng 30 ngày kể từ thời hạn chót sẽ dẫn đến tình trạng vỡ nợ và làm gia tăng mối quan ngại về việc bán tài sản để trả nợ trong hỗn loạn và lây lan đến toàn bộ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

    "Căn cứ vào mức định giá thị trường hiện thời, ước tính những nhà đầu tư đang nắm giữ các trái phiếu đôla của Evergrande có thể lấy lại rất ít," Jennifer James, chuyên gia quản lý hồ sơ tài sản và phân tích các thị trường mới nổi tại Janus Henderson Investors nhận định.

    "Kết quả có thể đạt được là công ty sẽ làm việc với các chủ nợ để tái cấu trúc thỏa thuận," bà Jennifer cho biết.

    "Cách Trung Quốc xử lý Evergrande và các công ty khác có thể để lại hậu quả. Nếu quản lý sai thì việc mất niềm tin có thể tạo hiệu ứng lây lan đến các thị trường tài chính khác."

    Chiêu thức trì hoãn

    Dựa theo tốc độ làm chính sách của Trung Quốc thì giới chức có thể chọn cách trì hoãn," Wei-Liang Chang, chuyên gia về chiến lược vĩ mô của DBS Bank tại Singapore nhận định.

    "Không thể tránh khỏi việc lĩnh vực buôn bán và đầu tư nhà ở có thể phát triển chậm lại - và điều này có thể thổi bay gần 1% tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc," các chuyên gia phân tích tại Societe Generale nhận định.

    "Nếu các nhà làm chính sách càng chậm trong việc hành động thì nguy cơ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát ngày càng cao hơn", theo Societe Generale.

    Hiện vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy sự can thiệp chính thức từ chính phủ Trung Quốc. Đợt bơm 270 tỷ nhân dân tệ (tương đương 42 tỷ đôla Mỹ) từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hồi tuần này là số tiền lớn nhất kể từ tháng 1 và đã tạo mức giá sàn cho cổ phiếu.

    Vào hôm qua 23/9, Bloomberg Law tường thuật các nhà làm luật Trung Quốc đã yêu cầu Evergrande tránh việc bị vỡ nợ trong tương lai gần, trích nguồn thạo tin cho hay.

    Tuy nhiên Wall Street Journal trích dẫn một quan chức giấu tên cho biết giới chức đã yêu cầu các chính quyền địa phương chuẩn bị cho tình huống Evergrande bị sụp đổ.

    Thị trường toàn cầu đã bắt đầu sự hồi phục theo sau đợt bán tháo ồ ạt, giao dịch dựa trên căn cứ là các vấn đề của Evergrande có thể được kiểm soát.

    Các tài sản của Evergrande đang được giao dịch ở mức cực kỳ thấp, giá cổ phiếu đã giảm hơn 80% và những trái phiếu đôla đã đến hạn thanh toán đang được giao dịch chỉ khoảng 30 cent cho một trái phiếu.

    Không có nhận xét nào