Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 22 tháng 9 năm 2021

     Võ Thái Hà tổng hợp

    Tổng thư ký LHQ gián tiếp chỉ trích Mỹ, Trung khiến thế giới tách thành hai khối

    Tổng thứ ký LHQ Antonio Guterres ( T ) tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden nhân khóa họp thứ 76 Đại Hội Đồng LHQ, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2021. REUTERS - KEVIN LAMARQUE

    Ngày 21/09/2021, trong buổi khai mạc khóa họp thứ 76 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ nỗi lo ngại trước nguy cơ thế giới bị tách thành hai khối, và tình trạng này, nếu xảy ra, có thể để lại những hậu quả còn « tồi tệ hơn » thời kỳ Chiến tranh lạnh.

    Không chỉ đích danh, nhưng rõ ràng là ông Antonio Guterres nhắm vào Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong các bài diễn văn tiếp theo hôm qua, hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đã cố trấn an cộng đồng quốc tế. Trong bài diễn văn của ông, tổng thống Mỹ không hề trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc, nhưng nhiều diễn đạt cho thấy Washington đối lập với Bắc Kinh trên hàng loạt lĩnh vực, từ các vấn đề an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho đến thương mại, nhân quyền. 

    Thông tín viên Carrie Nooten tường trình từ New York : 

    « Chúng tôi không muốn một cuộc Chiến tranh lạnh mới », tổng thống Hoa Kỳ ngay lập tức đáp lại những lo ngại của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, cũng như phần còn lại của thế giới, đang lo lắng trước căng thẳng dâng cao những tháng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh. 

    Tổng thống Mỹ thừa nhận, về nhiều vấn đề lớn của nhân loại như khí hậu, đại dịch, hay phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không thể có được các giải pháp, nếu không có sự phối hợp giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.

    Tuy nhiên, ông Joe Biden cũng cảnh báo : Hoa Kỳ sẽ không bao giờ để cho một đất nước nhỏ bé bị xâm lược. Tuyên bố này khiến người ta ngay lập tức nghĩ đến các bất đồng xung quanh vấn đề Đài Loan. 

    Vài giờ sau đó, đến lượt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng. Tương tự như bài diễn văn hồi năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc tự khẳng định như một người cổ vũ nhiệt thành cho chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh đến đòi hỏi phải đối thoại và hợp tác.

    Do đương kim tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không chọn cách hành xử đơn phương như người tiền nhiệm Donald Trump, những lời lẽ của chủ tịch Trung Quốc cứ như thể là một sự lặp lại kỳ lạ bài diễn văn của người đồng cấp Mỹ.

    Lãnh đạo Trung Quốc cũng đòi hỏi vị thế một siêu cường của nước này phải được khẳng định đầy đủ. Hai lãnh đạo Mỹ, Trung đã cố gắng trấn an, nhưng thế nguyên trạng hiện nay dường như rất khó được duy trì ». 

    Khí hậu : Mỹ sẽ tài trợ thêm 11,4 tỉ đô la/năm cho các nước nghèo 

    Trong bài diễn văn hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đặc biệt cổ vũ việc dùng các nỗ lực « ngoại giao » để giải quyết các khủng hoảng. « Sức mạnh quân sự » chỉ là biện pháp sau cùng, theo ông Joe Biden. Tổng thống Mỹ cũng đưa ra nhiều cam kết mới về khí hậu.

    Ông Biden hứa sẽ làm việc với Quốc Hội Mỹ để tăng gấp đôi, từ đây đến 2024, khoản trợ giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đối khí hậu, cụ thể là 11,4 tỉ đô la hàng năm cho lĩnh vực này, trong tổng số 100 tỉ/năm mà Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phát triển đã hứa hẹn hỗ trợ các nước nghèo trong lĩnh vực khí hậu.

    26 thống đốc yêu cầu Biden họp về khủng hoảng biên giới

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/04/bien-gioi-1-700x366.jpg

    Ảnh chụp màn hình: Daily Wire.

    Fox News đưa tin, hơn 20 thống đốc Cộng hòa đang yêu cầu họp với Tổng thống Biden để giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh biên giới của Mỹ. Các thống đốc cho rằng, làn sóng nhập cư bất hợp pháp dưới thời ông Biden đã tạo ra một “cuộc khủng hoảng nhân đạo quốc tế”.

    26 thống đốc Cộng hòa bao gồm các thống đốc của tiểu bang Arizona, Florida, Texas… đã ký vào một lá thư công bố hôm thứ Hai (20/9). Các thống đốc yêu cầu tổng thống Biden lên họp với họ tại Tòa Bạch Ốc trong vòng 15 ngày tới.

    Những nhà lãnh đạo tiểu bang này mong muốn thay mặt người dân Hoa Kỳ và những người hy vọng trở thành công dân Hoa Kỳ, để đối thoại cởi mở và xây dựng với chính quyền Biden về các biện pháp thực thi tại biên giới. 

    Các thống đốc cho biết, các vụ bắt giữ ở biên giới đã tăng gần 500% so với năm ngoái, dưới thời cựu tổng thống Trump. Trong đó, có khoảng 9.700 trường hợp vượt biên bất hợp pháp bị bắt giữ là người có tiền án hình sự. Các thống đốc Cộng Hòa cho hay, lượng ma túy fentanyl bị thu giữ trong năm tài chính này cao hơn so với tổng lượng Fentanyl của 3 năm trước gộp lại. 

    Bức thư viết “Trong khi các thống đốc đang làm những gì chúng tôi có thể, Hiến pháp yêu cầu tổng thống phải thực hiện chính xác các điều luật nhập cư đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ liên bang không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng [biên giới] mà còn khiến các tiểu bang của chúng tôi phải đối mặt với những thách thức mà chỉ chính phủ liên bang mới có quyền hạn giải quyết”. 

    Các thống đốc tiếp tục. “Là tổng thống, ông có khả năng hành động để bảo vệ nước Mỹ, khôi phục an ninh và chấm dứt cuộc khủng hoảng ngay bây giờ.”

    Bức thư được công bố một ngày sau khi chính phủ Mỹ đóng cửa một phần biên giới phía nam và bắt đầu trục xuất hàng trăm người di cư Haiti đang cắm trại quanh một cây cầu ở Del Rio, Texas. 

    Tòa Bạch Ốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Fox News

    Joe Biden và Tập Cận Bình đối đầu tại Liên Hiệp Quốc

    https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjGJ-hAHxa6nbOeS6yoXVMHsXOkSALewgWL2cZMexaekuXM8O6kQuurHY4YXxVeIXsi_E9ihTPB4L14g0ZxNnjkX9VsIaovQ9tmB9wuZJamrfMtdoZRKVIqXAba_La00dmOLPDkHTYCIRxD/w400-h266/13.jpeg

    Hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình hôm nay 21/09/2021 sẽ đối đầu tại Liên Hiệp Quốc : Tổng thống Mỹ đến phát biểu trong ngày khai mạc cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và sau đó chủ tịch Trung Quốc lên tiếng qua video thu sẵn được gởi đến. 

    Theo phát ngôn viên Jen Psaki, ông Biden trong lần đầu tiên dự họp Liên Hiệp Quốc, sẽ tuyên bố « không tìm cách tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh với bất kỳ nước nào », và quan hệ với Trung Quốc không phải là xung đột, mà là cạnh tranh. Bắc Kinh cũng phản đối ý tưởng « chiến tranh lạnh mới », nhưng đây là điểm giống nhau duy nhất giữa hai đại cường, mà quan hệ đang rất căng thẳng.

    Đối với tổng thống Dân Chủ, diễn đàn đa phương này là cơ hội để nhấn mạnh đến « sự trở lại » của nước Mỹ sau bốn năm dưới thời Donald Trump. Tuy nhiên, việc rút quân trong hỗn loạn khỏi Afghanistan mà không phối hợp với các đồng minh, và khủng hoảng với Pháp trong thương vụ tàu ngầm Úc, đang làm mờ đi thông điệp của Biden, trong bối cảnh phương Tây tìm phương cách đối phó với Bắc Kinh.

    Tổng thống Biden coi việc so găng với Trung Quốc là ưu tiên lớn nhất của nhiệm kỳ, nhấn mạnh sự đối đầu giữa các nền dân chủ và chế độ độc tài. Sự thành lập liên minh AUKUS nằm trong chiến lược này. Về phía Paris và một số nước châu Âu muốn có thái độ mềm dẻo hơn.

    Ngày khai mạc không như dự kiến của Biden

    Bài diễn văn của Joe Biden hôm nay là một trong những phát biểu được chờ đợi nhất tại cuộc họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thế giới muốn hiểu thêm về việc rút quân khỏi Afghanistan và dự định tiếp theo của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ cũng muốn đặt vấn đề khí hậu làm tâm điểm. Tuy nhiên, từ bốn ngày qua mọi sự đã thay đổi, và không khí ngày khai mạc sẽ không như dự kiến, theo giải thích của thông tín viên Carrie Nooten tại New York :

    « Trước hết, chương trình đọc diễn văn vốn được xếp theo một số quy tắc lẫn thứ tự tình cờ, chừng như dành ưu tiên cho tổng thống Mỹ, không có diễn giả nào được qua mặt.

    Tuy nhiên có sự thay đổi : Tập Cận Bình gởi đến một thông điệp sẽ được phổ biến trong buổi sáng, nên bỗng dưng hai cường quốc chia sẻ diễn đàn. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres sẽ đề cập đến sự đối đầu giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung, mà theo ông « nguy hiểm hơn cả Chiến tranh lạnh ».

    Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Âu mà ông Joe Biden sẽ gặp gỡ bên lề hội nghị rất tức giận với Washington. Ngoại trưởng 27 nước châu Âu tại New York hôm qua đã phản đối cách xử sự với Pháp, nạn nhân của liên minh AUKUS. Tóm lại, đó là một công chúng rõ ràng ít ủng hộ tổng thống Mỹ hơn dự kiến. Cuối cùng, Iran từ chối một cuộc họp ở New York nhằm tái thúc đẩy đàm phán về hồ sơ hạt nhân.

    Thế nên, dù có tin là tổng thống Mỹ sẽ loan báo đóng góp khoản tiền rất lớn cho vấn đề khí hậu, lời hứa của ông có nguy cơ bị thời sự địa chính trị nhấn chìm ».

    Evergrande: nạn nhân lớn đầu tiên khi Trung Quốc siết chặt bất động sản

    Evergrande – công ty bất động sản nhiều nợ nhất thế giới – dự kiến ​​sẽ không thể trả các khoản nợ tính lãi bằng nhân dân tệ lẫn đô la Mỹ trong tuần này. Tin hãng có khả năng sụp đổ đã làm rung chuyển các thị trường trên toàn thế giới, với các chỉ số châu Âu và châu Mỹ đều giảm. Lợi tức trái phiếu của các hãng bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc tăng vọt, trong khi giá trị thị trường của các tổ chức tài chính tiếp xúc nhiều với lĩnh vực bất động sản cũng giảm.

    Cuộc khủng hoảng này đã kéo dài được một thời gian. Evergrande ngày càng dựa vào các khoản nợ ngắn hạn, với triết lý kinh doanh cầm tiền vay đi xây nhà và bán chúng trước khi xây xong. Kể từ tháng 8 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc bắt đầu hạn chế các hãng bất động sản tích lũy nợ, kiềm chế cả tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản và nợ trên vốn chủ sở hữu, cũng như yêu cầu các công ty phải nắm giữ số tiền mặt tương đương nợ ngắn hạn. Những quy tắc này đã đảo lộn ngành bất động sản của Trung Quốc, vốn chiếm 20-25% GDP. Do đó câu chuyện sẽ không chỉ dừng ở Evergrande.

    Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về vắc-xin

    Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về vắc-xin vào hôm nay. Đây là cuộc họp lớn nhất về đại dịch của các nguyên thủ quốc gia cho đến nay. Có rất nhiều chủ đề đáng thảo luận. Hơn 70% người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm liều đầu ở EU và Bắc Mỹ, trong khi chỉ 6% ở châu Phi cận Sahara. Khi các nước giàu dự tính tiêm nhắc lại, sáng kiến ​​chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX đã nói nguồn cung vào năm 2021 sẽ thấp hơn 25% so với dự báo trước đó. Đáng mừng là Ấn Độ, nhà cung cấp chính của COVAX, cho biết trong tuần này rằng họ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin.

    Ông Biden dự kiến ​​sẽ kêu gọi tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số thế giới trong vòng 12 tháng. Ông cũng muốn các nước giàu bổ sung 1 tỷ liều vào số 2 tỷ liều đã hứa và cung cấp 10 tỷ USD tài trợ mới cho đến cuối năm 2022. Dù vậy hội nghị chỉ là bước đầu tiên. Các nước sản xuất vắc-xin rõ ràng nhận thấy hứa dễ hơn làm.

    Lạm phát Brazil tăng cao

    Ngân hàng trung ương Brazil sẽ điều chỉnh lãi suất, hiện ở mức 5,25%, vào thứ Tư. Các nhà phân tích dự đoán tăng 1%. Lạm phát năm đã lên 9,7% trong tháng 8, cao nhất kể từ 2016. Nhưng chủ tịch ngân hàng trung ương Roberto Campos Neto vẫn quyết tâm giữ lạm phát vượt không quá 1,5% so với mục tiêu của chính phủ là 3,75% trong năm 2021.

    Làm vậy rất khó. Hạn hán đã khiến giá điện tăng 15% kể từ tháng 7. Đồng tiền mất giá cũng khiến giá nhiên liệu tăng hơn 30% trong năm nay. Và GDP giảm 0,1% trong quý 2, khiến giới quan sát lo ngại về lạm phát đi kèm kinh tế đình trệ (stagflation).

    Hai tuần trước, Tổng thống Jair Bolsonaro đã xuống đường với hàng trăm nghìn người ủng hộ để chỉ trích các thẩm phán và hệ thống bỏ phiếu điện tử của Brazil. Ngày hôm sau, trong bối cảnh lo ngại đảo chính, giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên chỉ số chứng khoán Brazil Ibovespa giảm gần 4%. Đồng real giảm hơn 2% giá trị. Và ngân hàng cũng dự báo GDP năm tới chỉ tăng ở mức ảm đạm 1,6%.

    Fed họp ủy ban thiết lập lãi suất

    Khi kết thúc cuộc họp của ủy ban thiết lập lãi suất vào thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến ​​sẽ tuyên bố đang chuẩn bị bắt đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ vào cuối năm nay (nghĩa là giảm mua tài sản, vốn đang ở mức 120 tỷ đô la một tháng).

    Đà lây nhiễm của covid-19 gần đây đã đè nặng lên các doanh nghiệp, đặt ra câu hỏi liệu Fed có thực sự sẵn sàng từ bỏ các chính sách nới lỏng hay không. Nhưng với lạm phát ở mức cao nhất gần ba mươi năm, khó có thể đợi lâu hơn. Thị trường cũng sẽ chú ý đến các dự báo của các nhà hoạch định chính sách về lãi suất trong tương lai. Lần đầu tiên, những dự báo này sẽ bao gồm cả năm 2024 – thời điểm đó mọi thứ đều tốt đẹp, chính sách tiền tệ trở lại bình thường. Nhưng để đến được đó còn nhiều khó khăn.

     

    Không có nhận xét nào