Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Đinh Xuân Quân: Afghanistan Trong Tương Lai Gần


    Trên truyền thông chúng ta có thể thấy những hình ảnh kinh hoàng của cuộc “di tản” Kabul bằng máy bay C 17 và cuộc triệt thoái quân đội Hoa kỳ vào ngày 31 tháng 8 năm 2021 sau 20 năm đồn trú tại đây.

    Nó làm cho chúng ta những người Việt Nam tưởng nhớ đến cuộc di tản tại Việt Nam vào 1975. Nhưng về thực chất Saigon và Kabul khác hẳn nhau. Trước hết là phi trường Kabul không bị pháo kích hay bị ném bom mà chỉ bị ISIS bắn hỏa tiễn vào phi trường nhưng bị phòng không Hoa kỳ bắn hạ cho nên không có thiệt hại gì đáng kể; chỉ có một vụ nổ bom tự sát làm 13 lính Mỹ và hơn 170 người Afghan thiệt mạng.

    Trong 17 ngày, Hoa kỳ đã mang trở lại 6,000 lính dù và thủy quân lục chiến để giữ trật tự cho phi trường. Người dân Afghan sợ sãi vì kinh nghiệm của quá khứ đã gây tê liệt cho hoạt động cửa phi trường, nhất là khi cảnh sát và quân chính phủ Afghanistan đã biến mất. Dân chúng tụ tập tại nhiều cửa trong đó một cửa gần khách sạn Baron (mà trước đây tác giả đã ở trong vài năm). Không quân Hoa kỳ và một số máy bay đồng minh NATO (Anh, Pháp, Úc, Hà Lan, vv.) đã di tản được hơn 120,000 kiều dân Hoa kỳ, các nước khác và một số người Afghan. Đó là một kỳ công đáng kể tron một thời gian ngắn.

    Chuyện Afghanistan còn dài nhưng tác giả xin nói về tân nội các Taliban, và các phản ứng của các nước láng giềng. Sau khi Taliban nắm chính quyền thì thử thách trước mắt là gì? Kinh tế? Lòng dân? Tác giả đã làm việc 7 năm tại đây và đã viết cuốn sách “Kiên trì với l‎ý tưởng – từ Saigon đến Kabul” do nhà xuất bản Người Việt ấn hành năm 2020. Tác giả đã chia sẻ một số hiểu biết về Afghanistan cho độc giả Việt Nam, vốn không mấy quen thuộc với đất nước này.

    Thành phần chính của chính phủ Lâm thời Afghananistan

    Khi chiến thắng, quân Taliban có những tuyên bố ôn hòa, ví dụ cho phép phụ nữ học hành và đóng góp cho xã hội, cố giữ các liên hệ với các nước ngoài… Nhưng hiện còn quá sớm để đánh giá sự thật ra sao.

    Danh sách chính phủ lâm thời Taliban gồm toàn các nhân vật nam trong đó có 4 người từng ở tù Guatanamo, đa số người sắc tộc Pashtun trừ 1 người Tajik và 1 người Uzbek. Cũng nên biết Afghanistan gồm nhiều bộ tộc :

    1. Pashtun (42% dân số) ở miền Nam và các tỉnh Nangahar và Paktia. Họ nói tiếng Pashto. Theo Hồi giáo hệ Sunni cực đoan

    2. Tajiks (27% dân số) ở miền Bắc – gốc Iran nhưng theo hệ Sunni. Sinh sống tại Kabul và Herat

    3. Hazara (9% dân số) – gốc Mông cổ, bị coi như thường dân hạng 2 và truy lùng vì theo hệ Shiai

    4. Uzbeks (9% dân số) theo hệ Sunni và tiếng nói có pha Thổ

    5. Turkomen (3%) gần phía Bắc

    6. Baluchis (du mục) nói thổ ngữ Baluchi.

    Theo lịch Hồi giáo, Afghanistan nay ở thế kỷ 15. Các lãnh đạo (xem hình dưới đây) của tân chính phủ lâm thời Taliban gồm Akhundzada, trước đây là Bộ trưởng bộ Tư pháp hồi 2001. Lãnh đạo tối cao Mawlawi Hibatullah Akhundzada tuyên bố sẽ cho thực thi luật Sharia và muốn có liên hệ với các nước bên ngoài và Taliban cam kết giữ các hiệp ước quốc tế nếu không đi ngược lại luật Hồi Giáo.

    Giáo sĩ (GS) Akhund thủ tướng chính phủ là người đồn trú tại Pakistan trong suốt 20 năm. Ông này đã không tham gia phong trào chống Liên xô trước đây. Ông gốc Kandahar và là bộ trưởng ngoại giao thời Taliban 2001 và thuộc nhóm “Quetta Shura.” GS Akhund có cái nhìn rất cổ hủ về phụ nữ, cấm giáo dục phụ nữ, và chủ trương cách biệt nam – nữ. Ông là người bị cho là có trách nhiệm trong việc phá tượng Phật tại Bamiyan.

    Giáo sĩ Baradar người bị tù 8 năm tại Pakistan vì thân với cựu Tổng Thống Karzai và ông này có nhiều tranh chấp với phái Haqqani. Dưới áp lực của TT Donald Trump ông được thả để cầm đầu phái đoàn Taliban điều đình với Hoa kỳ tại Doha. Nay ông chỉ giữ chức Phó Thủ tướng mà thôi.

    Bộ trưởng Tư Pháp là Sirajudin Haqqani thuộc phe Haqqani. Ông này bị FBI cho vào danh sách khủng bố với giải thưởng $ 5 triệu trong khi Taliban nói tại Doha Hoa kỳ hứa rút tên ông này ra khỏi danh sách bị truy lùng. Ông này bị tố là đánh quân đội Hoa kỳ và còn trong danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc. Bộ trưởng Quốc Phòng là GS Mohammed Yaqoob, con trai của GS Omar. Bộ trưởng Ngoại Giao là Maulawi Amir Khan Muttaqi, thuộc thành phần 1000 người được di tản khỏi Kunduz theo lời yêu cầu của TT Pakistan Musharraf với TT Bush khi phe miền Bắc vây thành phố này. Trong cuộc di tản này có các cố vấn Pakistan và thành phần Al Queda.

    Chính phủ lâm thời Taliban hiện nay không có thành phần nào khác. Như Taliban đã tuyên bố, đây là một chính phủ ôn hòa, gồm nhiều thành phần. Theo các chuyên gia thì thành phần chính phủ lâm thời cho thấy phe ôn hòa như GS. Abdul Ghani Baradar, người thương thuyết tại Doha đã bị đẩy vào bên lề và thay vào đó là các thành phần cố hữu. Đó là cách mà IS (cơ quan tình báo Pakistan) đã ảnh hưởng đến phong trào Taliban. Trong suốt thời gian chiến tranh từ chiến tranh với Liên Xô tới phong trao giải phóng mujahedeen và sau này chiến tranh với Taliban, Pakistan lúc nào cũng ảnh hưởng đến nội bộ Afghanistan. Lúc nào Pakistan cũng đi hàng hai và ủng hộ Taliban, kể cả cho Osama cư trú.

    Pakistan là hậu phương của Taliban và chính phủ Hoa kỳ đều biết việc này. Vì vậy khi gởi biệt kích đi hành quyết Osama Bin Laden cư trú gần trường võ bị Pakistan thì biệt kích Hoa kỳ đã tránh né cơ quan tình báo Pakistan IS.

    Các chuyên gia cho là GS Aklund và Sirajudin Haqqani là hai con cờ của Pakistan, các người này đã trú ẩn tại Pakistan trong nhiều năm. Ngoài ra nhiều thành phần tân nội các còn bị LHQ cho vào sổ “đen” vì các hành vi “khủng bố.”

    Đây là một chính phủ lâm thời gồm nhiều thành phần còn có tên trong sổ “đen” vì có các hành vi cực đoan trong quá khứ.

     

    Nhưng ai cũng biết là Taliban đang gặp nhiều khó khăn và thử thách trong việc quản l‎í đất nước trong thời gian sắp tới. Những khó khăn trước mắt của Taliban là gì?

    Những khó khăn/thử thách của Taliban

    Hiện nay vào thời điểm 2021, các khó khăn của Afghanistan là xứ này bị

    1) Hạn hán,

    2) Covid 19 hoành hành và

    3) Xáo trộn chính trị.

    Trong 20 năm qua, Hoa kỳ và các đồng minh đã thành công xây dựng một xã hội của thế kỷ 21 tại các thành thị (1/3 dân số) nghĩa là dân chúng đã quen với việc có điện nước, Y tế công cộng được chính phủ lo miễn phí, internet, về giáo dục đã mở nhiều Đại học, và ở cấp thấp hơn có khoảng 4,000 trường học với phái nữ được đi học và được quyền bình đẳng. Trong 20 năm qua xã hội Afghanistan đã thay đổi và tiến vào thế kỷ 21.

    Xã hội Afghanistan ở thế kỷ 21 gồm các thành phần sống ở thành thị, nửa số dân còn lại vẫn ở nông thôn với cuộc sống còn lạc hậu.

    Theo các chuyên gia thì ngân sách chính phủ Afghanistan thu hàng năm vào khoảng $2.8 tỷ, nhưng lại xài $11.4 tỷ. Trong chi tiêu ngân sách chính phủ, 50% được dành cho quốc phòng và an ninh (Cảnh sát), 18% cho đầu tư phát triển, 16% cho Y tế và 7% cho guồng máy chính phủ - công vụ.

    Tìm hiểu sâu hơn thì 75% GDP của Afghanistan là do viện trợ của các nước ngoài trong khi chỉ có 25% là do nội địa. Hàng năm khoảng ngân sách viện trợ của Hoa kỳ là 6 tỷ và các cơ quan phát triển quốc tế như World bank, ADB, IMF, vv. cũng đóng góp rất nhiều.

    Quỹ tái thiết của Afghanistan là do Đức và các nước Âu châu quản l‎í và các số tiền viện trợ này đã bị đóng băng khi Taliban chiếm Afghanistan. Hiện nay Hoa kỳ đã đóng băng tiền của Ngân Hàng trung ương (DAB) khoảng 10 tỷ.

    Thật là một thử thách lớn cho một tổ chức chỉ chuyên đánh “du kích”, nay nắm chính quyền, làm sao giải quyết ba khó khăn trên. Về hạn hán cần có lương thực cho mọi người, dù là dân nông thôn hay thành thị. May mắn lắm thì có vài nước như Trung Quốc hay Saoudi Arabia viện trợ! Vấn đề y tế, đối đầu với Covid, làm sao có đủ vaccin cho mọi người mà chỉ có các quốc gia Tây phương có khả năng kỹ thuật để cung ứng. Về xáo trộn chính trị làm sao Taliban có thể thuyết phục dân yên lòng tiếp tục cộng tác với chính quyền mới?

    Một trong các giải pháp của quá khứ là mặc kệ dân tự lo cho nên sự hiện diện của Taliban vào 2001 bị chống đối vì chính phủ Taliban không lo cho dân mà bắt dân chúng thực thi một Hồi giáo khắt khe thời trung cổ.

    Trong một bài của UNDP (Cơ quan phát triển của LHQ) “Afghanistan on the brink of universal poverty: UN” cơ quan LHQ báo động vì hạn hán, vì COVID 19 và các xáo trộn trong việc thay đổi chính quyền khoảng 18 triệu dân có thể rớt trở lại vào cảnh nghèo khó, lạc hậu.

    Theo tường trình của UNDP thì trước khi Afghanistan bị Taliban chiếm thì nước này tùy thuộc vào viện trợ bên ngoài. UNDP kêu gọi quốc tế khẩn cấp đóng góp thêm 200 triệu để tránh sự sụp đổ và tránh tai họa xã hội hậu chiến. Nay còn là mùa hè còn trong vài tháng nữa mùa đông sẽ đến và tình trạng suy sụp xã hội có thể còn to lớn hơn nhiều nếu các hoạt động như điện, nước, phi trường, y tế, các dịch vụ công cộng không được duy trì.

    Tình trạng hiện tại

    Hiện tại thì liên lạc với bên ngoài không bị cắt đứt. Hệ thống điện thoại, hệ thống internet (Hoa kỳ đã cấp cho Afghanistan có một hệ thống fiber optic internet rất mới) và sự liên lạc với bên ngoài vẫn tiếp tục. Một số cơ quan vẫn hoạt động bình thường như điện, nước, kể cả cơ quan cấp giấy thông hành. Hơn nữa sau cầu không vận di tản đã chấm dứt, nhiều người đã ùa về các cửa khẩu với Pakistan và các nước khác.

    Mới đây có chuyến bay di tản tiếp tục với hàng không Quatar. Tiểu vương quốc này đứng ra tổ chức cuộc thương thuyết Hoa Kỳ - Taliban. Nay họ tiếp tục làm đầu cầu giữa Taliban và bên ngoài. Chuyến bay này không biết có phải là cầu nối giữa xứ Arập này – Taliban và bên ngoài?

    Vấn đề thiếu tiền mặt bắt đầu thành trở ngại vì đa số dân chúng xài tiền mặt, không thể in tiền trong nước mà phải in tiền in từ Âu châu. Các máy phát tiền (ATM) hết tiền vì ngân hàng trung ương khan hiếm tiền và ngưng hoạt động khi thống đốc bỏ chạy. Thực phẩm bắt đầu khan hiếm vì trở ngại chuyên chở, cho nên đời sống dân thành thị khó khăn.

    Taliban tuyên bố lấy lại vùng Panshjir nhưng các phe chống Taliban tuyên bố họ sẽ vào chiến khu đánh du kích.

    Cùng lúc với nhiều khó khăn vật chất, có nhiều báo cáo cho thấy Taliban đã dẹp nhiều cuộc biểu tình do phụ nữ tổ chức tại các thành phố, hành hung nhiều ký giả và cuộc sống dần bị siết lại.

    Tạm kết

    Taliban khi mới vào có hứa một chính sách cởi mở hơn nhưng liệu việc này có thể thực hiện không vì họ đã dẹp các cuộc biểu tình tại các thành phố lớn như Jallalbad, Herat và Kabul.

    Thành phần nội các tạm thời Taliban cho thấy thành phần bảo thủ, thân Pakistan và bị tình báo IS giựt dây. Một chính phủ lâm thời với 33 ghế mà chỉ có 1 Uzbek và một Tajik không thể nói lên tinh thần hòa giải nhiều thành phần của đất nước nhiều bộ tộc này. Đây là một dấu hiệu cho thấy sẽ có nhiều xác xuất bất ổn trong tương lai. Nhiều thành viên trong quân đội đã biến mất và trở vào du kích. Như vậy Afghanistan có ổn định trong tương lai hay lại có cuộc nội chiến?

    Các nước láng giềng Pakistan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan đã họp để tìm giải pháp mang lại viện trợ nhân đạo và TQ đã hứa giúp $31 triệu. Trung Quốc và Nga là hai nước không đóng cửa sứ quán của họ. Nhưng liệu Taliban có thuyết phục được thế giới công nhận hay không? Các thành phần nội các bảo thủ thân Pakistan này cho thấy nhiều nước tây phương sẽ khó khăn công nhận (ít nhất trong ngắn hạn) chính phủ lâm thời Taliban.

    Với quân số khoảng 75,000 liệu Taliban có đủ sức để quản lí Afghanistan? Họ có thể kiểm soát và việc khó nhất là thuyết phục các thành phần trong xã hội khi mà sự hiểu biết của dân Afghanistan đã thay đổi rất nhiều sau 20 năm đã tiến vào thế kỷ 21? Taliban có thể thuyết phục các nước Tây phương mở viện trợ lại không?

     

    Afghanistan dưới sự cai trị Taliban đang đi vào một thời kỳ bất ổn vì các tuyên bố và hành động bất nhất, và chỉ có thời gian mới cho ta biết câu trả lời.

    ĐXQ

    Diễ Đàn Thế Kỷ

    Không có nhận xét nào